Cánh từ bi lặng im – Truyện ngắn của Trần Văn Thiên

Trần Văn Thiên vừa tốt nghiệp Bác sĩ Răng hàm mặt của Trường Đại học Y dược TPHCM năm 2023. Hai năm gần đây chàng trai yêu khoa học lại mê sáng tác văn chương quê Bình Định liên tục nhận tin vui từ Cuộc thi Sáng tác Văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM. Anh đoạt giải nhất về thơ ở cuộc thi lần thứ I năm 2022, giải nhất truyện ngắn và giải nhì tản văn tại cuộc thi lần thứ II – 2023. Vanvn.vn xin giới thiệu truyện ngắn “Cánh từ bi lặng im” mới được trao giải nhất với hiện kim 30 triệu đồng của Trần Văn Thiên.

Trần Văn Thiên giao lưu tại Lễ trao Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM lần II – 2023

>> Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM lần II

>> Thơ Trần Văn Thiên: Tìm lên ngọn đồi nức nở vầng trăng

> Thơ Trần Văn Thiên: Kịp đánh thức một miền hương xa thẳm

Lúc xe tới đầu xóm, Kha còn ngả lưng vào ghế mơ màng sau một quãng đường xấp xải nắng gió, xa mút như đã đến cuối đất cùng trời. Cậu lơ mơ thấy trước mặt mình một cô đào hát đứng đơn độc giữa sân khấu. Đèn đã tắt hết, chỉ có ánh trăng văn vắt in trên khuôn mặt cô những ngấn sáng nhập nhoà, lộ ra đôi mày được vẽ mềm mại, cánh môi tô màu son đỏ, hai bên lấp loáng đôi bông tai hình chim hồng hạc. Đôi mắt rơm rớm giọt trăng nhìn thật lâu vào Kha, mà cũng có thể đang nhìn về nơi nào xa ngốt ngát. Thảng hoặc chỉ cần một khắc giây sơ sểnh lạc nhịp, mọi thứ sẽ bị hút vào mất dấu, kể cả Kha. Giữa sự im vắng nhưng nhức ngỡ có thể nhấn chìm người ta, khuôn mặt đào hát hiện lên nét ẩn nhẫn mà cậu chưa gặp bao giờ.

Xe đột ngột thắng gấp, Kha choàng tỉnh dậy ngơ ngác nhìn quanh. Thì ra chỉ là chiêm bao. Ngoảnh lại đằng sau, cậu nhận ra mình vừa lướt qua ngôi miếu nhỏ le lói ánh đèn trái ớt, đối diện gò đất thông thống gió mà có lẽ mấy ngày tới gánh hát sẽ dựng sân khấu ở đây. Trời đã nhá nhem, Kha xắn tay áo cùng mọi người chạo rạo rinh đồ đạc xuống xe, xếp vào nhà trú. Cậu không kịp nghĩ lâu về giấc chiêm bao kì lạ.

Hôm sau đúng lễ Thanh minh, buổi trưa nắng vẫn dát vàng xóm biển nhưng đến chiều trời lại kéo mây đen sà sập, bộ dạng như sắp chuyển mưa. Đây là đêm hát khởi đầu, gió mưa khó lường làm mọi người không giấu được nỗi bối rối, thắc thỏm. Lúc Kha đang loay hoay chuyển trống chầu vào lều thì có một chàng trai tóc quăn xăng xái tới nói nhỏ: “Má em nhắn đoàn mình nhớ vái cô Út Đào phù hộ cho trời quang mây tạnh!”. “Cô Út Đào là ai?”, Kha chợt hỏi.

***

Mẫn ngồi một mình, ánh sáng chao chao từ ngọn đèn cầy hắt bóng cô lên bức ảnh trắng đen treo giữa vách. Bức ảnh ố màu chụp gánh hát bội Hồng Hạc sau đêm hát ở miền quê nọ. Người không mặc phục trang như những đào kép trong đoàn, đứng rụt rè bên phải bức ảnh là cô Út Đào, má của Mẫn. Một thời Út Đào ruổi rong cùng gánh hát Hồng Hạc để hoá trang cho nghệ sĩ, lo cơm nước và có lần còn đỡ đẻ cho một đào hát trong đoàn giữa dầm dãi gió mưa.

Cha ở lại với biển trong một trận bão càn, Út Đào trúc trắc lớn lên cùng má và chị Hai Ngà. Đào khác những cậu trai trong xóm biển. Đào muốn nuôi tóc dài, thích nhón chân đi khẽ cười duyên, ghét làn da mốc cời rặt một màu nắng rộc rạc chói gắt. Tuổi mười lăm, trai tráng cùng lứa Đào theo mũi ghe hướng ra biển, còn Đào lại thấy trong mình một cô thiếu nữ đang lớn lên. Đám trẻ choai trong xóm hay theo gót Đào ngoẹo đầu chọc ghẹo: “Bê đê kìa bây ơi!”, mớ lời rơi ra cùng tràng cười ha hả. Đào cắm cúi chạy ra bãi ghềnh mà nghe gió luồn qua cánh mũi cay xé. Đào thôi khóc soi mặt xuống biển, bất giác nghĩ về Sáu Nhơn. Những ý nghĩ như những trận bão khô quét qua trái tim rỗng vừa lén lút đầy lên một mối tình thầm. Đào ngồi bó gối nín lặng nhìn bông từ bi nở tím trong li ti bụi cát. Sờ vào phía trên bờ môi rát mặn, Đào nhận ra nơi ấy đã lún phún râu, tựa những chiếc kim nhọn xuyên qua nhoi nhói người con gái trong Đào.

Mỗi khi Hai Ngà vắng nhà, Đào thường săm soi thật lâu những hộp phấn son phai màu chị mình xin được từ những gánh hát bội. Đào lén thoa lên khuôn mặt ngây ngây vì phấn khích, nắn nót kẻ cặp chân mày lá liễu, lấy quần áo của Hai Ngà ướm vào người rồi đứng trước gương mỉm cười thinh lặng. Một nỗi vui sướng râm ran vừa được vỡ vạc, người con gái trong Đào như hét vang từ sâu thẳm: “Đây mới chính là mình!”. Người con gái ấy tựa cánh chim trong lồng khát bay, đau đáu những quãng đồng tự do xanh ngút. Giá mà cái nắng lênh láng kia là một thứ men rượu, Đào sẽ uống đến say mèm rệu rã, để bóc hết lớp vỏ thô sơ giả dối bên ngoài suốt đằng đẵng tháng năm.

Những lần có gánh hát bội về xứ biển hiu hắt, Đào không ngăn được nỗi rộn rực, nôn nả đến mất ngủ, chập chờn trong đầu những cái tên Tạ Nguyệt Kiểu trong tuồng Sơn Hậu, Lý Xuân Hương, Tạ Phương Cơ trong Khuê các anh hùng,… “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng. Gian nan là nợ anh hùng phải vay”, Đào ra đầu ghềnh bẻ ngọn lau phấp phới, vừa múa tay xoay người giữa gió cát, vừa mấp máy môi hát thật vang trong ý nghĩ. Đào hái một bông từ bi nở muộn cài lên tóc mai, nhận ra loài hoa này như chiếc mão phượng hoàng phơn phớt tím, hoang dại giữa những trảng cát bạc tựa những tấm lưng trần.

Ngày chưa vào gánh hát, ngồi giữa đám đông vây quanh ngôi miếu nhỏ, Đào không ngủ mà mơ thấy mình đang lộng lẫy trên sân khấu, đội mão lông trĩ, khoác áo thêu rồng, vào vai Lan Anh vợ của Tiết Cương trong Hộ sanh đàn. Đào sẽ hát diễn thật tròn vai một người mẹ đẻ rơi con trên đường đi tìm chồng, “mình run khấp khởi lệ trào chứa chan” khi chuyển dạ dưới bụi hoa quỳ, bên người đầy tớ gái. Mường tượng ấy ấm như hòn than cứ âm ỉ giữa tàn tích tro muội, mặc những cuộn gió thốc bẽ bàng. Dù mọi thứ chỉ trên sân khấu, nhưng ánh mắt Đào như dại đi khi nghĩ mình là một người đàn bà, quýnh quáng trong nỗi xốn xang lần đầu được đón lấy thiên chức làm mẹ, cuộn chặt tiếng khóc chào đời của con vào gan ruột cho tới lúc đi xa.

Nhưng liệu có kiếp sau cho Đào được nức nở mãn nguyện? Số phận đã giam tiếng nói của chị ở nơi đâu? Như người chết hụt bị lạc mất giọng nói, từ lúc sinh ra sau non mười một tháng ngủ quên trong bụng mẹ, Đào chưa bao giờ được cất lên một tiếng “má” tròn đầy.

Người con gái trong Đào thỉnh thoảng lại cựa quậy, hát ca, khóc cười, mặc cho lớp vỏ lầm lụi bên ngoài chỉ nói được bằng ngôn ngữ của đôi tay, điệu bộ nhẫn nại, nhiều khi tuyệt vọng chờ một cái gật đầu thông suốt. Cái tên Út Đào cũng là dành cho người con gái tang bồng mộng làm đào hát ấy. Dù Đào có thể nói tên mình cũng khó như chim bay dưới biển, nhưng những tiếng gọi “Đào ơi” từ gánh hát khiến chị được sống. Để cái tên Văn Hạo sẽ mãi ở lại tựa bọt sóng, vỡ tan cùng chiếc vỏ canh cánh mặc cảm trước những ánh nhìn bén như dao. Cái tên mới lẳng lặng trao vào tay chị một thân phận mới – được trọn vẹn là mình.

Ở Hồng Hạc, Út Đào đã điểm trang khuôn mặt Lữ Bố khôi ngô nổi danh Phụng Nghi Đình, Tạ Nguyệt Kiểu má đào môi son nhã nhặn, Quan Vũ khí phách mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày ngài,… Tiếng trống chầu thập thình nổi lên, những lá cờ ngũ sắc thả mình vào gió lộng, dưới ánh đèn sân khấu, mỗi khuôn mặt rờ rỡ hiện ra đều là một tác phẩm. Hiền, ác, thật, giả soi vào từng nét mày, đôi mắt, màu da, sống động đến ám ảnh, những ngón tay của Đào đã thay chị cất lên tiếng nói. Để rồi trong giấc ngủ tạm bợ, Đào thấy đám mặt nạ nháo nhác tuồn ra khỏi sân khấu, trôi dạt khắp thế gian phủ lên những mặt người khóc cười dửng dưng, giả tạo, trộn lẫn những khuôn mặt trong trẻo, thật thà. Những khuôn mặt đã đi qua đời chị, xa xót, cảm thương, hay khinh khi, cười cợt, nhón tay ghim vào lòng chị những chiếc gai tủi buồn.

Tranh của họa sĩ Thụy Vy

Đêm thảng thốt tỉnh dậy, trời hanh hao không sợi gió đi lạc, tiếng vạc sành vén sương khuya tràn vào tận góc mùng, Đào nằm nhớ lọn gió biển, nhớ bông từ bi ngày nhỏ kết thành vòng hoa tím. Má Đào từng nói, ở đâu có từ bi nở, ở đó có biển minh mông, biển hào phóng dang tay ôm bờ cát cong như vòng eo con gái. Ngày cha nằm lại với những cánh sóng, má chong đèn suốt đêm đi dọc bãi cát lê thê, mong thấy cha về dẫu trong hình hài nào. Má cứ bước giữa những tảng sương dày, mảnh chai nhọn găm dưới bàn chân, mặc cho gió thốc vào người như số phận đang quất vào má những nhát roi buốt nhức. Giữa cuộc lang bạt kỳ hồ, Đào biết tìm đâu mùi dầu gió ấm rực hằng đêm ướp vào gian buồng tuềnh toàng, nằm ở giữa, chị đã rúc vào người má trong tiếng biển rền âm âm. Đào cũng biết tìm đâu thứ nước ngai ngái, mát lòng từ rễ cây chút chít mọc dưới “bầu ngực” của cát, chị em Đào cùng Sáu Nhơn từng vác cuốc đi đào tới tối sẫm, vừng trăng lên tựa chiếc thuyền thúng lẻ loi úp vào chân trời. Lẻ loi, cô đơn như khi Đào chợt thấy đáy mắt Sáu Nhơn, chỉ ngân ngấn hình bóng của Hai Ngà…

Đêm hôm đó, bóng tối quánh đặc cuộn lấy Đào trong thao thức, một mảnh vàng trăng như chiếc lá đa rơi xuống chỗ chị nằm. Nghe có tiếng người, Đào ngồi dậy lững thững ra gò đất phía sau. Giữa miền trăng sóng sánh, có hai bóng người đang ngồi hướng mặt ra vạt sông lao xao những thân tràm mùa trổ bông. Đào lờ mờ nhận ra Lệ và Vĩnh, cặp đôi đào kép là linh hồn của gánh hát Hồng Hạc thuở bấy giờ. Sự nghiệp của họ đang vào chặng vàng son. Trong tiếng dế giun khẳm đầy sông đêm, Đào nghe như Lệ vừa rấm rứt khóc:

– Chẳng lẽ phải đành đoạn bỏ đứa con này sao anh?

– Chứ anh biết phải làm gì đây? Tụi mình thân cô thế cô, ba má em không còn, có nó rồi sao em đi hát? Hơn nữa, còn vợ anh…

– Nhưng…

– Em đừng nghĩ nhiều, chờ hát xong chuyến này rồi anh dẫn em ra thị xã, ở đó có bà bác sĩ cao tay. Mình… Nghe em!

– Thì… cũng đành vậy. Xót xa quá! Cầu mong đứa nhỏ tha thứ cho tụi mình.

Tiếng thở dài của Lệ lẫn vào tiếng cú mèo bồn chồn kêu đêm.

Đào không về lại lều, chị rẽ sang một con đường mòn đẫm sương khuya, bước chân như có đá nặng ghì xuống. Bóng những cây tràm nghiêng dài lặng lẽ hai bên, hoa li ti níu gió rụng như mưa bay dọc lối nhỏ. Đào cứ dò dẫm bước mà không hiểu chính mình, chị ra tới bờ sông giàn giụa ánh trăng mười sáu. Giữa những dải sáng như mê hoặc người ta, Đào thấy một chú bé thoáng nhìn chị rồi nhảy tõm xuống dòng nước chảy, sải tay bơi về phía những cội tra già thả đầy hoa trên mặt sông, rồi mất hút vào vũng đêm ngút ngàn. Bóng tối như chỉ kịp chao nhẹ rồi trở về một khối tĩnh tại vẹn nguyên. Đào chẳng biết mình có đang mơ không, nhưng cuộc đối thoại của Lệ và Vĩnh là thực. Những câu nói không chút dính dáng đến Đào, vậy mà cớ gì lại như vừa thả một đàn kiến lửa râm ran lòng chị. Đào đã ngồi úp mặt dưới một tán cây tràm già tới khi lác đác tiếng gà gáy sáng. Chị nghe như có tiếng trẻ khóc giữa chấp chới chiêm bao.

***

“Gửi chị Lệ, anh Vĩnh,

Đêm mười sáu hôm đó, em đã vô tình nghe được bí mật của anh chị. Em biết mình thật bạo gan khi có một điều muốn tha thiết khẩn cầu.

Ý định từ bỏ núm ruột của mình có lẽ làm anh chị ăn ngủ không yên. Vậy thì xin anh chị hãy sinh đứa nhỏ ra, và cho em được làm mẹ nó. Em biết mình là ai, nhưng hãy để em được thay hai người nuôi nấng đứa nhỏ nên người.

Sau khi cùng chị Lệ sinh con, em sẽ đưa đứa nhỏ về quê, và mãi mãi không tiết lộ bí mật này. Em xin lấy sự sống của mình để bảo chứng. Đời em đây là lần đầu tiên tha thiết cầu xin ai một điều gì đó.

Em Út Đào”

Cầm tờ giấy cũ nhàu những nét chữ bợt bạt, Đào không rõ bằng cách nào Mẫn tìm được lá thư chị cố giấu hơn hai mươi năm qua. Lá thư ngày đó Đào đã lén tìm nhặt lại sau khi bị Vĩnh vo tròn rồi vứt đi chẳng nghĩ ngợi, chị cũng không hiểu được mình tại sao cố giữ những thứ giờ có lẽ đã thành vô nghĩa. Có phải chị muốn lưu lại một mảnh kí ức của đời người con gái luôn thèm được ẵm bồng, đưa võng cho con ngủ, được hít hà mùi con nít nhẹ vương trên áo mình? Hay tờ giấy như bóng dáng của Hồng Hạc một thuở, bao đêm Đào nằm mơ thân xác này được lấp lánh trên sân khấu? Đào chỉ biết nhìn xa xôi khi Mẫn kiên nhẫn đợi từ chị một cử chỉ, hay một dòng chữ ngắn ngủi trả lời. Trước giờ cô vẫn nghĩ mình là trẻ mồ côi, được Đào nhặt về từ một khúc sông vắng. Nhưng chỉ có đôi mắt Đào cời lên những dấu chấm hỏi quẩn quanh mãi trong Mẫn, như đám bụi than bám rịt trên mái nhà.

Mẫn được Đào ẵm về ngôi nhà thông thênh gió khi còn đỏ hỏn. Cô chỉ biết mặt ông bà ngoại qua hai tấm di ảnh trên kệ thờ. Dì Hai Ngà đã có chồng con êm ấm ở xứ khác, chỉ ngày giỗ song thân mới thấy bóng dáng dì trong ngôi nhà cũ, một mình trở về rồi tức tốc rời đi. Lỡ chạm mặt đứa cháu, Hai Ngà chỉ cười thớ lợ, lạnh lẽo trả lời cho qua. Đôi khi Mẫn tự hỏi, hay dì không coi đứa con trôi sông lạc chợ của em mình như một mối thâm tình?

Ngày Út Đào bồng con về lại quê xứ, những dây từ bi ngoài bãi cát bị người ta giày xéo, đào bới loang lổ, xác hoa tím nghẹn tơi bời theo gió bay ra biển. Đó là quãng rộ lên cánh thương lái không biết ở đâu về thu mua từ bi để làm thuốc, người xóm biển kéo nhau ra bãi cát, vào rừng dương giành giật từng gốc cây. Đào rạc rài nhìn loài hoa của một thuở con gái chỉ còn cái xác nhàu nhĩ, nát vụn dưới chân người. Nghĩ, đến Sáu Nhơn còn bị người ta ruồng rẫy khi anh đau đớn phát hiện mình bị cùi, phải hoà vào biển để giải thoát giấc mơ dang dở, thì nghĩa lí gì bông hoa dại nhỏ nhoi.

Đôi khi ngồi với biển, Đào như thấy lại bao khuôn mặt mình đã điểm trang là đà trôi giữa quãng sương mù. Những khuôn mặt kép đào ở Hồng Hạc, ẩn hiện cùng những khuôn mặt đàn bà xóm biển được điểm trang trước lúc nằm sâu dưới đất lạnh. Những người đêm ngày cặm cụi vá lưới nhưng không vá nổi một vết thương lòng. Buồn vui ẩn ức nào cũng thành hư vô, giữa tiếng gió biển kéo đờn ngoài hiên trước, họ nằm bình thản với khuôn mặt đã tản đi bóng tối, như đang tận hưởng mong ước cuối cùng của phận đàn bà xóm biển. Là được đẹp trước một chuyến đi xa, gặp lại những người xưa cũ. Ai rồi cũng trở về thinh lặng. Thinh lặng là thanh âm vọng vang nhất của mọi thanh âm.

***

Năm tháng trôi qua, đến một ngày Đào cũng nối gót đàn bà xóm biển, bước lên chuyến tàu thiên thu.

Đó là buổi sớm mai, từng vạt nắng thanh mảnh thắt ngang dải từ bi loang tím đồi cát trắng. Nắng chảy vào gian buồng như suối tóc đàn bà óng ánh, ngoài biển, gió không còn thốc tháo từng cơn. Đào đã về làm một ngọn từ bi thinh lặng.

Mẫn trò chuyện với má thật lâu bằng ánh mắt. Đôi mắt này chầm chậm khép lại, đôi mắt kia đổ trận mưa thầm. Mẫn chưa từng nghĩ một ngày, cô sẽ là người dặm những phấn son lên khuôn mặt của má, trước khi Đào để lại bóng mình dưới mái nhà thanh thao khói toả, yên vị trên chuyến tàu thời gian. Cũng như Đào lần đầu được khoác những áo rồng, mão phụng trong vai tuồng ao ước một đời, trên sân khấu cuối cùng là bốn vách nhà rời rợi đôi mắt của kí ức. Cuộn trong tay lá thư năm đó, ở mặt sau chị đã run rẩy thêm vào những con chữ mảnh mai, thẳng hàng tựa những chấn song cửa. Chỉ vài dòng mà như buông xuống cả mấy mươi năm.

“Mẫn của má,

May phước má còn những con chữ để cậy nương. Mẫn à, má biết ơn con vì đã làm con của má.

Con không phải là con của Lệ và Vĩnh. Năm đó, sau khi sinh một đứa con trai, trái tim người mẹ đã ngăn Lệ làm theo lời má khẩn cầu. Cũng bận ấy, dì Ngà biết Sáu Nhơn, người đã như vợ chồng với mình, không may bị cùi, nên đã bỏ xứ đi tìm má. Ở nơi không ai nhận ra mình, Hai Ngà đã âm thầm sinh con ra và trao vào tay má, rồi đi tìm một tổ ấm mới. Ừ, dì Hai Ngà mới chính là má ruột của con.

Lòng ích kỷ muốn giữ con lại cùng chằng chéo những nỗi sợ như mũi dao, mà bao lâu nay má mỏi mòn cố giấu sự thật.

Xin con tha thứ cho má.

Xin con tha thứ cho cả Hai Ngà.

Mẫn à, má phải đi rồi, con ở lại bằng an.”

***

Kha một mình ra biển. Những mắt thuyền trong sương hoang hoải nhìn cậu. Kha nằm xuống bên một mảng từ bi ngậm đầy trăng, sóng dội vào cậu những ý nghĩ chập chờn. Cuộc người thăm thẳm hoá ra cũng chỉ quẩn quanh một ván cờ đã an bài.

Cũng như đời cậu là một quân cờ được số phận sắp đặt, ngơ ngác trở thành đứa nhỏ bị bỏ rơi khi còn ẵm ngửa, rồi được một vợ chồng già đơn chiếc nhận nuôi. Kha đâu biết chuyện đời cô Út Đào còn một đoạn khác, rằng sau khi Đào rời đi được ba ngày, Lệ đã quấn con mình vào mảnh vải rồi đặt trước một ngôi miếu cổ, đợi có người phát hiện. “Để đứa nhỏ lớn lên không biết ai đẻ ra mình mà tìm về”, Vĩnh nói, không chút do dự như chiếc lưỡi gió lạnh lùng quét qua trảng cát khô. Đôi vợ chồng già nhà ở sau miếu đã nghe được tiếng khóc của đứa nhỏ ấy, cũng chính là những người cho Kha hình hài như hôm nay. Và cậu còn có một người mẹ hụt, đó là Út Đào ở xứ biển heo hút này.

Kha quay mặt về phía đồi cát, một con bướm lẻ loi trắng nhởn bay quanh cậu. Trước mắt Kha, những bông từ bi yên lặng nhuốm vào ánh trăng cuối mùa.

TRẦN VĂN THIÊN

Trích nguồn: Vanvn.vn