Đoàn tàu vẫn xình xịch lăn bánh trên đường ray, chậm rãi từ từ trèo qua Hải Vân Nam. Vừa leo vừa ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hữu tình sơn thủy. Bên vách núi cheo leo, bên vực sâu xanh thẳm. Lần nào cũng vậy, khi tàu qua đèo Hải Vân, Thanh dõi mắt nhìn xem cảnh vật mà lòng đắm say trước áng mây bay bồng bềnh phủ lên ngàn lau phất phơ màu khói bạc. Chỉ còn dăm ba cây số nữa thôi là đến trạm Hải Vân Bắc. Lại đành lỡ hẹn, Thanh phải xuống ga, quay về. Đạo hiếu làm con, Thanh không nỡ nào sai phạm. Nghĩ thế, anh lặng lẽ quay lui.
Đêm nay, Trinh ra đón Thanh ở sân ga, theo lời hẹn của anh hôm ngày ra trường. Anh nói như quyết, anh về, năm sau, đúng ngày này anh sẽ ra lại Huế. Hẹn gặp ở sân ga. Chuyến tàu chợ, tàu địa phương chở mắm muối, củi, than… đi từ Đà Nẵng ra Huế, thất thường lúc tám giờ, lúc tận mười giờ hơn, nhưng Trinh vẫn không nản.
Cô cứ đợi…
…
Nghe hồi trống tan trường, lũ học trò nhốn nháo, chúng chạy ào ra như chim xổ lồng. Không gì sướng bằng, lúc buổi học vừa tan. Trinh cũng thế, không hiểu sao, lòng cô lại cứ nôn nao. Chiều nay, Thanh hẹn cùng Trinh đi thăm thầy hướng dẫn chủ nhiệm.
Theo phân công của đoàn thực tập, Trinh và Thanh chủ nhiệm một lớp. Mặc dù hai đứa thực tập ở hai bộ môn khác nhau. Đứa dạy tiếng Anh, người dạy tiếng Việt. Về thực tập chủ nhiệm cái lớp siêu quậy, gớm mặt anh hùng. Trinh khóc hoài, còn Thanh nghiêm túc, chỉn chu. Thanh có cách thuyết phục học trò rất hay, lũ quậy phá trong tay anh dần dần quy phục. Chúng ngoan ngoãn nghe lời, tôn anh làm sư phụ. Lớp từ vị trí đội sổ, dần dần lên nhất, nhì, ba.
Chiều nay, Thanh hẹn cùng Trinh đi thăm thầy hướng dẫn chủ nhiệm, vì thầy cũng từ Hà Nội vừa về. Thầy đi nghiên cứu sinh, lớp học thầy giao hẳn cho Thanh. Thanh vừa dạy chuyên môn, vừa lo phong trào của lớp. Và hôm nay cũng là buổi thực tập cuối cùng, mai trở lại trường lo ôn thi tốt nghiệp.
Trinh bảo Thanh chờ ở cổng trường, cô về nhà thay quần áo. Hai mươi phút sau, như lời hẹn, Trinh có mặt. Cô vội vội vàng vàng, không để trễ hẹn. Đây là lần đầu tiên, Trinh được đi chơi cùng Thanh, dẫu biết cớ chính là đi thăm thầy hướng dẫn. Được Thanh chở đi trên chiếc xe đạp lòng vòng khắp các ngã đường. Nhà thầy hướng dẫn ở xa, tận dưới An Cựu, mặc sức thỏa thuê tâm sự cùng Thanh. Trinh lấy cớ bị đau chân bảo Thanh gửi xe lại, chở Trinh đi, tối về ghé lấy. Nghĩ thế, Trinh mỉm cười.
Mười phút, hai mươi phút, chẳng thấy Thanh đâu. Trinh nán đợi, mọi khi Thanh chưa bao giờ thất hẹn với học trò. Với Trinh. Khi nào Thanh cũng tới trước. Những đêm tập văn nghệ ở nhà Trinh, Thanh đến trước, ngấp nghé ngoài cổng đợi học trò vào, Thanh vào. Anh không bao giờ trễ hẹn. Cả cái lần đi cắm trại ở biển Thuận An, Thanh cùng học trò đẩy gậy, cọc, cổng tre lục đục từ trường xuống tận biển lúc ba giờ sáng. Đi cho kịp giờ dựng trại, kẻo lớp bị trừ điểm oan. Thầy hiệu phó rất khen Thanh, mới thực tập thôi mà đã ra dáng người thầy thực thụ. Đạo mạo, đường hoàng, nhiệt huyết với công việc, với học trò rất tận tâm.
Vậy mà hôm nay, chẳng thấy Thanh đâu. Thanh bảo ở lại trường, chờ Trinh về thay quần áo cơ mà. Mười lăm phút mà ngỡ như một năm, Trinh chạy ào vào trường. Trước mắt Trinh, không thể nào tin được.
Cái Thảo, bạn học cùng lớp với Thanh, thực tập cùng nhóm chuyên môn, thườn thượt nằm dài trên chiếc giường trong phòng y tế. Bộ áo dài vẫn mặc nguyên. Bên cạnh là Thanh đang đứng xoa dầu cho Thảo. Thấy Trinh vào, Thanh quay ra xin lỗi, bạn anh bị trúng gió. Cô ấy không tự về được, anh phải đưa cô ấy về. Hẹn em hôm khác vậy.
Trời xứ Huế đầu đông, mưa buồn rỉ rả. Trinh ngồi trong thư phòng, nhìn ra cửa sổ, mùa này sum ba chê đã bắt đầu thu hoạch. Trinh nhớ lại, hôm ấy, ba Trinh nói mẹ nấu bữa cơm chiều, bảo Trinh mời thầy hướng dẫn chủ nhiệm và nói Thanh tới nhà dùng bữa cơm tối. Thanh từ chối mãi, không chịu đi. Thanh bảo, đã nhờ gia đình Trinh nhiều quá rồi, Thanh không muốn làm phiền đến hai bác nữa. Thầy hướng dẫn chủ nhiệm bảo Thanh phải đi. Anh dạ ưỡm ờ, khép nép ngồi ở góc bàn, ai bỏ gì cũng xin từ chối.
Mẹ xới một dĩa cơm hến, bảo Thanh, đây là món ngon mà em nó cất công từ chiều, anh ăn thử biết mùi cơm xứ Huế. Thanh dạ, bảo con ăn quá no rồi. Hai bác cứ để con tự nhiên. Thấy Thanh không chịu ăn gì, bố Trinh bảo, con vào lấy đĩa sum ba chê, ra sân vườn, mời anh tráng miệng.
Không biết bố Trinh có ý tứ gì không, hoặc giận đuổi Thanh đi, hoặc bảo Thanh ra ngoài cùng Trinh tâm sự. Trong nhà, thầy và bố Trinh vẫn khề khà theo men tửu. Mẹ sốt sắng lại gần, bảo Trinh pha trà mời anh ấy uống. Thanh cứ mãi lặng câm, tay cầm nửa trái sum ba chê Trinh đưa cho, ăn chẳng dám ăn. Trinh cười, anh ăn đi. Trong vườn nhà em còn nhiều lắm. Ba em hái cất ủ chín để dành, nay mới đem ra đãi khách quý đó nghen.
Thanh ấp úng, nhấm ngụm trà tươi, cắn chút sum ba chê, khen trái cây ba em trồng ngon ngọt quá. Có dịp ra Huế, anh sẽ ghé vào mua quả sum ba chê. Trinh cười, anh mà ra lại Huế, ghé đến nhà em. Em cho ăn thỏa thuê. Khỏi cần mua. Như vớ được quà, Thanh cười, em nhớ nhé. Năm sau, đúng ngày này, anh sẽ ra…
Dõi theo thời gian, đúng một năm, rồi hai năm…
…
Trinh vẫn ở vậy. Cô ra trường, về dạy ở gần nhà. Đã bao mùa sum ba chê chín rộ. Mẹ bảo, con phải lấy chồng, sinh con cho mẹ mừng, mẹ nựng khuây khỏa tuổi già, cho bố có ông.
- Trinh cười, mẹ lo gì. Khi nào sum ba chê chín, khối kẻ ra vào hái trái, mẹ có cho không?
- Mẹ lắc đầu, o thì chỉ có tài nói dóc. Anh ấy đâu rồi, có điện đàm thư ngỏ gì không?
- Trinh nũng nịu, anh ấy là anh mô?
- Thì cái anh ra vườn ăn trái sum ba chê nhà mình dạo nọ.
- Trinh đỏ mặt, mẹ ni hay thiệt, con có biết chi mô.
Từ ngày về quê Quảng Nam, Thanh chẳng điện đàm thư báo gì cho Trinh. Điện thoại thì không có. Thư từ ai biết đâu địa chỉ. Chẳng biết ảnh có việc làm chưa? Đi dạy hay đi làm nghề gì khác. Thời buổi này khó xin việc. Hai đứa lại khác khoa. Mà chỉ là bạn bè thôi. Có ước hẹn chi mô. Mẹ hy vọng hoài. Thương mẹ. Trinh nghĩ thế, rồi lẳng lặng đi vào nhà.
Đêm khuya, tiếng côn trùng rỉ rả. Ngoài vườn mùi sum ba chê chín đã thoang thoảng hương đưa. Trinh ngồi dậy pha ấm nước chè xanh, ủ ấm để sáng mai bố Trinh cùng mấy ông bạn cờ: song mã chiếu xe bắt tướng. Đêm nào cũng vậy, đến giờ này là Trinh dậy. Xong việc, Trinh ngồi vào bàn, chấm bài, soạn bài, ngày mai đến lớp.
Mấy đứa học trò thực tập năm xưa thỉnh thoảng đến nhà Trinh, chúng hỏi thăm dạo này thầy Thanh về dạy ở đâu? Có tin tức gì không? Chúng cười, cô giữ kín ghê. Bao giờ thì cho bọn em ăn cưới?
Trinh lại lên lớp, phòng văn thư là nơi Trinh thường ghé thăm, như trông đợi một cái gì đó của hư vô, một ngày vô tình mang theo niềm hạnh phúc. Trinh nhớ thuở còn đi học, lũ bạn cùng lớp thường tới khoa sớm, lục tìm những cánh thư, giờ thì Trinh mới hiểu tâm trạng của học trò xa quê. Trinh không xa quê, mà sao vẫn thế.
Nay đã qua ba mùa sum ba chê lẻ, Trinh bần thần dạo bước dọc cầu Tràng Tiền mắt nhìn chằm chặp dưới đáy sông Hương. Hàng phượng vĩ soi bóng lửng lờ. In hình đáy sông ảo ảnh thuyền trôi, xa xa vọng nghe câu hò xứ Huế. Bên kia là hai dãy chữ Y của trường đại học sư phạm. Bên này, chợ Đông Ba tấp nập người ra kẻ vào, rộn rã tiếng cười vang. Tiếng Mệ, tiếng O, thánh thót ngân nga, lanh lảnh chào mời khách lạ khách quen, mua thêm vài bao mè xửng.
Huế là nơi Trinh đã sinh ra, rất quen, mà sao vẫn thấy như người xa lạ, thấy trống vắng vô cùng. Giống như nghiệp đời đã vận vào câu ca dao mà Trinh đã bao lần hò vọng: “Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp – Em qua không kịp tội lắm anh ơi!”
Trinh ngước mắt nhìn qua đầu cầu bên kia. Xa xa, bóng dáng của ai, giống Thanh. Vẫn như xưa, dáng vẻ thư sinh, không thể nhìn lầm, chiếc áo cũ nâu sầm, không mập lên tý nào… Tim Trinh đập thình thịch như muốn vỡ òa, Trinh cuống quýt lên, Thanh ơi, chờ em với.
Bóng Thanh khuất dần, xa dần rồi mất hút. Trinh dụi mắt đôi lần, cứ ngỡ mình mơ.
…
Sáng mai, Trinh lại phải đi coi thi. Suốt đêm, Trinh không thể nào chợp mắt. Cô dạo lòng vòng, hết đường Lê Lợi, đến Nguyễn Huệ, lên tận Điện Biên Phủ, ghé vào nhà Thảo ở Nam Giao. Trinh dò hỏi,
- Thảo có gặp Thanh không? Thảo về dạy cùng trường với Trinh. Cả hai cũng chưa chồng, chưa có mảnh tình mỏng manh chờ đợi.
- Thảo giật thốt, Trinh gặp Thanh ở đâu? Ảnh ra khi mô? Sao không tới nhà Thảo nhỉ?
Thảo coi thi ở Hai Bà Trưng, còn Trinh coi ở Vỹ Dạ. Trường THCS nằm ở cuối đường Lê Lợi, đi về phía Cồn Hến, khó bề dò hỏi Thanh đâu. Cuối buổi, sau khi nộp bài xong, Trinh bước ra ban công ngóng nhìn cồn lau bên bờ Đập Đá, lại thấy bóng dáng gầy gò đạp chở một nàng thơ. Lại là Thanh, sau lưng là cô gái nữ sinh, em gái Thanh ra thi, hay là,…
Không kịp nữa rồi. Thanh đã quên lời thề hẹn. Còn Thảo, dò hỏi học trò xứ Quảng ra thi, đúng dịp may, phòng thi có học trò của Thanh, được Thanh dắt ra thi, thầy trò đang ở ký túc xá Đống Đa. Thế là Thảo chủ động gặp Thanh, Thảo đưa xe cho Thanh đi. Bạn học lớp tự nhiên hơn, Thảo vui vì bạn bè lâu ngày gặp lại. Lần ấy, Thanh đã chở Thảo về, ba má vẫn hoài trông đợi Thanh.
Chiều, Trinh vừa về đến nhà thì thấy Thanh ngồi nói chuyện với má và ba.
Trinh đi chiếc xe bảy tám của Thảo. Con ấy thiệt tài, lúc nào cũng đến trước, Trinh hụt hẫng, ấm ức, chẳng thèm thưa. Thấy Trinh, Thanh bước ra:
- Chào em. Đã lâu rồi không gặp.
- Không dám. Trinh dỗi hờn, người ơi, gặp gỡ làm chi – Trăm năm biết có duyên gì hay không?
- Thanh cười, em lại lảy Kiều nữa kia à.
Trinh chau mày, định đáp một câu thật cay, nhưng nhìn thấy ngực áo anh có đeo chế tang, cô lẳng lặng quay vào nhà, khép mình ngồi bên ghế mẹ.
Đêm ấy, mẹ cố khuyên ngăn Trinh, anh ấy đã nói hết với bố mẹ rồi. Nhà anh ấy nghèo, và anh không thể ra ẩn mình nơi xứ Huế. Nhà Trinh lại là con một, bố mẹ muốn có chàng trai ở rể, Thanh chối từ. Anh phải thờ cha thờ mẹ. Anh là con trai cả không thể bỏ xứ mà đi.
Bố Trinh rất quý Thanh, ông chẳng nói chẳng rằng. Bao nỗi lo âu, oằn sâu vào giấc ngủ. Nhà Thanh nghèo, cảnh đời khốn khó, nghĩ tội cho con. Nhà chẳng có ai, chỉ có chút con gái cưng, trông mong ngày nó nên gia thất, có chàng trai nào chấp nhận ở lại gánh vác chuyện thờ cúng gia tiên.
Mẹ thì cứ khăng khăng, bảo Trinh quên đi. Trinh cười, thì con đã có ước hẹn gì đâu. Mẹ cứ lo xa. Mẹ la:
- Thôi o. Tui đẻ o ra, lòng dạ o tui nào không biết.
Mặc cho mẹ cứ nói ngược nói xuôi. Suốt đêm, Trinh không tài nào chợp mắt. Chiều hôm ấy, Thanh đèo Trinh đi trên chiếc xe của Thảo. Anh vượt qua cầu Tràng Tiền, dọc theo đường Lê Lợi, qua khỏi cầu Phú Xuân, Thanh lại đưa Trinh ghé thăm chùa Thiên Mụ. Anh bảo, đây là điểm đầu tiên anh đến khi đặt chân đến Huế, giờ anh muốn tìm về một chút kỷ niệm xưa. Thanh lặng lẽ thắp nhang lên bàn thờ Phật, rồi lặng lẽ đưa Trinh ra ghế đá dưới gốc thông già, kể Trinh nghe biết bao là chuyện. Nhiều nhất là tự chuyện về cuộc đời của chính anh. Thanh bảo, anh rất hiểu Trinh, mến mộ bố mẹ Trinh, nhưng anh không muốn làm đời Trinh phải khổ. Theo lời hẹn, đã có lần anh trở lại Huế đúng mùa trái chín sum ba chê. Nhưng anh đã thoái lui, Hải Vân quan còn xa ngàn dặm, đành lỗi một cuộc tình, không để Trinh phải khổ vì Thanh.
Thời gian khắc khoải rồi cũng trôi đi, lũ học trò thực tập năm xưa giờ đã thành đạt. Chúng tỏa đi muôn phương, có đứa vào Quảng Nam, gặp Thanh, về kể cho Trinh nghe cảnh nhà của Thanh, chúng không thể nào tưởng nổi.
Căn nhà gỗ hai gian, lợp ngói, phên tre. Gian đối diện chính cửa là bàn thờ cha mẹ Thanh, gian bên cửa sổ là khổ phản mỏng manh, nơi Thanh vừa soạn bài vừa ngủ nghỉ.
Mặc cho chúng kể thế nào, cố theo dệt thêm bao điều khốn khó. Thầy dạy xa nhà hơn hai chục cây số. Sáng đạp xe đi, tối đạp xe về, một mình thui thủi. Càng nghe, Trinh càng não ruột, ước gì Trinh ở gần cơm nước cho Thanh. Trinh mãi hoài mong, một ngày gặp lại, Trinh sẽ ôm chầm ghì chặt lấy người anh.
Kể từ ngày ấy, bố mẹ càng giữ Trinh hơn, không cho Trinh vượt đèo Hải Vân. Ông dọa, xe chạy vào ra đã bao lần lật ngã. Người chết cũng nhiều, người bị thương không ít. Mà bố mẹ chỉ có mỗi một mình con. Nghe bố nói thế, nước mắt Trinh chợt ùa ra. Trinh hiểu đạo lý làm con, song trái tim trót yêu, Trinh không thể nào quên được.
Bẵng sau đó vài năm, Thanh lại ra. Lần này thì Thanh không tìm đến nhà Trinh. Anh ghé thăm thầy hướng dẫn chủ nhiệm năm xưa. Thầy hỏi, anh có còn nhớ bài ca dao: – Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở Anh đến tìm đò, đò đã sang sông Anh đến tìm em, em đã lấy chồng Em yêu anh như rứa có mặn nồng chi mô? – Hoa đến kỳ thì hoa phải nở Đò đã đầy thì đò phải sang sông Đến duyên thì em phải lấy chồng Em yêu anh rứa đó, còn mặn nồng thì tùy anh
- Dạ. Em nhớ. Mà sao hả thầy?
- Thì sao nữa. Cái Trinh nó đợi anh hoài, không được. Giờ nó đã có chồng. Còn anh, cũng về lấy vợ đi chớ. Đã qua tuổi tam thập ngũ rồi còn đứng đó đợi ai.
Thanh lại lên tàu về Quảng, câu ca vẫn còn, lời ru xưa vẫn day dứt. Lẩm nhẩm một mình, Thanh ngâm lại khúc hát xa xưa:
Thương anh em cũng muốn vô Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Thanh nghĩ, phá Tam Giang anh còn qua được, Hải Vân ngoằn ngoèo em khó vượt qua.
Thanh nhận thiệp báo tin vu quy của Thảo. Thảo lấy chồng về Quảng Nam, cách Thanh không xa. Anh gửi quà chúc mừng, còn anh ngại ngùng không muốn tới dự. Chẳng biết, ngày ấy Trinh có dự đám cưới của Thảo không? Chắc có. Dạy cùng trường, nỡ nào… Thanh nghĩ vậy. Anh lẳng lặng quay về với công việc thường ngày, soạn bài, lên lớp. Cuộc sống là một chuỗi ngày dài với bao vất vả lo âu.
Dòng sông An Cựu vẫn in soi bóng hình của Thanh như bao nhiêu năm trước. Lần này, ra Huế, anh không đến thẳng sông Hương. Đến với An Cựu, dòng sông nắng đục mưa trong ngắm nhìn núi Ngự Bình trước tròn sau méo. Anh âm thầm tự trách mình, trách đời, ngại gặp bạn bè, càng không muốn gặp Trinh.
Dòng người hối hả đi qua. Thanh thả bước ngẩn ngơ hướng về Đội Cung, nơi anh đã từng trú ngụ. Bỗng chiếc ô tô màu xám bạc, đậu đỗ trước mặt anh. Trinh mở cửa bước ra,
- Chào anh. Anh ra khi mô, sao em không hay mô tê chi hết rứa?
- Anh mới vừa xuống xe.
- Đây là chồng em. – Trinh chỉ về phía người đàn ông từ ca-bin bước ra giới thiệu cùng Thanh.
- Vâng, chào anh. Chào cả hai vợ chồng.
- Trinh cười, anh chào con gái em nữa chứ.
Quả nhiên, Thanh nhìn vào thấy con gái Trinh ngồi ghế sau mải mê xem điện thoại. Nghe mẹ nói, bé khẽ gật đầu, dạ vâng, con chào bác.
Chiều hôm ấy, Thanh chủ động mời vợ chồng Trinh đi ăn, ông xã Trinh không cho, anh bảo chỉ trao quyền cho Thanh chọn quán, còn chuyện mời mọc thì vợ chồng người Huế mời khách lạ Quảng Nam.
Yếu thế, đành theo, Thanh chọn quán cơm Âm Phủ. Cái quán thường ngày đi đá bóng, Thanh vẫn thấy mà chưa có dịp ghé thăm. Trinh mở miệng cười to, thời này làm gì còn quán cơm Âm Phủ. Đến nơi, Thanh mới biết, giờ đã là nhà hàng nổi tiếng khu du lịch Vỹ Dạ sông Hương.
Ngồi ăn, chuyện nói huyên thuyên, lúc về Trinh hỏi khẽ, sao anh lại chọn quán cơm Âm Phủ? Thanh bật cười, thì cõi trần không gặp xuống Âm Phủ gặp chứ sao.
Chồng Trinh không nghe, anh bảo khi nào vợ chồng anh đưa con ra Huế học, mời đến chơi nhà cho hai đứa nhỏ gặp nhau. Nói thế, chứ con trai Thanh tuổi nhỏ hơn, biết khi nào lớn lên ra Huế. Thanh cười, gật đầu. Nhớ mùa sum ba chê chín.
Chuyến tàu tốc hành lại vội vã rời ga. Xa xa những cánh diều đứt dây lạc hướng bay về phía trời đông. Bỏ lại sau lưng, đoàn tàu lượn lờ qua khúc ngoặt quanh co rồi trốn mình trong căn hầm Hải Vân Bắc. Thanh mở túi xách, túm sum ba chê Trinh vội vã đưa cho, vẫn còn mùi thơm thoang thoảng.
(Tam Kỳ, 26/3/2024.)
Vũ Trường Anh
Bài viết liên quan: