Chuyến công tác Thái Nguyên cứ tưởng rằng không có thời gian để tôi cùng anh em tận miền Nam xa xôi đi tham quan Hồ Núi Cốc. Chúng tôi tranh thủ giờ nghỉ buổi chiều một ngày cùng nhau đón xe về nơi huyền thoại của Nàng Công, chàng Cốc cách nhà khách Việt Bắc Quân khu 1 ở phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên chừng 12 cây số.
Thời tiết miền Bắc oi bức thật khó chịu sau mấy ngày mưa nguồn, suối lũ cuồn cuộn khủng khiếp. Không một gợn gió thoảng. Cây cối im lìm nhưng người dân nơi đây vẫn tất bật với công việc thường ngày thu hoạch lúa và hái chè, chế biến thương phẩm toả đi muôn phương. Xe bon bon chạy trên con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn. Mỗi vòng cua là một lần tôi khó chịu, trong vòng không lâu, chúng tôi đã tới khu du lịch huyền thoại hồ Núi Cốc.
Văng vẳng bài hát “Huyền thoại hồ Núi Cốc” du dương đưa chúng tôi về nơi miền thâm sơn cùng cốc xa xôi, thăm thẳm. “Bồng bềnh (ơ) bồng bềnh/ Chòng chành (ơ) chòng chành/ Một vùng núi cao nước sâu/ Thuyền trôi, thuyền trôi/ Mái chèo bâng khuâng dưới chân Tam Đảo./”
Cổng chính đập vào mắt chúng tôi ngay nét huyền thoại với những hình ảnh một thuở xưa. Tôi chầm chậm bước trên con đường xi măng vào khu du lịch. Tiếng ve râm ran, ra rả như bản nhạc hoà phối khí vang vang nơi những lùm cây vầu, cây cọ mà cứ tưởng rừng thiên nhiên. Những hàng cây che mát người tham quan cũng không đủ cho luồng gió thổi mát chút nào. Bước xuống khu động ba cây thông, một khung cảnh vô cùng độc đáo. Tôi liên tưởng tới chuyện tình trớ trêu của hai anh em sinh đôi. Không rõ giống nhau như hai giọt nước thế nào và chăm làm ra sao ở nơi miền sơn cước này mà một cô gái lại nhầm yêu dẫn tới chuyện tình tay ba nghiệt ngã. Nàng cứ tưởng người yêu mình chỉ một nên những cuộc tâm sự đã thổ lộ ra hết bao nỗi niềm sâu thẳm tự đáy lòng làm cho hai chàng đau đầu suy nghĩ dài ngày. Cuộc tình tay ba ấy diễn ra cho đến một ngày nọ họ đối mặt nhau mới vỡ nhẽ. Cô gái hiểu ra, thẹn thùng, lúng túng rồi oà khóc lên trong sự sững sờ của hai chàng trai cùng một mẹ sinh ra trong bào thai song sinh huyền thoại ấy. Chuyện tình trái ngang lọt tới tai Ngọc Hoàng. Động lòng trước tình yêu tay ba li kì ấy, Ngọc Hoàng cho ba người hoá thành ba cây thông để được mãi mãi bên nhau. Tượng ba cây thông huyền thoại, hôm nay vẫn là cái tiêu để cho khách du lịch muôn phương đến chiêm ngưỡng, lắng nghe lời kể của người dân bản địa Thái Nguyên. Trong khu du lịch phác hoạ động ba cây thông công phu và điêu luyện vô cùng. Cũng ba con người ấy với nét mặt buồn man mác nhìn nhau giữa đất trời quê hương Đại Từ, Thái Nguyên quanh năm suốt tháng. Huyền thoại chuyện tình tay ba vang vọng lồng trong trời mây, non nước gợi giọng hò da diết, thiết tha “Ơ ờ ớ ơ núi cao ơ ờ ớ ơ suối sâu/ Nắng lên xanh màu xanh huyền thoại”.
Tôi lại chầm chậm di chuyển xuống gần hồ Núi Cốc. Hồ nước rộng mênh mông, mênh mông trông rất hữu tình, thơ mộng. Xa xa, dãy núi Tam Đảo nhờ nhờ trong màn sương nhìn không rõ lắm nhưng hấp dẫn đối với chúng tôi vô cùng. Chung quanh hồ, núi bao bọc núi, đất rộng nên ít thấy người dân sinh sống so với khu dân cư tập trung. Thi thoảng vài thuyền chài lác đác qua lại giữa hồ rộng mênh mông. Hồ như chiếc gương khổng lồ đêm ngày soi bóng mây trời, đón bao lần mưa nguồn cuồn cuộn từng dòng nước dữ. Rồi hiền hoà, lờ lững chảy đi đâu, về đâu để vào thơ, vào nhạc “Nghe câu chuyện xưa của đôi trai gái/ Tha thiết yêu nhau vẫn không thành duyên/ Ngày tháng dài nhớ mong khôn cùng./ Một người đau nước mắt thành sông/Một người chờ, chờ hóa núi/”. Thuyền du lịch đưa khách thăm thú sông nước gợi chuyện Nàng Công, Chàng Cốc. Chuyện xưa kể cuộc tình éo le dưới chân núi Tam Đảo như vang vọng nơi đây. Tích xưa truyền lại câu chuyện tiếng sáo não nề, ân nặng, nghĩa tình lãng mạn mà chàng Cốc nhà nghèo bị Quan Lang cấm tiệt không cho nàng Công thầm thương, trộm nhớ. Tiếng sáo buồn thương văng vẳng trong đêm làm đắm say nàng Công nơi chăn êm, nệm ấm bao mùa mưa, nắng, đông qua, hè tới, thu về. Túp lều chăn trâu, bò của chàng Cốc nơi rừng sâu hẻo lánh đánh thức tình yêu đôi lứa. Cây sáo gọi bạn tình là thanh âm cộng hưởng của thiên nhiên dành cho chàng Cốc mồ côi, nghèo khổ mà đoạn tình với nàng Công trở thành huyền thoại cho muôn đời sau mãi mãi kể cho nhau nghe. Tôi ấn tượng với núi Cốc thực tại cùng dòng sông Công tuôn nước chảy tưới đôi bờ đồi chè Tân Cương xanh mướt. Búp chè Tân Cương non tươi, cong hình móc câu đã vươn tầm thế giới nhờ nước sông Công cho mạch nước trong ngần tưới đồi chè cạnh núi Cốc dưới chân Tam Đảo. Thái Nguyên ơi! Sao mà yêu đến thế! Tiếc rằng chẳng có thời gian nhiều để tận hưởng nơi đây.
Tạm biệt Hồ Núi Cốc, tạm biệt động Ba Cây Thông huyền thoại chúng tôi ra về. Lòng bồi hồi nhớ mãi tiếng ve ra rả liên hồi. Nhớ nét mặt buồn buồn của cuộc tình tay ba chả ai ngờ tới. Và nhớ giọt nước mắt nàng Công thương chàng Cốc để cho Thái Nguyên xanh mướt những đồi chè, mạng thương hiệu nổi tiếng cập bến bờ trời Tây trong tương lai. “Ơi chàng trai ơi ngọn núi biếc/ Ơi cô gái ơi dòng sông sâu/ Mối tình thương đau hóa sông hóa núi/ Dằng dặc một khúc ca giữa bao la mây trời./ Ơi núi Cốc, ơi dòng sông Kông/” đọng mãi trong tôi.
Phùng Văn Định
Đánh giá bài viết
Bài viết liên quan: