Tôi lang thang trong ngọn đồi trước nhà sao bao mệt mỏi phố thị, chân nhẹ nhàng chậm rãi bước dưới lớp lá khô mục ruỗng, cây lớn xen cây nhỏ rì rào trong một chiều hè êm ả. Tiếng ve lúc trầm lúc bổng, vang vọng nơi ngọn suối đầu nguồn, xen lẫn tiếng róc rách của nước. Những cây vả mùa này lác đác quả chín, màu nâu thẫm căng mình trong nắng vàng miên man. Hồi nhỏ, những đứa chăn bò như chúng tôi thường leo lên cây vả, chọn hái quả chín chia nhau ăn, hôm nào nhà có món thịt luộc, thì hái quả non về cắt lát mỏng ngâm muối, ăn kèm rau sống, lá cuốn. Rừng xanh thăm thẳm, mỗi khi mang một thứ gì đó về nhà, chúng tôi đều tự nhủ với nhau, xin phép rừng già. Những giản đơn, dung dị năm tháng ấy là bó củi khô, mấy cụm dành dành, mang về làm chổi, trái cây rừng chín muồi và vài bông hoa từ cây thông rụng xuống, chúng tôi đem về bỏ trước cửa sổ hay ở bàn học, theo dõi diễn biến thời tiết theo mùa. Nói theo dõi vậy thôi nhưng bao nhiêu ngày mưa gió, nắng nôi hay bão giông lúc trẻ ngày ấy vẫn ngây thơ trong veo như chính những gì nguyên sơ mà rừng hồi đó còn có được. Những đứa trẻ vùng ven, một bên ruộng đồng mênh mông thẳng cánh cò bay, bên kia thoai thoải cánh rừng, ngày chạy đồng bắt cua, ngày lại chơi trốn tìm trong bãi cỏ rừng xa, cây cối bảo bọc tuổi thơ êm đềm nhẹ nhàng trôi đi trong những thanh âm lặng lẽ của cuộc sống làng quê.
Con người ta vốn dĩ sống với những kí ức, dầu có đi đâu nửa vòng trái đất, khi đầu bạc trắng những sợi cước thì những miền hoang sơ của thuở thiếu thời lại len lỏi trong tâm khảm, thúc dục bước chân trở về. Rừng bao la trước mặt mở ra muôn nghìn xanh nhưng thâm trầm và bí hiểm, bao cuộc chạy trốn, bắt bớ, cải tạo rừng và chôn giấu nhiều điều bí mật vẫn lẩn khuất trong những hang động xa tít mù khơi. Mảng mây trắng chờn vờn trên đỉnh núi mỗi buổi mai, nhẹ nhàng lăn tăn, tan ra khi nắng vàng rải khắp. Lúc ấy sẽ lộ con đường mòn trắng hếu, ngoằn nghoèo như những con rắn khổng lồ xẻ ngang xẻ dọc chạy xuống tận vùng xuôi. Ông cụ trong làng vẫn nói “ngày ấy rừng không có đường mòn nhiều như thế, màu xanh phủ kín hết lối đi, có hôm đi rừng vài ngày không về được tới nhà, bà con đi tìm, không biết lí do vì sao lạc trong bụi rậm, gai góc đầy mình nhưng tuyệt nhiên không có sợi nào đâm vào người”. Có nhiều cuộc giải cứu diễn ra, từ đó người ta chẳng mon men đến rừng nữa, nhưng chính những người đó tự cảm thấy trong lòng những bí mật cần giữ kín. Rừng mênh mang, thoai thoải, vẫn thao thiết bao điều.
Năm rồi bão lũ kéo về miền xuôi, bao nhiêu ngôi nhà gần khu vực vùng núi đã bị chặn ngang đường vì đất trên núi đổ xuống, thiệt hại về người không có nhưng thông tin về các khu vực lân cận thì có. Làng Nủ chìm trong tang thương, bao nhiêu làng khác cũng chịu chung cảnh ngộ, khu vực vùng núi phía Bắc chịu một trận liên hoàn. Để khi lặng lẽ gom góp những số tiền ít ỏi từ bà con gửi ra miền Bắc, chúng tôi chẳng ai bảo ai, đi bên nhau âm thầm không nói. Người ta luôn tâm niệm “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, vậy nên những công cuộc cải tạo, trồng rừng, gieo giống và tu tâm làm ăn trên rừng thì có lẽ chẳng có chuyện tang thương xảy ra với nhiều người vô tội.
Hôm nay về lại rừng, những giăng mắc trong lòng dường như chẳng thể nói cùng ai, tôi đi chân trần, nhẹ nhàng lội bộ trong đám vọt vàng, hít thở không khí trong lành mà bao năm nơi phố thị tôi chẳng thể nào có được. Con suối róc rách chảy, âm thanh vang vọng tiếng tu hú, bìm bịp và những con chim rừng lảnh lót. Thứ âm thanh vang vọng từ bên kia núi, tôi giơ tay lên miệng, hú một hơi dài, tuổi trẻ ngày xưa, khi chúng tôi chơi trò đuổi bắt cùng nhau, trốn trong rừng sâu. Đáp lại tiếng tôi là âm thanh ngược lại, tiếng vọng của thuở xa xưa nơi rừng sâu khiến tâm hồn tôi như được tưới mát. Cây dủ dẻ bung mình nở hoa vàng, ngan ngát hương thơm chiều cuối Xuân. Mấy chú cua núi đen, to, chui từ trong suối ra, ngơ ngác giương đôi mắt tròn nhìn xung quanh. Đã bao lâu rồi chúng không được nghe âm thanh của những đứa trẻ. Bầy bò thủng thẳng gặm cỏ, chúng chẳng để tâm đến một người đang cố chạy trốn thanh xuân để về với rừng. Bụi ngấy căng mọng những quả đỏ, xanh mơn man, màu tươi mát tưới đẫm tâm hồn người lữ thứ.
Men theo đường mòn vào rừng thông, dưới chân tôi lạo xạo những lá, bàn chân khẽ run lên vì đau, những phiến đá nhỏ lành lạnh cọ vào bàn chân. Bao lâu rồi, từ khi còn là một đứa trẻ vô tư nhặt nhạnh những bông hoa về nhà, bây giờ ngồi nghe gió hát bên đồi thông, tâm tư ngày ấy khẽ cựa quậy. Giọt nước mắt cứ thế mon men trên bờ mi, muốn nói với nơi này rằng tôi đã trở về, muốn được nghe, được thổn thức bao điều. Rừng sẽ là nơi cất giấu cho tôi nhiều bí mật, khát khao và cả những thênh thang ngoài kia. Cây vả chín muồi, âm thầm rụng trái, tiếng bục làm vỡ túi mật bên trong, tứa ra bao giọt mật ngọt lành. Tôi ngồi xuống, đưa tay chấm giọt mật, cho vào miệng. Vị ngọt thanh ấy như dư vị trong trẻo nhất khiến con tim tôi ấm lại.
Tôi khe khẽ gọi “rừng ơi tôi đã về…”./.
Phan Thị Thìn
Bài viết liên quan: