Dòng sông lấp lánh – Truyện ngắn của Nguyễn Hội

Bờ sông bên kia chính là nơi ông đã từng núp dưới đám lục bình trong lần đi trinh sát thực địa và ém quân trước giờ G nổ súng, bây giờ là bến có nhiều bậc lên xuống.

Nhà văn Nguyễn Hội ở Long An

Hôm nào cũng vậy, khi đài Tiếng nói Việt Nam phát bản nhạc đầu tiên trong ngày, ông Tưởng sẽ bước ra khỏi giường tập thể dục. Thói quen này được ông rèn luyện từ những ngày còn trong quân ngũ. Nhưng mấy đêm gần đây, chưa tới ba giờ sáng ông đã giật mình thức giấc. Thằng Minh con trai ông, một sĩ quan Biên phòng đóng quân ở tận Long An báo tin sắp cưới vợ, vì điều kiện xa xôi nên nó sẽ tổ chức đám cưới tại đồn và bảo ông vào. Chuyện cưới của nó không đến mức khiến ông mất ăn mất ngủ. Sở dĩ ông thao thức là bởi, cái địa danh nơi ông sắp vào cưới con đã thổi bùng những kí ức lúc chìm sâu, lúc âm ỉ trong lòng bao năm qua.

Hai ông bà ở chung phòng nhưng nằm hai giường khác nhau. Quê ông là thế. Lớn tuổi rồi, nằm riêng ra để nếu có cựa mình hay đi ra ngoài, không ai làm phiền ai. Nghe tiếng thở vẫn đều đều từ giường bên, ông nhẹ nhàng, nghiêng mình thật khẽ rồi mới rón rén bước ra ngoài. Ánh trăng cuối tháng dãi xuống mảnh sân nhỏ trước hiên nhà thứ màu nhờn nhợt. Ông giật mình khi đập vào mắt là những bóng đen nằm co rút ở góc sân. Rồi tiếng sột soạt. Những bóng nằm co chợt cụ cựa, quằn quại. Ông nghe như có tiếng rên khe khẽ. Hoá ra, đó là bóng của mấy tàu lá chuối trong khu vườn nhà hàng xóm nghiêng sang lật phật khi có cơn gió vừa thổi. Thở phào, nhưng hơi trong cổ họng ông chợt ngắn lại như người trong cơn suyễn. Ông chậm rãi bước ra phía cuối sân. Trong vườn, cây mai tứ quý dáng thác quý phái giờ thấp thoáng như người lính ẩn hiện bên công sự. Thay bởi thứ hương dịu dàng, ông chợt ngửi thấy thứ mùi đã khắc vào, ẩn lấp trong kí ức.

Ông khẽ giật mình. Thứ mùi ấy là của gần năm mươi năm về trước.  Mùi của đồng khô, cỏ cháy, của khen khét đạn bom. Nhanh thật.

Hình ảnh anh Miêng chập chờn…

***

Tiếng động cơ máy bay vè vè như tiếng bọ hung trong ngôi nhà hoang mỗi lúc rõ dần. Trời trong xanh và nắng gắt. Không bất cứ dấu hiệu chút mây nào. Rồi một chấm đen nhỏ xíu từ phía trời xa xuất hiện. Nó càng lúc càng lớn dần. Dưới cánh đồng chó ngáp bằng phẳng, trống trơn, hai người lính trinh sát gầy đen, quần đùi, áo cộc tay màu xám tro, lận lưng chỉ có dao găm và lương khô đang lom khom di chuyển. Gần như chả cái cây, cọng cỏ nào còn nguyên vẹn. Bom đạn cày xéo. Cái nắng, cái gió của những ngày cao điểm cuối mùa khô năm bảy hai đã hút kiệt chút diệp lục cuối cùng của những bãi sình lầy với năn lác mọc xanh um. Thấp thoáng sót lại những đám cỏ bàng, tuy cao hẳn lên nhưng cũng đã héo khô, chỉ cần một cơn gió nhẹ sẽ bạt hết cả ra, nhìn rõ đất. Duy chỉ còn những cây dứa dại sống sót. Chúng chụm lại với nhau, thân lá úa nhàu, nằm dài ngả ngốn, xác xơ như đống người chết đói. Trên ngọn, lưa thưa những chùm lá xanh đen xòe ra tứ phía, bao trùm lấy thân và gốc. Gai dứa nhọn hoắt đâm ra tua tủa ngược xuôi như những mũi mác.

“Khỉ thật. Tưởng, mày nghe có phải tiếng trực thăng không vậy? Không lẽ chúng nó đi trinh sát cả ban ngày à?” Tiếng tiểu đội trưởng Miêng như vừa ngỡ ngàng, vừa bực tức. Hai người ngồi thụp xuống như đùm rạ, cùng lóng tai về hướng âm thanh.

“Chúng ta đi trinh sát ban ngày. Tụi nó cũng vậy. Anh không nhớ ngày anh em mình còn ở Công trường Chín. Mấy con OV-10 quần đảo suốt ngày đêm trước khi ta nổ súng vào trận cầu Hóc Môn, năm sáu tám à”. Tưởng trả lời chắc nịch.

Nói qua lại vậy, chứ thực ra hai người chả lạ gì cái kiểu của bọn diều hâu săn mồi này. Trên bầu trời, dưới mặt đất chiến trường, chúng lùng sục theo bản đồ địa hình quân sự mà thám báo cung cấp không sót một ngóc ngách nào. Gặp tình huống máy bay trinh sát, đừng vội vàng có bất kì hành động gì, rất dễ bị lộ. Chấm đen trên bầu trời mỗi lúc rõ dần. Nó đang di chuyển về phía hai người lính trinh sát. Hai người đưa mắt nhìn nhau rồi cùng hướng về phía bụi dứa, nằm ép sát xuống mặt đất như hai con thằn lằn, dùng khuỷu tay và đầu gối bò trườn nhanh thoăn thoắt. Đảo liếc qua một lượt để tìm lối chui vào, Miêng hất cằm ra hiệu cho Tưởng vào trước còn mình tiếp tục trườn vòng ra phía đối diện. Khi chiếc cán gáo bay ngang qua đầu, hai người đã nằm gọn lỏn trong những thân cây dứa ken dày. Im lặng, cùng nín thở.

Một chút, đã nghe tiếng động cơ quần ngược trở lại. Miêng nhìn trừng trừng về phía chiếc cán gáo, như sợ chỉ một nhịp nhẹ nhàng của cánh phổi cũng làm bụi dứa gai rung động. Kinh nghiệm chiến trường cho biết, khi máy bay trinh sát quay ngược trở lại, tức là nó đã nghi ngờ mục tiêu. Sẽ có hai tình huống. Một, chúng sẽ tìm cách bắt sống. Hai, đơn giản hơn, khẩu AR15 sẽ xả gọn con mồi.

Tiếng động cơ phành phành ngay trên đầu. Cánh quạt chém vào không khí rào rào như thác réo. Tiếng cần trục rít lên khô khốc. Những gốc cây già nua chịu trận cuồng phong bất ngờ oằn mình xô qua đẩy lại. Xen lẫn trong tiếng động cơ và tiếng gió, Tưởng nghe thấy cả tiếng người xì la xì lô. Không biết có phải chúng đang kêu gọi chiêu hồi? Hù dọa con mồi dưới mặt đất? Hay trao đổi với nhau qua bộ đàm? Tưởng có cảm giác mình đang rơi vào một vùng không gian vô định, tối om.

Cuối cùng thì tiếng động cơ cũng xa dần. Nhìn sang người tiểu đội trưởng, Miêng đang cười, mắt ánh lên lấp lánh. Nhưng khuôn mặt anh méo xệch, phần gai dứa cào phồng môi, phần vì đất nhét đầy trong miệng. Miêng nhổ ra phì phì, nước mắt nước mũi đầm đìa. Hai anh em nhìn nhau. Vậy là sống rồi! Bụi dứa gai dày đặc đã ngụy trang cho các anh và may mắn, không có loạt đạn bắn cầu âu nào xả xuống.

 

Bây giờ hai người mới nhận ra tình thế của mình. Những chiếc rễ và thân cây dứa giúp che mắt kẻ thù, giờ ôm chặt khiến hai người không thể cựa quậy. Hàng trăm chiếc gai sắc nhọn găm đầy trên cơ thể, máu ri rỉ ra tê buốt. Ngày còn nhỏ, một chiều đi chơi xóm Ngõ Mả, Tưởng và Liên, cô bạn học chung lớp mẫu giáo xóm Chùa chui vào giữa bụi dứa gai khi hai đứa chơi trò trốn tìm cùng các bạn. Mãi đến gần tối bố mẹ Liên đi tìm mới thấy hai đứa đang khóc thút thít, không tài nào ra được. Người nhà phải chặt gần hết mới đưa được hai đứa ra ngoài. Còn bây giờ, hai người chỉ có một con dao găm của Miêng, con dao của Tưởng đã bị tuột khỏi bao, mắc lại trong lúc anh trườn nhanh vào bụi. Ngứa ngáy, đau rát, từng mảng da từ mặt, lưng cho tới cánh tay, bắp chân đều bị gai cào cứa nát bươm. Chiếc áo cộc tay và cái quần xà lỏn trên người cũng rách te tua. Hai người luồn ngược ra ngoài theo đường đã chui vào, từng chút một. Những chiếc gai cắm xuôi giờ bị lật ngược tung tróc từng miếng da thịt đỏ máu. Miêng thoát ra trước. Anh thả con dao xuống trước mặt tưởng khi Tưởng mới trườn ra được nửa bụi.

Mùa mưa qua lâu lắm rồi. Bi đông mang theo đã cạn. Cổ họng khát khô. Tưởng chợt nhớ đến câu chuyện lí do cánh đồng có tên chó ngáp bởi những con chó theo chủ băng qua đều lè lưỡi thở dốc, ngáp ngắn, ngáp dài. Hai người quyết định đi theo những vết chân trâu ngoằn ngoèo xô lệch để tìm nước. Cuối cùng, họ cũng phát hiện một hố bom còn ít nước đọng hiếm hoi nơi đáy. Bầy chim mỏ nhát thấy bóng người vụt bay lên, xôn xao. Miêng chậm rãi quỳ xuống chắp hai tay ra sau lưng cúi gập người xuống chúm miệng. Miêng uống rất chậm và khẽ nên vũng nước không hề vẩn đục. Tưởng học theo, cảm thấy khoan khoái trong người vì vừa đã cơn khát, vừa học được một kiểu uống nước đồng thật thú vị. Ngày còn nhỏ, mỗi lần đi chăn trâu, Tưởng cũng uống nước mương, nước ruộng, nhưng đó là uống trong lòng bàn tay, trong lòng nón, chưa từng uống trực tiếp như thế này bao giờ.

Theo bản đồ, qua cánh đồng chó ngáp, đoạn đường còn lại để tiếp cận mục tiêu trước khi trời tối hẳn là một đoạn kênh. Họ được giao nhiệm vụ tìm con đường bí mật, bất ngờ và an toàn nhất từ Kom Pông Rồ (Căm-pu-chia) băng qua đường biên giới để dẫn quân chủ lực tiến đánh Chi khu Long Khốt. Đây là vị trí chiến lược trên hàng lang phòng ngự phía Bắc tỉnh Kiến Tường, nhằm ngăn chặn hướng tiến công của bộ đội chủ lực miền Bắc vào vùng giáp ranh giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ từ Tân Lèo đến Ba Thu.

Mùa khô, kênh Rạch Chanh nở đầy bông lục bình. Những cánh hoa dường như trái ngược với thời tiết, càng nắng gắt và khô hạn càng tím thẫm. Hai người lính trinh sát bơi theo dòng kênh, đầu ngóc lên như hai con cá lóc, có lúc lại trườn dài kiểu rắn nước. Lũ đỉa ngửi thấy mùi người, mùi máu đua nhau bám theo. Bơi được một quãng, Miêng và Tưởng phải dừng lại gỡ đỉa và kiểm tra vùng “quan trọng” xem có con nào cả gan, liều mạng bám vào.

Ba giờ sáng, họ tiếp cận mục tiêu rồi rút ra ngoài an toàn. Từ bờ sông vào đến Chi khu Long Khốt chưa đầy một trăm mét. Dưới sông lục bình kín mít, trên bờ lau lách, cỏ dại mọc um tùm. Chi khu chủ yếu chỉ bố phòng phía trước, đối diện với biên giới. Phía nội địa, địch làm hàng rào dây thép gai và gài sẵn hai lớp mìn bảo vệ, mìn lá và mìn ba càng. Trong Chi khu bố trí bốn vọng gác bốn góc, mỗi vọng bố trí hai người quan sát bằng ống nhòm cầm tay và mắt, kết hợp thả chó chạy tuần tiễu xung quanh, phía trong hàng rào. Hệ thống nhà ở gồm một nhà trực tác chiến, bố trí ngay cổng ra vào, một nhà chỉ huy và hai nhà ở của lính song song với đường ra cổng chính. Đường rút lui ở phía sau khu vườn để lính trồng rau xanh nhưng cỏ dại mọc um tùm. Bấy nhiêu thông tin trong đầu Miêng và Tưởng đã đầy đủ cho chỉ huy Trung đoàn xây dựng sa bàn tác chiến trước khi tiến công…

Trận đánh diễn ra theo đúng ý định của chỉ huy. Nửa đêm ngày cuối tháng, tấm màn đen khổng lồ trùm kín cả một vùng biên giới. Tiểu đội trinh sát gồm chín người do Trung sĩ Tiểu đội trưởng Huỳnh Văn Miêng chỉ huy từ dưới sông Long Khốt đội lục bình chui lên mở đầu trận tiến công chiến lược vào Chi khu. Từ chân tới mặt, đầu tóc, các anh trét dày bùn đất sét trộn với rễ lục bình. Dù ngược hướng gió nhưng chỉ có làm như vậy mới đánh bay đi mùi người, vô hiệu hóa bộ khứu giác cực thính của bầy chó chăn cừu Alsatian trong Chi khu.

Mò mẫm, trườn dài như những con rắn mối, cả tiểu đội bí mật áp sát hàng rào dây thép gai. Vừa di chuyển, vừa luồn lách né mình qua từng vị trí đặt mìn, theo đường hướng được phân công trên sa bàn. Những quả mìn Claymore đã được Miêng và Tưởng vô hiệu, đánh dấu bằng một cành cây bẻ gập về bên trái. Các lô cốt, hầm hào công sự trong đồn địch bố trí về hướng Đông Bắc, nhằm ngăn chặn hướng Căm-pu-chia tiến vào. Địch chưa tính đến phương án ta từ nội địa, từ trung tâm hành chính quận lỵ Tuyên Bình đánh ra.

Sau tiệc rượu ban chiều mừng sinh nhật con trai Chi khu trưởng, những tên lính gác gật gù ngủ gục, chống cằm trên báng súng. Không gian yên ắng đến rợn người. Bỗng ba hồi bìm bịp kêu dài thong thả ngân nga rồi im bặt, một tiếng còi chói gắt vang lên. Nhận tín hiệu, tám tay súng thiện xạ tiểu đội trinh sát đồng loạt bóp cò. Những tên lính gác trên bốn chòi canh đổ gục. Điện vụt tắt. Trong bóng tối, từng loạt đạn AK vạch đường đỏ rực xuyên thẳng vào những dãy nhà xám tro, những bức tường kiên cố ngụy trang vằn vện. Quân giải phóng từ các hướng tiến công chủ yếu, thứ yếu đồng loạt xông vào chiếm lĩnh trận địa. Tiếng AK điểm xạ hai phát một liên tục chát chúa. Tiếng AR15 điên loạn tung toé. Trong ánh sáng của luồng tia lửa đạn, bóng người nhốn nháo chạy loạn xạ trong các ngôi nhà.

Tưởng nằm trong đội hình Đại đội 1, bộ phận mở cửa đầu cầu, sau đó đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy. Vì đã thông thạo địa hình, nên Tưởng lao thoăn thoắt như một con chuột đàn trên cánh đồng mới gặt. Ở mỗi vị trí đã định sẵn trong đầu, Tưởng dừng lại, lợi dụng vật che chắn, nã từng loạt đạn dài rồi chuyển thành tư thế nằm bắn. Căn nhà trực ban xập xệ, lở lói bong tróc từng mảng vôi trắng treo chiếc đèn măng xông lủng lẳng đỏ quạch, tên sĩ quan tham mưu đổ gục trên bàn làm việc, máu từ cổ hắn xối đỏ tấm bản đồ tác chiến. Khuôn mặt còn lộ rõ vẻ ngạc nhiên, hốt hoảng. Có lẽ hắn ra đi mà không biết chuyện gì đang diễn ra. Khi những tiếng AR15 yếu ớt tắt lịm, những tiếng chân hấp tấp chạy dài, Tưởng thu tấm bản đồ rồi khoát tay dẫn đồng đội xung phong thẳng vào nhà chỉ huy, nhưng không hiểu sao lúc này đã trống trơn.

Bị đánh bất ngờ từ phía trước và hai bên sườn giữa lúc đêm khuya, bọn địch trong Chi khu chống trả yếu ớt. Nhiều tên còn đang mặc quần xà lỏn, cởi trần, trúng đạn nằm vắt ngay lối cửa ra vào, bên cạnh giường ngủ. Có tên trốn chạy vào nhà vệ sinh, máu bê bết bên đống tạp chí người đẹp vứt ngổn ngang đang bén lên ngọn lửa xanh lè.

Chưa đầy mười phút, hiệu lệnh rút lui được phát ra. Các bộ phận kiểm lại quân số, vũ khí trang bị báo cáo gấp. Không thấy anh Miêng đâu, Tưởng chạy vòng ra phía sau nhà chỉ huy, nơi duy nhất còn sót lại mà hôm trước các anh không đủ thời gian trinh sát. Trong ánh đèn pin nhập nhoạng, Tưởng thấy anh Miêng nằm bất động bên vũng máu, tay vẫn giữ chắc khẩu AK báng gấp, chiếc mũ tai bèo lệch sang một bên, cằm và môi méo xệch. Tưởng khuỵu xuống, lay gọi và thật bất ngờ, Miêng vẫn còn thoi thóp. Trong hơi thở yếu ớt nhưng gấp gáp, Miêng chỉ tay về phía cuối khu vườn, nơi có một cửa hầm đang bật mở, giọng thều thào: “Địch chạy vào đó hết cả rồi. Anh em mình rút ngay kẻo pháo kích dập xuống bây giờ, để mặc anh”. Giọng Tưởng đanh lại: “Anh hết sức bình tĩnh, chú ý giữ hơi thở, em sẽ đưa anh rời khỏi đây về quân y trạm”. Nói rồi, Tưởng xốc Miêng lên vai lao nhanh về phía đơn vị đang tập trung.

Từng loạt đạn pháo từ hướng đồn Măng Đa câu thẳng vào Chi khu Long Khốt. Anh em rút ra tứ phía, nhằm về hướng bên kia biên giới. Cậu Thuần quân y Tiểu đoàn đỡ Miêng nằm xuống nền cỏ đẫm ướt sương đêm, lúc này Tưởng mới thấy lưng mình đẫm máu. Cả đống ruột anh Miêng xổ ra đỏ ối, máu lênh láng. Anh đau đớn mắt nhìn ngược lên trừng trừng, nhưng răng vẫn cắn và mím môi rất chặt. Cả đời Tưởng không bao giờ có thể quên được ánh mắt ấy. Đạn pháo địch đang càng lúc càng dội vào liên tiếp, khói xông lên dày đặc. Tưởng và Thuần cùng băng bó vết thương cho anh. Thuần lấy chiếc bát sắt úp vào ngay chỗ đám ruột đang xổ ra lềnh bềnh rồi bó chặt lại. Mắt anh Miêng đã đờ đẫn nhưng hai bàn tay vẫn ôm chặt lấy chiếc bát. Băng bó xong, Thuần chạy vụt sang phía có tiếng chỉ huy gọi giật giọng. “Quân y đâu? Quân y đâu rồi, mang cáng lại đây ngay”. Tưởng xốc ngược cái thân hình đang mềm oặt như sợi bún của anh lên vai, lao nhanh ra phía cổng.

Một quả đạn pháo 105 nổ ngay phía sau. Sức ép của nó khiến cả Tưởng và anh Miêng cùng văng về phía trước. Phải một lúc lâu sau Tưởng mới lồm cồm bò dậy. Toàn thân anh đau ê ẩm, ống chân trái buốt từ dưới gót lên đến ngã ba đùi, lên tới óc. “Không lẽ chân mình đã bị gãy?”, Tưởng tự nhủ rồi cố gắng kêu to lên hết cỡ. Lúc này địch nã pháo dày đặc vào Chi khu, lửa bốc cháy ngùn ngụt. Tiếng kêu của Tưởng bị lạc vào giữa muôn ngàn tiếng đạn pháo, lửa cháy rú gào. Nằm bên cạnh, anh Miêng đang rên lên khe khẽ, hai tay vẫn ôm khư khư chiếc bát. Bỗng một quả pháo rơi ngay trước mặt hai người nổ tung, đất cát bay rào rào, phủ trùm lên đầu, lên tóc. Biết không thể mang được anh ra, Tưởng nhìn anh lần cuối rồi vùng lê cái chân trái thẳng đuỗn lao về phía cổng.

***

Đám cưới, ông lặn lội vào nhờ đơn vị và bà con quanh đồn làm đại diện nhà trai, chứ việc tổ chức bên nhà gái lo liệu cho cả. Vợ Minh là cán bộ xã, gia đình và nơi công tác ở gần ngay Đồn Biên phòng Thạnh Trị, Long An, nơi nó đang làm Đội trưởng Vũ trang. Buổi chiều sau khi rước dâu về đồn, ông nhìn hai con rơi nước mắt. Đời lính đã nghèo lại ở xa gia đình. Ông Tưởng dặn con: “Thời bình, vợ ở đâu, chồng ở đấy là đúng lắm rồi. Bố chỉ mong sao các con có điều kiện thì về thăm quê”.

Sáng chủ nhật, theo yêu cầu của ông, Minh chở bố đi viếng Đền Long Khốt. Chiếc Win 100 màu đỏ đen nổ giòn giã chở hai bố con ông Tưởng đi trên những con đường trải nhựa phẳng phiu rồi men theo đường đan bê tông chạy song song với sông Long Khốt. Theo suốt dọc đường đi, những ruộng lúa đang chín vàng rực rỡ. Kí ức của những ngày chiến đấu cuồn cuộn trở về trong ông. Đứng trên cây cầu mới bắc, nhìn sang hai bờ, ông bỗng rùng mình. Một cơn gió từ dưới sông thổi ngược lên càng khiến ông cảm thấy chếnh choáng như người say nắng. Cảnh vật có thay đổi đi đôi chút nhưng địa hình thì… vẫn nguyên vẹn trong cái đầu của người lính trinh sát.

Bờ sông bên kia chính là nơi ông đã từng núp dưới đám lục bình trong lần đi trinh sát thực địa và ém quân trước giờ G nổ súng, bây giờ là bến có nhiều bậc lên xuống. Bờ sông bên này người ta đã làm đường đan bê tông liên xã. Những ngôi nhà khang trang, đồ sộ, những cửa hiệu bán hàng đủ loại nhấp nháy ánh đèn. Long Khốt đã trở thành một thị tứ vùng biên sầm uất. Nhưng mặt sông thì vẫn như xưa, vẫn đầy ắp lục bình. Đang giữa mùa khô, từng mảng lục bình nở bông xanh tím biếc, tràn cả lên đôi bờ. Ông Tưởng thấy lòng mình se sắt.

Ngôi đền được xây dựng ngay trước cổng đồn biên phòng cùng mang tên Long Khốt. Ngày ngày những người lính biên phòng và bà con địa phương chăm sóc phần khói hương. Anh chính trị viên có nước da đậm đà màu nắng gió, quê Hải Dương, trịnh trọng mời ông Tưởng lên thỉnh chuông để anh đọc bài văn khấn. Chín tiếng chuông chậm rãi ngân lên trong buổi trưa đầy nắng. Giọng anh trang nghiêm trong không gian thiêng liêng quyện mùi hương trầm nồng ấm. Ông Tưởng run run cúi đầu trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, mắt ông nhòe đi trước những tấm bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ. Phần nghi thức xong, ông thong thả bước ra sau đền, đứng giữa bến sông. Một làn gió nhẹ giữa sông khẽ làm rung rinh những cánh hoa lục bình, một con cò trắng bất chợt cất cánh bay lên. Trong khói nhang lãng đãng, ông nghe có tiếng ai đó gọi tên mình: “Tưởng. Tưởng”. Ông ngồi xuống, nhắm hờ mắt lại tập trung vào hơi thở, thả lỏng để toàn bộ tâm hồn mình là một vùng không gian mênh mông. Trong sự trống không ấy, tiếng gọi giờ rõ hơn: “Tưởng, cậu đấy à?”. Tiếng gọi vừa quen vừa lạ, vừa như rất đỗi xa xăm, vừa gần gũi. Ông từ từ quay trở lại nhưng chỉ có những người lính Biên phòng đang cùng nhau trò chuyện. Ông hỏi con trai: “Ai vừa gọi bố đấy?”. “Dạ không, chúng con đang để bố tự nhiên, có ai gọi gì đâu” …

Đêm tháng Năm. Trời biên giới Vĩnh Hưng rực rỡ những vì sao. Chiếc bè cắm đầy hoa tươi hình lá cờ Tổ quốc với ngôi sao vàng năm cánh được kết bằng những bông cúc đại đóa. Mười chiến sĩ Biên phòng kính cẩn dâng lên. Ánh sáng tỏa ra từ màu đỏ của những bông cúc đồng tiền và hàng trăm đài sen ngọn nến. Dòng sông Long Khốt chợt bừng lên lấp lánh, lung linh. Ông Tưởng hòa vào cùng đoàn người trong lễ cúng thả hoa đăng. Cảnh vật xung quanh ông nhòe đi. Từ dưới đáy sông hắt lên một luồng ánh sáng hồng tươi huyền ảo. Trong không gian huyền hoặc ấy, ông nhìn rõ ánh mắt người tiểu đội trưởng năm nào. Ông Miêng đang nhìn vào sâu thẳm tâm hồn ông, nụ cười thật tươi như cái lần gặp vũng nước giữa cánh đồng chó ngáp. Không còn những vết máu, những bầm dập vì gai dứa, khuôn mặt ông Miêng rạng ngời chiến thắng. Xung quanh ông, hàng ngàn, hàng vạn những người lính với nụ cười và ánh mắt, reo vui…

NGUYỄN HỘI