1.Hà Minh cầm quả bóng, ngay ngắn đặt vào vạch vôi tròn nơi cột cờ góc phải của sân bóng.
Ánh mắt anh kiên định, nhìn về phía vòng cấm, nơi đó lúc nhúc những cái bóng áo xanh và đỏ đang chen lấn xô đẩy nhau. Từng người ở đó đang cố gắng chiếm lĩnh không gian của cái khu vực 16m50 chật hẹp. Có những người đã tìm được chỗ đứng chỗ nhưng sau đó lại bị đẩy đi. Tức mình, người đó chen vào lại nhưng những người kia không chịu nhường chỗ. Giờ sẽ là lúc hình thể và sức mạnh lên ngôi– ai hơn thì người đó được. Có những người người gặp bất lợi về hình thể, nên rốt cuộc phải quanh quẩn chỗ khác. Thế nhưng những người này cũng không thể thoát khỏi tầm mắt của những cầu thủ đội bạn. Ngay lập tức, có những người được cắt cử theo kèm những ai đang còn đang “tự do”.
Mục tiêu hiện tại của hai đội giờ rất khác nhau: Một bên muốn ghi bàn bằng được, một bên bằng mọi giá phải ngăn cản không được để cho đối thủ ghi được bàn.
Chao ôi, chỉ là quả bóng thôi mà, có nhất thiết phải căng thẳng đến vậy không? Sao không phát cho mỗi người một quả đá cho sướng, mà lại chỉ phát có một quả cho hai mươi hai người phải tranh nhau thế này?
Câu hỏi đó có thể sẽ là thắc mắc đến hàng thế kỷ của bao thế hệ, và nó sẽ vẫn còn luôn là trăn trở với những ai vẫn còn đặt ra câu hỏi: “Bóng đá có gì hay cơ chứ?”
Trở về với thực tại, Hà Minh lùi lại hai bước lấy đà rồi giơ tay. Hành động này là một mật hiệu quan trọng ở trên sân cỏ. Ban đầu, mọi người có thể nghĩ đây là tín hiệu cho biết mình sắp thực hiện cú đá. Nhưng trong thực tế mỗi cử chỉ tay đều mang một ý nghĩa riêng. Ví dụ giơ một tay có thể là bóng sẽ được đưa vào cột gần, giơ hai tay thì hướng đến cột xa. Tuy nhiên, các tín hiệu này sẽ không cố định mà sẽ do từng ban huấn luyện của từng đội bóng đề ra. Việc giơ tay giúp các cầu thủ đồng bộ hành động, biết chính xác thời điểm chạy chỗ hoặc tách người kèm, chuẩn bị bật cao đánh đầu. Khi cầu thủ hạ tay xuống chính là lúc toàn đội sẽ chạy theo phương án đã được luyện tập kỹ càng. Tóm lại, giơ tay trước khi đá phạt góc đã trở thành một phần quan trọng trong bóng đá hiện đại – nơi mọi chi tiết nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Mỗi sự thay đổi nhỏ nhất thôi cũng đã là một bài đánh khác, ở đó các cầu thủ đã di chuyển khác nhau mất rồi… Chỉ biết rằng trong giây phút ây, nhiều ánh mắt đã bắt đầu quét quanh lẫn nhau. Trong thoáng chốc, họ nhìn nét mặt, từng cử chỉ của nhau, họ chỉ sợ người này sẽ xuất phát, rồi sẽ bị “xổng”, họ sẽ trở thành tội đồ…
Có gió nhẹ, sai số có thể xảy ra nhưng với Hà Minh, điều này là không đáng kể.
Hà Minh thực hiện cú đá phạt rồi!
Bộp!
Đây là một cú treo bóng vào chính giữa khung thành, mục tiêu của quả bóng này là cái đầu của Đức Sinh.
Một bóng người bắt đầu di chuyển.
Đức Sinh bật cao. Đây rồi, ngay chính diện, chỉ cần một cú đánh đầu trúng bóng của anh là bóng sẽ đi thẳng vào lưới. Ở khoảng cách gần thế này, cú đánh đầu của anh sẽ có tốc độ rất cao, và thủ môn còn lâu mới phản xạ kịp.
Bốp! Đức Sinh thấy mọi thứ tối sầm lại. Một bóng đen đã bật lên chắn phía trước. Bóng đen này bật cao hơn anh, thể hình cao to cùng với cơ bắp cuồn cuộn.
Là Trần Lực – ông chủ của hàng phòng ngự Biển Xanh. Trần Lực bật cao đánh đầu trúng bóng trước. Trong quá trình giải vây cho đội nhà, cả anh và Đức Sinh đã gây ra va chạm, nhưng Đức Sinh là người thất bại trong tình huống này khi thua hẳn cả về sức mạnh lẫn thể hình. Đức Sinh ngã sóng xoài xuống cỏ, tối tăm mặt mũi.
Sẽ không có hồi còi nào, vì đây là một tình huống tranh chấp phá bóng hợp lệ của đội bạn!
Bóng được phá ra khỏi khu vực 16m50, đập nảy một nhịp xuống mặt sân, trước khi bị khống chế bởi một cái bóng áo đỏ.
Là Đạt – cầu thủ đội Biển Đông.
Toàn bộ các cầu thủ Biển Xanh chợt cảnh giác, Đạt là cầu thủ mà họ được lệnh phải chú ý thứ hai – sau Đức Sinh. Các trinh sát viên đã báo cáo trong buổi họp đội rằng đây là cầu thủ có những đường chuyền bất ngờ và có sở trường là những cú sút xa. Ngay lập tức, hàng thủ của Biển Xanh giữ nguyên cấu trúc và vị trí hiện tại. Họ tập trung cao độ. Cầu thủ Tô Ni lao ra. Ở giữa rừng người thế này, việc sút xa là bất khả thi! Có sút đi chăng nữa cũng sẽ đập vào ai đó chứ không thể đi vào khung thành. Hướng sút khác có thể được cân nhắc sẽ vào hai góc chữ A trên của khung thành, nhưng phải có thời gian để chỉnh thước ngắm trước khi vung chân. Nhưng sẽ không đủ thời gian đâu, khi Tô Ni đã chủ động lao ra để truy cản rồi.
Hoàn hảo.Tất cả được tổ chức hoàn hảo và kín kẽ! Ngoài đường pitch, huấn luyện viên Võ Thủy quan sát và thầm nghĩ. Mái tóc hoa tiêu, khuôn mặt vẫn không cảm xúc, nhưng ông khẽ gật đầu, tỏ vẻ hài lòng khi chứng kiến các học trò đội Biển Xanh của ông đang làm trên sân.
Nhưng ông không biết, khoảnh khắc sắp tới sẽ làm cảm xúc nhiều người tan vỡ!
Đạt chạm bóng bằng chân trái, khi ngẩng lên thì anh đã thấy thân hình khủng bố của Tô Ni đang lao ra che khuất tầm bóng. Và chẳng mấy nữa, chắc chắn Tô Ni sẽ áp sát rồi lấy được bóng nhờ ưu thế sức mạnh.
Hỏng rồi, không dứt điểm không được.
Thôi thì đành vậy. Đằng kia!
Gót chân trái chích chéo nhẹ, bóng đã ở phía sau Đạt. Anh giữ lại một nhịp, rồi bằng một thao tác điệu nghệ, anh móc bóng bằng gót chân phải, tâng bóng, vẽ thành một đường cong tuyệt mỹ về phía góc xa.
Đó là một cú “Lambretta” tuyệt diệu! (1)
Cả đội Biển Xanh há hốc miệng. Trời đất quỷ thẩn ơi, hắn đã làm cái gì vậy?
Cú Lambretta ấy đã làm đứng hình toàn bộ hàng phòng ngự đội Biển Xanh. Quá bất ngờ, không ai có thể kịp phản ứng với đường chuyền ấy. Đó là một kiệt tác nghệ thuật, bóng đã xuyên qua toàn bộ hàng thủ của đội Biển Xanh.
Thế nhưng mà điểm bóng rơi thì sẽ còn cách khung thành 3 mét nữa cơ, với khoảng cách đó thì thủ môn chắc chắn sẽ lao ra ôm gọn.
Nỗ lực của Đạt cũng chỉ được đến vậy thôi – một khoảnh khắc đẹp nhưng tiếc là không thể là một bàn thắng. Các cầu thủ của Biển Xanh cản thán.
Bóng đập đất.
Đạt mỉm cười!
Hắn cười cái gì chứ? Đó là một cú dứt điểm hỏng cơ mà. – Toàn đội Biển Xanh không hiểu.
Một cái bóng áo đỏ mang số 13 đang lao đến.
Chết rồi!
Đó không phải là một cú dứt điểm, mà là một đường chuyền dành cho tiền đạo. Và cái bóng kia mới là người dứt điểm. Trần Lực tá hỏa, anh cố gắng lao ra, thực hiện cú chuổi bóng.
Nhưng đã quá muộn, cái bóng áo đỏ đã chạm được vào bóng, anh tung ra cú dứt điểm cận thành làm tung nóc lưới của thủ môn đội Biển Xanh.
Cả sân vận động như vỡ òa. Phía khu kỹ thuật, huấn luyện viên Văn Sơn của đội Biển Đông đã ăn mừng, ông quỳ xuống, giơ hai tay lên trời, hú hét như điên như dại. Trên sân, số 13 của đội Biển Đông dang rộng hai tay, trước khi thực hiện cú trượt cỏ ăn mừng ghi bàn. Đây là bàn thắng thứ 2 của anh trong trận đấu, và có thể sẽ là bàn thắng quyết định trận đấu này. Các đồng đội lao đến, đè lên người anh để chung vui, tạo nên một đống người lố nhố trên sân cỏ.
Ngộp thở quá, cứu tôi vớiiii! – số 13 vùng vẫy.
Cả đội Biển Xanh như chết lặng. Sau một thoáng bất thần, họ lao đến trọng tài. Cả đội khiếu nại: “Số 13 đã việt vị trước khi dứt điểm!”.
Nhưng không, hai trọng tài biên đã chủ động có mặt, và khẳng định – Số 13 không việt vị, anh ta không hề đứng dưới hàng phòng ngự của đội bạn. Bằng kỹ năng của mình, số 13 lẩn xuống như một bóng ma và chọn đúng điểm mù của các hậu vệ, trước khi có mặt ở điểm rơi của cú Lambretta rồi tung ra cú dứt điểm tung lưới. Trên sân các cầu thủ có thể không thấy, nhưng hai trọng tài biên thì nhìn rất rõ tình huống này.
Rõ ràng số 13 đã phá bẫy việt vị một cách xuất sắc.
Sau đó 3 phút, trọng tài nổi hồi còi kết thúc trận đấu.
Các cầu thủ đội Biển Xanh đổ gục xuống sân, họ đã phải dừng chân ở bán kết! Tô Ni bật khóc, anh không thể tin nổi đội mình đã thua. Hoặc có thể, cú Lambretta của Đạt mới là nguyên nhân làm anh khóc – nó quá đẹp. Thua bởi một pha bóng đẹp như thế thì có rơi lệ cũng đâu có gì quá đáng. Phan Cao ngồi thụp xuống, anh nhìn lên khán đài, dâng lên một nỗi buồn vô hạn. Anh buồn vì màn trình diễn hôm nay của anh quá tuyệt vời – một bàn thắng và tạo ra vô số cơ hội, nhưng anh không thể tiếp tục mang nó đến sự bùng nổ cho khá giả nữa rồi. Một cái vỗ vai nhẹ, rồi một bàn tay kéo anh đứng dậy – là Trần Lực.
- Đi ra chào cảm ơn khán giả đi chứ! – Trần Lực nói.
Phan Cao đứng dậy, anh lại gần cùng đồng đội an ủi Tô Ni (2) vẫn còn đang khóc.
- Nín đi bạn, ra chào khán giả ai lại khóc nhè như con nít thế!
Tô Ni lau nước nước mắt, dù đã cố nín, nhưng anh vẫn nấc lên “hức hức” từng đợt.
Đội Biển Xanh cúi đầu chào khán giả trong tiếng hân hoan từ khán đài. Hôm nay họ làm rất tốt, nhưng Biển Đông mới là đội xuất sắc hơn. Biển Đông sẽ vào đá chung kết.
Trái ngược với họ, phía bên kia, đội Biển Đông đang chào khán giả trong niềm vui chiến thắng. Vẻ hân hoan hiện lên thấy rõ, phía khán đài của Biển Đông vẫn đang sôi sục tận hưởng niềm vui.
Trong bóng đá, ở các cuộc đấu quyết định, luôn có niềm vui và nỗi buồn đan xen. Niềm vui của bên này có lẽ sẽ là nỗi buồn của bên đối diện.
Ở một góc khán đài, một nhóm người đứng dậy, đi về phía cửa sân vận động, người đi đầu khoát tay, ra hiệu:
- Đi thôi, đối thủ của chúng ta cũng khá đấy chứ!
Rồi đám người ấy nhanh chóng rời khỏi sân.
Các cầu thủ bắt đầu đổi áo cho nhau sau trận đấu. Ngoài đường pitch, hai huấn luyện viên dành cho nhau những cái bắt tay lịch sự. Huấn luyện viên Võ Thủy hỏi Văn Sơn:
- Ông kiếm đâu ra số 13 thế?
Văn Sơn cười:
- Sao, có chuyện gì à?
Võ Thủy nói:
- Tôi thực sự thấy nể ông. Ông dám dùng cầu thủ gì mà không có thể hình, thể lực thì yếu, đỡ bóng thì kém, không biết sút xa, đã vậy chuyền bóng cũng tệ, làm thế quái nào mà hắn vẫn ghi bàn vào lưới chúng tôi – hẳn một cú đúp.
Văn Sơn đáp:
- Ông nói đúng, thằng bé đó không có kỹ năng gì có thể thuyết phục những người luôn đặt nặng chuyên môn như chúng ta cả, nó cũng chẳng làm cầu trường ồ lên thích thú bằng kỹ thuật cá nhân. Nhưng nó vẫn làm người ta say mê khi giúp toàn đội và người hâm mộ được tận hưởng niềm vui chiến thắng sau cùng bằng kỹ năng duy nhất nó giỏi – biết cách ghi bàn. Chẳng phải kết quả cuối cùng mới là quan trọng nhất hay sao?
Võ Thủy lặng người. Ông không nói gì nữa, chỉ lặng lẽ nhìn về phía các học trò của mình. Cả đời ông tôn sùng bóng đá đẹp, nhưng vẻ đẹp liệu có tác dụng gì khi cuối cùng không thể mang lại kết quả là chức vô địch đây?
- Buổi tối hôm trước, huấn luyện viên Văn Sơn đã mất ngủ.
Đêm đã khuya, nhưng phòng làm việc của ông vẫn sáng đèn, trên bàn là tập tài liệu dày cộp của bộ phận trinh sát. Ông lặng lẽ xem những video thông qua laptop. Tay ông cầm một chiếc máy tính bảng nữa để đối chiếu với các thông số, báo cáo của bộ phận phân tích dữ liệu đã làm rất kỹ. Thi thoảng, ông lại vơ lấy tài liệu trinh sát để so sánh.
Công nghệ thật là tuyệt vời. Ngày xưa tất cả những thứ này đều phải ghi vào đĩa mềm, băng hình, và số lượng tài liệu kèm theo là cực kỳ lớn. Việc phân tích dữ liệu sẽ cực kỳ tốn thời gian. Thế nhưng ngày nay, các huấn luyện viên đã có được những báo cáo chi tiết mà thế hệ trước mơ ước cũng không thể có được – nhờ công nghệ. Văn Sơn, đặt tay lên trán, day nhẹ, thi thoảng ông lắc đầu, rồi nhếch nhẹ môi, trông như một đứa trẻ đang làm mặt xấu.
Đội Biển Xanh này thật sự là khủng bố! – Ông thở dài
5 trận đấu đã qua, gồm 3 trận vòng bảng, 1 trận ở vòng 16 đội, 1 trận tứ kết, tất cả các trận đội Biển Xanh đều kiểm soát bóng trên 60%, đặc biệt có trận lên đến 80%. Ở trận tứ kết gặp đối thủ mạnh là đội Nam Hải, họ kiểm soát bóng 63%, chuyền chính xác 89%, tung ra 27 cú sút, trong đó 10 cú trúng khung thành và ghi được 4 bàn thắng, nhưng không hề bị thủng lưới. Chỉ số xG (bàn thắng kỳ vọng) là 2.84. Trong khi đối thủ chỉ có 1 cơ hội dứt điểm và không trúng đích, xG chỉ đạt có 0.05.
Hay ở trận đấu cuối cùng ở vòng bảng, họ thắng 7-0. Tỷ lệ kiểm soát bóng là 62%, chuyền thành công “chỉ” 87% và tung ra 24 cú sút, trong đó 12 cú trúng khung thành nhưng ghi đến tận 7 bàn, xG đạt 4.64.
Toàn đội đã ghi đến 20 bàn thắng sau 5 trận đấu, tức trung bình mỗi trận ghi đến 4 bàn. Nếu nhìn biểu đồ nhiệt, tuyến giữa của Biển Xanh đã lấn át toàn bộ đối thủ, do họ sở hữu “bộ tứ siêu đẳng” gồm Tô Ni, Phan Cao, Hiền Triết và Văn Đô. Trong đó Tô Ni và Hiền Triết đóng vai trò là 2 tiền vệ con thoi lên công về thủ nhịp nhàng. Cả 2 đều có thể hình lý tưởng (Tô Ni cao 1m83, Hiền Triết cao 1m92), phù hợp khi tranh chấp tay đôi, họ cũng có nền tảng kỹ thuật tốt và sở hữu những cú sút xa búa bổ. Trong khi Phan Cao là tiền vệ mắn bàn thắng đến kỳ lại, còn Văn Đô xứng đáng là tiền vệ kiến thiết hay nhất trong lứa tuổi hiện tại.
Thêm nữa, Trần Lực là trung vệ có tốc độ rất tốt và có khả năng chuyền dài từ ngay phần sân nhà, làm đa dạng thêm các phương án tấn công. Họ có thêm cặp wing-back (hậu vệ biên) công thủ toàn diện thường xuyên lên công về thủ và bó vào trong khi cần thiết làm gia tăng sức mạnh phòng ngự. Điểm yếu duy nhất của họ có lẽ là thủ môn và cặp tiền đạo. Nhưng tuyệt nhiên đây không phải là những cầu thủ kém, mà vì những cái tên kia đã quá xuất sắc nên họ kém nổi trội hơn. Chứ nếu ở các đội khác, họ mặc nhiên sẽ là ngôi sao.
Và Biển Xanh còn được dẫn dắt bởi Võ Thủy– một người bị ám ảnh bởi bóng đá tấn công nữa.
Đội bóng này, với 9 người có khi cũng đả bại được 11 người chứ không biết chừng!
Quá nhiều thông số, quá phức tạp. Bóng đá – tại sao chúng ta không đơn giản chỉ coi nó là một trò chơi chứ? Mà thực tế bóng đá đúng là một trò chơi đơn giản, nhưng bị phức tạp hóa bởi những thằng ngu! (3)
Văn Sơn rất đau đầu, ông đi đi lại lại quanh phòng, ánh mắt chợt va vào chiếc sa bàn. Ông lại gần, bắt đầu di chuyển các thỏi nam châm trên đó để tính đến phương án.
Dòng suy nghĩ bắt đầu trong tâm trí ông: Để xem nào. Đấu đôi công với đội bóng này là điều vọng tưởng, vậy nên chỉ có thể chơi phòng ngự phản công. Mình sẽ bố trí ba trung vệ và hai hậu vệ biên, trong đó một người sẽ đá thòng (sweeper/libero/hậu vệ quét), hai hậu vệ biên sẽ được bó vào trong và dâng cao khi có cơ hội. Nhưng ở hàng hậu vệ là chưa đủ, sẽ cần có thêm cặp pivot (bộ đôi tiền vệ phòng ngự) hoặc thậm chí là trivote (bộ ba tiền vệ phòng ngự) để tranh chấp, xoạc bóng không thương tiếc. Sẽ có một tiền vệ dẫn dắt duy nhất để làm cầu nối và một tiền đạo chộp giật phía trên.
Ổn đây, vậy là đã có chiến thuật.
Giờ thì ta xem những con người mà mình có!
Hậu vệ quét sẽ do Huy Hùng –“Quý ông ở hàng phòng ngự” đảm trách, anh ta chơi bóng bằng cái đầu, điềm tĩnh và có tốc độ. Dù thể hình nhỏ con, nhưng không ai phù hợp hơn cả. Chỉ huy hàng phòng ngự sẽ là Ngô Đức – một hậu vệ máu lửa. Sự ăn ý giữa Ngô Đức và Huy Hùng rất tốt, họ hiểu nhau một cách đáng kinh ngạc. Có lẽ do trái ngược về lối chơi và tính cách nên bổ sung hoàn hảo cho nhau chăng? Mình sẽ xếp Hà Minh ở hậu vệ trái, anh này chơi tròn vai, có điểm mạnh là những cú sút phạt và thực hiện phạt góc – một vũ khí bí mật ở các tình huống cố định. Ổn đấy chứ!
Các suy nghĩ cứ thế tiếp nối, những dòng suy nghĩ mới liên tục tuôn ra, cùng với đó là ngón tay của Văn Sơn đang thao tác liên tục trên sa bàn. Văn Sơn thích cảm giác này, thật là sảng khoái dễ chịu, giống như niềm vui ông vẫn giải toán hồi đi học vậy, giống như mình sắp tìm ra một điều gì đó quan trọng.
Hừm, mình sẽ không thể bố trí Trivote được, vì nếu ba tiền vệ tranh chấp ở giữa mà không hiểu ý nhau sẽ thành dẫm chân lên nhau. Giả sử mình bố trí ba tiền vệ phòng ngự và với cách chơi kèm rát, khi họ quá mải tranh chấp thì rất dễ bị ăn thẻ và khi bị hút vào việc phải vô hiệu hóa Văn Đô, thì Phan Cao với khả năng di chuyển rộng và thông minh sẽ thoát xuống rồi “xâu kim” hậu vệ mất. Không thể để xổng ai, mà phải kèm sát và vô hiệu hóa được cả hai! Vậy thì cần phải có một tiền vệ có tư duy và chuyền bóng tốt để làm “chất keo” kết nối cũng như đọc vị cầu thủ tấn công đối thủ. Sẽ là Văn Đạt! Mặc dù sẽ trái sở trường, nhưng mình sẽ trao đổi với nó. Văn Đạt là một cầu thủ cực kỳ chuyên nghiệp và dễ bảo, nên sẽ không có vấn đề gì khi mình bảo cậu ta chơi trái sở trường. Tiền đạo cắm sẽ là “người giấy” Đức Sinh – một cầu thủ toàn diện, anh ta là tiền đạo hay nhất mình đang có…
Ha ha, thế đi.
Văn Sơn lùi lại, nhìn chiến thuật mình vẽ ra, mắt ông lim dim, tỏ vẻ hài lòng.
Nhưng bất giác, ông lắc đầu. Không không được rồi…
Đức Sinh toàn diện, nhưng sẽ ra sao nếu va chạm với Trần Lực và chấn thương? Hơn nữa, nếu xếp cậu ta đá cắm thì sẽ không tận dụng được khả năng chuyền bóng và sút xa (vì Đức Sinh sẽ phải hoạt động nhiều trong vòng cấm), và sẽ rất nguy hiểm khi Đức Sinh không có bóng. Khả năng này hiển hiện rõ khi chắc chắn đội ta sẽ bị ép sân do nhường thế trận cho đối thủ. Đức Sinh sẽ phải mòn mỏi chờ bóng ở phía trên từ các đồng đội…
Văn Sơn thở dài, ông khoanh đỏ vị trí tiền đạo cắm. Ông nhìn rất lâu, những suy nghĩ mông lung liên tục lướt qua.
Sẽ ra sao nếu Đức Sinh không đá tiền đạo cắm? Không phải anh ta thì ai đá đây? Và Đức Sinh sẽ ở đâu nếu không phải tiền đạo?
Những câu hỏi này làm khổ Văn Sơn cả tiếng đồng hồ.
Đã hơn một giờ sáng, Văn Sơn đã rất mệt rồi. Ông pha một ly cà phê đen đá không đường, chậm rãi thưởng thức. Kỳ thực ông không thích cà phê, nhưng để tỉnh táo, ông cần đến cafein, và vị đăng đắng sẽ kích thích vị giác, làm ông quên đi cơn buồn ngủ.
Ừ thì có tỉnh táo hơn thật, nhưng nỗi lo của ông thì vẫn còn.
Văn Sơn bóp trán, rờ lấy tập tài liệu trinh sát, trong đó có cả báo cáo tập luyện của các cầu thủ nữa. Tuần này có báo cáo sớm à? Thường thì ngày kia mới có cơ mà! Trong mông lung suy nghĩ, Văn Sơn lật tập báo cáo chi chít chữ và số liệu, không rõ ông có đọc thật không, hay chỉ đang giải khuây, đánh lừa bộ não là mình vẫn đang làm việc, nên bộ não chưa được phép nghỉ…
Ngón tay của ông chợt dừng lại ở một trang báo cáo.
Ông nhìn chằm chằm vào đó, rồi ông ngước lên nhìn sa bàn trên tường, đồng tử mở to.
Văn Sơn mỉm cười.
Đây rồi, chính là nó!
- Trong phòng họp đội, tất cả đều há hốc mồm khi huấn luyện viên Văn Sơn công bố đội hình ra sân và nói về chiến thuật.
Đơn giản, vì không ai hiểu nổi quyết định của huấn luyện viên.
– Đức Sinh, em sẽ đá tiền đạo lùi, hay còn gọi là số 9 ảo. Còn Chiến Thắng – số 13 sẽ là tiền đạo cắm!
– Thưa thầy em có ý kiến! – một cầu thủ giơ tay. Đó là Ngô Đức – trung vệ sẽ đá trận này
– Nói đi – huấn luyện Văn Sơn đáp.
– Thầy không thể chọn người dựa trên cái tên của người ta được. Vị trí tiền đạo cắm rất quan trọng, Chiến Thắng không có thể hình, thể lực thì kém, tốc độ cũng không nổi bật. Va chạm với em còn ngã sóng xoài, chứ đừng nói gì đến đấu với Trần Lực bên kia…
– Hết chưa? – Văn Sơn hỏi.
– Còn ạ, cậu ta là cầu thủ dự bị và số 13 không đẹp trong trận đấu thế này…
Huấn luyện viên Văn Sơn ngắt lời:
– Thứ nhất, tôi không phải là người mê tín. Thứ hai, cậu đấu tập với Chiến Thắng, có trận nào cậu giữ được sạch lưới không?
Ngô Đức lúng túng:
– Dạ, chưa có….
– Đó, người ta kém cậu cả về thể hình, thể lực, va chạm thì toàn thua, nhưng có cả cậu, lại thêm cả thủ môn có ngăn được người ta ghi bàn đâu?
Một người khác tiếp lời:
– Thưa thầy, nhưng đây là bán kết, không nên mạo hiểm thay đổi.
Văn Sơn cáu, ông quát:
– Giỏi nhỉ, rốt cuộc tôi là huấn luyện viên hay cậu là huấn luyện viên? Hay là cậu lên đây chỉ đạo thay tôi luôn đi!
Cầu thủ vừa lên tiếng co rúm người lại, chắc hẳn anh rất hối hận vì câu nói vừa rồi của mình.
Huấn luyện viên tiếp lời:
– Các cậu nên nhớ, đối thủ đã phân tích chúng ta rất kỹ rồi. Hôm nay ở đây, tôi đang cùng các cậu bàn thảo và lên chiến thuật, mổ xẻ lối chơi của đối thủ, vậy có chắc là ở phòng họp bên kia, huấn luyện viên bên kia không mổ xẻ chúng ta không? Nếu cứ mãi theo một công thức, thì chẳng phải là sẽ chơi theo ý mà đối thủ muốn chúng ta chơi như vậy hay sao? Và các cậu nghĩ là trận này họ cũng chơi y xì như trận trước chắc? Võ Thủy vô hình à? Hay đội Biển Xanh toàn là robot, không biết tư duy nên chỉ chơi theo một kiểu?
Một tràng câu hỏi của Văn Sơn làm cả khán phòng im lặng.
Rồi ông nhìn về phía Đức Sinh:
– Đức Sinh này, nếu đặt em ở trên cùng sẽ cực kì mạo hiểm khi em bị phong tỏa. Nhưng nếu đặt em ở xa khung thành hơn thì lại khác. Trần Lực sẽ không biết có nên theo kèm em hay không. Và nếu Trần Lực dâng cao để hỗ trợ Tô Ni để tìm cách vô hiệu hóa em, thì khoảng trống sẽ lộ ra – đó là cơ hội của Chiến Thắng. Tôi cần sự kết dính của em với hàng tiền vệ để chuyển trạng thái. Sự toàn diện của em sẽ làm giảm áp lực cho hàng tiền vệ và hậu vệ khi phản công hay đôi khi tự triển khai tấn công. Vì vậy, em cứ thoải mái chơi tự do, làm gì tùy thích, nếu có bóng thì em có thể xử lý theo ý muốn!
Đức Sinh gật đầu:
– Vâng thưa thầy, em đã hiểu ạ.
Văn Sơn hài lòng, rồi ông quay sang Chiến Thắng:
– Thế nào, số 13 có đá được không?
Số 13 đứng bật dậy, đáp một cách rõ ràng:
– Thưa thầy, chắc chắn là em có. Em sẽ cố gắng hết sức.
Trong thâm tâm, Chiến Thắng khao khát được ra sân từ đầu. Là một cầu thủ, có ai lại muốn dự bị đâu? Việc cậu được ở trong đội hình này cũng là một điều thần kỳ rồi. Vốn dĩ, cậu là “vé vớt” được gọi lên dự giải cho đủ đội hình khi “Bò mộng” Minh Tú – chân sút chủ lực của đội không may chấn thương dài hạn. Nên về bản chất, vai trò của cậu không hơn không kém là dự bị của dự bị.
Vậy mà hôm nay cậu đã bước ra ánh sáng, khi trong trận đấu đầu tiên được đá chính ở của giải, cậu đã ghi đến hai bàn thắng, góp phần hủy diệt “bộ tứ siêu đẳng” và đội Biển Xanh hùng mạnh.
Khi Võ Thủy hỏi Văn Sơn về số 13 sau trận đấu, ông cũng không ngần ngại chia sẻ ý kiến của mình. Vốn dĩ chiều sâu con người của đội ông không thể bì được với đội Biển Xanh của Võ Thủy. Ông cũng thích chơi tấn công lắm chứ, nhưng không có đủ con người phù hợp thì sao có thể chơi? Bản thân ông cũng như người cầm quân ra trận. Khi xưa, nếu tướng thất trận, họ là tội nhân với các chiến sĩ và người nhà chiến sĩ đã hy sinh. Còn ở trong lĩnh vực bóng đá này, nếu thua trận, ông sẽ ăn nói sao với người hâm mộ đây? Người hâm mộ có vui không khi đội bóng của họ thất bại?
Đó là hy vọng sẽ chuyển thành thất vọng.
Ông không muốn, và sẽ cố gắng không cho phép điều ấy xảy ra. Cho nên, ông phải thay đổi để giành chiến thắng.
Một vết gợn chợt hiện lên trong tâm trí của Văn Sơn.
Văn Sơn ngưỡng mộ và tôn trọng tuyệt đối cho Võ Thủy. Vì Võ thủy cống hiến cho người yêu bóng đá đẹp rất tự nhiên và thuần khiết. Võ Thủy chú ý từ khâu phát triển con người, chiến thuật và vận hành để tạo nên cái đẹp. Còn Văn Sơn, có thể sau ngày hôm nay, người ta sẽ tôn vinh ông là thiên tài chiến thuật, là nhà quản lý nhân sự xuất sắc. Thế nhưng, ở khía cạnh nào đó, ông chính đã là một kẻ phản diện – khi hủy diệt đội bóng đại diện cho vẻ đẹp thuần khiết và chơi bóng vì đam mê.
À mà nếu thế thì Võ Thủy cũng sẽ ăn nói sao với người hâm mộ bên đó đây nhỉ?
Bóng đá – thật là hấp dẫn, thật thú vị, nhưng cũng thật là nghiệt ngã!
- Thật là háo hức – một đợt sóng triều dâng lên bên trong cảm xúc của Chiến Thắng. Đợt sóng triều này đã bắt đầu từ ngay khi trận đấu với đội Biển Đông kết thúc, nó cuộn trào hàng đêm, làm cho Chiến Thắng mất ngủ vì sung sướng. Sướng vì đội của cậu được đá chung kết là một, nhưng sướng vì cậu lại được tin tưởng đá chính trong trận chung kết là mười. Hôm nay thì chẳng có ai phản đối việc cậu đá chính nữa. Khi huấn luyện viên Văn Sơn thông báo, cả đội đều gật gù. Chỉ có duy nhất một người đứng dậy, anh ta đặt tay lên vai, dí sát mặt vào cậu, trừng mắt, nói:
– Liệu thần hồn! Đá vị trí tiền đạo của tôi mà không ghi được bàn thì cả đội sẽ cho cậu thưởng thức đặc sản tẩm quất chùm chăn đấy!
Chiến Thắng lạnh sống lưng, lắp bắp:
– Dạ dạ, em hiểu ạ, em sẽ cố gắng….
Đức Sinh quay người rời đi. Nhìn từ phía sau, Chiến Thắng thấy anh ta vẫn rung rung, giật liên hồi. Chắc hẳn anh ấy đang giận lắm vì cậu cướp mất vị trí tiền đạo. Thế thì phải càng cố gắng thôi. Nghĩ là làm, Chiến Thắng thu dọn đồ rồi xách đôi giày của mình, phi như bay ra ngoài sân tập. Hôm nay cậu muốn luyện tập nhiều hơn một chút, để chuẩn bị cho trận chung kết.
Văn Đạt nhìn Đức Sinh, anh nhún vai thở dài:
– Chiến Thắng nó đi rồi, cậu trở về bình thường đi, không cần phải gồng mình cố thế nữa đâu.
Một tràng cười khả ố vang lên, đó là điệu cười khoan khoái của Đức Sinh. Thực ra cậu không buồn bực gì vì bị cướp mất vị trí tiền đạo cả, mà vì cậu muốn được chơi số 9 ảo từ lâu lắm rồi. Nhưng các trận trước không được phép vì huấn luyện viên không tìm được tiền đạo giỏi. Nên cậu đã phải cáng đáng cả việc ghi bàn, kiến tạo lẫn tổ chức lối chơi. Việc đá cắm mang lại cho cậu những cơ hội rõ ràng để dứt điểm, cậu sẽ có nhiều bàn thắng. Nhưng cũng sẽ hạn chế đi sự sáng tạo, chất nghệ sĩ trong con người của Đức Sinh. Bởi, nếu đá cắm, các trung vệ sẽ kèm rát ngay khi tiền đạo có bóng, nên các tiền đạo sẽ phải đưa ra quyết định dứt điểm rất nhanh, thay vì được phô diễn kỹ thuật. Số 9 ảo thì khác. Cậu sẽ được kéo ra xa khỏi khung thành, sẽ ít bị kèm bởi các hậu vệ hơn, vậy là sẽ có nhiều không gian hơn để được phô diễn kỹ thuật, nhưng cũng không thiếu các cơ hội ghi bàn. Nghĩ thôi đã thấy phấn khích rồi.
Từ nay, có người đảm trách ghi bàn chuyên trách rồi, sướng quá đi chứ. Nhưng cậu vẫn phải dằn mặt số 13, để đảm bảo nó không ngủ quên trên chiến thắng, và chắc chắn không phải là “ăn may”.
– Kệ tớ, hớ hớ hớ – Đức Sinh vừa nói, cậu vẫn cười khằng khặc, người vẫn rung bần bật, chân thì dậm dậm xuống sàn.
Văn Đạt lắc đầu:
– Ông điên mịa nó rồi, thôi tôi đi đây, ở đây lâu khéo tôi cũng điên như ông mất.
Nói rồi cậu quay đi, mặc kệ cho Đức Sinh đang cười như điên trong phòng. Văn Đạt cũng là một người phải thay đổi vị trí. Trước đây cậu đá tiền vệ cánh, do huấn luyện viên nhận ra phẩm chất bao quát tầm nhìn trên sân và những đường chuyền dài của cậu rất tốt cho các sơ đồ cần tạt cánh đánh đầu. Cậu vui vẻ thi đấu và thích vị trí ấy. Nhưng lâu ngày, cậu lại nhận ra có vấn đề.
Vì khả năng tăng tốc của Đạt không hẳn là xuất sắc – điểm tối kị với một tiền vệ cánh. Cậu từng nghĩ mình sẽ đề xuất với huấn luyện viên nên để cho mình chơi một vị trí khác, nhưng chưa biết sẽ nên chơi vị trí gì. Trận đấu vừa qua với đội Biển Đông dường như đã cho cậu câu trả lời.
Khi đá tiền vệ trung tâm, sự cần mẫn, tầm nhìn bao quát sân đã khiến cậu trở thành điểm sáng. Với tinh thần máu lửa, nhiệt tình, không ngại va chạm, Văn Đạt đã chia cắt được “bộ tứ siêu đẳng” của đội Biển Xanh. Đối đầu với họ, cậu thần tượng Tô Ni và Hiền Triết – hai tiền vệ con thoi siêu hạng và cực kỳ thông minh. Cậu khao khát sẽ có ngày mình sẽ đạt đến đẳng cấp của hai người đó. Nhưng trước mắt, phải đối đầu với “Đội bóng vàng” – Chiến Binh đã.
Mà bạn thân của cậu – Công Trí cũng đang là một thành viên quan trọng ở bên đó…
- Xe đang lăn bánh trên đường, “Đội bóng vàng” Chiến Binh đang di chuyển đến sân vận động.
Hôm qua, họ đã chứng kiến đội Biển Đông chiến thắng đội Biển Xanh thế nào. Trên khán đài, các cầu thủ vô cùng phấn khích với pha làm bàn ấn định chiến thắng của số 13, tất cả đã đứng bật dậy sau khi chứng kiến bàn thắng ấy.
Còn hôm nay, họ sẽ đối đầu với đội bóng đã tạo nên sự phấn khích ấy.
– Văn Sơn đúng là một con cáo già, nhỉ! – một giọng nói vang lên phá vỡ không khí im lặng trên xe.
Đó là tiếng của huấn luyện viên Nguyễn Sen.
Ông tiếp lời:
– Thú thực tôi cũng không dám thử nghiệm như anh ta ở trận đấu quan trọng như thế đâu. Nhưng mà cũng may mắn khi tôi đã có các cậu.
Không khí rộn ràng bắt đầu tràn ngập xe, mọi người bắt đầu trò chuyện sôi nổi. Người thì nói về những trận đấu đã qua ở vòng bảng, người thì kể lại chuyến tập huấn trước giải, người thì chẳng thèm nói gì về bóng đá, họ nói về… bạn gái của cầu thủ này và hẹn tối nay sẽ đi ăn ở đâu…
Chiến Binh quả thật là một đội bóng rất mạnh. Họ đã bất bại suốt cả năm nay! Đến cả đội Biển Đông cũng chỉ cầm hòa được đội bóng này. Trước giải, hai đội coi nhau là đối thủ chính, không ít người đã vẽ ra một kịch bản hai đội sẽ phải đấu penanty để phân thắng bại nếu đối đầu. Nếu Biển Xanh có “bộ tứ siêu đẳng” thì Chiến Binh cũng có cặp tiền đạo “Cái đầu vàng” Công Trí và “Đại bác bùm bùm” Phi Long. Hai người này kể từ khi đá cặp với nhau đã cùng nhau ghi đến hơn 70 bàn thắng trong năm nay cho đội Chiến Binh. Họ còn có một “Mũi tên bạc”Huy Hoàng bên cánh trái nữa. Anh chàng này suốt ngày than thở, vì:”Tôi rất khó xử khi tạt bóng vào. Vì đội của tôi có hai tiền đạo thì một người thích bóng bổng và một người thích bóng sệt. Dù có làm thế nào thì tôi vẫn sẽ làm một người thất vọng”.
Thật vậy, Công Trí cao to, đánh đầu rất hiểm. Còn Phi Long nổi bật với hai chân như một, kỹ thuật tuyệt luân và những cú sút xa trái phá làm mọi thủ môn đều phải khiếp sợ. Hầy, xem ra nếu là Huy Hoàng, thì ai cũng sẽ khó xử như vậy thôi.
Huy Hoàng ghé đầu lên phía huấn luyện viên Nguyễn Sen:
– Thầy ơi, hôm nay bóng sệt hay bóng bổng nhiều hơn ạ?
Huấn luyện viên Nguyễn Sen quay lại, đáp:
– Gì cũng được, nhưng xem hôm nay cậu có cơ hội mà tạt bóng hay không nữa nhé! Có xem gã Ngô Đức bên đó đá hôm nọ chưa? Hôm đó hắn “hành hạ” Văn Đô thế nào? Tôi dám cá là nếu được phép, có khi cậu đi vào nhà vệ sinh hắn cũng theo cậu vào luôn đấy! (4)
Huy Hoàng tiu ngỉu, anh lùi về chỗ, bắt đầu trầm ngâm.
Riêng Công Trí thì khác, anh không nói gì từ đầu buổi, một số người còn trêu đùa, bảo rằng chắc Công Trí để dành sức, tý nữa có gì đó nói riêng với Văn Đạt đây.
Công Trí chẳng để ý. Anh đang hồi tưởng lại về những ngày còn nhỏ – anh và Văn Đạt rủ nhau đi bêu nắng giữa trưa hè, đá bóng trên nền bê tông bỏng rát. Hay có những hôm hai đứa trốn học đi đá bóng, rồi cùng bị bố mẹ xách tai lôi về cho một trận, tịch thu luôn quả bóng đá. Hai đứa phải nhịn ăn sáng bao nhiêu ngày để mua quả bóng mới, mà mua về xong còn phải tìm chỗ giấu vì sợ bị bố mẹ phát hiện. Nhiều lần bị thu bóng, hai đứa khóc quá trời. Cả hai chỉ mong chờ nhất đến ngày sinh nhật, vì chắc chắn năm nào hai đứa cũng đòi bố mẹ mua cho quả bóng đá, chứ tuyệt nhiên không thèm những món khác như quần áo hay trò chơi điện tử – những thứ mà mọi đứa trẻ cùng thời đều thèm muốn.
Công Trí nhoẻn miệng cười – một nụ cười tự nhiên.
Bóng đá, thật là thú vị. Người xem đã thấy thích, người chơi còn thấy thích hơn. Phải chơi bóng, đắm chìm trong đó mới hiểu nó thú vị thế nào.
Xe lăn nhanh trên đường, trận chung kết đang chờ đón bọn họ!
Tài Tiên Sinh
Bài viết liên quan: