Từ nhà tôi nhìn ra trước mặt là dãy Đông Triều quanh năm mây phủ. Một tháng họa hoằn lắm mới có vài ba ngày trời trong nhìn rõ ngôi nhà ngói nằm chon von triền núi. Ngôi nhà ấy có người ở không? Bọn bạn cùng xóm cam đoan ngôi nhà ấy bỏ hoang chứ đất dưới thị trấn thiếu gì sao phải mò lên tận đấy dựng nhà cho nhọc. Công dựng nhà trên đấy phải bằng mua đôi gian tập thể mỏ dưới này, sao phải khổ. Tôi nghe cũng có lí, nhưng vẫn ngờ, bởi thi thoảng vào đêm sáng giăng vô tình nhìn về phía núi thấy ngôi nhà như có ánh lửa bên trong, bập bùng, bập bùng. Lửa cháy thì chắc chắn phải có người ở. Hay của người gác rừng đêm lạnh vào trú nhờ gom củi sưởi. Hay nữa của công nhân làm ca trong mỏ về mệt tạm dừng chân trước khi xuống núi. Hay nữa của chính chủ ngôi nhà thắp lên cho đỡ tẻ. Để người dưới thị trấn biết đâu đó giữa âm u chướng khí kia vẫn rơi lại một con người đang sống.
Tôi đem chuyện ngôi nhà trên núi ra hỏi bố lúc ông đang bật lửa mồi đóm hút thuốc lào. Mùi dầu từ bật lửa tỏa ra hăng hắc. Đóm cháy gần tàn ông mới ngớ ra dụi vào thành bát. Mở túi bóng véo thuốc nhồi vào nõ điếu – giật mình thuốc cũ đã hút đâu. Ông thở dài với dưới gầm bàn lên chai rượu trắng mới mua tối qua ở nhà bà Đền rót lưng chén hoa hồng tợp hơi cạn đặt cạch xuống. Mắt ông bị hút đắm về phía núi. Núi sáng sớm cuối đông qua khung cửa nhỏ chỉ có mây trắng bay la đà ngái ngủ. Tôi sốt ruột chờ đợi. Mãi rồi ông bảo ngôi nhà ấy là của chú Phù, người trong thị trấn gọi là Phù hấp…
Chú Phù kém bố tôi vài tuổi. Ngày bố đi bộ đội về cũng là ngày chú Phù thêm một lần đi bộ hơn mười cây số lên huyện nộp đơn xin nhập ngũ ra biên giới chiến đấu, Tây Nam hay phía Bắc đều được cả, nấu cơm gánh nước đều chấp nhận. Người ta tiếp dửng dưng, pha lẫn chán nản, nói khéo cho chú về, bảo ghi nhận nhiệt huyết của chú nhưng ở hậu phương sản xuất của cải vật chất viện trợ cho quân đội đánh giặc cũng là chiến đấu chứ kém cạnh gì. Còn đơn cứ để đấy, khi nào thích hợp sẽ gọi, không lo. Chú buồn bã chẳng chào cứ thế ra về, mười mấy hai mươi đơn tình nguyện viết ra gửi đi đều rơi vào cõi vô tăm tích cả. Lá đầu chú viết lúc miền Nam vừa giải phóng, bằng máu chích từ ngón trỏ và giữa tay trái; lá vừa gửi đi khi đất nước đã thống nhất được dăm năm rồi, bằng mực Cửu Long màu đen. Ngày ngày, chú nhìn đoàn người rầm rập khẩn trương kéo qua thị trấn nơi đường 18A ra Ka Long, Móng Cái mà ước ao một lần được mặc vào người bộ quần áo lính màu xanh lá.
Cũng có lần khi đoàn xe dừng nghỉ ở rìa thị trấn chú xin mấy anh lính cho lên xe đi cùng ra biên giới, ngồi nép trong góc thùng xe, lẫn vào cây lá ngụy trang cắm hai bên thành. Mấy anh lính trẻ đồng ý, nhưng cũng chỉ đến được mạn chùa Trình ở Yên Tử thì bị chỉ huy phát hiện, sau một hồi hỏi han xem có phải gián điệp không thì dọa vài câu xua tay đuổi về. Cánh lính cười vẫy tay chào hẹn ngày trở lại tạt qua thị trấn nhất định sẽ kể cho chú nghe chuyện ục nhau với giặc Tàu thế nào. Chú tin vào lời hẹn ấy, nhất định chờ. Xong lại lầm lũi đi bộ từ chùa Trình về lại thị trấn, hai chục cây, gấp đôi mọi lần lên huyện nộp đơn tình nguyện. Nhưng hôm nay chú đi nhanh hơn mọi hôm, vui nữa, vì quãng đường ngắn ngồi lẫn vào với toán lính chú đã được ngửi mùi mồ hôi nồng nồng quện lẫn với mùi hồ mới nơi quần áo, ba lô họ, nói những câu chuyện thoáng qua không đầu cuối về gia đình, người yêu, món ăn đồng quê, sự quyết tâm được thể hiện nơi trận tiền. Lính trên xe quê đều Hải Hưng, ở các huyện Cẩm Bình, Phù Tiên, Châu Giang, Mỹ Văn, Nam Thanh, Tứ Lộc… Xe đón lính từ các huyện đưa về hội quân tại thị xã Hải Dương rồi đưa đến các địa điểm huấn luyện trước khi chia về đơn vị, vào Nam sang giúp nước bạn Campuchia chống chế độ diệt chủng hay bám chốt các điểm cao phía Bắc chẳng ai biết trước, “lính mà, được ngày nào xào ngày ấy, nghĩ đếch gì nhiều”.
Trong lúc nói chuyện cánh lính tránh nhìn vào khoảng tối hũm nhăn nheo nơi đáng ra là con mắt bên phải của chú Phù. Ai cũng hiểu lí do chú không được vào lính nhưng chẳng ai nỡ nói ra.
Lần gặp chú Phù ở sân huyện đội là lúc bố tôi từ chiến trường ra làm thủ tục chuyển ngành về mỏ than Mạo Khê. Chú Phù nhận ra bố trước, gọi váng lên: “Anh Hải, anh Hải về phép à, em Phù đây, anh về phép lần này lâu không”. Bố ôm chú, năm bố đi chú mới chỉ đứng đến ngực, người gầy nhẳng cà kheo mà nay cao vổng, bắp chân bắp tay chắc nịch như thân gỗ chống lò rồi. “Lấy vợ chưa Phù?” “Vợ con gì anh, em làm đơn xin đi lính bao lần rồi chưa được.” “Ừ… thôi mình về. Xóm láng dạo này có gì mới không? Chiều rảnh anh em mình xuống dưới đồng Lễ tát ít cá tối uống rượu.”
Trên quãng đường mười cây số từ huyện đội về thị trấn, chú Phù kể hết nỗi ấm ức của mình cho bố nghe. Bố cũng kể cho chú bao câu chuyện trong chiến đấu, từ lạc rừng đói lạnh không sợ biệt kích, thú rừng, chỉ sợ về đơn vị đột ngột anh em đứng gác không nhận ra nổ súng bắn nhầm. Ở trung đội bộ binh V chẳng đã có trường hợp lạc rừng nhặt được mũ sắt đội vào, lại về lúc nhập nhoạng tối, chẳng hô hét gì, lính tưởng biệt kích rình rập, AK – 47 điểm xạ hai viên gục ngay, lúc chạy đến đã thoi thóp trút hơi, người chết đã khổ người sống còn khổ hơn. Hay như trong chiến dịch chôn đồng đội giữa đêm, hôm sau quay lại tìm chẳng thấy xác đâu, không rõ mình lạc đường hay bom đạn xáo xào thêm lần nữa. Hay có trường hợp anh em du kích vùng giáp ranh ngồi với bộ đội chủ lực cười nói vui vẻ, bông phèng đủ thứ đấy mà lúc sau đã xuống tàu biển di tản đi Mĩ… Cuộc đời chẳng biết đâu mà lần, chiến tranh sống chết dạy con người ta nhiều nhất là lòng vị tha, điềm tĩnh trước mọi sự.
“Thật lòng anh nghĩ em có được đi lính không?”
Trước lúc bố rẽ vào ngõ về nhà chú Phù đột ngột nắm tay bố hỏi. Phải tin tưởng bố lắm chú mới hỏi thế. Mắt chú chạm mắt bố hoe lửa, dứt khoát. Nắng tháng sáu rừng rực thiêu đốt trên đầu. Con chim sẻ đảo mình chao nhanh từ trên cây hoa hòe xuống mấy bụi dong riềng đỏ mất hút. Hàng bạch đàn cạnh ao của nhà ông Đố chặt từ khi nào, chỉ còn trơ gốc và đám cành nhỏ bươn mình lòa xòa vươn lên. Hàng bạch đàn ông Đố trồng trước ngày bác Vân, con trai ông lên đường vào Nam chiến đấu, bảo để dành sau này cho nó về dựng nhà lấy vợ. Bác Vân hơn bố tôi một tuổi nhưng vẫn mày tao. Bác Vân nhập ngũ trước bố tôi năm rưỡi, ngày bố chuẩn bị lên đường cũng là ngày ông Đố nhận được giấy báo tử con trai: liệt sĩ Trịnh Văn Vân, hi sinh tại mặt trận phía Nam, cấp bậc: binh nhất, chức vụ: quân khí tiểu đoàn, mai táng tại nghĩa trang riêng của đơn vị. Buổi tối ngày xóm làng tiễn bố đi cũng là lúc mọi người sang an ủi đằng nhà ông bà Vân. Sáng ngày lên đường bố thắp hương gia tiên ở nhà rồi sang thắp hương cho bác Vân. Ông bà Đố ôm bố khóc dấm dứt, nhắc đi nhắc lại lời nhờ vả vào trong Nam nhớ để ý em nó, nhỡ đâu người ta báo tử nhầm thì sao, tên người như thế nước Việt thiếu gì. Bố nghe, ậm ừ vâng.
Tình huống ấy cũng có phần nào giống tình huống bây giờ. Bố muốn nói thật nhưng cũng sợ nói thật. Nói dối lại chẳng đành. Cũng may lúc ấy bà nội ra hái rau nhìn thấy hét lên, nước mắt ngắn dài chạy ra. Bố lật đật chạy vào, hẹn với lại chiều nhớ ở nhà đi tát cá. Bố lẩn tránh câu trả lời. Bố bảo vẫn như thấy ánh mắt chú Phù bỏng rát sau lưng mình…
“Cuối cùng bố có trả lời chú Phù không?”
Bố tôi đã uống sang chén rượu thứ ba, mắt li ti tia vằn đỏ, tay véo dứt thuốc lào ra khỏi túi rồi lại nhét vào chẳng hút. Nắng đã lên nhưng chưa đủ để xuyên qua tảng mây trắng dày để làm lộ ra sườn Đông Triều sẫm xanh – nơi có ngôi nhà ngói bám víu cheo veo. Mà nói là nói thế, chứ kể cả nắng có xuyên mây nhưng còn sương giăng bám lởn vởn cây cối cũng không thấy được ngôi nhà. Phải có gió nữa, gió xua tan mây tan sương, gió trả về cho núi cái khung cảnh khỏe khoắn vốn mang không ngụy trang.
“Có. Bố nói dối chú Phù!”
Buổi chiều đi tát cá ngoài đồng Lễ chú Phù lại hỏi bố đúng câu lúc sáng: “Anh xem em đi lính được không?” Con rô phi trong tay bố quẫy mạnh lao vụt lên rơi xuống đám cỏ bợ chân ruộng miệng ngớp ngớp tìm hướng bươn. Mặt chú Phù lem nhem bùn đất quệt dọc quệt ngang. Quần đùi xanh bộ đội bạc phếch với miếng vá to bằng bàn tay, vải nâu xỉn, cạnh đùi trái. Cá nhét vào bao dứa chắc đã đủ cho mấy bữa, nhưng nhiều đâm ham, hai người vẫn bắt.
“Cá chọn con to thôi, nhiều ăn chẳng hết đâu. Diếc lắm xương mày bắt làm gì. Trên kia tao bắt được hai con rắn ráo nhơ nhỡ rồi, cố kiếm con nữa băm chả lá lốt. Trưa lục chạn bát liễn mỡ đầy đặc, tóp đông vàng mặt thèm thật.” “Vâng, mà anh thấy em đi lính…” “Đi được, yên tâm. Cái thằng này cứ hỏi nhiều…” Tôi hình dung bố nói không nhìn vào bên mắt hỏng co rúm, nhăn nheo, trũng sâu của chú. Lời nói cứ thế trơn tuột bơi ra khỏi miệng. Bố giờ cũng giống với bao người dối chú xung quanh chẳng hơn. “Thế hôm nào anh lên huyện đội nộp đơn với em. Anh lính giải phóng Sài Gòn về có uy người ta mới sợ.” “Ừ, mò nhanh tay lên, chiều sang tao cho đôi quần đùi, mặc thế kia thì đứa nào nó thích mày được.”
Bữa tối hôm ấy có cá sộp nướng ăn kèm rau thơm, hoa chuối, chả rắn ráo bằm lá lốt thơm nức, cá chép nấu dưa chua và rượu trắng bố chôn ngoài vườn ở lần về tranh thủ sau ba tháng tân binh. “Nếu con về thì tự đào lên uống. Nếu nhận giấy báo tử thì đào lên cúng con đôi chén rồi mẹ lấy mà ngâm địa liền bóp chân.” Bố về, nhà may, nhưng quanh xóm chẳng có nhiều người may mắn thế. Vân, Toan, Giang, Nam, Hòa đều đã nhận giấy báo tử, hi sinh tại mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang đơn vị. Khổ nhất đáng lẽ người ta báo lẻ tin ra, chia ra mà báo cho nỗi đau ngơi được tí nào hay tí đấy, nhưng không, Giang, Hòa, Toan đều được báo cùng một ngày, tiếng thét đầu xóm thoáng cái đã lan xuống cuối xóm. Lê thương binh nặng vẫn đang nằm điều trị ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Bố về lần này nữa thì xóm chỉ còn chú Sơn chưa biết tin, chẳng rõ hi sinh hay mất tích, lá thư cuối cùng nhận được vào đầu năm 73, ghi ở Đức Lân, Mộ Đức, Quảng Ngãi, với mấy dòng chung chung báo vẫn khỏe, kháng chiến đang trên đà thắng lợi, dặn ở nhà yên tâm.
Mâm cơm vỏn vẹn bốn người, ông bà nội, bố, chú Phù. Bà Váng mẹ chú Phù lấy cớ đau chân không sang. Mừng sum họp đáng ra vui nhưng sao cứ buồn buồn tủi tủi. Ba ngọn đèn dầu vặn nấc to nhất nhưng gió lùa vào cứ phần phật đổ nghiêng leo lét. Tiếng cú đêm rúc lên từng hồi ở cây gạo gai đầu xóm. Nghe như trong gió có cả tiếng hờ, nỉ non, oán trách hòa lẫn với mùi hương thoang thoảng. Ông nội uống nhanh chén rượu, và lưng cơm bảo mệt vào buồng đóng cửa nằm. Bà nội nhìn bố, vui thì có vui nhưng sao ánh mắt vẫn vơ vẩn buồn. “Mày về bố mẹ vui rồi, nhưng đi loanh quanh xóm làng ít thôi con ạ. Cả lứa đi…” Bà nội bỏ dở câu nói, miếng chả rắn trong miệng bố hóa đắng. Bố hiểu điều bà muốn nói. Chỉ có chú Phù từ đầu bữa đến giờ vẫn oang oang nói cười hỏi han, uống rượu từng tợp cạn đáy.
Đến lúc chú Phù ngà ngà say nói to hơn bình thường thì ông kẹt cửa đi ra. “Phù, nói nhỏ thôi, bác không ngủ được.” Bố biết từ nãy đến giờ ông nào có ngủ. Tiếng trở mình qua lại của ông giúp bố đoán ra điều ấy. Ngay từ lúc bố bước vào nhà khi trưa, ông đã vội vàng ra cổng nhìn hai bên xem có ai không rồi khe khẽ khép cổng, cửa lại. Chỉ đến lúc ấy ông mới yên tâm nhìn bố thật kĩ, sờ nắn hai chân hai tay, hỏi xem có bị thương ở đâu không, chuyến này về phép hay ra quân chuyển ngành về hẳn, giải phóng mấy năm rồi sao giờ mới về, tưởng mày sang Campuchia đánh nhau với Khmer Đỏ luôn rồi chứ. Xong ông lườm bà bảo sao hét lên thế, nó về thì cũng về rồi, khe khẽ cái miệng lại, mình vui phải để ý xung quanh…
Cho đến lúc chú Phù ngật ngưỡng đi về với đôi quần đùi ông mới yên tâm nằm im không trở mình nữa. Bố dọn bát đũa ra giếng cho bà rửa xong quay lên nhà ngồi rót rượu uống tiếp. Trăng lưỡi liềm cong vút treo chênh chếch trên cao. Sương buông xuống lành lạnh. Gió xốc qua xốc lại xào xạo cây lá như có người giận dữ vạt tay từng hồi mạnh. Bố để ý càng về khuya tiếng nỉ non rầu rĩ càng vang vọng, đầu tiên nghe tưởng cuối xóm, nghe kĩ lại như đầu xóm, lúc nữa nghe như từ nhà đối diện – nhà ông Đố.
Nhà ông Đố, bà Váng chuyển về thị trấn cùng một ngày, đợt ấy vào những năm bảy mươi nhà trong xóm còn lèo tèo lắm. Phải đến chục năm sau mới gọi tạm đông, đủ số nóc nhà để cấu thành nên một xóm độc lập, lấy tên Công Nông.
Ông Đố bà Váng họ hàng con chú con bác với nhau, cùng quê Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Đông. Quê nghèo, đất chật, làm ăn khó, đại gia đình hơn mười hộ bìu ríu nhau lên Đại Từ – Bắc Thái làm chè. Làm chè hơn chục năm, hai phần ba số hộ kéo nhau xuống Hải Dương làm ở nhà máy sứ. Làm vài năm thấy nghe bảo ngoài Quảng Ninh đất rộng dễ sống, đoàn người lại chia nhau đi lần nữa. Đến Quảng Ninh còn bảy gia đình, nhà ông Đố và nhà bà Váng chọn ở lại Mạo Khê, đầu tỉnh, bảo đi xa quê đến thế này thôi, sau này ngộ ngỡ chết còn gửi được nắm xương tàn về với tổ tiên, còn nếu không gửi xương cốt được cũng thuận tiện cho con cháu về giỗ họ Trịnh rằm tháng giêng hằng năm. Năm gia đình tiếp theo hai gia đình dừng ở mạn Uông Bí – Vàng Danh. Hai gia đình đi tiếp, mê cảnh biển nước mênh mông dừng Hòn Gai. Gia đình trẻ, chưa con cái gì thì quyết định lấy Cẩm Phả làm đất dừng chân.
Chồng bà Váng chết vì cảm tả ở Bắc Thái, lời cuối dặn đi dặn lại thế nào cũng phải cho thằng con trai duy nhất tòng quân, làm tròn nghĩa vụ với quê hương đất nước. Chứ làm trai chôn nhau cắt rốn ở mảnh đất Tốt Động, Chúc Động, nơi nghĩa quân Lam Sơn “xơi tái” năm vạn giặc Minh năm 1426 mà ở nhà núp váy vợ thì hèn yếu lắm, coi sao được. Đời ông thì qua rồi, tiếc mới chỉ được làm dân công tải gạo Điện Biên, không được cầm súng chiến đấu, cũng không rõ mặt mũi thằng Pháp méo tròn trắng đen thế nào.
Tròn ba năm bà sang cát, đùm dúm mang hài cốt chồng về quê an táng trên thửa ruộng cạn quanh năm thiếu nước thắp hương kính cáo rồi lại đi. Hứa thế nào cũng phải cho thằng Phù đi bộ đội, làm đơn từ mười sáu tuổi đi được đi ngay. Nhưng người tính chẳng bằng trời tính, Phù theo mẹ vào nhà máy vẽ hoa trượt chân ngã vào đống sứ vỡ hỏng một mắt. Ước mơ chiến trận của người mẹ thương con nguội dần. Chỉ có bản thân Phù dù thế nào cũng không chấp nhận ở nhà, làm một công việc lao động bình thường nào đó rồi sinh con đẻ cái nối dõi tông đường. Sự nối dõi của chú phải được chính thức là lính đứng trong hàng ngũ, chiến đấu thực thụ chứ không làng nhàng dân quân tự vệ xóm.
*
Sáng hôm sau chú Phù sang từ sớm rủ bố lên huyện gửi đơn tình nguyện. Chú hi vọng với uy tín lính chiến thực thụ, vừa từ chiến trường trở về của bố có thể khiến cho mấy ông huyện đội sợ mà đồng ý cho chú nhập ngũ. Đơn chú đã viết mới ngay trong đêm, kí tên loằng ngoằng bằng máu. Nay chú mặc quần tuýp đen bạc phếch ngả sang màu xam xám, áo xanh hai túi công nhân sơ vin cài bút, đầu đội mũ cối, nách cắp đôi giày vải hơi há mõm, sợ đi bộ từ đây lên huyện hỏng mất, lúc nào đến nơi mới bỏ xuống đi.
Bố mặc quần áo bất đắc dĩ đi theo.
Quãng đường mười cây số bình thường hành quân thấy ngắn mà nay thấy dài và mệt mỏi quá. Bố biết trước ở huyện đội người ta sẽ nói thế nào, thêm một lần nhận đơn, thêm một lời hứa ra về khi có đợt tuyển quân mới sẽ gọi. Đấy là trường hợp khả dĩ, còn không, nay có bố người ta sẽ huỵch toẹt ngay rằng biết mà còn nuôi hi vọng hão huyền cho em nó, không khuyên giải yên tâm ở nhà làm ăn nuôi mẹ già thì thôi…
“Hay thôi mình đừng đi nữa Phù!”
“Ơ, sao lại thôi, anh phải giúp em nói với người ta…”
“Ừ… nhưng…”
Chú Phù không cảm nhận được từ “nhưng” trong câu nói của bố. Chú mải miết đi dọc quốc lộ 18A tìm cho mình một cơ hội. Hai cái bóng, ba con mắt nối nhau im lặng tiến về phía trước. Chốc nữa thôi lại ba con mắt, hai cái bóng kéo nhau lầm lũi cay đắng trở về. Lần này người ta không còn kiên nhẫn nhận đơn và hứa hẹn nữa, trả lời thẳng chú không đủ điều kiện nhập ngũ kể cả khi có tổng động viên.
“Giá từ đầu anh nói thẳng mắt mũi em thế chẳng đi lính được đâu…”
*
Sau khi bà Váng mất chú Phù dỡ nhà cũ, cái gì dùng được tẩn mẩn ngày vài chuyến chuyển lên lưng núi dựng nhà mới. Việc chuyển nhà của chú cũng được tính toán rất kĩ, ban đầu phát đường mòn, chọn khoảng tương đối bằng phẳng san nền, đào móng, thồ gạch ngói, riêng vôi chú đào hố rộng ở chân núi dẫn nước từ suối vào. Xà nhà, chấn song cửa sổ sang núi Bảy Chiêng chặt về. Chỉ có chum đựng nước cõng lên là khó, vỡ mấy cái mới chuyển lên được một cái lành. Xong làm hàng rào nứa quây sân nuôi gà, trồng rau xanh, ít cây ăn quả. Chỉ có nước ngày ngày phải xuống chân núi gánh lên, vừa ăn vừa tưới rau.
Bố khuyên thế nào chú cũng không chịu về lại thị trấn. Bảo anh cứ kệ em, chứ anh tính giờ về ở đâu, nhà đã bán lấy tiền làm nhà mới trên này rồi, họ hàng thân thích, vợ con không. Với lại ở trên này tự do chẳng phiền hà ai, thích làm gì thì làm, thức khuya dậy sớm thế nào cũng không ai để ý gièm pha. Mà thi thoảng vẫn có khách đấy anh, là đám trắc địa tạt ngang xin nước hay kiểm lâm đi nhắc trông hộ mặt núi phía sau. Ai cũng bảo em ở đây riêng một cõi tự do tự tại như vua chúa ngày xưa. Tính ra đúng thế thật, gà trong vườn, chim thú trong rừng, cua cá dưới suối chẳng thiếu thốn gì. Nghe đến thế bố ngao ngán thở dài xuống núi, bỏ lại cho chú can rượu cùng mấy cái bánh đa.
Người trong xóm lâu lâu vẫn gặp chú Phù đi chợ sáng mua mắm muối kim chỉ. Khác cái chú giờ mặc quần áo lính, để râu ria tóc tai xồm xoàm như người rừng. Ai hỏi gì cũng gật gật đầu bảo sắp rồi, sắp rồi… Nhưng sắp rồi gì hỏi thế nào chú cũng không nói. Trước khi về lại ngôi nhà trên núi thế nào chú cũng rẽ qua nghĩa địa nhặt sạch cỏ trên mộ bà Váng, đặt lên bánh đúc lạc gói trong lá chuối, thắp hương, ngồi đợi hương tàn mới lẳng lặng đứng dậy. Xong vòng qua xóm cũ nhưng không vào nhà ai cả.
Và rồi những lần gặp thưa dần…
Cỏ trên mộ bà Váng lâu rồi chẳng ai dọn…
“Chú Phù mày vẫn tin sớm muộn cũng được gọi đi lính.”
Nhưng chiến tranh qua lâu rồi mà. Thế ngôi nhà trên núi giờ ai ở? Chú Phù còn sống đã chết hay đi đâu? Có vô vàn câu hỏi tôi muốn hỏi thêm bố nhưng ông đã lảo đảo dắt xe ra đạp về hướng chợ Đá Bạc. Nay ngày nghỉ bố đỡ mẹ đi mua chuyến cá từ bên Thủy Nguyên – Hải Phòng chuyển sang…
Đ.P
Bài viết liên quan: