Sáng 06/7/2025, tại Nhà sáng tác Tam Đảo, Lễ khai mạc Trại Sáng tác Văn học “Truyện ngắn hay Đường Văn năm 2024 – 2026” và Cuộc thi tản văn “Đối thoại với núi rừng 2025” đã được tổ chức. Sự kiện do Công ty Cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các (Công ty Thi Nhân Các) phối hợp với Chuyên đề Văn học & Nghệ thuật Đường Văn tổ chức, đánh dấu lần thứ hai một doanh nghiệp văn hóa tư nhân đứng ra tổ chức một hoạt động văn học bài bản và chuyên nghiệp.
Trại sáng tác năm nay quy tụ 18 nhà văn đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, từ Bắc vào Nam, trong đó đoàn Gia Lai đông nhất với ba nữ nhà văn thuộc thế hệ 8X, 9X. Nhiều tên tuổi quen thuộc trong làng văn đã có mặt như Tống Ngọc Hân, Lê Vi Thủy (giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương năm 2024), Nông Quốc Lập, Cầm Sơn, Văn Giá, Nguyễn Đình Tú, Bùi Tuấn Minh, Kiều Duy Khánh. Bên cạnh đó, trại còn có sự góp mặt của các tác giả trẻ từng đạt nhiều giải thưởng văn chương ở các cấp độ khác nhau như Lê Kim Sơn, Phan Thúy Quỳnh (Li Phan), Phạm Giai Quỳnh, Tạ Thị Thanh Hải, Võ Đình Duy, Vũ Đình Đãng.
Tham dự lễ khai mạc còn có các nhà văn: Hà Phạm Phú, Mai Nam Thắng, Lê Va, Hải Thanh, Ngô Đức Hành, Kiều Bích Hậu, Phạm Vân Anh, Vũ Hải Đăng, Thanh Vĩnh.
Các nhà văn và khách mời tham dự trại viết Đường Văn 2025
Mở đầu buổi lễ, nhà văn Phan Mai Hương – Trưởng ban Biên tập chuyên đề văn học Đường Văn đã phát biểu khai mạc trại sáng tác. Chị cho biết, các nhà văn tham dự trại đều đã gửi tác phẩm (truyện ngắn và tản văn) về Ban Tổ chức và bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian lưu trú tại trại, các tác phẩm sẽ được hoàn thiện với chất lượng cao nhất, góp phần giúp cuộc thi đạt kết quả tốt.
Nhà văn Phan Mai Hương – Trưởng ban Biên tập chuyên đề văn học Đường Văn
phát biểu khai mạc trại sáng tác
Tiếp đó, dịch giả – nhà thơ Linh Chi (Nguyễn Trọng Thắng), Tổng Giám đốc Công ty Thi Nhân Các – đơn vị tư nhân hiếm hoi trong cả nước “đầu tư” cho văn chương một cách bài bản – đã có bài phát biểu đầy cảm xúc. Anh chia sẻ câu chuyện về chuyến viếng thăm một ngôi chùa cổ ở Tây Tạng, nơi anh chứng kiến những dấu tích hằn sâu trên phiến đá trước cửa chùa, được tạo nên bởi sự mộ đạo và đức tin thuần khiết của những Phật tử. Anh liên tưởng câu chuyện đó với “Đường Văn”, nơi mà những người yêu văn chương dành tâm huyết và niềm tin để phụng sự văn học.
Dịch giả Linh Chi nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, những người chúng ta ở đây đều dành tình yêu cho văn chương. Giống như một đức tin, tình yêu ấy không thể mang vật chất ra để đánh đổi, không thể mang danh lợi ra để hấp dẫn và cũng không thể mang sự áp bức ra để làm méo mó hay biến dạng. Chúng ta tòng sự văn chương đơn giản vì đó là sự đam mê và tình yêu; vì văn chương đã hòa trong dòng máu của chúng ta, và vì ở đó, chúng ta được trở về với bản thể của chính mình”. Anh tin rằng, khi mọi vật chất mất đi, cơ thể trở về với cát bụi, có lẽ chỉ có tình yêu và đức tin của người viết, của nhà văn thể hiện trên những con chữ là còn tồn tại. Cây văn hóa của hậu thế sẽ bám rễ và sinh sôi trên mảnh đất đã được các nhà văn tiền bối cần cù vun xới bằng tài năng, tình yêu và tinh thần nhân văn lãng mạn của họ.
Dù còn hạn chế về tài chính, Công ty Thi Nhân Các sẽ luôn nỗ lực duy trì Trại sáng tác văn học thường niên. Dịch giả Linh Chi cũng chia sẻ tầm nhìn về trại sáng tác: “Giữa những ồn ào của cuộc sống, đó là khoảng lặng nơi mà nhà văn tìm lại bản thân mình trong cô độc; thấy lại bản thân mình cùng các ‘mình khác’ – những văn hữu đồng đạo, những kẻ lạc loài giữa thời cuộc quay quắt kim tiền – để thêm tin tưởng vào đức tin của mình, thêm động lực bước đi trên con đường gian nan trước mắt”. Với những cây bút trẻ, trại viết là khoảng thời gian để họ quên đi sự chật vật với những mối quan hệ bên ngoài, quên đi việc gồng mình để thích nghi với một nơi mà có thể không thuộc về, để tự do điều khiển “binh lính chữ” của mình. Với những cây viết lão thành, đây là một khoảng lặng để chiêm nghiệm, một thời gian nhỏ nhoi để thực sự quay lại với chính mình mà không bị quấy rầy bởi bất kì ai khác.”
Quang cảnh buổi lễ Khai mạc trại viết Đường Văn
Dịch giả Linh Chi cũng không đồng tình với quan điểm “giờ chẳng có gì để viết”, mà khẳng định đây là giai đoạn tuyệt vời với quá nhiều sự kiện và dữ liệu mà lịch sử đã ưu ái dành cho chúng ta. Anh chỉ ra rằng, các nhà văn lớn tuổi đã trải qua những khó khăn của thời chiến tranh bao cấp, thời kỳ kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp lạc hậu, rồi chứng kiến sự chuyển mình của đất nước, sự thay đổi vũ bão của khoa học kỹ thuật và sự chuyển đổi từ kỷ nguyên công nghiệp sang thời đại số. Các nhà văn thế hệ sau cũng đã thấy được sự chuyển mình của cuộc cách mạng công nghiệp, tận mắt trải nghiệm thời đại mà thông tin tràn ngập, thật giả lẫn lộn, và các giá trị xã hội đều được quy ra con số lạnh lùng bằng tiền. Anh cho rằng tất cả chúng ta đều đang mục kích quá trình cải cách và thay đổi của cơ cấu hành chính dẫn tới sự thay đổi rất lớn của xã hội mà chúng ta là một thành viên. Chính vì cuộc sống có nhiều ẩn số khó đoán định mà trở nên thú vị muôn màu, và với vị trí một người quan sát – một nhà văn, chúng ta có quá nhiều thứ để ghi lại. Anh tin rằng bằng cảm xúc, sáng tạo và lãng mạn, các nhà văn sẽ làm cuộc sống hôm nay trở nên đa dạng sắc màu, làm cho những người xung quanh cảm nhận thấy ý thơ và phương xa trong cả những gì khô khan nhất. Anh cũng khẳng định, một nghìn năm nữa, người đời sẽ chỉ nhắc tới những gì mà nhà văn hôm nay đã viết, nhà văn đã ghi lại câu chuyện để từ đó viết nên lịch sử và văn hóa.
Dịch giả – nhà thơ Linh Chi (Nguyễn Trọng Thắng), Tổng Giám đốc Công ty Thi Nhân Các phát biểu trong lễ khai mạc trại viết Đường Văn
Nhiều nhà văn tham dự lễ khai mạc như Hà Phạm Phú, Lê Va, Kiều Bích Hậu, Phạm Vân Anh, Hải Thanh, Thanh Vĩnh, Mai Nam Thắng, Vũ Hải Đăng đã bày tỏ tình cảm trân trọng và đánh giá cao nỗ lực của Công ty Thi Nhân Các trong việc “xã hội hóa” đầu tư cho sáng tạo văn chương. Đồng thời, họ cũng ghi nhận đóng góp của Ban Biên tập chuyên đề Đường Văn – một ấn phẩm ngày càng được đánh giá cao về trình bày, nội dung, thu hút được nhiều “tên tuổi lớn” của văn chương đương đại tham gia cộng tác, đồng thời phát hiện và nuôi dưỡng nhiều tài năng trẻ.
Các nhà văn tham dự trại, với tư cách khách mời của lễ khai mạc, cũng ghi nhận công tác tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, thể hiện rõ tình yêu văn chương và trách nhiệm với đời sống văn học nước nhà của Ban Biên tập chuyên đề Đường Văn.
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh – Chủ tịch Liên hiệp Hội VHNT Thái Nguyên đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình trên trang cá nhân khi biết tin Trại sáng tác văn học Đường Văn lần thứ hai khai mạc. Bà viết: “Đường Văn là ấn phẩm định kỳ, do Công ty Truyền thông Thi Nhân Các xuất bản từ nguồn tài trợ của một doanh nhân yêu văn chương… Nhóm tổ chức xuất bản Đường Văn cùng Mạnh Thường Quân đã làm quá tốt công việc của những người mở ‘sân bay’ văn chương mới – một ‘sân bay’ hoàn toàn xã hội hóa. Nơi chào đón từ những ‘phi đội’ lừng danh đến các ‘lái mới’, đều đặn những chuyến bay cất cánh vào bầu trời văn chương rộng lớn.”
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, “Đường Văn thú vị hơn nhiều nhóm văn chương khác ở chỗ không chỉ xuất bản ấn phẩm theo kiểu ‘hái quả trên cây’, mà còn tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác để mở rộng nguồn ‘ươm trồng’. Mình đã đọc cuốn tuyển tập truyện ngắn dự thi, thấy bất ngờ vì bên cạnh các cây bút đã thành danh, có nhiều cây bút trẻ, hay và mới.”
Trong thời gian 10 ngày diễn ra Trại Sáng tác Văn học “Truyện ngắn hay Đường Văn năm 2024 – 2026” và Cuộc thi tản văn “Đối thoại với núi rừng 2025”, các nhà văn sẽ được đi thực tế tại một vài danh thắng ở tỉnh Phú Thọ, đồng thời giao lưu, trao đổi về văn chương và nghề viết với các nhà văn, nhà thơ đang sinh sống và sáng tác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (cũ).
Lễ khai mạc Trại Sáng tác Văn học Đường Văn 2025 đã khép lại trong không khí ấm cúng và tràn đầy cảm hứng, hứa hẹn một mùa trại sáng tác thành công, tiếp tục ươm mầm tài năng và gieo hạt văn chương, góp phần làm phong phú đời sống văn học nước nhà. Dịch giả Linh Chi khẳng định: “Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng các nhà văn trên Đường Văn, con đường đưa chúng ta từ ghập ghềnh khô cằn sỏi đá tới những miền mây trắng lãng mạn”.
PV
Bài viết liên quan: