Chiến tranh chống Mĩ cứu nước đã kết thúc 50 năm. Hoà bình lập lại, đất nước phải trải qua nhiều thăng trầm để có ngày hôm nay tươi đẹp hơn nhiều. Tôi chưa có dịp về nghĩa trang Trường Sơn lần nào để thắp một nén nhang cho các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ nhưng tôi lại có dịp lên vùng cao nguyên lộng gió để hoà vào cái nắng buồn tênh, rồi trải nghiệm gió miền cao nguyên lồng lộng. Và lắng nghe nhịp bước hành quân, tưởng tượng sự khốc liệt của chiến tranh nơi nắng gió Nam Lào. “Tây Nguyên ơi ai đã từng qua đó. Để một đời mắc nợ nhớ thương nhau.” Và tự tay tôi thắp nén nhang nơi nghĩa trang tỉnh Đắk Lắk. Nơi đây, đời đời yên nghỉ của 1568 anh linh liệt sĩ có danh tính và rất nhiều ngôi mộ vô danh. Thương các anh nhiều lắm.
Đất nước bước sang trang sử mới là nhờ sự đóng công, góp sức của đồng bào trên cả nước nhưng những bà mẹ Việt Nam lại là người lặng thầm nhất và đóng góp nhiều nhất. Chồng, con, cháu của Mẹ ra đi chiến đấu rồi mãi mãi không về. Sự hi sinh của các Anh giành lại độc lập, tự do cho đất nước như bản trường ca vọng mãi ngàn năm sau. Tổ quốc ghi nhớ công ơn to lớn của Mẹ và những liệt sĩ đã hi sinh vì dân, vì nước. Tiếng súng đã im, nhưng các Anh phải nằm lại mảnh đất nơi chiến trường ác liệt mà chẳng về được với mẹ, với quê hương. Để giọt nước mắt chảy khô hai gò má Mẹ. Anh nằm lại chiến trường là mất mát quá lớn cho tổ quốc, đồng đội của Anh đã phải gạt nước mắt khi các Anh hi sinh để quyết tâm chiến đấu bất chấp gian nguy trả thù cho bạn, mong ngày chiến thắng tìm lại cho trọn nghĩa, vẹn tình. Giọt nước mắt của đồng đội rơi khi bạn mình ngã xuống trên chiến trường là giọt nước mắt đáng giá ngàn vàng không ai đong nổi. Giọt nước mắt căm thù quân cướp nước đã gây ra cái chết ức oan để bè bạn phải cách xa nhau. Lẽ ra, các Anh cần được sống để kiêu hãnh với tổ quốc, với nhân dân khi kết thúc chiến tranh. Đồng đội nợ các anh một lời hứa “Đất nước hoà bình, mình sẽ quay lại đón bạn về”. Ôi, lời hứa như điều gì thiêng liêng chạm vào trái tim bao người chỉ vì dân, vì nước, vì độc lập tự do, hạnh phúc. Nghĩ lại, thương các Anh nhiều lắm. Thương các anh nằm lại nơi miền đất lạ mà giải phóng rồi tìm kiếm mãi không ra. Vẫn những ngôi mộ vô danh nằm sâu trong lòng đất mênh mang. Vẫn những đoàn người ghé thăm nơi nghĩa trang thênh thang với hương hoa đầy đủ, tìm kiếm thân nhân rồi vỡ oà gọi tên Anh, dẫu biết rằng đấy chỉ là nắm đất tri kỉ. Máu của các anh đổ xuống đem lại sự hạnh phúc cho bao thế hệ mai sau. Tuổi đôi mươi hào hùng, Anh hiến dâng cho tổ quốc để đêm đêm mẹ các Anh chong đèn ngồi chờ đợi.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, cả nước náo nức, hân hoan mừng 50 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, bản hùng ca bất diệt sắp hoan ca. Nốt nhạc, lời thơ gửi gắm vào Mẹ và Anh bất tử muôn đời. Bài hát “Người mẹ của tôi” mà cố nhạc sĩ Xuân Hồng thổi hồn mẹ lẫn nỗi mất mát, hi sinh của các con do chiến tranh gây ra, tạo dấu ấn hay nhất diễn ra của mỗi chương trình tri ân mà các nhà đài dàn dựng. Nhạc sĩ khắc hoạ hình ảnh Mẹ Việt Nam khắp cả nước với “nỗi thương đau” mà ca sĩ nào thể hiện cũng lấy đi nhiều giọt nước mắt nhất của buổi tri ân dành cho ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam Ba Mươi Tháng Tư. Mẹ chẳng còn giọt nước mắt nào để cảm nhận nữa khi con của mình đã vĩnh viễn ra đi thời rất trẻ ở chiến trường buổi chiến tranh, hứa với mẹ lời hứa quả quyết để mẹ an lòng “Chiến thắng con sẽ về!” Kí ức đã rất xa, mẹ không muốn nhắc lại. Nhưng, trong chiêm bao, mẹ vẫn lặng thầm gọi con như khi Anh còn sống, chợt tỉnh giấc thì con của mẹ lạc lối phương trời nào. Nước mắt lại rơi rồi nỗi nhớ mong con trở về cứ hằn in thêm trên nếp trán nhăn. Bài hát vang lên chạm vào lòng người thưởng thức “… Đất nước, naу vẫn còn, còn có những đứa con. Dù đi xa muôn phương nhưng vẫn nhớ. Mẹ đang cô đơn, chúng con уêu mẹ hơn mỗi chiều nghiêng nghiêng nón. Ghi khắc trong lòng hình dáng mẹ ngồi trông. Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi! Ϲho con xin chia sớt nỗi buồn, cho con xin xẻ đôi bát cơm, cho con hôn đôi mắt mỏi mòn, cho con xem lại bóng hình con. Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi! Xin cám ơn người, người mẹ của tôi”.
Huyền thoại thời hoa lửa về kỉ vật của người lính là kỉ vật vô giá: đôi dép cao su vượt Trường Sơn, chiếc ba lô con cóc sờn bạc hay lá thư kỉ niệm. Trân quý vô cùng. Những cánh thư bạc màu nhuốm vàng thời gian như một kí ức vẫn chưa phai màu mực Hồng Hà, Cửu Long thuở chiến tranh. Cánh thư ấy được cất giữ kĩ lưỡng rồi thi thoảng mẹ lại thầm lặng mở ra đọc để cho nước mắt rơi, lòng diệu vợi nhớ anh. Giọng nói trong thư chứa đựng bao nỗi niềm sâu lắng của người con xa quê hương, xa mẹ giữa chiến trường khói lửa đạn bom nơi Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, nơi Miền Nam mà “cỏ cây thầm nhắc”. Một lá thư trong 60 bức thư huyền thoại của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng, khi còn học phổ thông, thầy cô đã truyền cảm hứng cho chúng tôi về người lính. Sự thật đã chứng minh về khát khao cháy bỏng hoà bình và ước nguyện của người lính qua câu chuyện chiến tranh lạc quan mà vô tư quá đỗi. Cứ tưởng là huyền thoại nhưng không phải là huyền thoại. Tất cả vỡ oà để ngợi ca về người lính khi anh đã hi sinh. Bức thư gửi cho bố mẹ nhân lần sinh nhật thứ 19 và cũng là lá thư Anh mãi mãi ngã xuống cho Tây Nguyên thêm xanh, thêm đẹp.
Đọc lá thư mà lòng tôi như nghẹn lại. Thương người lính trẻ vô tư mà chân thật, giàu lòng thương mới viết lên những cảm nhận nơi tuyến chiến. Nước mắt tôi lăn dài niềm thương tiếc, dẫu biết rằng, tôi với Anh chẳng phải ruột già. Nhưng tôi cảm nhận dòng thư của người lính xa nhà mà tuổi đời phơi phới đầy niềm tin chạm vào trái tim tôi. Một thuở rất xa, tôi cũng là người lính, cũng viết những bức thư nơi biên giới phía Bắc chống giặc Trung Quốc. Nhưng tôi may mắn hơn Anh được trở về với mẹ. Tôi cũng hiểu rằng, chiến tranh sẽ có những chia li và không bao giờ tránh khỏi. Bức thư Anh viết là nỗi lòng của người lính, ấn tượng vô cùng. Bức thư viết ngày 3 tháng 7 năm 1970 “Bố mẹ thương nhớ! Ngày hôm nay – ngày mừng sinh nhật của con. Thế là đã trọn 19 tuổi rồi. Bố mẹ ạ! Rõ ràng là con đã trưởng thành nhiều rồi, 19 tuổi chưa lấy gì làm cao mà cuộc đời của con đã phong ba sóng gió nhiều. Ở nơi đây con đang dùng những sức lực của tuổi xuân để chống lại những buổi mưa rừng gió rét – hay những tia nắng gay gắt của nắng Hạ Lào hoặc những đỉnh cao chót vót của dốc núi vùng cao nguyên Bô – lô – ven này.
Con buồn nhiều và thương bố mẹ lắm. Bây giờ con mới thấy hết được nỗi lòng của mẹ. Con hiểu lắm. Cuộc sống gian khổ thực tại này của bọn con giờ đây ai là người thương cảm nhất. Mẹ ơi! Chỉ có mẹ thôi còn ai mà khác được nữa. Hình như mẹ hay khóc thầm vì thương nhớ con phải không? Con linh cảm như vậy. Mẹ đừng buồn nhé. Sau này chiến thắng trở về chỉ có con và mẹ thôi nhé – con hứa với mẹ đấy, trở về con sẽ sống với mẹ đến trọn đời.”
Câu từ chứa đựng niềm lạc quan tin tưởng khi chiến thắng trở về cùng với mẹ và sống đến trọn đời. Đây là một trong 60 bức thư huyền thoại anh dùng trong lọ thuốc pelicilin thả xuống dòng suối vùng anh đóng quân trôi về xuôi mà mong ước ai đấy vớt được rồi gửi tới người mẹ kính yêu của anh. Câu chuyện kể cho thế hệ sau này nghe mà ai nấy cảm động, ngạc nhiên, căng tròn mắt thán phục. Ôi! “Có người lính, mùa xuân ấy ra đi rồi mãi không về! …Dòng tên Anh khắc vào đá núi, mẹ già mỏi mắt chờ con…”
Năm mươi năm đã trôi qua, nửa thế kỉ mà tên Anh còn mãi mãi tuổi thanh xuân. Đất nước đang trên đà phát triển, thế hệ hôm nay vẫn tiếp bước các Anh để xây dựng đất nước. Vẫn có những người như Anh ngã xuống lúc thời bình với lòng dũng cảm xông pha cứu nạn, cứu hộ của loại giặc thiên nhiên ác liệt. Là các Anh của thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn 337 quân khu 4. Là những chiến sĩ nơi đảo khơi Hoàng Sa, Trường Sa mịt mù sóng vỗ. Cho tôi gọi tên các Anh khi cuộc sống đã bình yên. Thật là những con người quả cảm với tổ quốc Việt Nam.
Phùng Văn Định
Bài viết liên quan: