Căn cước của Vũ

Tây Nguyên là cánh đồng cảm xúc thơ ca của Vũ. Thơ Vũ là núi đồi, sông suối, rừng cây, nương rẫy, rượu cần, cây cỏ, những loài chim, mẹ, các cô gái, phong tục, mùa màng… và cả món ăn của Tây Nguyên. Tây Nguyên thông thường như vậy hầu như ai cũng biết, cũng nhận ra. Nhưng thực sự Vũ đã mang cho tôi một Tây Nguyên khác từ một Tây Nguyên như chúng ta biết. Sự khác ấy chính là cách nhìn, cách nói.

Cho dù rất bận, nhưng tôi cũng tìm cách xoay sở để có được một buổi chiều ngồi viết ít dòng về thơ Vũ. Đọc thơ luôn là một việc khó và nói về thơ càng khó. Bởi dù thế nào thì mỗi nhà thơ cũng tạo ra được ‘’ngôi nhà’’ của mình. Và để hiểu ngôi nhà ấy, người ta phải bước vào ngôi nhà ấy và phải sống một thời gian nhất định trong đó. Tôi bước vào ngôi nhà thơ Vũ có tên Những tiếng đàn hồng và loanh quanh trong không gian ngôi nhà. Nhìn thấy các bài thơ như đồ vật trong nhà, nhưng để hiểu những gì chứa trong những đồ vật ấy hay ký ức của chúng thật khó.

Nhà thơ Bùi Minh Vũ

Hầu hết những bài thơ của Vũ không phải là một cánh cửa mở sẵn mà là một chiếc chìa khóa. Bài thơ chỉ trao cho người đọc cái chìa khóa để người đọc mở chính nó. Tôi đã tìm cách mở không gian các bài thơ của Vũ. Cảm giác đầu tiên là ngập tràn Tây Nguyên. Tây Nguyên là cánh đồng cảm xúc thơ ca của Vũ. Thơ Vũ là núi đồi, sông suối, rừng cây, nương rẫy, rượu cần, cây cỏ, những loài chim, mẹ, các cô gái, phong tục, mùa màng…và cả món ăn của Tây Nguyên. Tây Nguyên thông thường như vậy hầu như ai cũng biết, cũng nhận ra. Nhưng thực sự Vũ đã mang cho tôi một Tây Nguyên khác từ một Tây Nguyên như chúng ta biết. Sự khác ấy chính là cách nhìn, cách nói. Vũ làm được ít nhiều điều đó.

Phảng phất cách nói của người Tây Nguyên như ‘’lúa chạy về nhà’’. Nhưng câu thơ đã làm cho cái quen thuộc trở nên khác:

Nếu con đếm hết dấu chân mẹ trên cánh đồng/ Mẹ tin/ Lúa chạy về nhà

Đâu là mối liên hệ giữa câu thơ ‘’Nếu con đếm hết dấu chân mẹ trên cánh đồng’’ với câu ‘’Lúa chạy về nhà’’. Ở đây bắt đầu tôi nhìn thấy một đặc điểm khác biệt của Vũ. Trong tập thơ, có khá nhiều những câu thơ có mối liên hệ ‘’kín’’ như thế. Giữa hai câu thơ của Vũ luôn là một con đường dài và tôi phải dùng trí tưởng tượng để đi từ câu thơ này đến câu thơ khác. Thật không dễ dàng nhưng đầy phấn khích. Vũ luôn tạo ra một khoảng trống giữa hai câu thơ hoặc giữa toàn bộ các câu thơ trong bài với một câu thơ quan trọng nhất mà thường là câu kết của một đoạn thơ hoặc của một bài thơ. Một khoảng quá mơ hồ nhưng lôi cuốn người đọc đi qua khoảng trống đó.

Em bến nước ta trôi/ Lung linh thú vị như lật cuốn sách hay/ Những ngón tay thon nước chảy thơm/ Trên sân khấu tâm hồn anh.

Khổ thơ tôi trích ở trên là một khổ thơ rất hay. Đọc xong, tiếng vọng của những gì phía sau những câu thơ đó ngân mãi. Giữa ‘’em bến nước…’’ và ‘’lật cuốn sách’’, giữa ‘’nước chảy thơm’’ với ‘’sân khấu tâm hồn’’ hình như không có mối liên hệ hợp lý nào. Nhưng lại là mối liên hệ phi lý và đầy gợi mở của bản chất thơ ca. Đấy là những câu thơ thuộc tài sản sáng tạo thơ ca của Vũ. Những câu thơ tinh tế và đầy sáng tạo. Nó rất mới mẻ. Nó làm tôi cứ thẩn tha mãi quanh nó. Cách nói khác hay cách nói mới là một yếu tố vô cùng quan trọng trong sáng tạo thơ ca. Vũ viết: ‘’ Trăng đi qua/ Đưa cho cô gái một chiếc áo khác’’. Với cách hiểu của tôi là trăng khoác lên cô gái một chiếc áo trăng, dát ánh trăng lên cô gái ấy. Đã có người từng viết đại ý trăng choàng chiếc áo vàng lên người một thiếu phụ. Nhưng người đi sau không thể viết như vậy vì nếu viết vậy nghĩa là anh ta/ chị ta đi trên lối mòn, nghĩa là không có bất cứ khám phá và sáng tạo nào. Chúng ta không cần một nhà thơ làm công việc ‘’chép lại’’ cái nhìn của người đi trước. Trăng ‘’Đưa cho cô gái một chiếc áo khác’’. Cái áo khác làm cho người đọc tham dự vào sự kiện đó và phát hiện ra bản chất của sự kiện. Còn với tôi, cái áo khác đây chính là những ánh trăng lộng lẫy và huyền ảo đã khoác lên cô gái. Đẹp lạ lùng. Câu thơ làm cho tôi mở rộng trí tưởng tượng cũng không thấy hết vẻ đẹp của cô gái. Cảm ơn Vũ rất nhiều vì điều này.

Bìa tập thơ Những tiếng đàn hồng của Bùi Minh Vũ

Vũ có không ít những câu thơ làm tôi ‘’sững’’ lại.

Người chủ quán đặt ly cà phê xuống bàn/ Sóng sánh giọt ban mai chậm rãi/ Ngoái nhìn/ Tôi/ Như cây nêu linh hồn

Đọc đến ‘’Như cây nêu linh hồn’’ thì tôi mở mấy bức ảnh kỷ niệm với Vũ nhìn và nhìn lại Vũ. Vũ là một kẻ có vẻ hay nói, có vẻ nhiều lúc cực đoan. Nhưng khi Vũ hiện ra trong hình dạng một ‘’cây nêu linh hồn’’ thì tôi muốn nhìn lại Vũ. Nhưng trước hết đấy là một câu thơ ghê gớm. Không ai nói như thế. Tôi chưa nghe thấy ai nói như thế. Mới và ám ảnh. Hay khi Vũ viết: ‘’Lòng tôi như cổng làng’’ thì tôi phải thán phục cho dù ngày mai gặp Vũ dù nghe Vũ nói nhiều và nhiều khi cực đoan thì lúc này tôi vẫn phải thừa nhận câu thơ đó. Nó làm tôi thầm kêu lên. Tôi sống ở làng, tôi đi qua cái cổng làng từ bé đến già mà không bao giờ tôi phát hiện ra điều ấy. Nói lòng ta như biển thì vẫn có thể hình dung không gian kỹ vĩ của biển. Nhưng lòng ta như cổng làng thì nó mở ra vô tận và vô tận với lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp, đời sống…của một thế giới người.

Xin hãy đọc:

Trời tối đêm ba mươi/ Thắp ngọn đèn chờ mẹ/ Gió đòi ăn như trẻ/

Và hãy đọc:

Tưởng tượng ra ta đó/ Trở về làng/ Như nắng/ Được sinh ra

Đọc thêm một chút nữa:

Có thể ngày mai/ Nơi em nhặt gạo/ Trăng vàng chiếm chỗ/ Em lại nhặt bóng mình/

Và thêm một chút nữa thôi:

Tôi lại mua/ Mảnh đồng nát/ Từ thân thể tôi cồng kềnh

Những khổ thơ tôi dẫn ở trên là những khổ thơ với tôi rất hay. Hay và mang một cái đẹp. Một người trở về làng như nắng được sinh ra, ánh trăng chiếm mất chỗ của người, gió đòi ăn như trẻ…là những hình ảnh rất sáng tạo và xao động. Những câu thơ mới lạ nhưng không dị biệt. Nó giản dị và lay động. Nhưng khổ thơ cuối cùng tôi dẫn ở trên quả là giỏi. Hiện đại, khúc triết, đa tầng và quá bất ngờ. Mua một thứ vô dụng từ chính con người mình hỏi còn gì đau đớn, can đảm và chân thực hơn thế. Chúng ta đã nói nhiều về những điều tương tự bằng nhiều cách. Nhưng nói như Vũ thì tôi chưa thấy. Thơ Vũ là gì? Ở đâu trong đời sống thơ hiện nay? Thích hay không thích? Đấy là quyền của mỗi người. Nhưng với tôi, những câu thơ đó là của Vũ và mang căn cước Vũ. Bắt đầu là thế, và phải thế, còn sau đó là một con đường xa tít tắp, không biết Vũ đi như thế nào và tới đâu.

Nhà Văn NGUYỄN QUANG THIỀU

Trích nguồn: Vanvn.vn