Chiếc giỏ mây trắng” của Bùi Thúy: Ba giọt nước mắt chảy nhòe những trang thơ

Thơ Bùi Thúy thể hiện cảm xúc mạnh, hướng tới sự độc đáo không theo bất kỳ một công thức nào có sẵn, vì thế tránh được các lối mòn, nhất là mòn từ trong tư duy thơ. Các câu thơ dài, ngắn tự nhiên, nhạc và vần vang lên, chỉ phụ thuộc vào cảm xúc lúc ấy. Thơ chị là lối thơ đi từ cảm xúc đến thơ, lấy nhạc làm nền, lấy vần làm trọng, không qua trung gian, do vậy không chỉ khác với các nhà thơ khác mà trong các bài thơ không có bài nào giống bài nào.

Nhà thơ Bùi Thúy

Hơn bốn mươi năm trước, có cô bé chừng sáu, bảy tuổi, mặt mũi nhem nhuốc, gánh hai chú chó con về chợ Rừng Lim của huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang bày bán. Hai chú chó con, hồn nhiên ngồi chênh vênh trong hai cái rổ rách trên đôi quang gánh dài quét đất mà chưa biết mình sắp phải xa cô chủ nhỏ. Chúng cũng đâu biết rằng, khi người mua vừa mang đi, cô lọ lem đứng sững sờ, lặng nhìn theo cho đến khuất, trong đôi mắt to, đen và buồn đã ngân ngấn nước. Những giọt nước mắt ngây thơ ấy như báo hiệu điều gì đang ẩn giấu trong một người yêu lao động, giàu tình thương trong tương lai.

Hơn bốn mươi năm sau, cô bé ngày xưa với bao nhiêu trải nghiệm trong đời, niềm vui xen lẫn nỗi đau, một ngày bất ngờ gửi cho tôi bản thảo tập thơ “Chiếc giỏ mây trắng”. Tôi đã đọc và gặp những giọt nước mắt chảy xuyên suốt tập thơ nhưng không phải giọt nước mắt ngây thơ của thuở nào. Đó là giọt nước mắt nóng hổi hoài niệm về làng quê một thời thiếu nữ, giọt nước mắt đắng chát của số phận người từng nếm trải và giọt nước mắt hoan ca khi đã vượt qua bao giông gió cuộc đời. Chủ nhân của những giọt nước mắt chảy xuyên suốt tập thơ ấy chính là cô bé ngày xưa và chị Bùi Thúy bây giờ.

Làng quê nơi khởi nguồn mọi yêu thương và trở thành hoài niệm, in đậm trong tình cảm của nhiều nhà thơ và mỗi nhà thơ thể hiện một khác. Hoài niệm trong thơ không chỉ là nỗi nhớ xoáy lòng mà còn là nơi lưu giữ hồn quê như một bảo tàng bằng ngôn ngữ thơ. Không phải ngẫu nhiên các nhà thơ lại viết nhiều về hoài niệm. Kinh tế thị trường như chiếc nam châm khổng lồ đã hút nam thanh, nữ tú phải rời khỏi làng, đến các thành phố, các khu công nghiệp và cả các nước xa lạ khác để lao động kiếm sống. Nó tạo ra xu hướng làm lu mờ những gía trị thuộc về quá khứ, trong đó có văn hóa làng quê, nơi từng nuôi dưỡng bao tâm hồn lớn lên giữ được thăng bằng trước những ghềnh thác cuộc đời. Hoài niệm trong thơ Bùi Thúy giàu cảm xúc, chân thực về người, về cảnh, về phong tục, tập quán… mang tính tích cực.

Hình ảnh người cha thật gần gũi và cũng thật cao xa. Cha không chỉ lo nghĩ cho con, những gập ghềnh trên đường ngày mai con đi mà còn những hành động cụ thể hàng ngày để làm tăng thêm kháng thể, ủ vững niềm tin sẵn sàng trên con đường ấy:

Cha cõng giấc mơ con oằn vai miền ký ức

từng giọt mồ hôi rơi thấm đất ủ mầm…

cha bật dậy nhóm bình minh vào trang vở của con…

Người mẹ tảo tần mưa nắng, bằng tất cả mọi khả năng chịu thương, chịu khó quên mình lặn lội nuôi con. Mẹ gắn với công việc cụ thể và tình cảm tràn ra trong các hành động bình thường. Cái vĩ đại của người mẹ không chỉ thế mà còn qua sự lầm lũi hi sinh, những người con vừa tự hào vừa day dứt: “Sáng tỉnh giấc/ tóc mẹ thành mây trắng”. William Shakespeare từng viết, mẹ là người mà mỗi khi ta nghĩ đến đều thấy mình có lỗi. Mẹ trong thơ Bùi Thúy là đây:

mẹ đầm đìa quang gánh cuối chợ đầu hôm

vớt giấc chiều con tép con tôm

lách tách vó te ủ thơm mùi thính…

Ký ức về những đêm trăng nơi quê nghèo háo hức đầy một không gian văn hóa hồn hậu làng quê. Giếng nước, sân đình, những khái niệm ngày càng xa trong tiềm thức, vậy mà khi nghe xướng lên trong câu thơ vẫn làm tôi bồi hồi xúc động. Bóng dáng sân đình dưới ánh trăng lu, những phong tục ấm áp, những cặp mắt ngong ngóng vẫn còn đâu đây:

trăng lu ngong ngóng hội sân đình

em chải tóc mình xanh bên giếng nước

cau sáu bổ ba, bưng chén trà sen hầu chuyện cùng người…

Tôi nghe rõ tiếng hò reo trong các trò chơi dân gian của những chàng trai, cô gái “hái trái mơ vàng/ chua chua mười bảy” hiện lên thật tươi đẹp, rộn ràng và sinh đông từ sáng sớm trong mùa lễ hội:

cây vươn vai hoa nắng trổ buổi mai

đám trai làng mang bùa thả lùng tùng vào hội

em mặc áo lụa hồng phơi lên mùa trăng…

Những câu thơ rất thực mà vẫn mộng, thật gần gũi mà cũng thật xa xôi, duy tình mà ám ảnh!

Hoài niệm về những cánh rừng, khi rừng chỉ còn trong tâm tưởng, đã dẫn dắt nỗi buồn như nhắc nhở hôm nay về một thời đã qua. Ký ức rừng, đã vẽ lên những chi tiết thân thương, sinh động một thời mà giờ còn đầy tiếc nuối. Tứ thơ kín đáo, đọc xong mới bất ngờ và bàng hoàng như hãy còn đây, những đứa con của rừng trong những miền liên tưởng:

cánh ong sơn nữ gùi vai nắng

rừng rộng vòng tay ôm

bầy dúi khọt khẹt gọi tiếng đêm

rừng ngàn sao văng vẳng

ai khèn trên lưng ngựa

lối mòn leo vách đá…

Những ngày đói khổ vẫn đong đầy gợi nhớ trong những câu thơ lạ:

Em đã đi xuyên qua những viên gạch dán đầy tem phiếu

vẽ hình hài bóng mát cho con khi đất nước chờ đợi vặn mình…

những giọt mồ hôi gánh gồng quanh hũ gạo…

Phía sau những câu thơ ấy là hình ảnh đất nước những năm khốn khó, đói nghèo thời giặc giã và bao cấp. Đất nước tìm đường đổi mới, vượt qua, đã hồi sinh đem lại những điều kỳ diệu:

Em đã đến vườn hồng trong giấc mơ vừa nở

những đại lộ vươn về bốn phía

gặp mơn mởn hồi sinh…

Thơ có cơ hội bằng ngôn ngữ hình tượng để khái quát những gì có thể. Những giọt nước mắt nhỏ xuống, đã cạn rồi mà vẫn còn muốn khóc, trong tiếng khóc bởi mừng vui ấy, như vẫn còn dấu vết buồn đau xưa:

Hãy mang giọt nước

đặt vào khóe mắt em…

Bài thơ “Đất quê hương” có những câu thơ không dễ tìm thấy trong thơ Việt Nam. Hơn bảy mươi năm trước nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết trong “Đất nước”: “Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về!”. Giờ đây tôi gặp trong thơ Bùi Thúy những hình ảnh vừa như không thực mà lại rất thực. Tưởng trừu tượng nhưng cụ thể đời thường. Thơ chạm vào cái khó nói, giàu tưởng tượng nên thơ lại nói một cách hồn nhiên:

người yêu đất dần lặn vào trong đất

đất gọi tên từng người và chép gửi trời xanh…

Giữa tiếng “rì rầm trong đất” trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, có mối quan hệ với những “người yêu đất lặn dần vào trong đất” trong thơ Bùi Thúy đó chăng? Người với đất sống với nhau, tan hòa vào nhau như thế từ khi có đất, có người. Câu thơ, “đất gọi tên từng người” đã mất “và chép gửi trời xanh” thì lần đầu tôi thấy trong thơ! Câu thơ đã làm người đọc chợt nhớ và xúc động hơn về mảnh đất mình sinh ra, tưởng đã thương lắm rồi mà còn bao nhiêu điều chưa biết nhờ những chi tiết thơ tự nhiên, giản dị và giàu liên tưởng. Tôi phải thốt lên, viết về “Đất quê hương” mới, lạ và sâu sắc quá! Thơ là tình là cảm buồn, vui sâu đậm của người thơ. Tình và cảm buồn vui ấy còn in dấu tuổi thơ nặng nghĩa, nặng tình với quê hương xứ sở.

Tập thơ “Chiếc giỏ mây trắng” của Bùi Thúy, NXB Hội Nhà văn

Những câu thơ da diết như thế đã thôi thúc tôi lần tìm về một trong những ngọn nguồn sinh ra nó. Bùi Thúy đã có một tuổi thơ hòa nhập vào những cánh rừng xanh, bên ngoài tưởng như lặng lẽ, bên trong, sống động với những chú khỉ tay níu cành cây đu xuống ghẹo người. Những tiếng chim líu ríu xanh xen tiếng gió thồi rì rào như có ai đang trò chuyện. Những dãy núi quanh năm chập chùng mây dìu dịu trắng. Tiếng suối chảy như thói quen, như tiếng đàn mơ, như không chờ, không đợi ai. Trên những con đường mòn nhỏ, len lỏi hiện dần trong sáng sương cỏ ướt, những thiếu nữ người dân tộc, đội khăn, quấn váy thổ cẩm với hoa văn làm những cánh bướm ngẩn ngơ bay trong mùa lễ hội. Những mái nhà sàn chênh vênh, những người đàn bà mải miết gùi nắng mưa trên lưng chừng dốc… Và tất cả đã in hằn trong thẳm sâu trái tim thơ mà bất kỳ lúc nào cũng sẵn sàng thức dậy. Dệt nên tâm hồn đẹp, phong phú và chân thành. Quê hương ấy đã nuôi dưỡng hồn thơ, quá khứ tươi đẹp ấy luôn có mặt ở thời hiện tại và cả trong tương lai. Nó tiếp tục cung cấp năng lượng sống để khi đi xa đều luôn ghi nhớ nghĩa nặng, tình sâu. Một ngày hồn thơ đủ lớn đã rung lên tiếng lòng trong trẻo thấm đậm nghĩa tình. Thơ viết về hoài niệm tích cực không chỉ cung cấp làm phong phú trong tâm hồn mà còn bồi đắp thêm ý chí, nghị lực, niềm tin và hành động để vượt qua mọi gian khổ, khó khăn hướng về phía trước. Những bài thơ hoài niệm, bài thơ nào cũng đẹp, lấp lánh tâm thế người thơ tưởng bình yên mà đầy sóng vỗ.

***

Từ làng quê ấy, chị đã “gấp nếp thanh tân/ gấp lại ân tình/ gói lại hồn làng/ gói lại tuổi quê” làm hành trang trên đường xa, khi kinh tế thị trường mang theo đội quân thiện chiến vô hình  cũng vừa đặt chân vào xã hội nước ta. Cuộc va chạm trong mưu sinh, va chạm văn hóa làng với đời sống xã hội như một thử thách lòng người. Đời sống thật không như trong hoài niệm, tôi gặp những giọt nước mắt chảy vào trong. Nỗi đau với người phụ nữ nhất là khi đối diện với chính mình. Đêm buông xuống, mọi ồn ào đều đã lịm dần vào giấc ngủ muôn loài, riêng người thơ vẫn thức. Trong những đêm như thế, quá khứ, hiện tại hiện về như những thước phim dằng xé trong hồn. Một người sống giàu tình yêu thương, đầy bao dung, vị tha và thiện nguyện, hăng hái lao động nhưng nghiệt ngã thay của số phận con người. Chị đã khóc, thương và tiếc mình trong những đêm cô đơn dằng dặc ấy. Đọc câu thơ này, hỏi ai còn cầm lòng cho được:

nằm im mắt nhìn vào trống vắng

giọt nước mắt đắng lặng lẽ

rơi…

Giọt nước mắt đắng đã nói hết sự thật ẩn chứa trong lòng mình. Chị đang kiểm điểm lại mình, “giọt nước mắt đã mấy lần xanh lên màu nín nhịn”. Cái “màu xanh nín nhịn” ấy đã nói lên tất cả. Dường như tất cả đã chống lại chị, những dằng co và cuối cùng đã phải thua giọt nước mắt. Nước mắt nào cũng đáng thương nhưng thương nhất phải là nước mắt thầm trong đêm của người phụ nữ đoan trang không chỉ một lần:

những chông chênh không dừng được

âm thầm nhặt thêm những hạt mầm nước mắt…

Người phụ nữ mảnh mai, một nách hai con thơ, kinh tế thị trường như một dòng sông mùa nước cuộn xiết giữa thành phố tốc độ, nếu chị không đứng dậy được, cũng là bình thường, người ta chỉ thương, không ai nỡ trách. Nhưng chi đã đứng dậy một cách mạnh mẽ, không bất ngờ, qua thơ tôi đã gặp một con người giàu nghị lực vượt lên trên số phận của mình:

Cầm nỗi buồn trên tay

ở giữa mùa bão tố theo nhạn biển rạn chiều

em vượt sóng bay lên…

Vâng, chị đã “vượt sóng bay lên”. Tất cả chỉ nằm trong một động từ “vượt”! Từ đây, bắt đầu từ đây tôi gặp một con người khác trong chị, trong thơ. Chị đã đi “Dưới vòm đêm” để “Gọi nắng ngày” rồi “Hóa kiếp một dòng sông”, để “Kéo nắng” lên và “đứng giữa đất trời khỏa đôi tay chèo chống”. Đó là tất cả những gì chuẩn bị mở ra những chân trời chủ động mà tôi trân trọng qua thơ.

Những giọt nước mắt đắng chát chảy trong thơ, đã gọi tôi tìm về một trong những ngọn nguồn sinh ra nó. Vừa lớn lên, ở tuổi đẹp nhất của thời thiếu nữ, chị đã phải chia tay gia đình. những cánh rừng và những con suối nhỏ đi sang Nga xuất khẩu lao động. Ngót chục năm sau trở về cùng chồng và đứa con còn bế trên tay. Mặt trời vẫn tỏa sáng phía sau đỉnh núi, mặt trăng vẫn trở về đúng hẹn trải màn sương bàng bạc buồn trên những ngôi nhà nhưng không báo hiệu gì cho chị về cuộc sống ngày mai. Chị đã dắt con bé, khăn gói vượt hàng ngàn cây số gian lao với hi vọng lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh từ hai bàn tay trắng. Chị làm bất kỳ việc gì bằng lao động chân chính miễn có tiền nuôi con. Chị từng có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, tước bỏ nốt phần tuổi xuân xơ xác còn sót lại. Những chắt chiu lần lượt ra đi, chỉ còn lại một niềm khát sống. Thơ không chỉ phản ánh tình cảm người, sinh ra từ các mối quan hệ với thiên nhiên và xã hội trong cuộc mưu sinh mà còn in dấu đời sống riêng tư của tác giả. Thơ Bùi Thúy không dừng lại ở những nỗi niềm riêng tư mà còn là một góc nhỏ phản chiếu mặt trái của kinh tế thị trường tác động vào xã hội.

***

Tôi nghe có tiếng reo vui trong thơ, khi Bùi Thúy hòa vào “Vùng đất phương Nam”. Vùng đất ấy, tâm hồn ấy đã gặp nhau và những câu thơ có sự cộng hưởng cũng bay lên. Người thơ đã vượt qua những tình cảm mang tính cá nhân để hòa vào tình cảm chung của đất nước:

Nứt tách từ giấc mơ

bầy chim lạc hẹn nhau nơi cuối nước

rám hoàng hôn chạm đầu cánh sóng

vỗ bến lở bồi câu hò vọng ngược

thon thả tiếng đờn bầu xuôi con nước chia hai…

Vùng đất ấy, đẹp đất, đẹp người đã thu hút và chính nó đã giúp chị đổi thay, tươi mới, hôi hổi sức xuân:

Em đã xanh ngăn ngắt đến bật mầm tuổi trẻ

đã hồng hào chín đỏ tháng năm…

Ở đó chị đã gặp “Cọng cỏ gầy”. Nó như một nhân chứng, chứng minh sự quyết liệt trong lựa chọn mới hay là ngã rẽ khác mạnh mẽ hơn. Tôi chú ý đến lời hát thì thầm của “Cọng cỏ gầy” trong những câu thơ:

Cọng cỏ gầy kéo vạt yếm đón sương

khỏa nước rửa bùn va vấp gót chân sen

thì thầm lời hát

nơi thảo nguyên và phiến đá…

Giọt nước mắt bây giờ cũng khác. Trong giọt nước mắt đêm “ như cánh hoa rũ băng bừng nở” đã lấp lánh niềm vui, có tiếng hát vang lên nhè nhẹ từ xa, vang lên từ trong lòng chị – “giọt nước mắt nở hoa”:

Đêm qua có một niềm vui rất lạ

nghe tiếng hát ở xa

một tiếng hát trong ta

giọt nước mắt như cánh hoa rũ băng bừng nở

giọt nước mắt nở hoa…

Tháng chín vẫn là mùa thu, sự dịu dàng của nắng gió, sự êm đềm của sông xanh, trời biếc trở về như đã hẹn. Nhưng tháng chín, mùa thu, gió và nắng đã khác khi trong hồn người thơ, buồn, vui đã khác. Tháng chín và thu ở đây được tác giả nhắc lại thành điệp khúc đã cho thấy cái tháng và mùa, nắng và gió đặc biệt. Đặc biệt vì có anh. Anh ở đây như một biểu tượng về cái đẹp. Tháng chín và mùa thu có thể chưa phải là tháng tưng bừng lễ hội như những tháng và mùa khác trong năm. Với thơ, lễ hội bên ngoài chỉ là gợi ý cho lễ hội rộn ràng ở trong lòng người thơ nên đã thành vũ hội. Tháng và mùa đặc biệt ấy đã mở ra không gian cho nắng mang đến những câu thơ đẹp, sâu sắc và xuất thần ám ảnh trong tôi:

mùa thu có câu thơ chở đầy vũ hội

buồn vui trăng vẹt móng thời gian…

Tháng và mùa đặc biệt ấy cũng mở ra không gian cho gió mang về để hình ảnh “anh” hiện lên tươi mới với bao sự trân trọng mến yêu và mênh mang đến lạ:

ngày tháng chín rộng như anh không bao giờ cũ…

Từng có những nỗi đau nén chặt, từng có những giọt nước mắt chảy vào trong và cũng đã từng thảng thốt đi tìm trong thất lạc:“Ai đem anh đi về bên phía ấy/ khoảng xa lấp mãi chẳng đầy”, “biển đã giấu anh vào trong lòng rộng lớn” và tôi hiểu, người thơ ấy không chỉ tháng chín và thu mà chính là anh như không thể khác. Đọc câu thơ “yêu từng xác buồn của mùa rớt lại” sao trong lòng tôi nhoi nhói một nỗi đau, một giọt nước mắt thầm. Có gì đó trong hồn người thơ đã từng xơ xác và đang chân thành, miệt mài gom góp cả “xác buồn của mùa rớt lại” để tự mình xanh tươi. Một ngọn lửa yêu đầy khát khao đang được nhen nhóm lên trước ngọn gió dù nhẹ vẫn gieo vào lòng người thơ và cả tôi một nỗi sợ mơ hồ. Nghệ thuật ngôn ngữ thơ là vậy, giả định đã làm tăng lên độ sâu sắc hơn nhiều qua những chi tiết thơ mộng, chắt lọc và điệu đà một chút trước mùa thu:

Em sợ những lọc lừa làm xước mùa thu

vờ không lạnh để khoác thêm làn sương mỏng

vờ dửng dưng để vàng thêm muôn ngàn sắc lá

vờ ngây thơ trước thăm thẳm trăng vàng…

Đã qua truông rộng, đèo cao nên giờ trước mặt chị là một cánh đồng mùa xuân với bao nhiêu màu sắc trong hồn, thức dậy những đam mê. Khi tình yêu xâm chiếm, mắt nhìn mọi sự vật cũng khác, tươi trẻ, sống động và đượm tình. Mùa nào cũng nghe tiếng reo vui, trong thơ nhìn thấy gì cũng đẹp:

Có phải xuân đâu mà chim én nghiêng mình

nắng đỏng đảnh

dập dìu mây đan sắc

gió giật mình

mưa dong trước mặt

thời gian khà như một tiếng cười vang…

Tiếng “khà” làm xuất hiện trong tôi, hình ảnh một người đang say sưa uống rượu, rượu tình, đầy phấn khích và xen chút mãn nguyện. Cũng tâm trạng ấy, thơ như vừa diễn đạt tình yêu như vừa hưởng thụ tình yêu với những câu thơ vui và đắm đuối:

dưới tán tâm hồn khóm biếc trổ đài hương

dấu môi đầu tiên chạm xuống cánh đồng đầy hạt

đội sương

lúp búp cánh xuân dưới miền cộng cảm…

Trên cánh đồng tình yêu ấy, tôi nhìn thấy cặp tình nhân nắm tay nhau đi và sống hết mình, “Trong vô tận lòng nhau”. Hạnh phúc cầm trên tay vẫn thon thót giật mình, không quên những ngày tháng cũ:

Đi dưới cơn mưa em mềm lòng bao dung những ngày rát nắng

tán me ven đường run rẩy khóc nghẹn ngào ngày anh trở lại

cơn đầu mùa triệu triệu giọt trinh nguyên…

Tôi đã phải dừng lại rất lâu ở bài thơ “Chiếc giỏ mây trắng”. Một tứ thơ độc đáo, những câu thơ giàu sức gợi. Đó là chiếc giỏ đựng tình yêu mà người thơ chuốt từng sợi mây trắng, tự đan. Đã nghe từ trong sâu thẳm hồn mình một tình yêu mà người thơ đang mải miết:

Chong lên nắng

em âm thầm đan những mắt cuối cùng chiếc giỏ mây trắng…

Chiếc giỏ ấy, “đựng đầy hạt mầm/ đi hết cánh đồng mùa xuân”. “Những chú chim ri lích chích cất tung đôi cánh/ ghé thăm cành đếm từng chồi lộc”. Chú chim ri say sưa “ghé thăm cành đếm từng chồi lộc” đã mang về những yêu mơ đầy hứa hẹn về một ngày tươi đẹp. Trong chiếc giỏ ấy, có “cơn mưa mùa hạ”, có “làn hương thơm mùi quả chín”. Trong niềm vui tràn ngập, nước mắt và trăng lại xuất hiện với người thơ. Đó là những giọt nước mắt hòa lẫn tình thương yêu, đau khổ, mừng vui và trăng của niềm hạnh phúc vừa đến:

Em cầm lên chiếc giỏ mây trắng

đựng đầy hạt mầm nước mắt và trăng…

Hạnh phúc như “ những ký tự mọc xanh lên” xâm chiếm hết tâm hồn. Họ đã sống, sống tan hòa vào nhau, sống như để bù lại những mất mát dù đã là quá khứ:

Có một khoảng trời xanh biếc ở trong nhau

khúc ríu ran đón bình minh thức dậy…

Họ đang mơ, những giấc mơ đẹp“rồi cùng đi/ đi mãi/ những dòng chữ chạy dọc con đường/ tít tắp về phía vừng dương/ Chiếc giỏ mây trắng tỏa hương…”

Bài thơ giàu tưởng tượng, biến ảo hợp lý từng chi tiết, biến ảo trong ngôn ngữ thơ, kết lại một quảng đời nhiều đau buồn nhưng có hậu, đầy tiếng hoan ca. Nó nhắc nhở một điều hệ trọng, tình yêu không bỏ quên ai, dù bất hạnh đến thế nào cũng phải vượt qua bằng nghị lực của mình, hướng lòng trong sáng về tình yêu, sẽ được bù đắp.

Những giọt nước mắt hoan ca ấy đã kêu gọi, tôi lại tìm về một trong những ngọn nguồn sinh ra nó. Khi đứng dậy tự giải thoát mình và hướng tới một tương lai tin cậy cho con, ý chí ấy buộc chị chủ động dội nước lạnh vào bếp lửa đang tàn lụi của nhà mình. Chị lại gồng mình lên làm tất cả nuôi con ăn học, kiến tạo một cơ đồ và tương lai bằng mồ hôi, nước mắt và trí tuệ của mình. Chị tự học, học trong sách, trong đời, trong bạn bè, từng bước hoàn thiện mình để cân bằng giữa nhận thức và hành động. Con người ấy, cuộc đời ấy biết lắng lại, giấu nước mắt vào trong, như chưa từng gặp khó, nở những nụ cười tươi sáng, rộng mở với bạn bè. Những người chị, người bạn luôn thương yêu đùm bọc, giúp đỡ chị. Lặng lẽ mà kiên gan, những ai biết cuộc sống trong quá khứ cũng thấy bất ngờ, vui mừng cùng chị ở thời hiện tại. Chị đã có cuộc sống cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Hai con được học hành tử tế, đứa đã tốt nghiệp đại học, đứa vừa thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Tưởng như thế cũng xứng đáng cho người thân, bạn bè ngã mũ quý chào. Nhưng điều kỳ diệu hơn không phải chừng đó mà trong trái tim nhiều tổn thương ấy, ở nơi sâu nhất, lắng đọng nhất chị vẫn trân trọng dành tình cảm đặc biệt cho thơ. Thơ chị đứng về phía những người phụ nữ thiếu may mắn nhưng giàu nghị lực và niềm tin yêu, không cam chịu số phận.

***

Đọc “Chiếc giỏ mây trắng”, bỗng nhiên, các nhà thơ trong tác phẩm “Đaghextan của tôi” của Rasun Gamzatov qua bản dịch của Phan Hồng Giang cứ hiện về, vang vọng, nhói đau trong hồn tôi, tạo nên sự liên tưởng không ngờ: “Thơ đã đến với Batưrai khi ông đã thành người già nua, ốm yếu, đói rách, ngồi bên bếp lò lạnh ngắt của mình… Thơ đã đến với Abutalip, khi ông xách bị gậy đi các làng xin ăn, còn cô gái Khatimát ông yêu lại ruồng bỏ ông đi lấy người khác…”  Hoàn cảnh nghiệt ngã như một chất xúc tác, tác động mạnh vào hồn thơ, thoát ra thành những bài thơ trực tiếp, đau đớn và hoàn chỉnh. Bùi Thúy có những bài thơ thấp thoáng gợi cảnh đời thực của mình, nhưng đều hướng về con người, nhất là những thân phận thiếu may mắn, giàu niềm tin có ý chí vượt lên làm chủ đời mình.

Cái khó với các nhà thơ là thơ của họ phải thể hiện đúng chính mình, thơ đòi hỏi sự khác biệt. Nhà thơ Rasun Gamzatov từng viết: “Tôi không cần phải giống ai khác cho dù đó là Omar, là Puskin hay Byron…”, “Tôi không muốn tỏ ra tốt hơn hay xấu hơn chính con người mình”. “Tôi phải là tôi”. Thơ Bùi Thúy thể hiện cảm xúc mạnh, hướng tới sự độc đáo không theo bất kỳ một công thức nào có sẵn, vì thế tránh được các lối mòn, nhất là mòn từ trong tư duy thơ. Các câu thơ dài, ngắn tự nhiên, nhạc và vần vang lên, chỉ phụ thuộc vào cảm xúc lúc ấy. Thơ chị là lối thơ đi từ cảm xúc đến thơ, lấy nhạc làm nền, lấy vần làm trọng, không qua trung gian, do vậy không chỉ khác với các nhà thơ khác mà trong các bài thơ không có bài nào giống bài nào. Bởi vì các bài thơ đó viết ở những khoảnh khắc và tâm trạng khác nhau, khi trái tim thơ rung lên không cùng tần số. Tôi đã đọc chậm, thật chậm đúng âm sắc để lắng nghe những nhạc, những vần chở những ý thơ tỏa ra rồi len lỏi chiếm lĩnh trong hồn mình. Tôi nhận ra những tứ thơ độc đáo, những câu thơ tinh tế, giàu tưởng tượng, không dễ dãi, ngôn ngữ thơ tự nhiên, biến ảo và sáng tạo, chuyển tải tối ưu những thông điệp cần thiết:

Em từng thấy màu thiên thanh triệu năm còn nguyên trinh bạch

màu hổ phách triệu năm ngậm vàng hạt lúa

màu thời gian triệu năm mặn má mặn môi…

người thanh thản cao lên cùng trời đất

em liu chiu lớn dậy với đất trời…

yêu từng xác buồn của mùa còn rớt lại…

Đọc đến dòng cuối cùng của tập thơ “Chiếc giỏ mây trắng”, nhắm mắt lại, những bài thơ, Hãy mang cho em giọt nước, Đất phương Nam, Tháng chín và anh, Chiếc giỏ mây trắng… cùng  những tứ thơ, ngôn ngữ thơ độc đáo, tinh tế lần lượt hiện lên, lấp lánh trong hồn tôi. Tất cả như cùng nói, tập thơ “Chiếc giỏ mây trắng” vừa khép lại, nhưng đã mở ra những khát vọng mới, khát vọng sống và khát vọng thơ. Bởi với Bùi Thúy: “Khóm khát vọng vẫn mọc xanh lên từ nơi lồng ngực…”

VƯƠNG CƯỜNG

Trích nguồn: Vanvn.vn