Đó là loài hoa đỏ sẫm như màu máu cứ “hau háu” nhìn vào mắt người đối diện mỗi khi người ta đi rừng mà bắt gặp chúng.
Bàn chân nhỏ chai sần vô số các vết xước của con bé sáu tuổi thoăn thoắt nhảy qua nhảy lại đạp rạp các bụi cỏ để nhặt nhạnh các cành bạch đàn khô gãy xuống gốc cây. Nó xếp ngay ngắn các cành củi thẳng hàng tăm tắp, bó gọn từng bó rồi ôm một đống bó củi cột lại với nhau bằng dây lạt mẹ nó đã chẻ sẵn cho mỗi buổi nó lên đồi lấy củi giúp bố mẹ. Như bao đứa trẻ khác lớn lên thời đất nước mới hòa bình sau giải phóng miền Nam còn đầy rẫy khó khăn, nó phải lăn vào làm mọi việc từ nhỏ đến lớn trong nhà phụ giúp bố mẹ còn bận đi làm kiếm tiền. Nào là gánh nước, thái rau nấu cám lợn, nào là cơm nước, lấy củi, giặt quần áo,… Việc nào cũng thấm và nhớ. Ấy nhưng nó nhớ nhất những lần lên đồi lấy củi. Vì đi rừng, với nó và lũ trẻ trong xóm còn là một thế giới còn nhiều điều kì bí để khám phá. Hôm thì chúng nhặt được một ổ trứng gà rừng quả bé tí như quả cau, về luộc ăn thơm ngon phưng phức. Hôm thì chúng tìm được một nhánh hoa lan rừng đẹp mê ly ở bãi trâu nằm – khoảng đất trống bằng phẳng giữa rừng để thả trâu, vạch làn cỏ lau cao rẽ sang hai bên là thấy. Nhưng cũng có khi phát sợ vì ngày trời âm u nhiều muỗi và vắt rừng đốt cho sưng mặt mũi, chân tay. Hay có ngày, cả lũ bất chợt dựng tóc gáy, đứa nọ đùn đứa kia đi trước vì sợ “ma bắt” khi nhìn thấy những bông hoa đỏ như máu nhỏ nhỏ khoe thắm trên những bụi cây ven đường rừng. Một đứa hô lên “Ma kìa!”, thế là cả lũ chạy tán loạn. Quay đi quay lại chả thấy ma mãnh gì, vẫn chỉ có những bông hoa đỏ rực rung rinh trước mặt. Rồi bảy tuổi, tám tuổi, cứ thế tuổi thơ của nó gắn chặt với cánh đồi nhìn thẳng ra sông Đà kì vĩ mê hồn. Ngày ngày, nó đi học về, chiều đến, nó lại leo đồi đi rừng lấy củi giúp bố mẹ. Hành trang đường rừng của nó kéo dài mãi cho đến tận khi vào cấp ba. Nó thi đỗ trường chuyên, đi học nhiều hơn, học cả sáng và chiều. Ước mơ của nó là thi đỗ đại học, thi đỗ trường Sư phạm, làm cô giáo. Bố mẹ vất vả nuôi thêm cho nó ăn học, nhưng cũng muốn tạo điều kiện cho nó học nên không bắt nó đi củi nữa, cũng làm đỡ nó nhiều việc nhà hơn để nó có thời gian học. Đến hè, ngày nghỉ chủ nhật, nó không phải đi học, nó hò lũ bạn hàng xóm rủ nhau lên đồi nhặt củi và chạy trốn “hoa ma”.
Một tiếng gà gáy rền vang làm nó tỉnh giấc. Đoạn kí ức đó từ tận những năm 1991 khi nó còn là một đứa con nít. Bây giờ nó cũng đã tròn tứ tuần, con cái trai gái đủ cả. Và cũng đã xa ngôi nhà xóm đồi gần hai chục năm. Thỉnh thoảng, nó mới sắp xếp được công việc để về thăm bố mẹ đôi lần. Mỗi lần về vội vàng được dăm ba ngày lại đi ngay. Rừng bớt rậm và nhiều thú rừng đã trốn tiệt đi đâu mất. Người ta đã mua lại mảnh đất đồi của nhà nó, chặt hết bạch đàn để trơ ra đất trắng lốp.
Gió rít lên trong không gian thê thiết. Từng cuộn gió ngoài trời xoáy, xoáy vào cửa sổ căn nhà cấp bốn lợp mái tôn của ông bà ngoại. Nó nằm trong phòng mà nơm nớp lo rằng không biết mưa có tới không, mưa có to không. Đài đã dự báo có lẽ trời mưa lớn, các hộ gia đình ở ven sườn đồi núi cần chú ý cảnh giác sạt lở đất. Nếu nghe thấy tiếng động lớn, phải chạy ngay ra khỏi nhà.
Những hạt mưa càng ngày càng nặng, rơi lộp bộp vào cửa sổ kính. Đến nửa đêm, mưa xối xả từng đợt, từng đợt trút xuống. Nó he hé cửa nhìn ra ngoài sân. Từng dòng nước tuôn ào ạt từ trên sườn đồi chảy cắt qua sân để xuống rãnh ngoài cổng. Bỗng “oàng”. Một tiếng nổ dữ dội xé toạc màn đen khủng khiếp của bầu trời. Nó giật mình rụt cổ đóng cửa lại. Tiếng sét xé đêm khiến nó thao thức không sao ngủ được nữa. Rồi mưa ngớt dần. Nó cũng mệt và thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ. Nhưng lại một tiếng “ầm” nữa vang lên làm nó tỉnh. Lần này, tiếng động lạ hơn tiếng sét lắm. Linh cảm chẳng lành, nó thất thanh gọi bố mẹ và hai con đang say giấc ngủ nhân ngày về thăm ông bà ngoại.
- Bố mẹ ơi, dậy đi. Núi lở rồi.
Một tay bế con bé con 4 tuổi. Một tay kéo thằng con trai lớn chạy ra cửa trước, nó hết sức hô gọi bố mẹ.
- Nhanh lên bố mẹ, về cổng trước, chạy ra đường 6 đi.
Tiếng cây đổ gãy rào rào bên tai, nước mưa táp vào mặt đau rát nhưng nó vẫn cố sức đẩy bố mẹ đã già yếu và các con băng băng qua dòng nước xiết để kịp lên đoạn đường 6 nhằm thoát khỏi vụ sạt lở đất úp lên mái nhà nhỏ bé của bố mẹ nó trong đêm mưa lớn ấy.
Tiếng nó lạc đi, ú ớ. Mồ hôi ướt đầm đìa trán, lưng và lòng bàn tay. Nó lau mồ hôi trên trán, khiếp sợ bật dậy khỏi chăn. Hóa ra, nó chỉ mơ. Nó mong chỉ là giấc mơ. Bão Yagi vừa qua được mấy ngày. Chả có lẽ bão khác lại đến nhanh thế. Không, nếu ông trời có nổi giận vì loài người thì cũng đừng làm tội những con người hiền lành, lương thiện làm gì. Hãy trừng phạt lũ độc ác đã tàn phá rừng thôi. Mà bọn này nó thâm hiểm, nó ẩn mặt, khó nhận ra được.
Nó nhấc máy lên gọi hình ảnh cho mẹ nó. “Mẹ à? Ở nhà có mưa lớn không? Chỗ con giờ đang mưa to lắm.”
- “Ở đây không mưa nữa rồi. Buổi chiều tối có mưa, nhưng giờ tạnh rồi.” Mẹ nó trả lời. Quang cảnh ngôi nhà bình yên và tiếng mẹ nó vẫn trong lành, từ tốn mới cho nó cảm giác yên tâm thực sự. Không có vụ sạt lở nào xảy ra ở nhà ngoại nó cả. Tất cả chỉ do nó tưởng tượng ra mà thôi. Nhưng hơn chục ngôi nhà ven bờ sông Đà bên bờ phải đoạn cây hai rưỡi (2,5 km) bị sụt xuống sông Đà mà ti vi đưa tin thời gian gần đây là có thật. Một số nhà gần đồi ở Chăm Mát bị sạt lở đất là có thật. Và vụ sạt lở ở Rào Trăng, sạt lở ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, sạt lở ở làng Nủ (Lào Cai) thì ám ảnh mãi với người dân Việt Nam những năm qua.
Đêm đó, nó lại mơ màng chìm vào giấc ngủ. Lần này, nó không gặp ác mộng. Nó lại thấy mình bước đi trên những vạt đồi xanh thẳm. Xung quanh vẫn rậm rì lau lách. Xa xa, tiếng chim quốc kêu, tiếng tắc kè vang vọng trong không gian núi đồi sâu thẳm làm tim nó an yên đến lạ. Mắt nó lại thao tháo nhìn không chớp những bông hoa rừng đỏ rực dọc đường đi như những cặp mắt ma mãnh mà hồn ai nhập vào để canh chừng con người xâm nhập vào khu rừng của chúng.
Những bông hoa ấy như kiểu ai đó đang theo dõi, đang để ý từng bước chân của nó hay bất cứ con người nào lạc bước vào thế giới hoang vu và vắng vẻ của núi rừng.
Đó là loài hoa đỏ sẫm như máu mà chúng tôi tự đặt tên là hoa ma mỗi lần đi rừng gặp phải. Nhưng còn những bông hoa dại ấy là còn đồi, còn rừng và còn trái tim an lành ở lại.
Lạc Sơn, ngày 16 tháng 06 năm 2025
Hoàng Thị Ngân
Đánh giá bài viết
Bài viết liên quan: