Tôi đến Kim Phụng vào một buổi sớm mùa thu, khi những vệt sương còn mắc lại trên kẽ lá và gió khẽ khàng như một lời thầm thì từ cõi linh sơn. Mặt trời chưa rực rỡ, chỉ vẽ lên những nhát cọ vàng nhạt trên trán núi. Kim Phụng – cái tên như một lời xướng tụng. Phụng là chim phượng, Kim là vàng. Núi mang dáng linh điểu ẩn trong mây, không phải để bay mà để giữ đất trời trong hơi thở thinh lặng của rừng.
Tôi bắt đầu leo, như một người đang mở cánh cửa dẫn sâu vào nội tâm mình. Có lẽ từ thuở được tạo sinh, Kim Phụng đã không vội vàng. Núi dạy ta bài học đầu tiên: bước chậm lại, để nghe được nhịp của đá, để nhìn thấy sự dịu dàng của rêu. Những bậc đá không chỉ xếp lên cao, chúng còn tỉ mẩn xếp vào lòng người những suy tư từng lớp. Mỗi bước chân đặt xuống là một đối thoại thầm kín: “Ta đang chinh phục ngươi, núi ư? Hay chính ta đang bị ngươi lặng lẽ thẩm vấn?”. Có những bậc đá như cổ ngữ của thời gian, gập ghềnh nhưng không dữ dội, lặng lẽ mà hiền minh. Chúng không cần ta gọi tên, không cần được trang trí. Chúng chỉ cần được giữ nguyên như bản thể tự nhiên.
Tôi bước qua một bậc đá có dấu rêu hình trái tim, bất giác thấy lòng dịu lại. Trên bậc kế tiếp, nhành lan rừng mọc xuyên qua khe đá như một lời khẳng định: thiên nhiên vẫn sống, vẫn thở dù bàn chân con người có đi qua bao lần. Cũng chính lúc đó, tôi nhìn thấy một vỏ chai nhựa bị vùi dưới lớp lá khô. Núi không nói gì nhưng tôi nghe được nghẹn ngào.
Nhiều người cho rằng hành trình leo núi là những bước đi vật lý, tôi lại nghĩ đó là cuộc thăng hoa. Leo núi không phải là thử thách kiểm tra đôi chân mà để lắng nghe trái tim có còn biết rung động trước thiên nhiên hay không. Trên một con dốc của Kim Phụng, tôi bắt gặp cụ già tóc bạc, tay lần chuỗi hạt, vừa đi vừa tụng thầm một bài kinh cổ. Tôi cũng gặp những đứa trẻ hồn nhiên chạy trước, reo lên khi thấy cánh bướm vàng lướt qua. Giữa cái hối hả của một thời đại số hóa, nơi người ta kết nối bằng wifi nhiều hơn bằng ánh mắt thì núi vẫn là nơi duy nhất buộc ta phải nhìn thẳng vào chính mình. Không có mạng di động, không có sóng 4G, chỉ có những lớp cây xanh và tiếng chim hót từ một thế giới nguyên thủy. Nơi đó, người leo núi không còn là kẻ chinh phục mà trở thành người học hỏi. Học cách thở theo hơi thở rừng. Học cách yên lặng theo nhịp đá. Học cách rút mình nhỏ lại để thấy đất trời rộng lớn.
Mỗi lần dừng chân nghỉ giữa lưng chừng, tôi thường khép mắt lại, tưởng tượng mình đang bước lên những nấc thang của một đền thờ. Núi là thiền đường không có mái, là ngôi chùa không tượng, là lời kinh không chữ. Ở đó, tất cả những điều người ta thường bận lòng – chức vụ, tiền bạc, hơn thua – đều trở nên vụn vặt trước sự trầm tĩnh của một vạt núi rừng.
Khi lên đến gần đỉnh, tôi quay lại nhìn toàn cảnh phía sau: cả vùng thung lũng như đang ngủ trong một tấm khăn sương trắng bạc. Tôi không còn cảm giác chiến thắng. Chỉ thấy mình đang được núi nhận vào như một phần máu thịt. Hóa ra từ đầu đến cuối, không phải tôi đang bước lên núi mà núi đang tiến gần rồi hoà vào tôi.
Có người từng nói: Ta không thể yêu một dòng sông nếu không thấy nước trong huyết quản mình đang chảy. Tôi cũng nghĩ vậy về núi. Nếu không nhìn Kim Phụng như một phần của bản thể, ta sẽ mãi đối xử với núi như một vật thể để khai thác, chứ không phải để giữ gìn.
Kim Phụng không là ngọn núi cao nhất nhưng vừa đủ để con người phải cúi đầu trước thiên nhiên. Không cúi đầu vì mệt mỏi mà cúi đầu vì tỉnh thức. Mỗi lần gió lùa qua, tôi nghe như tiếng thở của đất. Một tiếng thở mà chúng ta – những con người bận rộn với lợi ích đã bỏ lơ.
Khi tôi xuống núi, trời đã ngả chiều. Ánh hoàng hôn lưng rừng như một tấm áo cà sa nhuộm đỏ. Tôi nhìn lại bậc đá đã qua, cảm thấy từng nhịp bước như dấu chấm than cho những câu hỏi không thể bỏ ngỏ: Ta đang bước đi vì khám phá hay vì chiếm hữu? Ta muốn chạm đến thiên nhiên hay muốn biến nó thành tài sản? Ta có hiểu rằng núi, rừng, đá không chỉ là phong cảnh mà là chính sự sống đang hiện thân? Khi đôi chân mỏi, trái tim thường trở nên nhạy cảm. Và khi trái tim đủ nhạy, con người sẽ thôi bước đi như kẻ chinh phục. Họ sẽ dừng lại, lắng nghe và bảo vệ.
Kim Phụng ơi, nếu một ngày nào đó Kim Phụng không còn bậc đá để leo, không còn rêu để nhớ, không còn hoa lan nở giữa khe đá… Liệu con người có thấy tim mình trống rỗng?
Núi không trả lời. Nhưng gió vẫn đang thổi qua lồng ngực tôi. Thật nhẹ và dịu êm!
Trần Xuân Trọng
Bài viết liên quan: