DÒNG SÔNG LẶNG LẼ – Truyện ngắn của Trương Hiền

Phần 1: Dòng sông định mệnh

Làng tôi nằm ngay sát bên con sông Gianh hiền hòa, thơ mộng. Dòng sông đã trải qua bao cuộc chiến tranh ác liệt, đã chứng kiến bao cảnh đời, con người theo năm tháng nắng mưa cuộc đời. Người dân quê tôi vẫn hay nói với nhau rằng: “Sông Gianh hiền như mẹ, nhưng cũng dữ như hùm khi nổi cơn giận dữ.” Và có lẽ, mẹ con bà Lan là minh chứng sống động cho điều ấy.

Căn nhà nhỏ của bà Lan, được dựng vội bên bờ sông, một bên là triền đất cao, một bên chênh vênh sát mép nước. Ngôi nhà ấy, rách nát, xiêu vẹo, nhưng đầy ắp tiếng cười nói của năm đứa trẻ nheo nhóc, lớn lên bằng cơm độn khoai và tiếng ru ngậm ngùi bên giường vắng bóng cha. Bà Lan, người đàn bà hiền lành, không nói nhiều, chỉ lặng lẽ nuốt nỗi đau mất chồng rồi gồng lưng lên nuôi đàn con bằng gánh hàng, nắm lưới, những ngày đi đò trên sông nước.

Chồng bà bị nước cuốn trôi trong một chuyến chài cá đêm định mệnh. Đêm ấy, sấm sét đùng đoàng, nước lớn kéo về như điên cuồng. Người ta chỉ tìm được cái nón rách của ông mắc vào bụi bần dưới chân cầu, còn thân xác ông mãi không tìm thấy. Bà Lan không khóc. Bà chỉ lặng lẽ thu dọn chiếc lưới chài cũ, cắm nén nhang rồi đưa cả nhà về dựng chòi bên dòng sông, nơi ông từng sống, từng chết. Bà bảo: “Ở gần cha tụi bay, để ông còn biết đường về.”

Hạnh – con gái lớn của bà, khi ấy vừa tròn mười tám. Một người con gái xinh đẹp, nết na, khiến bao chàng trai trong làng đem lòng thương nhớ. Nhưng sau cái chết của cha, Hạnh từ chối tất cả, ở lại bên mẹ, cùng mẹ gồng gánh nuôi các em. Hằng ngày, đôi vai thiếu nữ phải mang vác những bao xi măng lên đò xuống đò, gùi gạo, gánh nước, đội nắng, dầm mưa. Những vết chai sần hằn lên trên bàn tay từng mềm mại. Hạnh ngày một già trước tuổi. Gương mặt đẹp khi xưa giờ hằn dấu thời gian. Người ta gọi cô là “gái lỡ thì”, nhưng Hạnh không quan tâm. Cô sống vì mẹ, vì gia đình.

Rồi thời gian trôi như dòng sông, không đợi ai.

Các em Hạnh dần lớn, đứa đi học xa, đứa lấy chồng lấy vợ. Chỉ còn lại Hạnh và bà Lan trong căn nhà nhỏ. Mùa đông năm đó, gió bấc về sớm. Những đợt lạnh xuyên thấu da thịt thổi qua bãi bồi, len vào khe cửa, quất vào bóng dáng gầy còm của hai mẹ con. Dòng Gianh, mùa này nước đục ngầu, lạnh lẽo, thỉnh thoảng nổi lên những váng rác, những cánh lục bình tím bập bềnh như những giấc mộng hoang tàn trôi dạt.

Ở phía bên kia sông, Dinh – người đàn ông độc thân, mồ côi từ nhỏ, sống một mình trong căn chòi xơ xác. Ngày ngày vẫn chèo đò đi vớt củi, làm thuê. Dinh từng có người yêu, từng định cưới, nhưng cô gái ấy vì ham giàu mà theo người khác, bỏ lại Dinh với trái tim vỡ vụn. Anh đóng cửa lòng từ đó, sống lặng lẽ như cái bóng của chính mình.

Mỗi ngày, khi ánh chiều tắt, Dinh lại ngồi bên mạn thuyền, mắt nhìn về bên kia sông. Anh thấy Hạnh, người con gái vẫn lầm lũi, bốc vác, dọn bến, chăm sóc mẹ. Họ ít nói, chỉ chào nhau bằng ánh mắt. Nhưng ánh mắt ấy chứa cả một trời thương.

Có lần, khi dòng sông nổi sóng lớn, Hạnh trượt chân ngã xuống bến. Dinh lao thuyền sang cứu. Lần đầu tiên sau nhiều năm, anh chạm vào tay Hạnh, bàn tay thô ráp nhưng ấm áp lạ thường. Cô ngước lên nhìn anh, run rẩy:
– Cảm ơn anh…
Dinh chỉ gật đầu, không nói. Nhưng đêm ấy, anh không ngủ.

 

Phần 2: Giông bão trên dòng sông

Cuối năm ấy, trời trở rét dữ dội. Người ta bảo: “Lạnh kiểu ni chắc sắp có mưa giông lớn”. Dân làng, vốn sống cả đời bên dòng Gianh, có một linh cảm khó tả. Những cụ già lặng lẽ nhai trầu, ngồi xếp bên bếp rơm, mắt nhìn ra sông mà thở dài. Mặt nước không còn trôi êm ả. Nó chảy vội vàng, dữ dằn hơn thường lệ.

Chiều hôm đó, Dinh sang bên bờ Hạnh sống, mang theo một túi gạo mới xay và ít cá sông bắt được. Anh ngập ngừng đứng trước cửa, không dám gọi. Mãi đến khi bà Lan từ trong nhà bước ra, thấy anh lóng ngóng, bà mỉm cười hiền từ:

– Lâu lắm mới thấy chú Dinh qua chơi. Vô nhà đi con.

Dinh cúi đầu chào, lúng túng như đứa trẻ. Hạnh từ bếp bước ra, tay còn dính tro bếp, ngạc nhiên nhưng không tỏ vẻ gì. Chỉ gật đầu mỉm cười nhẹ.

Buổi tối hôm đó, ba người ngồi quây quần bên mâm cơm. Ánh đèn dầu hắt lên gương mặt sạm nắng của họ như bức tranh đồng quê xưa cũ. Bà Lan nói nhiều hơn mọi khi, như muốn lấp đi khoảng lặng giữa hai người trẻ. Đôi khi, bà lại đưa mắt nhìn Dinh rồi nhìn Hạnh, ánh mắt có gì đó mong mỏi, thầm lặng.

Gần khuya, Dinh ra về. Trước khi bước xuống đò, anh quay lại nhìn Hạnh, ánh mắt chân thành:

– Mai… em có rảnh không? Anh muốn rủ em sang bên chợ huyện, nghe nói họ mở phiên chợ Tết lớn lắm. Mua ít bánh mứt cho mạ (mẹ)…

Hạnh hơi ngập ngừng, tay vô thức siết lấy vạt áo nâu sồng.

– Để em hỏi mạ… Nếu mạ khỏe…

– Ừ, vậy mai anh qua sớm.

Câu nói tưởng nhẹ tênh, nhưng với Dinh và Hạnh, là một bước ngoặt. Là lần đầu họ bước ra khỏi những ánh nhìn lặng thầm, tiến về phía nhau một cách rõ ràng.

Nhưng… định mệnh luôn biết cách trêu ngươi.

Đêm đó, trời như nổi giận.

Mưa trút xuống ào ào như thác đổ, từng giọt như roi quất mạnh lên mái lá mục nát, nghe ràn rạt rợn người. Gió rít qua từng khe cửa, tru tréo như tiếng gọi ma quái giữa đêm đen. Mặt sông cuộn sóng, nước đục ngầu, bạc đầu gào thét. Từ thượng nguồn, nước lũ cuồn cuộn đổ về, mang theo rác rưởi, cành cây, cả những khúc gỗ to bè, xoáy tròn như quái vật đang săn mồi.

Trong căn nhà ọp ẹp nằm sát mép sông, bà Lan quằn quại giữa cơn hen suyễn tái phát. Tiếng ho khô khốc, gấp gáp như muốn đứt hơi. Hạnh hớt hải nhóm lửa, nấu nước gừng, run rẩy đắp thêm chăn cho mẹ. Nhưng cái lạnh cắt da, cái gió bấc tê buốt như những bàn tay vô hình đang lôi bà đi theo dòng nước lạnh lẽo ngoài kia.

Rạng sáng, khi sương còn đặc quánh mặt đất, một tin sét đánh xé toạc màn yên tĩnh ngắn ngủi: Đê phía bắc vỡ rồi! Nước đang tràn về!

Cả làng như bừng tỉnh giữa cơn ác mộng. Người người lao ra đường trong hỗn loạn, tiếng la hét, tiếng khóc trẻ con, tiếng trâu bò bị dắt đi gấp gáp vang lên như bản nhạc tang tóc. Hạnh cõng mẹ trên lưng, dầm mình trong dòng nước lạnh buốt đã ngập quá bụng. Mỗi bước chân là một cuộc vật lộn với dòng lũ đang hung hãn dâng lên từng phút.

Cô kêu cứu, giọng lạc đi trong mưa gió, nhưng chẳng ai kịp ngoái lại. Người người chỉ kịp lo cho mạng sống của chính mình. Nước dâng nhanh đến mức không ai tin nổi. Mọi thứ chìm trong biển nước: nhà cửa, lu gạo, chiếc giường cũ mẹ từng nằm, chiếc tủ gỗ sứt cạnh… Tất cả những gì hai mẹ con chắt chiu bao năm bị cuốn trôi trong nháy mắt, như chưa từng tồn tại. Đúng lúc ấy, một tiếng gọi xé nước vang lên:

– Hạnh! Bác Lan! Lên ghe nhanh!

Là Dinh! Anh đã chèo ngược dòng, dầm mình giữa mưa gió suốt đêm để tìm cứu hai mẹ con.

Chiếc đò con lắc lư, chòng chành như lá tre giữa lòng nước cuộn. Dòng sông lúc này chẳng còn là sông nữa, mà như một con mãnh thú gào thét, nhe nanh trắng xóa nuốt chửng mọi thứ trên đường đi.

Hạnh gắng sức dìu mẹ lên ghe. Gió quất rát mặt, nước tạt như tát. Khi bà Lan vừa đặt chân được vào mạn thuyền, một khúc gỗ to như thân người trôi băng băng đập trúng chân Hạnh.

– Hạnh….!

Tiếng Dinh hét xé gió. Hạnh chới với. Không kịp phản ứng, cả người bị dòng nước hung hãn cuốn phăng đi, chỉ để lại những vòng sóng xoáy tròn.

Dinh không kịp suy nghĩ. Anh lao xuống như một mũi tên, bơi ngược dòng giữa cơn lũ đang gầm rú, mặc kệ tiếng gọi thất thanh từ trên bờ. Nước sông sục sôi, đầy bùn, đầy rác, đầy cả tử khí.

Trên triền đất cao, những người làng chỉ còn biết đứng chết lặng. Trong mắt họ chỉ thấy hai bóng người nhỏ nhoi quẫy đạp giữa biển nước đang điên cuồng, rồi… mất hút trong lớp sóng ngầu đục, lạnh lẽo.

Không một tiếng kêu. Không một lời trăn trối.

Trong khoảnh khắc hỗn loạn giữa bão lũ, bà Lan – người mẹ già yếu ớt đã lặng lẽ rời khỏi cuộc đời như cách bà từng sống: cam chịu, nhẫn nại và hiền lành. Bàn tay gầy guộc buông khỏi mạn ghe, thân hình nhỏ bé trôi nghiêng theo dòng nước xiết. Không ai hay biết. Không ai kịp trở tay. Bà ra đi, như chiếc lá cuối cùng lìa cành trong cơn giông dữ, lặng lẽ, đơn độc và bất ngờ.

Ba ngày sau.

Nước rút. Làng mạc tiêu điều như một bức tranh đổ nát. Mùi bùn non, mùi mục nát của gỗ, của lúa, của người, lẫn trong hơi thở oi nồng của tang thương. Những mái nhà gãy xập, những bờ tre trơ trọi, người sống đi tìm người mất bằng đôi mắt đỏ hoe và đôi chân tê buốt vì lội nước quá nhiều ngày.

Một phép màu le lói giữa tăm tối: người ta tìm thấy Hạnh và Dinh. Họ trôi dạt vào một ụ đất cuối làng, nơi có cây đa cổ thụ bám rễ như chằng chịt lời cầu nguyện của bao thế hệ. Dinh nằm bất động. Còn Hạnh, môi tím ngắt, đôi mắt mở lơ mơ, vẫn quàng tay ôm chặt lấy anh. Miệng cô thì thào tên Dinh, từng âm thanh vỡ vụn như gọi từ một nơi xa lắm… nơi giữa ranh giới mong manh của sống và chết.

Tin họ còn sống lan nhanh khắp làng như một tia sáng cuối cùng sau cơn bão dữ. Người khóc. Người cười. Những đôi bàn tay run run chạm vào Hạnh như không tin đó là thật. Duy chỉ có một người… không còn về được nữa.

Vài ngày sau.

Hạnh và Dinh được đưa từ bệnh viện về. Người còn yếu, chân tay còn run, nhưng nỗi mong mẹ khiến Hạnh cứ gắng ngồi dậy. Cô vẫn nghĩ mẹ mình sẽ may mắn có ai đó cứu. Cô lảo đảo, hỏi như người mộng du:

– Mẹ con đâu…? Mẹ Lan… mẹ con đâu rồi…?

Không ai trả lời. Không ai dám nhìn.

Mọi ánh mắt đều né tránh, rồi chậm rãi hướng về phía con sông giờ đã hiền hòa trở lại như thể nó chưa từng gầm gào cuốn đi bao sinh mạng. Nhưng gió thổi qua những mái nhà tan hoang vẫn rít lên từng hồi như tiếng khóc bị nghẹn lại nơi cuống họng.

Hạnh ngồi phịch xuống đất. Đôi mắt mở to, không chớp. Nước mắt cô không rơi ngay lập tức. Chỉ có bàn tay run lên bần bật, siết chặt vạt áo cũ của mẹ mà cô vẫn ôm theo. Cái áo ấy, mẹ từng mặc mỗi lần trở trời, giờ đây là tất cả những gì còn sót lại.

– Mẹ… về với con đi mà… Mẹ chưa kịp ăn bát cháo con nấu… chưa kịp chờ con về nhà chồng… Mẹ ơi…

Những câu nói đứt quãng như bị xé ra từng mảnh, bởi những cơn đau quặn tim. Dinh lặng lẽ đến bên, quỳ xuống cạnh Hạnh, nắm lấy bàn tay cô đang run. Không lời nào đủ sức xoa dịu. Không cái ôm nào đủ ấm để lấp được khoảng trống mẹ để lại lúc này.

Những ngày sau đó, Dinh ở bên chăm sóc Hạnh. Không còn khoảng cách, không còn e dè. Tình yêu của họ, từng cất giấu sau những ánh mắt, từng dằn lòng vì mẹ, nay đã lặng lẽ đơm hoa, giữa hoang tàn. Một tình yêu âm thầm, bền bỉ như dòng sông kia, dù đã từng nổi sóng, vẫn chảy mãi về phía chân trời.

Phần 3: Hạnh phúc của mùa xuân

Những ngày sau trận lũ lịch sử, dân làng vẫn chưa thể quên được hình ảnh Dinh và Hạnh, hai người sống sót một cách thần kỳ giữa lòng giông bão. Câu chuyện của họ trở thành huyền thoại, một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của con người, cũng là bài học về sự kiên cường trong nghịch cảnh. Mọi người dần quên đi những mệt nhọc của mùa mưa lũ, chỉ còn nhớ về sự hồi sinh, về niềm hy vọng.

Mùa xuân năm ấy, khi hoa đào nở rộ bên bờ sông, những cánh én đầu tiên chao liệng qua bầu trời lam nhạt, làng quê như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài phủ đầy sấm sét. Mùa mà đất trời như thở phào, rũ bỏ tàn dư u buồn, rũ bỏ cả những tang thương từng xé toạc lòng người.

Hạnh đứng bên bến nước, nơi trước kia mẹ cô vẫn thường ngồi giặt áo, chờ Dinh từ sông trở về. Gió sông thổi nhẹ qua mái tóc đã điểm vài sợi bạc của cô – bạc không phải vì tuổi già, mà vì sương gió và những giông bão cuộc đời. Bàn tay Hạnh khẽ đặt lên phiến đá cũ, như muốn nhắn nhủ một điều gì đó với dòng sông từng cướp đi tất cả… rồi cũng trả lại cho cô những điều quý giá nhất: sự sống, và một tình yêu không lời hứa hẹn mà bền bỉ hơn bất cứ điều gì.

Dinh bước đến, lặng lẽ. Anh trao cô một cành đào nhỏ, gói ghém trong mảnh giấy cũ, nhành đào đầu tiên anh tìm được giữa một khu vườn ven núi hoang tàn sau lũ.

– “Đào này em, loài hoa nở khi giá lạnh đã lui, cũng như em, nở sau bao nhiêu tổn thương.” anh nói.

Hạnh cười. Một nụ cười không rạng rỡ, không chói lòa, nhưng lặng lẽ như mặt sông yên, sâu thẳm và bình an. Cô không nói gì, chỉ nhẹ nhàng đưa tay nhận lấy cành đào. Như thể nhận lấy một chương đời mới, nơi không còn những vết thương rướm máu, mà là nơi người ta học cách chấp nhận nỗi mất mát như một phần không thể tách rời khỏi yêu thương.

Chiều hôm ấy, họ ngồi bên nhau trước hiên nhà, nơi đã từng ngập lụt, đổ nát, giờ được dựng lại bằng những tấm ván cũ nhưng chắc chắn, bởi tay người làng góp sức, góp tình. Trên bàn thờ, tấm ảnh bà Lan được thắp một nén hương thơm ngát. Hạnh khẽ cúi đầu. Dinh nắm tay cô thật chặt. Không ai khóc, nhưng ai cũng thấy tim mình nhói lên, như thể mẹ vẫn đâu đây, trong từng làn gió, từng nhịp sông trôi.

Cuộc đời chẳng khi nào là một mặt hồ phẳng lặng. Dòng sông cũng thế. Nhưng chính vì vậy mà người ta mới học cách chèo lái. Có lúc nước xiết cuốn trôi tất cả, nhưng cũng có lúc nước dịu dàng đưa người về bến yên bình.

Đêm xuống, bên ánh lửa bập bùng, Dinh nói với Hạnh:

– Mình không thể chọn dòng đời sẽ chảy thế nào, nhưng mình có thể chọn cách mình đi cùng nó. Em nghĩ có đúng không?

Hạnh khẽ gật đầu. Và lần đầu tiên sau bao năm, cô thầm thì:

– Em không còn sợ dòng sông nữa. Bởi giờ, em biết, sông không chỉ cuốn đi, sông còn dạy người ta biết giữ lấy nhau.

Cuối mùa xuân năm ấy, cây bàng trước nhà đâm chồi xanh biếc. Dòng sông Gianh, như một tấm gương soi, phản chiếu nụ cười của hai người sống sót sau bao giống tố. Họ vẫn nghèo. Vẫn sống bằng đôi tay và giọt mồ hôi mặn chát. Nhưng lòng họ đã bớt chát mặn, bởi họ hiểu: bình yên không phải là không có bão tố, mà là biết cách bước qua nó cùng nhau.

Và sông Gianh, từ đó, không còn chỉ là “con sông định mệnh”. Nó trở thành “con sông của hy vọng”, nơi từng đau thương được gửi lại, để những mầm sống mới được ươm lên từ chính bùn lầy mất mát. Dòng Gianh vẫn lặng lẽ trôi nhưng trên bến đò nhỏ, có hai con người, cùng với những giấc mơ giản dị, đang xây dựng một tương lai, dù có bao gian khó, vẫn luôn vững bước đi về phía trước. Và như thế, họ đã tìm được bến bờ hạnh phúc trong cuộc đời mình./.

Trương Hiền

Đánh giá bài viết 1 Star (1 lượt bình chọn)
Loading...