Nắng chiều đã nhạt trên mấy khóm cúc, khóm mai trước sân nhà. Đàn chim sẻ từ trong những ngọn hồng điều sà xuống chuồng bồ câu tìm thức ăn, chúng nhặt nhạnh những hạt ngủ cốc vương vãi trên mặt đất rồi rộn ràng bay trở lại tổ. Chúng ríu rít được một lúc nữa và im dần. Khu vườn chỉ còn nghe tiếng lá xào xạc, tiếng dương cầm vọng ra từ ngôi biệt thự xinh xinh nằm nép mình dưới dãy hoàng lan.

Chị ngồi trên chiếc ghế nệm, đôi mắt đượm buồn, chăm chú theo từng nốt nhạc, hai bàn tay nhỏ nhắn xanh xao lướt trên phím đàn. Vừa đàn, chị vừa hát: “Mẹ yêu kính ơi! Xin gởi tới Người… Một ngày bình yên đến cho mẹ hiền… Dù năm tháng xa xôi, nhưng tình mãi không phai cho ban mai rực hồng… Đường xa mãi xa, tháng ngày mãi qua, cho ai bồi hồi một mối tình già… Ngàn dặm dẫu xa xăm, mù khơi nhưng lòng vẫn bên Người….”
Giọng chị nghèn nghẹn xúc động, chìm khuất trong tiếng đàn. Nước mắt rươm rướm trên đôi mắt đã hằn dấu chân chim. Chị bỗng nhớ thắt ruột đứa con gái đang du học nơi đất khách, nhớ người chồng đã quá cố và nhớ người đàn ông đầu đời của thời thiếu nữ. Cảnh vật ngày đầu Xuân êm đềm thơ mộng, khiến chị càng thêm thương nhớ những người thân yêu nhất đời mình.
Từ nhạc viện Richard Strauss (Đức) xa xôi, con gái gởi về mấy bản nhạc vừa sáng tác, nó còn cẩn thận ghi vào đĩa dòng nhạc do nó phối âm và giọng hát trẻ thơ của nó để chị nắm được phần hồn của bài hát. Bài hát nó viết nhân ngày sinh nhật của chị và cũng để kỷ niệm ngày nó đến biểu diễn ở Paris, đã tìm gặp được người xưa của chị.
Lời lẽ của bài hát càng khiến cho tình cảm ngày nào trỗi dậy mãnh liệt trong lòng người nhạc sĩ đa tài mà cũng lắm đa đoan.
***
Anh là một Parisiens chính hiệu, một nhà nghiên cứu lịch sử. Anh sang Việt Nam với ý định nghiên cứu lịch sử phương Đông. Anh nhận dạy tiếng Pháp cho trường Marie Curie. Dạy được hơn năm thì cuộc chiến tranh Việt Mỹ đang diễn ra trên đất nước nhỏ bé đáng yêu nầy khiến cho anh đau lòng. Anh muốn làm điều gì đó chống lại một thế lực ngông cuồng.
Hàng ngày, anh vẫn theo dõi tin tức trên các báo đài, mỗi lần biết có chiến sự nổ ra ở nơi nào là lòng anh nhói đau. Anh muốn xông ra chiến trường để thấy tận mắt, nghe tận tai những gì mà các nước đế quốc gây ra cho dân tộc hiền lành nầy. Mấy hôm nay, anh buồn bã vô hạn vì cô trưởng lớp của lớp anh phụ trách đã nghỉ học ba hôm, không có lý do. Việc điều hành lớp gặp nhiều khó khăn do anh chưa thông thạo tiếng Việt cho lắm. Cô ấy như viên gạch nối giữa anh và lớp, một nữ sinh giỏi tiếng Pháp, xinh xắn và dịu dàng. Mỗi khi nhìn xuống chỗ cô ngồi đã trống vắng, anh thấy lòng hụt hẩng hoang mang lạ.
Chiều nay, giờ giải lao của tiết học cuối cậu phó lớp đưa cho anh lá thư . Anh đọc vội mấy dòng chữ quen thuộc: “Thưa thầy! Em bận việc nhà không thể tiếp tục học, mong thầy hiểu cho em. Nếu thầy thích xin mời thầy về quê em chơi. Thầy có thể đi với Thanh (Phó lớp) vì nó là đứa em họ của em. Em rất mong tin thầy. Chúc thầy vui, khỏe. Rose”
Anh cho lớp nghỉ sớm, gọi Thanh ở lại để bàn việc đi thăm cô lớp trưởng. Thanh vui vẻ nhận lời khiến anh phấn chấn vô cùng. Sáng hôm sau, hai thầy trò xuôi chuyến xe miền Tây về vùng quê Cái Bè.
Chiếc tam bản bắt đầu luồn lách vào con rạch nhỏ. Cảnh vật hai bên bờ tiêu điều xơ xác bởi bom đạn, anh biết mình đang đi vào vùng có chiến sự nhưng không sợ hãi điều gì, anh chỉ lo không biết có gặp được người học trò của mình không? Cô ấy sống trong vùng bất an như thế nầy làm sao tránh được biết bao bất trắc… Đang nghĩ ngợi miên man thì trên bờ có tiếng quát: “ Dừng lại!”, tiếng súng lên cò lách cách nghe khô khốc, rợn người. Người đàn ông sau lái, tắt máy chiếc Kohler, lên tiếng:
– Khách nầy có hẹn trước với chị Kim Loan bên trạm B2 mà mấy chú!
– Có giấy tờ không?
– Dạ không. Chị em là Kim Loan bên Dân vận Khu đó mấy anh ơi!
– Tất cả lên bờ. Không có Kim Lon, Kim Gáo gì ở đây.
Chiếc tam bản cặp vào bờ. Mọi người bước lên. Chàng thanh niên có nước da ngăm đen nhìn chòng chọc vào anh, tay lăm lăm khẩu AK,ra lệnh với người đồng đội:
-Tước vũ khí, bịt mắt tên nầy lại Nam! Cảnh giác cao độ đó! Ư hừ…Chở biệt kích Tây vô đây nằm vùng chắc.
– Không có đâu mấy anh. Biệt kích đâu có đi kiểu nầy. Mấy anh không tin cho người qua trạm B2 kêu chị Kim Loan qua đây rồi..
– Chuyện đó của chúng tôi, không cần anh lo. Làm nhiệm vụ đi Nam. Mầy kêu thằng Việt chạy qua B2 coi có bà Kim Lon, Kim Gáo gì ở đó không? Đi liền đi! Để họ ở đây lâu không tiện đó.
Trong phút chốc, mắt anh bị bịt kín bởi một mãnh vải dù, tay bị trói ngoặc ra phía sau đau điếng. Anh lặng lẽ lắng nghe những người Việt cải vã với nhau, mang máng đoán ra tính mệnh mình đang bị đe dọa. Anh tự hỏi, không lẽ mình chết khi chưa thực hiện những công việc lớn lao mà mình ấp ủ sao?
Anh bổng giật mình khi nghe tiếng nói trong trẻo, quen thuộc vang lên “Cậu Chiến đâu rồi mấy cậu?”
– Đi công tác rồi. Chị ở bộ phận nào?
– Tôi bên nhánh của anh Tư Lê, có giấy của ảnh đây! Việc nầy, anh Tư có chỉ đạo cho cậu Chiến rồi mà.
– Anh Chiến không sinh họat lại cho tụi tôi, làm sao tụi tôi nắm được.
Cậu du kích đọc đi đọc lại tờ giấy, cằn nhằn:
– Chở bọn Tây vô vùng giải phóng mà làm như chuyện giởn chơi, không thông báo cho toàn trạm biết. Chị ngồi đây chờ, tôi điện cho anh Tư hỏi kỷ lại lần nữa mới cho đi được.
– Chờ thì chờ. Họ đâu rồi?
– Trong trạm. Chị tên Kim Loan phải không?

Cô gái mỉm cười gật đầu, cô đi thẳng vào chiếc chòi nhỏ nằm khuất dưới mấy tán lá xoài. “Thầy!”. Cô kêu lên mừng rỡ, ôm chầm lấy anh, một mùi hương lạ lẫm, dễ chịu phả vào mũi khiến anh bàng hoàng. Anh nắm bàn tay mềm mại của cô, reo khẽ “Rose!”. Giọng cô nghèn nghẹn:
– Em không ngờ thầy dám lặn lội tới đây. Có em thầy đừng sợ, không việc gì đâu. Một chút nữa chúng ta đi thôi.
– Chị gì đó ơi! Có tiếng gọi ồm ồm phía trước. Ra đây có việc.
Cô gái xăng xái chạy ra, tươi cười hỏi:
– Xong chưa mấy cậu?
– Chị viết tên họ, bí danh, công tác ở bộ phận nào ký tên vào đây để tụi tôi nắm, rủi lở có chuyện gì xãy ra còn biết đường mà lần. Bộ phận Dân vận quân khu làm sao biết cho hết. Đây! Chị viết vô cuốn sổ này đi.
– Khi nào Chiến về nói với cậu ấy qua B2 gặp tôi liền. Dù sao cũng cám ơn hai người. Chào các đồng chí. Tôi dẫn khách về bên đó, còn thằng em tôi với chú Hai phải lo trở về ngay.
Miếng vải dù được tháo ra. Anh nheo nheo đôi mắt trong giây lát, chăm chú nhìn cô học trò trong bộ đồ bà ba đen, trông cô lạ lẫm với vẻ đẹp mộc mạc của miền thôn dã.
***
“Hồng quí mến!
Anh xin được gọi tên em bằng tiếng mẹ đẻ. Anh hy vọng em sẽ chấp nhận tình yêu của anh. Chúng ta cưới nhau và anh sẽ ở lại Việt Nam mãi mãi. Hãy cho anh biết suy nghĩ của em. Anh rất mong.
Philippe Mitou”
Ba năm nay, kể từ khi được đưa ra miền Bắc học tập, chị không hề nhận được tin tức gì của Philippe, bỗng nhiên nhận được lá thư, lòng quá bàng hoàng. Chị đọc đi đọc lại những dòng chữ nguệch ngoạc với nỗi xuyến xao kỳ lạ. Muốn viết trả lời cho anh ngay nhưng chị sợ những cặp mắt soi mói của bạn bè, những câu bóng gió của anh trưởng lớp và lời giáo huấn nghiêm khắc của cô giáo chủ nhiệm. Tất cả điều đó khiến chị chờn dạ. Chị biết, chị đang bước vào con đường tình đầy chông chênh, trắc trở. Chị không cho anh đến trường mà hẹn gặp trong khu rừng già gần nơi sơ tán.
Được gặp riêng chị, anh vui mừng khôn xiết. Khẽ khàng nắm lấy bàn tay mềm mại, anh lặp đi lặp lại mãi câu tiếng Việt:
– Rose yêu quí của anh!
Anh gọi chị bằng giọng nói lơ lớ, chứa chan trìu mến. Đôi mắt màu hạt dẻ đắm đuối nhìn gương mặt yêu kiều của người thiếu nữ Á Đông. Trong mắt anh, chị đẹp hơn cả những người con gái Pháp mà anh từng gặp. Đôi mắt to đen sâu thẳm, chiếc mũi nhỏ xinh xắn, nụ cười tươi duyên dáng, giọng nói dịu dàng và tấm lòng nhân hậu khiến trái tim anh rộn ràng. Người phụ nữ đó kín đáo, nhẹ nhàng chẳng khác nào như đóa hoa hồng vừa hé nụ. Đứng bên chị, dù chỉ có hai người nhưng anh không dám có cử chỉ đường đột, như là anh sợ làm đổ vỡ vật gì quí giá nhất đời mình.
– Lạy Chúa! Cám ơn Chúa đã cho con được gặp Rose..
– Thầy kể em nghe coi làm sao thầy…anh.. ra được ngoài này?
– Đâu có khó gì. Anh tìm cách liên hệ với lực lượng cách mạng ở nội thành, nói nguyện vọng mình muốn ra Bắc để được làm việc cho thông tấn xã miền Bắc, vì qua lời của lớp phó Thanh em đã ra Bắc rồi. Người ta nhận anh vào làm việc cho thông Tấn xã miền Nam mấy năm để thử thách rồi biết anh đang có người yêu ngoài Bắc nên họ cho đi. Nhiều chuyện rắc rối vất vã lắm, từ từ anh sẽ kể em nghe. Ra đến đây, anh hy vọng là được gần bên em mãi mãi…
Chị cười buồn trước ý nguyện tham lam của anh. Chị nói:
– Chuyện chúng mình không tốt đâu Philippe à. Anh biết không? Dù gì đi nữa thì anh cũng thuộc về phe đối địch của quê hương em. Hơn nữa, luật lệ ở đây không cho kết hôn với người nước ngoài, em không thể nào làm khác được anh à! Anh hãy quên em đi, đừng thương em, không tốt đâu.
Anh kinh ngạc nhìn chị như thể không hiểu những điều chị nói. Chị lặp lại câu nói lần nữa, nhưng anh bỗng ôm chị vào lòng, khóc nức nở như đứa trẻ.
Anh đau đớn nhận ra nỗi thống khổ của chiến tranh, sự khác biệt về chủng tộc, màu da. Cho dù con người ở đây bao dung và tấm lòng của chị nhân hậu, nhưng có một hàng rào vô hình nhưng khắt khe bởi bao nhiêu lý lẽ ngăn cách anh chị mà anh chợt biết cả hai người khó vượt qua.
Dưới ánh trăng mờ nhạt, tiếng lá rừng thì thầm trong gió, anh cầm đôi tay mềm mại ấp vào gương mặt đẫm nước mắt của mình mà nghe nỗi đau dày xéo, quặn thắt từng cơn. Nỗi đau tình cuốn xiết vào nỗi căm hận chiến tranh.
***
Chị thi vào trường nhạc, bắt đầu cuộc đời ca hát. Những buổi biểu diễn văn nghệ cho bộ đội, cho công nhân, nông dân là niềm vui sống. Chị như cánh chim én tung giữa trời xanh, niềm say mê âm nhạc đã làm nguôi ngoay vết thương lòng ngày nào.
Có đôi lần, anh đến xem chị biểu diễn, lặng lẽ ngắm chị trên sân khấu, đôi mắt nâu của chàng trai si tình mênh mang nỗi buồn. Dù không được bên nhau nhưng anh vẫn âm thầm theo dõi những bước chân của người yêu. Anh vẫn ở Hà Nội, và làm công tác biên tập cho chương trình tiếng Pháp .
Năm hai mươi lăm tuổi, chị lập gia đình với người thầy dạy nhạc. Chồng chị, một nhạc sĩ tài danh, một giảng viên giỏi. Nhờ có anh dìu dắt, chị đã tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội. Chị hát và sáng tác những bài hát theo âm hưởng dân ca. Bài hát của chị được nhiều người yêu thích. Người ta hát nhạc của chị trên những cánh đồng, trên các bàn tiệc và trong những buổi hội diễn văn nghệ quần chúng. Chị với anh kết thành một đôi nghệ sĩ tài hoa, một cặp vợ chồng thật sự hạnh phúc nếu như anh không ghen hờn với dĩ vãng đã qua, với người yêu đầu đời của chị.
Chị nhớ mãi những dòng nhật ký của anh “Mình đã nhiều lần nghe Hồng thì thầm trong giấc mơ “Je t’aime! Je t’aime!”, ngay cả trong giấc mơ mà em cũng muốn giữ điều bí mật của lòng mình. Anh biết rõ, anh không thể nào chiếm trọn trái tim em, nhưng thà em yêu một thanh niên nào của đất nước mình, đàng này em đi trao trái tim cho một người khác giòng khác giống, tệ hại hơn, người đó lại là kẻ thù của đất nước chúng ta, dù đó là một kẻ thù tiến bộ. Anh quyết tâm không để mất em, một bạn đời, một đồng nghiệp, đồng chí thương yêu nhất đời anh. Hồng ơi! Em có hiểu hết nổi lòng của anh không?….”
Chị cùng chồng vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Bước chân anh chị tới đâu là nơi đó có tiếng hát và tiếng cười. Niềm vui giờ đây gắn liền với những nơi họ đến, gắn với người chồng hết lòng thương yêu, chăm chút. Hạnh phúc đó tưởng đâu bền vững, nhưng rồi một ngày mưa trên đường Trường Sơn, anh từ giả chị ra đi.Chị nhớ ánh mắt yêu thương đầy tuyệt vọng trong cơn vật vã của bệnh sốt rét ác tính, ánh mắt đó như muốn nói lên nhiều điều mà những ngày còn sóng bước bên nhau anh không tiện nói ra. Khi anh trút hơi thở cuối cùng nơi bệnh xá, chị mới thấm hết nỗi đau của một thiếu phụ khi mất đi những người thương mến nhất đời.
***
Chị đọc lại những dòng chữ to bản bằng tiếng Việt, không ngay hàng thẳng lối lần nữa :
“Rose thân yêu của anh!
Mai Thảo từ Berlin qua Pháp tìm ra chỗ ở của anh. Nó cho địa chỉ nhà em. Chúa lòng lành còn thương xót anh. Anh thu xếp Tết nầy sẽ trở lại Việt Nam thăm em . Sức khoẻ bây giờ tệ hơn trước nhiều, nhưng trước khi chết, anh phải gặp lại em và Việt Nam. Sẽ nói với nhau nhiều hơn.
Chúc em vui, khỏe.
Philippe Mitou”
Chị xếp lá thư, thẩn thờ nhìn ra vạt nắng ngoài sân. Ánh nắng chiều sắp tắt nhưng vẫn ấm nồng một màu vàng chanh, gió hiu hiu se lạnh thoang thoảng mùi hoàng lan. Chị như nghe tiếng nhựa chảy trong thân cây, lộc biếc cựa quậy trong nách lá.Tiếng đôi bồ câu âu yếm gù nhau ngoài chuồng, đàn chim sẽ chốc chốc ríu ran gọi bầy trên ngọn hồng điều. Những âm thanh mơ hồ, lãng đãng trong buổi chiều Xuân càng khiến chị nôn nao xao xuyến, muốn gặp lại những người thân.
Mai Thảo xa chị ba năm, đã bắt đầu đi hát. Nó yêu thích nhạc Jazz, nó mãi mê viết những bài hát lời Việt mang âm hưởng Jazz, nó muốn có một dòng nhạc Việt hiện đại hơn. Đi biểu diễn ở đâu nó cũng trình bày dòng nhạc mang âm hưởng dân ca của mẹ và dòng nhạc Jazz của nó. Chị không đồng quan điểm với con nhưng đó là sở thích riêng tư, chị không ngăn cấm mà còn tạo điều kiện cho nó. Trong lá thơ vừa mới gởi về, nó nói: “Tết nầy con gởi cho mẹ món quà bất ngờ, chắc chắn mẹ sẽ vui. Tội nghiệp bác Philippe lắm mẹ à! Ông ấy sống có một mình ở viện dưỡng lảo, già chát rồi, còn si tình mẹ lắm đó. Ông hăm he thế nào cũng qua thăm mẹ . Không biết ông ấy toan tính gì con cũng không hiểu nữa..hì..hì… Con nhớ mẹ lắm…”
Chị bỏ đĩa nhạc vào máy, tiếng hát thánh thót của Mai Thảo vang lên “Một đời bão tố, gió mưa dập vùi, chìm trong phong ba, héo hắt làn môi… Chợt trong xa vắng, kỷ niệm sáng soi cho trái tim nầy dâng tràn niềm vui…
Chị đốt nén nhang trên bàn thờ chồng, bước ra chiếc võng bên hiên nhà.Trong bóng đêm nhập nhoạng, tiếng cười trong trẻo của con gái và lời chúc mừng mẹ ngày đầu năm trong chiếc đĩa mới khiến chị ngậm ngùi.Chị mĩm cười, mấy giọt nước mắt lăn dài trên má, lòng chị tràn ngập niềm vui và nỗi buồn…
***
– Philippe!
Chị bàng hoàng gọi. Bàn tay run rẩy, lóng ngóng không mở được ổ khoá cổng. Người đàn ông kêu lên:
– Rose! Chúa ơi!
Cánh cổng vừa hé, ông đã ập vào, ôm chầm lấy chị. Một mùi thơm thoang thoảng, lạ lẫm từ da thịt của người đàn ông nước ngoài phả lên người khiến chị rùng mình. Chị đẩy Philippe ra, giọng rời rạc :
– Anh… Anh khoẻ không?
Philippe cười bối rối:
– Xin lỗi! Khoẻ rồi, tốt lắm Rose à…
Hai người sánh vai nhau đi trên con đường lát đá uốn lượn quanh co giữa khu vườn. Những cây tràm bông vàng ngã nghiêng trong gió, nắng chiều tắt hẳn trên mấy ngọn sầu đâu, con trăng rằm tháng giêng đã treo lơ lững trên nền trời trong vắt.
– Ngồi xuống đây Philippe!
Chị đột ngột lên tiếng. Người đàn ông ngoan ngoãn dừng lại, ngồi xuống cạnh chị trên chiếc băng đá, hỏi dồn dập:
– Rose! Em khoẻ không? Nhớ anh không? Chồng em mất bao giờ? Vậy mà anh nghĩ…
Chị nhìn gương mặt thân quen ngày nào giờ đã thay đổi quá nhiều bởi bao biến cố của cuộc đời. Gương mặt rắn rỏi, thanh tú ngày xưa giờ đã rậm rịt hàm râu, đôi mắt màu hạt dẽ trong sáng đã già nua mệt mỏi, chỉ nụ cười là còn tươi tắn nồng ấm đôi chút. Chị ngồi lặng đi, không biết mở đầu bằng câu gì.
– Xin lỗi ! Anh không biết gì về Rose cả. Anh bị quản thúc rất lâu…
– Tại sao vậy Philippe?
– Anh bị đưa ra toà án quân sự vì tội theo Cộng
Sản, anh…. bị…
– Anh có hạnh phúc không?
– Anh cưới cô bạn học, có đứa con gái 3 tuổi rồi ly hôn…
Chị nhìn sâu vào đôi mắt hằn nhiều dấu chân chim.Trong giây phút, chị thấu hiểu tất cả tấm chân tình của anh dành cho chị, cho quê hương chị. Ôi! Philippe! Không lẽ chỉ vì em mà cuộc đời anh chìm nổi đến như vậy sao ? Bất hạnh đến như vậy sao Philippe? Chị ôm chầm lấy anh, tấm tức khóc.
Anh bối rối cúi xuống mái tóc điểm bạc của người phụ nữ nhỏ bé mà anh thương yêu suốt cả cuộc đời. Hình ảnh của chị đã dẫn dắt, đỡ nâng anh trong suốt quảng đời gian nan, đơn độc. Anh bỗng thấy trái tim đơn côi, già nua đập dồn dập trong lồng ngực mình.
– Rose! Chồng có thương em không Rose?
– Thương nhiều lắm. Em hạnh phúc hơn anh Philippe à.
Em cũng không ngờ, anh là người phương Tây mà tâm hồn yếu mềm, thủy chung đến như vậy. Em có tội với anh lắm Philippe ! Anh hãy ở lại đây để em được chăm sóc anh, nghe Philippe. Quê em bây giờ mọi người quan niệm thoáng hơn ngày xưa nhiều, dễ dàng rồi anh à. Anh không phải kẻ thù đâu, là người có công đó. Để rồi em sẽ làm thủ tục, giấy tờ xác minh cho anh, anh đừng lo.
– Được không em? Có còn rắc rối gì nữa không?
– Không đâu. Bây giờ hòa bình, mọi việc đã khác trước nhiều rồi Philippe, yên tâm đi nha.
Người đàn ông mĩm cười, ánh mắt mơ màng, đầu tựa lên đôi vai bé nhỏ, lắng nghe tiếng chim hót đêm đâu đó trên tàn cây, tiếng thầm thì mơ hồ của khu vườn khuya, tiếng người phụ nữ khẽ khàng bên tai mà tưởng như mình đang lạc vào thế giới thần tiên nào…
KIM QUYÊN
Nguồn: vanvn.vn
Bài viết liên quan: