Xe đêm! Khoa nhìn qua cửa kính ra bên ngoài chỉ thấy đôi ánh đèn nhấp nháy sáng của những ngôi nhà bên kia đường, còn xe thì như đang trôi trên mặt nhựa mịn láng bóng trong tiếng máy êm êm rì rì rì. Lâu lắm rồi, Khoa mới lại đi xe đêm. Những năm gần đây, anh thường bay đêm cho những chuyến bay qua châu Mỹ, châu Úc vì công việc, còn xe, chỉ là những hành trình ngắn vào ban ngày.
Cái cuốc xe đêm này phát sinh sau bữa ăn tối có uống chút rượu nặng của nhóm đào Pi ở Phnom Penh. Chuyến đi có lẽ có cơ duyên từ bốn, năm năm trước, khi hội đào Pi hẹn nhau trên Viber: Khi nào, Pi lên sàn sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt ở Sài Gòn. Cái nhóm đào Pi ấy vào năm 2020 có khoảng 150 thành viên, rồi bỏ cuộc dần, rơi rụng dần theo thời gian đến năm 2025 chỉ còn lại đúng 25 thành viên còn bám trụ lại.
Ngày Pi mở mạng, nhóm gặp nhau ở Sài Gòn như lời hẹn ước. 25 thành viên, cuối cùng có mặt đúng 18 mống. Pi lên sàn, họ có thêm một chút tiền trong tài khoản, nhưng họ gặp nhau không phải để ăn mừng vì chút tiền đó, họ gặp nhau vì muốn được nhìn trực diện những gương mặt bạn bè đã chung thuỷ với lời hứa ban đầu của nhóm sẽ đào Pi đến cùng dù ai đó bỏ cuộc chơi, dù ai đó đã ngả, đã nghiêng… Lần đầu tiên họ chạm mặt nhau sau bốn, năm năm chỉ biết nhau qua những nickname trong câu lạc bộ: Anh Già, Soái Kình Lâm, Piter Di, Pi Thủ Chấn, Ve Chai, Tỷ Phú Mới, Tiger, Rickyz, Khoai Lang, Rồi Em Giàu, Kangaroo, Xuống Rồi Lên, Chiến Đến Cùng, Xanh Da Trời, Stone… Gặp và cười đến vỡ bụng: cái ông mang nick Anh Già hoá ra một ông sinh viên vắt mũi chưa sạch, mới tốt nghiệp đại học; còn nick Stone ngỡ là một cô gái xinh đẹp hoá ra một gã đàn ông xấu trai, để râu quai nón, trung tuổi… Cả nhóm thống nhất: quên tên thật đi, cứ theo nick mà gọi nhau cho ấn tượng. Sau hai ngày gặp mặt Sài Gòn, Pi Thủ Chấn mời mọi người qua nhà hàng của anh ở Sihanukville nơi có cát trắng, biển xanh như Vũng Tàu. “Em đã đầu tư ở đấy 9 năm, sang chơi, bác nào thích thì góp tay vào!” Cả nhóm nhất loạt đồng ý.
“Tại sao chúng ta không đi du lịch Campuchia cùng nhau một chuyến nhỉ?”- Trưởng nhóm Piter Di – một Việt kiều từ Mỹ về sau khi điểm danh thấy ngoại trừ Pi Thủ Chấn ra, 17 thành viên còn lại đều chưa một lần đặt chân qua nước láng giềng. Trong ngà ngà say vì ba chai Chivas 21, cả bọn đồng loại hét vang: “Đồng ý!”. Pi Thủ Chấn ra tay: một chiếc hyundai 45 chỗ ngồi được thuê, gọi luôn một hướng dẫn viên có kinh nghiệm để dẫn dắt nhóm trong thời gian một tuần ở Campuchia.
Họ qua cửa khẩu Mộc Bài vào sáng thứ hai. Sau hai ngày ở chơi với gia đình Pi Thủ Chấn ở Sihanukville, họ theo đường cao tốc về Phnom penh. Lại hai ngày tham quan Cung Điện Hoàng Gia, chùa Wet Phnom, Chùa Vàng, Chùa Bạc, chợ Phsar Thom Thmei… Ba giờ chán chê quần đảo trong casino Nagar World, họ kéo ra một nhà hàng gần đấy ăn tối, lên chương trình cho ngày mai, tranh cãi nên đi thăm cố đô Oudong hay Cao nguyên Bokor. Trong khi cả nhóm chia làm hai chưa thống nhất đi đâu thì Thanh – người hướng dẫn tour lên tiếng: “Sao các bác không đi Siem Reap ngó khu đền Angkor và tham quan làng nổi trên Biển Hồ nhỉ? Du lịch Campuchia đó là những địa danh các đoàn, đặc biệt là du khách Việt đều đến đầu tiên.”
“Phải đấy! Mấy bạn hàng hay khoe đến Biển Hồ ngắm bình minh rất tuyệt!”- Bà chị sồn sồn bán vải chợ Soái Kình Lâm, nickname Soái Kình Lâm, giọng ồm ồm như đàn ông lên tiếng.
Trưởng nhóm Piter Di vỗ tay:
“Vậy, chúng ta đi Siem Reap! Tôi cũng muốn biết cái đền Angkor mặt mũi thế nào!”
Cậu thanh niên trẻ nhất nhóm, nickname Anh Già cắm cúi bấm bấm điện thoại, ngước lên nhìn trưởng nhóm:
“Từ Phnom Penh đến Tonle Sap xe chạy mất 5 giờ. Tại sao, chúng ta không lên đường luôn đêm nay, đến đó vừa kịp ngắm bình minh trên Biển Hồ nhỉ?”
“Tonle Sap là đâu? Ngủ trên xe à?”
“Tonle Sap là tên dân Campuchia gọi Biển Hồ đó mà. Thì ngủ trên xe. Chán cái khách sạn Phnom Penh nhiều muỗi, nó cứ vo ve bên tai hai đêm qua rồi!”
“Ngủ trên xe cũng thú vị đấy các bác ạ. Em thì nhất trí ngay. Với lại, bác Stone đãi anh em bình trà Bắc ngon, lại uống vào cữ đêm thế này cũng chẳng còn ngủ được đâu!”
“Vậy, thì về khách sạn lấy đồ, lên đường thôi!”
*
“Nào, kiểm tra thắng lợi nhé. Chiều nay, đoàn mình có ai gom được tiền sòng Nagar World không?”- Thanh hướng dẫn viên gõ gõ micro, lên tiếng khi xe ra khỏi Phnom Penh.
“He… he… gom – Người ngồi trước Khoa, thành viên Nhân Gây Tê, từng làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy cười khùng khục – Con rắn nó gom thì có. Ai bị gom hôm qua giơ tay lên nào?”
“Em chẵn 200 đô!”
“Chẵn mười triệu tiền Việt!”
“Em gom đấy! – Bà sồn sồn Soái Kình Lâm mở cái loa thùng – Tại các ông tham. Nguyên tắc, sòng luôn thả cho khách mới ăn. Nó thả 200 đô. Em ăn xong đứng lên, bỏ đi ngay!”
Thanh lại gõ gõ micro: “Cô Soái Kình Lâm cao thủ. Khôn như cô không khi nào bị sòng ăn. Còn lại vô đấy để tham quan cho biết khi du khách tới Phnom Penh thôi, chứ các bác chơi trước sau nó cũng lột sạch túi …”
Khoa có thiện cảm với Thanh hướng dẫn viên của tour. Thanh tận tâm, vui tính, không có cái vẻ ma lanh như nhiều hướng dẫn viên tour Khoa từng gặp. Tối qua, khi xuống xe trước cổng Nagar có lẽ thấy vẻ ngờ nghệch và hiền lành của Khoa, nên Thanh đã kéo ra xa dặn: “Nếu em đã từng vào các sòng bài thì anh không nói. Còn chưa, chỉ nên nhìn họ chơi thôi. Đừng vì các card nó thưởng trước 10 đô, phải bỏ thêm 10 đô mà ham. Mất tiền đấy!”
Khoa thì hơi ngơ ngác, nhưng không lạ gì mấy cái sòng bài kiểu này, anh cũng đã gặp ở Hong Kong, Macao… Nên thường chỉ đi loanh quanh ngắm nghía chút rồi ra…
*
Bục… bục… bục…
Thanh lại gõ vào cái micro:
“Bà con mệt chưa? Nếu chưa em sẽ kể một câu chuyện tình liên quan đến Biển Hồ mà sáng mai mình sẽ đến tham quan nhé!”
Có mấy người lên tiếng ủng hộ: “Chuyện tình à? Hay đấy! Kể đi!”
“Nào! Mấy ngày đi cùng nhau, các bác đã thấy nhan sắc em. Giờ, các bác đoán xem em năm nay bao nhiêu xuân xanh?- Thay vì bắt đầu kể chuyện, Thanh lại gõ vào micro hỏi lớn.
“Ba mươi hai.”
“Bốn mươi ba.”
“Hai bảy thôi.”
“Ba lăm!”
“Hai bảy à? Ui gì mà em trẻ dữ! Năm nay đúng 39 rồi đấy! Em đã đưa khách đi Campuchia được 16 năm. Ngay khi ra trường em dẫn khách đi Siem Reap. Em hỏi vậy, để kể câu chuyện tình đã xảy ra từ 16 năm trước, khi em mới vào nghề, làm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch… Hồi đó, cũng như bây giờ, các tour du lịch đi Campuchia 4 ngày 3 đêm đều có một hành trình giống nhau. Ngày đầu tiên: Chạy thẳng từ Mộc Bài đến Siem Reap; ngày thứ hai: Tham quan đền Angkor; ngày thứ ba: Buổi sáng 5h30 lên xe, đi Biển Hồ ngắm bình minh. Sau khi tham quan Biển Hồ, về ăn sáng, trả phòng khách sạn, lên xe về Phnom Penh. Lần đó, cũng tour 4 ngày 3 đêm, đoàn khoảng ba chục người, đi chiếc ô tô 45 chỗ hãng Hyundai màu đỏ, giống như chiếc xe này. Trong đoàn có một cậu sinh viên năm thứ ba học kiến trúc. Một thanh niên rất thư sinh, dỏng cao, da trắng, đeo kính cận… Hiền lành. Mơ mộng. Nhìn rất bắt mắt. Các em gái mới lớn gặp cậu này là dính ngay…
Em chú ý cậu ấy, vì hôm họp đoàn, cậu ấy nói: Cậu chỉ qua Siem Reap để xem kiến trúc ngôi đền cổ, nên cho cậu qua luôn đền Angkor để lại đó khi nào đoàn ra về đón cậu được không? Em đã chấn chỉnh cậu ta: Ủa em không xem chương trình tour trước khi đăng ký mua à? Hành trình đến Siem reap thăm Angkor xong là thẳng tiến Phnom Penh, ai quay lại đón em được. Cậu ta ngớ ra, rồi lý nhí: Em tưởng, em tưởng…
Chúng em ghé Biển Hồ khoảng 6h15 như bao nhiêu lần khác. Trước khi ghé Biển Hồ khách góp tiền chung mua chục thùng mì tôm để làm quà từ thiện…
Khách lên tàu chạy ra Biển Hồ. Đến đấy sẽ cập vào một nhà hàng nổi, nơi đã hẹn bà con đến nhận quà. Khi bọn em đến nơi, có mấy con tàu chở các đoàn khách du lịch khác đến trước. Tàu chở đoàn em đành đậu bên ngoài, đi qua một thanh gỗ bập bềnh, bắc qua con thuyền nhỏ, vào nhà hàng nổi.
Dịp đó, có gió mạnh, đang tháng 8 nước ở Biển Hồ khá lớn và nước từ sông Mekong đang đổ về tạo nên dòng xoáy. Cậu sinh viên mang theo ba lô trên vai, vác hai thùng mì tôm, bước theo thanh gỗ gập ghềnh, loạng choạng ngã xuống nước. Đám khách du lịch, thấy cậu ấy ngã thì cười đùa trêu nhau, đùa với cậu ấy đang lóp ngóp dưới Biển Hồ. Mọi người tin cậu ấy biết bơi, sẽ bơi được vào nhà hàng… Nhưng một lúc, thấy cậu ấy giã như giã gạo, bị cuốn ra xa, thì mới hốt hoảng kêu cứu. Trên nhà hàng nổi chỉ toàn khách du lịch, đàn bà và trẻ con. Có hai khách du lịch và người lái tàu là đàn ông, khoẻ mạnh, biết bơi, cởi đồ nhảy xuống, lao về phía cậu sinh viên đang bị dòng xoáy cuốn, cái đầu cứ nhấp nha nhấp nhô như quả bưởi đen giữa dòng nước.
Lúc đó, có cô gái trẻ chèo thuyền chở theo bốn đứa em sàn sàn tuổi nhau, đen trùi trũi vừa lao đến… Cô gái này, em đã nhìn thấy lần trước khi đến Biển Hồ. Và em đã sững người trước một vẻ đẹp tự nhiên tươi tắn của cô thiếu nữ ấy. Cô gái có chiều cao như hoa hậu, mặt tươi như hoa, mà nụ cười thì luôn rạng rỡ. Cô gái thấy mọi người đang kêu cứu thì vứt cái dây neo thuyền cho một thanh niên trên tàu rồi nhảy ùm xuống nước bơi về phía cậu sinh viên. Cô gái bơi như một con rái cá. Vượt qua hai người đàn ông, lúc này cũng đã đuối sức, lướt nhanh như lướt ván… Nhưng, khi cô gái đến nơi, cậu sinh viên đã chìm hẳn, không còn thấy cái đầu cậu nhô lên trên mặt nước nữa.
Mọi người nín thở. Còn em thì tái mặt vì không chỉ lo cho cậu sinh viên, em lo cho số phận của mình nếu cậu sinh viên chết đuối thì đây là một vụ việc rất xấu cho đoàn. Em có thể sẽ bị kỷ luật và đuổi việc. Mọi người gần như tuyệt vọng, khi cô gái mấy lần lặn xuống rồi ngoi lên thở… Em còn chút tỉnh táo, quát người tài công nổ máy tàu chạy ra gần họ.
May mắn, khi tàu gần đến nơi, cô gái đã tóm được tóc cậu sinh viên, đang kéo cậu ta lên. Được mấy người trên tàu phụ giúp, cô gái kéo được Ngữ lên boong, dốc ngược cậu sinh viên đi mấy vòng. Từ trong miệng cậu sinh viên nước ộc ra. Nhưng xem chừng cậu ta đã ngưng thở.
Ngữ nằm như một xác chết trên boong, mắt nhắm nghiền, da tái nhợt. Em đưa tay lên mũi không thấy chút hơi thở nào. Mấy người đàn ông đứng đực ra nhìn không biết làm gì. Còn cô gái thì cởi hết áo Ngữ ra, xin mọi người chiếc áo hay khăn để lau khô người Ngữ. Cô gái trẻ tóc bết nước, bộ quần áo bằng vải đen dính chặt vào người, quỳ xuống bên cậu sinh viên, đặt hai tay chồng lên nhau ở vị trí ức, ấn mạnh nhịp nhàng. Cô gái tập trung vào việc cứu người, hầu như không chú ý gì đến xung quanh, không chú ý đến nhiều đôi mắt đàn ông đang dính vào khuôn ngực phập phồng của cô. Cứ sau khoảng 20-30 lần ép ngực, lại ngửa đầu cậu sinh viên ra, bịt mũi, áp môi vào môi cậu sinh viên thổi mạnh.
Cuối cùng, bất ngờ cậu sinh viên bật tiếng ho khan, nước trào ra từ miệng. “Ảnh sống rồi!”- cô gái trẻ kêu lên.
Ngay lúc đó, con tàu cũng cập bờ, xe cấp cứu em gọi đã đến chờ trên bờ mấy phút trước. Ba người đàn ông đưa cậu sinh viên lên xe. Cô gái gạt mồ hôi bám theo sau, khi thấy đã có bác sỹ trên xe cứu thương chăm sóc người đuối nước thì cô rời đi, quay xuống bến.
Ở bệnh viện, lúc cậu sinh viên đã hồi phục, em để lại một ít tiền rồi ra xe tiếp tục hành trình về Phnom Penh, hẹn sẽ liên hệ cho cậu ấy một xe du lịch khác để về Sài Gòn khi được xuất viện.
Cậu ấy không gọi lại cho em khi rời bệnh viện để bắt xe về, mà cậu ấy tìm vào làng nổi Biển Hồ gặp cảm ơn ân nhân cứu mạng. Tìm cô gái trẻ thì rất dễ, cứ theo tàu tham quan làng cá người Việt, chờ ở nhà nổi là thấy cô gái đó. Tên cô gái là Nhung. Ngày nào, cô ấy cũng chở bốn đứa em vô nhà nổi lấy quà từ thiện. Nhưng gặp để cảm ơn cô ấy thì rất khó vì Nhung luôn e lệ, luôn lẩn tránh khi Ngữ đến gần… Cuối cùng thì cậu sinh viên cũng gặp, cũng chuyện trò được với ân nhân. Qua ngày thứ ba, Ngữ đã mời được ân nhân lên bờ, ngồi trên thảm cỏ bờ hồ, mua hai que kem của người bán dạo cùng ăn.
Ngày thứ năm, sau vụ đuối nước, cậu sinh viên được Nhung cho phép tới thăm ngôi nhà của gia đình cô. Ngôi nhà là một chiếc ghe cũ rách nát, chứa đến ba thế hệ: ông nội, cha mẹ cô gái, cô và bảy đứa em. Gia đình họ không biết gì về Việt Nam, từ ông nội, đến cha mẹ Nhung chưa một lần về thăm quê hương vì nghèo quá. Họ còn không biết Sài Gòn nằm phía nào nếu đi từ Biển Hồ.
Cậu ấy trở về Sài Gòn vào lần em đưa khách chuyến sau đấy ghé Biển Hồ.
Cậu sinh viên yêu cô bé Nhung mất rồi, mà cô bé đó cũng yêu cậu…
“Gì mà không yêu chứ. Một cô gái xinh đẹp như vậy cứu mạng mình, mà đã hôn không biết bao nhiêu cái hôn da diết lên môi mình. Này Anh Già, nếu gặp ngài ngài có yêu không?”- Ông Tiger bất ngờ trêu thanh niên trẻ nhất nhóm.
Tiếng Anh Già nằm cuối xe vang lên rành rọt: “Sợ cái cô gái cứu mình xấu hoắc chứ đẹp như vầy thì phải yêu luôn để trả nợ cứu mạng chứ!”
Cả xe cười.
Thanh gõ gõ vào micro: bum…bum…
“Mà yêu là phải. Đắm đuối là phải. Cả hai còn trẻ. Ngữ là chàng trai cô gái nào thấy đã mê nên em Nhung sẽ mê thôi. Còn cậu sinh viên gặp được ân nhân cứu mạng đẹp, xinh xắn, quyến rũ …
Nhưng đó mới là vấn đề!…
*
“Phải một tuần sau, cậu sinh viên mới quay về theo chiếc xe em dẫn đoàn khách cuối tháng, khuôn mặt cậu hết sức rạng rỡ, hạnh phúc. Nhìn vào cậu ai cũng biết đó là một người đang yêu, đang ngập tràn hạnh phúc…
Từ đó, em thường gặp lại cậu ở Biển Hồ. Hồi đó xe cộ đi lại còn khó khăn, em thấy lo cho tài chính của cậu ấy, em mới bảo: Nếu đi Biển Hồ cứ qua đi theo xe tour bên công ty, em sẽ tìm cách bố trí cho cậu ấy đi nhờ như một hành khách đặc biệt. Mà, cậu ấy đúng là khách đặc biệt của công ty em chứ còn gì nữa. Nếu lần đó cậu ấy đuối nước, thì công ty du lịch bên em cũng tan hoang…
Cậu sinh viên đã mời được cô gái ra Siem Reap chơi, đi tham quan đền Angkor, đi xem biểu diễn múa Apsara. Cô gái trẻ ấy, cả đời chưa một lần đến thành phố Siem Reap dù nó chỉ cách Biển Hồ có 20 km. Rồi cậu ấy đã mời được người yêu qua thăm Việt Nam, qua thăm Sài Gòn. Chuyến đi ấy, khác gì một cô gái lần đầu về thăm nhà chồng nhỉ?
Cô gái nhận lời mời thì xuất hiện một vấn đề hết sức rắc rối: Cô gái không có giấy tờ tuỳ thân, cô chỉ có cái tên là Nhung, người ta quen gọi vậy thôi, 18 tuổi, không bất cứ giấy tờ nào: Giấy khai sinh không! Chứng minh thư không!”.
“Ô. Sao kỳ vậy! 18 tuổi, không có giấy tờ gì về thân nhân!” – Rickyz, anh chàng bay từ Anh về, từ khi lên xe im tiếng, nay bất ngờ kêu lên.
Pi Thủ Chấn tỏ ra am hiểu: “Các bác đây đều chưa một lần đến Biển Hồ nên sẽ ngạc nhiên. Em đã hai lần đến Biển Hồ, em biết. Đúng! Không có giấy tờ gì như cậu Thanh kể. Người Việt ở Nam Bộ theo sông Mekong vào Biển Hồ đánh cá từ hơn trăm năm trước. Họ sống thành làng nổi trên Biển Hồ, có hàng ngàn gia đình, mấy chục ngàn người. Họ không còn là người Việt, nhưng chính quyền Campuchia thì không coi họ là công dân Campuchia, không cấp cho họ bất cứ giấy tờ gì… Không có căn cước công dân nên nhà họ ở, thuyền đánh cá… cũng không có giấy tờ sở hữu luôn. Họ cứ sinh ra, kiếm sống trên Biển Hồ, rồi chết đi trên Biển Hồ, không tổ quốc, không quê hương. May, ông cha họ vẫn truyền lại cho họ tiếng nói, tiếng Việt. Họ nói tiếng Việt nên chúng ta biết họ có gốc gác là người Việt!”
“Đúng vậy! – Thanh hướng dẫn viên tiếp câu chuyện – Không chỉ một làng nổi, mà có nhiều làng nổi người Việt ở Biển Hồ. Vào năm em tới Biển Hồ hầu hết họ mù chữ. Cô gái trẻ xinh đẹp Nhung, tiếc thay, cũng mù chữ, cô ấy thậm chí không biết một chữ cái nào. Cô ấy ngoài kỹ năng bơi lội như một con rái cá, biết chèo thuyền, làm nội trợ… còn tất cả đều là một con số không. Cô ấy chưa bao giờ đi khỏi Biển Hồ, không biết gì ngoài Biển Hồ, chưa bao giờ xem phim, xem ca nhạc!…”
Bà Soái Kình Lâm lại mở cái loa thùng:
“Vậy, khổ cho cậu sinh viên rồi! Yêu đương thế nào đây: một đằng là trí thức, sinh viên kiến trúc, một đằng không biết chữ!”
“Khó rồi! Thương thật!”- Có tiếng nho nhỏ của em gái Xanh Da Trời.
“Rồi sao! Cô gái có thăm Sài Gòn được không!”
Thanh khẽ ho khục khục mấy tiếng:
“Không có giấy tuỳ thân, thì tất nhiên cô ấy làm sao có hộ chiếu. Người Campuchia muốn vào Việt Nam qua cửa khẩu biên giới phải có hộ chiếu. Dọc đường biên giới Campuchia – Việt Nam nhiều người đi buôn lậu họ vẫn đi chui qua được. Nhưng cậu sinh viên, cô gái kia thì không dám đi như vậy. Mà qua cửa khẩu, cô gái đâu có giấy tờ.
Thấy cậu ấy đau khổ, em mới tìm cách giúp, em thuyết phục ông tài xế và đành làm liều: Dấu cô gái trong xe, cho cô nằm ở ghế đuôi xe, phủ lên một cái nệm. Lần đó, may mắn hải quan kiểm tra xe chỉ đứng từ ngoài cửa nhìn vào (thường xe các đoàn du lịch đi qua cửa khẩu thường xuyên) khi kiểm tra, họ không quá kỹ. Cô gái qua cửa khẩu nhẹ nhàng.
Họ có ba ngày vui với nhau ở Sài Gòn. Cậu sinh viên đưa cô gái đi tham quan mấy chỗ, đi xem phim, và mua sắm cho cô gái vài bộ quần áo. Nhưng họ cũng gặp một số khó khăn do cô gái không có giấy tờ tuỳ thân. Khi cậu sinh viên đưa cô gái lên chỗ ở của mình ở ký túc xá, cậu bị bảo vệ chặn lại. Đêm đầu tiên, cậu ra thuê phòng nghỉ cho cô gái cũng bị từ chối. Họ đành ngồi với nhau ở ghế đá công viên suốt đêm. Hai đêm sau, họ ngủ ngay trước cửa rạp hát khi đã đóng cửa. Đêm thứ ba, suýt nữa, cậu sinh viên phải đánh nhau với mấy đứa du côn đến gây sự.
Cô gái rất vui vì lần đầu biết đến thành phố lớn sau Siem Reap, một thành phố sáng trưng ánh điện về đêm, những đường phố luôn tấp nập, người xe. Nhưng, chính trong chuyến du lịch này, cô nhận ra sự lạc lõng của cô với thế giới xung quanh: từ trang phục, đến nhận thức, học vấn. Đó là một thế giới xa lạ với cô, một cô gái không biết chữ, tất cả các bảng hiệu như thách đố, cô thấy sợ từ cái vé xem phim cầm trên tay đến cái hoá đơn nhà hàng…
Hôm đưa cô gái trở lại Campuchia. Phía cửa khẩu Việt Nam trót lọt theo cách cũ, nhưng ở cửa khẩu phía Campuchia lại gặp sự cố, nhân viên Hải Quan không đứng ở cửa xe nhìn vào kiểm tra mà bước vô xe. Em và lái xe đã tái mặt khi nhân viên này bước lên xe, đã nhảy theo để tìm cách chặn lại. Và, khi anh ta phát hiện ra cô gái, bọn em đã phải trình bày thực câu chuyện… Hết sức khó khăn, cuối cùng vụ việc được bỏ qua: với cam kết không bao giờ tái phạm. Bọn em bị phạt 2000 riel, nhân viên Hải quan này vẫn bắt cô gái chụp mấy tấm hình và điểm chỉ vào bản cam kết. “Chúng tôi lưu lại. Nếu còn gặp cô đi lậu qua Việt Nam, chúng tôi sẽ bắt tù!”
Câu nói của Hải Quan Campuchia với em thì bình thường, nhưng cô bé Nhung thì sợ đến tái mặt, cô gái run lên khi bị doạ bắt tù.
“Ôi. Có khác gì sự khốn khổ của Nàng tiên cá lên cạn để được nhảy cùng hoàng tử”[1] – Vẫn giọng Anh Già.
Thành kể tiếp:
“Một tuần sau, khi theo xe em về cậu sinh viên hớn hở khoe: Đêm qua, em ăn mừng sinh nhật Nhung 18 tuổi trên thuyền đấy! Mà em bị bất ngờ, cô ấy chèo thuyền ra giữa Biển Hồ, mang từ túi ra một cái bánh kem nhỏ xíu, cắm một cây nến: “Anh mừng sinh nhật 18 của em nhé! Lần đầu em tổ chức sinh nhật!”. Em đùa: “Nhung có biết ngày mình sinh đâu?”- “Không biết ngày, nhưng mẹ nhớ em sinh vào khoảng tháng 10, mùa nước lớn.”- “18 tuổi sao có một cây nến?” – “Thì em thấy họ cắm nến em làm theo, đâu biết phải cắm 18 cây. Cứ nghĩ em ít tiền em mua bánh nhỏ và cắm một cây nến là được!”
Hôm đó, Ngữ còn ghé tai em khoe: “Em hôn được cô ấy rồi đấy! Chỉ là một nụ hôn nhẹ phớt qua trên má thôi. Em đòi hôn thêm nữa vì cô ấy đã “tự tiện hôn” em mấy trăm cái. Nhung cười bảo em: “Vậy, bây giờ Nhung giả vờ bị đuối nước, anh cứu nhé, khi đó anh hôn em bao nhiêu cũng được!”. Nói vậy thì em chịu. Cô ấy đã tập bơi cho em, nhưng em chỉ bơi chó được khoảng chục mét!”.
Em đùa với ngữ: “ Sao mày ngu! Mày bơi kém không dám cứu Nhung, thì tại sao mày không đóng vai bị đuối nước để cô ấy cứu lần nữa. Khi đó lại sẽ được hôn cả trăm cái!”. Ngữ cười: “Ừ, Há… Em ngu thiệt!”.
Cậu ấy nhìn xa xăm vẻ mặt băn khoăn: “Hôm đó, Nhung tâm sự nhiều điều lạ lắm! Rằng ở Biển Hồ cô ấy biết tất cả: nhìn sao trên trời biết hướng đi, ngửi mùi nước biển biết nơi có cá hay không, nhìn màu nước biết sắp có dông hay bão tới… Nhưng lên bờ, cô ấy không biết gì cả. Vào thành phố luôn đi lộn đường, thấy cái cột đèn nhiều màu ở ngã tư, không biết màu nào được đi… Ở Biển Hồ, cô ấy chèo thuyền, lái tàu không thua ai, mà lên bờ cô ấy không biết đi xe đạp. Nhìn mấy đứa trẻ con chạy được xe đạp cô ấy phục lắm. Cô ấy cứ tự hỏi: sao có thể ngồi lên chiếc xe hai bánh mà chạy được!…”
Một tuần sau đó, em đưa đoàn ra Biển Hồ, từ xa thấy cậu sinh viên ngồi ủ rủ bên mép nước, nhìn ra Biển Hồ. Người tài công nói đã thấy cậu ấy ngồi vậy mấy ngày qua rồi. Khi em gặp, cậu khóc nấc lên: “Anh ơi! Nhung bỏ em rồi! Hoá ra cái lễ sinh nhật lại là cái lễ chia tay, cô ấy bỏ em đi!”- “Nói bậy, tao chỉ sợ mày cả thèm chóng chán rồi bỏ người ta. Tao chịu tội lây. Chứ cái Nhung đời nào nó bỏ một đứa tốt tính, đẹp trai như mày!”.
“Không. Cô ấy bỏ em rồi. Cả tuần nay, cô ấy không đưa mấy đứa em vào đây nhận quà từ thiện nữa. Em thuê ca nô chạy ra nhà, nhà Nhung không còn ở đấy!”.
“Bình tâm đi. Chắc nhà cô ấy có việc đi đâu đó thôi. Về Sài Gòn lo mà học đi. Tao sợ chú mày lại bị đúp vì vụ yêu đương này đấy. Tuần nào, tao cũng qua đây, khi nhà cô ấy quay về neo chỗ cũ, tao sẽ nhắn!” Em nói vậy để an ủi cậu ấy. Nhưng chẳng có tác dụng gì. Khi em rời đi cậu ấy vẫn ngồi đấy với bộ mặt ủ rủ… Tuần sau, khi em quay lại, thì không gặp cậu sinh viên nữa. Người bán hàng trên nhà nổi nói rằng cậu ta vừa mới rời đi sau hai ngày thuê tàu đi tìm cô gái mà không gặp. Mà Biển Hồ này mênh mông, ai muốn trốn nợ tiền bạc, nợ đời… chỉ cần đêm xuống kéo nhà đi nơi khác có ma mà tìm thấy.
“Cũng phải về thôi, cậu ấy sạch túi rồi. Phải gán luôn cái kính mát cho lái tàu vì không đủ tiền trả. Còn phải xin mấy gói mì tôm đoàn khách Việt Nam đến làm từ thiện để ăn! Tội quá!”- Người bán hàng khu nhà nổi giọng đầy thương cảm.
Vâng. Biển Hồ mênh mông, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, diện tích mặt nước đến những 16.000 km2 vào mùa mưa, bao phủ qua năm tỉnh Campuchia… Con người có thể biến mất vô tăm tích trong sự mênh mông này.
Mấy lần ghé Biển Hồ sau đấy, em không thấy cô gái xuất hiện và cũng không gặp lại cậu sinh viên nữa. Mối tình Biển Hồ đã kết thúc rồi sao. Nhưng suy nghĩ một chút, em lấy làm mừng, mừng cho cả hai, cho cô gái và cho cậu sinh viên vì họ đến với nhau thì khó quá.”
Khoa ngồi yên lặng. Hầu như mọi người đều yên lặng. Có tiếng nấc của chị Xanh Da Trời, rồi lời chị ấy lướt qua trong bóng đêm và tiếng xe rì rầm trên đường:
“Cô gái đã chủ động rời đi đấy các người ạ. Cô ấy rất yêu cậu sinh viên, yêu lắm. Tôi với trái tim của một người phụ nữ từng yêu tôi biết thế. Yêu lắm! Vì yêu mà cô ấy rời đi. Chính lần về Việt Nam, thăm Sài Gòn, làm cho cô ấy ý thức được điều đó. Cô ấy phải rời đi để người cô yêu học tập, tìm một người phù hợp với cuộc sống và sự nghiệp của cậu ấy!…”
“Em cũng nghĩ vậy – Lại giọng Anh Già – Cô ấy biết họ không thể sống bên nhau trong đời thực. Cô ấy phải nuôi mấy em nhỏ. Cô ấy chỉ có thể sống ở Biển Hồ. Cô ấy phải cùng cha mẹ, làm lụng, nuôi sống gia đình với sáu đứa em nhỏ! Còn người yêu cô không thể sống ở Biển Hồ, làm một ngư dân đánh cá được. Người yêu cô tương lai là một kiến trúc sư. Mà cả khi cô ấy bỏ Biển Hồ để đi theo tiếng gọi tình yêu, cô ấy đâu có thể về Sài Gòn được. Cô ấy không có bất cứ giấy tờ gì…”
“Buồn quá các cụ ạ. Cái cô xinh đẹp đó không nên cứu cái anh chàng sinh viên – Chị Soái Kình Lâm phát loa rổn rảng giữa đêm, nhưng giọng đã chùng đi nhiều vì xúc động – Trời nên cho cô ấy một dịp may là cứu một tay kha khá tuổi, giàu có như cụ Rickyz, Khoai Lang… nhà ta. Một người có tiền, khôn ngoan, quen biết nhiều mới có thể mang lại hạnh phúc cho cô ấy được. Có tiền để mua một miếng đất, xây một ngôi nhà, đưa cả gia đình cô gái ân nhân lên bờ. Khôn ngoan, có tiền sẽ lo được cho cô ấy, mấy đứa em cô ấy cái quốc tịch Việt Nam, hay Campuchia…”.
Thanh gõ vào micro: “Hơn 3h30 rồi ạ. Chỉ hơn hai giờ nữa, chúng ta đến Biển Hồ. Ngủ chút đi cả nhà!”.
*
Khoa không thể chợp mắt. Do mấy cốc trà uống hồi tối ư? Có một phần. Phần nữa vì câu chuyện Thanh hướng dẫn viên du lịch kể. Khoa thấy thương, thấy buồn cho cô bé Nhung, sắc nước hương trời. Khoa cũng nghĩ như Xanh Da Trời: Cô gái ấy bỏ đi là vì tình yêu, vì biết tình yêu đó không bao giờ thành được. Cô ấy đã hi sinh để mở lối thoát cho người mình yêu. Một người đàn ông ở tuổi 50, hiểu biết pháp luật, có nhiều mối quan hệ, cũng khá giàu như Khoa, nếu lâm vào tình huống như cậu sinh viên cũng không dễ tìm ra lối thoát. Chỉ việc làm cho cô gái ấy một cái căn cước công dân, … Khoa cũng đã bất lực… Khoa chưa đến Biển Hồ, nhưng anh đã đọc rất nhiều bài báo viết về thân phận người Việt sống ở Biển Hồ. Đến bây giờ, hầu hết họ đều không được cấp một giấy tờ tuỳ thân nào.
“Không ngủ được các vị ạ!”
Khoa nhận ra giọng của ông bác sỹ Nhân Gây Tê.
“Tại cái ông Stone đấy! Cả đời tôi có uống trà Bắc đâu, mà ông bày đặt mang theo pha mời anh em vào cuối bữa ăn tối chứ!”
“Tôi cũng không ngủ được! Chẳng phải do uống trà Bắc của bác Stone đâu! Tại câu chuyện tình của cậu sinh viên, tại cảnh ngộ của những người Việt ở Biển Hồ. Gì đâu thế kỷ 21 rồi, vẫn còn những con người như vậy: không giấy khai sinh, không quốc tịch, mù chữ… như ở thời nguyên thuỷ vậy hả!”
Lần đầu tiên, Khoa nghe cái ông ù lì như ông từ vào đền, có nickname Xuống Rồi Lên cất tiếng. Đúng là cóc mở miệng:
“Ông Thanh – hướng dẫn viên ngủ hay thức hử? Chắc ông cũng đang thức phải không? Đêm như đêm nay sao ngủ được chứ! Mà, câu chuyện ông kể cho chúng tôi vẫn chưa hết phải không?”
Thanh – hướng dẫn viên – lồm cồm bò dậy, dụi mắt, gõ gõ vào micro: “Hết mà cũng chưa hết! Nhưng cái kết buồn quá em không muốn kể. Hơn nữa, đêm, còn để thời gian cô bác, anh chị chợp mắt một chút…”
“Buồn cũng kể đi. Mọi người đều muốn nghe!” – Lại giọng nói như lệnh của bà Soái Kình Lâm.
“Thực ra, em thấy mừng cho cặp bạn trẻ. Mừng khi cô gái đã vì yêu mà bỏ đi. Vì rõ ràng họ không có cách nào để đến với nhau…
Thời gian sau đấy, có một hướng dẫn viên tuyến Singapore bị bệnh nghỉ, em chuyển qua thay. Em không đi Siem Reap nữa, cũng không liên hệ với cậu sinh viên…
Thanh để micro xuống, uống một ngụm nước, ngồi im lặng.
“Kể chuyện kiểu gì vậy! Kết thúc lãng nhách à!”- Ông Xuống Rồi Lên khó chịu.
“Thì câu chuyện nào chẳng kết thúc ông. Mà được như vậy là hay rồi. Cô gái ra đi để cậu sinh viên tiếp tục cuộc sống bình thường của mình…”
Thanh lại gõ vào micro:
“Câu chuyện đã không kết thúc như vậy. Anh nhân viên kia trở lại làm việc, công ty đưa em đi tiếp tuyến Siem Reap. Dẫn tour ngày đầu, vừa thấy em đưa khách vô Biển Hồ, mấy cô chú quen mặt ở đấy tự nhiên ôm mặt khóc… Hoá ra, cậu sinh viên Ngữ không bỏ cuộc. Cậu ấy quay về Việt Nam, nghỉ học, tìm việc kiếm tiền. Có được ít tiền, cậu lên Biển Hồ mua một con thuyền, tập chèo thuyền mấy ngày, rồi bơi ra Biển Hồ, tự mình chèo thuyền đi tìm nhà gia đình Nhung. Cậu ấy đi chục ngày, hết gạo ăn mới quay lại bờ, mua lương thực chất lên thuyền rồi đi tiếp. Cậu ấy bây giờ gầy, da rám nắng, không khác gì mấy người ngư dân…
Nhiều người khuyên cậu đừng đi tìm nữa nhưng cậu đâu có nghe…
Lâu lâu, mấy người ở nhà nổi lại gặp cậu sinh viên khi Ngữ quay về mua thêm gạo, thức ăn, tiếp tục cho cuộc tìm kiếm.
Da cậu không còn rám nắng, đã cháy đen, tóc khô cứng… Chỉ có hai tay do chèo thuyền nhiều trở nên gân guốc và đôi mắt vẫn sáng, quyết liệt.
Tháng chín năm đó Campuchia mưa lớn, nước từ lưu vực tràn xuống sông Mekong, dòng Mekong cuộn cuộn đổ vào Biển Hồ… Cậu sinh viên thiếu kinh nghiệm chèo thuyền đã bị dòng nước xoáy cuốn đi. Ngư dân thấy con thuyền lật úp, nhận ra thuyền của cậu sinh viên, nhưng họ không tìm thấy xác cậu ấy. Bà con nghe tin cậu ấy bị nạn đã khóc, rồi góp tiền thuê người tìm xác cậu. Tìm một tuần không thấy. Có lẽ xác cậu bị cuốn đi xa, rồi ít ngày sau chìm dần xuống đáy Biển Hồ.
Xoáy nước do sông Mekong đổ vào Biển Hồ vào mùa mưa rất khủng khiếp, dòng xoáy nước không chỉ trên bề mặt, mà cả dưới đáy Hồ. Những ngư dân nhiều tuổi có kinh nghiệm, đi thuyền lớn vẫn bị đắm, con thuyền ba lá của cậu sinh viên chỉ như một chiếc lá tre khi rơi vào dòng xoáy, bị cuốn trôi không có gì là lạ…
Cách đây mấy năm, người dân Biển Hồ hay kể với nhau về một câu chuyện ma…
Các đoàn khách đến Biển Hồ ngắm hoàng hôn, đôi khi vẫn bắt gặp trong ánh chiều sắp tàn, một thanh niên cao dong dỏng với con thuyền lá bơi trước họ. Người lái tàu cố tăng ga, chạy hết tốc lực vẫn không sao đuổi kịp con thuyền lá. Con thuyền nhỏ bé với người thanh niên vẫn ở trước mũi tàu của họ… Người ta nói, hồn ma cậu thanh nhiên ấy đang tiếp tục cuộc tìm kiếm người yêu…
Cả xe lặng đi khi Thanh – hướng dẫn viên đặt micro xuống.
Có tiếng ai đó nấc, tiếng cô Xanh Da Trời: “Này, Anh Già, đừng bày đặt khóc, làm tôi khóc theo nhé!”
Khoa thấy mình đã khóc lúc nào không biết. Lâu lắm rồi Khoa mới khóc. Ông bác sỹ Nhân Gây Tê ngồi hàng ghế trên, quay xuống, giật giật cánh tay khoa:
“Cũng có thể, cậu sinh viên ấy không chết. Em ấy đã tìm thấy Nhung, đôi tình nhân đã bỏ lại chiếc thuyền lá, đi cùng nhau. Biết đâu, bây giờ, họ vẫn đang sống hạnh phúc bên nhau nơi nào đó giữa Biển Hồ mênh mông này!”
*
Xe đến Biển Hồ đúng 5h30 sáng. Mặt trời đang ló dạng cuối chân trời. Mọi người lặng im, chầm chậm theo nhau xuống tàu để ra khu nhà nổi.
Khoa chỉ thấy mặt nước lấp lánh dưới ánh bình minh, không thấy bến bờ đâu. Biển Hồ mênh mông. Mênh mông hơn nhiều trong trí tưởng tượng của Khoa lúc nghe Thanh nói về nó. Sao có thể tìm một con người bé nhỏ như cô gái Nhung giữa biển nước này chứ!
Khoa cố gạt những giọt nước mắt đang rơi.
“Nghe cái nick Kangaroo em tưởng anh ở bên Úc chứ. Hoá ra, anh ở Sài Gòn à?”
Khoa quay lại, cậu thanh niên Anh Già đứng bên cạnh mũi tàu từ lúc nào, cũng đang đưa mắt nhìn ra Biển Hồ.
“Ừ, anh ở Sài Gòn! Ông già anh dân Sài Gòn gốc. Thấy ảnh đại diện của em với cái nick Anh Già ngỡ em lớn tuổi lắm. Không ngờ… Mà em đang đi học, hay đi làm rồi?”
“Dạ. Em vừa tốt nghiệp khoa công nghệ. Đang tìm việc ạ!”
“Ồ. Đừng dại qua Cam “việc nhẹ lương cao” nhé!
“Dạ anh! Hôm mình đi qua cửa khẩu Mộc Bài, bên tay trái mấy toàn nhà cao cao là khu Tam Thái Tử đấy anh ạ. Trong đấy là đại bản doanh của các ông chủ Trung Quốc lừa đảo. Em nghe nói mấy hôm trước, một thanh niên tuyệt vọng đã lao ra cửa sổ nhảy xuống tự tử…”
“Ừ! Đau đớn thật! Anh có đọc tin ấy trên báo…”
Đặng Chương Ngạn
Biển Hồ, tháng 2 năm 2025.
[1] Truyện cổ tích nổi tiếng: Nàng tiên cá của Hans Christian Andersen.
Bài viết liên quan: