BÊN BỜ HỒ

1.

Nhu lái xe thật chậm dò đường. Anh đến xóm ven hồ này để tìm thầy học võ. Tìm thông tin thầy trên mạng internet đã khó, tìm đến nhà thầy còn khó hơn. Nhưng không sao, nhẫn nại là thế mạnh của Nhu. Anh nghĩ phải là bậc cao thủ thì mới ẩn thân kỹ như vậy. Hơn nữa đi đến tận nơi heo hút, tối tăm này mang đến cho anh chút cảm giác hưng phấn như đi vào chốn “long đàm hổ huyệt” mà thời trẻ anh hay ước ao. Anh sắp hiện thực được ước mơ: trở thành người giỏi võ.

Từ khi sinh ra thể trạng Nhu đã yếu, tính cách hiền lành lại được nuôi dưỡng trong bầu không khí “một điều nhịn là chín điều lành” nên anh càng tin vào chủ nghĩa “dĩ hòa vi quý”. Nhưng trong sâu thẳm, Nhu cảm thấy ngưỡng mộ những bậc anh hùng trên phim ảnh, tiểu thuyết. Từ những vị hào kiệt võ công cao cường như Tiêu Phong, Độc Cô Cầu Bại, Dương Quá trong tiểu thuyết Kim Dung cho đến những ngôi sao phim hành động kiêm võ sĩ mạnh mẽ: Cung Lê, Lý Tiểu Long, Johnny Trí Nguyễn, Tony Jaa, Lý Liên Kiệt, Michale Jai White, Scott Adkins v.v. Ngưỡng mộ là vậy, nhưng Nhu cũng chưa bao giờ đi học võ. Nhu sợ đau. Nhu còn sợ sinh sự lôi thôi nên mỗi lần ước muốn đi học võ trỗi dậy, Nhu lại tự nghĩ ra một vài lý do vu vơ nào đó để nó thoáng qua như mây khói.

Nhưng hôm nay thì không thể nén được nữa. Trên đường đi làm về, Nhu thấy một ông già bị gã thanh niên ngổ ngáo tát vào mặt. Vì ông mắng gã đỗ xe ô tô khệnh khạng gây tắc đường. Gã ngật ngưỡng xuống xe, bước đến tát vào mặt ông lão một cú ẻo lả. Nhưng không ai làm gì hết. Không một ai. Ông già rơm rớm nước mắt câm lặng. Nhu tự hỏi vì sao mọi người hèn thế? Mà thực ra là đang tự mắng mình cũng chỉ như họ. Không ổn rồi, trên đời này chẳng có ai cứu mình lúc nguy khốn đâu! Thế nên chỉ có tự lực tự cường, tự cứu lấy mình thôi.

Đối với người đàn ông, đôi khi những trải nghiệm nhỏ bé, ngẫu nhiên kiểu như vậy lại khiến cuộc đời của họ thay đổi mãi mãi. Nhu tìm thầy học võ ngay và sau một hồi tra cứu, hỏi han đủ đường, anh biết tới ông thầy dạy võ tên Đạo. Ông thầy này không chạy quảng cáo, không làm video chia sẻ lan man nên Nhu nghĩ thầy có thực tài mới kín tiếng vậy. Tối hôm đó, ngay khi đi làm về, Nhu ăn no rồi dắt xe đi đến nơi mà anh tin sẽ giúp anh trở nên bản lĩnh hơn.

Nhu thấy một bóng người bé nhỏ đứng dưới kè hồ quan sát một thanh niên cao lớn đang tập gì đó. Do trời tối, Nhu chưa rõ các động tác là gì. Anh khóa xe cẩn thận rồi bước xuống bậc thang dẫn thẳng xuống một khu đất bằng phẳng sát mép hồ.

  • Thưa thầy…

Người đàn ông quay sang Nhu không nói gì, chỉ vào đồng hồ. Thôi chết! anh đã đi muộn ngay trong buổi đầu tiên, mà còn muộn tận hơn 30 phút đồng hồ. Anh vội bước đến thanh minh:

  • Thưa thầy con đi làm về muộn, đói quá nên ăn xong mới đến ngay được.
  • Ăn no ễnh ra như thế thì tập tành cái gì? Người thanh niên lực lưỡng lên tiếng oang oang. Hắn có vẻ nhỏ tuổi hơn Nhu nhưng nhìn mắt sáng quắc, nước da đen bóng khỏe mạnh khiến Nhu hơi ớn.

Người đàn ông bé nhỏ quay sang khẽ nói với hắn: “Tập đi, nhầm động tác rồi kia kìa”. Tức thì hắn im bặt. Lời nói nhẹ nhàng nhưng rành rọt của người đàn ông bé nhỏ này rất có uy. Nhu đang chưa biết sao thì ông quay sang cười với Nhu. Anh vô cùng bất ngờ vì chưa biết tính khí thầy Đạo ra sao.

  • Cậu ăn no thì không nên tập ngay, đứng đây xem cậu Cương tập để ghi nhớ động tác đã. Mà này, buổi sau đừng có mặc quần đùi đi tập, chỗ này buổi tối lắm muỗi đấy.
  • Dạ dạ. Nhu líu lưỡi đáp lại lời thầy.

Đó chính là buổi đầu tiên Nhu đi tập võ. Nhu thấy Cương cười, một nụ cười nửa thương hại, nửa mỉa mai.

Luyện tập một thời gian, Nhu nhận thấy thầy Đạo không chỉ là người am hiểu võ học mà còn nghiên cứu sâu về y học, tử vi, tướng số. Thầy là người uyên bác nhưng kiệm lời. Nhưng mỗi lời thầy nói ra đều thỏa đáng. Nhu còn đặc biệt chú ý đến dáng đi của thầy: dáng đi vững chãi ấy hơi giống một con hổ, cảm giác lúc nào cũng có thể chuyển mình hoặc chồm về phía trước rất nhanh. Đặc biệt khi thầy Đạo xuống tấn, ra đòn, phân thế cho Cương và Nhu hiểu.

Đã không ít lần, Cương sụp ngay xuống sau một cú đấm làm mẫu của thầy. Còn Nhu, thầy chỉ khẽ đảo chân để anh hiểu đòn thế có tác dụng gì thôi mà đã khiến đùi anh bầm tím cả tuần. “Nhận lấy miếng đòn đau để biết cái đau mà đừng tùy tiện đánh người” thầy dặn dò.

Thầy Đạo thường nói với hai học trò của mình học võ là khổ luyện, không có con đường tắt, “công phu bất phụ hữu chí nhân”. Thầy kiên nhẫn phá tan những ảo vọng theo kiểu 1 địch 10 trên phim ảnh của Nhu cũng như sự liều lĩnh đòi tay không chống vũ khí ngoài đời thực của Cương. Là một bậc võ sư, có lẽ thầy hiểu và đã kinh qua hết từ chính bản thân mình lẫn biết bao thế hệ học trò: tuổi trẻ – thật ngông cuồng và dại dột nhưng cũng đầy nhiệt huyết, can đảm.

Có những lúc Cương hăng máu đòi đối luyện với Nhu. Ban đầu Nhu sợ hãi nhưng rồi mãi cũng dám thử. Cú đá không hề hãm lại của Cương khiến Nhu lảo đảo gục xuống ngay. Thầy Đạo chỉ cười. Sau đó thầy quay sang hỏi Cương:

  • Cậu có biết học võ để đánh người sẽ có kết cục là gì không?
  • Dạ thầy! Chắc là mạnh được yếu thua, ai mạnh hơn thì người ấy sống ạ!

Thầy Đạo nhấn mạnh từng từ trong câu trả lời để cả Cương và Nhu cùng nghe rõ:

  • Nếu nhẹ, thì một người nằm viện một người bồi thường. Còn nếu nặng thì một người chết, một người đi tù.

Cương cúi đầu suy nghĩ. Dù ngang tàng nhưng Cương cũng không phải dạng đầu đá. Những điều thầy nói ra anh đều cố gắng nghiền ngẫm.

Thấy Cương đã ngấm, thầy quay sang nói với Nhu:

  • Nhu quá thì sinh nhược. Cậu nên nhớ trong những giờ phút nguy hiểm đến tính mạng mà không có ý chí sinh tồn thì vô dụng. Nên nhớ, kẻ ác đi tù còn có ngày về, còn mình dù có thiện lương nhưng chết rồi thì sao về được?

Những buổi tập của Cương và Nhu cứ như vậy nối tiếp, thời tiết từ ấm áp sang nóng, nóng sang mát, mát trở lạnh và rồi lại quay về ấm áp. Nhu tự biết bản thân mình học võ không nhanh nhẹn nên anh chỉ thích nghe thầy giảng giải về lẽ đời. Còn Cương thì đã có tố chất lại chăm chỉ nên tiến bộ rất mau chóng. Cả hai đều mến trọng người thầy giỏi giang, văn võ song toàn của mình. Trước tình cảm của học trò, thầy Đạo chỉ đáp ngắn gọn: “Văn không võ, văn nhu nhược. Võ không văn, võ bạo tàn”.

Thời gian trôi đi êm đềm những cũng thật mãnh liệt và dứt khoát. Một mùa xuân nữa lại về, bẵng đi vài năm làm lụng, Cương và Nhu hẹn nhau đến chúc Tết thầy Đạo. Căn nhà, bờ hồ nơi hai người hăng say luyện tập năm nào vẫn còn nguyên chỗ đó nhưng giờ đây trống không.

Cương và Nhu hỏi han hết mọi người xung quanh mới biết thầy Đạo trả nhà và biệt tăm biệt tích nửa năm nay. Thầy đi đâu không ai biết, cũng không muốn phiền đệ tử, thầy cũng ít dùng điện thoại nên Cương và Nhu chỉ đành bối rối nhìn nhau. Họ ghé vào quán quen gần đó. Đó là một quán nước đơn sơ, nhìn ra bờ hồ xanh thẳm dưới nền trời xám bạc. Cái rét, cái thinh lặng, thoang thoảng mùi khói mang theo nỗi bồi hồi nhớ thầy khiến Cương và Nhu thẫn thờ. Quả thực, thầy biết rất nhiều về các anh, nhưng các anh lại chưa hiểu nhiều về thầy.

  • Lâu lắm mới lại thấy mặt, các chú ăn ngô nướng không?
  • Dạ chị cho 2 bắp. Nhu nói.
  • Chị có biết thầy Đạo trên kia đi đâu không chị? Cương đột nhiên hỏi.
  • Úi dồi, đệ tử kiểu gì mà sư phụ đi đâu cũng không biết.

Sau tiếng kêu cảm thán ấy. Cương và Nhu được nghe kể một câu chuyện mà hai anh có lẽ sẽ không bao giờ quên về thầy.

Sau khi Cương và Nhu nghỉ tập, có một băng nhóm đòi nợ thuê do Bá “sẹo” cầm đầu dạt về đây. Thằng này vào tù ra tội, chém người không ghê tay nên dân trong khu ai cũng sợ, cũng né. Nghe đàn em báo có một gã đàn ông thân cô, thế cô tự dưng đến đây thuê nhà mở lớp dạy võ, Bá “sẹo” thấy vô cùng chướng tai gai mắt. Được rồi! Để hắn thân chinh đi xem cái võ vẽ đó có bằng dao, bằng gậy, gạch đá hắn dùng hay không.

Nghĩ là làm, ngay tối hôm đó sau khi quất hết vài chai rượu với bọc thịt chó, Bá “sẹo” dẫn theo đàn em đến thẳng ngôi nhà bên bờ hồ. Nếu đánh tay đôi không lại thì đánh hội đồng, hắn ngán gì mấy trò mưu hèn kế bẩn? Đời này làm chó gì có thượng võ? Thằng nào mạnh thằng ấy ăn! Vừa nắn chuôi con dao thép lạnh ngắt cài sau lưng, Bá “sẹo” vừa độc thoại trong đầu như vậy.

Bá “sẹo” thấy thầy Đạo đang đứng hướng dẫn cho học trò thì chẳng chào hỏi, đốp ngay:

  • Ông làm cái gì ở đây đấy?
  • Tôi dạy võ. Thầy Đạo đáp.
  • Biết đất này có chủ không?
  • Tôi biết, tôi đã trả tiền thuê cho chủ nhà rồi. Còn bờ hồ này là của chung nên tôi dẫn học trò ra đây luyện tập. Thầy Đạo vẫn điềm đạm.
  • Đ*t mẹ thằng già này! Võ với chả vẽ. Đám đàn em sau lưng Bá “sẹo” hộc lên.

Phía bên này, sau lưng thầy Đạo mấy cậu học trò cũng bối rối. Người chưa học lâu nhưng có máu liều, sẵn sàng ăn thua ăn đủ. Có người thì mặt tái xanh, sợ liên lụy đến đám du côn du kề chán đời.

Bá “sẹo” thấy đây là cơ hội tốt để thị uy với đám đàn em, lại còn làm cho thầy Đạo mất uy với học trò nữa thì càng tuyệt vời. Bá “sẹo” muốn nhấm nháp sự đau khổ hắn mang lại cho người khác. Như năm xưa, khi hắn bị dồn vào đường cùng, chính người đời đã mang cho hắn nỗi đau ấy. Để giờ này hắn tha hóa, bất cần và mất dần nhân tính.

Không thêm một lời, Bá “sẹo” nắm lấy ngay chuôi dao sau thắt lưng xả về phía thầy Đạo. Hắn không phải mới chơi dao nên biết thứ vũ khí bé nhỏ này lạnh lùng và tàn nhẫn như thế nào, đặc biệt là khi tấn công bất ngờ. Liên tiếp vừa đâm vừa chém, Bá “sẹo” thấy máu bắn ra. Hắn hăng lên nghĩ “Đấy, cứ võ với vẽ lắm vào có chịu nổi của tao mấy đường dao này đâu”.

Bỗng nhiên xung quanh hắn im lặng. Đám học trò nhát cáy im lặng đã đành, sao mấy thằng đàn em cũng im hơi lặng tiếng thế? Mùi máu tanh bắt đầu bốc lên. Bá “sẹo” thấy mình khuỵu xuống đất, hai chân không còn cảm giác.

Hắn chỉ biết con dao của mình đã trên tay thầy Đạo. Mà cánh tay thầy Đạo lúc này cũng có vết cắt bắt đầu tuôn máu. Bá “sẹo” muốn vùng dậy cướp lại dao nhưng không thể, chân hắn tê dại không nghe lời hắn. Hắn đã bị quét vào cổ chân mà không hề biết. Cú đá quét tầm thấp khẽ khàng như lá rơi nhưng đến điểm phát lực thì bén như một con dao vô hình cắt sâu vào gân cốt lẫn sự hung hãn của hắn.

Mọi việc dừng ở đó, thầy Đạo vứt con dao sang bên cạnh. Một học sinh sực tỉnh vội chạy đi kiếm băng gạc, thuốc sát trùng cho thầy. Đám đàn em phía sau Bá “sẹo” lao xao: đứa thấy máu thì phấn khích, đứa thì sợ sệt, đứa thì bàn lùi khi thấy đại ca đang ngồi bệt trên mặt đất, có đứa lại muốn lao tới dứt điểm thầy Đạo.

– Cậu có biết dùng dao không?

Bá “sẹo” lầm lì, không rõ ý thầy Đạo là gì. Bởi nếu thầy thực sự trả lưỡi dao về phía hắn, thì trong vài giây hắn sẽ không còn hơi thở.

Thầy Đạo chậm rãi nói tiếp:

– Chơi dao sắc có ngày đứt tay. Dao không phải là thứ có thể đem ra đe dọa hay đùa giỡn. Dù có là bậc cao thủ võ thuật thì cũng không tùy tiện dùng dao hay tay không phòng vệ với dao. Cầm con dao lên không biết ai sẽ là người vong mạng, xin cậu nhớ cho. Nhưng hôm nay tôi phá lệ, dùng tay không tiếp 3 đường dao của cậu. Cậu đã khiến tôi đổ máu rồi, đàn em của cậu chắc cũng hài lòng rồi, giờ nếu không còn việc gì thì mời cậu ra về để tôi lên lớp. Còn nếu vẫn muốn tiếp tục sinh sự, thì nhặt con dao kia lên, tôi không có nhiều thời gian.

Có lẽ nếu lúc ấy đứng dậy được thì Bá “sẹo” cũng ra nhặt dao. Nhưng cổ chân hắn không còn cảm giác gì cả, cộng thêm cú ngã bất ngờ khiến tâm thần chấn động. Trong đám có đứa nhanh nhẹn đã sốc hắn dậy rồi dìu về. Đám học sinh xúm quanh thầy Đạo băng bó. Lúc này hoàn hồn, họ nhận ra đúng là thầy chảy máu nhưng vết cắt chỉ trúng vào phần khuỷu tay, thịt mỏng xương dày. Thầy ôn tồn giảng: “Thấy kẻ cuồng đồ cầm dao thì liệu mà chạy thoát thân, hô hoán để được cứu giúp. Bất đắc dĩ không chạy được thì đưa phần xương nhiều ra mà đỡ các vết cắt, chém. Nhớ kỹ là đừng để bị đâm. Đòn đâm ác hơn đòn chém nhiều”.

Sau ngày ấy, Bá “sẹo” trầm tư hẳn, ít nhậu nhẹt, ít dẫn đàn em đi kiếm ăn. Dần dà đám du thủ du thực ấy bắt đầu không bám víu được vào Bá “sẹo” nữa. Tiếng “đại ca” thưa thớt dần, chúng lặng lẽ lủi đi hoặc cà khịa rồi mới đi. Vẫn là “còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi”.

Bá “sẹo” không quan tâm nữa. Gã nhận ra bản thân lỗ mãng và liều lĩnh ra sao khi dùng dao đâm người mạnh hơn hắn: hắn có thể đã mất mạng. Trước đây, mấy gã lưu manh dù to lớn, xăm trổ rồng phượng hung tợn chỉ cần thấy con dao trên tay Bá “sẹo” là sợ mất vía, tay chân lóng ngóng để hắn xả chém. Nhưng đây là lần đầu tiên hắn gặp một người đàn ông bé nhỏ mà lại bình tĩnh đến thế trước cái chết.

Bá “sẹo” không thể bình tâm như vậy và vì thế hắn biết hắn đã thua, thua tâm phục khẩu phục. Hắn sợ chết và cái sợ đó đánh thức sự tỉnh táo trong hắn. Hắn đến khấu đầu xin thầy Đạo thu nhận làm đệ tử. Gã lang bạt này giờ muốn nương theo võ nghiệp làm lại cuộc đời.

5.

– Sao thầy lại đi nhận cái hạng du côn ấy học võ nhỉ? Học xong khéo gây họa, mang tiếng thầy. Nhu quay sang nói với Cương.

– Hạng nào thì thầy cũng nhận. Anh theo thầy mà không hiểu tính thầy à? Chỉ cần muốn học thì thầy sẽ dạy. Nhưng không phải thầy dạy ai cũng như ai, mỗi tâm tính, mỗi đầu óc mỗi kiểu khác nhau. Cương đáp.

Nhu hỏi tiếp chị bán hàng:

  • Thế sau Bá “sẹo” có tập tành tử tế không chị?
  • Thấy chăm chỉ, bớt ngang tàng với hàng xóm hơn. Nhưng sau đó học được tí nghệ thì hình như nó được tin huynh đệ bị đánh, nó đến giải nguy. Nghe đâu cũng ra gì lắm, vụ đó lên báo mà. Bá “sẹo” chết trên đường đi cấp cứu hay sao ấy.
  • Đám kia chắc rũ tù nhỉ?
  • Đám nào cơ?
  • Cái lũ giết Bá “sẹo” ấy chị?
  • À không, về sau tụi nó cũng lần lượt bị đánh, chắc ân oán giang hồ gì đó.

Trong đầu Cương và Nhu lại hồi tưởng đến những buổi tập thầy Đạo tâm sự về cách sống trong giang hồ. Thầy nói giờ giang hồ đã bị sai lạc đi nhiều so với xưa. Người trong giang hồ xưa là biết trọng chữ tín, không làm hại người vô tội và sống có nghĩa khí chứ không hành xử tùy tiện. Nay đám đâm thuê chém mướn, lừa đảo sống chết vì miếng ăn, ức hiếp người hiền lành cũng tự coi mình là giang hồ mà không biết thẹn.

  • Nghe bảo hồi đó các băng nhóm sốt ruột lắm, cũng muốn tìm ra thủ phạm để thị oai mà băng nào dính đến vụ này cũng bị ăn đòn nặng. Đám lâu nhâu thì sợ đòn đau còn mấy ông có số má thì cũng sợ bị đánh, mất thể diện với đàn em. Dào ôi! Rõ toàn hạng hổ giấy! Rồi tự dưng mọi việc cứ thế êm xuôi như chưa từng xảy ra vậy, mà đó cũng là lúc ông Đạo dọn đi mất hút, chả chào hỏi hàng xóm láng giềng gì cả, thế mà cũng xưng là “thầy”.

Cương gửi tiền cho chị hàng ngô rồi đừng dậy. Chị ta có vẻ cũng biết mình nói hơi nhiều nên im lặng nhận tiền rồi quay sang lột vỏ ngô, quạt than. Chuyện to, chuyện nhỏ gì khu này mà chị chả biết? Nhưng biết và nói ra hết tất cả những điều mình biết là hai việc khác nhau, không phải ai cũng tự quản được cái miệng của mình.

Nhu biết ý đi theo. Cả hai nhớ về thầy, nhớ về nguyên tắc kỳ lạ của thầy là luôn nhường đối phương ba đòn trước khi nhập cuộc. Nhưng đã nhập cuộc là sinh tử. Thầy không luyện võ theo phong trào hay tranh đấu lấy huy chương thể thao. Đời lính đã dạy cho thầy Đạo rằng tốt nhất là chỉ chiến đấu vì lẽ sống còn, trong lúc nguy nan thì không được do dự. Còn thường ngày luyện tập là để nâng cao sức khỏe, tu tâm dưỡng tính.

Một trong số những điều khiến thầy trăn trở đó là món nợ của thầy với một bậc thầy khác. Hôm ấy là ngày đông rét cắt da cắt thịt, Nhu đã hoàn toàn kiệt sức, động tác uể oải còn Cương thì vẫn rất sung, cộng thêm việc bị đòn đau nên trong lúc tập đã khiến bạn tập bị thương nhẹ.

Thầy cho dừng buổi tập, dẫn hai trò lên nhà uống chén trà nóng. Rồi trong gian phòng nhỏ ấm áp ấy, thầy kể về lần uống rượu cùng một bậc thầy võ thuật khác. Năm ấy rượu vào lời ra, luận võ thì không thể dựa trên chữ nghĩa. Bậc thầy kia buông lời thách đấu thầy Đạo. Vì cả tính khí con nhà võ lẫn hơi men, thầy nhận lời.

  • Đó là một quyết định sai lầm của tôi, hai cậu nhớ kỹ lấy. Trong người đã có rượu thì đừng làm gì kẻo suốt đời hối hận. Thầy bình luận.

Vẫn nguyên tắc nhường ba chiêu, thầy Đạo nhận ra đến chiêu thứ ba thì đối phương thực sự muốn chọc mù mắt mình. Đòn thế không dừng lại ở mức giao lưu mà kèm theo sát ý và uy lực không kiềm hãm. Rốt cuộc là vì cái gì? À thầy nhớ ra là vì chút ích lợi, danh vọng mà các bậc thầy vẫn thỉnh thoảng so kè với nhau. Người làm thầy thì cũng vẫn là người, sao buông được hết tham, sân, si cơ chứ? Đã vậy thầy cũng phải cho đối phương hiểu thực lực để bớt ngạo mạn.

  • Lúc đó rượu vào rồi, tôi chỉ biết thấy cái sai của người mà không thấy được cái hồ đồ của mình. Người ta đã muốn chứng tỏ, đã muốn hơn thì mình tranh với người ta làm gì? Cùng nghiệp võ đổi mồ hôi, xương máu lấy chén cơm sao nỡ đưa nhau đến bước phải xuống tay. Thầy Đạo thấp giọng kể.

Sau đòn thứ ba thì vị võ sư kia không còn cơ hội xuống đòn thứ tư nữa. Cũng gần tháng trời chăm nom, thuốc men nhưng cũng chỉ hồi được năm phần sức khỏe. Nghiệp võ chẳng thể theo được, võ đường giải tán vì võ sư giờ cứ cử động mạnh là lại ho ra máu. Nằm trên giường dưỡng thương, vị cựu võ sư giờ là một tân phế nhân bùi ngùi bộc bạch với thầy Đạo:

  • Một phần lỗi cũng do tôi, tôi cũng ấm ức với bác về chuyện thứ bậc lâu rồi. Anh em ta già cả, nói vậy bác hiểu đúng không? Ngày hôm đó định mượn rượu để cho bác một bài học, nhưng than ôi quả đắng là tôi. Gieo gió gặt bão, tôi không dám trách bác đâu. Thuồng luồng chê vực nông làm tổ dưới đáy, đại bàng chê non thấp làm tổ trên núi cao, ấy mà lúc chết cũng chỉ vì miếng mồi.
  • Tôi cũng nóng nảy quá, mong bác lượng thứ. Ai ngờ đâu già đời rồi mà vẫn hung hăng như mấy đứa trẻ con mới lớn. Công phu võ nghệ mà chưa hàm dưỡng được tính khí thì coi như nửa đời vẫn chưa có thành tựu gì.

Hai người lặng lẽ chia tay nhau. Thầy Đạo đã có quyết định. Thầy lẳng lặng bán mảnh đất mình tích góp cả nửa đời người. Lấy tiền bán đất mua vàng, thầy âm thầm đưa riêng cho người con của vị võ sư đáng thương với tâm nguyện xin gia đình tha thứ và giúp chăm lo cho bố dưỡng bệnh.

Quyết định này của thầy bị anh em họ hàng và vợ con lên án gay gắt. Thầy vun vén chút tài sản để lại rồi đến nơi bờ hồ hẻo lánh này thuê nhà, mở lớp dạy võ.

6.

Năm tháng trôi mau, Nhu và Cương không còn người thầy bên bờ hồ. Họ rẽ sang những trang khác nhau của cuộc đời.

Nhu dần lười luyện võ, anh không còn nghĩ võ thuật kỳ diệu như lúc ban đầu nữa. Xã hội kim tiền này thì người thẳng thắn, chính trực khó phất lên làm giàu. Anh quay sang kiếm tiền một cách điên cuồng, bất chấp mưu mẹo. “Có tiền là có quyền” mà có tiền rồi thì làm gì cũng được. Dành cả đời khổ luyện võ thuật để làm gì để rồi cuối cùng vẫn phải lăn tăn chuyện cơm áo gạo tiền? Hơn nữa, thứ võ phu đi đâu cũng dễ bị người ta ghét- ghét hoặc sợ. Hoặc mấy thằng choai choai nó khịa “võ vẽ gì, tầm này có súng là cân tất”. Đám nhóc lẻo khoẻo đó chắc chẳng bao giờ tập tành gì nghiêm chỉnh, nhưng tụi nó cũng không sai hẳn.

“Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt”, có súng rồi thì cần gì lao tâm khổ tứ, thức khuya dậy sớm để chịu gian khổ, đau đớn?

Cương thì điên cuồng luyện tập. Nơi đâu có thầy hay anh đều tìm đến thụ giáo. Nơi nào có võ đường anh đều đến xin giao lưu. Cương đam mê sức mạnh và anh tin đời này nếu đã có duyên với võ thuật thì phải đạt đến đỉnh cao. Anh coi thường lũ “giá áo túi cơm”, chạy theo huy chương, thành tích và những kẻ “anh hùng bàn phím” chỉ nấp sau màn hình mà phê phán, bỉ bôi. Cứ mỗi lần đo sàn, anh lại muốn mình mạnh hơn một chút. Dần dần kỹ năng, lòng can đảm và cả danh tiếng của anh trong làng võ đều bành trướng. Anh có thực lực nhưng không kiêng dè ai cả. Trên các diễn đàn, mạng xã hội Cương cà khịa, chê bai tất cả mọi người.

Trong võ thuật nói suông không ăn thua, điều quan trọng nhất là thực lực thì chỉ có kẻ mạnh mới đúng còn gì?

Huynh đệ chí hướng khác nhau nên dần dà cũng xa nhau. Nhu hỏi thăm qua loa còn Cương thì cũng đáp lời chiếu lệ. Các đồ đệ khác của thầy Đạo cũng tản mát, do không rõ tin tức về thầy. Được thể, những kẻ không ưa thầy lại tung thêm tin đồn thầy làm việc sai trái nên phải trốn tránh, do sợ bị trả thù. Chỉ biết rằng nấm mộ cô đơn của Bá “sẹo” thỉnh thoảng vẫn có người hương khói, sửa sang.

– Anh ký đi.

Tờ đơn ly hôn nằm trước mặt Nhu. Nhu không hiểu. Anh làm ra tiền, cho vợ con ăn sung mặc sướng, vì sao cô muốn chia tay anh?

  • Cô mất trí rồi à?

Người vợ nhìn vào mắt anh. Sau đó đáp dứt khoát:

  • Anh mới là người mất trí.

Nhu nổi giận, thật láo lếu, anh là người làm ra tiền, là trụ cột của cái nhà này thì sao lại dám nói anh mất trí?

  • Cô bị điên rồi. Đoạn Nhu đưa tay xé tan tờ đơn, bỏ vào phòng ngủ.

Ngang qua phòng cậu con trai, anh định hỏi han nó chuyện học hành cho quên nỗi bực dọc thì thấy trong phòng toàn những tiếng súng chói tai. Cậu bé gày gò đang ngồi bó chân trên chiếc ghế xoay, mắt dán vào màn hình lập lòe tái hiện lại trò chơi trên chiến trường. Đồ họa của trò chơi này thật chân thực. Mà chân thực cũng phải, khi cu cậu vòi vĩnh cả chục triệu mua dàn máy, Nhu đâu có tiếc con.

  • Lại game à? Dạo này học hành sao con?

Cậu bé im lặng. Sẵn bực, Nhu đưa tay ra nhất nút tắt nguồn máy tính. Cậu bé nắm tay đập rầm một tiếng vang vọng cả căn nhà rộng lớn, nó lườm Nhu với ánh mắt căm thù sau đó vọt lên giường trùm chăn. Nhu bất lực đi ra, nhưng anh vừa ra khỏi thì ngay đằng sau tiếng đóng cửa thô bạo lại một lần nữa vang vọng trong căn nhà.

  • Nó nghỉ học cả tuần nay rồi. Vợ Nhu nói với Nhu, nửa như trách móc, nửa như thương hại sự thiếu hiểu biết của anh.
  • Sao cô không nói với tôi? Nhu gầm lên.
  • Anh đi vắng cả ngày, đêm thì bảo là đi tiếp đối tác, về nhà lại say khướt, nôn ọe ra đầy nhà để cho tôi dọn thì tôi đâu còn hơi sức và anh cũng chả còn tỉnh táo để nghe ai.
  • Cô nói thế là ý gì? Nhà to, xe đẹp, tiền tiêu rủng rỉnh đồ đạc tiện nghi cô nghĩ là từ trên trời rơi xuống cho mẹ con cô đăng ảnh trên facebook mà sĩ với thiên hạ đó à?
  • Anh cũng chỉ cần mỗi mẹ con tôi lúc đăng ảnh thôi còn gì? Nào là “đàn ông sống cần thế này thế kia, gia đình là trên hết” toàn phông bạt. Người vợ mỉa mai.

Nhu nổi giận. Cái giận đầy vô minh của người luyện võ nhưng lạc lối. Anh dang tay tát vợ. Cái tát đó đã giáng đòn cuối vào cái khung gia đình chênh vênh sắp sụp đổ. Nhu vọt ra khỏi nhà, móc vội vàng trong túi ra chiếc điện thoại để tìm người tâm sự.

Nhưng thêm một sự thực phũ phàng khác vồ lấy anh: bấy lâu nay xung quanh anh chỉ toàn đối tác, bạn làm ăn. Từ dạo làm ăn, anh thấy ai có lợi thì mới kết giao. Bạn bè thân tình ngày xưa anh thấy gặp đỡ chỉ để trò chuyện thật vô ích và tốn thì giờ, không ra mối lợi. Cay đắng sao, giờ chuyện đời tư của anh chẳng thể tâm sự với đám vụ lợi, bởi anh sợ họ nắm thóp anh như họ sợ anh nắm thóp họ. Ai cũng khoe ra hình ảnh giàu mạnh, vợ con đề huề thì giờ sao lại tự bôi tro trát trấu lên mặt được?

Nhu tắt điện thoại, lang thang vào một quán ốc vỉa hè tự gọi cho mình bát ốc, chai rượu. Bàn kế bên anh có hai người đang nhỏ to tâm sự, vẻ thân thiết. Hình như họ là lái xe ôm hay shipper gì đó. Nhưng họ có bạn, còn anh thì không biết làm sao để có bạn trong giờ phút tăm tối này, dù anh dư tiền để gọi hết đồ nhắm, rượu ngon của quán. Rượu vào đắng ngắt cõi lòng Nhu.

Một tháng sau, Nhu ra ngoài tìm nhà để thuê. Trời đất run rủi thế nào, gã môi giới dẫn anh tới căn nhà bên bờ hồ của thầy anh năm xưa.

Đó là một ngày trời đẹp, nắng vàng và mặt hồ êm ả. Bỗng nhiên Nhu thấy nhớ thầy, nhớ Cương mà chắc cũng có lẽ là nhớ thời thanh niên nhiệt huyết, suy nghĩ đơn thuần của mình. Cảnh đẹp quá, yên ả quá nhưng sao Nhu đơn độc lạ. Giá anh biết mình sai, giá còn thầy, con sư đệ khuyên bảo anh đã sai.

Nhu bắt đầu làm lại cuộc đời. Anh đi khám sức khỏe và nhận ra những cuộc vui thâu đêm suốt sáng và sự căng thẳng trong công việc đã tàn phá cơ thể mình ra sao. Anh chợt nhớ lại những bài quyền thuật, bài khí công mà thầy dạy năm xưa. Nhưng chỗ nhớ chỗ quên, chắc chỉ có thể tìm Cương, may ra Cương nhớ.

Đầu dây bên kia đổ chuông, giọng Cương vang lên nhưng trầm hơn, gần giống với giọng thầy Đạo năm xưa:

  • Anh Nhu à? Anh có khỏe không?
  • Mình không khỏe lắm, đang muốn tập lại quyền thuật và khí công như xưa nên tìm Cương nhờ chỉ giáo.
  • Được anh ạ. Anh đến sân tập của em nhé.

Vậy là Cương đã thành công, đã mở võ đường. Thật mừng cho Cương. Nhu tìm đến như đã hẹn thì thấy Cương đang hướng dẫn cho ba học trò luyện võ, cỡ trạc tuổi con trai Nhu ở sân một khu chung cư.

Cương bước tới nắm tay Nhu. Ngoài cái nắm tay rất chặt đầy thân thiết và sức mạnh, thì Nhu nhận ra Cương bước đi tập tễnh. Cương vừa trông nom học trò tập luyện, vừa kể về cuộc đời của mình.

8.

– Thắng hết giải nọ đến đấu thủ kia thì cũng nhận ra là theo nghiệp nào cũng cần kiếm ăn anh ạ. Mà thời đó em nóng nảy, không dạy võ được. Chỗ nào nhận cũng dăm bữa là xin em nghỉ, vì em đánh học viên đau, khiến họ sợ bỏ tập. Rồi em lại hay gạ đồng nghiệp lên sàn rồi đo ván khiến họ mất mặt. Cương kể.

– Đòn cậu chắc lắm, từ xưa thầy đã khen rồi. Nhu tiếp lời.

– Dạ anh, mà thầy cũng nhắc em là đòn chắc nhưng toàn đưa sự nóng nảy vào đòn thì sớm muộn cũng hại người hại mình. Đúng thật anh ạ. Ngông cuồng đá đổ chén cơm của người khác thì chỉ có thằng Cương ngu si thời đó, nó cũng cũng tự đá đổ chén cơm của mình luôn. Đói quá em đi đánh giải ăn tiền…

Nhu nghe vậy giật mình hỏi lại:

  • Có mấy giải kiểu đó thật à? Mình tưởng chỉ có trên phim thôi chứ?

Cương gượng cười đáp:

  • Có anh ạ, mở đánh chui để đám giàu có đổ tiền vào cá cược. Tụi nó coi võ sĩ như mấy con gà chọi thôi anh. Con nào càng hăng, càng liều, càng giã cho đối thủ đau đớn thì tụi nó càng khoái chí. Em đã bị tiền và những lời tung hô rỗng tuếch ấy mê hoặc anh ạ. Em đánh kiểu bán mạng, không sợ sệt gì cả. Tiền kiếm ra cũng ăn chơi hết, vì nghĩ kiếm tiền dễ quá. Ngờ đâu sinh nghề suýt tử nghiệp.
  • Thế gặp phải biến cố gì sao? Cỡ cậu mà cũng có người làm khó được à?
  • Thiên hạ nhân, thiên hạ tài anh ạ. Như thầy Đạo dặn mình năm xưa ấy, “ai cũng là con ếch, chỉ khác nhau ở kích cỡ cái miệng giếng thôi”. Trận đó em gặp một tay võ sĩ, nghe đồn chuyên đánh đài đen dọc biên giới Việt Nam, Lào, Cam – Pu – Chia, Thái Lan. Hắn đen trũi, lầm lì, mắt sắc. Vào trận lần đầu tiên trong đời em cảm thấy chợn. Mà hắn chịu đòn của em rất khá, gần như hiệp đầu hắn giờ người ra cho em nện. Em cũng biết thằng này đáng gờm nên không nương tay, bồi cú nào chắc cú đó.
  • Thế cậu áp đảo rồi còn gì? Nhu chăm chú vào câu chuyện.

Cương thở dài đáp:

  • Vâng, em cũng tưởng là thế. Ngờ đâu nó đang gài cho mình say đòn, quên giữ khoảng cách, lơ là phòng thủ anh ạ. Sau khi em đá vào sườn thì không rút chân được nữa. Hai cánh tay nó chắc như gọng kìm khóa chặt lấy cổ chân và đầu gối em, rồi nó… Cương nghẹn ngào.

Nhu im lặng. Anh hình dung ra cơn đau đớn kinh hoàng mà Cương phải trải qua.

  • Lúc nằm sàn, dù đau đớn đến sắp bất tỉnh em vẫn nghe thấy tiếng hò reo. Con người đó anh ạ, sao mà nghiệt ngã? Em được chở đến khách sạn, thằng môi giới biết chân em giờ đã phế nên nó an ủi qua loa vài câu, cho ít tiền rồi từ đó bặt vô âm tín. Lời hứa cho em đi đánh giải chuyên nghiệp cũng mất hút. Hóa ra nó cũng chỉ coi mình là con trâu kéo cày cho nó. Em chạy chữa mãi cuối cùng cũng đi lại được, nhưng không bao giờ còn lên sàn được nữa anh ạ.
  • Vậy giờ cậu sống bằng nghề dạy võ à?
  • Vâng, mà cũng chật vật lắm anh. Ở sân chung cư này cũng nhiều đội nhóm nên thỉnh thoảng thầy trò lại phải nghỉ do thiếu chỗ tập. Có người đến tập vài buổi là mất hút, có người thì dăm bữa nửa tháng sốt ruột cũng nghỉ anh ạ. Ai cũng thích múa quyền đẹp, đánh đài hay nhưng phải cái vội vàng, muốn học nhanh dùng nhanh anh ạ.

Trong đầu Nhu lóe lên một ý tưởng:

  • Cậu có muốn tìm chỗ có mặt bằng ổn định, thoáng đãng hơn không, về chỗ mình. Mình thuê lại căn nhà của thầy Đạo rồi.

9.

Bờ hồ vắng vẻ giờ đã rôm rả hơn khi có tiếng hô, tiếng cười đùa của đám trai trẻ. Có hai ông thầy về đây mở lớp võ. Một ông mảnh khảnh, một ông cao lớn, đi tập tễnh. Họ nhận học sinh với mức phí tùy tâm chi trả.

Buổi chiều hôm ấy, dưới kè hồ có hai bóng dáng cao lớn đứng cạnh nhau, bên dưới lô nhô những chiếc bóng nhỏ bé đang tìm cách vào hàng cho ngay ngắn. Trên bờ hồ, chị bán ngô đang chuẩn bị sẵn nước ngô luộc, luộc thêm vài bắp ngô, nướng thêm ít khoai để đợi đám học sinh tan ra thì sà vào nhấm nháp.

Có một người đàn ông lớn tuổi mặc quần áo bảo vệ ghé mua chục củ khoai, chục bắp ngô. Bác đã lớn tuổi nhưng cử chỉ nhanh nhẹn. Trong lúc đợi, bác nhìn đám người đang luyện tập bên dưới, mỉm cười.

  • Của bác đây, gớm nhà đông con sao mua nhiều thế?
  • Đông chị ạ, chúng nó mỗi đứa mỗi tính mỗi nết mà trộm vía giờ cũng lớn thật rồi.

Chị bán ngô cảm thấy ông bảo vệ này vừa lạ vừa quen. Gương mặt hao hao, nhưng sao một bên mắt lại thêm vết sẹo dài xấu xí thế kia?

  • Ơ hình như bác là…?
  • Tôi chào chị nhé.

Ráng chiều ửng hồng rồi nhạt đi rất mong chóng. Bên bờ hồ vang lên tiếng hô dõng dạc của võ sinh. Bóng người bảo vệ khuất dần, chị bán ngô quay lại đang sững sờ thì nhận thấy bọc ngô, khoai bác bảo vệ đã trả tiền vẫn ở nguyên chỗ cũ, còn có một tấm ảnh nhỏ bác ta đặt ngay ngắn trên mép chiếc bàn nhỏ. Tấm ảnh Đức Phật hiền từ đang mỉm cười.

Phía dưới kè hồ, Nhu đang bàn với Cương về việc thành lập võ phái – vừa là tri ân thầy, vừa là dò la xem giờ thầy Đạo đang phiêu bạt nơi đâu. Cương cho rằng muốn thành lập thì nên nghĩ tên võ phái. Hai người định bụng sau khi cho lớp nghỉ sẽ lên quán nước bàn bạc.

Nguyễn Phú Hoàng Nam