Trên chuyến xe di chuyển về Hòa Bình, mảnh đất tôi sinh sống thủa thơ bé, khẽ đưa mắt nhìn ra ngoài ô kính xe ô tô nhỏ cảnh vật di chuyển từ những ngôi nhà tầng bê tông mang màu sắc thành thị đến một vệt xanh của cánh đồng lúa bằng phẳng, rất nhanh thôi địa hình được nâng lên dần những dãy núi hiện ra lớp lớp nối tiếp, phía xa khói bếp chiều từ những ngôi nhà bảng lảng trôi và tan nhẹ lên cao. Một sắc màu Tây Bắc hiện ra thật sinh động, thật rực rỡ.
Tôi như chìm vào trong dòng xoáy thời gian đưa tôi về mười năm trước, những dạo năm 2010, khi tôi còn là một cậu học sinh cấp hai lóc cóc đạp xe mini Nhật màu thiên thanh đến trường, giọt mồ hôi ướt đẫm cả chiếc áo cánh trắng và khăn quàng đỏ trước ngực. Trước trường tôi là một cánh đồng trồng rau rất lớn, người ta đặt tên là đồng rau Nghĩa Phương, cung cấp rau xanh cho khu chợ gần đó, mỗi ngày đạp xe qua lại tôi đều ngắm nhìn khắp cả các loại rau từ mồng tơi, rau cải, bí xanh, sáng sáng những giọt sương còn đọng trên kẽ lá long lanh như những hạt ngọc của trời giăng mắc khắp mặt đồng. Đến chiều khi nắng tắt, tôi ngồi bên ô cửa sổ lớn nhắm mắt mà nghe cái mùi gió thoảng từ cánh đồng thổi vào, có mùi của đất, của nước, của mùi rơm nếp người ta đốt để bón rau, tất cả tạo ra một thứ mùi của thiên nhiên, mùi khói đó len lỏi vào tâm trí của tôi khiến cho câu giảng của cô giáo gọi tôi về thực tại: “Mời em Hùng Sơn trả lời nào”. Nhớ đến đây mà tôi muốn nhỏ lại, thăm lại mái trường xưa, chắc chắn tôi sẽ chạy ù ra bờ ruộng mà hít hà cho đã cái không khí ký ức, thân thuộc đó.
Cứ độ một tuần đến hai tuần các bác nông dân lại thu hoạch rau và củ quả một lần, tôi nhớ tiếng nói, tiếng cười, tiếng họ gọi nhau vang khắp cả khu ruộng vui vẻ lắm, trên áo mỗi người đều thấm đẫm sương mai, cái sương không đủ để ướt áo, nhưng đủ để thấm lạnh. Những mớ rau xanh non được nhúng vội bên bể nước nguồn chảy ra từ một miệng giếng khoan nhỏ xíu người ta bắc ở đầu ruộng, chúng mỡ màng và bắt mắt nằm gọn trong đôi quang gánh được chế lại khéo léo từ hai lồng của chiếc quạt hỏng, chúng vui vẻ nhịp nhàng trên vai của các bác nông dân sắp hàng ra khu chợ Nghĩa Phương ngay bên cạnh cách một con đường. Ấy mới hay, người nuôi cây, cây lại nuôi người, đã biết bao nhiêu ước mơ làm bác sĩ, giáo viên,… đã biết bao hy vọng về một bữa cơm đầy đủ thịt cá,… cũng được tạo nên từ mảnh đất ruộng nhỏ nhỏ xinh xinh đó, che chở bảo bọc con người sinh ra từ ruộng, già đi cùng trên ruộng và thác xuống cũng nằm tại ruộng, một kiếp nhân sinh có mấy mươi năm, sinh diệt tuần hoàn, khu ruộng vẫn nằm đó, âm thầm gieo những mầm xanh thực hiện cho trọn nhiệm vụ của mình.
Trường tôi học là một trường cấp hai liên cấp có từ thời xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, vậy nên kiến trúc mang nặng màu sắc Liên Xô, các ô cửa rất cao và rộng, bên trong trường có nhiều bồn cây là chỗ ở của những cây cổ thụ to lớn, ngày hè nóng lũ tiểu quỷ chúng tôi hay ngồi la liệt khắp các ghế đá dưới những bóng cây cao, hưởng sự mát mẻ toát ra từ lớp bê tông dày bám đầy rêu phong và cái mùi mát lạnh chỉ có khi ở gần cây cối ta mới cảm nhận được sự trong trẻo, đầy sự thư giãn nhường vậy. Bao thế hệ học sinh đến đi, trưởng thành đều có thói quen không truyền mà chung lòng, chung ý như vậy.
Thời gian như một con thoi trên khung dệt của người con gái xứ Mường thoăn thoắt qua lại, dệt nên bức tranh thổ cẩm nhiều màu sắc hoa văn đặc trưng của cuộc sống, bức tranh cuộc đời tôi cũng dệt nên dần bởi hoa văn của sự trưởng thành, tấm áo cánh trắng năm xưa đã trôi vào ký ức, khăn quàng đỏ đã gấp lại cất vào trong ngăn kéo và cái ruộng rau năm xưa đã không còn nữa. Thời đại mới, quá trình đổi thay và phát triển của đất nước đã khiến ruộng rau nhường chỗ cho khu dân sinh xây dựng. Tôi tìm về trường cũ cũng vào một buổi chiều mùa hạ thì nhận ra trường vẫn vậy, cơn nắng oi ả tháng sáu năm xưa vẫn vậy, nhưng khu ruộng năm xưa đã không còn, mùi khói năm đó đã thật sự xa vắng. Biết rằng thời gian có quy luật biến thiên cái cũ sẽ bị xóa bỏ nhưng trong lòng tôi thật sự thèm cái cảm giác gần gũi với ruộng đồng cây cỏ và con chữ sau lớp phấn trắng của cô giáo thật nhiều. Hòa Bình thay đổi nhiều lắm, khu ruộng chỉ là một khoảnh đất rất nhỏ, ngoài kia cơ giới hóa, nông thôn hóa, đã khiến cho rất nhiều cánh rừng, con suối bị thay thế, xóa bỏ, hay mất tích, văn hóa xứ Mường gắn liền với đất, với rừng cũng phai mờ dần. Tôi còn nhớ trong hệ thống sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước đã có đoạn như thế này:
“…
Trong cửa Mường nhà chưa có người truyền đi lối lại
Đã có chốn rừng đa, đã có nhà rừng giang
Có đằng đi xuống, có lối đi lên, đã có rau dền rau má
Thứ nào muốn dậy, cũng đã nên thân nên hình
Đất đã có đất xa lơ xa lắc, đất đã có đất rộng mênh mông
Chuyện chưa kể nên một gang, chuyện chưa kể lên một lẽ
Chuyện, người già người trẻ lại nghe chuyện đến chuyện đi, lại nghe chuyện xưa năm cũ
…”
(Sử Thi Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường)
Áng sử thi năm xưa còn vang vọng, đây đất Mường, đây người Mường, đây Hòa Bình vẫn còn như vậy, những ruộng đồng, rừng núi, lại chỉ còn qua những dòng suy nghĩ nhỏ bé quên nhớ của tôi.
Từ trong ký ức, lời nói tôi phải thốt ra: “Ôi, tôi nhớ quá, chuyện năm xưa”. Chợt một giọng nói kéo tôi về hiện thực: “Em ơi đến ngã ba cầu Đen rồi, em chuẩn bị đồ đi nhé”. Thì ra tôi đã đến nhà rồi, tôi đã trở về Hòa Bình cả trong cũ và mới, cả trong ký ức và thực tại. Đường phố cảnh vật vừa thân vừa lạ, vẫn là cây cầu cứng xa xa là công trình thủy điện của quốc gia, vẫn là con đường vào chợ Phương Lâm đông đúc, vẫn là những làn đường rộng đầy xe qua lại.
Bố tôi chợt vỗ vào vai và nói: “Này tối nay nấu cơm canh mồng tơi đi, cô giáo chủ nhiệm cấp hai của con vừa cho hai mớ rau lúc chiều đó”.
Tôi hỏi: “Cô giáo Mai dạy văn trường cấp hai của con ạ”.
Bố đáp: “Ừ cô dạy con hồi cấp hai ấy, mà rau ở ruộng Nghĩa Phương, chả phải con nhớ khu ruộng đó nhất à”.
Nghe được vậy, tôi không chần chừ mà lấy vội xe chạy ra cổng trường năm xưa, có lẽ nào khu ruộng rau năm sau vẫn còn như dòng hồi ức lúc nãy của tôi không? Đến nơi, vẫn là cổng trường quen thuộc, nhưng phía trước đâu có còn ruộng mà thay vào đó là khu dân cư đầy các ngôi nhà cao tầng kiểu mới mà, làm sao cô lại có rau của khu ruộng cũ được. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn qua lớp cổng trường thấy khoảng sân vẫn như xưa bóng cây vẫn còn, chiếc ghế đá màu xanh vẫn còn lưu giữ lại và cả một tuổi hồng áo trắng của lứa học trò chúng tôi cũng được lưu lại nơi đó, chỉ khác là giờ tôi đã lớn, các bạn tôi cũng đã lớn cả, tôi đã chuyển tới một thành phố khác cách Hòa Bình cả trăm cây số, mỗi lần về thăm gia đình, thăm bố và bà tôi mới được về lại nơi đây.
Bữa cơm tối đó bố mới nói với tôi rằng, cô giáo tôi đã lặng lẽ giữ lại một mảnh vườn nhỏ tầm vài mét vuông sau nhà để trồng rau xanh và điều may mắn là ngôi nhà nằm chính trên khoảng ruộng rau năm xưa nên vẫn còn rau xanh trồng chính trên đất ruộng Nghĩa Phương năm đó. Thì ra kết thúc không phải là cái kết, mà trang thời của lịch sử chắc chắn sẽ đổi thay, nhưng chúng ta là những con người tham gia tạo tác nên lịch sử, ta sẽ có cách để lưu lại những đường dây liên kết giữa con người với thiên nhiên, kim và cổ, giá trị xưa cũ và đương thời, chỉ cần ta muốn và mong cầu điều đó. Hòa Bình sẽ mãi như vậy đẹp và thật yên bình bên dòng Đà Giang thơ mộng.
Sơn Nguyễn
Bài viết liên quan: