Bài viết tập trung làm rõ thêm về truyền thuyết cội nguồn dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở nguồn tư liệu khai thác được, tác giả lý giải một số nội dung, góc độ về cội nguồn dân tộc ta từ câu chuyện kể về vua Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân với Âu Cơ đến các Vua Hùng. Từ đó, đề cập đến vùng đất Tổ ở Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) với tục thờ cúng Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các vua Hùng nơi đây.
Theo huyền sử, dã sử, các truyền thuyết, thần thoại, và truyện kể dân gian thì con cháu người Việt có nguồn gốc tổ tiên họ Hồng Bàng. Người Việt xưa lưu truyền nhau nối đời câu chuyện về mối tình lịch sử đầy lãng mạn giữa Lạc Long Quân với nàng Âu Cơ. Từ cuộc hôn nhân lịch sử này đã tạo ra nói giống người Việt gắn mới mối liên hệ con cháu Lạc Hồng. Từ đó, các thế hệ về sau suy tôn Hùng Vương – người con trai trưởng của Lạc Long Quân với Âu Cơ làm Quốc Tổ. Cũng từ đây, vùng đất Phú Thọ được xem là đất Tổ của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, khi chúng ta lùi xa hơn về thời gian lịch sử, nhiều quan niệm nhắc đến vị thủy Tổ đầu tiên của người Việt là Kinh Dương Vương. Đồng thời, vùng đất Hà Tĩnh ngày nay được xem là nơi lưu giữ dấu tích tổ tiên Lạc Hồng.
1. Hiểu thêm về truyền thuyết cội nguồn dân tộc
Nguồn tài liệu thư tịch sớm nhất của nước ta ghi chép về họ Hồng Bàng và Kinh Dương Vương là cuốn Lĩnh Nam chích quái. Ở phần Tiểu truyện sách này có viết: “Đế Minh, cháu ba đời họ Viêm đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam, đến núi Ngũ Lĩnh, lấy con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Tục dung mạo đoan chính, thông minh, phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường ngôi cho anh. Đế Minh liền lập Minh làm kẻ nối ngôi để trị đất Bắc. Lại phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để trị đất Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ”(1).
Câu chuyện này được nhiều nhà sử học như Phan Huy Chú, Ngô Sỹ Liên, Ngô Thì Sỹ, các sử thần nhà Lê, Quốc sử quán triều Nguyễn… chấp thuận và ghi chép tương tự ở nhiều công trình sử học quốc gia như: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục… Nhiều nhà sử học và người xưa đều xem Kinh Dương Vương là vị vua đầu tiên của nước ta.
Như vậy, Kinh Dương Vương là tên hiệu của Lộc Tục khi được vua cha Đế Minh cho cai quản đất phương Nam. Ở đây, Vua ngoài sự đoan chính, đức tính thông minh, phúc hậu thì còn là con người biết khiêm nhường, lễ độ, không tham lam. Bởi vì khi được vua cha tỏ ý nhường ngôi thì Lộc Tục liền từ chối, cố nhường cho anh cả là Đế Nghi.
Trên cơ sở nguồn tư liệu cổ và dấu tích khảo cổ học thì nước Xích Quỷ do Kinh Dương Vương cai quản ban đầu bắt nguồn từ hồ Động Đình (vùng Lưỡng Quảng Trung Quốc ngày nay) đến Hà Tĩnh tiếp giáp với Quảng Bình. Trong quá trình cai quản vùng đất phương Nam, Kinh Dương Vương lựa chọn vùng đất Hà Tĩnh làm kinh đô quốc gia mới. Phần này tác giả sẽ viết thêm ở mục sau.
2. Hiểu thêm về câu chuyện tình giữa Lạc Long Quân với Âu Cơ
Tư liệu cổ có viết rằng: “Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thủy phủ, lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước”(2). Như vậy, Lạc Long Quân là con trai đầu của mối tình giữa Kinh Dương Vương với con gái Long Vương ở hồ Động Đình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên thì bà tên hiệu là Thần Long(3).
Theo các truyền thuyết, thần thoại, huyền sử cũng như cuốn Lĩnh Nam chích quái và nhiều bộ quốc sử sau này đều nhận định Lạc Long Quân đã lấy nàng Âu Cơ. Kết quả cuộc hôn nhân lịch sử mang tính quyết định này là nàng Âu Cơ mang thai một bọc trăm trứng, mỗi trứng nở ra một người con: “Lạc Long Quân kế tiếp họ Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc có điềm lành sinh ra trăm con trai, tổ của Bách Việt thực sự bắt đầu từ đấy, hưởng nước lâu dài, giàu có sống lâu và nhiều con trai, từ xưa tới nay chưa từng có vậy”(4).
Cùng chung sống với nhau ở nước Xích Quỷ một thời gian, bỗng nhiên một hôm vua bảo với Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về biển Nam Hải”(5). Theo logic của truyền thuyết thì điều này là hợp lý. Bởi vì tiên từ trên trời xuống núi, còn rồng thì chỉ có đủ sức mạnh và quyền uy khi ở dưới nước.
Sau cuộc chia tay quyết định đó, mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên ở đất Phong Châu (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay). Họ đã “cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang”(6). Điều này cho thấy ngay từ đầu, trong tâm thức và văn hóa, văn minh của người Việt thì người phụ nữ đã là một nửa giang sơn. Vì vậy, không thể nói ngày xưa thân phận người phụ nữ không được xem trọng. Bởi ngày xưa ấy là ngày xưa ở thời điểm này!
Sử gia Ngô Thì Sỹ có viết: “Hùng Vương nối nghiệp Lạc Long, chăm ban đức ban ơn vỗ về dân chúng, chuyên nghề làm ruộng nuôi tằm, không lo tới việc binh đao chinh chiến”(7). Tương truyền các vua Hùng truyền ngôi nối nhau được 18 đời, sau đó thì bị mất nước vào tay Triệu Đà.
Công cuộc dựng nước và giữ nước suốt 18 đời vua Hùng được đề cập khá nhiều trong các truyện kể dân gian, truyền thuyết như Bánh chưng bánh dầy, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Trầu cau, Dưa hấu… Những câu chuyện này giống như bộ sử dân gian, vừa đượm màu sắc huyền thoại vừa chứa đựng những cốt lõi lịch sử. Sau này, nhiều công trình sử học nước ta có đề cập cụ thể, thuyết phục hơn về thời các vua Hùng. Tiêu biểu có các sách như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư…
Trên cơ sở đó, vùng đất Châu Phong được xem là đất Tổ của các vua Hùng. Nhiều quan niệm dân gian, tín ngưỡng bản địa cũng như tín ngưỡng dân tộc đều xem Hùng Vương – người con trai cả của Lạc Long Quân và Âu Cơ là Quốc Tổ dân tộc ta.
3. Hà Tĩnh với tục thờ cúng Vua Hùng và các Thủy Tổ dân tộc
Ngược dòng thời gian trước thời các vua Hùng dựng nước, chúng ta thấy cội nguồn dân tộc bắt đầu từ cha rồng Lạc Long Quân với mẹ tiên Âu Cơ và xa hơn là Kinh Dương Vương. Theo nhiều tư liệu cổ sử thì cả 3 vị Thuỷ Tổ này từng ở vùng đất Hà Tĩnh và lập kinh đô tại đây. Sau cuộc chia tay giữa Lạc Long Quân với Âu Cơ thì 50 người con mới cùng mẹ lên vùng núi Phong Châu (Phú Thọ).
Bởi vậy, trong tâm thức người Việt cổ cũng như quan niệm dân gian vẫn xem Hà Tĩnh cũng là vùng đất Tổ của dân tộc hay là cái nôi của tổ tiên Hồng Lạc. Nơi đây, vị vua đầu tiên là Kinh Dương Vương đã cho dựng kinh đô của đất nước thuở đó.
Tương truyền, từ buổi đầu dựng nước, phải tìm đất định đô, Kinh Dương Vương đã hướng vào vùng đất Hồng Lĩnh. Từ trên đỉnh núi cao nhìn xuống, nhà vua nhìn thấy nơi đây núi dăng thành lũy, khe chảy thành hào. Non thì đủ cao, sông cũng đủ sâu, đồng điền đủ rộng. Con người khả dĩ có thể tự làm lụng để nuôi sống lâu dài. Phóng tầm mắt ra xa, phía đông có đại dương muôn trùng sóng cả, phía tây lại có núi non điệp trùng, khi tiến có thế công, khi thoái có thế thủ. Đây là điều lợi thế bậc nhất cho một vương triều khi mới sơ khai định đô. Với tầm nhìn bao quát càn khôn đó, Kinh Dương Vương đã chọn đây làm nơi dựng đô. Sau đó, để định chính đô giữ vững giang sơn, cơ nghiệp rộng lớn, Kinh Dương Vương đã thiên di ra vũng núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) rồi cử Lạc Long Quân trấn giữ kinh thành. Từ đó, Ngàn Hống không còn là kinh đô của đất nước. Tuy nhiên, những dấu tích về một thiên truyện thần kỳ trên dãy núi Hồng 99 ngọn vẫn còn lưu mãi trong tâm thức dân gian.
Trong cuốn Đại Việt sử ký tiền biên, tác giả Ngô Thì Sĩ có nhận định rằng: “Kể từ khi Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng nối dòng dõi vua Thần Nông, lấy con gái vua ở Động Đình đã làm sáng rõ đạo vợ chồng, làm đúng đắn nguồn gốc phong hoá. Vua thì lấy đức cảm hoá dân, chỉ rủ áo chắp tay; dân thì cày ruộng đào giếng, sớm làm tối nghỉ, đấy là phong thái cổ thời Viêm đế chăng?”(8)
Trải qua hàng trăm ngàn năm với sự khắc nghiệt của tạo hóa, sự biến động của lịch sử mà đa số các di tích, dấu tích thời Kinh Dương Vương dựng nước ở dãy Hồng Lĩnh dần bị phai mờ, thậm chí còn phế tích và biến mất. Song, với đạo lý Uống nước nhớ nguồn, ý thức về văn hóa tâm linh, cội nguồn bằng tinh thần bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, chính quyền và nhân dân địa phương đã đóng góp công sức để khôi phục, tôn tạo lại dấu tích tổ tiên. Nhờ đó, ngôi cổ tự chùa Đại Hùng được dựng lại khang trang trên dãy Hồng Lĩnh.
Điểm khác biệt lớn nhất của chùa Đại Hùng so với các chùa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là chùa không chỉ là nơi để mọi người dâng hương niệm Phật vào các ngày lễ trọng của nhà Phật, mà hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ Tổ Hùng Vương, toàn thể nhân dân địa phương và vùng phụ cận như Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, tỉnh Nghệ An… đều đến đây để dâng hương tưởng niệm vị Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các vua Hùng. Theo thống kê chưa đầy đủ thì chùa Đại Hùng là một trong 1.417 di tích có thờ cúng các vua Hùng trên cả nước và là điểm thờ các vua Hùng duy nhất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Một nét khác biệt nữa là chùa Đại Hùng ngoài thờ cúng các vua Hùng thì đây còn là nơi hiếm có thờ cả Quốc Phụ Lạc Long Quân, Quốc Mẫu Âu Cơ và Thủy Tổ Kinh Dương Vương. Mặc dù đây là một thiết chế Phật giáo nhưng Nhân dân quanh vùng đã cộng hưởng huyền sử Kinh Dương Vương định đô trên dãy Hồng Lĩnh kết hợp quan niệm “đất của vua, chùa của làng” nên họ đã gắn tín ngưỡng dân gian thuần Việt thờ cúng Tổ tiên với đạo Phật. Đây cũng chính là một nét độc đáo, là sự khẳng định giáo lý nhà Phật có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Việt Nam.
Điều này cũng cho thấy tổ tiên luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của Nhân dân, bất kể là người theo tôn giáo hay không. Những hoạt động tâm linh, tình cảm của người dân nơi đây đối với vị Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các vua Hùng luôn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, vượt cả không gian và thời gian.
Những ngày đầu tháng 3 âm lịch hàng năm, các gia đình quanh vùng đã tập trung về chùa dọn dẹp, sơn quét, tu sửa các hạng mục thờ tự để chuẩn bị cho ngày dâng lễ. Vào các ngày từ mùng 5 đến đúng ngày mùng 10 tháng 3, mỗi ngày đều có hàng trăm nghìn lượt khách từ các huyện, tỉnh bạn đến chùa dâng hương. Đến lễ giỗ chính thức, có đến hàng vạn người tham gia rất trang nghiêm. Lễ vật mọi người đến dâng chủ yếu các sản phẩm nông nghiệp như bánh chưng, bánh tét, hoa quả…
Tuy là nơi thờ Phật nhưng không chỉ có tín đồ, phật tử mà bà con không theo Phật cũng đến để dự lễ giỗ Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các bậc vua Hùng. Họ dâng nén tâm hương hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về vùng đất Tổ Phú Thọ bằng tất cả tấm lòng tri ân, thành kính và cầu mong cho đất nước được thanh bình, thịnh vượng.
Điều hành chính lễ đều do các sư tăng, đại đức thực hiện. Bài văn tế ca ngợi công lao dựng nước của vị Thuỷ tổ Kinh Dương Vương và các bậc vua Hùng được các bậc túc Nho trong vùng soạn thảo rất trau chuốt, thể hiện sự trân trọng và tri ân đối với các bậc tiền nhân có công dựng nước.
Hiện nay, lễ giỗ Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các bậc vua Hùng đang được chính quyền địa phương tập trung nghiên cứu và khôi phục các giá trị truyền thống của cha ông. Quá trình này được thực hiện với phương châm “gạn đục khơi trong” để lễ hội truyền thống này thực sự là sản phẩm sáng tạo của Nhân dân và do Nhân dân tổ chức thực hiện.
Vượt ra khỏi không gian tỉnh Hà Tĩnh ngày nay, bên kia dòng Sông Lam thì Nhân dân Nghệ An cũng thực hiện lễ giỗ Tổ Hùng Vương đều đặn hàng năm. Có lẽ từ thuở trước, Hà Tĩnh với Nghệ An từng là một vùng đất chung thuộc bộ Cửu Đức, rồi trấn tỉnh Nghệ An. Mãi đến năm 1831, cuộc cải cách của vua Minh Mệnh mới cắt đất Hà Tĩnh ra hẳn làm một tỉnh với tên gọi như hiện nay.
Trong không gian địa lý, hành chính chung suốt hàng trăm ngàn năm đó, một số địa điểm trên đất Nghệ An cũng thờ cúng và làm lễ Giỗ các Vua Hùng rất chu đáo. Tiêu biểu là chùa Đại Tuệ ở Nam Đàn, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, đông đảo nhân dân quanh vùng thường về chùa để dự lễ rất trang nghiêm. Vào dịp đầu xuân, một số ngôi chùa trong tỉnh làm lễ cầu Quốc thái dân an, xin mưa thuận gió hòa đều có nghi lễ thờ cúng Quốc Tổ riêng được chuẩn bị rất công phu và do các bậc cao tăng thực hiện.
NGUYỄN TÀI (Văn hóa Nghệ An)
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: