1.
Nền trời trải bồng bềnh mây trắng, cánh đồng rộng mở, gió rộng lượng tiếp sức. Diệp Vân cố đập cánh mạnh để lấy đà, đôi chân lướt thật nhanh trên mặt đất theo nhịp đập đôi cánh. Cơ thể chỉ là là trên mặt đất, nó không thể với tới bầu trời. Cô đã tập dượt trong nhiều buổi chiều ối đỏ. Cơ thể bị một sức nặng níu giữ, khiến cô cảm tưởng mình vô nghĩa. Nơi cô, đường kẻ giữa một người thường và một thánh nữ, hay một chú chim thực thụ đã không rõ ràng. Cô thấy mình là người mà chẳng phải người, chim mà chẳng phải chim. Thân thể ở dạng một sự pha trộn tức cười. Thằng Tự rót vào cô hào hứng. Nó bảo cô thử lại. “Ừ. Chị làm đây”. Thử đi thử lại, chạy lấy đà và đập cánh, như người ta thử đẩy con diều lên bầu trời. Lực bất tòng tâm. Cô kiệt sức, đôi cánh mỏi nhừ, trời chiều đỏ ối nhức nhối. Nó cho cô cảm giác vướng víu, khổ sở.
Tự mập thấp, chân thành, là người Diệp Vân tin tưởng. Trước đây, khi cô định tâm sự với cậu em hàng xóm có mái tóc cháy sém về đôi cánh thì nó đã hí hửng: “Em biết cả rồi, chị có một thứ thật đặc biệt. Đẹp như cánh cò mà lớn hơn nhiều”. Diệp Vân chớp mắt: “Em đừng nói cho ai biết”. Vân nhắc và mong chuyện của mình phải là một bí mật. Tự không dứt nụ cười đáng yêu: “Em không nói cho ai đâu”. Nó hứa và tò mò muốn được xem kỹ đôi cánh. Diệp Vân cởi hai cúc áo trên, xoay người lại, kéo trễ áo xuống để đôi cánh lộ ra. Tự ồ lên sung sướng. “Em mới chỉ nhìn trộm chị từ xa. Nhìn gần đẹp quá!”. Tự sờ lên nó, đúng là bộ cánh bằng thịt bằng xương thật, có lông vũ thật, mượt một cách tuyệt diệu. Tự không giấu nổi cảm xúc: “Vậy chị có bay lên được không? Như những con chim ấy”. Vân lắc đầu. Mặt Tự xịu xuống, như thể Tự chính là con chim vừa bay lên được rồi lại rơi xuống hồ. Cậu em hàng xóm thất vọng, người chị muốn rắc vào lòng nó vài hạt hy vọng, làm đầu nó nảy chồi tươi vui. “Chị có thể tập bay, em ạ”. Tự nhiệt tình tìm chỗ cho Vân tập tành. Đó là bãi cát mịn ven sông, nơi chung quanh bao che bởi cây chuối và ngô. Một nơi tuyệt diệu. Gió quê nắng quê vị quê nhuộm lòng cô đến mát và tâm trí cô đến trong xanh. Tự bị dị tật bẩm sinh một chân, đi tập tễnh nên chỉ ao ước được chạy bình thường như những đứa trẻ khác. Người ta bảo thay chân. Mà người ta nói cho vui thế, sao làm được điều đó, trừ khi có một phép màu.
Bây giờ Tự đứng đây, như nhiều buổi chiều, ngắm nhìn cô tập bay và thất vọng, buồn phát khóc. Giá Diệp Vân bay được, nó sẽ nhờ chị hỏi ông trời, vì sao bắt nó bị tật? Rồi xin chữa cho chân nó bình thường. Cứ như bầu trời và ước mơ của nó nằm tất cả ở cái chân dị tật.
Cô gái thật nhiều khát vọng. Cô muốn như ta, được bay thỏa thích bằng đôi cánh mình. Khuôn mặt thánh thiện và khuôn miệng thắm xinh của cô làm ta thấy tuổi trẻ mình. Đúng là tuổi trẻ, tươi nguyên màu khát vọng. Diệp Vân lại gần: “Xin cho cháu biết bay như bà. Hoặt cho cháu mượn đôi cánh của bà, chỉ một lúc thôi”. Ta lắc đầu. Không thể, mỗi người một số phận. Ta cũng như Diệp Vân, đã tập bay, tập mãi. Ta đã chinh phục bao cản trở để thành kẻ có tiền và có quyền. Hai thứ đó như đôi cánh. Có lúc ta đã biến tất cả mọi thứ quanh mình đều mọc cánh và phải trả giá rất đắt. Ta sở hữu người đàn ông chức sắc bụng phệ oai phong. Dưới một người mà trên triệu triệu người. Chỉ một lời của ông, bao nhiêu doanh nhân, kẻ có tiền, có chức phải vâng phục. Ta có tài. Đến một người như thế còn phải làm nô lệ cho ta.
2.
Người không thể bay lên, so với những ông bố bà mẹ sinh ra đứa con hở hàm ếch, hở van tim, tay chân quặt quẹo, đuôi mọc…thì ai đau hơn? Nỗi đau như thể trận mưa, chan đều cho tất cả mọi người xứ đồi thấp này. Các cụ trong làng biết nguyên do của những nỗi đau dị tật ghê gớm. Xưa kia đồi ông Toách rậm rạp, chứa kho thuốc sâu và hóa chất, mùi mẽ theo gió bay khắp nơi. Có thời gian bọn trẻ chăn trâu hay la cà, hít hà nguồn hơi độc. Mấy đứa nghịch ngợm, đập vỡ be bét chai lọ, mưa làm thuốc độc bò vào đất, ngấm vào cây, lan sang nhiều thứ, bò cả vào cơ thể người. Thứ chất độc hại là ti tỉ con ngáo ộp, rồi chúng sổng ra, ám vào đằng đẵng bao thân phận người, bắt họ è cổ gánh gồng tật bệnh và sự chết chóc. Sau này, kho thuốc được dọn đi, nhưng mạch nguồn đau khổ đã bò ám vào dây thần kinh con dân của làng. Khiến kẻ thì mọc đuôi, người thừa ngón tay, ngón chân, thiếu lá nách, thiếu bên thận. Lại có đứa trẻ nổi mụn hai bên vai, đang nhú ra cục thịt thừa thì chết năm lên mười. Mãi sau này kho thuốc được chuyển, nhưng tàn dư của nó còn ở lại. Thuốc độc tác oai tác quái, làm hại mấy đời người làng, đan cái rễ nhăn nheo khô khốc trên mặt họ. Nó thấm vào cả ráng chiều, làm cho ráng chiều ở vùng này thường xuyên đỏ quạch. Thấm luôn cả vào ánh trăng, làm trăng vùng lờ nhờ. Nhưng lạ là, chim chóc vẫn kéo về vùng đồi thấp, hằng ngày múa ca trên những tán cây nơi đồi ông Toách, chỉ cách vườn đồi của bà Nhường một đoạn. Chúng có một mối gắn kết với vườn cò Yên Bình của bà Nhường- bà ngoại Diệp Vân. Số lượng chim chóc trong vườn tăng lên rất rõ. Bà Nhường cảm nhận rất rõ. Diệp Vân yêu ngôi vườn, cô vui trong thế giới chim chóc, những ca sĩ bầu trời.
Lâu lắm rồi không thể nhớ nữa, Diệp Vân thường mơ ác mộng, thảm cảnh, sự chết chóc như cuốn phim quay nhanh. Đó cũng là khi hai vết sẹo bẩm sinh nơi hai bờ vai cô bắt đầu ngưa ngứa, tấy đỏ. Sự khó chịu làm cô phải quài tay ra gãi, làm nó ngày càng tấy, sưng lên. Vết sẹo khiến nhiều đêm cô chìm vào sốt nóng sốt rét và mê mị. Trong mơ, cô thấy người phụ nữ mặt sáng, tươi rói như mặt trời bay lượn khắp nơi để dạo chơi với một đôi cánh trắng hồng. Cô lại gần xin được chuyện trò. Người thật dễ gần, đã quan tâm cô. Nhưng khi cô mượn đôi cánh, hoặc nhờ bà dạy tập bay thì bà từ chối. Diệp Vân nài nỉ, cô đuổi theo, hét lên với bà. Cô tỉnh dậy, mồ hôi túa đầm đìa.
Người mẹ bí mật đưa Diệp Vân đi khám chữa, nhưng không ai biết bệnh gì. Nhiều người bảo mẹ cô cứ để như vậy, xem đó là thứ gì chứ chưa thể tác động bằng y học. Diệp Vân vô cùng khó chịu bởi vết sẹo đang nhú lông vũ, nó lớn lên từng ngày. Cô lại thường mơ thấy loài hoang điểu và cơ thể mình có một sự gắn kết vô hình. Nhiều khi, ngay cả những giấc mơ xảy đến vào ban ngày, đầu óc cô bị đưa vào vùng chập chờn sáng tối, thấy chim cò về đập cửa. Những con cò, con vạc gầy nhẳng, lông vũ tơ tướp, vấy bùn, con nào con nấy mặt mũi đờ đẫn, tuyệt vọng. Chúng hoang mang tội nghiệp tìm về vườn bà ngoại. Nhưng ngay cả ngôi vườn cũng đâu phải nơi trốn an toàn. Bọn cò tặc chẳng từ thủ đoạn, bất chấp phản ứng của bà lão chân yếu tay mềm, đêm xuống lại tìm cách chui vào vườn Yên Bình mà xục xạo, lục lọi, bắt những con chim ném vào bao tải, chở đi.
Mây vờn theo đường mây. Cô bé chằm chằm nhìn, đôi mắt to đen láy. Bóng mây lởn vởn phía sau. Ta dừng lại trên tán cây, quan sát. Diệp Vân muốn ta lại gần hơn. Nhưng ta mãi phải đập cánh theo cách của ta, không thể khác được. Ta không thể hạ cánh, hạ độ cao, ta phải bay trong nghiệp chướng đời mình. Tất cả chung quanh toàn người yếu hèn, ta không nhìn thấy điểm tốt của bất cứ ai. Họ xấu xa, bỉ ổi, ôm trong mình cả bầu nhan hiểm. Diệp Vân ạ, cháu hãy là cháu thôi. Cháu không thể thành kẻ giống ta, hãy chấp nhận, nương theo những gấp khúc của cuộc đời mà sống. Đừng cứng nhắc. Cái gì hả? Vẫn muốn một lần bay? Không được. Ta đang thèm mùi con người, muốn hạ mình ở mặt đất mà không được. Giờ chim chả ra chim người chẳng phải người, ta thấy mình bị đày ải, cầm tù ở trên cao vời vợi.
3.
Hai vết sẹo trên vai trổ thành đôi cánh thực thụ. Cô nói chuyện đó với mẹ. Mẹ lục tục đưa con tìm bác sĩ. Họ chẩn đoán đó là một đôi cánh, đang lớn dần lên và vẫn chưa thể tác động bằng y học. Khi Diệp Vân bước vào thời thiếu nữ, năm học lớp mười thì hai cái cánh của cô rõ hình hài, trắng muốt, tinh tuyền muốn xổ tung khỏi lần áo, vẫy vào không gian để được là chính nó. Chúng muốn ngụp trong nền trời mềm mại không ô nhiễm hiếm hoi còn sót lại. Diệp Vân không còn thấy ngứa hay đau đớn, ngược lại, đôi cánh cho cô cảm giác êm ái và tò mò. Cả nhà cô thì chìm trong sửng sốt và lo lắng, người này bảo người kia không để lộ chuyện này ra ngoài.
Phần Diệp Vân, không thấy mình là một cô gái nữa mà là con chim mang khuôn mặt con người, đủ đầy mịn màng trinh nguyên. Cô thèm thóc và sâu, thèm dang rộng đôi cánh để chúng chui hẳn khỏi lần áo, cho vạt lông vũ trắng ngần như bông phô ra trước thiên nhiên. Cô soi thân mình trên mặt ao quê tạm thời yên tĩnh. Nào đôi cánh, hãy vẫy đi, mạnh mẽ lên để bay thật cao. Cô sảng khoái hít thở trước thiên nhiên dài rộng.
Bà Nhường hoảng hốt bảo cháu hãy giấu đôi cánh đi, ăn mặc cho tử tế kẻo mà người làng nhìn thấy. Diệp Vân lúc lắc cái đầu, nói vâng. Cô làm nũng bà. “Cháu chỉ chơi với đôi cánh một chút thôi. Tại cháu thấy nó đặc biệt”. Còn bà Nhường thấy buốt ở tim. Bà bảo: “Đặc biệt gì, cháu thừa biết ở làng, có người mọc đuôi, có em từng hiện vết sẹo như cháu đã chết khi mười tuổi”. Diệp Vân nhấm nhẳng: “Cháu đã lớn ngần này mà không xảy ra chuyện gì hệ trọng, thì có nghĩa là sẽ chẳng chết!”.
Bà Nhường nguýt yêu cháu. Hai bà cháu chung nỗi niềm chim chóc, vừa âm ỉ vừa mãnh liệt. Diệp Vân đi chợ, thấy người ta buộc những chú chim tội nghiệp từng xâu, thành chuỗi bày bán. Từ đâu đó lan ra lời đồn, rằng những quả tim cò vạc cho vào ngâm rượu có thể giúp rất tốt cho sinh lý đàn ông. Bởi thế mà ngày càng nhiều người săn bắt, tận diệt chim cò. Bao lần cô bỏ tiền mua đem ra bờ sông phóng sinh, rồi không cầm lòng được, cô nặng lời với những người bán. Họ tròn mắt nhìn một cô gái non nớt: “Mua thì mua, không thì thôi, có gì phải dở giọng đạo đức!”. Diệp Vân bị chạm nọc: “Cháu không tỏ vẻ gì cả, nhưng đây là những ca sĩ bầu trời, nó cũng như đám trẻ con nhà các người vậy”. “Con ranh. Bọn này chỉ cần no bụng, nhá, chẳng ca sĩ hay nhân sĩ gì cả. Khôn hồn thì biến!”. Máu nóng của họ đã nổi lên, cô gái yếu ớt phải bỏ đi. Sự va chạm này cho Vân hiểu rằng, bảo vệ chim chóc chẳng đơn giản và đâu phải ai cũng nghĩ như mình. Cũng như bà ngoại, gần như cả đời tận hiến, lo lắng, cầu mong bình yên cho từng cái vẫy cánh, từng góc đêm đen. Nhưng mối nguy hiểm thổi về đây, ào ào từng đợt như mỗi trận lốc. Mối nguy đi theo sự nhẫn tâm, thiếu hiểu biết, hay nó đi cùng nhu cầu hưởng thụ, ăn uống thực dụng của người đời. Rằng vì miếng ăn, để no thỏa thói hưởng lạc, người ta sẵn sàng bẻ ngoéo mầm nhân đức trong lòng, để mầm gian ác mọc lên, đâm toạc thiên nhiên. Họ không nghĩ cho điều cao cả. Họ mở lòng đón nhận cái toan tính thấp hèn.
Bà Nhường không cản được bọn săn chim mang súng đạn và quả tim bất lương của chúng đến tàn sát đàn chim làm mồi nhậu, bán cho những nhà hàng đặc sản ngoài phố. Mỗi lần chúng đồng loạt giương súng và bủa lưới, chim trời tớn tác. Bà Nhường muốn ôm tất cả chúng bằng vòng tay nhân hậu, nhưng vẫn bất lực. Có lúc bà nói vào không khí: “Các con à, hãy về vườn mẹ mà trú, ở ngoài để bọn nó bắt cho, khổ!”. Hơn nửa thế kỷ đằng đẵng, bà ân cần gọi bầy chim là con, xưng là mẹ. Chẳng biết bầy chim bên ngoài vườn có nghe được lời bà. Xưa kia cả ông góp sức nuôi vườn. Rồi ông lên đường cầm súng bảo vệ quê hương, vẫn không quên nhắc vợ: “Mình ở nhà, giúp tôi nuôi nấng các con, và cả bầy chim nữa”. Ông Nhường hy sinh, để lại khoảng trống lớn trong lòng bà và vườn cò.
Đêm rót huyền thương vào giấc ngủ. Ta gặp lại Diệp Vân trong nỗi niềm khao khát của cả hai. “Cháu đến từ thế giới người, thật đấy, nên hãy chấp nhận nó”. Bao lần ta đã bảo cô bé, nhưng ở điểm này, cô bé bướng bỉnh thật. Cô bé vẫn muốn đôi cánh, lại còn muốn thi cùng ta xem cánh ai dang rộng hơn.
Làm sao cánh cháu rộng bằng cánh ta. Ta đã bay bao năm rồi, đến nỗi nó làm ta không thể bình thường được nữa. Trước kia, có lúc ta điều hành vài công ty, dưới chân ta bao người thèm ước, luồn cúi, cung phụng. Bọn trọc phú bao giờ cũng muốn vợ hoặc bồ của họ đến trước mặt ta để giới thiệu, để được hít hà nước hoa, nhuốm một chút hào quang của ta để họ thêm phần sang trọng. Nhưng làm sao họ trở nên sang trọng với tâm thế thấp hèn!
Ta là ta, nắm quyền uy, nắm thóp người có quyền uy, ta hiểu ở thế giới quyền uy thì không khí cũng bị pha vào sự giả tạo. Người này luồn cúi, nịnh nọt người kia. Kẻ thấp nịnh kẻ cao hơn, kẻ cao hơn nịnh kẻ trên đỉnh. Như gió đa tầng, như mây muôn sắc. Ai cũng bị giới hạn bởi một thứ gì đó. Ta đang mắc kẹt trong khi chỉ muốn làm một người bình thường. “Còn cháu không muốn bị đóng khung, thoát khỏi cành nghèo hèn”. Giọng Diệp Vân ầng ậc nước, như thể cô bé vừa từ cơn mưa về. Cô bé ngốc ạ. Cháu không khác được. Cháu đã bị đóng khung. Nhiều người như cháu cũng đã bị đóng khung nhưng lòng tham xúi giục họ dấn bước, tranh giành, lừa lọc để có một độ cao. Và rồi, họ thấy rằng độ cao đó cũng chả là gì.
4.
Làng rộn rạo đồn đoán. Khắp xóm trên, xóm dưới, ngoài xã, người ta xôn xao bàn tán. Chuyện Diệp Vân mọc ra đôi cánh không còn là bí mật. Nhiều bà con họ hàng đã đến hỏi han, dò la. Bọn săn chim chóc còn chộp luôn những chú chim cô phóng sinh. Bọn chúng cũng biết cô gặp mấy thành viên trong câu lạc bộ bảo vệ động vật hoang dã tìm kế chặn những họng súng, xé những cái lưới vây bằng bàn tay của chính quyền. Cô cũng đã là thành viên. Câu lạc bộ giải cứu những chú chim bị bắt để thả về trời. Họ làm nhiều cách, nài xin, mua và trao đổi với người dân, thương lái. Ngược lại, dã tâm của bọn thanh niên không ngừng được mài nhọn. Một ngày chúng gặp cô soi đôi cánh bên ao ước nên hò nhau đuổi bắt. Chúng hét lên: “Kìa, con bé có đôi cánh, nó là giống ma, giống quỷ”.
Tiếng thét ghê rợn theo, quấn riết cô mỗi lúc một gần. Cô không kịp thu lại đôi cánh mà cắm đầu vòng nhanh ra phía bìa làng. Sỏi kêu lạo xạo dưới chân, gió ù ù qua tai, qua cánh. Những kẻ săn chim cầm đá, gậy và súng đạn hoa cải rượt nhanh. Cô đổ dốc rồi leo lên đê, rồi lại đổ dốc xuống đường mòn bên sông. Lũ săn chim đuổi phía sau ném gạch đá, người nổ súng đạn hoa cải chíu chíu. Cô lao vào những lùm cây dại. Cây ven sông đón lấy, cô gái ngã xuống hố cát khô và kín. Tim thình thịch đậm. Cô nín thở. Thôi thì núp ở đây vậy. Cô thu lại đôi cánh rồi khẽ khàng chuyển sang vị trí nằm kín nhất. Bước chân những gã săn rợn rạo phía bên kia. Chúng lùng sục. Chúng nói với nhau: “Tóm được nó, phải xem nó là thứ gì. Có khi đáng giá hơn những con chim đáng giá nhất”. Cô dùng tay đỡ ngực để tim khỏi nhảy ra ngoài.
Chúng đi rồi. Thật khiếp hãi. Cô thở phào vì thoát khỏi bàn tay đám thanh niên. Nhưng chúng sẽ không buông tha. Cô nghĩ. Chúng sẽ vu cô là đồ ma quỷ, tìm cách vặt cánh, và Diệp Vân luôn căng mình trong sự lẩn trốn. Trên đường đến lớp hay trở về, cô rủ nhiều người bạn đi cùng để các bạn che chở. Nhưng đám thanh niên đã bắt được cô vào một buổi chiều ối đỏ. Chúng xé toạc áo, hò hét, tròng ghẹo, mặc Diệp Vân vùng vẫy, cầu xin. Chúng đã kéo hẳn đôi cánh cô ra mà cười cợt, chế nhạo, làm nó trầy xước, mỏi nhừ. Đến khi được mấy người dân và cậu An chạy ra giải cứu, Diệp Vân đã bị bê bết bùn đất và máu me.
Bố mẹ Diệp Vân báo công an, rồi bọn gây ra những vết thương trên cơ thể Diệp Vân chỉ bị nhắc nhở, phạt hành chính mấy đồng, rồi chuyện đó chìm vào im lặng vì người ta để ý đến dự án mở đường qua xã, lấy vườn cò Yên Bình làm dự án cụm công nghiệp. Người nghèo cứ thấy có đường đi qua, lấy đất là mừng nhảy thách lên. Họ sẽ được cầm bọc tiền đền bù. Bao đời qua, ước mơ của người vùng này không vượt khỏi cái cây trên đồi ông Toách, không cao bằng cánh cò Yên Bình, người học đại học trên toàn xã chỉ đếm bằng đầu ngón tay. Như thể thuốc độc làm lùn họ đi, làm đầu họ tin hin bé lại. Thuốc độc làm họ chỉ nhìn xuống chân mình chứ chẳng biết được kiến thức là chìa khóa thoát nghèo. Mấy ông bà lém lỉnh một xíu thì đi buôn, nhìn xã bên mà buôn. Rồi vùng này cũng có tí chút gọi là nông thôn mới. Song đó chỉ là chiếc áo ngoài. Bên trong họ rỗng tuếch và hễ muốn lấp đầy là họ chỉ nghĩ đến dùng thức ăn. Nhưng đố kỵ thì không đâu bằng, tò mò cũng nhất. Họ coi bà cháu Diệp Vân như người từ thế giới khác. Tại sao phải bảo vệ lũ chim trời khi bụng còn chưa no?
Bà Nhường cùng cháu tớn tác gặp cán bộ xã cả chục lần, xin họ giữ lại vườn cò, nhưng không được lắng nghe. Bà lại lặn lội lên gặp cán bộ huyện, cán bộ huyện bảo đây là dự án ở trên quyết định, vượt quá thẩm quyền của huyện. Trên là ở đâu, ở tỉnh à, vậy thì gặp ai, tìm ai để kêu giữ lại sự sống cho ngôi vườn của gia đình bà?
Hai bà cháu Diệp Vân muốn giữ vườn mà đâu có được. Này, cháu đang đi ngược đường bọn săn chim chóc, kẻ ăn xổi. Ta khác, ta giàu có, ta từng muốn gì được nấy, không phải đi xin người ta mà chỉ người khác tìm đến ta mà xin. Nhưng tim ta, kể từ khi trở nên giàu có, cũng đã vô cảm với thời cuộc. Ta không ưa người nghèo, căm ghét kẻ nghèo khổ. Ta thấy thế giới kẻ giàu đầy khiếm khuyết còn kẻ nghèo đầy đớn hèn. Và giờ, ta muốn trở lại làm người bình thường, nhưng không ai cất giúp ta đôi cánh.
– Vậy bà xin với đấng bề trên, xin được hạ độ cao – Diệp Vân nói.
– Ta đã cầu xin, thậm chí đã tập để hạ thấp độ cao, để ở lại mặt đất. Nhưng ta bất lực. Có cái gì đó vô hình cứ treo ta lên. Ta không thể cúi xuống, ta không thể hôn đất đai, chân chẳng bao giờ chạm vào nồng nàn sông suối. Chồng con bỏ rơi ta. Đồng nghiệp khinh ghét ta. Người đời còn phỉ nổ trong hả hê. Bi kịch của ta giống như cháu, chúng ta đang quẫy đạp để được đi về hai hướng ngược nhau. Giá mà ta và cháu có thể thay thân phận, ta mong được làm người.
Gió ù ù, mây chồm tới, bồng bềnh, xanh trắng, mênh mang.
6.
Chim chóc vẫn về, gió vẫn gió, mây vẫn mây, lòng “mẹ cò” ngập nỗi hoang mang. Khi chờ đợi người ta quyết định số phận của vườn cò thì bọn cò tặc muốn vơ vét bầy chim để làm mồi nhậu. Ác nghiệt hơn, chúng xông vào vườn bà Nhường giữa ban ngày, như thể chúng là chủ. Gặp chúng, bà đe:
– Tao sẽ báo công an gô cổ chúng mày lại. Cha mẹ chúng mày không dạy được chúng mày à!
Mấy tên mặt câng câng vênh váo, hô hố cười, thách thức:
– Công an chả làm gì được bọn này đâu. Đằng nào vườn chẳng bị cày xới trong nay mai. Mà bà giữ mấy con cò làm gì!
Một bà già thì làm gì nổi đám choai choai biết xấc láo trước khi biết chữ. Chúng chưa hiểu thế nào là vẻ đẹp và những giá trị của cuộc sống vững bền.
– Tao giữ chim cò thì mặc tao. Liên quan gì? Chúng mày đừng có láo!
Buông xong những lời đanh thép, bà Nhường chợt ân hận vì đã nói lý với lũ xấc xược. Chúng mà nghĩ được lời bà thì đã chẳng đâm bao vết thương, làm vườn rỉ máu.
Bọn chúng cười khành khạch:
– Ôi cha ôi, mặc cơ đấy. Bọn này cũng đếch cần biết vườn của ai. Cứ tóm được con nào là nhậu luôn con đó.
– Tao cấm.
– Chúng là chim hoang, vô chủ, bọn này muốn tóm bao nhiêu thì tóm.
Nói xong, chúng vây bà lại rồi cử hai thằng xông vào bắn chim. Lúc cha Diệp Vân và cậu An về thì mọi sự đã rồi. Bọn cò tặc chạy mất, bà Nhường thẫn thờ ngồi nhìn bầy cò vạc nháo nhác trong vườn, khản giọng kêu trên không trung. Bà bất lực bật khóc. Mấy chục thành viên trong đàn đã bị bắn hạ, mang đi. Tán cây bị thương, bầu trời bị thương, tim bà Nhường rỉ máu.
Một đêm hun hút, gió thổi rát mặt đêm. Bà Nhường cảm nhận chuyện chẳng lành với đàn cò nên đã gọi con trai dậy, cầm đèn pin ra vườn. Trong vườn xuất hiện những ánh đèn pin loe lóe, loẹt xoẹt sục sạo. Làm sao bây giờ? Diệp Vân cũng lao theo cùng bố mẹ, bà và cậu An. Phải chặn bọn cò tặc. Bố Vân và cậu An lao ra chặn lối thoát chính. Biết bị phát hiện, bọn chúng tắt đèn pin, tìm đường lui. Bà Nhường đuổi theo một tên loạt xoạt xách tải chim bỏ chạy về phía nam. “Thằng kia, tao sẽ tóm mày”. Trong lúc giằng co, tên cò tặc lấy sào tre nhọn, đâm thẳng vào bà Nhường. Màn đêm bị chọc thủng. Một cảm giác tan biến xâm vào cơ thể. Toàn thân dần lạnh. Máu thấm ướt ở lần áo. Bà khuỵu xuống…
Đó là buổi sáng trời mưa lo lắm. Bầu trời khóc để tiễn đưa bà Nhường về với ông Nhường. Chiều lại về nhức tấy, bầu trời đỏ như máu, hàng nghìn cò vạc lượn lờ chầm chậm trên nóc vườn, kết vào nhau như những dải khăn tang. Tên giết người bị tóm, nhưng điều đó đâu giúp bà Nhường sống lại. Mắt Diệp Vân sưng húp, nhòe mờ. Khổ thân bà lão bình dị, cả đời chỉ ao ước làm điều tốt, giữ gìn một thứ gì đó có ý nghĩa. Vậy mà không được nữa. Cô lại khao khát bay thật cao, thật xa. Bay để kể với bầu trời, với một đấng bậc nào đó, rằng mình muốn làm điều gì đó có ích. Cô ước được tháo bỏ xiềng xích, cho đôi cánh có thể với tới rộng lượng mây gió. Cô mong những thứ độc hại không hoành hành vùng quê của mình nữa, đừng thêm đứa trẻ nào sinh ra tiếp tục khuyết thiếu những chi tiết bên trên và trong cơ thể. Một phép màu chẳng hạn, cho thằng Tự lành lặn, khỏi phải tàn tật xiêu vẹo.
Bà Nhường mất, Diệp Vân gầy rộc, ngây dại, chỉ đôi mắt long lanh. Cô bé thường chìm vào giấc mơ và những trận sốt. Trong mơ cô hay nhắc tên các thành viên trong gia đình và thằng Tự, hàng xóm. Hai vai cô nhức mỏi, đôi cánh thừa thãi, rã rời. Cô bé cầu xin trong gay gắt. Ô hay, ta còn chẳng giúp được mình, làm sao giúp một cô bé nửa người nửa chim, lại còn hứa làm những điều tốt đẹp bằng khả năng bay. Ta nhẫn nhịn, không muốn nổi giận. Này, không phải ta xúc phạm cháu đâu. Có nghìn vạn kẻ như ta, chinh phục, đánh đổi cả nhân phẩm, lòng tự trong để một ngày có đôi cánh, chỗ đứng trong xã hội, tiền quyền đầy mình, nhưng đã quên bẵng những gì mình từng hứa hoặc dự định làm. Rồi nhiều kẻ đã rơi, lại bị tù hãm trong nhà tù đời, người người kinh rẻ. Như thế há chẳng đáng tiếc lắm sao. Làm một kẻ thánh thiện khi đã đạt ước nguyện ư? Không. Sẽ vẫn chỉ là lũ nuốt lời thôi. Khi ở độ cao như ta, bọn họ sẽ nghĩ khác, đuổi theo cái khác nữa. Lòng tham đuổi theo lòng tham. Toan tính đua với toan tính. Nên đừng có mơ trồng hoa lấn cỏ dại, Diệp Vân ạ.
– Bà có thể giúp cháu giữ vườn cò. Xin bà làm phúc, cháu không thể tìm được cách nào khác.
– Ta đã nói rồi, chính ta cũng không thể tốt được như cháu. Ta có nỗi khổ của mình và chẳng can thiệp được vào cái chỗ mà cháu đang nhờ. Nơi đó có một vết thương chưa thể khâu lại. Đó là bi kịch mà ta mắc phải.
– Cháu không hiểu người như bà thì bi kịch thế nào. Bà muốn gì được nấy, tha hồ ngắm thế giới tươi đẹp, hưởng thụ. Còn cháu, muốn khác một chút đi cũng không được. Cháu mãi là đứa con nhà nghèo, vùng này mãi tồi tàn.
– Ta biết việc mình, đang cần gì. Nghèo cũng khổ, giàu cũng khổ, chỉ biết đủ và lòng dạ bình an thì luôn sướng.
Cô bé hồn nhiên xòe đôi cánh như thể muốn khoe:
– Vậy bà cứ làm lòng mình bình an đi.
– Đó là một thứ xa xỉ mà người có tiền và quyền như ta luôn thiếu.
7.
Không còn bà, Diệp Vân đi tìm công lý cùng bố và cậu An. Cô vẫn bảo đó là hành trình tìm công lý. Mọi người ôm quyết tâm giữ ngôi vườn cho chim chóc trú ngụ. Câu lạc bộ mà Diệp Vân tham gia cũng động viên gia đình, tìm cách giúp đỡ bằng các tác động từ bên ngoài. Song dự án ấy vẫn được làm, đành phó mặc mạng sống bầy chim cho thiên nhiên. Cô ngồi thẫn thờ bên vườn. Thế là hết. Cả gia đình chẳng thể chống lại quyết định từ các cấp đang muốn dự án được thực hiện. Diệp Vân không đừng được khóc. Khóc trong thực tại. Khóc cả trong mơ. Đất đồi nhiều, sao cứ phải là ngôi vườn đó, sao cứ phải tấn công vào nơi có cả nghìn mạng sống?
Vườn bị cày xới, đàn chim chi chít khóc than. Tổ ấm của chúng bị đánh tan hoang để người khác no đủ và hưởng lợi. Muôn đời người này ăn vào kẻ khác thôi. Diệp Vân ngồi ôm thằng Tự khóc ngặt nghẹo. Rồi cô đứng lên, tiến về phía vườn. Cô gọi bầy chim, khản giọng. Không biết chim chóc có nghe được lời cô, còn bọn săn cò thì hò nhau. Chúng lại muốn vặt đôi cánh tinh tuyền. Diệp Vân bỏ chạy, cứ thấy bóng hình táo tợn với mấy cái đầu trọc lốc là khiếp hãi. Chân lọ đá vào chân kia, ngã sấp, lại gồng mình đứng lên, chạy. Vừa chạy vừa tháo áo, để cánh chồi ra. Cô lao về phía đồng ruộng um úm nước. Cô cố bay lên thoát thân, nhưng cơ thể vẫn cứ là là trên mặt ruộng. Cô chạy về phía sông, hy vọng bãi cát có thể giúp cô chạy nhanh hơn, và cơ thể được nhấc bổng. Nhưng không, cô kiệt sức, ngã xuống mép nước. Bọn chúng khép vòng vây, cô gái sợ hãi không thể nhấc mình lên khỏi nước, toàn thân run lập cập. Ba thằng xông vào dìm đầu cô xuống nước, rồi nhấc lên, rồi lại dìm. Cô ngạt thở, nhũn mềm như cái giẻ. Chẳng lẽ mình chịu chết trong giây phút này, bởi bọn thanh niên ác ôn, ngu đần ở vùng nông thôn nhiều thuốc độc? Không, mình không cam tâm, mình chưa muốn chết. Lấy hết sức có từ đôi cánh đã bao lần tập luyện, cô giãy mạnh, bật khỏi tay bọn chúng. Tức thì, cô xòe cánh, đập một cú như trời giáng vào mặt chúng. Chúng choáng váng.
– Chúng mày chết đi.
Cô gái hét lên và đôi cánh nở rộng, đập lên mặt nước, cơ thể đã được nhấc bổng. Diệp Vân bay lên. Oa. Một cảm giác được bứt phá, nhẹ nhõm, thoát ra khỏi trói buộc, cầm tù. Không còn giới hạn che khuất, cô tự do bay trong bốn phương tám hướng. Lồng lộng bầu trời mở rộng đón cô, vườn mây, thế giới mây đón cô. Phía xa là thằng Tự, khi biết Diệp Vân bị nhóm thanh niên đuổi bắt, nó đã chạy theo. Nó ngước lên nhìn Diệp Vân đập cánh trong không trung, bứt phá mặt nước lăn tăn. Mấy thằng thanh niên lồm cồm bò dậy, ngỡ ngàng trước cảnh tượng trước mắt.
Cô gái như thiên thần bay lượn trong bầu trời trong xanh. Tự đứng hiên ngang nhìn chị, vỗ tay, còn bọn thanh niên không chớp mắt. Tuyệt quá, mình đã bay được, đã lên được với mây trời, mình sẽ bay khắp nơi, bay đến cuối đất cùng trời. Tự ơi. Chị thoát khỏi sự kìm kẹp của mình. Chị đã bay. Chị đã thực hiện được ước mơ. Diệp Vân chao liệng một vòng, duyên dáng, tinh tuyền. Rồi cô nhập vào rừng gió và mây trắng.
Ta phải nghĩ lại về chuyện đáp xuống. Cô gái bé bỏng kia đã bay được khi bị dồn tới đường cùng. Còn ta, ta phải làm gì để trở lại là mình? Có lúc, ta muốn một lần gặp cô gái tội nghiệp đó trực tiếp, chứ không phải trong giấc mơ, để nói cô đừng tập bay nữa, số phận đã an bài. Cô vẫn chỉ là người bình thường, dù có đôi cánh. Nhưng ta sợ nói thêm, cô gái không sống nổi. Cô có còn gì đâu ngoài đôi cánh. Ta không muốn tước mất niềm hy vọng cuối cùng của cô. Có thể ta đã sai, còn cô đúng. Ta đã sai khi ước muốn đứng ở độ cao này, càng sai khi nghĩ rằng cô bé mãi chỉ ở mặt đất.
Ô kìa những họng súng ác ôn đang giơ lên. Chíu chíu. Xoạt. Tiếng đạn xé gió. Mấy thằng cò tặc khác lao đến, lăm lăm súng trong tay. Bọn chúng quyết tâm ra tay. Diệp Vân ơi, bay cao lên, đừng để bị thương, chúng sẽ cắt mất đôi cánh của cháu. Ta nói, và lao ra, chìa tay mình cho cô gái nắm lấy.
Nguyễn Văn Học
Bài viết liên quan: