Lúc chiếc xe máy ba bánh của Khả thắng kít ở sân ga thì trời đã nhá nhem tối. Như để chắc ăn, bạn hỏi lần nữa: “Thế là anh không đi được à? Tôi lắc đầu, sâu thẳm đầy tiếc rẻ. Trước khi vào Sài Gòn công tác, vợ đã nhai đi nhai lại ít nhất bảy lần cái điệp khúc tối ngày kia kiểu gì cũng phải có mặt ở nhà. Một cuộc tiệc tẩy trần, là mừng cô em út của vợ về nước sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tận đâu đó. Vợ nói quan trọng lắm, không thể vắng ông anh rể sếp phó hệ thống đường sắt được đâu. Bởi trong bữa tiệc tiếng là chào đón nhưng thực chất là lễ nhậm chức sớm của nhân vật chính vào một sở đã được gửi gắm từ lâu, trong số ba trăm khách ít ỏi, sẽ có những ông A bà C mà anh cần phải tạo được mối quan hệ nếu muốn vào sở lên bộ.
Tôi thì thiết gì cái trưng trổ hình thức ra vẻ thượng lưu, cũng chỉ là trò bán lợi mua danh. Nhưng để gây mối bất hoà trong gia đình thì thật rắc rối. Cứ nghĩ đến gương mặt cau có của vợ cùng chuỗi ngày dài diễn ra chiến tranh nóng lạnh, tôi bất giác rùng mình. Miễn là đừng chiến tranh thì có thế nào với tôi cũng được. Chỉ là chuyến đi bị chậm lại vài ngày, vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng, có hề gì. Tôi rầu rĩ nói cho qua truông: “Có một buổi họp mặt quan trọng không cách nào từ chối được, anh ạ.”
Khả thông cảm vỗ vai: “Thôi để lần sau. Giá kể anh không mắc bệnh sợ máy bay và ngày mai tôi không phải về quê vợ cúng giỗ bà ngoại sắp nhỏ thì chúng mình đi một chuyến. Nội trong ngày là đủ. Ngày kia vẫn kịp cho anh về ngoài ấy họp hành. Năm nào tầm này tôi cũng xuống thăm, nhưng nếu gặp lại anh chắc ông già mừng lắm. Nhưng không sao, hãy còn nhiều dịp. Giờ ta đã nối được liên lạc, đường sá lại rất thuận tiện, muốn đi chỉ cần thu xếp, đâu có gian nan như hồi mình vượt Trường Sơn. Chỉ là… ông già lớn tuổi, biết còn bao nhiêu thời gian. Gặp một lần là coi như ít đi một lần.”
Ông già mà Khả nói ở đây là chú Tám Cò. Gần ba chục năm rồi. Cứ tưởng guồng quay của cuộc đời sẽ kéo người ta vào sâu tít tận cùng của sự lãng quên, giống như tôi có lúc tưởng đã quên béng người bạn cùng trường, người đồng đội cùng đơn vị tên Khả. Nhưng may sao, điều đó chỉ là tạm thời. Những cái chân chất thật tình vẫn còn ở lại. Bởi vào phút giây gặp lại sau rất nhiều năm xa cách, tôi và Khả vẫn ngay lập tức nhận ra nhau…
*
* *
Nhớ lại đêm đó, toa ngồi cứng tàu SE9 từ Tam Kỳ vào Sài Gòn chỉ lác đác người. Nhờ phút ngẫu hứng muốn trải nghiệm toa hạng bét con tàu, tôi được gặp lại người đồng đội cũ tưởng đã biệt mù tung tích.
Lúc đối diện nhau trong khi tất cả hành khách đã yên vị vào chỗ, chúng tôi đứng lặng một lúc, thật khó mà diễn tả được khoảnh khắc sướng vui kì lạ chỉ xảy đến một vài lần trong đời. Khả một tay chống nạng gỗ, một tay lần những băng ghế. Dáng anh liêu xiêu, tưởng như bất cứ lúc nào cũng có thể đổ xuống. Tôi tháo mắt kính, kéo vạt áo lau những khoảng mờ. Gương mặt Khả hồn hậu hiện ra, những nếp hằn xô lại nhăn nheo không giống cười cũng chẳng giống khóc. Chúng tôi cùng lúc gọi tên nhau, buông lời cảm thán: “Trời ơi, là anh đây sao!”
Rồi chúng tôi dìu nhau ngồi xuống, cùng nhắc từng chuyện cũ xưa. Từ buổi ở ga Hàng Cỏ bịn rịn chia tay người thân, những gương mặt tươi xanh mười tám đôi mươi cùng những cái vẫy tay giữa buổi chiều rừng rực ráng đỏ. Hồi ấy Khả đang là sinh viên năm cuối trường Giao thông Vận tải, còn tôi năm ba. Những cậu chàng Bách khoa, Xây dựng chừng năm nhất năm hai, coi trẻ lắm. Chúng tôi gà gật hơn sáu giờ đồng hồ tới Vinh mà không hề biết đó là khoảng thời gian sung sướng sau cùng trước khi vượt Trường Sơn. Lúc ấy đã cuối mùa khô. Đường sá truân chuyên, khắc nghiệt thì không cần phải nói. Lác đác vài ca sốt rét rừng. Những mất mát đầu tiên vì suy kiệt do chuyến hành quân vất vả trong khi ăn uống lại kham khổ. Mỗi ngày thiếu đi vài gương mặt. Chúng tôi đào những cái hố, bọc đồng đội trong những tấm tăng, lấp đất cùng những thẻ tên. Đánh dấu bằng bất cứ cái gì dễ nhận dạng và ghi nhớ. Mỗi lần có người nằm xuống, Khả lại lôi cuốn sổ nhỏ dùng viết nhật kí để ghi tên họ, ngày tháng và mô tả vị trí chôn cất bằng một vài đặc điểm xung quanh.
Bom đạn đã xóa đi nhiều dấu xưa, nhưng sau này quyển sổ vẫn là cứ liệu để Khả cùng những người may mắn sống sót trở lại tìm hài cốt. Và chuyến về miền Trung lần này của Khả chính là một phần của hành trình không có ngày kết thúc nếu như anh vẫn còn sống trên đời.
“Cũng hai mươi mấy năm rồi…” Giọng Khả trầm ấm giữa âm thanh rùng rùng của đoàn tàu chạy lướt qua những khoảng không dân cư, một bên là rừng, một bên là biển. Rồi giữa cơ man kỉ niệm về những ngày đạn pháo dài dằng dặc, cái chết chỉ là trò rủi may, Khả hỏi: “Anh còn nhớ chú Tám Cò không?” Tôi trợn mắt nhìn Khả: “Làm sao mà quên được. Chú Tám là ân nhân của cả tôi và anh. Ông già vẫn còn mạnh chớ?” Khả gật đầu: “Nhớ lần đầu sau giải phóng mấy năm tôi xuống thăm, hỏi chú còn nhớ con không. Hồi trận Tân Trụ cái mạng của con là chú lượm về đó. Ông già lắc đầu biểu nhớ làm sao hết chú hai? Mà cà rỡn chút xíu vậy chớ ông già đâu có quên. Ổng nhìn tôi rồi bất giác hỏi còn chú Viễn giờ có mạnh giỏi?”
Như một miền kí ức miên man chảy…
Nhắc đến chú Tám Cò là tôi nhớ đến hai lần vượt sông Vàm Cỏ Tây. Đêm ấy, khi chúng tôi được đưa hết qua sông thì đã tảng sáng. Phải ém lại, chờ đến chiều sẽ tiếp tục lên đường. Lúc ấy đương mùa nước nổi, cả Đồng Tháp Mười mênh mông biển nước. Cái mênh mông đó gây ra ảo giác không thua gì đi giữa sa mạc, so với cái nóng bức, cái đằm nước lội mưa giá lạnh cũng khủng khiếp chẳng kém gì. Chúng tôi lê từng bước nặng nhọc. Giữa bao la trắng xóa mịt mù chẳng biết bờ bãi, ai nấy đều quay quắt nhớ nhà. Nghe từng đàn chim vịt kêu chiều lại càng thêm nẫu ruột. Rồi bóng tối rất nhanh sụp xuống, nuốt chúng tôi vào khoảng không đen thẳm mà nếu không nhờ vào những bẹ chuối khô kết thành sợi dây dài để nối người sau kẻ trước thì chắc đã tản lạc không biết đâu mà lần.
Rồi không biết tự hồi nào sợi dây chuối chỗ tôi nắm nhẹ dần. Phía sau tôi là Khả. Nhưng không còn hơi sức đâu để ý bởi ngay lúc đó tôi thấy trong người thốt nhiên ớn lạnh, cổ họng khô khốc; tôi khát nước đến hoa mắt dù ở trong bóng tối, cảm giác muốn ói nhưng toàn nôn khan. Cái mối dây chỗ tôi đã bị đứt. Khả và tôi bị tụt lại rất xa, gần như lạc giữa cánh đồng. Tôi ngã khuỵu xuống. Khả kịp đỡ lấy tôi, biết tôi đang hầm hập trong cơn sốt.
Tôi không còn biết gì nữa. Mấy ngày sau khi tỉnh lại trong một túp lều con lọt thỏm giữa bàu lá, nghe Khả kể tôi mới hay mình vừa từ cửa tử trở về. Sau khi tôi đột ngột hôn mê, Khả cõng tôi bì bõm đi nhưng không biết là đi đâu, cứ nhìn sao trên trời và đi như ma dẫn. Qua những cái mả đất nhô cao chồm hỗm, Khả tưởng như có ai đó đang lặng lẽ ngồi nhìn. Khả cứ bặm môi, hai bàn chân vấu đất mà đi, cuối cùng thì cũng gặp ánh đèn leo lét giữa bịt bùng lau lách. Đó là căn nhà của chú Tám Cò. Vạch mắt thấy đồng tử giãn lại lúc tỉnh khi mê, lúc ngủ li bì khi lại lảm nhảm, chú Tám lắc đầu bảo sốt rét ác tính rồi. Xong người đàn ông tặc lưỡi: “Mới đầu hôm vừa có chuyến đưa người xuống cứ, giờ không có xuồng ghe”. Ngẫm ngợi một hồi, nhìn tôi thoi thóp, chú Tám biểu Khả ở lại trông, ông phải đi một chút. Một chút đó là từ nửa đêm cho đến gần sáng mới thấy người chủ chòi quay về. Người ông ướt như chuột lột, tròng mắt đỏ lòm như máu, hai tay run run mở ống tre lấy ra một bọc ni lông. Trong đó là mấy viên quinin kịp cứu tôi khỏi cơn nguy kịch.
Khi trong mình đã khoẻ, tôi và Khả nhờ chú Tám Cò hỏi thăm tin tức tiểu đoàn để trở về đơn vị. Ông già lần khần rồi hỏi: “Tiểu đoàn 1 của 207 phải không? Vậy là may cho hai chú. Đêm đó họ hành quân rồi nghỉ lại cánh đồng tít sâu trong kia. Bị tập kích. Có một rừng tràm thưa chừng hai công đất mà hai chục chiếc trực thăng bao vây, rồi tụi nó câu pháo 105 li. Hi sinh gần hết. Mấy nay thấy êm, người ta cũng vô trận địa tìm rồi. Mà đồng nước mênh mông, mấy ổng lấy mùng lưới kéo gom lại cũng được năm bảy chục xác. Còn cột vào thân tràm kia kìa. Đợi mùa khô mới quay lại lấy đem chôn cất được.”
Còn lần thứ nhì là vào những ngày cuối tháng tư của gần hai năm sau. Trong đợt này chúng tôi vượt sông Vàm Cỏ Tây theo hướng ngược lại, đánh vào Tân Trụ để thẳng đường tiến về giải phóng Sài Gòn. Giữa giăng giăng tàu chiến địch, tiểu đoàn vượt được sông, nhưng trận đánh đã không thành công. Tôi bị một viên đạn luồn qua bắp chân, Khả cũng bị thương nặng. Giữa mịt mù khói lửa, thuốc súng, tôi gượng đi về chỗ Khả rồi cả hai cùng ngất đi.
Khi tỉnh lại, bốn bề lặng phắc, tôi không biết mình đã lịm đi bao lâu. Tôi ấp đầu vào ngực Khả vẫn còn hơi ấm, nghe vài hơi thở yếu ớt; tôi xốc Khả lên vai, lê từng bước giữa màn đêm không sáng hơn cái đêm giữa biển nước Đồng Tháp Mười. Vừa đi tôi vừa lẩm nhẩm một mình. Khả ơi không được chết. Ráng sống để tôi còn trả được cái ơn anh đã cõng tôi qua cánh đồng lênh láng năm xưa.
Tôi cứ đi. Càng lúc càng thấy lưng và chân nặng trĩu rồi khuỵu xuống một chỗ đất mềm nhão. Sau này mới biết đó là một bãi bồi.
Tỉnh lại trong tình trạng đã được băng bó, người đầu tiên tôi trông thấy là chú Tám Cò. Ông già vẻ xanh xao, vắt chéo chân uống nước trà mà mắt cứ nhìn trân trân vào giường bệnh. Nghe tiếng tôi rên rỉ, giọng ông sang sảng: “Cũng còn may lúc đó ròng con nước, chớ nếu không thì hai đứa tụi bây làm mồi cho cá lìm kìm rồi. Số coi vậy mà lớn”. Tôi hỏi tình hình của Khả. Ông già vẻ rầu rầu: “Tánh mạng không sao, nhưng một bên chân dập nát thì ông trời biểu để cấp cho một cái nạng gỗ. Mất máu nhiều lắm, cả hai đứa, cũng may là tao máu O.”
Lần ấy cũng là lần cuối cùng tôi gặp chú Tám Cò vì sau đó không lâu, do những vết thương đều không đáng kể, tôi được sắp xếp lên xe về Bắc. Giải ngũ, tôi về trường học nốt rồi theo tàu đi tu nghiệp tận Đông Âu. Khả bị thương nặng phải ở lại hậu cứ tĩnh dưỡng nên về sau, mà mãi đến ngày gặp lại tôi mới biết Khả lấy vợ rồi ở lại Sài Gòn vì ngoài quê đã không còn ai thân thích. Chú thím, người đã cưu mang Khả từ lúc anh mồ côi cũng đã vào Nam. Họ cùng sống trong một con hẻm thông ra Ngã Bảy xưa, Khả sắm đồ nghề làm sửa xe vá ép ngay đầu hẻm. Cạnh đó vợ anh đặt một tủ bán trà thuốc cho chồng coi ngó, còn mình đẩy xe hủ tiếu chủ yếu bán cho lao động nghèo.
Khả có mời tôi tới chơi, một căn nhà cấp bốn cũ kĩ nhưng gọn gàng, ngăn nắp. Cuộc sống khá giản đơn và đạm bạc nhưng trông cái sắc diện của Khả tôi biết anh đã có một phần đời tự tại, thong dong. Sáng làm, chiều nghỉ thì phụ giúp vợ con. Khả tận hưởng những ngày bình dị không biến động. Tưởng là những ngày tẻ nhạt thì Khả bảo: “Được sống những ngày bình thường đã là điều sung sướng nhất đời”.
Phần tôi sau khi về nước là chuỗi ngày dài vùi mình trong trách nhiệm làm chồng làm cha, gây dựng sự nghiệp của một người đàn ông. Những mối quan hệ hữu danh nhưng không thể không bồi đắp mà theo cách nói của người vợ biết thức thời là không lợi đầu này cũng lợi đầu khác. Những mối quan hệ bạn bè thân sơ dần dà bị thay thế bởi những mối quan hệ trao đổi lợi ích, mà người ta thản nhiên chấp nhận coi thế là thường. Tôi là tôi mà không chắc thật là tôi. Những lần buộc lòng phải đe nẹt kẻ dưới, vỗ về người trên mà mình chỉ là nạn nhân của cái trào lưu tất phải thế. Ngay cả chuyện giờ giấc ăn ngủ, đi đâu, gặp ai, giao du với ai cũng đều nằm trong quy trình, kế hoạch không khe hở, thì đâu là khoảng trống để nghĩ và nhớ về những người trong quá khứ chỉ để biết họ đang sống chết thế nào.
Chờ bóng Khả đi khuất tôi mới lững thững đi vào. Nhà ga khá vắng. Một người đàn ông cao gầy, đen nhẻm, mặc bộ bà ba nâu quần ống thấp ống cao, đeo ba lô cóc bằng vải dù kiểu dây rút trước ngực, tay xách túi đệm mà khi đặt xuống nền gạch phát ra âm thanh xủng xẻng, đang đứng trước quầy.
Gã hỏi chuyến sớm nhất về Thừa Lưu, hạng rẻ tiền nhất, dạ, không cần êm ái hay tiện nghi gì đâu; tôi nhà nông linh hoạt, khỏe lắm, chỉ cần một chỗ ngồi miễn tới nơi là được. Người nhân viên nói thêm gì đó, gã lại gật đầu, dạ, xa cũng không sao; tôi đào đất mỗi ngày nửa con mương, cái lưng vẫn còn xài tốt. Sở dĩ tôi chú ý đến gã vì nhìn cách ăn mặc đó, điệu bộ đó khiến tôi nhớ tới ông Tám Cò năm xưa. Cô nhân viên bán vé còn trẻ, gương mặt hơi bơ phờ trong một buổi tối ế ẩm, xuất một tấm vé đơn. Người đàn ông mở túi cóc lấy ra một gói giấy nhật trình chắc là khoản lộ phí để riêng dành cho việc đi xe cộ.
Nhìn cọc giấy dầy cộp được rón rén đặt lên bàn, gương mặt người nhân viên sa sầm lại. Một xấp bạc lẻ được xếp phẳng, cứ chẵn chục lại được ngăn bằng sợi thun.
“Tôi đếm kĩ lắm, hổng thiếu đâu cô!”
Giọng người nhân viên lạnh như nước đá: “Chú cảm phiền đứng chờ!”
Cô chậm rãi tháo từng bó nhỏ, tay thấm nước bọt tách từng tờ tiền nhẩn nha. Người đàn ông vẫn rất thiện chí chờ đợi. Một lúc lâu cô nhân viên miễn cưỡng đẩy tấm vé về trước. Giọng cô xéo xắt: “Đúng là hạng toa cũng là hạng người.”
Khi ngẩng mặt lên thấy tôi, cô bối rối như người làm chuyện xấu bị bắt quả tang. Gương mặt cô méo mó, miệng lắp bắp: “Chú…” Tôi mỉm cười mua một tấm vé. Trước khi rời khỏi quầy, tôi bảo: “Dù là hạng người nào thì chính họ cũng đang góp một phần nuôi sống hai chú cháu ta.”
Gã ngồi xổm ở góc hành lang chờ, cầm ổ bánh mì khô khốc trệu trạo nhai. Khi tôi đến gã cũng vừa ăn xong. Và đây là cách những người đàn ông một khi muốn bắt quen, tôi mời: “Làm một điếu thuốc nhỉ?”. Gã có vẻ hơi ngần ngại. Nhưng qua cuộc trao đổi bằng ánh mắt, gã quẹt tay chùi vụn bánh mì vào áo rồi đón lấy thuốc tôi đưa. Tôi bật lửa mồi cho gã. Gã kéo một hơi ra chiều sảng khoái rồi tự nhiên mà miệng bật ra lời. “Nói thật với ông anh lâu rồi tôi không được dùng thuốc điếu, từ hồi đánh Pol Pot bên bển, đâu cũng ngoài chục năm rồi.”
Vậy là chúng tôi bắt đầu có chủ đề để trò chuyện với nhau. Tôi và gã lên cùng khoang, là tôi đã chủ ý mua vé ngồi cứng. Trên toa lúc này vắng tanh. Những cái ghế đấu lưng lại với nhau, tôi ngồi đối diện gã, giữa chúng tôi là chiếc bàn gỗ nhỏ. Gã đặt cái giỏ đệm sát vào thành tàu, lúc này tôi mới nhìn rõ bên trong là một cái gầu.
“Hổng giấu gì ông anh, tôi đang đi tìm một vị ân nhân.” Gã nói khi nằm chèo queo trên băng ghế trống, đầu gối lên chiếc túi cóc nhỏ. Rồi vẻ nặng nề tâm sự, gã bảo đi chuyến này vợ con không hay. Gã nói giấu là ở quê đang mùa nước không ai mướn đào đất nên phải lên vùng trên rồi hất hàm về phía chiếc giỏ, ngầm giải thích nguyên nhân phải xách theo công cụ. Gã tặc lưỡi: “Biết làm vậy là bậy nhưng thiệt khó nói hết trong một vài lời”.
Đường dài quá, biết làm gì để giết thì giờ. Nên tàu hoả vốn là chuyến tàu của những câu chuyện. Và đây là chuyện của gã. Không phải một câu chuyện chiến tranh.
*
* *
Giải ngũ về gã đã tròm trèm ba mươi. Má biểu lấy vợ đi. Gã cười hề hề: “Vừa xấu trai vừa có tật, ai mà thèm ưng má ơi!”. Tật mà gã nói ở đây là do mảnh đạn khiến một bên chân khuỳnh khuỳnh. Má nghiêm mặt: “Má không sống đời với bây. Tốt xấu gì cũng phải kiếm một người đàn bà để còn sanh con đẻ cái.” Vậy là gã cưới vợ. Một cô quá lứa nhưng cũng chưa chồng.
Nhà có ba người. Ruộng đất cả thảy hai công, năm nào cũng thất bát vì đồng gò lại nằm trong kẹt. Gã năm lần bảy lượt đòi bán, má cản, có miếng đất cho vững lòng. Gã nghĩ tới mấy lời léo nhéo của kẻ cho nhờ đường nước, giọng buồn bực: “Không bằng làm thuê làm mướn sống.” Má hơi giận: “Chừng nào tới đường cùng, lúc đó bây muốn bán thì bán.”
Giống như điềm báo, mấy tháng sau má gặp trận tai biến. Liệt nửa người. Gã chạy lo thuốc thang không đủ đâu vào đâu, đành phải bán đất. Giá kì kèo được năm chỉ vàng. Giao ba chỉ cho vợ, gã dặn ở nhà lo cho má giùm anh. Gã đóng chiếc ghe tam bản lợp mui, sắm đồ nghề cùng cái máy Kohler xuống sông làm thợ đụng. Từ mài dao mài kéo, sửa máy may, thay phụ tùng. Thi thoảng gã kiêm luôn nghề hớt tóc. Vậy mà gã kiếm khá hơn hồi mần ruộng, ít nhất không ngày nào thiếu ăn.
Khi nào chắt mót được một món tiền ước chừng đủ cho hai người đàn bà ở nhà sống được bao lâu đó thì gã về chu cấp rồi lại dong ghe đi. Lần nào xuống sông vợ cũng dặn: “Anh nhớ lận mấy tép tỏi vô lưng quần. Chứ lóng rày em nghe chuyện bùa ngải, ghê lắm. Có thằng cha nào đi cắt lúa mướn trên Rạch Dốc, dính bùa nghe bị người ta lấy hết ghe bọng, lột hết đồ đạc chỉ còn cái quần xì.” Gã nạt vợ: “Đồ đàn bà dư hơi, rảnh rỗi đi nghe mấy lời đồn đại.”
Mỗi một chuyến về, lần sau gã lại đi xa hơn lần trước. Phải như vậy mới làm ăn được, chứ mấy cái xóm nhỏ như hột quẹt, ai đâu sửa sang đồ đạc hay hớt tóc hoài. Từ những con rạch nhỏ gã đi dần ra sông lớn, rồi tới vùng nọ, huyện kia. Một bữa khi đang cách nhà rất xa thì có tin gửi cho cánh thương hồ chuyền nhau báo gã về gấp, bà già đang hấp hối.
Gã hốt hoảng quay đầu ghe, giựt máy. Đang rối mà máy hết xăng phải tấp lại tàu hàng. Khi đổ đầy bình định nổ máy thì trên bờ một người đàn ông trạc tuổi gã khóc bù lu bù loa gọi với theo. “Anh gì ơi!” Người đàn ông xin đi nhờ ra đường cái đón xe vì ở nhà người vợ sanh khó, đang nguy kịch. Đồng cảnh ngộ, gã cho người đàn ông xuống, ân cần hỏi han. Nói chuyện một hồi thì tự nhiên gã lủi vô bờ, người đàn ông bảo lột quần dài gã lột quần dài, bảo lột áo gã lột áo. Cuối cùng người ta mượn luôn chiếc ghe gã cũng ừ bảo đi đi, về gấp với vợ con anh đi. Thiệt tội nghiệp quá chừng.
Khi cơn mê đi qua, gã chỉ còn lại một mình. Gã nhìn dáo dác cảnh chiều quạnh vắng rồi sực nhớ ra điều gì, gã bất giác gọi má. Từng cơn gió từ sông hắt vào người, gã thấy lạnh tê tái mới biết mình chỉ còn độc cái quần cụt, ghe mất, xóm làng đìu hiu. Gã đứng dậy vừa đi vừa khóc. Đến được nhà nào, gã đều xin hãy giúp gã vài đồng. Gã vừa bị người ta lừa mất chiếc ghe với tất cả tài sản tư trang; nhà xa lút mà gã cần phải về gấp vì mẹ già đang hấp hối. Nhưng tới đâu gã cũng đều bị đuổi đi. Gặp đàn bà thì chỉ đóng cửa xua tay. Gặp đàn ông thì gã bị doạ đánh. “Dân lừa đảo hồi này sao mà nhiều. Hết vợ đẻ con đau giờ tới mẹ chết.”
Gã cứ lủi thủi đi nhưng trong lòng đã không còn hi vọng. Đến một căn chòi đá, nghĩa là đá một cái cũng đủ sập, gã lừng khừng nửa muốn vào nửa lại không. Nơi nghĩ là có cái ăn mình còn không xin được, gã thầm nghĩ. Nhưng đói quá không còn sức, gã đánh liều vào hỏi một chén nước mưa.
Chủ chòi là một người đàn ông trạc sáu mươi. Ông già lấy gáo múc nước mời. Hỏi chiều lạnh mà sao chú em lại cởi trần? Thôi vô nhà cho ấm, gió máy quá.
Căn nhà trống hoác trống huơ và coi ra chẳng được thứ gì đáng giá. Gã òa khóc mà không biết tại sao mình khóc, rồi nấc nghẹn gào một tiếng: “Trời ơi!” Người đàn ông hỏi đầu đuôi, gã kể lại sự tình.
Ông già đưa hai tay vỗ bờ vai đang run lên từng chập của gã, an ủi. Không nói không rằng, ông móc túi áo treo trên vách dúi vào tay gã năm chục: “Lấy tiền này ra lộ cái bắt xe ngay mà về. Tôi đưa chú em qua sông”. Tháo luôn bộ đồ có vẻ như là lành lặn duy nhất, ông già hối gã mặc vào coi chừng ngấm sương cảm lạnh.
Khi hai người toan xuống bến thì ông già bỗng nhiên khựng lại. Giọng ông buồn rũ, mắt nhìn xa xăm: “Ngày mệ tôi mất tôi cũng không về kịp. Cũng không lo được hòm gương cho bà đàng hoàng. Điều duy nhất đó khiến tôi cho đến bây giờ vẫn còn ân hận.” Rồi ông già trở vô nhà, đào hõm đất dưới chân chiếc chõng tre bới lên một hộp nhỏ. Mở gói giấy trong đó lấy ra hai chỉ vàng, ông đặt chiếc khâu vào tay gã bảo tôi cho chú em mượn về lo việc, bao giờ có thì quay lại trả. Rồi cứ thế ông già đưa gã qua sông. Không hỏi quê quán tuổi tên, chỉ thúc giục: “Mau mà về với mẹ.”
Sau này khi gã quay lại được thì chỗ căn chòi chỉ là một khoảnh trống hoang. Người trong xóm biểu ông già ở miền ngoài, đến thuê đất trồng mía, sau khi hết giao kèo đã về xứ. Không ai biết chính xác địa chỉ ông ở đâu, gã lân la nhặt nhạnh từng mẩu chuyện khi ông già sống với xóm giềng thì cũng chỉ biết ông tên Mạnh, sống cạnh một nhà thờ rất gần ga Thừa Lưu…
Gã về đến nhà cũng là vừa kịp lúc. Gã không dám nói chuyện ghe cộ bị mất, chỉ bảo trong lúc gấp rút đã bán mão hết mọi thứ lấy hai chỉ vàng để nhanh bắt xe đò về. Gã nói với tôi: “Là một thằng đàn ông sự vững chãi quan trọng lắm. Mà người vững chãi không thể bị dính vào ba cái bùa mê. Vẫn còn một lí do thầm kín nữa.” Gã hỏi: “Anh nghĩ là còn vì cái gì?” Rồi nhếch môi: “Vì cái sĩ diện đấy.”
Thời gian qua đi, nhiều lần bứt rứt trong người gã cũng muốn nói thật. Lúc đó vợ chồng gã sẽ lo tính làm ăn, kiếm tiền trả lại cho người ta. Có lần gã muốn dò ý vợ nên nói mó mé có ông Ất ông Giáp nào đó là bạn đào đất chung thiếu ai một khoản tiền mà giờ chủ nợ đã chết. Vợ gã thốt nhiên cười sung sướng: “Thật may cho bạn anh.” Gã đâm chán nản cái con người bòn được cái bánh, củ khoai của ai đều lấy làm vui; ra đồng lùa được mấy con vịt lạc đàn thì nói nhảm mấy ngày liền vì khi không lượm được của. Nhưng chung quy có phải tại vợ gã không? Cái nghèo đói cũng khiến người ta hèn mọn. Nhưng không lẽ gã bỏ vợ. Khi cũng chính người đàn bà đó, vừa về làm dâu chưa bao lâu đã lãnh ngay món nợ là bà má chồng bệnh tật; vẫn ân cần chăm lo từng miếng ăn miếng uống, chuyện tắm táp đái ỉa mà vẫn chưa một ngày than phiền. Người đàn bà hay tham của ôi, nhưng lại nhịn mặc nhịn ăn. Chiếc quần thun lên tới gối vẫn không may cái mới, nhưng lại sắm đồ gấm, mua của ngon cho mẹ chồng bồi bổ. Gã cười: “Ở đời vậy đó ông anh. Người tốt không tốt hết, người xấu không xấu hết. Ăn thua người ta xấu tốt với ai.”
Gã nghĩ thì thôi món nợ tính riêng là của mình thôi. Gã dậy sớm thức khuya, ai mướn gì cũng làm, không nề hà việc nặng việc nhẹ. Từ đào đất, rải phân, gặt mướn, cấy mướn đến giăng lưới, cắm câu, bẫy chuột, bắt rắn, đặt đó, kéo chì… Ngoài số tiền cố định đưa vợ chi tiêu, còn lại gã mót máy từng đồng bạc cắc giấu riêng trong cái bình nhỏ. Gã bỏ hết ý thích cá nhân, đến điếu thuốc cũng không dám hút, chỉ ngày đêm mong mau chóng trả được tiền. Mấy lần tưởng đã đủ số thì cũng mấy lần gã cắn răng đập chiếc bình vì thằng con đau ốm liên miên. Đi nhà thương lần nào vợ chồng gã cũng bị mắng như tát nước. Gã không chịu được, luôn bỏ ra ngoài ngồi. Chỉ vợ gã là nhẫn nại bồng con đi hết chỗ này tới chỗ kia, ai chửi gì thì chửi, nặng nhẹ sao cũng được miễn là chịu cứu chữa. Gã làm ra bao nhiêu thuốc men thằng con ngốn hết. Cái đau bệnh nó làm nghèo người ta nhanh lắm, ông anh à.
Rồi gương mặt gã giãn ra, có phần mãn nguyện vì cuối cùng đã đi được tới ngày hôm nay. Ngoài bốn mươi, gương mặt đã già nua, nhưng đôi mắt vẫn rất sáng, gã cười: “Đó chẳng khác nào cái ơn cứu mạng. Bao nhiêu năm qua tôi chăm chỉ làm lụng không phút nào dám nghỉ ngơi. Luôn thôi thúc động viên mình mau lên, tôi thì còn sức, chỉ sợ người ân nhân kia không chờ được.”.
Lúc đó, hiện qua đầu tôi là hình ảnh ông Tám Cò mình mẩy ngoi ngóp. Ông đã lội suốt đêm trên sông Vàm Cỏ Tây, vừa bơi vừa lặn ngụp trốn bọn cá nhái ăn đêm để mang thuốc về cho tôi. Tôi nhớ buổi sáng sau khi tỉnh dậy, người đầu tiên nhìn thấy là ông. Mặt bặm trợn, ông nói như hụt hơi: “Truyền máu cho hai đứa tụi bây xong tao tưởng mình đứt bóng.”.
Người bạn đường vỗ vỗ vào chiếc túi dù, kể hết câu chuyện: “Trong này là hai triệu đồng. Tôi tính kĩ rồi vàng bây giờ một chỉ đâu đó hơn bảy trăm. Hai chỉ vị chi gần một triệu rưỡi. Tiền lãi tôi xin chịu một phân, chưa đầy năm trăm. Người ta tử tế quá thì mình cũng phải làm sao coi cho được. Mỗi tội đi cập rập quá, cả túi đầy chứ toàn tiền lẻ; định ra đây xong sẽ kiếm nơi xin đổi ra chẵn đem trả cũng lịch sự hơn. Thiệt bất tiện quá chừng. Nếu may mắn mà gặp tiệm vàng, tôi cũng xin sắm lại chiếc khâu, mượn sao thì trả vậy”.
Tôi bèn rút một xấp bạc giấy hai mươi tờ nâu đen đưa về phía gã xin đổi tiền. Ánh mắt gã đầy sự biết ơn, tay giao túi tiền bảo tôi đếm lại. Tôi khoát tay: “Tôi tin anh”.
Xế chiều hôm sau tàu đến ga Thừa Lưu. Thời gian dừng chờ là mười lăm phút. Gã xách lỉnh kỉnh đồ đạc đứng lên chào từ biệt tôi.
“Thiệt người đâu tốt bụng quá. Tôi chúc ông anh đi đường may mắn.”
Chân khuỳnh khuỳnh gã bước xuống rồi chẳng mấy chốc đã khuất bóng theo dòng hành khách vào ra. Rồi gã sẽ tiếp tục lò dò hết những ngã bảy ngã ba, tìm hết những nhà thờ gần đây và hỏi thăm một người đàn ông tên Mạnh. Tưởng như mò kim đáy bể vậy mà sao người ta vẫn cứ đi tìm. Còn tôi, có người sẵn lòng dẫn đường cho tôi mà sao tôi còn ngồi ở đây, để đúng bảy giờ tối mai có mặt ở nhà, để thừ người trong một buổi tiệc toàn những người xa lạ. Cái trò phô trương thanh thế đó thì có liên quan gì đến tôi, tôi cũng đâu có muốn vào sở giao thông. Vậy thì tôi muốn gì? Tiếng còi tàu vẫn rú gọi báo sắp chuyển bánh. Tôi đứng phắt dậy rời khỏi tàu.
Người lái taxi tôi ngoắc hỏi đi đâu. Tôi đáp: “Đến sân bay. Nhưng không phải để về Hà Nội.”
Đó là lần đầu tiên tôi đi máy bay. Khi tôi đặt lên quầy cọc tiền vừa đổi của gã hành khách đi cùng toa, nét mặt của người nhân viên bán vé máy bay coi không khác gì nét mặt của người nhân viên bán vé tàu hoả…
HỒ THỊ LINH XUÂN
Nguồn: vannghequandoi.com.vn
Tin cùng chuyên mục:
Mạch nguồn – Truyện ngắn của Quyên Gavoye
Rừng cây nhảy múa – Truyện ngắn của Dương Thành Phát
Tiến sĩ của Đại học Harvard nghiên cứu về thế giới đồng tính trong văn học Việt Nam
Mị Châu – Truyện ngắn của Ngô Tú Ngân