Bay qua mùa hoa – Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng

Sau hai ngày mưa rầm rề và lạnh bất thường, sáng nay, trời bung nắng vàng rực rỡ.

Giữa vườn cây, trên chạc ba của cây nhãn cổ thụ treo một tổ ong mật rất to, khi nắng vàng như rắc phấn cũng là lúc bầy ong thợ bắt đầu những chuyến bay.

Trong tổ, ong Chúa vừa dùng xong bữa điểm tâm sáng đang ngồi thư giãn. Chợt một mảnh gió nhẹ có mùi hăng hắc của vị tinh dầu thổi tới khiến ong Chúa thấy khoan khoái hẳn lên. Cảm giác già yếu, trì trệ xâm chiếm nó bấy lâu tưởng như tan biến. Mắt vẫn nhắm mơ màng, ong Chúa nhận ra chú ong mang về làn gió thơm đó:

“Sao nay cậu bay sớm thế?”

“Bởi vì Nữ Chúa đã nói với tôi thích thứ mật bạch đàn buổi sớm mai”.

“Nhưng đồi bạch đàn ấy khá xa, lại cao. Trời thì gió to thế?”

“Tôi vẫn nhớ cách bay tránh gió giữa những cây bạch đàn mà Nữ Chúa đã bày cho tôi. Vừa ra tới đó, mặt trời đã bắt đầu le lói nên cũng thuận đường bay”.

Ong thợ dâng mật bạch đàn mời ong Chúa. Ong Chúa nhấm một chút mật, thấy vị trong mát, ngọt thanh, hơi tê hăng hắc lan trong khoang miệng:

“Cảm ơn cậu đã mang về cho ta một giọt sương ngọt”.

“Mời Nữ Chúa dùng thêm chút nữa. Dạo này, Chúa ăn ít quá nên gầy đi nhiều!”.

“Tại ta không thấy muốn ăn”.

“Nữ Chúa vừa qua một trận ốm, phải bồi bổ nhiều vào mới hồi phục sức khỏe chứ ạ! Mật hoa bạch đàn tốt lắm!”

Nhìn vẻ mặt lo lắng của ong thợ, ong Chúa không lỡ từ chối tấm chân tình, bèn nhấm nháp thêm chút mật nữa. Ong Chúa biết, trong lâu đài của mình, với hàng ngàn quân lính là những ong thợ, ong đực thì đây là chú ong trung thành với nó nhất.

Còn nhớ, ngay chuyến bay đầu tiên trong đời, chú ong thợ này đã thất bại. Hôm ấy, trời nổi mưa gió mịt mùng. Chú ong thợ bay đi không kiếm được mật, lần mãi mới tìm được dấu bay về tổ. Chú ong ướt dề, xác xơ, không có bọc mật bên mình đã bị ong gác chặn ngoài cửa tổ. Ngoài trời đang tối dần, mưa lại bắt đầu rơi, chú ong cứ đứng run rẩy sợ hãi. Hay tin ấy, ong Chúa đã ra lệnh cho đám ong gác cho chú ong thợ vào. Chú ong đứng nép ở một góc khuất, tự nhịn ăn bữa tối. Đó là hình phạt dành cho những kẻ không biết kiếm mồi về tổ sau một chuyến bay mà nhận được sự khoan dung của ong Chúa. Ong Chúa đến, chú ong thợ không dám ngẩng mặt lên. Ong Chúa ôn tồn: “Cậu đói rồi, cứ ăn đi đã!” Ong thợ lí nhí cảm ơn, rón rén ăn từng chút mật. Đợi ong thợ ăn xong, ong Chúa bày cho ong thợ cách bay lên cao, tránh những cơn gió to sau thân cây, tán lá, cánh hoa mà vẫn lấy được mật hay phấn mang về. Ngày hôm sau, chú ong thợ bay đi từ sáng sớm, khi các chú ong thợ khác còn chưa tới vườn vải thì chú ong thợ đã mang mật hoa về tổ khiến ong Chúa hài lòng. Từ đấy, chú ong thợ ngày một cần mẫn, tận tụy với ong Chúa hơn.

“Mấy hôm mưa gió, cậu vẫn bay lên đồi bạch đàn ấy?”

“Như Nữ Chúa dạy, tôi đã bay từng chặng, từ thấp lên đến cao. Lên tới đồi bạch đàn, tôi nương dáng cây mà bay lên, tránh gió, tránh va phải những hạt mưa”.

“Gió ở đồi bạch đàn thổi xào xạc lắm. Ta vẫn nhớ…”.

“Bạch đàn vẫn lao ngọn cao vút lên trời xanh. Và gió vẫn thổi như đàn. Lúc xào xạc, lúc vi vút, lúc ào ào như từng đợt sóng dâng từ ngọn cây lên đến mây xanh. Những bông hoa bạch đàn đang bắt đầu nở trắng, nở vàng li ti. Gió đến những chiếc mũ chụp đầu hoa rời khỏi cánh bay lả tả, mùi hương dìu dịu hăng hắc tỏa ra nồng nàn. Tôi lao vào nhụy hoa hút mật. Nghĩ đến Nữ Chúa đang đợi ở nhà, tôi đã bay về rất nhanh”.

Ong Chúa nhìn lại ong thợ. Đó là một con ong nhỏ nhắn nhưng dẻo dai. Không phải ong thợ nào cũng bay qua được ba cánh đồng lúa, qua dòng sông lớn dập dềnh sóng nước để tới đồi bạch đàn lấy mật được như cậu ta. Lại là chuyến bay từ sáng sớm, trời còn đọng hơi nước và sương sa, va vấp có thể làm chuyến bay mất phương hướng. Nhưng cậu ta vẫn trở về. Giống như ngày trước, ong Chúa đã trở về sau chuyến bay đầu tiên đến đồi bạch đàn.

Ong Chúa lim dim mắt, sắc diện hồng hào hẳn. Quá khứ ùa về.

Hôm ấy, buổi sáng có một cơn mưa rào ào đến rồi tạnh mau. Giữa chiều trời nở ra những vạt nắng vàng óng như phấn hoa, ta lúc bấy giờ còn là Chúa tơ, nở  được năm hôm thì vừa đúng đến kì giao phối. Giữa những cánh ong thợ đang xây tổ, vít mật, giữa những chàng ong đực đang vây quanh mình, ta bay vút lên khoảng trời xanh. Càng bay lên, ta thấy thân thể mình càng rạo rực. Từ phía đuôi ta như tỏa ra một thứ mùi quyến rũ nên bầy ong đực bay vù vù đuổi phía sau. Mùi hoa bạch đàn phía bờ sông đã hút lấy đôi cánh ta. Ta cứ nhằm hướng ấy bay tới. Ta khao khát cuộc giao phối duy nhất trong đời giữa mùi thơm hăng hắc của hoa bạch đàn. Chính mùi thơm này đã cuốn hút thính giác của ta, mê mị ta từ khi ta còn là ấu trùng được ong thợ mớm sữa ong chúa cho ăn.

Càng bay xa, bầy ong đực đuổi theo ta đã thưa dần. Những gã ong đực yếu ớt đã bỏ cuộc. Chỉ còn những chàng ong đực mạnh mẽ nhất vẫn vun vút bay theo ta lên tới vòm hoa bạch đàn. Chàng khỏe nhất đàn đã bắt kịp ta giữa li ti hoa trắng, hoa vàng. Trong khoảnh khắc, lúc mùi hoa bạch đàn nồng nàn nhất, chàng đã đi vào ta, cho ta cảm nhận được sự rách mở vừa đau nhói vừa đê mê. Chàng ong đực thứ hai cho ta thấy được những rung giật ẩn sâu dưới địa tầng bí mật. Chàng ong đực thứ ba cho ta thấy được những thúc bách dữ dội, chàng ong đực thứ tư cho ta thấy sự dịu dàng mơn man. Những chàng ong đực tiếp theo khiến ta đã thấy cả một khoảng trời xanh biêng biếc biến thành màu hoa vàng, hoa trắng, hăng hắc, ngọt ngào chao nghiêng. Giữa màu hoa đó, từng chàng ong đực rời ta, rơi, rơi, rơi theo chiều gió, giữa màu nắng, trong làn hương bạch đàn. Chàng ong đực cuối cùng theo kịp ta nhìn thấy cảnh đó càng thêm phấn khích. Chàng lao đến, đi vào sâu thẳm trong ta. Chàng tạo ra những cơn sóng dập dềnh, dư ba. Cơn sóng cuối cùng vít chốt lòng ta cũng đồng thời đẩy chàng rời ta. Chàng quay quay nhiều vòng lơ lửng giữa không trung như thể không trọng lượng rồi mới liệng rơi theo một chiếc lá bạch bàn. Còn ta, ong Chúa quyền năng sau cuộc giao phối duy nhất của chuyến bay duy nhất trong đời, ta cảm thấy tất cả sinh khí của trời đất đã tích đọng nơi ta. Ta vỗ cánh bay về tổ, cái tổ ta sẽ gắn bó cả đời còn lại chỉ với nhiệm vụ đẻ trứng.

“Thưa Nữ Chúa, hôm nay Chúa có muốn đi đâu không ạ?”. Ong thợ hỏi xong và chờ đợi. Ong Chúa gật đầu.

“Ta đợi cậu về cũng vì điều ấy. Ta muốn đi dạo một vòng trong lâu đài của chúng ta”.

“Vâng, tôi đã sẵn sàng tháp tùng Nữ Chúa”.

“Thế còn những chuyến bay đến đồi bạch đàn? Hôm nay, trời nắng đẹp đấy, cậu có tiếc không?”

“Sẽ còn nhiều ngày nắng đẹp nữa để tôi làm các chuyến bay của mình cùng với các ong thợ khác. Chúng tôi sẽ đem cả mùa hoa bạch đàn về tổ như chúng tôi đã đem mùa hoa vải, hoa nhãn về tổ. Ong Chúa sẽ không phải lo lắng đến lương thực nữa. Có lương thực, chúng ta sẽ tiếp tục lớn mạnh. Ong Chúa sẽ là Nữ Chúa mạnh mẽ nhất trong vùng. Chúng ta sẽ có một tương lai xán lạn!”.

“Một tương lai xán lạn!”.

“Vâng. Bởi thế Nữ Chúa đừng lo lắng nhiều kẻo ảnh hưởng tới sức khỏe”.

“Ta sẽ không lo lắng nữa. Trời đang đẹp, các ngươi sẽ có hàng vạn chuyến bay. Không như ta…”

Ong Chúa bỏ lửng câu nói, quay vào chuẩn bị cho chuyến đi. Ong thợ trầm tư chờ đợi. Kề cận bên ong Chúa đã lâu, ong thợ biết lúc nào cần im lặng.

Ong thợ có vẻ rất hiểu ta. Đúng là ta muốn đi đến một nơi. Sáng nay, tâm trí ta rất minh mẫn. Ta quyết định vào sáng nay chứ không phải là hôm nào khác. Đêm qua, ta trằn trọc cũng vì điều đó, và cậu ta cũng thao thức nhưng đã không hỏi ta. Cậu ta trẻ người mà không hề non dạ. Ta có cảm giác như đã gặp cậu ta từ lâu rồi. Từ hồi ta còn là ấu trùng, là nhộng nằm trong mũ chúa. Cứ như thể cậu ta đã mớm mồi cho ta ăn từ hồi đấy, cứ như thể cậu ta là anh chị của ta chứ không phải từ một cái trứng của ta nở ra.

Ong Chúa và ong thợ đi một vòng trong lâu đài. Chỗ nào ong cũng nhộn nhịp xây tổ, cất mật. Những chú ong thợ mang mật, phấn về tổ chỉ kịp cúi đầu chào ong Chúa. Những chú ong đực làm nhiệm vụ điều hòa không khí hay ấp trứng ngẩng lên chúc Nữ Chúa sức khỏe rồi tất cả lại bận rộn với công việc của mình. Từ trước mấy ngày mưa, sức khỏe của ong Chúa rơi vào trạng thái bất ổn. Việc ong Chúa nằm lại trong phòng nhiều đã tác động không tốt tới thái độ làm việc của bầy ong. Tinh thần nhiều kẻ đã ngả nghiêng, dù không ai nói gì nhưng ong Chúa cảm thấy dấu hiệu của sự trệu trạo. Ong Chúa đã cố tẩm bổ, nhưng sức lực cứ hao hút đi, tuổi già đã xồng xộc tới, trì níu những khát vọng. Lúc này, tận mắt đi kiểm tra, thấy mùi hương nhãn, hương bạch đàn phảng phất khắp không gian, thấy không khí làm việc miệt mài, hăng say của đàn ong, ong Chúa chợt mỉm cười, bụng yên tâm hơn, và nghĩ tới quyết định của mình đêm qua của mình.

Ong Chúa quay lại bảo với ong thợ:

“Bây giờ, chúng ta đến buồng mũ chúa!”.

“Vâng”.

Từ khi ong thợ được kề cận Nữ Chúa, đây là lần đầu tiên ong thợ được đến buồng mũ chúa. Mọi lần, có kiếm được mật về sớm nhất đàn thì ong thợ cũng chỉ được đến cửa buồng mũ chúa cất mật ở ngay phía ngoài. Từ xa nhìn vào, ong thợ thấy mũ chúa to nhú lên màu vàng nhạt như bọc phấn hoa khổng lồ. Vây quanh đó là đám ong thợ, ong đực chuyên chăm sóc và bảo vệ mũ chúa. Cất xong mật, chẳng còn lí do gì ở lại, ong thợ phải bay đi, lòng vẫn còn ham muốn khám phá xem mũ chúa nở Chúa tơ như thế nào. Và nó thầm ghen tị với cánh ong được ngắm Chúa tơ từ khi phút đầu cắn nắp tổ chui ra. Dù ong thợ biết, những ý nghĩ như vậy là không đúng cho một kẻ được kề cận ong Chúa bấy lâu.

Buồng mũ chúa đã hiện ra. Thấy ong Chúa tiến vào, cánh ong đực đang quạt gió quanh đấy liên tục di chuyển xung quanh mũ chúa như những vòng tròn sóng nước lúc lan xa lúc tụ lại, cánh ong thợ vẫn tụ quanh mũ chúa. Một ong đực tráng kiệt nhất đã tiến lại ong Chúa:

“Chào mừng Nữ Chúa đã đến!”.

“Ta xin chào các ngươi”.

“Nhìn Nữ Chúa dung mạo rạng ngời, chúng tôi rất mừng”.

“Cảm ơn các ngươi”. Ong Chúa vẫn giữ nụ cười trên môi, đáp lại dịu dàng dù trong lòng đã gợn tâm tư.

Mấy hôm trước, thời tiết nắng mưa bất thường khiến ta mệt mỏi, dung nhan xuống sắc có lẽ đã lan đến tận đây. Sức khỏe của ta bây giờ là mối bận tâm lớn nhất của bầy ong. Chắc nhiều kẻ đã đoán già đoán non về số phận của mũ chúa lần này cũng như tổ chức của bầy ong sau mùa hoa. Những kẻ không định đoạt được thì hay giả thiết. Ta mới là người nắm quyền tất cả. Ta quyết định. Ta đã trải qua bốn mùa hoa nhãn, dù ta đã già, việc đẻ trứng đã ít đi nhưng ta vẫn là Nữ Chúa ở đây. Tất cả đàn ong đều do ta sinh ra. Nếu ta có không đến đây thì tin tức về sự phát triển của mũ chúa vẫn được báo đến ta từng giờ. Đúng như ta dự đoán, trời đã hửng nắng ấm sau mưa, nhìn mũ chúa đã thâm đầu lỗ chỗ thế kia, chỉ chiều nay là Chúa nở. Chúa tơ được ta đẻ ra, được ăn sữa ong chúa, hẳn sẽ phát triển vượt bậc hơn hai mũ chúa buồng dự phòng do ong thợ và ong đực đẻ, chúng chỉ được ăn sữa ong chúa trong giai đoạn đầu rồi sau phải ăn mật ong. Chúng không thể có sức khỏe vượt trội như ong Chúa. Mãi mãi chúng chỉ là dự bị. Và một lúc nào đó, Chúa tơ khẳng định được sức mạnh của mình thì số phận dự bị của chúng sẽ kết thúc.

Ong đực thưa:

“Sáng nay, mũ chúa đã có những dấu hiệu sắp nở. Nếu trời cứ nắng ấm thế này có thể chỉ ngang chiều nay”.

“Ta biết”.

“Ong Chúa có cần ở riêng với mũ chúa một lúc không ạ?”. Ong Chúa gật đầu.

Đó cũng là câu hỏi đầu tiên ta nhận được khi lần đầu đến thăm mũ chúa con so của mình. Và đó cũng là câu hỏi truyền khiếp của họ nhà ong mỗi khi ong Chúa đến thăm đứa con sắp chào đời của mình. Mẹ ta chắc cũng đã ở lại khá lâu bên ta để nói chuyện với đứa con vẫn còn trong mũ chúa, dù lúc đó tai ta còn bị bưng bít bởi cái vỏ khá dầy có nghe được gì đâu. Nhưng với linh cảm người mẹ, với tình yêu người mẹ dành cho đứa con đầu tiên còn ngoan hiền trong ổ, các ong Chúa vẫn nói chuyện với đứa con của mình và nghĩ bằng một sợi dây vô tình nào đấy, chúng vẫn thâu nhận được tình mẫu tử trước khi chào đời, trước khi có những sự việc khác diễn ra. Ta cũng đã ngồi vuốt ve đứa con đầu tiên qua lớp vỏ cứng và thủ thỉ nói chuyện với nó. Ta yêu con của mình trọn vẹn khi nó còn ngoan ngoãn nằm im trong mũ chúa, không gây nguy hiểm cho ngôi báu của ta.

Ong đực quay ra làm hiệu với bầy ong đang bu quanh mũ chúa. Bầy ong tản dần. Ong Chúa tới gần, chạm nhẹ vào lớp mũ cứng đã thâm đầu, mỏng dần phía chóp.

“Tôi cũng xin phép lui ra”.

“Hôm nay, giây phút này, ngươi và cậu ong thợ đây hãy ở lại cùng chúng ta”.

Ong đực ngạc nhiên vì chưa bao giờ gã được ở cùng khi ong Chúa nói chuyện với Chúa tơ còn trong mũ. Đây là lần thứ tư nhận nhiệm vụ chăm sóc mũ chúa nhưng là lần đầu tiên, Nữ Chúa cho phép gã ở lại. Còn ong thợ cũng bồi hồi không kém. Ong thợ còn trẻ, chưa từng trải qua những giây phút như thế này.

“Hai ngươi không cần phải ngạc nhiên đến thế đâu!”.

“Ong Chúa đừng làm chúng tôi sợ. Ong Chúa vẫn là Chúa quyền uy nhất trong lâu đài này. Ong Chúa có thể làm bất cứ điều gì muốn khi Chúa tơ ra đời. Chúng tôi nguyện trung thành với ngài!”.

“Đó là quy luật của nhà ong. Ta có thể giết Chúa tơ ngay khi nó mới nở để giữ quyền lực, ngôi báu. Nhưng ta cũng biết ngươi và bầy ong đực vẫn mong chờ một cơ hội đuổi theo một ong Chúa trẻ trung bay vút lên trời xanh để được giao phối với nàng”. Ong đực hơi ngượng, đỏ mặt, im lặng.

“Trước khi nói chuyện với ong Chúa sắp nở, ta muốn nói chuyện với hai ngươi, hai đứa con như bao đứa con khác được sinh ra từ trứng của ta nhưng ta chỉ luôn coi là thần dân của mình.

Qua bốn mùa hoa vải, hoa nhãn, hoa bạch đàn hay các loài hoa dại không mùa khác, ta đã chặn đứng cơ hội giao phối của bầy ong đực trong tổ. Các ngươi, ong đực sinh ra chỉ mong giây phút Chúa Tơ trưởng thành để bay đuổi theo được giao phối với nàng, tận hiến tinh lực rồi chết cũng thỏa nguyện. Nhưng ta, ta đã không để cho Chúa Tơ nào kịp trưởng thành. Ta trò chuyện với con khi sắp nở. Ta âu yếm, ôm ấp con khi vừa nở. Song ngay sau đó, vừa nhìn thấy con ta tập bước, tập bay là ta đã lao vào cắn chết ngay. Ta sợ mất ngôi báu. Ta sợ mất quyền lực. Ta sợ con ta không làm Chúa được bằng ta. Ta cắn chết chúng. Máu ghen tuông, độc đoán đã dồn lên não ta, ta chỉ còn nhìn thấy quầng lửa cháy rừng rực đang vươn đến ta, đốt cháy ta. Ta bỏ đi như một cơn lốc vừa tràn qua. Mấy ngày sau, ta quay lại, mọi dấu vết của Chúa Tơ đã được bầy ong dọn sạch. Chúng lại chuẩn bị xây cho ta một mũ chúa mới, lúc nào cũng có sự trù liệu cho tương lai. Và ta, ta chẳng thể đình chỉ việc đẻ trứng khi mùa hoa đến. Khi mật, phấn tích trữ đầy kho. Đấy là lúc ta sung mãn nhất. Ta đẻ trứng không ngừng nghỉ để quân đông và mạnh hơn. Nhưng chỉ có trứng đẻ trong mũ chúa được nuôi bằng sữa ong chúa mới nở ra ong Chúa. Những trứng có tinh trùng khác đẻ ở mũ thường, nuôi bằng mật ong chỉ là ong thợ. Còn ong đực được sinh ra từ trứng không có tinh trùng. Ta điều khiển được tất cả việc đó. Những đứa con bình thường mà ta sinh ra đó chính là các ngươi, ta chẳng mấy công để ý, chẳng yêu thương nồng cháy cũng chẳng phải lo lắng mất ngôi đến phát cuồng. Các ngươi là những đứa trung thành và cần mẫn nhất. Các ngươi đã xây đắp, vun vén cho vương quốc của ta thịnh trị từ mùa hoa này qua mùa hoa khác. Chính các ngươi mới là chủ nhân của vương quốc này. Hôm nay, ta xin cảm ơn các ngươi”.

Ong thợ cung kính:

“Đời sống của chúng tôi ngắn ngủi chỉ tính hơn một đợt hoa vải, hoa nhãn nở mà thôi. Nữ Chúa quyền lực mới là người duy trì giống nòi, để giống nòi nhà ong trường tồn. Chúng tôi đều là con dân của Chúa. Nguyện phụng sự ong Chúa vô điều kiện”.

Ong Chúa vẫn vuốt ve lên mũ chúa:

“Nhờ có các ngươi vương quốc của ta mới trường tồn. Các ngươi đã phụng sự ta dù đã chứng kiến bao phen ta cắn chết Chúa Tơ, con của mình, để ta giữ ngôi báu cho mình.”.

Ong đực hỏi:

“Tôi nghe kể lại, cũng có lần, Nữ Chúa đã nhường lại lâu đài cho Chúa Tơ, dẫn một phần quân dời đi”.

Ong Chúa vẫn đưa cánh lên xoa mũ chúa, cảm nhận được nhộng con đang cục cựa phía trong.

“Đó là đứa con thứ ba của ta sinh ra từ mũ chúa. Đợt đó, ta cũng vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Sức khỏe vừa hồi lại một chút, đi thăm mũ chúa thì Chúa Tơ đã nở được một ngày. Ta bị mất cơ hội trò chuyện với con. Ta không được ôm con vào lòng. Các ngươi cũng biết là khi Chúa Tơ đã tập bay thì mọi lời giáo dưỡng của ta sẽ không có giá trị gì nữa. Giáo dục muốn vào khuôn khổ phải từ trong trứng nước, từ khi con ta còn nằm ngoan trong mũ chúa. Chúa Tơ quá khỏe, đúng là đứa con rứt ruột của ta. Nếu ta có lao vào chiến đấu để giữ ngôi thì có thể ta sẽ bị diệt vong trước, nên ta đã chia đàn. Ta ra đi, nhường lại tất cả cho con, ta đem theo một số quân trai tráng, trung thành đi đến đây. Lâu đài, thành quách này chính là thành quả của lần ra đi đó”.

“Đó là lần tách đàn duy nhất của Nữ Chúa?”

Ong Chúa gật đầu:

“Họ nhà ong buộc phải tách đàn khi trong tổ có hai chúa. Ta vốn ưa sự an cư. Trụ lại đây đã hai mùa hoa. Lâu đài xây ngày một nguy nga, lộng lẫy. Lương ong ngày một nhiều, đủ nuôi quân qua mùa hè nóng nực, qua mùa đông giá rét mà không phải tách đàn. Ta đã giữ vững ngôi vị Nữ Chúa, giữ yên vương quốc của mình không bị chia cắt”.

Ong thợ tò mò:

“Còn chuyện ngài chiến đấu với một ong Chúa khác để giữ vương quốc của mình?”.

“Có kẻ ngoài tung tin ta dẫn quân sang xâm chiếm lâu đài của họ nhưng không phải thế. Đó là một ong Chúa chia đàn khác đang đi tìm nơi ở mới đã bay vào xâm chiếm lâu đài của ta. Lúc bấy giờ đang cuối hè nóng nực, quân ta mỏng và non, quân bên kia thì xuống sức sau chuyến bay dài. Cuộc chiến khá nhiều thương vong. Ta đã hạ được ong Chúa đó nhờ một cú đánh hiểm. Sau ta thu phục đám quân lính ở lại. Quân số của ta đông lên, mật, phấn lấy về cũng nhiều hơn, tổ xây lúc một lớn, thành quách hiểm trở hơn. Những cánh ong khác bay qua nghe tiếng gió kêu vù vù từ trong tổ phát ra đã giật mình, không cánh nào dám bén mảng đến nữa”.

Ong đực tỏ vẻ thán phục:

“Nữ Chúa quả là tài năng bậc nhất loài ong. Nữ Chúa sẽ còn tiếp tục trị vì để cho thần dân được hưởng phúc”.

Ong Chúa khẽ cười, giọng trầm mặc:

“Ta cũng từng nghĩ ngôi báu, quyền lực, đế chế này sẽ là của ta. Nhưng than ôi, ta sinh ra làm ong Chúa cũng chỉ có một cuộc đời dù cuộc đời ta dài hơn đời các người hơn chục lần. Ta sinh ra chỉ duy nhất thực hiện một chuyến bay vào mùa hoa để hút tinh túy của sự sống trở về duy trì nòi giống. Đến một lúc nào đó, ta phải trao lại giang sơn gấm vóc này cho đứa con tinh tú nhất của mình, để nó tiếp tục làm Nữ Chúa, để vương quốc duy trì và phát triển. Hôm nay chính là thời điểm ấy. Sức ta sắp tàn, lực sắp kiệt rồi. Ta không muốn vì khư khư giữ ngôi báu quyền lực để đến lúc sẽ bị chính đứa con của mình cắn chết hoặc xua đuổi mình đi. Ta phải biết điểm dừng của mình để Chúa tơ bắt đầu điểm xuất phát. Chỉ có thế vương quốc của chúng ta mới phát triển được”.

Ong đực, ong thợ lặng ngắt, mặt tái đi. Ong Chúa tiếp:

“Tất cả những điều ta nói với các ngươi cũng là nói với Chúa tơ, kẻ sẽ kế vị ngôi báu của ta. Hai ngươi là những kẻ trung thành nhất, khi ta đi rồi, hai ngươi hãy ở lại phò tá cho Chúa Tơ trưởng thành. Hãy là mối đoàn kết trong vương quốc này. Chỉ có đoàn kết thì mới ổn định và phát triển được”.

Ong thợ run run:

“Nữ Chúa đi đâu? Tôi xin cùng một số anh em đi theo cùng. Nữ Chúa không thể đi một mình được”.

“Đời ong Chúa may mắn sẽ có hai chuyến bay: chuyến bay thứ nhất là bay vào mùa hoa để giao phối với bầy ong đực duy trì nòi giống, chuyến bay thứ hai là bay qua mùa hoa để mở ra một triều đại mới cho vương quốc của mình”.

Ong thợ đã rơm rớm nước mắt, giọng van lơn:

“Tôi nguyện sống chết bên Nữ Chúa. Tôi muốn ở bên hầu hạ Nữ Chúa đến hơn thở cuối cùng”.

Ong Chúa nghiêm giọng:

“Ta không thể bóp giết hết những đứa con Chúa Tơ của mình để mãi làm Nữ Chúa nữa. Ta đã kiệt sức rồi. Điểm dừng của ta là lúc này đây. Các ngươi nghe này, đây là sắc lệnh: lần này ta đi không phải là chia đàn xẻ ong, ta đi để nhường lại tất cả cho con ta, cho Chúa tơ của các ngươi. Các ngươi hãy ở lại tất cả để giúp cho vương quốc vững mạnh. Sẽ không được một ai đi theo ta. Không một ai cả!”.

Ong Chúa cúi xuống mũ chúa, thấy nắp mũ đang bị nhộng con cắn từ bên trong rách dần thì dịu giọng:

“Con của ta. Trong những giây phút chào đời thiêng liêng của các con như thế này, ta vẫn yêu con như các chị của con hồi trước. Nhưng con là người được chọn. Con hãy là một ong Chúa quyền năng và mạnh mẽ nhất để vương quốc của chúng ta không ngừng phát triển. Ta tin tưởng ở con. Ta yêu con”.

Nói rồi, ong Chúa quay ra ngay. Ong thợ định đi theo nhưng ong đực đã giữ lại, ánh mắt như thầm bảo: “Đó là ý Chúa, đó cũng là luật lệ của loài ong”. Phía ngoài cửa buồng mũ chúa, các ong đực, ong thợ đã dừng làm việc, cúi đầu im lặng tiễn biệt. Ong Chúa bước đi chậm chãi mà uy lực, nghe rõ phía sau lưng có tiếng nắp mũ bị cắn rách bục, tiếng lách mình chui lên của Chúa tơ.

Đó là đứa con thứ hai khi chào đời ta không được ôm nó vào lòng.

Ý nghĩ đó cứ trở đi trở lại trong đầu ong Chúa khiến bước chân của ong Chúa đã ra đến cửa tổ lúc nào không biết.

Ngoài trời, nắng đang sậm màu như mật ong.

Không quay lại, ong Chúa hít một hơi thật sâu rồi vỗ cánh bay vào màu mật ong đó.

Nguyễn Thu Hằng

Đánh giá bài viết 1 Star (1 lượt bình chọn)
Loading...