Một hồi mõ vang lên theo nhịp hai ngắn một dài như phá vỡ màn đêm giăng kín bản Nà Nu. Nghe nhịp mõ người Nà Nu hiểu rằng Đàm Lưu Thương đã chết. Một cái chết đã được biết trước. Cái chết của Lưu Thương là cái chết thứ hai mươi tám của bản. Không biết sẽ còn có thêm bao nhiêu cái chết trẻ nữa đây?
Người bản Nà Nu lo lắng, không hiểu trong cái bản nhỏ bé này còn có bao nhiêu người đang mang trong mình con vi rút đáng sợ nhất trên đời? Chỉ trong vòng chục năm, những người đầu bạc đã tiễn đưa không biết bao nhiêu kẻ đầu xanh hòa về cùng đất mẹ. Trong bản chỉ rặt mấy ông bà già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Tiếng khóc xót thương của bà Phiên khiến những người mau nước mắt không thể cầm lòng. Phiên có bốn con trai, thằng Cả chết vì bệnh đậu mùa, thằng Trời chết khi đem thuốc nổ đi nổ mìn đánh cá ở sông Bắc Vọng, thằng Nhớ chết bởi nạn đào trộm quặng mangan buôn bán sang biên giới. Và lần này đến lượt Thương ra đi vì cơn bão ma túy. Cứ mỗi lần mất con, bà Phiên lại mấy ngày ôm mặt khóc than, cả tháng trời mới ra khỏi nhà. Gặp ai bà cũng không buồn chào hỏi. Chỉ có những lời chào mang tính chất động viên tinh thần bà. Mất mát quá lớn, khiến những người thân khóc không còn ra nước mắt.
Hàng xóm với nhau từ bao đời, không so đo đến những tiểu tiết, chửi nhau tựa như trận mưa rào, qua rồi thì thôi, cũng như sau cơn mưa trời lại hửng nắng vàng ươm. Bỏ qua những lời nói nhau cho sướng cái mồm một thuở, bà Trình, mở cửa đến với bà Phiên. Bà lặng lẽ ngồi xuống, đưa tay sờ vào người Thương, lúc này vẫn con hơi ấm. Bà Trình giúp người thân của Thương chọn những cái quần, cái áo đẹp, mới mặc vào cho Thương. “Con không còn ăn ở với bố mẹ thì hãy mềm thân đã nhé, để bố mẹ mặc áo cho con đi chợ nhá”. Mẹ Thương nói trong nước mắt. “Lá vàng còn đó mà lá xanh đã đứt lìa cành. Giá như cháu nghe lời khuyên của ông bà, bố mẹ, người thân thì đâu đến nỗi hả cháu? Thương quá đất trời ơi”. Bà Trình vừa nói vừa gặt đi dòng nước mắt đã trực trào ra khóe mắt.
Ngày xưa, đất Nà Nu mênh mông rộng, người lưa thưa, đất cho không không buồn nhận, chỉ canh tác những phần ruộng gần nước mó, chỉ làm những mảnh nương đất màu tro màu mỡ. Nhiều vùng đất để hoang, cỏ mọc um tùm. Lũng rộng thênh thang, cỏ mọc ngập đầu, trâu bò không ai chăn, chỉ việc thả, tối tự về chuồng. Rồi đời tiếp nối đời, sinh đẻ không có kế hoạch, người không ngừng tăng lên, người trở nên đông, đất trở nên hẹp lại. Không còn nhiều vùng đất bỏ hoang như trước, người ta đánh dấu chủ quyền bằng việc cuốc vài nhát xuống đất, chặt mấy cái cây xuống làm củi. Anh em tranh nhau đất ruộng rẫy, lợn chó tranh giành nhau miếng xương. Từ ngày nhà nước mở đường tỉnh lộ qua bản, đời sống của người Nà Nu bớt đi nhiều cái khổ. Nhưng đất đai lên giá, anh em tranh giành nhau là từ ngày Công ty Khoáng sản vào tận thu, khai thác quặng mangan, khai thác ti tan, xuất khẩu thô mang về mối lợi trước mắt. Trên nương dưới ruộng, đâu đâu cũng có quặng, ti tan. Ngày trước, quặng không có giá, người dân đem về xây bờ ruộng. Thứ không có giá bỗng chốc biến thành cái đáng tiền. Người Nà Nu từ những hộ nghèo, bỗng chốc biến thành triệu phú, tỷ phú, tiền tiêu rủng rỉnh.
Không anh em, người thân đã là một cái khổ, nhưng nhà đông anh em cũng có những cái khổ riêng. Từ ngày về làm dâu dòng họ Đàm, bà Trình vẫn còn nhứ như in. Mấy chục năm trôi qua, chứng kiến bao nhiêu đổi thay, cuộ sống khấm khá ngày hôm nay, bà vẫn không quên một thời gian khó. Một thời ăn củ mài, ngô độn sắn dài dài. Một năm dễ chừng phải ăn những thứ từ rừng đến vài tháng ròng. Ngày họp bản Nà Nu, kê khai đất, đo đạc để Công ty Khoáng sản đền bù đất và tài sản trên đất, người dân Nà Nu rậm rịch cả tháng trời. Những mảnh đất hoang bỗng chốc trở thành nơi tranh chấp. Anh em tranh nhau đất ruộng, nương rẫy, cây cối, vườn tược. Và cả mồ mả. Thế mới đau lòng. Dòng họ Đàm đến bản Nà Nu muộn, không phải dòng họ lớn, phải ở ven làng, không có nhiều thửa ruộng mầu mỡ, nương rẫy toàn mảnh nhỏ như chân rết. Đất màu đỏ chứa quặng mangan nghèo chất dinh dưỡng, trồng ngô thì bắp bé như bắp con của cây ngô trồng trên ruộng tốt, trồng đỗ tương năng suất chỉ đạt bằng một phần hai nơi đất tốt.
Gia đình chồng bà có năm anh em, Được, chồng bà là con út trong gia đình, được chia phần ít hơn cả. Hai chị gái đã về nhà chồng, ba anh trai đều đã dựng nhà ở riêng. Bác cả và bác hai tách ra, mua đất trong làng, không tranh chấp đất đai với em út. Kể cả khi Công ty Khoáng sản vào thăm dò, khai thác khoáng sản ở bản Nà Nu. Nhưng bác Sáo và vợ bác thì lại khác, tính chi ly từng tý một. Việc gì cũng so đo, cái gì cũng muốn mình sẽ phải có lợi hơn người khác mới chịu. Dòng họ ít người, đến sau, nghèo và khó khăn, những người đầu tiên dòng họ Đàm biết rõ sức của mình lắm. Đất đai tuy rộng, chỗ đất tốt đã không còn đến lượt mình. Ông bà đành dựng ngôi nhà tạm bợ, mặt trước hướng về phja Tua Mèo, đằng sau tựa vào đồi thiêng, ngôi nhà nửa nhà sàn, nửa nhà nền đất. Cho đến sau này, những đứa con ra đời, lớn lên, dựng vợ, gả chồng mới tách ra ở riêng. Từ một ngôi nhà nhỏ, một gia đình, theo thời gian dòng họ Đàm ở Nà Nu cũng đã có trên chục nóc nhà. Chia thành ba bốn nhánh. Nhánh nhà bà là nhánh gốc. Không muốn con chó con gà cắn nhau, lạc chuồng, bác Sáo rủ gia đình em Được về dựng nhà trên khu Cốc Khau. Người làng Nà Nu nói chẳng sai nhà ông Sáo được dựng trên đống vàng đen. Chính là bãi quặng mangan bạc mà người Pháp để lại. Khu Cốc Khau giống như cái lòng chảo, được quặng lấp đầy. Khi đến dựng nhà, bác chỉ mất công san nền cho phẳng, tận dụng được đống đá bỏ hoang, bác Sáo đã làm được một ngôi nhà đá lợp ngói âm dương. Được cùng vợ con ra sức san lấp nền nhà trên mảnh nương màu đất đỏ trồng cây phát triển còi cọc, chỉ có cây Cách Mạng là mọc tươi tốt. Có nằm mơ cũng không ai ngờ tới, thứ đá đen vứt lăn lóc ngoài bờ ruộng, gốc cây chẳng ai thèm nhặt, bỗng chốc biến thành thứ có giá trị. Tiền đền bù đất thu hồi, gia đình Sáo cũng kiếm được hơn sáu trăm triệu đồng.
Từ hộ nghèo, bỗng thoát ra khỏi nghèo nhanh chóng. Có tiền, sắm được bao nhiêu thứ có giá trị, xe máy, ti vi, tủ lạnh, mở hàng quán bán hàng tạp phẩm cho công nhân, người làng, kẻ đi đường cũng kiếm được khối tiền. Nhưng lòng tham của con người không có đáy bao giờ. Người ta ước tính, dưới nền nhà ông Sáo là cả trăm tấn quặng chưa được tận thu, chế biến. Nhưng Sáo không muốn phá ngôi nhà đi, đem máy xúc đến để đào bới quặng kiếm tiền. Ông không muốn phá đi ngôi nhà mà ông đã đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt vào mới có được. Đụng vào ngôi nhà này còn là một điều cấm kỵ khác, những đời con cháu sau này cũng không được phạm húy diệt tôn luân. Đứa con trai đầu lòng của Sáo, chẳng may bị Thần Sét đánh chết khi đi chăn trâu trên đồng Khau Cải. Để tránh xương con không bị người đời đào bới, đem đi làm thuốc chữa bệnh, vợ chồng Sáo đã đào huyệt, chôn xác đứa con bên góc tường, dưới chân cột giường hai vợ chồng ông. Sáo đã mời ba ông thầy cao tay đến làm lễ tiễn đưa linh hồn con trai theo đường trai gái. Chắc mấy ông thầy cao tay, giỏi làm phép, linh hồn con trai chẳng bao giờ hiện về, không chào hỏi, làm người thân đau ốm. Chuyện Sáo chôn đứa con bị sét đánh chết trong nhà, bà Trình được Được kể lại. Có lẽ những đứa con của Sáo cũng không biết mộ người anh trai bị sét đánh chết lại nằm ngay trong ngôi nhà đá, nền lát gạch hoa thoáng mát này. Không thể đập ngôi nhà này đi để đào lấy quặng bán. Bà Phiên đã bàn với chồng.
– Trong bản Nà Nu này, gia đình mình được ít tiền nhất thật là thiệt thòi. Bố con Hảo phải tìm cách kiếm thêm tiền đi thôi.
– Ơ, mẹ thằng Hảo hay nhỉ? Kiếm là kiếm thế nào, kiếm ở đâu? Tiền đâu phải vỏ trấu đâu mà để tôi với bà lấy dễ như thế được. Đất của nhà mình chỉ có bấy nhiêu thôi, làm sao đòi Công ty người ta trả nhiều tiền lên được chứ?
– Nói đúng ra thì nhà mình là nhà có thể có được nhiều tiền nhất, gấp mấy lần những nhà khác trong bản này. Dưới bước chân này, chỗ nằm này là cả một đống tiền. Nhưng không thể động đến được. Tôi hiểu rõ điều đó. Cả ông cũng hiểu điều đó lắm.
– Vậy thì sao? Sáo hỏi vợ.
– Đất nhà mình không còn quặng, dưới nền nhà cả chục tấn quặng bạc không thể moi lên. Nhưng mình vẫn có thể có thêm được tiền.
– Bằng cách nào, mẹ thằng Hảo nói rõ xem nào. Nói thế này thì làm sao tôi có thể hiểu được.
– Có cách kiếm tiền đấy, nhưng không biết bố thằng Hảo có chịu nghe lời tôi không thôi.
– Cách gì, mẹ thằng Hảo cứ nói ra xem nào. Sốt ruột.
– Ừ, thì đất khu nhà chú Được ấy. Chẳng khối tiền là gì? Đất đó không phải do ông bà, bố mẹ chia cho vợ chồng chú ấy. Đất đấy là bố thằng Hảo chia cho vợ chồng chú Được làm nhà. Giờ mình đổi chỗ khác lấy lại chỗ đất đó. Đất đó bố thằng Hảo đã làm thủ tục sang tên cho vợ chồng chú ấy đâu. Cũng không có sổ đỏ nhà nước cấp. Mình lấy lại thì có khó gì?
– Mẹ thằng Hảo nó thế mà cũng nghe được à? Chú Được là em tôi, đất đấy là tôi cho, nhưng không thể lấy lại được. Làm như thế còn đâu là tình nghĩa anh em ruột thịt, làng xóm nữa.
– Tình nghĩa á, tình nghĩa đáng bao nhiêu tiền. Nhân tâm có đáng mấy xu? Bà Phiên nói.
– Tình nghĩa, nhân tâm vô giá. Mẹ thằng Hảo nên biết điều đó. Chuyện đất đai không nói nữa.
– Bố thằng Hảo không nói, để tôi nói cho. Bố nó là máu mủ ruột rà, tôi là người ngoài nói dễ hơn.
– Đã bảo là chuyện đất đai không nói nữa mà lại. Mẹ thằng Hảo chớ có làm liều, để anh em tôi không nhìn được mặt nhau là tôi không tha thứ cho đâu. Biết chưa?
– Tôi làm chuyện này, tất cả vì tương lai tốt đẹp cho con cháu. Tôi thì còn sống được bao nhiêu lâu nữa đâu.
Nói là làm, Phiên đã đến nhà chú Được nói chuyện với vợ chồng chú ấy về đất đai, vườn tược. Đã ở bao nhiêu năm trên nền đất quặng mangan, cây cối bén hơi người xanh tốt tươi. Những cây chuối đã cho buồng nhiều nải, cây hồng, cây mận đã cho những mùa quả ngọt. Tự nhiên bá đến bảo em dâu, chú và các cháu chuyển đến vùng đất khác nghe sao lọt tai? Chuyện này vợ chồng Được quyết không thể tuân theo lời chị dâu được. Đã nói cạn lời, đưa ra bao nhiêu lý lẽ, đã thuyết phục và hăm dọa, nhưng bà Phiên vẫn không làm lung lay ý chí bám trụ trên mảnh đất đã đổ bao nhiêu mồ hôi mới tạo nên đất mầu mỡ. Bà Phiên đã nói nhiều câu nặng lời, khó nghe. Bà Phiên giận dữ bỏ về, tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ nhìn mặt chú và em dâu.
***
Từ ngày đường tỉnh được mở rộng, nâng cấp, khu du lịch Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao được tỉnh đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở, của khẩu Pò Peo được nâng cấp lên thành cửa khẩu Quốc gia, lượng xe cộ, hàng hóa giao thương ngày càng nhộn nhịp. Xe công ten nơ xếp hàng dài nối đuôi nhau. Nà Nu là bản cửa ngõ của phố huyện Cô Sầu. Trước khi lên đèo Khau Cải, lái xe tải, nhất là cánh lái xe đường dài hay dừng lại uống nước giải khát dưới chân đèo. Nắm bắt được cơ hội, Sáo thuê máy xúc múc đi một quả đồi làm bãi đỗ xe, xây nhà hàng kiểu nhà sàn, phục vụ ăn uống ngủ nghỉ cho khách đường xa. Vợ chồng Sáo đã già, mọi việc kinh doanh giao tất cho Lưu Thương. Với cơ đồ trong tay, học xong lớp 12 Thương không thi đại học mà ở nhà chăm lo phát triển việc kinh doanh.
Tiền kiếm được ngày càng nhiều, mối quan hệ cũng nhờ thế được mở rộng. Những đồng tiền kiếm được rồi cũng vơi đi theo những trò giải trí. Cả mấy anh em Thương lao vào làm việc nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu phục vụ của khách. Thương đã tính chuyện tuyển mấy người đẹp vào phục vụ cơm nước, dọn dẹp phòng cho khách. Mải lo làm ăn, công việc đồng áng gia đình ông Sáo đã quên đi từ lúc nào không hay. Đất trồng lúa trở thành vườn cây ăn quả, trồng cây cảnh bán cho những người lắm tiền thích chơi sang. Chẳng mấy chốc khu vực dưới chân đèo Khau Cải đã khoác trên mình bộ mặt nửa quê nửa phố. Một bên nhà đèo cao, đồi núi trùng điệp, một bên là đồng lúa xanh rì, tô điểm vào bức tranh quê là hai ngôi nhà tầng lạc lõng. Thương một bước lên xe ô tô, xe máy đắt tiền. Nhiều người trong bản Nà Nu hiểu rằng, Thương không chỉ đơn giản kinh doanh nhà hàng, phục vụ ngủ nghỉ cho khách đường xa. Mấy lần công an xuống nhà Thương làm việc, nhưng rồi họ lại về. Công việc kinh doanh lại đâu vào đấy. Lượng xe như ngày càng đông hơn. Dù có ngôi nhà tầng, nhưng ngôi nhà đá vẫn được giữ lại. Vợ chồng Sáo vẫn ở trong ngôi nhà lạc lõng đó.
Ông Sáo hiểu con mình hơn bất cứ ai. Ông ra sức khuyên nó, nhưng nào có được. Các con đã lớn, chúng nó có quyền làm tất cả những gì chúng nó cảm thấy nên làm. Ngay cả việc chơi gái cũng vậy. Chúng nó cơ sức thì chúng nó chơi, bố làm sao cấm được? Càng cấm chúng nó càng chơi ác nữa là. Nhìn mấy đứa giúp việc trẻ phây phây, nhiều lúc ông cũng thấy rạo rực. Tiếc là ông đã già rồi. Giá như ông trẻ hơn hai mươi tuổi thì sung sướng biết bao. Khi đó, bảo ông bỏ vợ để sống với những người con gái trẻ đẹp ông cũng cam lòng. Và khi hồi tâm lại, ông cảm thấy mình tuy già mà có lúc suy nghĩ quá hồ đồ. Mình còn như thế, huống chi bọn trẻ bây giờ sống buông thả tới bến đến bờ.
Khi biết anh em Thương dính vào ma túy, vợ chồng ông Sáo suy sụp tinh thần. Thằng này sướng mà không biết đường sướng. Chứng kiến bao nhiêu người chết, vật vã vì ma túy hành hạ, nhưng nào có thức tỉnh được nó? Thiên đường có lối không đi, địa ngục không có lối mà vẫn tìm cách để vào. Người làm cha mẹ, ai chẳng đau lòng khi con lao vào con đường tội lỗi? Có thương con, mong cho nó nên người, vợ chồng Sáo mới khuyên con, dẫn con ra Trung tâm lao động xã hội tỉnh cai nghiện. Ba lần đi ra, ba lần đi vào, nhưng Thương vẫn không bỏ được thuốc. Muốn chồng chấm dứt khỏi cơn mê, vợ Thương đã làm đơn lên huyện để chồng ra cai nghiện thêm một lần nữa. Thương không đi cũng phải đi. Khi đưa chồng lên xe, vợ nói một câu “nếu đợt này anh không cai nghiện được thành công, thì tình nghĩa vợ chồng sẽ chấm dứt”. Cơ ngơi này đáng giá tiền đấy. Nhưng tiền đâu có quan trọng như mạng người? Tiền không kiếm được lúc này, có thể kiếm được lúc khác, nhưng mạng người thì không thể thay thế. Sống với người nghiện mắc căn bệnh thế kỷ có ngày chẳng chơi. Vợ Thương ý thức rõ điều đó, nhiều đêm má ấp tay kề đã khuyên đủ đường. Khi tỉnh, Thương hứa sẽ quyết tâm cai nghiện làm lại cuộc đời. Nhưng khi lên cơn đói thuốc, Thương dã biến thành một con quỷ hung dữ, sẵn sàng ngấu nghiễn kẻ khác dám ngãng bước chân đi. Những mong chồng quay trở lại con đường lương thiện, có lần Hương đã đưa đứa con trai năm tuổi đến trước mặt Thương.
Anh nói, anh sẽ làm những gì tốt đẹp cho vợ con. Nếu anh thật sự vì con, anh phải quyết tâm bỏ thuốc để làm một con người tử tế. Thằng bé nhìn thấy bố vật vã, sùi bọt mép, mặt nó tái mét, co thân vào sát mẹ. Thương nhìn đứa con như một người xa lạ. Thương vùng lên lao vào đứa bé, mạnh tay dẩy đứa con trai văng ra một sải tay. Mặt Hương biến sắc. Đứa con lăn lóc trên nền nhà, khóc trong cơn đau đớn. Trẻ đau đớn ngoài da mà khóc, người lớn đau lòng nhỏ nước mắt, vỡ tim. Khi tỉnh lại, đôi chân tay xiềng xích leng keng của Thương run run gọi thằng bé lại gần. Nhưng đứa con có vẻ sợ sệt không dám tới gần bố. Kể từ ngày hôm qua, nó thấy bố không còn là bố nó mà trở thành một người xa lạ. Thương, mày có còn là con người nữa không? Vợ mày đòi bỏ mày ra đi, con không dám đến gần bố. Không muốn gọi lảo bá là bố. Không. Không thể như thế. Ngày mai Thương sẽ ra Trung tâm thêm một lần nữa. Thương phải làm lại cuộc đời. Từ lâu mẹ thằng Lý đã có người đàn ông khác. Con Thương, chiếc lá non này không thể không có cả bố và mẹ. Thương đã hạ quyết tâm, tự nhiên anh thấy khoan khoái lạ thường. Giấc ngủ đêm nay sao mà ngon lành đến vậy.
Không có Thương, vợ chồng ông Sáo trở thành ông bà chủ bất đắc dĩ. Mọi việc ông bà giao cho người cháu họ. Chỉ có những việc lớn, ông Sáo mới phải đứng ra giải quyết. Không bị tiếng gào thét, tiếng xích va nhau lẻng xẻng, ông bà Sáo thấy lòng dịu hẳn. Trong lòng sâu lắng bỗng dâng trào lên một niềm trống rỗng không thốt ra lời. Có một cái gì đó vô hình cứ bao quanh lấy hai cái thân già này, không buông tha. Lần thứ tư Thương ra Trung tâm, không biết rồi co bỏ được cái chết trắng đã được dự báo trước? Ông bà không dám chắc, bố thằng Lý có thể từ bỏ được thuốc để làm lại cuộc đời.
Một tháng trôi vèo như chiếc lá rơi ngoài hiên. Thương nằm ngẫm nghĩ, thi thoảng đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Bóng cây sồi cao vun vút. Những chiếc lá vàng rơi trong lặng lẽ, buồn tẻ. Thương nghĩ đến bố mẹ, đến đứa con còn thơ dại của anh đang ở với ông bà. Mưa tuôn, bão giật, những cơn gió điên cuồng vặn vẻo thân cây, tiếng cành cây gãy răng rắc. Những tán lá xanh trong cơn gió điên cuồng, heo may lìa cành rụng phủ đầy trên mặt đất. Có lẽ nào đời Thương cũng sẽ như những chiếc lá xanh này? Chưa vàng đã vội về với đất mẹ bao la? Đang miên man nghĩ, Thương nghe thấy tiếng cán bộ gọi tên mình.
– Anh Đàm Lưu Thương lên phòng thường trực gặp cán bộ y tế. Anh cán bộ quản lý Trung tâm nói.
Thương đứng dậy, bước theo cán bộ đi lên phòng thường trực.
– Hơn một tháng nay, anh thấy mình còn thèm thuốc nữa không? Ông bác sỹ già hỏi.
– Cũng không còn thấy nhớ thuốc nữa. Thưa bác sỹ. Thương nói.
– Ở trong Trung tâm, anh có ăn, nghỉ được tốt không?
– Được ạ. Với lại em cũng cảm thấy quen rồi.
– Ừ, vậy thì tốt. Bây giờ anh thấy trong người thế nào? Ông bác sỹ lại hỏi.
– Bình thường ạ.
– Anh có thấy trong cơ thể mình có cái gì đó khác thường không? Một sự thay đổi nào đó chẳng hạn?
– Bác sỹ hỏi như thế là có ý gì ạ? Em không hiểu.
– Biết nói như thế nào nhỉ?
– Có nghĩa là em…
– Vậy là anh đã biết được lờ mờ chuyện gì đó. Anh phải thật sự bình tĩnh nghe tôi nói. Theo xét nghiệm máu cho thấy, máu của anh dương tính với HIV. Trung tâm sẽ cho anh về, anh phải thật sự giữ mình để cho vợ, người thân an toàn. Thật đáng tiếc, đáng tiếc… Ông bác sỹ già thở dài.
Thương cầm tờ xét nghiệm lững thững đi về phòng, lặng lẽ thu xếp quần áo cho vào chiếc ca táp. Trước khi rời khỏi Trung tâm, Đàm Lưu Thương ngoái lại nhìn cây sồi đã trụi hết lá. Từ đầu cành cây, những mầm xanh đang dần hiện ra. Thương bước những bước chân nặng trịch. Con không nghe lời bố mẹ chửa hoang, chó không nghe lời chủ trở thành miếng mồi cho hổ. Thương hối hận vì đã không nghe lời bố mẹ, bỏ ngoài tai những lời khuyên của vợ. Để giờ đây, anh mang về nhà một thân bệnh không thuốc chữa. Đang ngồi trên xe trên đường về nhà, nhưng anh có cảm giác bồng bềnh như đi trên mây. Ở cuối con đường bồng bềnh huyền ảo, địa ngục đen tối đang chờ đón anh bước vào. Thương sẽ không tiếp tục làm quản lý việc làm ăn của gia đình. Những người bạn đến với Thương, đều là những người “cùng bệnh tương lân”, họ an ủi Thương bằng khói thuốc, bằng thứ bột trắng gieo rắc cái chết mòn cho bao thế hệ. Mang một thân bệnh, anh có thể còn sống được bao nhiêu lâu nữa? Bỏ được thuốc hay không bỏ được thuốc với anh lúc này có gì khác nhau đâu? Có chết cũng phải làm con ma no mới được. Không chích thuốc ở nhà, Thương lẳng lặng đi vào trong rừng. Người bản Nà Nu đi lấy củi nhìn thấy Thương, tỏ lời khuyên anh (chắc người này chưa biết Thương mang trong mình căn bệnh chưa thuốc chữa).
– Chú Thương à, chị thấy bản chất của chú là con người tốt. Sao chú không bỏ thuốc đi, để toàn tâm toàn ý chăm sóc cháu Lý? Cháu không có mẹ đã tội lắm rồi. Chị trong bản nói.
– Chị dâu à (Thương gọi chị là chị dâu theo tập tục trong bản người Tày), không phải em không bỏ hẳn được thuốc. Nhưng tội gì mình phải bỏ. Em sẽ không bỏ đâu.
– Tại sao thế?
– Khó nói lắm chị ạ. Chị không hiểu được đâu. Thực ra em có nỗi khổ của riêng mình… Bố mẹ em, người thân của em, vợ em, mọi người muốn tốt đẹp cho em đã ra sức khuyên em. Lúc trước em đã không nghe, không quyết tâm từ bỏ thứ hại người. Bây giờ biết thì đã quá muộn mất rồi. Em thấy ân hận lắm. Em thương cho bố mẹ em lắm. Đứa con em nó còn quá nhỏ…
Chị định nói “bây giờ em mới biết mình sai sao?” Nhưng nhìn vào mắt Thương, hai hàng nước mắt lã chã rơi, chị thôi không nói nữa.
Một khi tinh thần suy sụp, bệnh phát ra càng nhanh. Bốn tuần sau, Thương ra đi. Khi lục trong những cái túi áo, quần Thương mặc, vợ chồng ông Sáo thấy những lá thư hối lỗi của anh. Đọc những dòng chữ viết từ trong tim, viết lúc Thương tỉnh táo nhất, người trong cuộc không thể cầm được nước mắt.
“… Con không mong bố mẹ tha thứ cho người con bất hiếu này. Khi người con để cho người đã sinh ra mình đau lòng, rơi nước mắt, đó là một người con không tốt. Người làm cha để con mình sợ mìng, không dám đến gần, gọi tên bố, đó là một người bố không ra gì. Nếu kiếp sau được làm người, con sẽ không bao giờ để người thân phải đau lòng, nhỏ nước mắt vì đứa con bất hiếu, chưa ngày nào phụng dưỡng được cha mẹ, dù chỉ một lần…”.
Thương cho số phận hẩm hiu, bỏ qua tất cả những lời nói cay độc của bà Phiên, người toan tính độc chiếm tài sản của gia đình chú thím, bà Trình đến với vợ chồng bá Hảo bằng tấm chân tình của người thân, người hàng xóm. Khi người con chết, bố mẹ không được đến chỗ chôn. Giờ bà Phiên mới thấy anh em, họ hàng đáng quý hơn tiền gấp vạn lần. Bà mong em dâu sẽ tha thứ cho những việc làm trái của bà. Bao nhiêu người con bỏ bà ra đi, lòng bà đau như xắt ra từng khúc, bà đâu còn sức để quán xuyến công việc. Nhờ có gia đình chú Được mà bà bớt đi nỗi lo toan trong lúc đắng cay cùng cực của cuộc đời. Người bản Nà Nu cảm thấy đau lòng khi chứng kiến một đứa trẻ 5 tuổi mặc quần áo tang, trên đầu đội mũ ba chạc, lưng đeo dao nhọn, tay chống gậy quỳ trước quan tài. Người lớn phải dỗ dành lắm nó mới chịu làm theo. Nhưng có lúc nó đòi mặc áo mới, không đội mũ ba chạc, không đeo dao nhọn, bỏ đi chơi với những người bạn nhỏ.
Hôm đưa Thương ra đồng chôn, có nói thế nào đứa bé cũng không quỳ trước cửa đề người làng khiêng chiếc quan tài qua trên người nó. Dỗ dành mãi nó mới chịu theo người cô chú, con nhà ông bà Được đến chỗ chôn Thương thắp hương, quay lưng ném ba nắm đất xuống quan tài để cho người làng tiến hành chôn lấp. Khi chiếc xe (nhà dành cho người chết) và cây hương hoa, tiền cháy rừng rực trước mộ người chết. Ông Được nói với nó “rồi bố cháu sẽ sống trong căn nhà đang cháy đấy. Cháu lấy cái áo tang và cái khăn tang vẫy vào ngọn lửa đi nào”. Nó giãy đành đạch. “Không, bố cháu không sống trong căn nhà bé tý đó được đâu. Bố sống trong nhà tầng với Lý cơ. Ông bà cháu bảo, mai kia bố cháu sẽ trở về. Bố cháu chưa chết phải không ông?” Ông Được không biết trả lời nó thế nào. Nhìn vào đôi mắt trong veo của nó, ngọn lửa đang cháy rừng rực như một sự nối tiếp cuộc đời. Lý sẽ không bao giờ đi vào con đường tội lỗi của bố nó. Ông Được tin tưởng nó. Có lẽ ông bà nó cũng tin như thế.
NÔNG QUỐC LẬP
Nguồn: vanvn.vn
Bài viết liên quan: