“5h chiều, quán Cafe Ngắm Máy Bay, 24 hẻm 389 Quang Trung, Gò Vấp”, anh đọc lại tin nhắn, tra google maps trước khi đi. Sống ở Sài Gòn cả chục năm song anh rất sợ tìm địa điểm trong mấy con hẻm quận Gò Vấp. May mà có sân bay làm điểm tựa, anh tìm ra quán nhanh hơn anh nghĩ.
Hôm qua là ngày quan trọng của đời anh. Ngày anh ngỏ lời hỏi cưới cô. Anh làm bài bản, đúng bài. Hoa, nhẫn cưới và cả đêm trước đó anh tưởng tượng khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của cô. Anh đâu ngờ một chuyện hệ trọng lại được cô trả lời đại khái, nếu không muốn nói là chẳng ăn nhập gì cả. “Cho đến năm 12 tuổi, nhà em nằm kề đường băng Tân Sơn Nhất đó anh! Cho em suy nghĩ một đêm. Mai chúng mình cafe ngắm máy bay đi anh!”. Cô nói với anh.
Anh nghe cô nói mà há hốc mồm. Anh nhìn bó hoa trên tay cô và đếm. Một bông, hai bông… ba, bốn bông… Hễ bối rối là anh đếm, không quan trọng là đếm thứ gì, đếm thành tiếng trong miệng hẳn hoi. Chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ bối rối trước cô. Quen nhau hai năm rồi, một mối quan hệ nghiêm túc đủ để biết người này là một nửa không thể thiếu của người kia. Anh tự tin hiểu cô tận chân tơ kẽ tóc. Ở bên cô, anh thấy thời gian sao mà trôi qua mau thế. Anh muốn cưới cô còn có nguyên nhân sâu xa là muốn ở bên cô nhiều nhất có thể. Trong hai năm cô và anh gặp nhau cứ vội vàng thế nào ấy. Cafe, xem phim, ăn uống và làm tình. Thường thì hai người ân ái trong phòng trọ của anh. Đi nhà nghỉ đúng một lần. “Em chỉ thoải mái làm chuyện đó trên chiếc giường của anh. Chiếc giường mà hằng đêm anh ngủ”. Anh nhớ lời cô nói khi lần thứ hai anh có ý định rủ cô vào nhà nghỉ tính tiền theo giờ. Cô bảo nếu nằm trên chiếc giường mà không phải là giường anh ngủ mỗi đêm thì cô không thể nào tập trung được. Đầu óc cô kiểu gì cũng phân tán bởi chiếc giường xa lạ trong nhà nghỉ mà cô tin rằng chỉ cách đó chừng giờ đồng hồ là có cặp tình nhân khác vừa nằm lên. “Chuyện đó là chuyện riêng tư. Mà riêng tư thì em không thích thứ gì xen vào giữa anh và em. Kể cả thứ mơ hồ như cảm giác em lúc đó”.
Vậy nên, anh và cô chỉ làm tình trên chiếc giường của anh. Chiếc giường quen thuộc đối với cô.
Anh và cô trong suốt hai năm duy trì ngọn lửa và mối quan tâm đến nhau. Hai người không sợ đối phương thay lòng đổi dạ khi nhìn vào mắt nhau. Cả hai không ngại nói lên khao khát thầm kín của mỗi người; không ngại nói lên quan điểm khác biệt với đối phương. Anh cho đó là điều quan trọng. Nghĩa là người này hiểu được điều cốt lõi của người kia và vì vậy tránh đi những giận hờn vô cớ. Đó là lý do anh phấn đấu làm việc để tậu cho được ngôi nhà chung của hai người. Chắc chắn cô phải thích hết biết khi nằm trong vòng tay anh, trong căn nhà của anh và trên chiếc giường “riêng tư” của anh và cô. Anh phấn đấu trong công việc cũng vì lý do muốn cưới cô. Ngoài 30 tuổi, anh nhận ra nhu cầu với phụ nữ có sự thay đổi. Trước độ tuổi đó, điều làm anh thích thú là có một người đàn bà trên giường. Bây giờ nhu cầu chuyển hóa thành chuyện anh muốn cùng thức dậy mỗi sáng với người đàn bà trên giường. Anh muốn cảm giác dịu dàng, ấm áp cả đêm khi hai người yêu nhau hòa chung nhịp thở. Anh muốn khi giật mình tỉnh giấc bởi cơn mộng mị giữa đêm, xoay người qua một bên là anh chạm được vào cô gái anh yêu chứ không phải một cái gối ôm hoặc bức tường dựng đứng.
Nhưng thứ anh mong muốn thì ở thời điểm hiện tại cô không cho anh được. Cô là mẫu phụ nữ hiện đại tôn trọng truyền thống gia đình. Hai năm qua cô chưa một lần ngủ “qua đêm” với anh. “Em 27 tuổi rồi, và có thể tự do làm mọi chuyện em muốn”. Có lần anh thử thuyết phục cô song chỉ nhận được cái lắc đầu. “Mẹ và bà ngoại em không chợp mắt được đâu, nếu em đi luôn đêm với anh!”. Cô cười, nói với anh.
Cô sống cùng mẹ và bà ngoại trong một căn nhà ở quận 3.
Thế nên, vừa đếm cho đủ mười bông của bó hoa, điều làm anh bối rối là cô còn có một ngôi nhà tuổi thơ nằm kề đường băng Tân Sơn Nhất. Chưa bao giờ cô kể với anh về ngôi nhà này. Và điều làm anh khó hiểu là nhà ở đường băng Tân Sơn Nhất thì liên quan gì đến chuyện anh muốn cưới cô.
2
Cô đến điểm hẹn sớm hơn anh, gửi xe và đi bộ về phía cuối con hẻm. Địa bàn khu này cô nằm lòng. Ngôi nhà tuổi thơ cô nằm cách quán Cafe Ngắm Máy Bay tầm hai trăm mét. Cô nhìn đồng hồ, mới 4h30 chiều, nên thư thả đi. Cô chọn quán nước nằm đối diện căn nhà mà ghé vào. Cô ngồi và nhìn vào bên trong căn nhà. Cô tìm gì ở đó? Chính bản thân cô còn khó trả lời. Đó là ngôi nhà cấp bốn bình thường, nước sơn màu xanh và có hai lớp cửa. Bên ngoài là cửa kéo bằng sắt, bên trong là lớp cửa kính như phần đông nhà dân sinh trong khu vực đường máy bay bay. Đó là cách hữu hiệu để hạn chế tiếng ồn máy bay.
Cô sinh ra và sống 12 năm trong căn nhà màu xanh này. Tính ra là 15 năm trôi qua từ khi cô và mẹ dọn đi. Căn nhà qua ba lần đổi chủ song kết cấu vẫn như cũ. Họ đơn giản chỉ đến ở, và khi có cơ hội tốt hơn thì họ bán và chuyển đi nơi khác. Cô quen mặt từng người chủ – cũ và mới – của ngôi nhà vì thỉnh thoảng không biết làm gì thì cô chạy xe máy từ quận 3 đến đây, ghé quán nước quen và cứ thế ngồi nhìn vào ngôi nhà. Khi cánh cửa mở toang thì cô biết kết cấu bên trong luôn đổi khác theo thẩm mỹ từng người sở hữu ngôi nhà. Cô chỉ mất công sắp xếp lại từng chút. Đồ đạc, vị trí, tấm ảnh cưới của ba mẹ, chiếc tivi… Không khó khăn gì, mọi thứ đều nằm trong ký ức cô, được lưu trữ trong ngăn kéo bí mật. Cô chỉ việc mở ra. Thế là cô có cho riêng mình hình ảnh hoàn chỉnh như cách đây 15 năm. Ngôi nhà tuổi thơ cô.
Cô coi việc quay lại con hẻm là cách trở về tuổi thơ một cách “trực diện”, thay vì ngồi ở nơi xa lạ mà hồi tưởng. Đến nơi cô từng sống, nhìn vào, hít thở không khí, mùi hương đặc trưng khu phố và nhất là âm thanh gầm rít của máy bay cứ ngắt quãng độ mười phút là bay trên đầu cô.
Cô không thể phục dựng lại quá khứ nếu đặt mình ngồi ở vị trí khác. Đôi khi cô ghìm mình, tìm cách loại bỏ ham muốn chạy vào bên trong căn nhà mà ngó nghiêng mấy vị trí bị khuất tầm mắt. Cô biết là chuyện kỳ quặc, nếu tiến vào bên trong ngôi nhà rồi nói với người ta là cô từng sống ở đây, hãy cho cô được nhìn lại mọi thứ. Thế thì phiền phức quá, cho cô và chủ ngôi nhà.
Hai năm qua, chính xác là từ khi quen anh, cô chưa một lần quay lại thăm căn nhà màu xanh. Cô như quên hẳn quá khứ của mình. Đôi khi chỉ còn tiếng máy bay gầm rít trong giấc mơ cô. Cô nghĩ anh là liều thuốc ngọt ngào để cô quên đi chốn cũ.
Cho đến hôm qua, người đàn ông ngọt ngào đó xin hỏi cưới cô.
3
Anh đến quán Cafe Ngắm Máy Bay và gửi xe. Anh không biết xe cô gửi trước đó và cô ở cách anh không xa. Hôm qua cô nhắn tin bảo anh lên sân thượng. Ừ, thì quán cafe mở ra là để khách ngắm máy bay mà, ai lại ngồi trong nhà mà ngắm máy bay, nên phải lên sân thượng. Anh lên sân thượng bằng cầu thang bộ, chẳng còn cách nào khác, quán to đùng mà không có thang máy. Anh thở dài ngao ngán rồi vừa đi vừa đếm bước chân mình. Lần này anh đếm không phải vì bối rối mà vì độ cao. Anh có vấn đề về “cảm giác thăng bằng” nếu rời xa mặt đất quá 3 mét. Con số chỉ tương đối thôi, theo cách anh ước chừng, nhưng càng lên cao người anh càng chênh chao là điều chắc chắn. Anh cảm nhận rõ, cứ như không khí và áp suất thay đổi liên tục khi thì loãng ra lúc cô đặc lại làm anh chóng mặt. Anh biết đó không phải là thứ bệnh thăm khám kê toa, cũng chẳng phải bệnh bang gì ghê gớm cả, mà đơn giản chỉ là điểm yếu của anh thôi. Như tâm lý người sợ nước mà ép buộc xuống sông bơi; người sợ bụi bẩn đến mức nhìn đâu cũng thấy dơ hầy, không sạch sẽ. Chỉ là thứ thuộc về cảm giác. Đâu đó ở tầng sâu trong tâm trí anh không chấp nhận độ cao mà chỉ muốn điểm tựa là mặt đất. Đôi chân anh có cảm giác thoải mái khi bước trên mặt đất mà thôi. Hồi nhỏ mẹ nói anh là đứa nghịch phá và hay leo trèo. Một ngày anh trèo và ngã lộn tùng phèo ở độ cao cây trứng cá trước nhà, mặt mày tím tái thở không ra hơi. Anh nằm bất động trên mặt đất và đưa mắt nhìn bầu trời. Xung quanh anh không một tiếng động, bầu trời đỏ rực và không ai nhìn thấy mà đỡ anh dậy. Anh không nhớ mình nằm bất động bao lâu, đến khi mẹ phát hiện bế anh vào nhà thì anh lên cơn sốt và mê man cả đêm. Chẳng ai biết anh nói gì trong đêm đó, mẹ chỉ biết là anh “nói sảng” chuyện bầu trời và mặt đất. Cụ thể thế nào thì mẹ anh chịu. Mẹ anh còn lòng dạ nào mà nhớ lời anh nói sảng. Hai hôm sau, cơ thể anh bình phục sau cú ngã thì cảm giác sợ độ cao bắt đầu xuất hiện và lớn lên trong tâm trí anh. Anh tin rằng đó là cảm giác “hờn mát” khi cây trứng cá làm anh ngã và mặt đất làm anh đau.
Vì cảm giác sợ độ cao mà phải leo tuốt lên sân thượng nên anh khắc chế bằng cách đếm bước chân và để đầu óc suy nghĩ liên tục. Một kiểu bí quyết cá nhân của anh. Dĩ nhiên là anh nghĩ đến cô. Người ta đòi cưới thì gật đầu cái rụp cho rồi, còn rủ đi ngắm máy bay làm chi không biết? Miệng anh lẩm bẩm cho ra vẻ, song anh biết rằng, giờ mà cô bảo anh leo lên núi em đang chờ anh trên đó thì mặc cái chứng sợ độ cao, anh cũng leo. Tình yêu là gì? Anh không hiểu, chỉ biết rằng nếu cô một mình ở trên đỉnh núi với rắn rết, cọp beo thì anh phải leo lên cùng cô. Anh tìm thấy ở cô chi tiết quan trọng của mô hình lắp ghép mà thiếu nó cuộc đời anh không hoàn chỉnh. Đôi khi anh nghĩ có cô trong vòng tay thì mai này bệnh tật ốm đau mổ xẻ anh chịu đựng được. Cứ nghĩ đến cô thì chịu đựng được bệnh viện và mấy tay bác sĩ không mong muốn. Anh vừa nghĩ vừa đếm bước chân mình thành ra lẫn lộn. Rồi anh áng chừng…53, 54 bước… Cứ đếm và nghĩ về cô là ổn thôi, độ cao nào mà chẳng có điểm dừng, huống chi là cái sân thượng ngắm máy bay bay…
Anh nghĩ về lần ân ái đầu tiên với cô. Đàn ông có thể quên ngay một cơ thể đàn bà sau lần ân ái đầu tiên nếu không tìm thấy chi tiết lắp ghép còn thiếu của anh ta. Anh cho là như vậy, ít ra là với anh. Anh đến với cô khi ở ngưỡng 30 tuổi, dễ hiểu cô không phải là người tình đầu tiên của anh. Và anh thốt lên, trong tâm trí, đây là cô gái của cuộc đời anh. Anh tìm thấy ở cô tấm ảnh đại diện cho nửa kia của nhân loại. Ở bên cô, anh cảm nhận mọi thứ được lắp ghép hoàn chỉnh như trời với đất, đêm với ngày; và như âm dương hút nhau. Chỉ ở bên cô là anh có cảm giác đó, điều mà anh hình dung được song khó diễn tả thành lời. Thế nên anh ngỡ ngàng khi cô quay về phía anh, sau giây phút mặn nồng, và nói. “Anh phải hứa, không phản bội em trên chiếc giường của anh; không phản bội em trên bất kỳ chiếc giường nào khác, một khi chúng mình còn bên nhau. Điều này hệ trọng với em, nên anh phải hứa!”.
Dĩ nhiên là anh hứa mặc dù cảm nhận lời cô nói vừa thú vị vừa làm anh bối rối. Anh nhìn khung cửa sổ và anh đếm. Một, hai, ba… chấn song. Tình yêu chỉ ý nghĩa khi được dẫn dắt bởi niềm tin tuyệt đối, hà cớ gì cô bắt anh phải hứa ở thời điểm không giống ai như vậy? Anh nghĩ. Cứ cho là cô lo sợ đi, nhưng việc nằng nặc bắt anh hứa ngay sau phút giây ân ái thì có điều gì bất thường trong đó? Anh hiểu, đàn ông ở khía cạnh nào đó , trong tiềm thức, là giống loài đi săn và ham muốn chinh phục. Anh từng nghe và phát ghét mấy thằng đàn ông trong cuộc rượu tự hào khoe “chiến tích” ngủ với đàn bà. Mỗi lần nghe, thật kệch cỡm và hợm hĩnh, kèm theo trong anh chút thương hại. Rồi anh nghĩ, những gã này điều đáng buồn là họ thiếu một tấm ảnh đại diện đàn bà. Vì không có ảnh đại diện đàn bà, không tìm ra mảnh ghép còn thiếu, họ cứ đi săn bắn hái lượm đàn bà miết thôi, để rồi thời gian sau – tùy thuộc vào tình trạng hẫng hụt trống rỗng – họ lại cất công tìm kiếm một người đàn bà thay thế. Anh biết nhiều người dành cả cuộc đời chỉ để chạy vòng vòng từ người đàn bà này sang người đàn bà khác. Và họ nói, như lời bào chữa, tất cả là vì tình yêu sét đánh, tình yêu “say nắng” gì đấy! Anh chỉ thấy tội nghiệp cho họ. Song có phải vì họ mà uy tín đàn ông giảm sút? Và đàn bà vin vào đó mà bắt đàn ông thề nguyền thủy chung? Anh suy nghĩ khi cô bắt anh hứa là không phản bội cô.
Nhưng đó chưa phải tất cả, điều thú vị làm anh nhớ cho đến hôm nay là hành động của cô ngay sau khi anh thề thốt. Cô bất ngờ ngồi dậy, gần như là ngồi hẳn lên người anh, và hỏi: “Anh nhìn kỹ giúp em xem nào, hai bên có đối xứng không. Ý em là có bên lớn bên nhỏ không đấy mà!”.
Anh nhoẻn miệng cười và trố mắt nhìn. Bầu ngực mơn mởn của cô ập vào mắt anh. Và dĩ nhiên mắt thường như anh thì làm sao phát hiện được bên nào lớn hơn bên nào! Anh lắc đầu vì chắc chắn là ngực cô đều nhau. “Vậy mà hồi nhỏ em nghĩ là không đều cơ đó! Cứ nhìn mình trước gương. Hồi em mới phát tướng thôi. Tự dưng bây giờ em lại muốn hỏi anh, trong khi em thừa biết là hai bên đều nhau! Rất chi là đối xứng!”.
4
Mỗi ngày sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có bao nhiêu chuyến bay đến, bay đi? Cô ngồi nhìn ngôi nhà màu xanh, nhìn lên trời và hỏi. Một chiếc Boeing to chà bá gầm rú trên bầu trời, kèm theo gió thốc và hạ cánh ngang qua đầu cô. Chốc sau, kiểu gì cũng có một chiếc máy bay khác bay qua đầu cô, kèm theo âm thanh đinh tai nhức óc. Mật độ máy bay hiện tại dày đặc hơn thời cô sống ở con hẻm này. Sống dưới “phễu bay” thì ai cũng phải quen tai thôi. Mà với cô, âm thanh máy bay còn là ân huệ. Bây giờ thì cô hiểu tại sao không thể phục dựng tuổi thơ nếu cô ngồi trong một quán cafe như ở Hồ Con Rùa chẳng hạn. Chỉ nơi đây âm thanh máy bay mới trọn vẹn. Tiếng động cơ gầm rít của máy bay, ở khía cạnh khác, là chốt lựu đạn kích nổ tâm trí, giúp cô dễ dàng quay về quá khứ.
Hơn bao giờ hết, lần này cô cần trở về quá khứ để bước tiếp vào tương lai. Cô nghĩ đến lời cầu hôn của anh.
Hành trình trở về của cô neo lại ở hai hình ảnh. Tấm ảnh đầu tiên, cô nhìn mẹ ngồi thụp xuống nhà và khóc như mưa tuôn. Hôm đó mẹ muốn làm ba bất ngờ khi âm thầm trở về và đón cô ở trường. Trong căn nhà của chính cô là người đàn bà cô từng chạm mặt và phục trang vương vãi chưa kịp thu dọn. “Tại sao lại là cô ta? Tại sao lại là người em quen và từng tiếp đón trong chính ngôi nhà em? Tại sao lại là đồng nghiệp của anh? Tại sao lại trên chính chiếc giường của đôi ta? Anh nói gì đó đi, đồ tồi!”. Mẹ cô khóc, khóc hù hụ và nói. Đến bây giờ cô không hiểu mẹ cô lấy đâu ra sự điềm tĩnh trong thời khắc đó. Lời mẹ nói khi nhìn vào mắt ba với cô bé 12 tuổi thì thật mơ hồ. Cô không biết rằng sự điềm tĩnh đó là bầu trời bình yên trước bão giông. Nhanh thôi, vì sau khi tìm lại thăng bằng thì mẹ cô với sức mạnh không thể lay chuyển là phải rời xa ba. Gia đình cô chìm trong căng thẳng cùng âm thanh gây gổ mà trước đó cô chưa từng biết. Cô như từ thiên đường rơi xuống địa ngục trần gian. Ở đó cô nhận ra, không gì nặng nề hơn người lớn đổ vỡ tìm cách bào chữa cho bản thân bằng cách mạt sát đối phương. Cô nghĩ đến người đàn ông trong gia đình cô. Và buồn cười nhất là người lớn đặt cô vào vị trí trung tâm trong cuộc chiến giành giật cô về phía họ. Phía mẹ – phía ba. Ba thì viện lý do mẹ cô bỏ bê gia đình bay tới bay lui trên những chuyến bay. Sự khó hiểu đến nực cười với cô khi đó là người lớn họ không tuân theo nguyên tắc gì cả, rõ ràng mẹ cô là tiếp viên hàng không thì sao ba lại nói “bỏ bê” gia đình trên những chuyến bay được. Mẹ cô thì không ngừng lặp lại “trên chiếc giường của tôi, đồ tồi!”. Và thế là đồ đạc từ tay ba bay vèo vèo trong ngôi nhà. Sau này cô hiểu, từ chính trải nghiệm thị giác, khi đàn ông đuối lý họ không phí lời đâu, họ cứ cho đồ đạc có cánh mà bay vèo vèo trong nhà vậy thôi. Làm đàn ông hay ho vậy đó.
Giai đoạn này tiếng ồn máy bay chính là “ân huệ” với cô, người quan trọng bất đắc dĩ trong cuộc chiến giành giật quyền nuôi cô. Trước đó, âm thanh máy bay là điều quen thuộc với cô bé sinh ra ở “phễu bay”. Thì nay, sự cố gia đình xảy ra, tiếng gầm rít đinh tai nhức óc của máy bay trở thành tình yêu lớn với cô. Đơn giản là khi ba mẹ cãi vã nhau, tiếng ồn của máy bay làm họ phải im bặt. Họ thừa biết tiếng động cơ máy bay sẽ lấn át giọng chì chiết của họ nên im lặng là thượng sách. Nhờ vậy mà cô bé 12 tuổi có thời gian thở phào nhẹ nhõm. Cô ước mơ bầu trời lúc nào cũng có máy bay để khỏi phải nghe âm thanh đổ vỡ, để khỏi phải chứng kiến địa ngục mà người lớn trình diễn cho cô xem. Với cô, âm thanh gầm rít của máy bay dễ chịu hơn tiếng cự cãi của ba mẹ. Ít ra, tiếng máy bay trên bầu trời không làm cô linh cảm được sự chia ly của ba mẹ, và suy nghĩ này làm tim cô đau nhói. Điều may mắn với cô là gia đình thường đông đủ vào chiều muộn và ban đêm, khung thời gian máy bay hoạt động nhiều, thay phiên nhau gầm thét trên bầu trời.
Hình ảnh thứ hai ám ảnh cô suốt độ tuổi dậy thì, rồi bằng cách nào đó cô đã vượt qua…
5
Khi cô ngồi trên người anh và hỏi bầu ngực cô có đối xứng không, anh nghĩ cô nói đùa. Nhưng nhìn vào mắt cô, anh nhận ra đó là câu hỏi nghiêm túc. “Cô nàng làm mình choáng thật sự”. Anh nhớ lại và mỉm cười một mình. Anh lên tới sân thượng và thở phào. Cảm giác bước lên trên cao làm anh chênh chao, nhưng ở trên đỉnh rồi thì anh thích thú. Anh tha hồ ngắm cảnh thành phố và ở tầm nhìn chính diện là sân bay, nơi anh thấy máy bay chuẩn bị cất – hạ cánh, nhìn rõ mồn một đường băng Tân Sân Nhất. Miễn là anh không nhìn chúi xuống mặt đất thì mọi chuyện ổn thỏa với anh.
Khách tập trung đông trên sân thượng để uống cafe và ngắm máy bay. Anh đếm, già nửa số bàn là có khách ngồi, đa phần họ chọn ngồi gần ban công để tiện việc ngắm nghía. Sân thượng không có mái che để khách khỏi vướng víu tầm nhìn máy bay. Ở chính giữa khoảng sân rộng, chủ quán bố trí hồ nước tạo cảm giác tươi mát. Nước hồ trong veo, anh nhìn thấy trời xanh và mây trắng trong hồ nước. Anh nghĩ nếu nhìn vào mặt hồ mà thấy vòm trời thì máy bay bay ngang qua đầu kiểu gì cũng thấy. Mặt nước như tấm gương phản chiếu. Chẳng phải những thứ càng lớn càng dễ gây chú ý và bị thâu tóm sao? Chẳng phải đôi mắt là thứ rất nhỏ song thâu tóm cả bầu trời; thâu tóm được máy bay và mặt hồ nước sao? Anh suy nghĩ vẩn vơ và dõi mắt tìm cô. Đồng hồ điểm 5h chiều. Cô có thói quen đúng hẹn, anh tin là cô sắp đến đấy thôi. Anh lựa một bàn ở góc khuất chờ cô. Dù sao thì anh không thích độ cao nên hiển nhiên là anh không thích ngắm máy bay.
Anh chưa gọi nước cho mình và chờ cô tới. Anh có cảm giác khi ở trên cao thì đầu óc điều khiển anh phải suy nghĩ liên tục. Hay đó là cách tâm trí giữ cho anh được thăng bằng khi ở độ cao gấp nhiều lần so với con số 3 mét chỉ tiêu? Bây giờ thì anh lại nghĩ đến chuyện sáng nay. Chuyện anh đi xem nhà. Anh nóng lòng chờ cô đến để nói hai phương án cho cô chọn. Không hiểu sao anh tin cô sẽ đồng ý cưới anh. Đó là niềm tin tuyệt đối không chút hồ nghi. Anh chẳng hiểu khúc mắc của cô là gì, song anh tin vào trực giác của mình. Anh tin vào cảm giác yêu thương và gắn kết của hai người. Anh tin chuyện giữa anh và cô điều tất yếu là phải có một cái kết viên mãn.
6
Cô nhìn đồng hồ và linh cảm anh đang đợi cô trên sân thượng. Cô nghĩ mình thật ngốc nghếch khi ngồi đây và nhớ về hình ảnh thứ hai – hình đối xứng. Giờ thì cô hiểu tại sao hình ảnh đối xứng lại theo cô dai dẳng đến vậy. Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa lý thuyết và thực tiễn, hội tụ thành một khối thống nhất hình mũi tên đi xuyên vào tâm trí cô bé 12 tuổi. Ở độ tuổi này, ấn tượng khắc sâu thì còn lâu mới được tẩy xóa.
Đến bây giờ cô còn nhớ như in lý thuyết đối xứng, bài học bữa cuối trước khi cô theo mẹ chuyển sang ngôi trường mới. Từ rất sớm, cô có sự yêu thích đặc biệt với những con số, hình ảnh. Toán là môn học ưa thích của cô. Và chiều hôm đó, cô giáo bộ môn Toán 6 giảng bài: “Tính đối xứng là sự giống nhau của một hình qua đường trục hoặc qua tâm, tạo nên sự cân bằng. Tính đối xứng của đối tượng là dấu hiệu quan trọng giúp chúng ta nhanh chóng định hình đối tượng đó khi nhìn vào”. Cô nhẩm lại thành tiếng lời cô giáo dạy.
Hồi đó, là cô bé ham tìm hiểu, trên đường đi học về cô thích thú khám phá vẻ đẹp mang tính đối xứng mà cô bắt gặp ngoài đời thực. Đôi cánh đối xứng của con bướm dặt dìu bay trong lùm cây; hình lá cây trên nhánh cành; đôi cánh cổng bằng khung sắt trên đường cô nhìn thấy; hình cầu vồng và con sao biển trong tivi cô từng xem… Tóm lại là cô thả hồn mình vào vẻ đẹp hài hòa, cân đối của cuộc sống muôn màu.
Nhưng tối hôm đó, chính cơ thể cô phải cảm nhận sự bất đối xứng như lời phủ nhận vẻ đẹp cô vừa tiếp nhận. Chân phải của cô chủ động bước đầu tiên về phía mẹ trong khi chân trái có điều gì đó không yên, miễn cưỡng phải theo. Cảm giác tách rời, bất cân đối còn lớn lên khi hai cánh tay trên một cơ thể chịu sự trì níu một bên là mẹ cô, bên kia là ba. Ba, mẹ trong nỗ lực cuối cùng giành giật cô về phía họ. Mẹ nắm tay dắt cô đi với chiếc va li chứa đầy hành lý. Ba chạy đến và níu tay cô ở lại. Tay trái cô trong tay mẹ và tay phải thuộc về ba, dang ra theo hai hướng. Cách họ nắm tay cô, nhìn bề ngoài không khác ngày bé thơ khi cô được ba mẹ mỗi người một bên cùng đi tung tăng về một hướng trong công viên. Duy lần này khác, họ đi về hai hướng tách rời làm cô cảm nhận thân thể mình là đường trục bất đối xứng. Cô khóc thét và miễn cưỡng theo mẹ. Điều cuối cùng đọng lại là ánh mắt buồn bã của ba nhìn về phía cô. Trong khoảnh khắc đó cô hiểu trên mặt đất có tồn tại dấu gạch ngang chia cách: Phía mẹ – phía ba. Cô nhìn lần cuối ngôi nhà tuổi thơ và không sao kìm được nước mắt tuôn trào.
Chuyện sau đó là cô về sống cùng mẹ và bà ngoại ở quận 3. Cuộc ly hôn diễn ra chóng vánh. Mẹ giành được quyền nuôi cô. Tuổi hoa niên của cô trải qua nỗi ám ảnh phân đôi bằng hình ảnh mà ba mẹ vô tình gieo rắc vào tâm trí cô. Suốt thời gian dài cô chuyển hóa nỗi đau bằng sự chú tâm đặc biệt đến tính cân bằng và hài hòa trong tự nhiên như một cách quên đi nỗi đau. Có khi, sự chú tâm đến mức kỳ quặc, cô đứng trước tấm gương soi trong tình trạng khỏa thân và tự hỏi: không biết đôi ngực cô có đều nhau không nhỉ? Liệu cơ thể con người nói chung và con người – nhìn theo hướng là sinh vật vượt trội trong tự nhiên – có hài hòa và hoàn hảo không nhỉ? Cô cứ đặt mấy câu hỏi không đâu vào đâu cho bản thân cô.
Tốt nghiệp cấp 3, cô theo học y khoa, và mối quan tâm của cô nhờ sách báo trong thư viện giúp cô có câu trả lời dứt khoát: Con người nhìn bề ngoài thì có vẻ đối xứng, cân bằng, song không phải vậy. Qua vẻ bề ngoài đối xứng, cơ thể giấu đi sự mất cân đối bên trong. Quả tim con người chỉ có một; phổi phải to hơn phổi trái và có nhiều thùy hơn; mắt phải thường tinh hơn mắt trái; người thuận tay phải chiếm số đông so với tay trái; tai phải thính hơn và hàm bên phải nhai nhiều và khỏe hơn hàm trái; chân – tay phải thường cứng cáp hơn chân – tay trái… Cô tìm hiểu và có thể liệt kê nhiều hơn nữa, sự mất cân đối bên trong kết cấu con người.
Cô rút ra kết luận quan trọng, con người là sinh vật bất cân đối và không hoàn hảo. Suy nghĩ này tất nhiên hướng đến mục đích duy nhất là ít nhiều chữa lành tuổi thơ cô.
Bây giờ, trước ngưỡng cửa hôn nhân, khi người cô yêu ngỏ lời cầu hôn, phản xạ phân đôi của cô bé 12 tuổi trì níu không cho cô vội vã gật đầu. Cô cần đến con hẻm này, nơi có ngôi nhà tuổi thơ, cô muốn lần cuối ngồi trước ngôi nhà tự khâu lành vết thương và nói lời giã từ hình ảnh xưa cũ. Dầu sao, giờ đây cô nhận ra tình yêu và niềm tin cô đặt để nơi anh mạnh hơn mọi nỗi lo sợ mơ hồ, không có thật.
7
Cô đến sân thượng Cafe Ngắm Máy Bay trễ hẹn 20 phút. Anh vui vẻ khi nhìn thấy cô. “Em đồng ý làm vợ anh”, cô nói. Tuy có chút chần chừ, song cô quyết định không kể anh nghe ngôi nhà tuổi thơ mà cô trải qua. Cô muốn giữ điều đó cho riêng mình. Chỉ chuyện này, chuyện này thôi là cô giấu anh. Anh thì không kể cô nghe chuyện sợ độ cao, bởi anh nghĩ theo thời gian, anh khắc phục được điểm yếu của mình. Chẳng phải hôm nay anh leo tuốt lên sân thượng đó thôi. Mai này, anh sẽ cùng cô leo lên núi. Anh tin rằng mình có thể làm mọi chuyện cùng với cô. Rồi anh kể cô nghe chuyện 2 căn nhà đi xem sáng nay. Anh nói rằng chưa biết mua căn nào, chuyện trọng đại thế này anh chỉ đưa ra quyết định khi cô ưng thuận.
“Hai căn nhà vị trí thế nào anh?”. Cô hỏi.
“Tay cò đất dẫn anh đi xem. Một căn nằm kề nghĩa trang thành phố, dĩ nhiên là giá rẻ so với thị trường và hợp túi tiền anh. Căn thứ hai anh xem ở khu Bình Triệu, gần đường ray tàu lửa, nên giá cả cũng vừa phải thôi em. Cái chính là ở đó chúng mình phải làm quen với âm thanh tàu lửa đi qua đi lại suốt ngày đêm. Tạm thời chỉ có hai căn này là phù hợp với khả năng tài chính của anh. Sau này, điều kiện tốt hơn thì mình đổi nơi khác, ở gần trung tâm thành phố chẳng hạn”.
“Âm thanh tàu lửa”, cô nhắc lại, và tiếng xình xịch… xình xịch của vô số bánh quay như tìm cách quay ngược về quá khứ rồi lao băng băng tới bến hiện tại. Nơi đó, cô thấy mình bất giấc mỉm cười. Cô nhìn anh và nhẹ nhàng nói: “Mai dẫn em xem căn nhà gần đường tàu lửa. Em thích lựa chọn này hơn, anh à”.
Phan Nhật Thiện
Bài viết liên quan: