Chùm tản văn của Lưu Thành Tựu ở Bình Dương

Có người nói, cảm nhận cái tết là những ngày cuối năm, cảm nhận những ngày cuối năm không đâu bằng chợ. Ở chợ, những ngày cuối năm thêm cám cảnh nhiều phận đời tha hương cầu thực. Kẻ háo hức bán vội mớ hàng sót lại rồi vội vã lên xe tốc hành kịp xum họp gia đình, người bần thần ở lại trong nỗi nhớ niềm thương về cái tết xa nhà với tâm trạng thẩn thờ lạc chợ để cuối cùng quay về nhà trọ ẩn dật một mình.

Nhà văn Lưu Thành Tựu

GIỌNG CHỢ

 

Những ngày cuối tháng chạp, thời tiết đỏng đảnh cả năm cũng trở nên đằm thắm dịu dàng se sắt bởi chút gió đông sót lại khi mùa xuân hây hẩy ùa về. Dạo quanh vòng chợ, bất chợt nhận ra chợ quê đã khác rồi nhắm mắt hồi tưởng ngày xưa chị Bảy bán mắm ngay ở cửa chợ, cô Năm bán vải thường mặc áo bông, bà Mười ngồi bán bánh đúc, cạnh tiệm tạp hóa cô Hai chuyên bán nhẫn lắc dây chuyên mà bọn trẻ hay ùa ra mua rồi đeo lên lủng lẳng với tâm trạng hĩnh hĩnh trong chiều ba mươi. Chiều ba mươi tôi hay theo má ra chợ, bà tần ngần giữa chợ vì ít tiền nên đắng đót chọn mua mỗi thứ một ít gói ghém đủ ăn trong ba ngày tết. Ở chợ, người bán kẻ mua có cùng âm sắc, cùng phương ngữ trao đổi, người mua đo được tấm lòng người bán, người bán hiểu rõ tâm trạng người mua, bởi người nào cũng gốc gác từ nông dân ra chợ.

Giờ ra chợ nghe nhiều giọng lạ, tất cả tạo nên hợp âm vùng miền sống động, hối hả trong tâm thế tất tả của những ngày cuối năm. Trong hỗn mang âm thanh ấy, lẫn có tiếng va đập chao chát, rồi tiếng chì tiếng bấc, tiếng nan nỉ ỉ ôi xen lẫn tiếng than thở nghẹn ngào. Bất chợt lòng chùng xuống khi chứng kiến hình ảnh và lời nói văng tục của anh trai miền Tây khi điên tiết đập nát các chậu hoa ngay thời khắc giao thừa, để sáng mai về lại căn nhà trống rỗng, anh cùng vợ con gặm nhắm nỗi buồn vì cái tết bẽ bàng theo mùa hoa tha hương. Không biết tự lúc nào, tôi thích nghe giọng nói miền Tây, nghe tiếng mời Chế ơi, Cậu ơi mua giúp dùm em, đến giờ này mà vẫn còn nhóc. Đó không phải lời rao giữa chợ, nó như lời mời của người trong nhà, giống mời nước mời cơm chân thành mà không đong đưa mồm mép, khác hẳn tiếng rao lặp đi lặp lại được cấy ghép nhã ra từ loa phóng thanh.

Chợ quê bây giờ ồn ã, người bán buôn như chim di trú, chẳng biết nơi nao là bến đỗ sau cùng, chỉ trừ dân địa phương. Dân địa phương thường hay vào sạp, thường nói cùng phương ngữ, cùng xưng má xưng con, cùng xưng bảy xưng mười, nếu lỡ mua hàng không ưng đổi lại. Hôm nào ra chợ gặp người xưng má thì thấy thương luôn vì lâu lắm rồi mình không được nghe, nên nỗi nhớ da diết từ đâu ập về. Giọng chợ bây giờ trộn lẫn theo nhu cầu mưu sinh, chỉ cần nhìn thấy hàng bán và nghe qua giọng nói đã khắc họa gia cảnh của họ, họ bỏ lại chồng con mang theo hành trang vào Nam là dư vị quê hương trên đôi quang gánh, vậy nên người bán tàu hủ có giọng nói riêng, người bán mì gõ có cùng âm sắc nên tôi đồ rằng, người bán mì gõ tất thảy miền Trung và không ai nấu ngon bằng họ. Tương tự như vậy, chợ quê bây giờ có thêm bánh pía bánh cam, bánh ú bánh ít được gói cẩn trọng như gói ghém yêu thương của người dân sông nước.

Có người nói, cảm nhận cái tết là những ngày cuối năm, cảm nhận những ngày cuối năm không đâu bằng chợ. Ở chợ, những ngày cuối năm thêm cám cảnh nhiều phận đời tha hương cầu thực. Kẻ háo hức bán vội mớ hàng sót lại rồi vội vã lên xe tốc hành kịp xum họp gia đình, người bần thần ở lại trong nỗi nhớ niềm thương về cái tết xa nhà với tâm trạng thẩn thờ lạc chợ để cuối cùng quay về nhà trọ ẩn dật một mình. Đám sinh viên xa nhà ru ngủ niềm vui về quê ăn tết, túa ra tìm kiếm việc làm thời vụ mong có tiền trang trải học hành. Chị đồng nát, ve chai hẹn trở lại đồng bằng Bắc bộ sau tết, bởi trước và trong tết là mùa mưu sinh vào vụ để bù lại chuỗi ngày khó khăn vất vả trong năm. Thương bà bán vé số cần mẫn mời mọc, thương cậu trai mù đứng hát cải lương, thương mảnh đời cơ nhỡ rồi tự hỏi, không biết trong những ngày này họ có nhà cửa, có quê hương để về?

May mắn tôi có quê hương để về, về thăm lại chợ quê trong những ngày cuối năm, về với thời quá vãng để hình dung má tôi loay hoay giữa chợ mà chẳng mua gì vì không có tiền. Những năm tuổi già, bà cũng loay hoay giữa chợ mà không mua gì vì mắt mờ chân yếu, cốt ra chợ để nghe tiếng người rồi hình dung chỗ này, chỗ kia ngày xưa ai ngồi. Bây giờ má đã về trời, tôi một mình ra chợ nên buổi chợ cũng xao xác theo, như quãng đời xác xao chạy chợ của má. Giờ giọng chợ có nhiều cung bậc, lúc trầm lúc bỗng, lúc da diết, lúc hối hả ngược xuôi. Trong vũ khúc đa âm ấy, tôi tạm gọi đó là giọng chợ mà trong đó có giọng má tôi, giọng bà gọi thằng con khi nó đang nhẩn nha đâu đó quanh chợ, tiếng gọi ấy như từ âm ba vọng về khắc khoải nhớ thương mà cả cuộc đời tôi không thể quên.

Chợ quê. Tranh của họa sĩ Đỗ Phấn

NHÀ CỦA MÁ

 

Vậy là căn nhà của má đang được xe xúc hung hãn quần thảo băm nát như xóa sạch kỷ nhiệm về má. Hắn nhanh tay chụp vội tấm hình căn nhà của má mà nghe lòng trống rỗng, rồi hình dung ngày xưa má ngồi chỗ này, đi lại chỗ kia, chỗ có cánh cửa để má nhìn theo thằng con mỗi bận đi về. Căn nhà của má – căn nhà mà hắn dành dụm tiền bạc xây dựng cho má để an dưỡng cuối đời. Ngày về nhà mới, má mừng rơi nước mắt, hắn cũng âm thầm rơi nước mắt suốt hai năm sau vì phải nghe người ta nặng nhẹ về số tiền trả góp trễ hạn khi mua vật liệu lúc xây nhà. Khổ sở thế nào hắn cũng chịu được, miễn là má vui.

Cả đời của má, ít có căn nhà nào kỷ niệm lâu, thời giặc giã, mỗi lần tản cư quay về thấy cửa nhà chỏng chơ tan hoác. Vậy mà có lúc cũng chẳng phải nhà, chỉ là vuông đệm tá túc đình làng, sân chùa hoặc ẩn vật lắt lay trong ấp chiến lược. Hồi đó quê mình cùng một kiểu nhà, cùng kiến trúc như nhau, nhà nào cũng thấp lè tè, cũng mái tranh vách đất, bước ra bước vô đều phải khum đầu. Hông nhà là cái chái bếp, bên cạnh có khạp nước lu. Riêng nhà má có lò tráng bánh bên cạnh. Bột bánh làm từ khoai mì đem ngâm nên quanh năm có mùi in ỉn. Khi nhà hết gạo, bữa cơm trở thành bữa bánh, bữa bánh ướt, bữa bánh khô nên ngồi vào bàn ăn, bụng đói cồn cào mà nuốt vào không được, chẳng biết đau chỗ nào mà nước mắt cứ rưng rưng.

Bữa nọ má tráng bánh xong thì vội vã ra đồng. Hắn ở nhà chọt ngoáy lò bánh nướng củ khoai lang. Lọ mọ kiểu gì mà lửa bò ra ngoài, bò lên mái tranh bốc cháy làm sáng cả một góc trời chiều. Khi hay tin, má quăng cái cuốc tất tả chạy về, tất tả chạy quanh căn nhà đang cháy mà dáo dác tìm, rồi nhận ra bầy con nheo nhóc mặt mày tái xanh lem luốc ngồi co ro nơi bụi chuối sau nhà. Má ôm bầy con vào lòng mà khóc. Má khóc thật nhiều, má ôm thật chặt, sợ buông lơi con mình lẫn vào tro than mà bay lên trời. Từ đó về sau, suốt tuổi thơ của hắn, cháy nhà là nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Rồi thời gian trôi như bóng câu nhưng căn nhà của má vẫn cứ vẹn nguyên như vật kỷ niệm. Bao lần hắn định xây lại căn nhà nhưng má can ngăn bảo đời má như vậy là đã đủ đầy. Có điều, căn nhà giờ đây trở nên ọp ẹp, lẩn khuất trong các căn hộ cao tầng giăng mắc ngổn ngang như tơ nhện mà thấy chạnh lòng. Đến khi cuối đời, căn nhà kỷ niệm nghe được hơi thở yếu ớt của má trút xuống trong đêm mưa gió trở trời để chìm vào giấc ngủ thiên thu. Ngay ngày hữu sự, hắn dạo quanh căn nhà quấn tang cây xoài, cây mít, quấn tang cho con chó, con mèo… Và mọi thứ buồn tênh cô độc, kể từ ngày má hắn đi xa… Ngày thằng Út xây lại nhà mới, máy cào máy xúc vô tình hất tung kỷ niệm mấy chục năm qua, với má.

Rồi trên nền nhà cũ, thằng Út xây lại căn nhà cao tầng nên má được thờ phụng ở tận lầu 3. Má ngồi một mình trên cao nhìn khoảng không ngơ ngác mà thèm được nghe tiếng người, tiếng bước chân qua lại, tiếng trẻ nô đùa bên nhà hàng xóm vọng sang. Mỗi lần nghe tiếng con cháu bước lên cầu thang là má mừng thầm, vậy là chúng đến với má, nhưng bên má thắp vài nén nhang rồi quày quã bỏ đi như cái nghĩa phải làm, ít lâu sau cái nghĩa cũng quên nên lầu 3 đã vơi dần nhang khói, không khí lạnh lẽo bao trùm. Mỗi lần về nhà, hắn chạy thẳng lên tận lầu 3, hắn ngồi với má rất lâu nhưng không tìm đâu căn nhà của má. Dù sang trọng nhưng hắn thấy xa lạ, chắc má cũng xa lạ, giá như ngày xưa còn căn nhà cũ, hắn thường thấy má ngồi ngay bậu cửa dõi mắt nhìn con mỗi bận đi về.

Ngày má mất, hắn chôn má ở tại nghĩa trang có hàng ngàn ngôi mộ. Vì quy hoạch tương đồng nên tất cả ngôi mộ buộc xây dựng giống nhau, không giăng mắc ngổn ngang như tơ nhện. Vậy là lần nữa hắn lại xây nhà cho má, nhưng lần này không vui bởi gạch đá giờ đây cũng đã biết buồn. Mỗi năm vào ngày giáp Tết, anh em của hắn lại đi tảo mộ, sửa sang nhà má thêm phần khang trang. Dù có người làm thuê, nhưng hắn muốn tự tay sơn phết, tự tay dọn nhà cho má, chưng lại cho má vài cây vạn thọ – loài hoa má thích và hay mua chưng trong mỗi dịp xuân về.

Chiều nay cũng vậy, hắn ra nghĩa trang giẫy mộ trong chiều cuối năm. Vào những ngày này, dòng người đến đây lũ lượt chen chân cùng khói nhang bay lên bảng lảng. Sau khi lau dọn và cúng kiếng cho má, anh em nhà hắn vái thỉnh má về ăn Tết cùng con cháu trong 3 ngày xuân. Nhưng về nhà đứa nào trong 3 ngày Tết, hay về nhà của má, nhưng căn nhà của thời quá vãng nay còn đâu! Bất hiếu nhi đê đầu tạ lỗi với má.

Tranh của họa sĩ Trần Thắng

 

TẮM CHO BA

 

Hồi còn nhỏ, thằng con thường xuyên được ba tắm cho. Mỗi lần được ba tắm, thằng con thỏa thích vung nước tung tẩy rồi thích thú cười rần làm ba cũng cười theo. Đến khi ba cầm xà bông Cô Ba trên tay thì thằng con chạy la chí chóe, bởi kiểu gì mắt mũi cũng cay. Đến đoạn ba bắt thằng con chổng mông kì cọ là ba vỗ đít. Mười lần như một, ba vỗ đít là công đoạn sau cùng.

Việc tắm thằng con không phải nhiệm vụ của ba nhưng ba giành làm. Ba giành với má, ba giành với cả năm chị trong nhà. Hôm nào ba bận, má tắm con vừa hối vừa la vì sợ cháy nồi cơm. Hôm nào các chị tắm cho là hôm đó đất trời vần vũ, thằng em lỡ tay vung vít ướt áo các chị thì các chị quát la. Thằng em cũng chẳng dạng vừa, lập tức nhảy lên câng câng khóc thét, đôi mắt đảo như lạc rang nhìn ra đầu ngõ mong ngóng ba về. Ba về đánh đòn các chị, ít ra trả được thù này.

Lớn thêm chút nữa, ba dắt thằng con ra suối tập bơi. Mỗi lần tập bơi, ba buột cái bình năm lít sau lưng thằng con rồi kéo ra giữa dòng. Lần đầu còn sợ, nhưng những lần sau thằng con thích thú ngọ ngoậy trong làn nước mát. Tháng sau ba tháo cái bình, thằng con bơi lội như con rái cá. Đến khi lên bờ, ba đi xách nước tắm lại cho con, lấy xơ mướp xơ dừa chà lưng chà cổ, chà tay chà chân rồi than vãn sao để dính nhiều phèn và cuối cùng là vỗ mông dứt điểm.

Khi lớn thêm chút nữa, bữa nọ con đi đá banh với đám bạn thân, chạy nhảy thế nào mà con gãy chân bó bột phải nhờ ba tắm gội. Suốt một tháng trời, ba canh mỗi chiều chạy về tắm rửa cho con. Một tay ba dìu đỡ, tay kia xách nước lấy khăn, thấy vậy cả năm bà chị tỏ vẻ xót thương nhưng những lúc này đều tỏ ra vô dụng. Nhớ lần tắm sau cùng, ba không vỗ mông dứt điểm mà bảo cố đi trên đôi chân của mình vì bây giờ đủ lông đủ cánh. Vài năm sau đó, thằng con đủ lông đủ cánh bay ra khỏi nhà tìm tổ ấm riêng nên chữ hiếu cho ba, thằng con vay mượn ở các chị mình.

Cuộc đời có nhiều bước ngoặt nên cũng nhiều biến cố xảy ra, có lần thằng con lâm bệnh phải mổ nên tắm rửa khó khăn. Mặc dù có vợ, nhưng thằng con ao ước giá như ba khỏe để đến tắm cho mình. Thèm được ba kì cọ, thèm mùi xà bông Cô Ba, thèm lời than vãn sao chân dính nhiều phèn và cái vỗ mông dứt điểm. Mà nghĩ cũng lạ, lúc không đi được lại muốn chạy về bên ba.

Rồi một bữa nọ thằng con tất tả chạy về bên ba trong hốt hoảng. Các chị liên tục báo tin ba bị tai nạn giao thông khi băng ngang qua đường. Đất trời như sập đổ, quá khứ tuổi thơ cứ hiện về lạnh buốt xót xa. Khi về đến nơi, ba được người ta đắp chiếu, rồi bà con xung quanh lặng lẽ đứng nhìn, xót thương khi thấy thằng con ẵm ba vào nhà, dáng thằng con liêu xiêu đau đớn dù đất bằng nhưng hụt hẫng chông chênh.

Và như một phép lạ, thằng con cứng rắn mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho năm chị trong nhà. Đặt ba lên giường, dù có nhiều người giúp nhưng thằng con giành phần được tắm cho ba trước khi tẩm liệm. Khi vuốt ve thân thể nhỏ thó của ba, thằng con đau đớn tột cùng. Rồi thằng con gội đầu cho ba, lau mặt cho ba, đến đoạn lau máu tay chân thì thằng con bật khóc vì nhớ cảnh ngày xưa ba lau phèn cho mình. Đến công đoạn cuối, thằng con hôn lên trán ba mà thầm thì câu gì chẳng ai nghe được nhưng ai cũng hiểu đó là lời yêu thương thốt lên tận đáy lòng!

Tắm cho ba xong, thằng con đi ra chái bếp ngồi khóc một mình. Hôm ấy bầu trời xám xịt, mây đen vần vũ và mưa gió tả tơi.

LƯU THÀNH TỰU

Nguồn: vanvn.vn