Trương Chí Hùng sinh ngày 25.2.1985 ở An Giang, hiện là giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang.
Anh đã xuất bản được 6 cuốn sách, bao gồm: tập thơ Một nửa nhà quê (2014), tập tản văn Trong sương thương má (2019), tập bút ký Man mác Vàm (2019), tập tản văn Miền Tây lạ lắm à nghen (2020), tập bút ký Nẻo đời phiêu bạt (2021), tập tản văn Sống cùng nước (2023).
Anh đạt Giải nhất Cuộc thi Bút ký văn học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI năm 2017, Tặp thưởng bút ký Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2022.
Nhà văn Trương Chí Hùng được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
Nhà văn Trương Chí Hùng
TÂY NAM BIÊN VIỄN
Nhà văn Belarus Alexievich kể rằng, khi bà gặp gỡ các nữ cựu binh Nga từng tham gia thế chiến thứ II để phỏng vấn và viết cuốn sách về họ, ban đầu chẳng ai muốn trả lời bà. Họ không muốn nói về chiến tranh. Dù cuộc chiến ấy Tổ quốc họ đã giành chiến thắng vinh quang, nhưng thẳm sâu trong từng thân phận, có những mất mát không thể nào bù đắp được. Và họ muốn quên nó đi, không khơi lại những đớn đau quá vãng.
Nhưng rồi, bằng sự kiên trì và động cơ chân chính, Alexievich đã khiến họ sẻ chia những câu chuyện đớn lòng của quá khứ. Đó là chất liệu để bà viết cuốn sách “Chiến tranh không có một khuôn mặt của phụ nữ”, đạt giải Nobel Văn học năm 2015. Có điều, tác phẩm ấy khác với những cuốn sách viết về chiến tranh. Nó không hát lại khúc tráng ca, không đào xới hận thù, không thọc ngoáy vào những vết thương đang lành miệng. Nhà văn chỉ âm thầm kể lại những câu chuyện, gắn với bao phận người, để rồi qua đó hậu thế thấy được sự khủng khiếp của chiến tranh, đến nỗi chỉ những kẻ bệnh hoạn mới có ý nghĩ khơi mào cho một cuộc chiến.
Không hiểu sao, đầu óc tôi cứ lởn vởn những câu chuyện của nhà văn Alexievich, khi ngược về biên giới Tây Nam. Mùa này nắng như đổ lửa, con đường bụi cuốn mù mịt làm bạc trắng những khóm cây hai bên. Lác đác vài mái nhà chen lẫn giữa vườn cây và ruộng lúa. Lâu lâu, bật lên một tiếng gà trưa xao xác, rồi chìm vào thinh lặng. Thị trấn Ba Chúc lọt thỏm giữa những ngọn núi trầm mặc. Những con phố lô nhô đổ theo bóng nắng và bóng người chầm chậm ngược xuôi trôi.
Yên bình!
Đó là cảm giác khi tôi đặt chân đến cái thị trấn nhỏ bé này, lần nào cũng vậy. Đến nỗi, tôi không thể hình dung ra thảm cảnh giết chóc rùng rợn, tiếng la hét thất thanh của người dân xen lẫn tiếng súng, tiếng lựu đạn vang động đất trời khi bọn Pôn Pốt tràn đến xóm nghèo, vào bốn mươi lăm năm trước.
Người dân Ba Chúc khi ấy cũng không ngờ…
Ngày 18 tháng 4 năm 1978, họ vẫn sống như một ngày bình thường trong cuộc đời. Chợ vẫn nhóm họp, cán bộ vẫn đến cơ quan, học sinh đến trường, nông dân ra đồng, lên rẫy. Họ thấy có những người lạ mặt xuất hiện, nhưng nghĩ đó chỉ là đồng bào Khmer ở các Phum, Sóc gần kề. Chợ Ba Chúc cách biên giới Việt Nam – Campuchia chừng bảy cây số. Quanh đấy có nhiều hộ gia đình Khmer cộng cư. Người Kinh và người Khmer miệt này sống với nhau như anh em, mấy trăm năm đến giờ vẫn thế.
Nhưng rồi, tiếng súng vang lên, dân thường ngã xuống. Lúc này, bà con mới biết những kẻ lạ mặt không phải là người Khmer anh em, mà lạ bọn giặc hung ác từ bên kia biên giới tràn sang. Bọn chúng bắn giết không chừa một ai. Kể cả dân lành.
Pôn Pốt! Pôn Pốt! Pôn Pốt!…
Ba Chúc hoảng loạn.
Ba Chúc kinh hoàng.
Chạy! Chạy! Chạy!…
Những tiếng la hét thất thanh của bà con vang lên, chấp chới. Nhưng chạy hướng nào khi bốn phương tám hướng đều là bọn ác ôn?
Người dân Ba Chúc đa phần theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một tôn giáo bản địa do đức bổn sư Ngô Lợi sáng lập vào cuối thế kỷ XIX. Có lẽ trước biến cố sinh tồn, niềm tin tôn giáo đã trỗi dậy trong tâm thức người dân, nên họ kéo nhau vào chùa rất đông, với mong muốn đức Phật sẽ chở che cho họ. Bà con đâu biết rằng, bọn ác quỷ nào có chùn chân trước chánh điện từ bi. Chúng đã bao vây các ngôi chùa có hàng trăm dân thường đang ẩn náo, ném lựu đạn vào như mưa khiến xác người nằm la liệt, ngổn ngang. Máu ngập ngụa trên nền chùa. Những cánh tay khua lên trong tuyệt vọng, đau đớn bám vào bốn bức tường trong chùa, để lại những vết máu hình bàn tay đến bây giờ vẫn không thể nào xóa được. Ở chùa Phi Lai, có những vết máu hình bàn tay như thế. Đau xót hơn là… có nhiều bàn tay của trẻ con. Ôi, những bàn tay nhỏ xíu in màu máu! Những bàn tay như đang bóp nghẹt trái tim ta. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Trịnh Bửu Hoài sinh thời khi viếng chùa Phi Lai, đã không nén nổi nước mắt và viết bài thơ “Vệt máu hình bàn tay” đầy xúc động. Khi tôi đang quỳ giữa chánh điện, những câu thơ ấy lại vang lên, phảng phất trong làn khói mỏng:
“Trước mặt mình sao ngỡ trong mơ
Những vệt máu hình bàn tay trẻ nhỏ
Em đâu rồi mà bàn tay còn đó
Ôi bàn tay xinh xắn để nâng niu
Để vỗ reo vui, để thả cánh diều
Chợt giặc đến… bàn tay em ướt máu…”
Người ta gọi bọn giặc Pôn Pốt là một lũ diệt chủng, bởi chúng giết người một cách hết sức man rợ, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em. Gặp bất cứ ai, chúng đều ra tay một cách tàn độc. Ném lựu đạn. Bắn. Dùng búa đập đầu. Nắm hai chân rồi đập đầu vào tường, vào đá núi. Xé xác trẻ con. Dùng cây đâm vào cửa mình phụ nữ lên tới bụng, sau khi hãm hiếp. Những chứng tích tội ác này hiện còn lưu giữ ở nhà mồ Ba Chúc, khiến ai đến xem cũng cảm thấy đau xót, khủng khiếp và căm phẫn. Có lần, tôi không giấu nổi suy nghĩ của mình, đành tự hỏi không biết bọn Pôn Pốt có phải là người hay không? Chúng có được sinh ra từ một người mẹ nào đó trên thế gian này? Ai trong chúng từng có những đứa con? Những câu hỏi ấy cứ quặn thắt lòng tôi, cuồn cuộn như giông bão. Bỗng một hồi chuông dài bên chùa Tam Bửu ngân lên, khiến lòng tôi dần bình lặng.
Tôi đến ngồi dưới mái hiên chùa, nhìn núi Tượng xa xa trước mặt. Một bà cụ bán hàng rong trạc bảy mươi tuổi đến ngồi cạnh tôi. Bà để thúng hàng xuống, rồi tháo chiếc nón lá quạt cho bớt nóng. Chắc do nhìn thấy gương mặt đăm chiêu của tôi, bà biết tôi không phải một du khách, mà là kẻ đi tìm tàng tích của quá khứ, dù biết nó đầy rẫy những đớn đau. Im lặng một lúc, bà mời chậm rãi kể, chỗ chúng tôi đang ngồi, khi đó cũng có mất xác người. Chắc lúc trốn trong chùa bị phát hiện, họ liều mình chạy ra, liền bị bắn chết. Khi bộ đội Việt Nam tiến công đánh dạt bọn Pôn Pốt về bên kia biên giới, bà cùng với những người dân chạy giặc và may mắn được thoát chết mới lục đục kéo nhau về. Cảnh tượng Ba Chúc khiến ai cũng kinh hãi. Xác chết nằm đen kịt khắp nơi. Hai bên đường. Trước sân nhà. Trên đồng. Trong hang núi. Dưới mái hiên chùa. Có những gia đình cả chục người bị giết chết không còn một mạng. Có người còn sống nhưng người thân bị giặc giết hết, họ kêu gào trong đau đớn, rồi thất thiểu đi từ đầu trên xuống xóm dưới, miệng mê sảng gọi tên người thân.
Bà cụ kể đến đó thì khẽ rùng mình. Ánh mắt bà nhìn về một cõi nào đó rất xa xăm, ngân ngấn nước. Gương mặt bà dường như teo tóp lại, những nếp nhăn bủa kín trên làn da nâu sạm. Mái tóc bạc trắng dính sát vào hai bên thái dương bê bết mồ hôi. Giọng bà chùng xuống, như nói với quá khứ hư vô. Chồng và bốn đứa con của bà cũng bị giết hại tàn nhẫn trong đợt thảm sát đó. Hai đứa con nhỏ bị bọn Pôn Pốt đập đầu chết ngay trước mặt bà. Người mẹ nào có thể chịu nổi sự đớn đau tột cùng ấy? Bà cũng vậy. Bà đã xem như mình đã chết cùng con từ thời khắc đó. Ít nhất là trái tim bà đã bị đập vỡ tan tành, mãi mãi chẳng thể nào lành lặn được. Bà sống sót vì chúng bắn sượt qua cổ họng. Chúng tưởng bà chết nên ném bừa lên đống xác người mà chúng giết trước đó, rồi dưng dửng bỏ đi. Bà tỉnh dậy giữa đêm tối, giữa đống tử thi đã bốc mùi, phân rã. Bà chẳng biết đó là dương gian hay địa ngục, chỉ biết cố dùng chút sức lực còn sót lại để chạy về phía núi Tượng. Ngọn núi mà hàng ngày hai vợ chồng bà lên đó làm rẫy, hái thuốc, bà nghĩ nó có thể chở che bà. Trời tối đen như mực, bà chỉ biết nhắm bóng núi lờ mờ trước mặt mà lao tới. Lâu lâu, bà lại đạp phải một cái gì ọp ẹp dưới chân. Chẳng phải bùn sình, mà đó là những xác người. Bà chỉ biết niệm Phật rồi chạy tiếp, về hướng núi.
Núi Tượng cách chợ Ba Chúc chỉ khoảng một cây số, là một trong số bảy ngọn núi của quần thể Thất Sơn. Kỳ thực, núi Tượng chỉ như một ngọn đồi, cao chỉ khoảng 150 mét, chu vi chưa tới bốn cây số. Nhìn từ xa, dáng núi giống như chú voi đang nằm, nên dân gian gọi là núi “Tượng”. Sách Địa chí An Giang ghi chép, núi Tượng có tên chữ là “Liên hoa sơn”, bởi trông nó giống như một đóa sen trỗi lên giữa đồng bằng. Nhiều người dân Ba Chúc không hề biết đến cái tên “Liên hoa sơn”, bởi nó nghe có vẻ cầu kỳ và xa lạ quá. Họ chỉ biết núi Tượng, gần gũi và thân quen. Từ khi đức bổn sư Ngô Lợi chọn Ba Chúc làm chốn khai đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, núi Tượng trở thành nơi tập hợp tín đồ, ngày đêm tu hành rèn đạo giúp đời. Giặc Pháp rồi đến giặc Mỹ lần lượt giày xéo xứ này, bao lớp người đã ngã xuống dưới chân núi Tượng, để cây trên núi mãi xanh, để tiếng chim được véo von hót trong yên bình. Độc lập thống nhất, dân Ba Chúc vỡ òa hạnh phúc cùng đồng bào cả nước. Cứ nghĩ quê hương sạch bóng quân thù, chẳng mấy chốc vùng biên viễn này sẽ trù phú, ấm no. Có ai ngờ đâu, bọn giặc hung ác đã rắp tâm mưu tính, rồi bất ngờ tràn sang, khiến cho tiếng kêu khóc lại một lần nữa vang dội khắp núi rừng.
Trên sườn núi Tượng có rất nhiều hang đá. Bình thường, người dân đi làm rẫy hay lấy thuốc, hễ gặp mưa nắng thất thường là họ vào các hang đá này trú ẩn. Hang đá như ngôi nhà thứ hai của họ, trên một trái núi cũng được xem là tài sản chung của bà con nơi đây. Khi Pôn Pốt tràn vào bắn giết, đốt nhà, bà con vội gom ít lương thực và nước uống, chạy lên hang núi trốn. Hang nhỏ thì vài người, hang lớn thì vài chục người hay cả trăm người. Những sinh linh bé nhỏ ấy nguyện cầu cho thần Núi và những thế lực siêu nhiêu sẽ che chở họ. Nhưng rồi, tiếng chó săn của bọn ác ôn bắt đầu sủa lên inh ỏi. Bọn chúng kéo nhau lên núi lùng sục. Bà con nín thở, ôm chặt nhau trong hang, cảm thấy cái chết lướt qua lướt lại rờn rợn trên đầu mình. Tiếng chó gần hơn, dồn dập hơn, ngay trên miệng hang. Thế là hết. Mỗi cái hang bị giặc phát hiện, chúng ném lựu đạn vào, chẳng ai sống sót. Có những người đàn ông liều mình thoát ra khỏi hang, bỏ chạy, liền bị chúng bắn gục bên bờ đá. Bà cụ kể, có những hang ở vị trí kín đáo bên sườn núi, nên chó săn và giặc không thể lục tìm được. Khổ là, khi chạy thì bà người già và trẻ nhỏ đều phải bồng bế, dắt díu nhau chạy. Đến lúc trốn trong hang, những đứa trẻ sơ sinh chịu không nỗi sự ngột ngạt nên quấy khóc liên tục. Có bà mẹ thấy được sự hiểm nguy của cả trăm người trong hang vì tiếng khóc con mình, mẹ đành vạch vú cho con bú, rồi ấn chặt mặt mũi đứa bé vào, đến khi tiếng khóc im bặt, đứa trẻ cũng đã chết rũ trên đôi tay mẹ tự bao giờ. Người mẹ đổ gục xuống như một thân cây trước bão giông, thấy mình vẫn sống mà như đã chết.
Tôi cầm chai rượu và một bó nhang, đi lên núi Tượng. Sau mấy trận mưa đầu mùa, ngọn núi phủ một màu xanh mướt mát. Những đám cỏ dại mọc tràn ra cả lối mòn, bò lên các mỏm đá. Đợt lá rừng vừa thay trong tiết xuân đến nay đã thẫm xanh, xạc xào trong gió. Hoa dại nhiều màu sắc phủ dọc lối đi. Tiếng chim hót hòa với tiếng thú rừng kêu vang động cả một góc trời. Tất cả cộng hưởng thành bản hòa tấu thanh âm và sắc màu tuyệt mỹ. Lâu lâu, tôi bắt gặp các đoàn hành hương nối nhau lên núi, mỗi đoàn có đến hàng chục hoặc hàng trăm người. Họ mặc áo lam, tay cầm gậy, chân bước đều đều và miệng thì thầm niệm Phật. Đến các điện thờ trên núi, họ dừng lại, xếp thành hàng ngũ chỉnh tề rồi khấn vái trước khi quỳ lạy rất thành tâm. Tôi không biết họ nguyện cầu điều gì, liệu có trút được những phiền muộn trần ai gởi lại cùng đá núi?
Đến lưng chừng núi, tôi không đi theo lối mòn mà chủ động leo ra các sườn dốc. Đúng như lời bà cụ bán hàng rong đã nói, sườn núi Tượng có nhiều hang đá, to nhỏ đủ cỡ. Tôi đến từng hang, thắp vài nén nhang rồi rót rượu xuống mỏm đá, mời hư vô cùng đối ẩm. Những giọt rượu bị hơi nóng của đá làm khô rất mau, chỉ còn sót lại làn khói mỏng dựng lên phảng phất. Trong khoảnh khắc ấy, tôi lại nhớ đến những câu thơ của nữ sĩ Nguyễn Thị Trà Giang khi đi viếng đồng đội trên đồi Ma Thiên Lãnh. Đó là ngọn đồi cách núi Tượng nơi tôi ngồi khoảng mười cây số. Đồi có nhiều hang đá nên quân ta đã chọn làm căn cứ trong thời chống Mỹ. Nắm 1969, máy bay giặc Mỹ đã ném bom làm sập miệng hang, khiến bảy chiến sĩ của ta không thể thoát ra được. Ban đầu, đơn vị còn dùng ống tre đưa sữa, cháo loãng vào tiếp tế. Thế nhưng, mấy ngày sau giặc bắn phá quá ác liệt, đơn vị đành phải rút về U Minh. Bảy chiến sĩ đã nằm lại vĩnh viên trong hang lạnh.
“Hãy ngồi thêm một chút bạn ơi
nhang sắp tàn, thắp thêm tuần nhang nữa
đồi rộng quá, làn khói thì bé nhỏ
gió có đưa vào chỗ các anh nằm?
tôi thẫn thờ trước khối đá lặng căm
lấp cửa hang chôn các anh trong đó
chôn nỗi khát khao, chôn niềm thương nhớ
mười tám đôi mươi, trẻ quá cuộc đời!”
(Trên đồi Ma Thiên Lãnh – Nguyễn Thị Trà Giang)
Năm 2007, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang đã tiến hành phá cửa hang, mang hài cốt bảy chiến sĩ về an táng. Những nỗi đau thời chiến dần ngui ngoai, như những vết thương đã bắt đầu kéo da non. Tôi tựa lưng vào một tảng đá và khẽ nhắm mắt lại, tận hưởng những giây phút thanh bình tĩnh lặng. Lòng nghĩ, để có những giây phút nhứ thế, biết bao nhiêu người đã phải nằm xuống, trong những hang sâu kia, trên mảnh đất cỗi cằn này.
Chú Bảy vừa pha trà vừa bảo, chiến tranh thì chuyện mất mát hi sinh là điều không tránh khỏi, ai cũng biết. Nhưng tàn nhẫn là bọn Pôn Pốt chúng nó lại thảm sát những người dân thường, không tấc sắc trong tay, không có sức kháng cự. Thử hỏi, những đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn nào có tội tình gì đâu, chúng cũng không tha. Chú chỉ tôi ra đứng ở một mỏm đá cao trên đỉnh núi, nhìn về phía cánh đồng Lạc Quới, xa xa là biên giới với Campuchia. Cánh đồng có chiều ngang chừng bảy cây số, bình thường ruộng lúa phì nhiêu, nhưng bọn ác ôn kéo đến thì trở thành bãi tha ma. Chúng nó lùa người dân ra đồng trống để bà con khó bề chạy thoát, sau đó tha hồ bắn giết, hết tốp này tới tốp khác. Đánh đuổi chúng xong, bà con cố gắng thu gom hài cốt người vô tội nhưng không xuể. Mùa nước nổi tràn về rồi rút xuống, nhìn cánh đồng như ruộng dưa hấu sắp đến ngày thu hoạch. Nhưng chẳng phải dưa hấu gì đâu, mà đó là những sọ người nằm rải rác khắp cánh đồng. Trên khắp thế gian này, còn cảnh tượng nào đau thương hơn thế nữa không? Câu hỏi tức tưởi của chú Bảy vọng vào đá núi.
Tôi nghe lời chú Bảy kể mà không khỏi kinh hoàng, bởi có giàu sức tưởng tượng đến mấy tôi vẫn không thể hình dung thảm cảnh như vậy. Bây giờ, trước mắt tôi là cánh đồng xanh mơn mởn lúa thì con gái. Vài cụm thốt nốt mọc chen vào, như những chiếc ô khổng lồ che nắng cho người dân khi nghỉ trưa trên đồng vắng. Dòng kinh Vĩnh Tế dẫn nước từ sông Hậu chảy về đây, tưới tắm thêm phù sa cho đất. Bên kia biên giới cũng là một thảm xanh bất tận, đồng lúa chen lẫn cũng cỏ cây và sông núi. Biên giới yên bình như chưa từng khói lửa tang thương.
Nhấp một ngụm trà, chú Bảy từ tốn nói, thật ra dân Ba Chúc không quên quá khứ, nhưng bà con cũng ít nhắc đến. Cái gì qua thì ráng cho qua, đào xới lại chỉ thêm xa xót. Chú chỉ tôi cây cóc rừng trước lán trại của chú, nó bị chặt ngang gốc nhưng vẫn đâm lên mấy tược non. Chừng chục năm nữa, chồi non này sẽ lớn bằng cái gốc cây cũ. Cỏ cây mà sức sống như vậy, con người mình đương nhiên phải còn mạnh mẽ hơn, chú tin như thế.
Chú Bảy cất lán trại trên đỉnh núi Tượng đã được hơn mười năm nay. Chỗ này rộng rãi, mát mẻ nên chú mắc thêm mấy chục cái võng, bắc vài cái bàn. Tôi hỏi chú muốn bán nước giải khát cho khách hành hương hay sao, chú nói không bán, chỉ đãi thôi. Nghĩa là khách thập phương có duyên đến đây thì ăn uống, nghỉ ngơi miễn phí. Ai có lòng, cứ gởi lại một ít tiền, chú sẽ dùng để mua đồ ăn và nước uống bổ sung thêm, gọi là “người trước đãi người sau”, chú bảo thế. Trò chuyện với chú một lúc mà có mấy đoàn người ghé qua. Có người nằm võng, uống nước. Có người đói bụng thì vào bếp nấu mì, bới cơm chay ăn. Tất cả đều hoan hỉ, xem như đó là nhà của mình. Người xứ này vốn rộng lượng và hào sảng như vậy, làm việc nghĩa mà lòng dạ nhẹ tênh, “thi ân bất cầu báo”.
Đêm đó, tôi quyết định ngủ lại ở lán trại chú Bảy. Trời nhá nhem tối, chú bắt đầu tắm rửa sạch sẽ, rồi thay bộ đồ hành lễ của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, sau đó thắp nhang cúng vái bốn phương tám hướng. Khi chú cúng kiến xong, bình trà tôi pha sẵn đã nghi ngút khói trên bàn đá. Chú và tôi cùng uống trà, thả hồn thanh tịnh theo từng chuyển động của núi rừng trong đêm cô tịch. Hương hoa rừng thoang thoảng nương theo gió len vào lán trại, hòa với mùi hương trà dịu nhẹ. Tiếng thú rừng ăn đêm hòa vào tiếng chuông chùa xa xa vọng lại, như muốn rột rửa những trần ai lụy phiền thế tục. Chú Bảy chỉ uống trà và nhìn đăm đắm vào bóng đêm dày đặc mà hầu như chẳng nói gì nhiều. Lâu lâu, chú nhấp một ngụm trà rồi nói về các loại dược liệu trên núi Tượng, về mấy giống rắn độc và cách chữa trị nếu chẳng may bị chúng cắn. Chú cũng định sẽ mở rộng lán trại thêm, vì khách hành hương đến núi ngày càng đông hơn rồi. Sắp tới, chắc chú sẽ trồng thêm một ít rau núi và cây ăn trái quanh lán, để đãi bà con. Tôi có chút ngạc nhiên bởi chú chẳng hề nhắc gì về quá khứ đau thương nữa, cũng không kể gì về những người thân của chú đã chết thảm dưới họng súng của quân thù. Có lẽ thời gian và nghị lực đã giúp chú xóa nhòa ký ức khốc liệt, giống như ngọn núi Tượng đã rợp màu xanh cỏ cây hoa lá, dù đã bao phen xơ xác trước đạn bom. Những ý nghĩ ấy khiến tôi chìm vào giấc ngủ một cách thật êm đềm. Trong mơ, tôi thấy núi Tượng bỗng chốc hóa thành một đóa sen khổng lồ bồng bềnh trong mây trắng. Thấp thoáng sau dáng núi là gương mặt chú Bảy thật từ tâm, nở nụ cười hiền như Phật.
***
Trước khi rời vùng biên viễn, tôi đến viếng nhà mồ Ba Chúc. Nhà mồ được thiết kế theo hình dáng bông sen tám cánh màu trắng, úp ngược. Bên trong là hài cốt của 1.159 bộ hài cốt với những độ tuổi khác nhau, trong số 3.157 người bị Pôn Pốt sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Từ khi được xây cất, người dân nơi đây luôn giữ cho nhà mồ lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Hơn nữa, việc đặt nhà mồ cạnh hai ngôi chùa Phi Lai và Tam Bửu có lẽ hậu thế cũng muốn tiếng kinh nhật tụng sẽ sớm làm siêu thoát bao anh linh oan khuất.
Tôi đứng trước bàn thờ, thắp nén nhang và lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ của nhà thơ Trần Thế Vinh:
Cắm nén nhang…
Tôi nguyện cầu các vong linh siêu thoát
Về cảnh an nhiên xóa hết thù hằn
Thân xác rửa thúi vô thường trả về đất mẹ
Cánh đồng Cầu Sắt, bàu Điên Điển, giồng Ông Tướng…
Đất ấm sẽ tô xanh cỏ lúa quê nhà
Chú bác, cô dì và em tôi ơi thôi đừng hốt hoảng
Hãy yên ngủ ngàn năm
Cho linh hồn thanh thản
…
Còn hậu thế đời sau nhang khói mỗi ngày…
Thắp hương xong, tôi thấy một gia đình trẻ vừa từ chiếc xe ô tô màu trắng bước xuống. Họ cũng đến viếng nhà mồ. Người mẹ trẻ đẹp quý phái, trên tay ôm một đóa cúc trắng, gương mặt thấp thoáng chút muộn sầu. Người chồng trông cương nghị, ánh mắt đầy vẻ thành kính, vầng trán hằn lên các đường nhăn khi nhìn thấy những bộ xương trắng xếp chồng lên nhau. Họ dâng hoa, thắp hương rồi đứng lặng rất lâu ở đó. Tôi không biết gia đình nhỏ này có mối liên hệ gì với những nạn nhân xấu số nơi đây hay không, nhưng cũng không tiện hỏi. Tôi chỉ chăm chú nhìn đứa bé chừng ba tuổi trên tay người mẹ. Đôi mắt sáng và gương mặt đẹp như một búp sen non. Em nhìn hết cái này đến cái khác, lâu lâu nhìn sang tôi, thấy tôi cũng nhìn nên em chúm chím cười. Đến lúc gia đình trẻ ấy ra về, tôi chủ động vẫy tay tạm biệt em bé, không ngờ em cũng cười tươi và đưa tay lên vẫy vẫy. Dưới ánh nắng vàng của một buổi sáng đầu hạ, tôi thấy bàn tay em bé trắng hồng, mủm mĩm, đẹp như bàn tay của một thiên thần.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi
HÒ HẸN VỚI GÀNH HÀO
Trong tất cả các con đường tôi từng đi qua, thì đoạn từ thành phố Cà Mau về Đông Hải, Bạc Liêu là gợi ấn tượng nhất. Đến nỗi, nhiều lúc tôi phải dừng xe lại, hít thở những trong lành bất tuyệt và tận hưởng khoái cảm của cuộc hành trình đơn độc giữa bạt ngàn xanh thẳm. Những hàng dừa nước như ngàn vạn suối tóc xõa vào chân trời, những rặng bần xanh bình thản điểm tô vài chùm hoa trắng đẹp mộc mạc như cô gái miệt vườn. Khung cảnh ấy chắc chắn sẽ làm rung động bất cứ cõi lòng nào ưa luyến lưu thơ mộng. Đó là quãng đường đi dọc theo sông Gành Hào, con sông được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vẽ lên bằng những nốt dìu dặt để rồi khi nghe qua, những tâm hồn chai sạn cũng mềm như nước, mong được một lần trôi về phía biển, được sống trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc đời mình như một dòng sông. Chính cái ý nghĩ ấy dẫn dụ nên tôi chẳng ngại ngần cưỡi trên con ngựa sắt rong ruổi xuống miền hạ, để nghe tiếng thở của cỏ cây lau lách, chạm vào vị mặn của từng thớ đất phía cuối trời Nam, và sống cùng nỗi buồn mênh mông thiên cổ.
Dân miền Tây hầu như ai cũng thuộc câu ca: “Bạc Liêu là xứ cơ cầu/ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu/ Nghe danh công tử Bạc Liêu/ Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”. Bởi vậy mà hồi trước, có người bạn phương xa hỏi tôi rằng, phải chăng dân Bạc Liêu, Cà Mau giàu lắm, vì bạn nghe thiên hạ bảo xứ ấy có người từng dùng tiền đốt lên để nấu trứng, khiến bọn Tây bọn Tàu đều kinh ngạc. Tôi bảo đó là chuyện hồi trào Pháp, khi địa chủ cấu kết với thực dân để thâu tóm ruộng đất, bóc lột tá điền mới sinh ra những chàng “công tử Bạc Liêu” như bạn nói. Nhưng “công tử” kiểu vậy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đại đa số dân chúng vẫn nghèo khó, quanh năm bám đất lo ăn lo mặc. Sau này, dù ruộng đất đã được Nhà nước phân chia cho dân nghèo theo tinh thần “nhường cơm xẻ áo”, nhưng nhiều vùng ở Bạc Liêu vẫn nghèo, bởi đất đai nhiều nơi nhiễm phèn nhiễm mặn không canh tác được, như ở dọc sông Gành Hào chẳng hạn. Bởi vậy, ý nghĩ dân Bạc Liêu là phải giàu có thuộc hàng “đốt tiền nấu trứng” thì tội cho những người dân nơi đây lắm.
Không giống như mấy con sông trong chín nhánh Cửu Long, sông ở miệt Cà Mau, Bạc Liêu chẳng hề mang phù sa bồi đắp cho lưu vực mà nó chảy qua. Trái lại, dòng chảy của những con sông phát xuất từ các vùng nước lợ, hay các khu rừng tràm, rừng ngập mặn đôi khi cuốn phăng đất cát của bà con ở hai bên bờ trôi tuột ra biển chẳng chút luyến lưu gì. Mùa mưa, nước sông Gành Hào ngầu đục vì nhận bùn non từ các tiểu lưu, khúc sông từ Chòi Mòi ra tới biển nước đầy ăm ắp, rộng hơn trăm thước, chảy hung hãn như một tên lưu manh. Mùa khô, khi thủy triều xuống nhiều đoạn lòng sông chỉ hẹp còn vài thước, tưởng chừng đứng bên này sông có thể nhún chân nhảy qua bên kia sông như chơi. Thế nhưng dù thủy triều có xuống thấp thì cũng khó lòng đi qua, vì lớp bùn nhão dưới lòng sông rất dày, bước xuống là ngay lập tức bùn ngập tới bụng, ngoan cố bước thêm vài bước nữa coi chừng không bò lên được. Lớp bùn đó lại là địa bàn lý tưởng của bầy cá thòi lòi. Loài cá này có thân hình thon dài như cá kèo, đầu tròn như cá bống. Đặc biệt, hai vây hai bên chúng phát triển linh hoạt như hai chân, nên vừa có thể bơi vừa có thể bò trên cạn dễ dàng. Đỉnh đầu chúng có hai mắt to tròn, nhô cao lên, có lẽ vì vậy mà dân ở đây gọi trại âm “cá mắt lồi” thành cá “thòi lòi”. Dọc bờ biển Tây Nam và trên các con sông ven biển, giống cá này xuất hiện nhiều vô số kể. Chúng đào hang trong bùn để trú ẩn, thi thoảng trườn ra ngoài kiếm ăn. Nhiều lúc chúng còn “đá lộn” với nhau từng cặp trông rất ngoạn mục. Hễ có động tĩnh, chúng liền bò vào hang hoặc lặn xuống nước trốn. Có con không trốn hẳn mà nằm thò đầu ra cửa hang, đưa hai con mắt tròn xoe nhìn chúng ta, vừa tò mò vừa như thách thức xem những kẻ xứ lạ quê người có dám xộc mình vào cái chốn bùn lầy được xem là thánh địa của chúng tự ngàn năm nay hay không.
Chẳng hiểu sao, những đôi mắt ấy tôi thấy quen lắm, giống như đôi mắt của mấy đứa trẻ ở Lung Rong, Lung Lá, Lung Sình mà tôi tình cờ bắt gặp, khi đưa ống kính máy ảnh về phía chúng. Chúng ngồi trong những căn nhà lợp bằng lá dừa nước, chỉ dám thò đầu qua khe cửa nhỏ, ngạc nhiên nhìn về phía tôi. Những bức ảnh ấy, nhiều người khen rằng đẹp, rằng có hồn, nhưng chính tôi mỗi khi xem lại chỉ thấy lòng nặng trĩu. Tôi biết, cái ánh mắt chứa đầy sự ngạc nhiên, lạ lẫm, sợ sệt trước ống kính của khách phương xa đó, nó còn cách ánh sáng văn minh một khoảng xa xôi lắm. Để lấp đầy khoảng cách đó, những đứa trẻ này phải trải qua một hành trình dài đầy khó nhọc. Rất nhiều người sẽ bỏ cuộc trên hành trình ấy, không hẳn vì họ yếu đuối hay không chịu khó, mà vì hoàn cảnh. Cũng giống như trường hợp anh Tư Đẳng ở ấp Chòi Mòi, xã Định Thành, huyện Đông Hải mà tôi gặp. Ảnh ra đường mòn lấy nón vẫy vẫy ra hiệu cho tôi dừng xe lại, tưởng đâu ảnh xin quá giang, ai dè nhờ tôi đọc giùm cái tờ hướng dẫn sử dụng bao thức ăn nuôi tôm ảnh mới mua. Ảnh bảo, loại này mới dùng lần đầu nên không rành lắm, chủ cơ sở bán có nói qua, nhưng ảnh không nhớ rõ nên nhờ người biết chữ đọc lại cho chắc ăn.
Ngồi lại với anh Tư một lát, nghe ảnh kể ngày xưa ở xứ này đi học cực lắm, phải chờ quá giang xuồng ghe mà đi, vì đường xá khi đó không có. Xóm nào được vài đứa đi học thì phụ huynh lấy tắc ráng chở đi, đợi học xong thì chở về. Bình thường không sao, gặp mùa mưa bão thì sách vở ướt hết, có khi chìm xuồng chìm ghe nữa. Bởi vậy, ráng học cho biết chữ thôi chớ chẳng ai nghĩ đến chuyện phải học hành thành tài. Lại thêm, người lớn cũng chẳng bận tâm đến sự học của con em mình, họ nghĩ không biết chữ thì có chết đâu, chỉ đói mới chết. Thế là thay vì kêu con nít thức khuya dậy sớm đi học, người lớn lại dạy chúng cách bắt con cua con cá, cách tìm kế sinh nhai ở cái chốn cùng trời cuối đất này. Cứ thế, lớp này lớn lên lại đến lớp khác, nối tiếp nhau chỉ nghĩ đến cái ăn cái mặc trước tiên, con chữ vì thế cũng trở nên xa xỉ, nói gì đến chuyện chinh phục chân trời tri thức.
Bây giờ trường lớp cũng nhiều rồi, điều kiện đến trường cũng thuận lợi hơn trước kia, nhưng chuyện học hành cũng không phải là niềm đam mê của lớp trẻ nơi đây, anh Tư Đẳng nói thế. Hỏi kỹ mới biết, dân xứ này mấy năm nay nhiều hộ phất lên nhờ nuôi tôm, nuôi cua trong các vuông nước mặn, nước lợ. Các cơ sở sản xuất tôm giống và bán thức ăn thủy sản thì giàu còn nhanh hơn nữa. Bởi vậy, nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ cần nhà có vài vuông đất, không cần học hành nhiều thì cũng sống khỏe re. Đối đế chút nữa thì đi mua cua, mua tôm ở các vuông và chở đi bán lại cho người dân, cũng đủ sống qua ngày. Đất này xưa giờ vẫn vậy, hết đãi con người cái này rồi đãi cái khác, cũng có nghèo nhưng chưa đến nỗi đói kém, có lẽ vì vậy mà người ta chẳng cần nghĩ đến những phương kế xa xôi. Bây giờ chuyện cơm no áo ấm thì coi như ai cũng có rồi, tiếc là việc học hành của xóm anh chưa được mọi người coi trọng. Vì không biết chữ nên những người như anh quanh năm chỉ từ nhà đi vô vuông tôm, rồi từ vuông tôm đi về nhà. Cái chợ xã kế một bên nhưng có khi mấy tháng trời anh không đặt chân đến, chớ nói gì đến chuyện đi lên thành phố. Anh Tư nói vậy, rồi trầm ngâm rít mấy hơi thuốc thật dài, thả làn khói trôi vào tán lá bần xanh mướt.
Tôi đã có dịp kiểm chứng lời bộc bạch của anh Tư Đẳng, thậm chí còn hơn thế nữa, là xứ này không chỉ đất đãi người, mà con người cũng đãi nhau giữa cuộc tồn sinh. Một lần tình cờ khi qua phà Kinh Xáng, chạy đến gần đoạn cầu Rạch Cóc thì trời đổ mưa to. Tôi ghé một căn nhà lá nhỏ nằm nép bên mấy đám dừa nước để đụt mưa. Chủ nhà là một bà cụ trạc bảy mươi tuổi, sống một mình, không con cháu gì hết. Bà kể, ông cụ đã mất cách đây gần hai chục năm rồi, chôn ở vạt đất phía sau nhà. Hỏi một thân một mình lại lớn tuổi vậy, bà phải làm gì để sống. Bà nói, chặt dừa nước bán. Nói xong rồi bà cười, tôi cứ nghĩ bà nói chơi, vì cái xứ này dừa nước nhiều vô số kể, bán ai thèm mua. Thậm chí trên các đoạn đường tôi đi qua, nhiều chỗ dừa nước mọc lên sát mép đường, trổ ra mấy quày to tướng, căng mọng, vậy mà cũng không ai thèm chặt ăn. Bán dừa nước xứ này chẳng khác nào lên rừng bán củi. Như đọc được ý nghĩ của tôi, bà cụ bảo, đúng là xứ này ít ai ăn dừa nước, nhưng bà chặt được bao nhiêu quày là bán hết bấy nhiêu. Người ta mua dừa nước của bà chẳng qua là muốn bà có chút đỉnh tiền đong gạo ăn. Xóm chòm ai cũng biết cảnh neo đơn của bà, lại thấy bà cao tuổi khó làm việc gì được, mà cho tiền thì bà ngại bà không nhận, nên họ cứ giả bộ mua dừa nước để giúp. Bà cụ biết, nhưng nghĩ mình cũng còn đi chặt dừa bán được vậy thì coi như có thể nhận chút thơm thảo của xóm giềng, thôi thì cứ vui vẻ mà sống. Nói xong bà lại cười, nụ cười hiền từ như đất.
Bà kể, bà đã gắn bó với bờ sông Gành Hào này gần trọn một đời rồi, nghèo khó thì cũng thấy nhiều trường hợp, nhưng chẳng ai bị bỏ rơi. Từ xưa đến giờ vẫn vậy, những nhà dư dả một chút thì san sẻ cho nhà túng thiếu, tối lửa tắt đèn có nhau. Cái tập quán này đã có từ thời mở đất, khi ông cha của bà mới chân ướt chân ráo đến cái xứ này, “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”, họ phải tương trợ nhau mà sống, rồi khai hoang mở đất. Ban ngày thì đi phác cỏ, chặt rừng, bắn chim, đâm cá; ban đêm mọi người quần tụ lại, để nương trợ nhau, chống lại thú dữ, phòng ngừa thổ phỉ. Cứ thế ngày qua ngày, giọt mồ hôi con người đổ tới đâu thì đất đai bật mầm trỗi dậy đến đó. Lưu dân nơi đây dần không còn những nỗi lo sợ cố hữu đêm đêm phải quây quần bên nhau nữa, nhưng lối sống cố kết, trọng tình, hào hiệp trượng nghĩa đã ăn vào máu thịt, đến tận bây giờ cũng chưa thể nhạt phai. Giọng bà lúc trầm lúc bổng, lúc rộn vui lúc khắc khoải. Gương mặt bà đậm dấu thời gian, phẳng lặng như cánh rừng tràm.
Bà nói, ngày xưa gặp ông cũng trên con sông Gành Hào, khi bà chèo xuồng lên miệt Cà Mau bán mớ cá mớ tôm, sẵn mua gạo mua dầu về dùng. Chèo đến khúc sông gần xóm Bồn Bồn thì thấy có người con trai ra đổ đáy, bà mắc cỡ định chèo nhanh nhưng bị mấy câu hò níu lại. Rằng:
Hò ơ ớ ơ…
Gió năm non thổi lòn hang chuột
Tui thấy cô Ba chèo xuồng ơ ơ
Tui thấy cô Ba chèo xuồng, đứt ruột đứt gan ơ ơ…
Bà đáp lại:
Hò ơ ớ ơ…
Ghế mất một chân gọi là ghế gẫy
Người lạc tâm hồn bạn hỡi gọi sao?
Ngẩng đầu ngắm những vì sao
Cái lu cái tỏ ơ ơ
Cái lu cái tỏ, cái nao riêng mình ơ ơ…
Cứ nghĩ hò chơi như vậy, ai ngờ bận về ông đã đợi bà sẵn, lại một phen hò đối đáp nữa rồi phải lòng nhau. Bà kể điềm nhiên, nhưng tự tay lật lại từng trang đời khoan nhặt. Ngoài trời mưa vẫn rả rít, như điểm tô thêm những cung bậc cho hồi ức của bà. Tôi ngồi nghe, lòng nghĩ về một cõi xa xăm nào đó, khi những lưu dân xiêu tán muôn nơi liều mình dấn thân đến chốn này, rồi biến chốn hoang địa đầy cỏ cây lau lách thành một vùng đất sống. Những con người ấy vừa gan góc bặm trợm, “nhất phá sơn lâm nhì đâm Hà Bá”, nhưng bên trong họ là một tâm hồn tài tử. Có như vậy, họ mới trụ nổi ở cái đất này. Tôi nhớ lần nọ ghé nhà ông cụ ở Miệt Thứ, ông bảo xứ này là xứ “mười một tầng địa ngục” đó, biết chưa? Rồi ông giải thích, từ Thứ Nhứt dài xuống dưới Thứ Mười Một quê ông, cái buồn nó cứ đậm đặc dần lên, như đi từ tầng địa ngục thứ nhất đến tầng địa ngục thứ mười một vậy đó. Ban ngày còn đỡ, chớ trời vừa sập tối là tiếng muỗi quyện với tiếng côn trùng nghe não nuột. Đã vậy, lâu lâu có một con vạc sành đơn độc đi ăn, đánh rơi mấy tiếng kêu sương vào mênh mông đêm tối, khiến cơn buồn thấu tận tâm can. Mấy ngày tôi ở chơi nhà ông, cảm nhận sâu sắc cái buồn của cái miệt “muỗi kêu như sáo thổi đỉa lội tợ bánh canh”, mới thấy cách ví von của ông là có cơ sở. Miệt Thứ đã buồn như vậy, mà đi sâu xuống hơn trăm cây số nữa mới tới Gành Hào, thì biết xứ Gành Hào buồn tới cỡ nào. Lao khổ lắm, người ta mới dạt trôi xuống tới đây, rồi bám đất sống mấy trăm năm qua. Xế chiều, cơn mưa ngớt hột, tôi từ giã bà để xuôi dòng Gành Hào đi về phía biển. Bà dặn, chừng nào đi ngang cứ ghé nhà bà chơi, để bà kể chuyện cho nghe. Tôi hứa với bà sẽ trở lại, để lại được nghe nhiều hơn nữa về cuộc đời bà, bởi cuộc đời bà chính là pho truyện tuyệt mỹ giữa chốn bưng biền này.
Giống nhiều con sông khác như sông Ông Đốc, sông Cái Lớn, sông Ba Thắc, đoạn gần giáp biển, sông Gành Hào cũng trôi chậm rãi chớ không chảy xiết. Cơ hồ như, con sông đã chuẩn bị sẵn cho cuộc hội ngộ cùng biển cả, nên khi gặp thì lặng lẽ hòa vào nhau, dịu dàng và đằm thắm. Nghe dân địa phương nói, cửa sông chỗ thị trấn Gành Hào trước đây đất lở nhiều, làm lộ lên những vỏ hàu lớn, vậy nên người ta gọi đó là “Gành Hàu”, rồi từ từ trại âm thành “Gành Hào” theo phương ngữ Nam Bộ. Hiện giờ, người ta đã cho xây những đê kè kiên cố để chống sạt lở, hàng ngàn khối bê tông với trọng lượng lên đến gần hai tấn mỗi khối được đặt sát bên ngoài đê kè, để ngăn sóng lớn tạt vào, những khối ngập trong nước vài năm đã bị hàu đóng kín. Kè chắn kiên cố như vậy, mà vào mùa gió chướng, sóng vẫn tung qua đê, đánh bật nhiều khối bê tông cốt thép bên dưới. Thế mới thấy, thiên nhiên dữ dội đến nhường nào. Cách tối ưu để sống ở nơi đây là vừa phải khắc chế thiên nhiên vừa phải tựa nương vào thiên nhiên. Phía trong đê biển Gành Hào, những tượng Mẹ Nam Hải cưỡi sóng hướng ra biển khơi và đền thờ Ngư Ông như minh chứng cho đức tin và sự kính sợ của con người trước biển cả. Có lẽ nhờ vậy mà ngư dân ở vùng Đông Hải này có thể bám biển sống bao đời nay.
Đêm đầu hạ, biển Gành Hào phẳng lặng như mặt hồ. Trăng trung tuần bàng bạc rải ánh sáng lung linh mặt nước, chiếu vào các đoàn tàu đang phăng phăng chạy ra khơi chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt. Xa xa, những trụ điện gió cũng đã lên đèn, kiên nhẫn những vòng quay đem năng lượng thắp sáng thị trấn. Mấy năm nay, ngoài thế mạnh về đánh bắt hải sản, nuôi tôm sú và cua biển, dân Bạc Liêu còn phát triển năng lượng sạch bằng hệ thống điện gió. Tương lai không xa, đây sẽ là điểm nhấn về kinh tế cho các tỉnh ven biển Tây Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Ý nghĩ ấy khiến lòng tôi rộn vui, và cứ thế mà thao thức mãi với Gành Hào vẫn không thấy chán. Chỉ tiếc là, thời gian ở Gành Hào, tôi chẳng được nghe ai hát điệu Hoài lang, chỉ thấy vầng trăng tròn của người năm cũ. Chợt những câu hát của Vũ Đức Sao Biển như văng vẳng bên tai: “Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng ai? Ngày ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương, giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng.” Hỡi ơi trăng muôn đời vẫn độ lượng viên mãn với thế gian, chỉ có kiếp người là hữu hạn, làm sao không dang dở những hẹn hò?
Buổi rời Gành Hào, có một người đàn ông trung niên đứng ở ngã ba đường xin quá giang xe tôi. Anh nói đi làm cho một xí nghiệp sản xuất tôm giống cách thị trấn bảy cây số. Tôi hỏi ngày thường anh đi làm bằng cách nào, tự chạy xe hay đi xe ôm. Anh nói trước đây tự chạy xe, nhưng cỡ hai năm trở lại đây anh đưa xe cho con trai anh đi học trên Sài Gòn, mỗi ngày đều đứng chờ xe quá giang như vậy. Dưới này ít xe ôm lắm, hầu như đi gần gần thì người ta cứ đón xe nào trống rồi quá giang vậy thôi. Tôi chợt nhớ, cái từ Hán Việt “quá giang” vốn dĩ có nghĩa là “vượt qua sông”, dần dần được dùng với nghĩa “đi nhờ xuồng ghe ngang qua sông hoặc đi nhờ một khúc sông”, đến nay thì người ta có đi nhờ ghe xuồng xe cộ gì, cũng dùng từ quá giang hết. Đang nghĩ đến sự thú vị về chữ nghĩa thì anh bắt đầu kể về đứa con trai của anh đang học Sư phạm trên Sài Gòn. Anh nói, hồi mười lăm mười sáu tuổi mấy đứa trong xóm rủ nó nghỉ học đi biển, nhưng nó suy nghĩ rồi quyết định học cho tới nơi tới chốn. Nó muốn học để làm thầy giáo, để dạy cho mấy đứa nhỏ ở xóm này. Thấy con trai ham học, anh cũng chiều ý con. Bây giờ anh làm ở xí nghiệp tôm giống mỗi ngày được ba trăm ngàn, vợ anh làm con ruốc mướn cho người mỗi ngày cũng được gần hai trăm ngàn nữa, nhín nhút chút đỉnh là lo cho con trai ăn học khỏe re. Đời mình không biết chữ, cực khổ nhiều rồi, đến đời con mình nó chịu học mừng lắm chú ơi. Anh kể cho tôi nghe tự nhiên lắm, cứ như đã quen biết tôi từ lâu rồi. Đó cũng là cái chất của dân miệt này, “tứ hải giai huynh đệ”, gặp nhau là cứ “tình thương mến thương” như thế. Cũng dáng vẻ rắn rỏi như cây tràm, cây đước, nhưng người đàn ông này lại có góc nhìn khác hơn anh Tư Đặng mà tôi gặp ở Chòi Mòi. Thế mới thấy, từ trong bưng trong lung ra tới thị trấn, cái cách nghĩ của bà con cũng ít nhiều khác biệt.
Anh biết tôi từ nơi xa tới, nên khi dừng xe rồi anh vẫn chưa chịu vô chỗ làm ngay, mà níu tôi lại dặn lần sau có xuống thì nhớ ghé nhà anh nhậu chơi, cứ vô thị trấn hỏi nhà Út Được là ai cũng biết. Cứ nhậu rồi ngủ ở nhà anh, khỏi mướn nhà trọ chi tốn tiền, ở nhà anh chơi mấy bữa cũng được cưng ơi. Tôi hiểu anh mời thiệt bụng chớ không phải khách sáo đãi bôi, nên cũng bắt tay anh một cái thật chặt rồi hứa chắc nịch là nhất định sẽ xuống. Tôi còn nghĩ bụng sẽ đem mồi xứ Bảy Núi quê tôi xuống nhậu với mồi miệt biển quê anh. Ngà ngà say tôi sẽ kể anh nghe chuyện ông cha tôi đánh nhau với rắn hổ mây, đấu trí với cọp Bảy Núi. Tôi sẽ nghe anh ca vọng cổ bên dòng Gành Hào, cho gió biển thổi mềm những điệu “xề u xế u liêu phạng”. Nhưng có lẽ tôi sẽ không xuống liền, mà phải ba bốn năm nữa. Đường xa tôi không quãng, nhưng tôi muốn đến Gành Hào lúc con trai anh Út đã trở thành thầy giáo xứ này. Khi ấy, chắc anh sẽ vui và tự hào lắm. Cứ nghĩ cậu sinh viên kia rồi đây sẽ chững chạc đứng trên bục giảng, truyền dạy tri thức cho lớp trẻ ở thị trấn heo hút này, thật ý nghĩa biết bao. Cậu giống như mấy cột điện gió ngoài khơi xa, kiên trì góp nhặt năng lượng tích cực về thắp sáng xứ bưng biền. Ánh sáng ấy rồi sẽ về tới vùng Lung Lá, Lung Rong, Lung Sình, nơi những đứa trẻ với đôi chân bám đầy đất và đôi mắt trong veo đang đợi. Chẳng bao lâu nữa, ánh sáng sẽ phủ khắp phương này, chẳng còn nơi nào tối tăm lạc hậu nữa. Tôi tin như vậy.
Nhà văn Trương Chí Hùng
CUỐI DÒNG SÔNG HẬU
Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở Long Bình huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng. Dòng chính chảy hướng Đông – Nam, gọi là sông Bassac, hay sông Bát-Sắc, Ba-Thắc. Dòng phụ chảy theo hướng Tây – Nam, gọi là sông Bình Di, men theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, ôm gần một nửa cù lao tả ngạn. Những tưởng cuộc chia ly giữa hai nhánh sông chốn biên thùy sẽ không mong gì có ngày tái ngộ, ngờ đâu qua những gập ghềnh đục trong, chúng lại hợp lưu ở Châu Đốc, tạo nên vùng “giáp nước” tấp nập xuồng ghe, trên bến dưới thuyền.
Người xưa bảo, Châu Đốc là xứ sở “tiền tam giang, hậu thất lĩnh”, nghĩa là phía trước có ba dòng sông chảy qua, sau lưng có bảy ngọn núi án ngữ (Thất Sơn). Thế đất ấy, chỉ thịnh chớ khó suy. Hẳn vì thế mà từ đầu thế kỷ XIX, Triều Nguyễn đã chọn Châu Đốc để xây đồn đắp lũy. Không dừng lại ở đó, Gia Long còn hạ lệnh cho đào kênh Vĩnh Tế, nối liền giữa Châu Đốc với Hà Tiên, dài gần trăm cây số. Kênh Vĩnh Tế là công trình quân sự, như một phòng tuyến vững chắc ngăn bước ngoại ban ở vùng biên viễn Tây Nam Tổ quốc ta từ thời khẩn hoang lập ấp. Đó còn là công trình dân sự trọng yếu, dẫn nước ngọt từ sông Hậu tưới tắm khắp các cánh đồng nhiễm phèn nhiễm mặn từ miệt Xuân Tô đến Lạc Quới, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều, Giang Thành… Nước ngọt chảy đến đâu, hạt lúa bật mầm đến đó. Dân xiêu tán khắp tứ phương cũng lũ lượt kéo đến dọc bờ kênh cất lều dựng trại trồng trọt chăn nuôi, rồi bám trụ nơi đây từ đời này đến đời khác, như sự bén duyên giữa tình đất tình người.
Cũng như bao con sông hay kênh đào khác trên đất Việt, Vĩnh Tế vẫn gánh vác những trọng trách của lịch sử, góp phần trấn an bờ cõi, giữ từng tấc đất quê hương. Gươm chìm giáo gãy, con kênh lại trở về với vẻ đẹp hồn hậu vốn có, như cô gái quê miền Tây dịu dàng e ấp, ngày ngày chuyên chở phù sa bồi đắp ruộng đồng, và là chốn tựa nương của những kiếp thương hồ xuôi ngược. Đặc tính hiền hòa và bao dung của kênh Vĩnh Tế có lẽ được thừa hưởng từ sông Hậu.
Vốn dĩ, cái tên sông Hậu được đặt theo vị trí địa lý của dòng sông này. Bởi trong quá trình “mang gươm đi mở cõi”, ông cha ta từ miền Đồng Nai, Gia Định hướng về phía cực Nam sẽ bắt gặp hai con sông lớn cản bước trường chinh. Gặp trước, gọi là “sông Tiền”, gặp sau, gọi là “sông Hậu”. Nhưng từ “hậu” trong phương ngữ Nam Bộ còn có một nghĩa khác, chỉ đức tính hiền lành, bao dung; nó gần nghĩa với từ “nhân hậu”. Dân quê tôi còn gọi sông Hậu là sông Cái, nghĩa là con sông lớn. Từ “cái” cũng dễ khiến ta liên tưởng đến bậc mẫu thân, người đã cưu mang và chở che cho cuộc đời mỗi chúng ta, sẵn sàng gánh chịu những lỗi lầm nông nỗi của chúng ta, “con dại cái mang”. Ngay trong cách gọi tên, đã thấy trong tâm thức của lưu dân phương Nam, sông Hậu không phải là một thực thể vô tri. Sông có cốt cách, có tâm hồn, số phận.
Từ nhỏ, tôi luôn nghĩ, chắc sông Cái rất hiền nên bà con mới gọi là sông Hậu. Bởi vậy, trong một lần đi đò vượt sông, thấy người ta đặt bàn thờ nhỏ ở giữa đò rồi còn thắp nhang nghi ngút, tôi thắc mắc hỏi ba xem họ thờ cúng ai. Vì con sông này xưa tới giờ chỉ ban tặng phù sa, tôm cá cho dân lành chớ nào có làm hại ai đâu mà đến nỗi phải kính sợ. Ba tôi nói đó là bàn thờ Bà Thủy, một vị thần linh thiêng của sông nước. Tôi nhìn kỹ bàn thờ, chẳng thấy biểu tượng gì ngoài một tấm giấy đỏ dựng đứng trong khung kính mỏng, ghi mấy chữ Nho ngoằn nghoèo. Ba tôi giải thích thêm, là tất cả những người làm nghề gắn với sông nước, đều phải thờ cúng các vị Thủy thần. Ở miệt Cửu Long, thần cai quản sông nước cũng chia thành hai phía đối nghịch nhau. Thần chuyên phù trợ cho dân lành thì có Bà Cậu, Bà Thủy. Thần hay quấy phá, gây hiểm họa cho dân là Hà Bá. Người dân thì lúc nào cũng tâm niệm “có thờ có thiêng có kiêng có lành”, nên dù sống kiếp thương hồ hay làm nghề hạ bạc, họ cũng cúng bái, khẩn cầu các vị Thủy thần độ trì. Dưới lòng sông này là cả một thế giới bí ẩn siêu nhiên mà con người không bao giờ có thể chạm tới, ba tôi và dân quê tôi luôn tin như thế, dù mặt sông có đôi lúc phẳng lặng như mặt hồ.
Những lần có dịp đáp chuyến bay về Trà Nóc, nếu may mắn trời trong, tôi sẽ tranh thủ thu vào tầm mắt hình ảnh sông Hậu ẩn khuất trong mây. Cơ hồ con sông như dải lụa mềm mà các tiên nữ chốn Bồng Lai vô tình đánh rơi, vắt hờ hững trên cánh đồng bát ngát, đẹp tựa khúc hát giao duyên. Mùa khô, dải lụa nhuộm màu xanh ngọc điểm tô những khóm mây trắng rải rác. Mùa mưa, tấm lụa chuyển sang màu nâu xám, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng có thể phất phơ bay. Đó là vẻ bên ngoài của dòng sông, chớ tính nết của nó thì cũng không dễ gì thấu hiểu. Tôi nhớ, cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng ví dòng sông giống như tâm tính của một cô gái trẻ lúc đang yêu, có khi vui, có khi buồn, khi hờn ghen vô cớ. Đi dọc theo thủy trình sông Hậu, sẽ thấy có những khúc sông vui như hội, tiếng nước reo ca hòa với tiếng xuồng ghe bạn hàng bán buôn trên chợ nổi. Có những lúc, sông âm thầm chảy giữa đôi bờ hoang vắng. Buồn như bóng bần.
Bữa đi phà Trà Ếch từ Kế Sách, Sóc Trăng qua Cầu Kè, Trà Vinh, tôi mới thấm thía nỗi buồn của dòng sông. Trong màn mưa chiều mờ đục, những rặng dừa nước hai bên bờ rũ ra sông như chới với níu kéo cuộc phân ly. Con đò xập xình ướt sũng, chầm chậm lướt trên mặt sông trắng xóa. Những bóng người ngồi trong khoang đò như những pho tượng gỗ, mắt nhìn về phương vô định. Một bà lão quấn cái mền dày, đầu choàng khăn, nằm gối đầu lên chân đứa con gái đi cùng. Mắt bà khép hờ, hơi thở run run khó nhọc. Thỉnh thoảng, bà gượng mở mắt ra, di chuyển cái nhìn mệt mỏi về phía tôi, rồi hướng ra mũi đò, nơi con sông Hậu thản nhiên trôi. Con gái bà rưng rưng kể với mọi người là bệnh của bà nặng lắm, bác sĩ không chữa được, nằm ở bệnh viện hoài chịu không nổi nên bà đòi về. Nhà bà bên cồn Mỹ Phước, giữa dòng sông Hậu. Ở đó yên tĩnh lắm, chỉ có mấy nóc gia thôi, cây trái xanh ngát bốn mùa, đứng chỗ nào cũng thấy gió sông mát rượi. Ước nguyện của bà là được nằm lại trên cồn đất quê hương, nơi trăm năm trước ông cha của bà đã vượt sông đến đây lập nghiệp. Nằm nơi đây, bà sẽ được những bóng bần che mát, nghe gió thổi xạc xào mấy rặng dừa nước đầu bãi, nghe con sông Hậu trở giấc sớm chiều.
Mưa nặng hạt hơn. Tôi ngồi nhìn dòng sông, nghĩ về những bãi bồi, những cồn nổi mà nó đã tạo nên trong suốt hành trình. Có biết bao nhiêu người đang sống trên dòng sông hiền hòa này, để rồi luyến lưu từng hạt phù sa, xem như một phần máu thịt không thể thiếu. Khi về với đất, họ vẫn mong muốn được nằm bên cạnh dòng sông, cho con sông ngày đêm ru giấc thiên thu. Người đến rồi người lại ra đi, chỉ có dòng sông ngàn năm lặng lẽ chứng kiến bao biến cuộc.
Ba má tôi phải duyên nhau, theo con nước ngược về cắm sào bên bờ sông Hậu, dựng cái chòi nhỏ để có chỗ che nắng che mưa. Ba tôi giỏi nghề hạ bạc, lại rất siêng năng, má tôi cũng tháo vác nên cả hai bám vào con nước vẫn vun vén được cuộc sống, dựng xây “túp lều tranh hai quả tim vàng”. Mấy anh chị em tôi lần lượt ra đời, ăn con tôm con cá sông Hậu mà lớn lên. Hễ đứa nào biết bơi biết lội là ba cho theo xuồng giăng câu bủa lưới, ba dạy nghề hạ bạc. Dạy thấy cứng tay nghề là ba má sắm xuồng ghe câu lưới cho chúng tôi đi riêng.
Thuở trước cá sông Hậu còn nhiều lắm. Vào mùa nước giựt, giăng câu giăng lưới một đêm đầy xuồng cá là chuyện bình thường. Những người chất chà ven sông, mỗi lần dỡ chà được vài trăm ký cá, phải rọng trong ghe đục để hôm sau đem ra chợ bán. Cá nhiều đến mức đong bằng thúng, bằng bao, ăn không hết mần mắm mần khô để dành năm này qua năm khác. Lâu lâu, xóm tôi lại có người bắt được con cá hô hay cá tra dầu nặng cả trăm ký, xẻ thịt bán xong mua được mấy chỉ vàng. Tiếc là khi tôi lớn lên, những con cá khổng lồ trên sông Hậu đã ngày càng thưa vắng. Nghề hạ bạc cũng khó khăn hơn. Con sông không còn chuyên chở nổi những cuộc mưu sinh nên những người dân nghèo cũng dạt trôi tứ xứ.
Ba tôi ngồi nhìn mấy tay lưới, mẻ câu đóng bụi trong góc nhà, buông một tiếng thở dài não nuột. Ông lặng nhìn dòng sông, trong mắt chất chứa những nỗi niềm rưng rức. Trên sông bây giờ hiếm thấy xuồng ghe làm nghề câu lưới, thay vào đó là mấy chiếc ghe hút cát như mấy con mối sắt khổng lồ, đêm ngày gặm nhấm lòng sông. Phù sa sông Hậu cũng không còn bao nhiêu bởi những đập thủy điện phía thượng nguồn Mekong, như những nhát chém lạnh lùng, chặt nát con sông.
Ba tôi thường dạy, khi con người đối xử tệ bạc với thiên nhiên, thì chắc chắn thiên nhiên sẽ trả đũa lại bằng những đòn chí mạng. Lời dạy ấy đã được minh xác, khi sông Hậu nổi cơn thịnh nộ đạp phăng những mảng đất khổng lồ hai bên bờ, kéo theo nhà cửa cây cối trôi tuột vào lòng sông. Chứng kiến cảnh tượng đó, ba tôi rất sợ. Ông thắp nhang bàn thờ gia tiên, rồi đem rượu ra sông cúng. Gắn bó trọn đời với con sông hiền hòa, lần đầu tiên ba tôi thấy sự dữ dội của nó. Thật ra, sông Mekong cũng có những đoạn rất hung bạo, điển hình như ở tỉnh Champasack, biên giới phía Nam nước Lào. Dòng Mekong nơi đây tạo nên nhiều con thác. Ầm ào như thủy quái. Thác Sompamit là nơi cuối cùng trong thủy trình dòng Mekong trên đất nước Lào. Dòng nước dường như cuồng nộ không muốn rời xa một vùng đất lắm ân tình, gầm gào trước khi bị chế ngự rồi hòa vào các nhánh sông Sekong ở Stung Treng, xuôi về Campuchia. Theo tiếng Lào, Sompamit nghĩa là “ma/quỷ”. Người dân nơi đây cho biết, hầu như ai không may bị đuối nước chết trên dòng Mekong, xác của họ thường được tìm thấy ở thác nước này. Tên gọi của con thác có thể khiến nhiều người khiếp đảm, nhưng khi đứng ngắm dòng thác ta còn khiếp đảm hơn. Nước ầm ầm đổ xuống, va vào hàng trăm khối đá sừng sững, bọt tung trắng xóa mù mịt cả một góc trời. Thử nhắm mắt lại cảm nhận, có lúc tiếng thác trầm đục, lúc lại tru tréo lên như ngàn linh hồn hội tụ về tranh nhau uống cạn dòng Mekong. Gần đó còn có thác Khone Phapheng, chảy quanh miệng khối đá rộng hàng trăm mét, cao mấy chục mét. Có lẽ trong thủy trình ngang qua “đất nước triệu voi”, đoạn sông này dữ tợn nhất. Đến nỗi, thủy lưu của nó như hàng vạn thanh gươm, chặt nát địa hình vốn dĩ là núi non trùng điệp, là đá sỏi khô cằn ra thành hơn bốn ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Người Lào gọi khu vực này là “Si Phan Don” nghĩa là “bốn ngàn đảo”. Trong đó, Don Khong được xem là đảo lớn nhất, với chiều dài mười tám cây số, chỗ rộng nhất khoảng bảy cây số. Các đảo nhỏ thì nhiều, có những đảo nhỏ đến mức chỉ hiện diện trơ trọi một thân cây cổ thụ, xung quanh là dòng nước cuồn cuộn chảy. Cây vẫn đứng. Kiên định. Như sự xác tín của sức sống mãnh liệt.
Ở Si Phan Don hiện nay còn một đường ray xe lửa và mấy đầu máy hơi nước do Pháp bỏ lại. Thời chiếm Đông Dương, Pháp từng có tham vọng mở tuyến đường thủy từ biển Đông đi dọc lên thượng nguồn Mekong, chinh phạt các quốc gia ở lưu vực sông này. Chính các thác nước và những khối đá khổng lồ ở Nam Lào đã ngăn trở bước tiến thực dân. Thuyền bè của Pháp chỉ có thể đi hết lãnh thổ Campuchia, chớ không thể vượt sang Lào. Tuyến đường sắt được xây dựng để trung chuyển cũng bất thành, giờ nằm chỏng chơ cho rêu phủ.
Trên lãnh thổ nước ta, dòng Mekong đã được chế ngự bởi địa hình bằng phẳng. Ngay cả những mùa nước đổ, dòng chảy có nhanh hơn nhưng chẳng gây ra phương hại gì cho con người. Thế nhưng, việc khai thác cát quá mức đã tác động vào dòng sông, khiến cho nhiều vụ sạt lở đất liên tiếp xảy ra. Con sông Hậu vốn dĩ rất hiền hòa giờ lại trở thành nỗi lo sợ cho những lưu dân sống gần với nó. Quả thật là một trớ trêu.
Trong những giây phút cuối đời, ba tôi vẫn không quên tâm nguyện được đi hết thủy trình của sông Hậu, nhưng bất thành. Anh em chúng tôi chỉ có thể đưa ba ra bến sông, nhìn con nước để hồi ức về những tháng ngày xuôi ngược. Sau này, hễ có dịp là tôi lại đi dọc theo dòng sông Hậu, như một cách thực hiện di nguyện của người đã khuất. Tôi luôn tin rằng, ở một thế giới nào đó, ba tôi vẫn luôn dõi theo từng bước chân tôi. Vài lần, gặp xuồng câu lưới ở giữa dòng, tôi muốn kêu lên một tiếng thật to, như tôi vẫn thường kêu ba về ăn cơm thuở nhỏ. Nhưng dòng sông vẫn điềm nhiên còn tôi chẳng cất được thành lời, chỉ có tiếng gió xào xạc cùng sóng nước.
Càng về phía biển, sông Hậu chảy càng chậm. Dường như nó quá mệt mỏi vì đã trải qua một hành trình dài hơn bốn ngàn cây số lắm thác ghềnh. Nhiều lúc tôi nghĩ, dòng sông cũng không khác gì dòng đời của mỗi chúng ta. Những ngày thơ ấu và thanh xuân, chúng ta hăm hở, mạnh mẽ bao nhiêu, thì càng về cuối đời, tính cách mỗi người thường trầm lắng lại. Mỗi người già như một nhà minh triết, bởi họ dành phần lớn thời gian để chiêm nghiệm, nghĩ suy. Khi chảy ngang qua địa phận tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, con sông Hậu như cũng giấu vào lòng những nỗi niềm trắc ẩn. Sông lặng lẽ soi bóng những ngôi chùa Khmer cổ kính ẩn khuất giữa mấy rặng bần.
Có lần, cũng ở miệt này, tôi tình cờ bắt gặp các nhà sư đi khất thực bên bờ sông Hậu. Họ đi sát hàng dừa nước xanh non, màu áo cà sa vàng sậm rực lên giữa ánh nắng miền hạ. Hình ảnh ấy gợi trong tôi ký ức về các nhà sư Tây Tạng đi hành hương bên bờ sông Lan Thương, giữa những dải cờ ngũ sắc tung bay trong gió. Nó cũng khiến tôi gợi nhớ hình ảnh các nhà sư mà tôi từng gặp ở Wat Phou, một ngôi đền cổ thật tráng lệ ở Lào, bên bờ sông Mekong. Wat Phou là niềm tự hào của người Lào cũng giống như người Campuchia tự hào về Angkor Wat, Angkor Thom. Đó là minh chứng thuyết phục nhất cho cái đẹp còn tồn hiện chốn dương gian. Tôi chạm tay vào Wat Phou với niềm xúc cảm rưng rưng. Những thớ đá được chế tác tinh xảo đến mức cứ ngỡ như được làm từ bàn tay thần linh chứ không phải con người. Trong khuôn viên đền tháp, vài tượng thần đã gãy đổ. Một pho tượng nam thần ngồi tĩnh lặng, mất đầu. Bên cạnh là những vũ nữ uyển chuyển mê hoặc cùng điệu múa truyền thống. Những bức phù điêu bí ẩn như nụ cười của đức Phật. Tất cả xác lập nên một Wat Phou vừa như cõi thực vừa như hư ảo, mê đắm. Người Lào không thắc mắc nhiều vì sao có một Wat Phou ở nước họ. Họ lý giải rằng những người thợ xây dựng Angkor Wat cho Campuchia phần lớn xuất thân ở Lào. Khi ấy, có cuộc thi xây dựng đền tháp. Một nhóm thợ ở Lào xây Wat Phou, một nhóm khác đến Campuchia xây Angkor. Khi cuộc tỉ thí đang diễn ra hấp dẫn thì có người truyền tin rằng ở Campuchia có nhiều phụ nữ tham gia vào nhóm thợ, đông và vui lắm. Các nghệ nhân Lào nghe thế liền chạy sang tham gia cùng nhóm thợ Campuchia, vì họ ham vui, vì sức hút của nữ giới. Thế là nhân loại có được một Angkor Wat chỉnh thể tuyệt tác và một Wat Phou còn dang dở. Truyền thuyết ấy phản ánh khá đúng tính cách người Lào, vui tính, giản đơn, không thích ganh đua. Nó cũng cho thấy từ bao thăng trầm, nữ giới vẫn là động lực và là tác nhân mọi thứ, cả thành lẫn bại. Nhưng dù Wat Phou có thế nào thì đó vẫn là một tuyệt phẩm, “cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa”.
Tôi ngồi tựa lưng vào một phiến đá cổ, lặng ngắm Wat Phou chìm nhẹ vào đêm, khi tiếng chuông nâng hồn lên cùng gió núi chốn đại ngàn. Có một nhóm nhà sư đi vào Wat Phou theo một hàng dài. Những mảnh cà sa đỏ sậm rực lên rồi hòa với đêm, hòa cùng thâm nghiêm huyền tích Wat Phou. Bất giác tôi lãng du vào một cơn mộng ảo, được diện kiến hàng ngàn vị Phật từ khắp chốn bay về hội ngộ ở Wat Phou. Tôi chợt nhận ra rằng Phật ở phương nào cũng từ bi. Và Wat Phou, trong khoảng giao hòa nhật nguyệt bỗng như cõi thiên đàn.
Sông Mekong không được mệnh danh là “con sông Phật giáo”, nhưng từ khi khởi nguồn ở cao nguyên Thanh Tạng, Phật giáo đã mọc lên trên khắp lưu vực của nó. Ở Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và cả Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo thịnh hành bậc nhất. Dù Đại thừa hay Tiểu thừa, Nam tông hay Bắc tông, thì Phật giáo vẫn luôn hướng các tín đồ đến sự từ bi bác ái. Và Phật giáo đã góp phần điểm tô cho Mekong sự huyền bí mang đậm màu sắc tâm linh.
Trước đây, sông Hậu được cho là đổ ra biển Đông bằng ba cửa, Ba-Thắc, Định An và Trần Đề hay còn gọi là Tranh Đề. Thế nhưng, hiện nay cửa Ba-Thắc đã bị lấp do sự biến thiên của địa hình, kể cả những vị cao niên ở khu vực này cũng không còn xác định được vị trí của nó. Chỉ còn hai cửa Định An và Trần Đề ôm lấy Cù Lao Dung, như một lưỡi rìu chém về phía biển. Con phà An Thạnh vượt cửa biển Định An, đi từ huyện Duyên Hải (Trà Vinh) qua huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có tải trọng năm mươi tấn. Chiều hôm đó, khi bước xuống phà tôi cảm thấy nó vô cùng vững chãi, nhưng lúc ra giữa dòng tôi mới biết mình đã lầm. Sóng chồm lên từng đợt, nước tràn vào bên trong phà. Giữa mênh mông nước, tôi không thể xác định nổi đâu là ranh giới của dòng sông, đâu là biển cả, chỉ thấy những bóng cây xanh mờ xa. Gió rít lên từng cơn rồi mưa ào ào trút xuống. Chủ phà gào lên yêu cầu hành khách nhanh chóng mặc áo phao làm chúng tôi càng bất an hơn. Chỉ có ông lão lái phà là bình tĩnh, chậm rãi điều khiển nó nương theo từng đợt sóng, cập bến an toàn. Khi hành khách lần lượt lên bờ hết, ông mới ra phía trước mũi phà, đưa tay quẹt mấy giọt nước mưa còn đọng trên trán, rồi châm thuốc hút. Ánh mắt ông nhìn đăm đăm ra cửa biển, như thách thức từng cơn sóng dữ. Gương mặt chai sạm vì nắng gió với những nếp nhăn ngang dọc, bình thản một cách lạ thường. Phải chăng, trong cuộc tựa nương sinh tồn giữa con người và thiên nhiên, có lúc đôi bên cũng phải tỏ ra gan góc, bản lĩnh như vậy để chế ngự phía còn lại. Nhưng rồi, thiên nhiên và con người cũng đâu thể tách rời, lại phải quyện hòa lẫn nhau, tuy hai mà một.
Bỗng nhớ một sáng mùa xuân năm trước, nắng rất tươi và gió nhè nhẹ thổi, tôi cũng trên con phà vượt cửa biển Trần Đề. Có điều khi ấy, mặt sông vô cùng yên ả, chỉ vài đợt sóng gợn lăn tăn. Một người phụ nữ bồng con ra đứng trước phà, chỉ tay về phía bờ xa, rồi lại hướng mắt ra biển cả. Mấy chiếc tàu đánh cá đang di chuyển chầm chậm, chiếc nào cũng treo những lá cờ nhiều màu sắc, rung rinh trong nắng như đang cười với mùa xuân. Ánh mắt đứa bé hiếu kì dõi theo mọi sự chuyển động. Hẳn người mẹ trẻ muốn con mình thu vào tầm mắt bạt ngàn sóng nước, để mai này con nung nấu khát vọng vượt trùng dương. Và, dòng Hậu giang lại hân hoan nhận mặt bạn đồng hành, cùng viết lên những trang đời xuôi ngược.
Trong tâm thức, tôi chưa bao giờ nghĩ một con sông sẽ có điểm kết thúc. Nếu có, chẳng qua là do con người tự ý vẽ ra. Bởi dòng nước sông kia nếu hòa vào với biển thì đâu hẳn kết thúc hành trình, mà là bắt đầu cho một hành trình mới, bất tận.
Kiếp phù sinh của chúng ta, biết đâu cũng vậy.
TRƯƠNG CHÍ HÙNG
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: