Trong cơn mơ, tôi thấy cha đang lúi húi bên bếp lửa, bưng nồi nước đang sôi ùng ục, rót vào một cái thau nhựa ở bên cạnh. Cha lấy đũa cả đảo thứ gì đó trong nồi, tôi không thể nhìn thấy. Khoảng cách từ tấm phản tới bếp lửa chỉ vài bước chân, nhưng thân thể tôi nặng trĩu, hai chân tê dại vì một nguyên do nào đó mà tạm thời tôi vẫn không nhớ ra được. Có lẽ do trời lạnh, trời tháng Mười, kéo theo những cơn gió buốt giá, lách qua thung đi vào những cánh đồng phẳng lặng. Cha tôi nói, chúng ta bị chặn lại bởi những rặng núi và mắc kẹt. Tôi không hiểu dụng ý của cha, có lẽ, khi đó tôi còn quá nhỏ.
Tôi ngửi thấy một thứ mùi quen thuộc, khi người ta đổ nước sôi lên một con vật đã chết, làm mềm da và lông của chúng. Cha thôi đảo đũa, ông bỏ sang một bên, ra vẻ trầm ngâm. Vài giây sau, cha nhận ra sự tồn tại của tôi.
“Dậy rồi à!” Cha nói. Cha chuẩn bị làm thịt cò, những con cò mà chúng tôi đã bẫy được vào đêm hôm qua. Lũ cò xuất hiện trắng phau bên ngoài cánh đồng phẳng lặng, bị bao quanh bởi những rặng núi cao thấp, trùng trùng điệp điệp.
“Món cò xáo măng?” Tôi hỏi cha.
Cha mỉm cười. Đúng thế. Y hệt trong bài đồng dao. Tôi tạm thời không nhớ chính xác từng từ. Tôi không thể đọc nó chính xác. Nhưng tôi nhớ vị của măng rừng ngâm chua để lâu ngày, khi bỏ vào nồi thịt cò đang sôi lên ùng ục. Mùi chua dịu hòa vào cái lạnh của tháng Mười, của núi rừng. Bát cơm nóng, miếng thịt cò và vài sợi măng chua. Chúng tôi cùng ngồi ăn bên bếp lửa. Thảng hoặc nghe thấy tiếng một con chim lạ cất lên không rõ từ đâu.
Cha ngoái nhìn ra phía bên ngoài qua khung cửa nhà sàn gỗ, phóng ánh mắt xuống con đường mòn đầy đá cuội.
“Thấy gì không?” Cha buột miệng.
Tôi lắc đầu bảo, con chẳng thấy gì cả. Tôi hỏi lại, cha thấy gì, nhưng ông chỉ im lặng, nhìn miếng thịt cò vẫn còn nguyên trong cái bát sứ sứt mẻ.
***
Tôi choàng tỉnh, giữa đêm khuya khi bị đánh thức bởi tiếng động lạ. Có thể là tiếng mèo hoang làm đổ vỡ thứ gì đó trên mái nhà. Tôi với tay lấy chiếc đồng hồ dạ quang, mới hơn 3 giờ sáng. Tôi nhìn ra xung quanh mình, bốn bức tường trắng toát lạnh lẽo. Tôi nghĩ mình không thể ngủ nữa, bèn đứng dậy rồi đi ra ngoài hành lang, châm thuốc hút.
Thành phố vẫn đang ngủ, chìm trong màn sương tháng Hai. Những ánh đèn mờ ảo ẩn hiện trong không gian nhờ nhờ. Có những người đã thức, như tôi, vì công việc của họ, hoặc chỉ vì mất ngủ. Tôi rít một hơi thật mạnh, rồi từ từ nhả ra đụm khói trắng ra không khí đặc quánh nỗi buồn.
Tôi cũng không nghĩ tới chuyện sẽ đi ngủ lại. Tôi cứ thế, rít hơi này đến hơi khác, điếu này đến điếu khác, rồi sau đó quay trở lại căn phòng trống trải. Tôi đưa mắt, nhìn quanh căn phòng một lần nữa. Vài đồ đạc đã không còn nằm ở vị trí vốn có của nó, của vợ tôi. Những thứ yêu thích của cô đã được cho vào một thùng các tông lớn và mang đi. Cô ấy sẽ không trở lại căn phòng này, một lần nào nữa. Chúng tôi đã hoàn tất thủ tục ly hôn. Không ràng buộc nhiều về tài sản, cũng không con cái.
Tôi nhìn về phía tủ đầu giường, nơi đặt một con lật đật nhỏ màu đỏ. Món quà mà tôi mua cho vợ trong chuyến công tác nước ngoài vài năm về trước. Cô đã bỏ sót nó, hoặc cố tình bỏ lại thứ nhỏ nhoi không đáng có ấy. Tôi cầm con lật đật màu đỏ lên, giơ ra phía dải sáng rọi từ những ngọn đèn đường, rồi mải mê ngắm nhìn.
***
Cha đang ngồi đẽo một bức tượng nhỏ, chưa rõ hình thù. Tôi hỏi cha, cha chỉ bảo, rồi sẽ biết. Cuối cùng, cha mỉm cười, nhưng mắt lại buồn. Tôi không thể hiểu được nỗi buồn trong ánh mắt đang ngày càng trở nên đục ngầu và già nua ấy.
“Quê cha ở đâu?” Tôi buột miệng hỏi, tay thì cầm mấy mẩu gỗ vương vãi trên mặt ghế, ném thẳng vào bếp lửa đang cháy lép bép. Chúng tôi đang luộc ngô nếp, mùi thơm lan tỏa khắp gian nhà nhỏ.
“Ở vùng biển.” Cha trả lời. Dù tôi đã hỏi hàng trăm lần rồi, nhưng cha vẫn trả lời, không bao giờ phàn nàn về những câu hỏi vô thưởng vô phạt đó.
“Họ có đi đánh bắt cá không?”
Cha lắc đầu: “Không có thuyền để đi đánh cá.”
Sau đó, tôi không hỏi thêm nữa, vì cha sẽ không trả lời, chỉ im lặng, chăm chú, mân mê mẩu gỗ trên đôi tay chai sạn của mình. Cha đang đẽo một con lừa, tôi đã có thể nhìn ra cái mông của nó.
Tối hôm đó, chúng tôi tiếp tục đi đặt bẫy cò trên cánh đồng. Mùa này, cò xuất hiện nhiều trên cánh đồng trong thung lũng. Khi xong xuôi, chúng tôi trở lại gian nhà nhỏ. Cha nấu ăn bên bếp lửa. Tôi thu mình vào trong chăn thêu họa tiết sặc sỡ khi cái lạnh bắt đầu xâm chiếm lấy cơ thể bé nhỏ. Tôi hay bị lạnh, nên mỗi khi đi đâu từ ngoài về, y như rằng phải chui vào trong chăn để làm ấm cơ thể. Tôi nhìn cha bằng ánh mắt mơ màng. Rồi đưa mắt nhìn ra phía xung quanh căn nhà giản dị và đơn sơ. Đồ đạc chẳng có gì nhiều. Thứ quý giá duy nhất là chiếc tủ gỗ mà ông ngoại để lại, chiếc tủ đã cũ, vô số vết xước, nhưng nghe nói được làm từ gỗ quý, qua bao năm vẫn không hề bị mối mọt. Tôi thích cảm giác rà đôi bàn tay xanh xao nhỏ bé lên mặt tủ, được phủ lớp sơn màu nâu bóng đã bay mùi từ lúc nào. Nghĩ vậy, tôi khẽ khàng đứng dậy và đi về phía chiếc tủ. Cha không phát hiện ra ý định của tôi, dù cha có biết, ông cũng sẽ không ngăn cản.
Tôi rà đôi tay bé nhỏ của mình lên mặt tủ, ngập ngừng dừng lại trước một ngăn kéo mà tôi biết chắc rằng bên trong đó có gì. Tôi tiếp tục, mở ngăn kéo ra, phía bên trong có một bức tượng nhỏ đẽo hình người con gái xứ này. Đầu đội khăn trắng, mặc áo cóm, chân váy đen. Dưới chỗ để bức tượng là một khung ảnh nhỏ, chụp hai người. Người đàn ông và người đàn bà. Vùng biển và miền núi. Họ đều cười, và trông rất hạnh phúc. Thời điểm đó, họ đang rất hạnh phúc!
“Đi về chỗ ngay kẻo lạnh!”
Mỗi một lần nhìn thấy tôi lân la ở tủ gỗ của ông ngoại, cha lại nạt. Không phải với giọng điệu khó chịu. Cha chưa bao giờ khó chịu với tôi, dù tôi có gây ra lỗi lầm gì. Giờ chỉ còn mình con thôi. Có lần, cha nói với tôi như thế, tôi không nhớ là khi nào.
Rồi cha vặn đèn dầu nhỏ lại, để tôi ngủ. Khi nào cơm chín cha sẽ gọi. Tôi gật đầu. Cha đang đồ xôi trên bếp, mùi thơm bay khắp gian nhà bé nhỏ. Miếng xôi nếp thơm dẻo, thịt cò ngọt, nấu kỹ nên thịt mềm và bùi. Tôi ứa cả nước miếng trong giấc mơ của mình.
Rồi cảnh bị đổi, trôi qua một giấc mơ khác. Khi ấy, tôi lại nhìn thấy người đàn bà đang men theo con đường lởm chởm đá cuội, những viên đá nhiều hình thù và màu sắc khác nhau, nằm chen lấn lên nhau, không theo trật tự nào. Người đàn bà chân trần, tay xách váy đen cố lách qua những bụi cây xấu hổ ven đường. Dù có khéo léo cỡ nào chăng nữa, cũng vẫn bị gai đâm vào chân, bật máu. Nhưng bà ấy không hề dừng lại, vẫn phăng phăng tiến thẳng về phía cánh đồng phẳng lặng… và không thèm ngoái đầu lại.
“Sau những rặng núi là gì?” Tôi ú ớ hỏi cha trong cơn mơ. Cha đang bận vặt lông những con cò để xáo măng chua nên chắc không nghe thấy. Cha không trả lời. Bên ngoài trời bắt đầu mưa.
***
Tôi nhìn ngắm những hạt mưa đang táp mạnh vào khung cửa kính, gây nên những thanh âm kỳ cục. Tôi bỏ con lật đật quay trở lại chiếc bàn tủ đầu giường. Tôi cứ ngồi thế cho tới khi trời sáng hẳn.
Tôi thường bắt đầu công việc của mình vào lúc 8 giờ sáng bằng việc trả lời email của khách hàng. Họ đang có nhu cầu tư vấn những sản phẩm của bên chúng tôi. Những sản phẩm mà chúng tôi tin rằng sẽ mang lại nụ cười và niềm hạnh phúc.
Những email dài dằng dặc khiến tôi hoa mắt, xây xẩm cả mặt mày. Tôi đứng dậy pha cho mình cốc cà phê, nhấp một ngụm đắng ngắt, vẫn chưa thể tỉnh nổi. Tôi lơ đãng lướt mục tin tức. Họ đang đầu tư rất nhiều vùng xa xôi với hy vọng biến chúng thành địa điểm du lịch. Rồi bất chợt tôi nhìn thấy hình ảnh cánh đồng phẳng lặng, nhưng không hề thấy cánh cò nào trên đó. Tôi tự hỏi đã bao lâu rồi chưa trở về.
Anh phải đi đâu đó? Đại khái như, cho khuây khỏa, giải tỏa tâm trạng… Vài ngày sau khi vợ tôi rời khỏi căn hộ mà chúng tôi đã từng chung sống, cô đã nhắn với tôi như thế. Tôi không trả lời, chỉ lặng lẽ xóa dòng tin nhắn đó đi. Cô ấy sẽ không bao giờ nhắn nữa khi tìm được hạnh phúc mới. Tôi im lặng, nhìn xuống cốc cà phê đã nguội ngắt. Bên ngoài trời vẫn chưa ngớt mưa.
***
Cha đánh thức tôi dậy bằng một cái lay nhẹ bên cánh tay. Nhưng tôi vẫn không thể gượng nổi, tôi không thể mở mắt, đôi mắt tôi nặng trĩu, còn người thì nóng bừng như lửa đốt.
“Sốt rồi!” Cha lẩm bẩm, rồi chạy đi ra ngoài. Khi trở lại, tôi nhìn thấy ông cầm trên tay một túi nilon màu đỏ, bên trong đựng gì đó giống như thuốc. Cha cho tôi uống. Là thuốc hạ sốt lấy ở xóm bên.
“Nghỉ ngơi thêm chút nữa, đang nấu cháo.” Cha nói. “Một lát nữa sẽ được. Ăn vào, rồi ngủ một giấc là hết sốt ngay.”
Rồi cha ngồi bên cạnh tôi, thi thoảng lại sờ vào trán, cử chỉ ân cần. Cha bưng tô cháo nóng hổi, rồi từ tốn súc từng thìa vào miệng. Tôi cố gắng nuốt, rồi quay trở lại nằm. Không mê man nữa, tôi ngủ sâu chìm xuống phía lớp nước đen thẳm của đại dương, không còn nghe thấy tiếng gầm gào của cơn sóng nữa.
Cha nhớ biển. Có một ngày, sau khi mẹ đi ra khỏi những rặng núi trùng trùng điệp điệp. Cha bảo, cha nhớ biển. Nhớ lắm! Đêm hôm qua cha đã mơ về biển, nhưng nghĩ lại ông nội cũng không còn nữa.
“Cha định bỏ con sao?” Tôi hỏi cha.
Cha lắc đầu, cha chỉ nhớ, nhưng không thể đi. Bởi cha nói có những người mắc kẹt lại trong thung lũng này, như cha, như ông ngoại. Cha không thể đi, cha lặp lại cụm từ ấy với giọng điệu buồn thảm hết sức.
Nhưng mẹ đã đi rồi! Mẹ men theo con đường ngập đá cuội lởm chởm với hai bên đầy những bụi cây xấu hổ sắc nhọn, mặc kệ đôi chân trần đã vài chỗ rướm máu vì gai đâm. Mặc kệ sương đêm phủ xuống mái đầu. Đêm tối, không nhìn thấy đường, ấy thế mà mẹ vẫn đi bỏ cha con mình lại, trong thung lũng cô độc này.
Mẹ đi rồi, không về nữa. Không bao giờ về nữa. Có người đồn mẹ bị bỏ bùa, mẹ đi theo trai ở huyện bên, ở thành phố, ở biên giới giáp với Lào… Băng qua cánh đồng phẳng lặng, đi thêm một đoạn đường nữa, ra đường quốc lộ, nơi có xe cộ qua lại. Có người bảo mẹ lên một chuyến xe đưa mẹ ra khỏi vùng đất khỉ ho cò gáy này, nơi mẹ đã sinh ra, khi ông ngoại đặt tên cho mẹ theo tên của một loài hoa trong rừng.
Mẹ đi rồi, không về nữa. Không bao giờ về nữa.
***
Chỉ trong một khoảnh khắc, tôi đã không chần chừ mà lên trên ứng dụng của đơn vị vận tải đặt một vé về quê. Căn nhà đó vẫn còn, chỉ là không còn cha. Sau này, khi không ở đó nữa, tôi vẫn thuê người quen thi thoảng trông nom, coi sóc vườn tược.
Xe ngược lên phía Tây Bắc trong buổi chiều muộn tháng Mười. Tôi quan sát cảnh trí xung quanh đang trượt dài về phía sau khi xe tăng tốc. Xe hôm nay vắng, chỉ có một vài vị khách có thể đếm được trên đầu ngón tay. Còn bao xa? Tôi tự nhủ, rồi cảm thấy mệt, rã rời, rồi thiếp đi khi họ bắt đầu bật những bản nhạc buồn thảm hết sức.
***
Buổi sáng ngày hôm đó, tôi thấy cha ngồi thẫn thờ trước thềm cửa. Vẫn thói quen cũ những lúc rảnh rỗi. Cha lại ngồi đẽo mẩu gỗ, nhưng vẻ như không tập trung, suýt nữa còn cắt vào tay. Thi thoảng ánh mắt ông, đột nhiên thẫn thờ. Có lẽ, khi đó, tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được hết nỗi buồn của người lớn, như cái cách người lớn vì bận rộn mà thờ ơ nỗi buồn của trẻ thơ. Suy cho cùng là người lớn hay trẻ thơ thì chúng ta đều mang trong mình nỗi buồn. Và tôi tin, nỗi buồn của người lớn sẽ trở nên đậm nét hơn. Như cha tôi, ông ấy, người vùng biển đang ngồi thẫn thờ bên thềm cửa và đẽo khắc. Bức tượng trên tay ông vẫn chưa thành hình.
“Khi nào xong?” Tôi hỏi. Cha giật mình, choàng tỉnh như thể ông vừa ngủ gật, nhưng ông không hề ngủ.
“Nhanh thôi!” Cha nói, rồi buông mọi thứ xuống một cách nhẹ tênh, thở dài thườn thượt. Thở dài lên cái lạnh đang xâm chiếm thung lũng. Lũ cò chuẩn bị đi.
“Không bẫy được con cò nào cả.” Cha nói, khi sáng nay đi kiểm tra những cái bẫy ngoài đồng, thậm chí là ở ruộng cạnh bìa rừng trắng, cũng không có con cò nào dính bẫy. Hết cò rồi, chắc hết cò rồi. Chúng bay đi tránh rét rồi không chừng, bay về phía Nam.
“Con chán ngấy thịt cò rồi. Con không muốn ăn nữa.” Tôi nói với cha, cha nhìn tôi bằng một ánh mắt trầm tư, rồi không im lặng một hồi.
“Không có thịt thì mai cha sẽ đi vào rừng kiếm cái gì đó. Măng rừng, rau rừng, nếu may mắn có thể kiếm ít cá suối.”
“Con đi cùng được không?” Tôi hỏi.
Cha lắc đầu, con phải ở nhà trông nhà. Cha nói.
Người ta bảo, bà ấy đi theo người dưới xuôi, một người đàn ông nào đó làm nghề buôn vải. Cha quay lại nhìn bằng ánh mắt có vẻ giận dữ, lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt của cha trở nên đáng sợ đến như thế. Đừng nhắc nữa, toàn nghe dăm ba cái chuyện tào lao không.
Thế là tôi chẳng dám hỏi cha về bà ấy nữa. Mẹ đi rồi và sẽ không bao giờ trở lại nữa đâu. Men theo con đường rải đầy đá cuội, hai bên đường là những bụi hoa xấu hổ, xuôi về phía con lộ, theo những chiếc xe lớn, vượt ra khỏi nơi khỉ ho cò gáy này, vượt ra khỏi những ngọn núi trùng trùng điệp điệp này, vượt qua khỏi nỗi buồn.
***
Xe đột ngột dừng lại ở một trạm dừng chân khiến tôi tỉnh giấc. Họ đi xuống đi vệ sinh và ăn uống. Tôi chẳng có tâm trạng ăn gì cả, mặc kệ cho bụng rỗng. Tôi tra google map còn hai tiếng hơn nữa, tôi sẽ trở về nhà, nơi đã từng là nhà, nơi mẹ tôi bỏ đi.
Tôi xuống xe. Họ dừng ở một trạm dừng chân lưng chừng trên một con dốc. Có một nhà hàng nhỏ được dựng lên ở đó. Có một khoảng sân nhỏ phía sau nhìn xuống vực sâu. Trời nhá nhem tối, tôi chẳng thể nhìn thấy gì, chỉ ngửi thấy thứ mùi quen thuộc, mùi của núi rừng, mùi của cha, cả mùi thịt cò xáo măng.
Họ ăn uống vội vã rồi lại đi. Xe ì ạch leo lên trên con dốc hiểm trở, vòng vèo qua những rặng núi.
***
Tôi nhìn gương mặt mình trong cái gương cũ, ngày càng khác lạ, ngày càng giống cha. Cha phong trần, rắn rỏi, da ngăm ngăm. Cha già hơn trông thấy sau những ngày đi rừng tìm trầm và phong lan. Cha đi theo đám đàn ông trong làng ngược về vùng thượng, thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc.
Họ đi rất lâu, có khi cả tháng mới về một lần. Tôi sống tạm ở nhà ông ngoại cách đó không xa. Lúc cha về, ông ngoại đã yếu đi rất nhiều. Lúc cha về lần nữa, ông ngoại nằm thoi thóp, không còn cảm giác gì nữa. Ông ngoại mất lúc 3 giờ sáng.
Cha không khóc, tôi không khóc. Chúng tôi cũng không ai khóc cả. Chúng tôi cử hành tang lễ trong một buổi chiều mưa tháng Hai, trời rét buốt căm căm, tê tái từng tế bào. Theo dòng người lặng lẽ tiến lên một ngọn đồi thấp. Chúng tôi có tục chôn người thân ngay trong nương rẫy nhà mình.
Đêm cuối cùng trước khi cha đi. Tôi mười ba tuổi, ngồi cạnh ông, bên bếp lửa bập bùng. Một cái nồi lúc búc sôi trên lửa. Không rõ họ đang nấu thứ gì trong đó, nhưng chắc chắn không phải thịt cò. Họ không thèm khát thứ thịt tanh tưởi ấy nữa.
“Đừng đi nữa!”
Tôi bảo cha, ở lại đi, chúng tôi sẽ đi bẫy cò, như ngày xưa, trên cánh đồng phẳng lặng, đi bắt cá ở khe suối chảy ra từ núi, hái rau rừng… Cuộc sống như thế chẳng phải đơn giản hơn sao. Tại sao chúng ta lại không thể sống một cuộc đời bình thường chứ? Tôi còn quá nhỏ để hiểu hết ngay cả những lời mình nói ra. Sau này lớn, tôi mới biết, đôi khi, chúng ta chẳng thể sống một cuộc đời bình thường.
“Chuyến cuối cùng.” Cha nói. Cha sẽ về, kiếm đủ tiền để hai cha con mình về thăm biển, thăm mộ ông bà nội. Rồi ra chợ cá, ngắm những con cá được vớt ra từ những con thuyền mới đánh bắt về. Màu cá bạc, ánh lên ngay cả trong những giấc mơ của cha, của con. Dẫu con chưa bao giờ thấy những con cá đó.
“Cha nhớ biển. Nhớ quá! Nhớ vị mặn mòi của nó. Chúng ta sẽ đi cùng nhau.”
Cha nhìn tôi, rồi cười, ánh lửa hi vọng bập bùng phản chiếu trong đôi mắt đang trở nên đục ngầu của cha. Trong đôi mắt, đã không còn niềm hạnh phúc kể từ khi người đàn bà bỏ đi trong một đêm tối trời tịch mịch, không mang theo gì cả, không mang theo quần áo, giày dép… kể cả những ký ức.
***
Xe tới nơi thì trời đã sập tối. Họ dừng lại ở thị trấn nhỏ. Tôi phải nhờ một người chú ra đón, chú cũng là người trông coi căn nhà của cha suốt bao năm qua. Chúng tôi tiếp tục một quãng đường đi bằng xe máy khoảng 6 cây số thì mới về tới nhà. Những ký ức về những con đường bị xóa sạch, hay màn đêm xóa sạch chúng. Tôi chỉ như đang dò dẫm trong quãng thời gian tăm tối ấy. Chú để tôi ngủ lại nhà một mình. Chú hỏi, tôi có sợ không? Tôi lắc đầu, tôi chẳng sợ gì cả. Nhà của tôi đây rồi!
Tôi nằm ngay ngắn trên chiếc giường của cha, của chúng tôi, nhìn ra gian bếp nhỏ đã lạnh ngắt tự bao giờ. Đoạn, tôi đứng dậy đi về phía căn bếp giữa nhà, trong ánh sáng vàng đùng đục của đèn sợi đốt, lọ mọ tìm bật lửa hoặc diêm gì đó. Tôi khum củi lại, nhen thêm vài dăm gỗ rồi bật diêm. Lửa bén, cháy từ từ. Tôi hơ tay lên đó cảm thấy chút ấm áp.
Tôi cứ ngồi thế, cho tới khi lửa tắt ngúm. Đã về khuya, trời càng trở nên lạnh hơn. Tôi co ro trong chiếc áo khoác gió mỏng, tôi không thể lường trước được chuyện này, chuyến đi quyết định trong phút chốc nên không có thời gian chuẩn bị. Chú đã chuẩn bị chăn màn cho tôi trên chiếc giường. Tôi quay trở lại giường, nằm im trong chăn. Không gian yên ắng tới lạ thường, thảng hoặc vọng lại từ phía xa là tiếng kêu kỳ lạ, quái đản của một con chim nào đó. Có thể là lũ cò. Nhưng từ lâu lũ cò đã không còn xuất hiện trên cánh đồng. Vài năm trở lại đây, chúng không còn ở đó nữa, có thể sự xuất hiện của con người đã khiến chúng không thể ở đó nữa, không còn nơi trú ẩn.
Tôi nhắm mắt, mơ màng. Tôi trôi nhẹ trong bóng đêm mịn màng, cho tới khi chân tôi chạm đất, xuống một bề mặt cứng và lạnh. Không phải con đường đầy đá cuội, rải lởm chởm, ven đường mọc đầy cây xấu hổ mà mẹ tôi đã từng đi bỏ, bỏ chúng tôi, bỏ cả lại những ký ức.
Mặt đất cứng và lạnh, như đang bước đi trên đá hoa cương. Phía trước mặt là một con đường dài, sâu hun hút. Người mà yếu bóng vía thì sẽ không dám đi, nhưng tôi không sợ. Tôi thản nhiên bước về phía trước đi đang đi dạo trong công viên vào buổi chiều lúc tan tầm. Tôi bước đi, đi mãi rồi tới cuối con đường, hoặc điểm chuyển tiếp để sang một thế giới khác. Có thể là một con suối, một trảng đất trống ngăn cách với bìa rừng rậm, một đường ray xe lửa, một con đường mòn…
Ánh sáng hư ảo như được tạo ra bởi một ngọn đèn cao áp phát sáng trong một đêm sương mù tháng Mười vùng núi rừng. Trên mỏm đá lớn, cha đang ngồi. Tôi dễ dàng nhận ra ông trong bộ trang phục đi rừng đặc trưng của người nơi đây, áo màu xanh than hoặc xanh lục, đi giày ống, lưng thắt theo một con dao nhọn. Nhưng cha không mang theo con dao nào, đầu cũng không đội mũ cối có in hình ngôi sao năm cánh hay túi vải. Cha cũng đang mặc bộ đồ mà ngày cha đi mất, không trở về. Có một vài người nữa cũng không trở về. Có lẽ, xác của họ đã nằm sâu trong rừng nhiệt đới, suốt nhiều ngày, nhiều tháng nhiều năm cho tới khi một nắm xương cũng không còn.
Vậy là cha không thể đi biển nữa. Vậy là chúng ta cũng không thể về biển nữa. Khi đó, tôi khao khát đến biển tới nhường nào, dù ở thời điểm đó, tôi chưa bao giờ có những hình dung rõ rệt về biển cả. Sau này, có nhiều dịp, đi công tác, đi du lịch với công ty, tôi có dịp trở về biển. Trở về nơi cha đã sinh ra. Trở về nơi cha đã rời đi cùng với họ, lên nơi thâm sơn cùng cốc để khai hoang bắt đầu một cuộc đời mới. Mọi mộng tưởng vỡ tan, và chẳng như mong đợi. Như cảm giác trống vắng khi đứng trước mặt biển, trước những con sóng đang ra sức gầm gào. Tôi chẳng còn háo hức với biển như thời điểm cha kể cho tôi nghe về biển, về những chiếc tàu chở đầy cá, mình cá phủ bạc ánh lên trong cả những giấc mơ. Tôi chỉ thấy trống trải mà thôi!
Ông quay lại nhìn tôi. Vẫn là cha, thời điểm cha còn trẻ. Tôi nhìn cha. Chúng tôi giống nhau tới lạ thường, chỉ khác ở chỗ tôi không mang theo cái vẻ phong trần và sương gió ấy. Cha vẫn ngồi, ngước mặt lên nhìn tôi. Cha không cười, cha không bao giờ cười cả.
“Đây là đâu?” Tôi hỏi cha. “Trong mơ à? Con đang mơ.”
Cha không khẳng định điều đó. Cha chết rồi còn đâu, sâu dưới lớp lá cây hoai mục của rừng nhiệt đới, bị đám nấm ký sinh trên cơ thể. Cha giờ chỉ là nắm đất. Khi người ta chết đi, ở vùng này quan niệm, linh hồn vẫn tồn tại với núi rừng. Ấy thế mà con có bao giờ thấy ông nội đâu.
‘Cha đã đi đâu?” Tôi lại hỏi.
“Cha ở đây.” Cha trả lời, “Như con nói, vĩnh viễn ở lại với núi rừng.”
“Vậy là cha ở cánh rừng bên kia.” Tôi nói, rồi trỏ tay về phía cánh rừng sâu đen thẫm bị ngăn cách bởi một con suối lóng lánh bạc, như hình ảnh phản chiếu trong một đêm trăng tròn.
Thế cha còn chần chờ gì nữa, mà không đi đi. Tôi nói với ông, có lẽ trong giọng tôi đang pha chút giận hờn. Bởi lẽ ông đã không quay lại. Chúng tôi không cùng nhau đi biển. Chúng tôi không còn đi bẫy cò trên những cánh đồng nữa.
Cha im lặng, không nói gì sau đó, vẫn im lặng như thế, mãi như thế. Im lặng thở dài sau cái ngày người đàn bà ấy ra đi.
“Con đã đi tới biển rồi cha à! Nhung không thích lắm. Không như tưởng tượng của con, nhưng con đã đi tới biển rồi.”
Cha nhìn tôi, gương mặt ông đột nhiên không khắc khổ như trước nữa, mà nó giãn ra, chỉ thiếu điều để vẽ ra thành một nụ cười hoàn chỉnh. Rồi cha đứng dậy, ngay trong cái khoảnh khắc mà cha đứng dậy.
Tôi cảm thấy khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng xa, rất xa. Tôi thì bé lại như tuổi mười ba. Cha cũng trở nên nhỏ bé, rồi dần dần biến mất nơi phía cuối con đường.
Nguyên Nguyên
Đánh giá bài viết
Bài viết liên quan: