Gió trêu chi lửa cho đời tàn tro – Truyện ngắn Nguyễn Hồng

1. Xe chạy qua hoàng hôn, thấy lau trắng bồng bềnh triền núi. Khói luýnh quýnh đuổi theo. Sương mỏng như tấm voan lạnh choàng qua vai người đong chút co ro.

Tôi đã đứng rất lâu trong gió. Tôi nhớ lời người dặn. Lặng đi, lặng đi.

Và tôi đã lặng đi như thế. Rất lâu trong tĩnh mịch lòng mình.

Bữa ấy là một ngày đông.

Nhà văn Nguyễn Hồng ở Nghệ An

Tôi đã có rất nhiều ngày đông như thế. Tôi quen cung đường có lau trắng bời bời. Khói ngún đồng gần đồng xa. Sương và mây chen chúc. Người hỏi tôi có buồn không. Tôi hỏi người rằng có nên buồn không. Người đang ở đây. Gió nữa. Lau nữa. Và khói. Và sương…. Một bữa tiệc giữa mênh mông lặng im. Thế là đủ để nhen lên bạt ngàn ấm áp cho ngày mai rồi.

Nhưng ngày mai của tôi còn lại rất ít. Khói trắng tãi thành dòng luẩn quẩn bên mình. Người quay mặt đi, giấu điều khó nói. Người nào biết nói gì. Người có thể nói gì. Chuyện khởi sự từ lúc người còn chưa sinh ra ấy chứ. Đôi mắt đen lặng im hết ngày này qua tháng khác, bắt đầu từ chút ngập ngừng vô ý của tôi.

– Chuyện dài lắm, lại nhiều buồn. Có đủ kiên nhẫn để nghe hết không?

Sương đầy trong mắt người. Người gật đầu. Cái gật đầu dứt khoát, quyết liệt. Giữa lưng chừng sương rơi. Và khói. Và lau. Và gió nữa. Bản hòa âm cứ u u giữa mênh mông như nhạc điếu rơi vào chiều cô quạnh. Đám tang không có người chết. Không có con quạ nào láo liên chờ đợi. Tôi đang làm đám tang cho nỗi lòng mình.

– Có hiểu được gì không?

Câu chuyện, có thể sẽ bị lãng quên. Thế giới đang đổi thay từng ngày, con người và vạn vật không ngừng diễn tiến. Nỗi buồn cũng thế, nó sẽ biến đổi sang dạng thức khác. Đến một ngày nào đó, nỗi buồn từng là đá tảng đè nặng trong tâm cũng sẽ nhẹ như bấc trước bao xô bồ thế gian.

Năm mươi năm tôi lèn lại, nén chặt, khối bộc phá đến lúc phải được tháo kíp. Tôi đã nhiều lần lắm muốn nổ tung thành trăm ngàn mảnh. Nỗi buồn tôi, xương thịt tôi sẽ tan vào đất. Nhưng tôi đã kịp ngăn lại, trăm ngàn lần tôi găm chặt lại. Và rồi tôi gặp người. Tôi nghĩ về ngày mai. Tôi nghĩ đến cái chết, thấy thanh thản và chờ đợi. Tôi đã chết được rồi.

Chuyện của tôi thì dài. Ngày mai của tôi thì ít. Tôi đã có rất nhiều nấn ná. Rằng, có nên không, làm sống lại câu chuyện đáng lẽ nên để lại bìa rừng, như tàn tro bay lên rồi hóa bụi. Nhưng mắt người khẩn khoản, tha thiết. Lòng tôi mỏng như sương. Tuổi trẻ đã biết bao lần dùng dằng, giờ già rồi, bệnh dùng dằng lại tái phát. Không còn sức để kháng cự, tôi lại lần nữa bước qua lằn ranh yếu đuối của mình.

2. Mùa hè năm ấy, khói vây kín làng. Mùi nhựa cháy, mùi đất khét khiến cho cơn nóng ở Vĩnh Linh đã như nung như rang lại càng trở nên bí bức ngột ngạt. Nói là làng chứ thực ra là doi đất ven bìa rừng, có một đoạn sông ngắn chảy qua, vấp đất đồi mà ở lại, có vài lán cỏ của người dân đánh nậm dựng tạm, trung đoàn chọn ở lại làm nơi lưu trú lâu dài. Nhìn khoảnh đất đã bằng phẳng, sạch sẽ sau khi được dọn dẹp, đồng đội thở phào cởi áo chui hết vào lán. Lương ngồi vuốt cây đàn cũ. Dây đàn đã chùng kêu phựt phựt. Đồng đội vừa khó chịu với nắng nóng, vừa khó chịu với sự đờ đẫn của Lương, thằng Lân giật cây đàn. “đồ điên, trời đã sập đâu chứ. Nóng bỏ mẹ ra còn đàn với chả hát”. Đúng ra là Lân biết Lương khóc nhưng chữ khóc bị nghẹn lại, chại đi thành chữ hát. Lân sợ nước mắt làm động quân đoàn, lại là nước mắt của kẻ đang mang băng đội trưởng. Hắn lầm bầm một chặp, đạp Lương ngã dúi rồi lừng khừng chui vô lán, tỉ mẩn căng lại dây đàn.

– Răng rứa, Thằng Lương răng rứa?

Thọ đập muỗi ben bét, ngáp ngắn ngáp dài.

– Đói quá. Tiếng ai đó vừa trở mình.

Nóng quá ngủ không nổi lại đổ thừa cho đói. Bữa trưa đã chật bụng rau tàu bay rồi. Gió hầm hập đảo qua đảo lại như muốn thiêu luôn cả lán. Chẳng khác nào bà la sát lên cơn nư, vung quạt ba tiêu phang tới tấp.

– Nó nhớ ba.

Lân siết mạnh dây đàn. Nắng cháy trên ngọn phi lao. Lá phi lao như những sợi tóc khô rụng rơi kết thảm. Thảm lá làm Lân nhớ mùa hè của 3 năm trước, ba Lương nằm im lìm, bọt mép tự động trào ra, lá phi lao đổ như trút, phủ một phần xác người. Không một động tĩnh. Chỉ có lửa cháy trong mắt. Lương không khóc. Người nhà không khóc. Vài ba người già nhìn xác người lạnh khô co quắp không kìm nổi uất nghẹn mà ri rỉ thành tiếng. Quạ đậu kín ngọn phi lao. Chúng bay từ xóm dưới lên. Phía đấy cũng có người vừa hạ huyệt, hình như là 3 người. Những cái chết im lìm phần lớn là do tự kết liễu đời mình. Như ba Lương, ông đã ăn hạt củ đậu quên sinh. Sau buổi làm đồng ông lảo đảo về nhà rồi gục ở bậu cửa, vốc hạt củ đậu trong tay rơi ra. “Đến nước này thì cứu sao được nữa”. Người trong làng giãn dần ra, lặng im thu vén để chuẩn bị chôn cất. Cuốc thuổng lúc nào cũng chờ sẵn ở cửa, nhà nào cần thì có để dùng ngay. “Đời nghiệt quá, chết được là sướng rồi”. Những bóng người lờ đờ trôi qua Lương trong buổi chiều bóng người ít hơn bóng quạ. Chúng cắn quả nhau trên ngọn cây, mắt thao láo trực chiến. Đám chôn cất người tự tử thường vội, chúng cũng đói. Tan người ở đồng thì tan luôn bóng quạ, chúng dáo dác bay ra xa. Bóng người lẫn vào bóng chiều gió lặng, liêu xiêu vai gầy gánh cuốc, thuổng, gậy, gộc đi về. Đàn quạ sà xuống rồi giật mình bay đi. Ông già mệt nhọc khua chiếc cuốc, hơi thở đứt quãng. “Xác chết đói đầy đường, bây tìm chi nơi đây. Bọn tao còn sống cả mà”.

Thực ra thằng Lân hiểu nỗi niềm của Lương. Ngày ba Lương chết, Lương đã chọn không khóc. Bây giờ, nỗi nhớ có kéo nhau tìm về thì cũng chỉ là nỗi nhớ, đớn đau đã hóa vàng, nước mắt đã khô cạn thì còn gì để khóc. Cái chết của ba không sớm thì muộn, Lương biết chắc chắn xảy ra khi ông cụ đã bị đánh cho rệu rã thân xác. Kinh khủng hơn là tiếng bấc tiếng chì từ những người lãnh đạo quản trị xã hội lúc bấy giờ.

– Còn cãi à, có cơm trắng ăn mà bảo không liên quan gì à?

– Bọn địa chủ này chỉ biết ăn trắng mặc trơn, không có tinh thần chiến đấu, đánh bỏ mẹ hết cho cụ

– Cường hào bá ác này, ăn sung mặc sướng này…

Tội nghiệp ông cụ. Đến sức mà thở còn không có lấy đâu sức cãi. “Chết được chắc sướng hơn con à”. Ông cụ thều thào trên tay Lương. Lương không biết nói gì. Nước mắt nhỏ ướt ngực cha. Cơn đói xô Lương nghiêng ngả. Lương cũng đã từng nghĩ đến cái chết, không biết nó có đáng sợ hơn cơn đói không. Hơi thở cha khó nhọc. Nhưng phải sống, phải sống để làm đám tang cho cha đã, rồi tính tiếp.

Lương nuốt nước mắt lên đường. Khói mờ mịt trước họng súng. Cái chết tức tưởi của cha găm chặt vào trí não. Đi đâu làm gì Lương cũng nghĩ về, lại thêm nỗi đau xuất thân từ thành phần bóc lột nữa. Lương như cây đèn bão, dẫu lay lắt cũng phải sáng, phải sáng đến phút cuối cùng.

Cái mác “thành phần bóc lột” không buông tha Lương. Ngay cả khi trống dong cờ mở đón Lương từ trường bắn trở về trong ngày hội thao pháo binh ở quân khu thì cái mác chết người ấy vẫn là kỳ đà cản mũi. Lương đã từng lầm lũi trong biết bao cuộc vui của đời mình. Có những cơn buồn ngoài lặng im thì không biết làm gì, nhất là trong thời kỳ đất nước còn nặng mùi khói súng, bom đạn. Ủy mị là hèn, là bạc nhược. Lương biết thế. Nỗi đau được lèn chặt dưới ba tầng bảy lớp cảm xúc, một ngày bất lực vỡ ra.

– Nhưng tao là con người, tao là thằng đàn ông mà Lân.

Những yếu đuối tức tưởi của Lương làm Lân khó xử. Khi phần đàn ông trỗi dậy, rồi lại tự mình ủ rũ trong bất lực. “Trời ơi, tao còn không bằng con quạ, Lân ơi. Tao đã nhịn Lân ạ. Nhịn từ đêm tân hôn. Nhịn thêm hai ngày nữa thì hết phép. Ôi, tuổi 20 đầy nhựa sống, dồn ứ khát khao đến nỗi muốn tan nát thịt da mà chỉ sợ bíu ríu con cái rồi làm khổ vợ. Hồi ấy Lan còn đang học trung cấp Y tá. Rồi còn thực tập, rồi còn tốt nghiệp, rồi còn chuẩn bị cho ra trường, tao đã nhịn suốt năm năm Lân à. Mà Lan thì còn rất trẻ. Lại hồn nhiên ngây thơ. Học xong cấp 3 thì xách cặp sách từ nhà mình về nhà chồng, cũng được gọi là gái có chồng nhưng chồng hết phép thì lại về nhà mẹ đẻ, nào phải quán xuyến gì đâu. Bố tao mất rồi, nhà chỉ còn lại bà già, thôi thì mẹ cũng vì hoàn cảnh mà rộng lượng với Lan. Dẫu sao còn có gia đình vợ chồng anh trai bên cạnh nữa, tao cũng yên tâm phần nào việc báo hiếu”.

Lân đã thuộc nằm lòng từng giọt nước mắt. Sự lặng im vón cục.

– Thì cứ khóc, cứ khóc. Còn khóc được là chưa đau đến độ đâu.

Lân đã nhiều lần không khóc mà ruột gan bị cắt nhỏ ra từng khúc. Nỗi xót xa cứ nghẹn trong ngực. Cơn đói lặng như sương lạnh lùng nuốt chửng những hơi thở tàn. Vợ Lân liêu xiêu chống cự rồi cũng đoạn đành gục ngã. Cái chết sẵn quá, người ta quen dần, người này chôn cất người kia cứ thế mà tiếp diễn. Cái chết như một sự đã rồi, Lân cũng có biết ngay được đâu, mãi đến khi cỏ trên mộ vợ đã mọc xanh, con gái đã quen việc đi xin cơm mỗi ngày thì Lân mới biết từ tin mật báo. Chiến sự đang lúc nước sôi lửa bỏng, nước mắt không dám chảy, không thể chảy. Cơn nhớ cồn cào thiêu đốt Lân. Sau này, trong rất nhiều lần nhớ về Lân cứ tự nhủ rằng vợ đã tìm cách báo mộng cho mình mà Lân không hay. Âm dương cách biệt, âu cũng là niềm an ủi. Lân còn biết làm gì. Bốn bề đặc quánh khói sương và thuốc súng. “Khóc thì giải quyết được gì đâu mày”. Lân nhiều lần nói với mình như thế, nói với Lương như thế rồi lặng câm như bóng đếm tháng ngày.

Tranh của họa sĩ Phương Bình

Nước mắt không là cơn đau, nước mắt chỉ báo hiệu cơn đau. Gió giật, sấm chớp, mây mưa vần vũ báo cơn bão sắp đến. Nó chưa là cơn bão. Cầm bức thư của anh trai trên tay, những ngày áp Tết năm 1960, Lương biết mình đang đi vào tâm bão. “Người ta bàn tán nhiều quá em à”.

Người ta bàn tán, nghĩa là chuyện đã râm ran cả thị xã nhỏ bé ấy rồi. Những bức thư Lương gửi không đến tay Lan, nó nằm im ngoài bưu cục xã và rơi vào câu chuyện của người làng.

– Một bức, hai bức không thấy hồi âm thì gửi làm chi cho lắm, tự mà hiểu chuyện đi chứ.

– Chiến tranh tan tác, cũng vì thương mà người ta nuôi hi vọng.

– Hi vọng gì trời, ả ta có thèm che đậy gì nữa đâu. Bà An còn gặp ả ta đi chợ với với thằng nhân tình đó, vui vẻ lắm.

– Cái thằng đó vừa bỏ vợ chưa lâu thì quàng xiên vá víu với ả này. Một duộc mèo mả gà đồng cả. Thất đức quá, tụi nó thất đức quá.

– Tội nghiệp bà An. Chồng mất chưa lâu. Con thì ở chiến trường, dâu thì theo trai không thèm ngó mặt.

Người đàn ông câm lặng chiếc bóng, đau đáu với chiếc gông “thành phần bóc lột” giờ chỉ biết khóc khan với việc vợ kiên quyết đòi bỏ vì người đàn ông khác. Bóng bà An côi cút trong chiều. “Cũng là kiếp đàn bà cả mà, con ơi…

Lương nhớ lại đời mình, trong câu chuyện với Lan, cũng không hẳn chỉ toàn cay đắng. Lương thấy mình như đang bay cùng gió biếc trong lao xao tiếng cỏ bật mầm những ngày được gần Lan. Đêm trước ngày trở lại đơn vị, Lan cứ loay hoay bên ngọn đèn dầu, chiếc áo cưới còn mới Lan nấn ná gấp đi gấp lại, nửa muốn chồng mang theo, nửa muốn giữ lại vì sợ ai đó thấy được lại sinh bao phiền lụy.

– Sau khi tốt nghiệp, em sẽ xin nhận công tác ở Vĩnh Linh để vợ chồng mình được gần nhau. Anh có thích thế không?.

Lương lặng người đi vì hạnh phúc. Lan dịu dàng vòng tay. Hơi ấm từ đêm hôm ấy thi thoảng còn trở về trong những đợt sốt rét rừng quật cho nghẹt thở, những đêm khó ngủ nằm nghe muỗi bay như tập trận, những trận mưa rừng thối đất thối cát. Hơi ấm ấy vẫn luẩn quẩn đâu đây trong những cơn nhớ nghẹn ngào.

– Em sẽ đợi anh về.

Lương nắm chặt tay Lan. Gió sau hồi nhà ràn rạt thổi. Ngọn đèn dầu yếu ớt chống cự rồi tắt tự lúc nào không hay.

Nhiều lần, trong ánh lửa rừng, nhìn tàn tro bay lên, Lương vẫn thường hình dung thêm về ánh đèn dầu trong căn phòng cưới ấy. Liệu Lan có biết cách thay bấc mới hay đổ thêm dầu. Cái tính tiểu thư sợ bẩn của Lan có bị triệt tiêu khi chồng không ở nhà. Lương phấp phỏng chờ ngày về, tự mình khêu lên ánh lửa nồng trong căn phòng ấm cùng Lan.

Thế mà cũng có lúc, lời thư như gươm đao. Ánh lửa rừng không đủ sưởi trái tim ngập tràn giá lạnh. Lương đứng thật lâu trong gió, tàn tro bay lên rồi yếu ớt tan vào hư không.

– Đồng chí Lương có thư.

Như một phản xạ, Lương bật dậy, thay lại khuôn mặt nghiêm ngắn của một đội trưởng khi nhận thư từ đồng đội. Người đưa thư cất ánh nhìn lúng túng rồi vội vàng quay lưng. Lương lập cập xé thư. Bức thư của Lan. “Những gì anh Hưng kể cho anh là thật. Em xin lỗi. Nhưng…. anh Vỹ bỏ đi rồi. Bây giờ em tùy anh quyết định mọi chuyện”.

Có những chuyện không thể tùy nhẹ bẫng vậy được.

Lương khụy gối. Thời gian ngưng lại ở đó. Hơi thở cũng ngưng lại. Ngực căng tức muốn vỡ. Khói từ đồng xa đổ về, từng đụn từng đụn đen kịt. Lương muốn hét lên. Muốn đập phá. Muốn khóc. Nhưng tất cả vẫy vùng đều bị ghìm chặt lại. Ánh mắt chỉ huy trưởng thôi thúc. Lời chỉ huy trưởng khác nào mệnh lệnh. “Cậu làm gì thì làm, có yên được việc nhà thì mới trọn được việc nước. Chẳng ai muốn cất nhắc thăng cấp cho một người đàn ông bị vợ bỏ cả. Mang tiếng lắm”.

Lương nhắm mắt. Nuốt khan nỗi đau. Bức thư gửi Lan chứa đầy hi vọng. “Anh sẽ ở bên em. Mãi mãi”. Đó cũng là bức thư cuối cùng sau khi đã chôn chặt ấm nồng. Chỉ còn lại trống rỗng. Tình yêu, nỗi nhớ rơi vào vô thức. Nỗi đau như dằm trong tim, lẫn với mảnh bom bi chưa được gắp ra thành nỗi xót xa, mỗi lần trái gió trở trời lại cồn lên những nhức nhối.

3. Cơn nhức nhối lặng câm còn theo Lương đến giờ. Khi Lan đã trở lại làm vợ. Những đứa con lần lượt ra đời. Lương lên quân hàm theo đúng định kỳ.

– Ba mi đâu rồi?

– Ba đi Hội cựu chiến binh rồi.

– Ba vẫn giận mẹ hả?

– Già rồi, còn nhớ chi nữa mà giận.

Lương thường cười bằng lặng sau những màn đối thoại của Lan và con cái. Cuộc đối thoại luôn kết thúc bằng những câu hỏi chậm rãi như thế. Sự bằng lặng trên mặt không giấu được từng cuộn khói đang ngún đặc trong lồng ngực Lương. Tàn tro đầy trong mắt, lập lòe lóe đỏ một lúc rồi tự tìm cách tiêu tan.

Gió trêu chi lửa cho đời tàn tro. Một ngày nhiều sương, Lương gặp con gái của đồng đội nơi Lương không thể ngờ. Chính nơi này, Lương đã bỏ lại đó đồng đội mình, một phần máu và nước mắt của mình trong buổi chiều khói ngún quanh làng. Tàn tro bay lên, đồng đội Lương trong đó, khói và sương hăm dọa. Nửa muốn nuốt chửng Lương, nửa cố gắng đuổi Lương đi.

“Chạy đi Lương. Mày phải sống. Phải sống để còn gom xác tụi tao”.

 “Sao bỏ tao một mình, sao ông trời bắt tao sống một mình? Sao thế, tại sao thế, Lân ơi, Thọ ơi”.

Tiếng cười vang trong không trung, rổn rảng ấm áp rồi trở về nghẹn bứ trong ngực Lương. Lương băng qua sương khói, băng qua cơn đau, băng qua nỗi nhớ đồng đội. Từng tiếng cười cứa vào lòng Lương buốt rát.

– Bồ Nông là loài chim cục mịch. Nó cồng kềnh như này như này này. Nó lặng im và quyết liệt. Bọn tao gọi mày là Bồ Nông nha Lương.

– Còn mày là Bìm Bịp nha Lân. Mày nói gì cũng buồn, không nói gì cũng buồn, cứ thẩn thơ như con bìm bịp ven sông.

– Thằng Thọ nhát gái, nó là con Cáy. Nó là thằng Thọ Cáy.

…..

Tàn tro giờ đã nguội, sự lặng lẽ của người con gái trong nghĩa trang chiều khiến Lương bối rối. Lương đứng như bất động, khói hương quyện vào sương trời theo gió bay lên, lan tỏa.

– Cô thắp hương cho ai đó?

– …..

– Tôi là đồng đội của người nằm dưới mộ.

– Bác, bác là Bồ Nông đúng không?

Ánh mắt ấy, biết nói thế nào. Lương thấy run run bàn tay. Nó giống như chiếc cầu sương nối hai bờ hư thực, như sợi khói nối hai bờ âm dương, như lời rủ rê Lương về với quá khứ rồi dẫn dụ Lương trở lại… Trái tim chằng chịt đổ vỡ cứ nghĩ đã chai sạn không dưng đập những nhịp đập khó tả. Nụ cười ấm trên môi Lương.

– Thôi về đi, về đi. Sương dày lên rồi.

– Nhưng ngày mai… Ngày mai. Bác cho con một cuộc hẹn được không?

Bồ nông là loài chim cục mịch. Cồng kềnh nhưng dễ vỡ. Trong những phút nghỉ ngơi đường trường, Lân vẫn trêu Lương vậy. Điếu thuốc bẻ làm đôi rít tê cả lưỡi, Lân nhìn vào mênh mông, lơ đễnh câu hỏi.

– Mày có yêu Lan đến vậy không, Lương?

Lương chưa kịp trả lời Lân. Câu hỏi bị mắc vào cành cây khô, vào con quạ đen đứng một chân chờ bữa, vào gió, vào sương rồi ở lại cùng Lân bên bìa rừng. Nhiều lúc trong vô thức, Lương cũng tự hỏi mình như vậy nhưng câu trả lời cứ lơ lửng trong trí não, nửa rấm rứt, nửa chờ chực muốn quên. Câu hỏi ấy giờ đây lại trở về, ngún khói trong đầu Lương.

Lương không nghĩ có lúc mình phải vận dụng đến bản lĩnh của một đại đội trưởng, sự từng trải của người đàn ông trải qua bao được mất sống còn để làm mềm cơn bối rối ngập lòng. Đời Lương, rất nhiều lần dặn mình phải sống. Phải sống để làm đám tang cho cha. Phải sống để trở về vặn bấc đèn cho Lan, phải sống để có đêm tân hôn sau những tháng ngày biền biệt. Cơn thèm sống đã như đốm lửa, âm ỉ trong tro tàn. Nhưng ngay lúc này đây, đối diện với bạt ngàn sương rơi, với khói trắng bằng lặng, trước bó cúc thản nhiên vàng, Lương biết, cái chết đã ở gần lắm. Lại đẹp. Và dịu dàng.

VĨ THANH

Chuyện của người đàn ông ấy đơn giản lắm. Câu chuyện tình yêu như trăm ngàn câu chuyện tình yêu khác. Rằng chồng đi bộ đội, rằng người vợ ở nhà phải lòng người đàn ông khác. Rồi họ yêu nhau. Họ chán nhau và bỏ nhau. Người đàn ông ấy chọn tha thứ cho vợ nhưng không tha thứ cho mình.

Câu chuyện gọn lại trong chừng ấy chữ nhưng nỗi buồn thật dài, dài đến ngày người đàn ông tên Vỹ chết, đến ngày bà Lan chết. Và đến tận bây giờ. Khi người con gái của đồng đội xuất hiện, nỗi buồn liệu có thể kết thúc.

Ngày mai, nếu còn có ngày mai, sương khói ấy, ánh mắt ấy sẽ tiễn Lương đi trong thanh thản lặng im.

NGUYỄN HỒNG

Nguồn: vanvn.vn