Hồn vía của rừng – Tản văn của Vân Đam

Đâu đó vẳng lại những tiếng chiêng buồn. Nhịp chiêng ngày càng dồn dập và ngân dài hơn trong một buổi sáng đầu mùa lúa rẫy. Một người vừa về với rừng, đó là cách nói của người đồng bào dân tộc Cor khi trong làng có một người mất đi.

Đã ba hôm rồi, tiếng chiêng đầu ngày tan trong sương sớm, vọng từ nóc nhà cheo leo giữa sườn núi đến tận khu rừng ma bên con suối Nước Biếc. Tiếng chiêng dìu dắt linh hồn người chết biết tìm đúng đường mà đi về chốn thiêng, khi cái miệng không còn ăn, cái mũi không còn thở và việc “chia của” đã xong. Rừng thiêng hay rừng ma chính là nơi dừng bước, là chốn khi linh hồn về với hư vô gửi lại hình hài. Họ được mang theo chiếc chiêng, chiếc ché, chiếc gùi, và cái rựa ba khoen của mùa phát rẫy cuối cùng. Nơi ấy, rừng nguyên sinh sẽ giữ linh hồn người chết khi họ rời xa thể xác để về cõi mênh mông.

Rừng nguyên sinh và luôn là chốn thiêng. Khi làng có tang, cả làng treo gùi lên gác bếp. Không một bàn chân nào lên nương lên rẫy, mỗi người một tay tập trung lo cho người mất. Trời vừa ửng ráng hồng phía bên kia ngọn núi, ông Ba già làng cùng năm bảy thanh niên băng qua lối mòn dẫn lên phía bên kia quả đồi trước làng. Họ nương theo lối tiếng chiêng ngân để đến khu rừng ma phát dọn, chuẩn bị chỗ gửi người đã mất về cho cho thần rừng. Đám tang của người Cor ở dưới chân ngọn núi Cà Đam thuộc tỉnh Quảng Ngãi khá độc đáo, thể hiện nghi lễ thiêng liêng tôn trọng người mất và cả tín ngưỡng của tộc người. Người mất sẽ được chôn cất tại một khu rừng nguyên sinh được dân làng gìn giữ từ lâu đời. Khu rừng này được coi là chốn linh thiêng. Tất cả những gì có ở khu rừng ấy, người làng xem là của cải thuộc về người đã mất. Vì vậy khu rừng được cả dân làng bảo vệ rất nghiêm ngặt. Không một ai được phép đốn cây, lấy những vật dụng mà người nhà đã “chia của” cho người chết. Một cái cây chết khô cũng không được lấy về làm củi. Ai phạm phải những điều cấm kỵ ấy, thần rừng sẽ bắt đi, người chết sẽ về đòi, người làng sẽ phạt ngả trâu, lợn để cúng chuộc tội… Chính vì những quy ước nghiêm ngặt như vậy mà khu rừng ma chỉ có những người đã mất mới được ngự trị cùng với sự nguyên sinh hùng vĩ giữa chốn bao la  thẳm một màu xanh.

Đất thiêng và rất riêng của một tộc người. Người Cor phía Đông dãy Trường Sơn có một nền văn hóa rất riêng. Họ sống hòa mình cùng thiên nhiên và luôn tôn trọng bản thể tự nhiên, nhất là những gì thuộc về rừng. Rừng bao bọc họ như những bức trường thành kiên cố. Họ không có thói quen làm nhà sát lộ, nhà của người Cor thường nằm giữa sườn đồi, bao quanh là rừng xanh, gần suối nước. Năm bảy ngôi nhà được dựng lên tại một điểm và lấy tên của một người già uy tín trong những nhà ấy đặt tên kèm theo từ “nóc”, như: Nóc ông Lãnh, nóc ông Đạt, nóc ông Ba… Vài ba nóc tạo thành làng. Giữa đại ngàn mịt mùng, làng này tách biệt với các làng khác, đường sá heo hút, hiểm trở cho nên thường ban đêm, người trong làng quây quần ở một ngôi nhà chung của làng. Ngôi nhà ấy gọi là Gươl.

Trong khoảng không gian ngút ngàn của chốn rừng xanh, người Cor vừa lao động, vừa vui chơi, tổ chức những hình thức sinh hoạt chung, trong đó độc đáo nhất là kể Tabon. Đây là hình thức kể truyện cổ tích bằng cách truyền miệng. Nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện về địa danh núi Răng Cưa nằm ở địa hạt của người Cor. Trước hình thù nhìn như những chiếc răng cưa của các ngọn núi nằm kề nhau, người ta giải thích trong Tabon: “Thời xa xưa có cô công chúa rất thích chèo thuyền, một lần, chèo đến chân ngọn núi lớn thì gọi mãi không thấy thần núi mở cửa để đi qua. Công chúa tức mình cho các con thuyền lao thẳng qua bên kia ngọn núi, khiến ngọn núi tạo nên hình thù như những chiếc răng cưa. Từ đó người ta gọi là núi Răng Cưa”. Câu chuyện phản ánh nhận thức đơn thuần về tự nhiên của người Cor. Trong không gian văn hóa của tộc người này, tất cả những sinh tồn bản thể đều gắn với thiên nhiên, núi rừng, sông suối. Họ ứng xử, tương tác với vạn vật xung quanh như ứng xử với những sự vật có linh hồn. Với rừng, họ xem đó như một thế giới thiêng liêng để gửi gắm linh hồn và là nơi cuối cùng để trở về của thể xác. Họ ứng xử với rừng thành kính như với đấng siêu nhiên giúp họ có điểm tựa vững chãi trước sự khắc nghiệt của cuộc mưu sinh và những hiểm họa thiên nhiên luôn rình rập. Nhận thức ấy, niềm tin ấy, cách ứng xử ấy cứ dần thấm vào máu thịt của những người đồng bào dân tộc Cor hết thế hệ này sang thế hệ khác. Qua thời gian, nó dần dà tạo ra những câu chuyện trong những đêm kể Tabon mang đầy tinh thần nhân văn, nhân ái và còn mang cả linh hồn của một cộng đồng người giữa chốn rừng xanh sâu thẳm.

Sống ở rừng. Chết về với rừng. Linh hồn và những vòm xanh hòa quyện vào nhau để thành đá, thành suối, thành rêu xanh hướng về phía mặt trời. Có những linh hồn còn hóa thành những thanh âm ngọt xanh của tiếng chim chèo bẻo. Chim chèo bẻo là một biểu tượng mang ý nghĩa tinh thần của người Cor. Trong tự nhiên, chèo bẻo là loài chim lanh lợi, bộ lông vũ đen óng và những đường bay chao lượn gấp khúc dứt khoát dũng mãnh. Chèo bẻo là loài chim thiên địch với cào cào, châu chấu, giúp người Cor bảo vệ mùa màng. Với họ, chim chèo bẻo không chỉ là người bạn, mà người Cor còn tin rằng, khi bình minh lên, bắt đầu một ngày mới, nếu nhìn thấy chim chèo bẻo, nghe thấy tiếng nó hót là điềm báo một ngày may mắn. Yêu quý và tôn thờ chim chèo bẻo, người Cor không bao giờ bắt, nuôi hoặc giết thịt, mà để chúng tự do chao liệng trên bầu trời, trên nương rẫy, trên vùng trời bình yên. Trên cây nêu được dựng lên trong lễ ăn trâu, nơi bộ gu (có thể hiểu là phần đế đỡ cây nêu), người ta cũng khắc hình những chú chim chèo bẻo tinh anh. Sau khi nghi lễ ăn trâu kết thúc, bộ gu đó được tháo đem treo trong ngôi nhà dài của làng. Không gian treo bộ gu ấy chính là chốn thiêng, không được phạm đến. Mỗi làng có một ngôi nhà dài, và trong mỗi nếp nhà dài lại có một bộ gu riêng biệt. Trên bộ gu ấy, từng chú chim chèo bẻo sải cánh tượng trưng cho sức mạnh, sự đoàn kết và hi vọng may mắn của người Cor.

Rừng của thần linh. Rừng còn là của những đôi chân trần bằng xương, bằng thịt. Sau cơn mưa rừng vừa ngớt, con suối Nước Biếc vẫn còn ầm ào cuộn chảy. Già làng chuẩn bị lễ cúng ma mới. Cúng cho người vừa khuất và cũng là nghi thức dâng cúng lên các vị thần, trong đó có thần rừng. Già làng đọc những lời cầu xin được thần bảo bọc, chở che cho linh hồn người mất và sự sống của những con người đang náu mình dưới tán rừng già, uống dòng suối mát. Đấy cũng là cách ứng xử đầy sự tôn trọng của họ với các vị thần, với rừng, với thiên nhiên. Cất tiếng khóc chào đời giữa chốn non xanh, khi nhịp chiêng cuối cùng đưa họ trở về với rừng, người Cor gắn cả cuộc đời mình với núi rừng thân thương như thế.

Rừng thiêng, chính nhờ vào lòng người mà luôn giữ được mình nguyên sinh. Những phận người nương náu dưới tán xanh luôn ý thức bảo vệ cuộc sống của mình và cộng đồng bằng việc bảo vệ rừng theo cách riêng truyền từ đời này qua đời khác. Trên bầu trời, khi loài chim chèo bẻo còn sải cánh, con người còn ý thức được cách gửi gắm linh hồn của mình, thì rừng thiêng luôn rộng lòng che chở cho họ mãi mãi dưới những tán xanh. Văn hóa và tín ngưỡng của một tộc người như những vỉa tầng đời đời bồi đắp lên nhau dưới những tán rừng thiêng. Rừng có hồn vía của rừng. Hồn vía của rừng chính là nét văn hóa độc đáo của mỗi tộc người sống nương nhờ vào rừng bồi tụ nên qua thời gian. Rừng có hồn vía, vậy nên, đối thoại với rừng cũng chính là cuộc đối thoại với bản ngã của con người, của những thân phận nhỏ nhoi đang ngày ngày được chở che giữa chốn non thiêng thăm thẳm.

Vân Đam

Đánh giá bài viết 1 Star (2 lượt bình chọn)
Loading...