Bút kí “Nơi góc trời biên giới” của Nguyễn Xuân Thủy

Bài số 3 trong chùm bút ký của nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Thuỷ, công tác tại TẠP CHÍ Văn nghệ Quân đội

Lên Mường Lát lần này, tôi quyết tâm vào bản Ón, nơi được mệnh danh là ngã ba biên giới của Thanh Hoá, khi nằm ở điểm địa đầu, sát Lào và tiếp giáp với Sơn la, Bản Ón là bản trẻ nhất, mới nhất, thuộc xã Tam Chung.

Con đường từ trung tâm xã Tam Chung lên bản Ón nằm trong dự án đường vành đai biên giới nên đang được triển khai xây dựng. Một phần đã được trải bê tông, còn lại, đúng như tôi được mô tả trước, quãng đường đất khó đi và lầy bụi vì đơn vị thi công xẻ núi san nền. Đang là tâm điểm của những ngày nắng nóng, xe chúng tôi chạy đến đâu bụi quẩn ngầu lên đến đấy. Trời lặng phắc nhưng chốc chốc một cơn gió lạc lại sà xuống bốc bụi đường giỡn chơi. Dù vậy, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Ón.

Ngồi xuống bên chiếc bàn inox kê ở hiên trụ sở Đội công tác liên ngành bản Ón, vừa đặt tay lên mặt bàn tôi vội rụt lại. Bỏng rát. Inox là cái giống chúa bắt nhiệt. Tôi lôi chiếc bình có thủ ít nước trà nóng trên đồn mang theo ra định uống, sờ lên lớp vỏ cách nhiệt tôi tưởng nó bị rò vì bên ngoài cũng bỏng giẫy. Mở ra thì nhiệt trong nhiệt ngoài đua nhau công thủ khiến bình trà bị om bốc mùi oi nồng không thể nào uống được. Có tiếng gà rừng le te gáy ngay đầu hồi nhà, bên bờ con suối cạn. Cảm giác đang ở vùng biên hiện hữu trong tôi rõ như sờ nắn được.

Ngày cuối tuần tại trụ sở Tổ công tác bản Ón chỉ còn lại Trung tá Trịnh Gia Ngọ và Thiếu tá Nguyễn Đình Cường. Bữa cơm trưa có thêm hai vị khách là tôi và phóng viên Quỳnh Thơm của Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh. Hai người nữa là Trưởng bản, Bí thư chi bộ Giàng A Chống và Bản đội trưởng Giàng A Chìa, hai anh vừa là nhân vật chúng tôi cần gặp, vừa trong vai trò khách mời. Trong bữa cơm Trung tá Ngọ nói về con đường đang làm, chính là con đường chúng tôi vừa chạy chiếc xe máy biển đỏ của Đồn Biên phòng Tam Chung vào có độ dài xấp xỉ hai mươi cây số: “Hắn mà không mưa thì dễ đi hơn, vì mưa thì bùn dính lắm. Nhưng cũng đừng nắng to quá. Nắng to quá thì như đi trong bụi. Bánh xe hắn nghiền đất nhuyễn như bột, đi sục trong bụi như đi trong nước ấy”. Anh Ngọ bảo, trước đây, khi chưa có đường phải đi mất gần một ngày mới tới. Năm 2012 con đường này mới được mở, vừa là đường vành đai biên giới vừa kết hợp đường hỗ trợ dân sinh. Trưởng bản Giàng A Chống cười nhăn nhở đế theo “là hỗ trợ dân đẻ đó”. Tất cả cười ồ trước sự hài hước của vị trưởng bản người Mông.

Trung tá Trịnh Gia Ngọc và anh Giàng A Chia tại cột mốc 270

Thực ra khi Đồn Tam Chung mới tách ra từ Đồn Tén Tằn thì đóng ngay tại vị trí Tổ công tác bây giờ theo phương châm đồn áp sát cột mốc. Ngày ấy tình hình đang nóng. Sau vụ Mường Nhé, các tuyến biên giới được siết chặt, địa bàn được tăng cường quản lí chặt chẽ, nhất là trước sự xuất hiện của những người lạ mặt. Khi tình hình yên hơn thì đồn rút ra ngoài, để lại Tổ công tác trong này.

Sau bữa trưa muộn và chương trình làm việc với đại diện tổ công tác cùng trưởng bản, chúng tôi thị sát bản Ón một vòng. Trung tá Trịnh Gia Ngọ dẫn chúng tôi rời trụ sở đội công tác chạy xe theo con đường gồ ghề vồng lên võng xuống quanh các sườn núi như trò chơi mạo hiểm. Mặt trời hằn học ném xuống những tia nắng cuối ngày. Mặt đất đáp trả bằng hơi nóng hừng hực bốc lên từ bụi đỏ. Khắp bản là một màu đỏ. Lạ thay nơi góc rừng xa khuất này mà lại như một đại công trường. Đồi núi như bị sục tung lên. Đào bên dương, đổ bên âm. Ta luy dương cao vời vợi đã đành, phần đổ sang bên âm đất đá cứ thả sức mà trôi lăn như lợn con, tút hút xuống tận lũng núi. Thế là cả vạt sườn núi được “thay áo mới”, tấm áo màu đỏ khé. Là đường đang mở. Là khu tái định cư đang làm. Không phải chê đâu, là khen đấy. Con đường mơ ước bao nhiêu năm của những người gắn bó với vùng đất này, mặc dù số người ấy nếu thống kê cũng chả nhiều nhặn gì, hơn một trăm nóc nhà và chòm chèm chục ông cán bộ cả quân đỏ, quân xanh, quân vàng. Quân đỏ là lính đỏ nơi Ban Chỉ huy Quân sự huyện vào đóng chốt, quân xanh là lính biên phòng tại chỗ, quân vàng là công an xã cắm bản. Tất cả hợp lại thành một Đội công tác liên ngành có trụ sở hẳn hoi đóng tại bản, là nơi chúng tôi đang lưu trú. Khu tái định cư thì là do một số hộ sau khảo sát, vị trí nhà nằm ở địa thế dễ sạt lở phải di dời. Nhà nước và nhân dân cùng dời. Vùng biên là thế, đồng bào dân tộc là thế, luôn nhận được sự quan tâm và ưu đãi đặc biệt. Mỗi hộ 50 triệu. Còn đâu dân lo. Cái sự sạt lở thì trời đất đã “khảo sát” hộ vài năm trước rồi. Đi bay cả nhà cửa, tài sản, vùi lấp chỉ trong một nốt nhạc. Sau mưa cả tuần, rừng núi ngậm õng nước, chỗ nào chân bám kém là cả mảng cả vạt rùng rụng tụt xuống, lìa đời. Đất mà tụt lở thì trâu bò còn bị cuốn theo mất hút chứ đừng nói người.

Vì sao cái bản cỏn con mà phải nhiêu khê diệu vợi thế? Bản nhỏ nhưng có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng. Bản nhỏ nhưng là bản ngã ba đắc địa. Không ở tầm ngã ba Đông Dương, nhưng là ngã ba giữa Thanh Hóa, Sơn La. Và đâu nữa? Đương nhiên rồi, bên kia là nước bạn Lào. Một con gà gáy ba địa giới thuộc ba tỉnh của hai quốc gia cùng nghe. Cái loại gà vừa chạy vừa bay ấy. Gà rừng ấy. Nơi này không thiếu. Ở cây bơ đầu nhà trụ sở Tổ công tác cũng buộc chân một con cho đậu trên cành làm cảnh, chính là con gà vừa gáy khi chúng tôi đến.

*

Bản Ón có 113 hộ dân thì 112 hộ thuộc diện nghèo, còn lại 1 hộ thuộc diện cận nghèo. Trước đây nhìn về tương lai xám xịt một màu mây biên tái, không có gì để mà hi vọng. Năm 2006, Đồn Biên phòng Tam Chung về đóng tại bản. Bộ đội và nhân dân cùng vào rừng chặt cây dựng một căn nhà gỗ bên suối làm đồn. Sau này vị trí được tôn cao lên và xây mới làm Trụ sở của Đội công tác, trong đó có Tổ công tác biên phòng. Những năm gần đây tình hình đã cải thiện ít nhiều. Bà con đã bắt đầu tìm tòi giống cây mới để trồng thay vì phá rừng làm rẫy. Một số hộ dân mang theo nghề trồng quế từ quê cũ, các tỉnh Yên Bái, Lào Cai sang trồng thử nghiệm. Con em người Mông lớn lên cũng đã tìm đường đầu quân về các khu công nghiệp, tìm đến các công ti tuyển dụng lao động làm công nhân. Đi làm xa nhà nhưng hai tháng lương là bằng cả vụ lúa của gia đình. Bản làng vì thế mà cũng có chỗ trông, cũng từng bước thay da đổi thịt, đã nhìn thấy le lói ánh sáng của tương lai. Năm 2020, Viettel dựng cột tiếp sóng, từ đó bản Ón mới có sóng di động, chứ trước đây thì bộ đội hay nhân dân cũng giống nhau ở chỗ đều đi hứng sóng. Là dò xem chỗ nào có lọt vào đôi ba đọt sóng thì đóng cọc cột điện thoại vào đúng chỗ đó để mà hứng sóng giữ liên lạc. Trước thì điện cũng chưa có. Từ khi có Đồn Biên phòng về thì ở trung tâm bản mới có điện. Chỗ ấy là Khóm Ón 2. Giờ thì Ón 3 cũng có điện rồi. Chỉ còn Ón 1 với 14 hộ dân là chưa có điện. Mọi thứ đã cải thiện nhiều. Có đường, có điện, có điện thoại, bản Ón như được kết nối với thế giới, trở thành một phần của xã hội hiện đại.

Bản Ón xa xôi nên hễ ai lên Mường Lát đều cố kiết tìm đến cho biết, cho đến tận cùng. Các đoàn từ thiện cũng vậy. Đận bão lũ bao nhiêu là đoàn đến. Đoàn nào cũng mì tôm, hàng trăm thùng chất đầy nhà. Có đoàn từ thiện mò mẫm được lên bản Ón thì chính họ chán ngán và mệt mỏi, không thể hiểu nổi tại sao đồng bào Mông lại chọn cái nơi cheo leo khỉ ho cò gáy này mà ở cho khổ cái thằng người ra. Trưởng đoàn từ thiện đã hỏi thẳng Trưởng bản Giàng A Chống: Tại sao các anh lại ở đây, sao không tìm chỗ nào thuận lợi hơn mà ở? Trưởng bản Chống kể lại và cười nhăn lợi bày tỏ sự đánh giá rất thấp cái tầm nhìn nông cạn của nhà từ thiện kia. Anh đã trả lời câu hỏi ấy bằng một câu hỏi lại: Tại sao các anh lại ở dưới xuôi làm gì, sao không lên đây mà ở? Cái ẩn ý “chúng tôi không ở đây thì lấy ai giữ biên cương, lấy ai bảo vệ cột mốc” ấy Trưởng bản Chống không thèm nói ra. Cột mốc 270 kia từ thời bố của Bản đội trưởng Giàng A Chìa đã chăm nom, bảo vệ, giờ thì đến lượt anh làm việc ấy. Ngày ngày đi nương đi rẫy, chăn thả trâu bò anh đều ghé qua thăm mốc, phát cỏ, vệ sinh, lau rửa để mốc luôn sạch sẽ và nghiêm ngắn. Những cột mốc khác cũng có những người dân khác làm như vậy. Thế nên, ở đâu, làm gì, đôi khi không chỉ là một sự lựa chọn duy lí trí.

“Đồn Tam Chung quản lí 4 cột mốc đều nằm ở bản Ón, các cột mốc khác thì tùy tình hình nhưng riêng cột mốc 270 nhất thiết anh chị phải lên”. Trung tá Ngọ bảo chúng tôi. Là vì nếu như xã Tam Chung là địa đầu của huyện Mường Lát và tỉnh Thanh Hóa thì bản Ón là địa đầu của xã Tam Chung. Còn cột mốc 270 lại là… địa đầu của bản Ón. Đó chính là cột mốc mà Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tiếp quản trên tuyến biên giới Việt – Lào, cũng là vị trí đánh dấu ranh giới giữa Thanh Hóa, Sơn La trên đường biên giới. Vậy là chúng tôi tiếp tục vượt quãng đường gần mười cây số lên mốc 270. Rất may là nhờ dự án đường vành đai biên giới mà đường đang được mở lên sát cột mốc, có thể đi xe máy thay vì leo bộ như trước đây. Đứng tại mốc 270 cho tôi một xúc cảm đặc biệt. Thấp thoáng sau những thân cây của rừng già là đỉnh núi Pha Luông bên đất Sơn La, ngọn núi đã đi vào thơ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến. Ở Tam Chung có thể nhìn thấy núi Pha Luông với những cự li khác nhau nhưng tại mốc 270 này là gần nhất và rõ nhất, như thể chỉ với tay là chạm đến.

*

Trung tá Ngọ lên Đồn Tam Chung từ tháng 7 năm 2016. Anh sinh năm 1972, quê Yên Trường, Yên Định. Lớn lên ở cái thời bộ đội đồng nghĩa với gian khổ, hi sinh, những người dân quê anh vẫn lưu truyền câu nói “một gạch hai sao không bằng một sào tăng sản” để so sánh giữa binh nghiệp và… nông nghiệp. Nhưng Trịnh Gia Ngọ nghĩ, đã làm con trai thì phải ra ngoài, chứ chỉ ở trong làng mình thì rất chán. Hoàn cảnh gia đình khó khăn không cho phép anh theo học những ngôi trường mơ ước, với khát vọng thoát ra khỏi lũy tre làng, anh nhập ngũ năm 1992, không ngờ lại có duyên gắn bó với môi trường quân đội. Sau khi đi học Trường nghiệp vụ biên phòng 1 anh về công tác tại đồn Hải Hòa, tuyến biển. Tiếp tục học lên trung cấp rồi lại về đồn Đa Lộc, cũng tuyến biển. Năm 2010, sau 18 năm quân ngũ và gắn bó với tuyến biển anh “chuyển vùng” lên biên giới, về đồn Trung Lý. Sau đó lại chuyển sang Pù Nhi rồi mới về Tam Chung.

Cán bộ chiến sỹ đồn Tam Chung giúp dân gặt lúa.

Những người lính già vùng biên luôn cho người ta cái cảm giác mỗi người như một bình rượu ủ các vị thuốc bắc lâu năm, khi phong kín thì lù khù cũ kĩ, nhưng khi mở nắp bình thì ngào ngạt, hương đằm nhẹ pha trộn ngũ thập vị, người tinh sẽ nhận ra đâu là vị kì tử, đâu là đỗ trọng, đâu ngũ gia bì… Một sự pha trộn, lắng đọng của những đắng ngọt dư âm cuộc đời. Kí ức trong anh Ngọ là những mùa mưa rét, trâu bò lăn ra chết vài con một lúc. Rồi những mùa mưa lũ, đường sạt đến sát vách taluy dương, chả còn gì. Hết mưa, cán bộ biên phòng đi vận động bà con xả núi thông đường, xả mãi mới mở được năm sáu chục phân, được lối nhỏ cho xe máy đi lọt. Lúc ách tắc giao thông, được như thế cũng là quý lắm rồi. Cái thuốc cái men, cái lương thực thực phẩm vào được đã là quý, chứ bị chia cắt hoàn toàn thì rất mệt. Cứ lúi húi đi học, về đơn vị vừa quen với công tác thì lại chuyển, lại đi học, lại về đơn vị mới, quay đi quay lại đã thấy mình quá tuổi lập gia đình tự lúc nào. Anh Ngọ bảo, cũng có lúc không bận quá nhưng kỉ luật quân đội, luôn luôn gắn với doanh trại, không phải muốn đi đâu thì đi nên cơ hội tìm hiểu cũng ít. Thế nên 35 tuổi anh mới cưới vợ, vợ anh là cô giáo người Hoằng Kim, Hoằng Hóa lên dạy học ở Yên Định quê anh. Cưới nhau xong chị ở nhà gác gôn, anh tiếp tục bôn ba hành tẩu, hết ra biển lại lên rừng.

Thiếu tá Nguyễn Đình Cường tuổi hồ sơ thì sinh năm 1975 nhưng tuổi thật lại 1973, thành ra cũng xêm xêm Trung tá Ngọ. Quê anh ở Thạch Bình, Thạch Thành. Cặp đôi Trịnh Gia Ngọ, Nguyễn Đình Cường là hai thái cực. Nếu như Trịnh Gia Ngọ thiên về bề nổi thì Nguyễn Đình Cường thiên về bề chìm. Nghĩa là ẩn dật nhiều hơn. Điều này do đặc thù chuyên môn. Anh Cường là nhân viên phòng chống ma túy và tội phạm, đi trinh sát, đi đánh án, đi nắm địa bàn nó cũng khác, lặng thầm hơn, ít khi để lộ danh tính. Anh Cường thì vốn là quân của Đồn Tén Tằn, sau khi đi học nghiệp vụ thì lại lộn xuống đồn biển, ở Sầm Sơn hai năm mới về lại rừng, ở đồn Pù Nhi. Cùng mô hình gia đình bộ đội – giáo viên như Trung tá Ngọ, vợ anh quê Hoằng Hóa nhưng sang dạy học ở Thạch Thành, anh quen trong một chuyến về phép. Cưới nhau xong, vợ ở quê mãi không được vào biên chế, anh đưa lên Mường Lát xin dạy học ở xã Nhi Sơn để vợ chồng được gần nhau. Nhưng vợ lên Nhi Sơn được vài năm thì anh lại “được” điều chuyển vào tút hút Đầm Dơi, Cà Mau. Thế là vợ cứ ở góc núi nơi Mường Lát dạy học nuôi con chờ chồng, con cứ đi học trên miền núi chờ bố. Ba năm sau, năm 2016, anh Cường mới quay lại đồn Pù Nhi thì đến năm 2018 mưa lũ khiến Mường Lát liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất, gây chết người. Người chết chẳng phải ai xa lạ, là chính Trưởng công an xã Nhi Sơn Thao Văn Súa, người hàng xóm nhà anh Cường trong căn nhà tạm mượn đất của địa phương. Hai anh em như ruột thịt, một bộ đội biên phòng, một công an xã, có việc ới cái là cùng đi, nay bỗng mất một người. Hôm ấy mưa lũ mãi không thôi, xã tổ chức sơ tán dân, anh Cường khi đó đang làm nhiệm vụ trong đơn vị đâu có về được, nên là cũng lo lắng cho vợ con, thi thoảng lại điện thoại cho người hàng xóm để nắm tình hình. Thao Văn Súa đang đi cứu trợ đồng bào, thông báo đã vào một ngôi nhà mắc kẹt cõng ra được mấy người, lần điện thoại sau thì anh Cường gọi thấy thuê bao không liên lạc được nữa. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành đã đúng. Khi mọi người đi tìm Thao Văn Súa chỉ thấy một vệt lở lớn nuốt trôi căn nhà với những đất đá ngổn ngang. Sau đó bộ đội và nhân dân tổ chức đào bới tìm thấy xác Súa bị vùi lấp cách đó cả trăm mét. Sự việc đó khiến vợ anh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lí. Cùng thời gian đó bố anh Cường ở Thạch Thành qua đời, ở nhà còn một mình mẹ anh không có người chăm sóc nên anh đành cho vợ con về lại quê ở với mẹ còn mình tiếp tục bám biên giới. Năm 2022, anh được tăng cường lên đồn Tam Chung và vào bản Ón nằm vùng.

Khắp một dải các bản của Pù Nhi đều đã in dấu chân anh Cường, những cái tên mà tôi phải hỏi đi hỏi lại để ghi cho chính xác thì với anh đã trở nên quen thuộc nằm lòng. Từ cầu treo Bản Lác mùa mưa lũ xe máy đi qua phải lồng đòn mà khiêng qua, vì dắt thì rất dễ bị trôi, đến các bản làng dọc theo dòng sông Mã của xã Trung Lý như Tà Coóng, Cánh Ján, Cánh Cộng, Bản Lìn, Co Cài, Pa Búa, Suối Hộc, Nà Ón, Sa Lao, Ma Hác, Suối Tung… thuộc bờ Tây Sông Mã anh Cường thuộc như lòng bàn tay. Đến nỗi giờ đây nhắc đến mỗi địa danh anh đều có thể kể hàng tá chuyện về nó. Bên bờ Đông Sông Mã thì từ Thủy điện Trung Sơn lên Bản Mau, Bản Kít, Bản Tài Chánh, Nang 1, Nang 2, Suối Khót, Si Lô, Chiềng Nưa, Cha Lan, Sài Khao… chẳng chỗ nào anh chưa tới. Ma túy ở đây không có án lớn. Vụ to nhất và gần nhất là bắt 14kg ma túy tổng hợp ở bản Sài Khao, xã Mường Lý dưới sự phối hợp của các lực lượng công an, biên phòng dịp tháng 5 năm 2023. Còn lại là lẻ tẻ người mua tàng trữ, sử dụng là chính. Ma túy buôn to bán lớn thì đem lại những phức tạp và nguy hại với xã hội nói chung, còn buôn bán nhỏ lẻ lại có nguy cơ tại chỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn. Thôi thì trăm phương ngàn kế tội phạm ma túy đối phó để qua mắt lực lượng biên phòng, từ rút phần xốp của ấm cách nhiệt ra thay vào bằng ma túy đến lấy ma túy làm nhân bọc đất ở ngoài, cho ma túy vào ống điếu, thậm chí tuồn ma túy vào bao cao su nhét trong hậu môn… chả chiêu thức nào các anh và đồng đội chưa gặp. Địa bàn giáp biên, không hút được thì người ta qua bên kia biên giới người ta hút xong rồi về. Ma túy vùng biên cũng rẻ, chỉ khi đem về xuôi nó mới trở nên đắt giá. Một túi hồng phiến 200 viên mua bên kia biên giới có triệu rưỡi, triệu sáu, mang về xuôi trót lọt thì có giá lên tới cả trăm triệu đồng, ai mà không ham. Hồng phiến xé ra bán lẻ thì ở bên kia biên giới cũng chỉ có tám nghìn, mười nghìn một viên thôi, với dân nghiện, sang bển làm vài viên rồi về nó cũng đơn giản. Bởi thế công tác phối hợp giữa ta và bạn phải luôn được làm tốt. Những chuyên án lớn, thì biên phòng tỉnh sẽ phối hợp với công an tổ chức triệt phá, còn lại lực lượng tại chỗ chủ yếu nắm địa bàn. Anh Cường vẫn nhớ lần cùng Thiếu tá Vi Văn Nhất, cán bộ thuộc phòng Phòng chống ma túy và tội phạm của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa sang Lào phối hợp công tác, sau khi làm việc phía bạn có mời uống bia Lào. Sau hôm ấy về Nhất đi đánh án ma túy tại đồn Bát Mọt, huyện Thường Xuân. Hai ngày sau anh nghe tin Thiếu tá Nhất hi sinh do bị tòng phạm của kẻ vận chuyển ma túy bắn lén. Đó cũng là kỉ niệm cuối cùng của anh với người đồng đội cùng mặt trận phòng chống tội phạm ma túy. Cũng từ ấy anh không bao giờ uống bia nữa, không phải vì ám ảnh mà là bị gout. Đến tuổi nào đó thì sức khoẻ con người ta sẽ suy giảm. Những người như anh Cường, anh Ngọ, với mấy chục năm tuổi quân, ngấp nghé tuổi nghỉ hưu cả rồi, mỡ máu, men gan, acid uric có cao cũng là dễ hiểu.

Sắp “bãi nhiệm” đời quân ngũ rồi nhưng thủa đầu đời của hai người lính nơi bản Ón vẫn như mới hôm qua. Anh Ngọ nhớ như in cái thuở mới lên đồn trên núi. Sau 18 năm ở đồn biển, khi chuyển lên rừng không khỏi bỡ ngỡ. Cái gọi là kinh nghiệm công tác rút ra ở biển lại không tra vào rừng được. Những buổi đi tuần tra kết hợp vận động quần chúng cứ là tính ngày tính tuần, đến bản nào ăn ở bản đó. Đồ ăn mang theo là lương khô và vài vật dụng. Cán bộ vận động quần chúng đi đến đâu phải bám vào dân, cùng ăn cùng ở cùng làm với dân. Đường đi từ bản Táo là trung tâm đồn đứng chân qua Nà Ón vào các bản xa xôi của xã Trung Lý như Tà Coóng, Cánh Ján, Cánh Cộng phải mất tới hai ngày đường. Trên đường đi, anh cứ thấy những người đàn ông phóng những chiếc xe Minsk khoác theo một búi dây thừng quấn chéo từ vai xuống. Nghĩ bụng chắc họ đi mua trâu bò. Đi một đoạn nữa thì thấy trâu bò chính là… chiếc xe Minsk đang được buộc bằng cuộn dây mang theo, người dắt kẻ kéo qua suối. Cầu thì chưa có, phi qua thì không xong vì vừa ngập nước vừa đá lổm ngổm. Dắt không thì sợ nước cuốn trôi mất xe. Thế là buộc dây vào xe người đẩy người kéo là thượng sách. Ngày ấy cán bộ biên phòng cũng phải xoay sở mua lấy chiếc xe mà đi lại, chỗ nào đi được xe thì đi cho đỡ sức người, chuyển sang đi bộ thì vứt xe đấy cả tháng cũng không mất, chỉ trừ cháy rừng lửa ăn mất hay lũ lụt nước lôi đi. Con Win tàu tàu hơn chục triệu, vay ngân hàng được có dăm triệu, còn lại tích cóp thêm từ tiền lương. Thế mà đường sá tệ quá, đi hư xe rồi tiền ngân hàng vẫn chưa trả hết.

*

Ban ngày nắng nóng là thế mà đêm xuống trời mát lạnh. Nếu như đồn Tam Chung nằm trong thung lũng bốn bề núi và được mệnh danh là chảo lửa hầm hập cả đêm lẫn ngày thì ở bản Ón nhiệt độ lại xuống thấp về đêm. Hình như những nơi góc núi cuối trời bao giờ cũng thế. Hai người đàn ông tuổi ngang nhau, anh “bề nổi” thì dẫn chúng tôi xuống bản, anh “bề chìm” ở nhà lo nấu nướng chuẩn bị cho bữa tối. Thành phần tham gia vẫn thế, gồm hai chủ, hai khách cùng hai cán bộ địa phương Giàng A Chống, Giàng A Chìa, nhưng chờ mãi Giàng A Chìa không thấy, Trung tá Ngọ quyết định khai mạc. Lại những câu chuyện về vùng biên như một thứ thức nhắm đặc sản với khách phương xa. Một lúc sau thì Giàng A Chìa báo về, bảo không xuống dự được vì phải tổ chức người đi chữa cháy rừng. Có một đám cháy nhỏ nhen lên từ chiều, giờ đây đã lan ra có nguy cơ bùng phát. Trung tá Ngọ đứng dậy chạy ra sân nhìn về phía có đám cháy phán đoán quy mô. Có vẻ như mọi thứ đã được kiểm soát nên anh khá bình thản. Có hơn mười người do Bản đội trưởng Giàng A Chìa dẫn đầu đi dập lửa. Trưởng bản Giàng A Chống ngồi một lúc nữa cũng xin phép ra về để lo cơm nước, hậu cần cho những người đi chữa cháy rừng về ăn.

Bữa tối tại Tổ công tác biên phòng kết thúc trong sự lửng lơ. Chúng tôi buông đũa ra khoảng sân nhỏ nhìn về phía đám rừng vừa bị cháy. Trong tâm trí hai người lính đầu bạc là kí ức về những mùa hè nắng cháy, những mùa mưa trắng trời. Anh Ngọ bảo, lo nhất trong mùa khô là cháy rừng. Đận 2015-2016 trời rét. Rét cắt da cắt thịt. Nhiệt độ xuống thấp đến nỗi núi rừng đóng tuyết. Từ đồn nhìn lên trắng xóa như cảnh châu Âu. Lính trẻ thì vừa xuýt xoa vì lạnh vừa trầm trồ vì lạ, vài cậu vác điện thoại ra seo phì ghi lại cảnh tượng hiếm hoi ở xứ nhiệt đới này. Lúc ấy thì chưa ai nghĩ đến cái hậu quả tai hại về sau cả, là bởi từ trước đến nay đã làm gì có tuyết bao giờ đâu mà biết. Rừng núi đóng tuyết thì đẹp, nhưng rừng núi “giã đông” xong thì cây nào sống nổi, búp chồi nào còn xanh. Những non tơ đầu cành sau đợt băng tuyết bị bỏng lạnh mà chết cả, những cành cây chết rét khô quắt lại, gẫy rục xuống gốc để cây mẹ tiếp tục tái sinh. Rừng Mường Lát năm ấy ngồn ngộn lớp thực bì dày khô coong. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những vụ cháy rừng dữ dội ở mùa khô năm sau. Bình thường cháy rừng đã vô cùng khó khăn trong tổ chức dập lửa về sức người sức của, giờ đây lại càng khó khăn hơn gấp bội. Khi lửa đã lên cơn cuồng nộ thì rừng tươi cũng thành mồi ngon của nó nói gì đến những vạt rừng béo bở ngập rác rều khô nỏ. Năm ấy các chiến sĩ biên phòng Mường Lát đã bao phen ngộp thở với rừng. Cháy rừng cũng là nỗi lo lắng lớn với các chiến sĩ biên phòng dọc tuyến biên giới vào mùa khô. Có khi cháy từ bên kia biên giới cháy sang. Lửa đùng đùng tấn công, sẵn sàng vượt biên chứ chẳng cần biết đâu là mốc giới. Khi anh Cường còn ở Pù Nhi, năm 2010 cháy rừng ở bản Đoàn Kết, thuộc xã Tén Tằn, đồn huy động hàng nghìn người cả bộ đội và nhân dân mà không dập được. Nhà trong bản thì toàn tranh tre nứa lá, lửa thì cứ rầm rầm tiến đến. Cuối cùng bộ đội và nhân dân phải phát đường băng cách li rừng với bản rồi đốt ngược trở lại để khi phía bên kia cháy đến nơi thì thần lửa sẽ buộc phải dừng lại không tiến vào bản được nữa. Việc chữa cháy rừng bằng cách… đốt rừng đã diễn ra, đã phải vận dụng trong tình huống như thế.

Nhưng theo đúc kết xếp loại của các cụ để lại hỏa vẫn chỉ xếp thứ nhì sau thủy. Cháy rừng cũng ám ảnh trước sự chết của những cái cây, còn lũ lụt lại ám ảnh kiểu khác, mạnh mẽ hơn, mãnh liệt hơn khi động đến sinh mệnh con người. “U là trời! Ông ấy bị nước cuốn ôm vào cái cây để trụ lại, khi gỡ ra vẫn nguyên tư thế, tay chân dang ra cứng đơ không cách gì nắn thu lại được. Thân hình thì nửa trắng nửa đen. Nửa trắng là nửa ngâm trong nước, nửa đen là nửa nhô lên phơi nắng. Người chết rồi vẫn bám chặt cây, lũ rút đến ngang người làm nửa thân mình dưới nước trắng nhởn, trương phềnh do nước dầm; nửa thân mình trên không đen thui, quắt lại do nắng dội”. Thế mà người lính trong đội vận động quần chúng cứ cầm khăn lau tỉa từng ngóc ngách trên cơ thể người chết. Nghĩa tử là nghĩa tận. Biết làm sao được. Đó là một lát cắt trong hồi tưởng của Trung tá Trịnh Gia Ngọ về người đàn ông bị chết trong lũ lụt khi anh ở đồn Pù Nhi.

“Cuộc sống ở đây đẹp chứ, có gì đâu mà không đẹp. Nó chỉ không đẹp như trong mơ thôi”. Trung tá Ngọ không hiểu có phải vì có tí men hay không bỗng trở nên triết lí. Anh lầm rầm nói với tôi mà cũng như nói với chính mình. Nhìn vào điệu bộ của anh thì tôi nghĩ là anh đang tỉnh táo, tỉnh táo trong một vẻ lim dim, ngẫm ngợi, như là phiêu du, như là suy nghiệm. Tôi nhìn thấy trong mắt anh có ánh lửa giội về. “Bảo là tự hào thì cũng có, mình được bảo vệ quê hương mình, được góp sức xây dựng quê mình, dù quê tôi không ở đây nhưng cũng là Thanh Hóa cả. Mỗi người là một hạt muối, mỗi người bỏ một chút muối vào thì nó mới mặn được chứ…”.

Chúng tôi đứng trên sân cùng nhìn về phía đám cháy rừng giờ đã lụi tàn, chỉ còn là những đốm lửa phập phù trong màn đen xa vời ẩn hiện. Anh Ngọ bảo, có năm đúng ngày truyền thống bộ đội biên phòng mùng 3 tháng 3 thì cháy rừng, cỗ làm xong bày ra đấy mà chả kịp liên hoan, anh em lên rừng hết, khi chữa cháy xong quay về thì đã qua ngày truyền thống của lực lượng mình. Tôi ngước lên bầu trời đêm và chợt nhận ra đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngắm bầu trời đầy sao. Những ngôi sao được nhìn rõ nhất, gợi suy tưởng về nó nhất không ở đâu hơn vùng biên giới. Trong vô vàn những ngôi sao kia, có ngôi sao xanh của người chiến sĩ biên phòng đang nhấp nháy như một con mắt thức. Tôi chợt nhớ đến câu hỏi mà nhà từ thiện kia đã hỏi Trưởng bản Giàng A Chống: Vì sao các anh lại ở đây? Tôi lại nghĩ, cũng câu hỏi này đem hỏi các chiến sĩ biên phòng thì câu trả lời của mỗi người sẽ thế nào. Nhưng tôi đã không hỏi Trung tá Trịnh Gia Ngọ và Thiếu tá Nguyễn Đình Cường câu hỏi ấy. Trên mặt đất luôn tồn tại vô vàn câu hỏi “vì sao” và trên bầu trời kia cũng có rất nhiều những vì tinh tú. Những câu hỏi từ cuộc sống đâu phải lúc nào cũng có thể trả lời. Vì sao các anh lại ở đây? Các anh không ở đồng bằng, không ở trên núi, đó không phải là những lựa chọn, nơi nào có đường biên giới nơi ấy sẽ có sự hiện diện của những người lính biên phòng, dù cho đó là nơi có địa thế bằng phẳng hay núi cao vực sâu, dù cho đó là sông dài khúc khuỷu hay biển sâu đảo xa. Chỉ có điều, hầu hết những nơi ấy là những nơi khó khăn gian khổ. Tuổi tác và những trải nghiệm đã biến ánh lửa thời tuổi trẻ trong mắt anh Ngọ, anh Cường thành những nụ than hồng. Đám cháy rừng đã ủ thành than như đôi mắt hai người lính vùng biên ải. Đêm mênh mang nơi góc trời biên giới, cảm giác bầu trời như trùng xuống, gần với mặt đất hơn. Giàng A Chống đã ra về. Vị trưởng bản của người Mông ấy đã lẫn vào đêm tối. Núi rừng cũng đã đi ngủ. Chỉ còn bóng hai người lính già thu lại như hai cột mốc không số, lầm lũi nơi góc trời biên giới.

                                                                                 Xứ Thanh tháng 5 năm 2023

                                                                                                   N.X.T