Truyện ngắn dự thi – Khi mùa xuân tới

Không thể phủ nhận rằng cái chết của Lãm đều ảnh hưởng lên tất cả mọi người. Mất Lãm, sợi dây liên kết giữa chúng tôi cũng đứt đoạn. Vương Anh biến mất giữa tháng Bảy, chẳng ai biết nó đã đi đâu, chỉ chắc chắc chắn một điều rằng Vương Anh đã rời khỏi thành phố. Minh vẫn đi học, cười nói rôm rả giữa đám người xa lạ mà mỗi ngày em đều phải gồng mình lên để có thể hoà nhập được. Khi về đến nhà, em bật khóc tức tưởi như một quả chanh héo bị vắt kiệt nước. Giang thì càng ngày càng trở nên bất cần hơn. Đỉnh điểm là tối nọ, nó tham gia vào cuộc ẩu đả trên đường. Người ta gọi tôi đến chuộc nó về. Giang không say, nó tỉnh táo hoàn toàn. Nó bảo nó chỉ muốn đánh người khác, nên chủ đích làm mấy trò khó ưa để có người ngứa mắt mà tẩn nó. Cả bọn đều trở nên khó hiểu và kì quặc sau cái chết của Lãm. “Chỉ có mày là bình thường thôi, Khanh ạ! Cứ như thể mày là sỏi đá, chẳng mảy may biết buồn.” Chúng nói với tôi như thế, khiến tôi cũng tin rằng tôi hoàn toàn bình thường. Tôi đang sống như một kẻ kiên cường và mạnh mẽ, trong trạng thái không thứ gì có thể khiến tôi ngã gục. Ngay cả khi những tưởng tượng này không có thật, tôi vẫn biết rằng mình không thể xử sự khác đi. Bởi vì một lẽ, Lãm đã không còn ở trên đời này.

Thỉnh thoảng, tôi đã ước có Lãm ở đây. Lãm chín chắn và khôn khéo biết bao. Lãm chỉ lớn hơn chúng tôi vài tuổi thôi, nhưng trưởng thành và đầy kinh nghiệm trong vóc dáng gầy gò của một cậu trai hai lăm. Lãm “nhặt” chúng tôi về, nhặt đúng nghĩa, bảo chúng tôi hãy chơi nhạc cho Lãm. Lãm có một cái xưởng mộc do người quen bỏ lại, nhắc chúng tôi “vác mặt” đến luyện tập vào thứ Bảy mỗi tuần. Lãm pha trà đá mát lịm đựng trong ca. Lãm hát chính, để nhường cho tôi vị trí guitarist. Lãm cái gì cũng giỏi, lại còn tinh tế và nhẹ nhàng. Lưng Lãm lúc nào cũng rũ xuống đượm vẻ buồn rầu. Các ngón tay thon gầy với những đường gân xanh tím nổi rõ dưới lớp da trắng xanh. Chuỗi cử chỉ điềm tĩnh và kiểu cách chắp nối. Lại còn tóc dài, lại còn râu ria lún phún năm ngày không cạo. Lại còn sực nức mùi khói thuốc nơi cổ áo. Một hình dung không mấy lành mạnh hiện lên về con người Lãm. Lần đầu tiên biết yêu, tôi đã yêu anh.

Nhóm nhạc với các mảnh ghép lộn xộn gồm có Lãm, tôi, Vương Anh, Minh và Giang. Vương Anh chơi trống, giọng khàn đục và có hình xăm bọ cạp kéo dài dọc cách tay trái. Ai cũng biết nó cung Bọ Cạp, và ai cũng biết nó yêu bản thân mình nhiều hơn mấy cô bạn gái đã đi ngang qua đời nó. Minh xinh xắn và sở hữu chiều cao lúc nào cũng khiến em tự ti. Minh cao 1m74. Tính cách hay ho, cả cái tên của em cũng hay ho không kém: Chiêu Minh. Giang là đứa hành tung bí ẩn, mắt lúc nào cũng kẻ nhũ đen lấp lánh, tính tình xa cách và cô độc. Còn tôi? Tôi đoán mình trông xấu xí và lập dị. Những vết sẹo nhỏ nằm rải rác trên mặt mũi, tay chân tôi. Tính tôi ngạo mạn và ương bướng. Điểm chung duy nhất giữa năm đứa chúng tôi là niềm yêu thích đặc biệt dành cho Rock. Chúng tôi không chung thần tượng. Lãm hâm mộ Jimi Hendrix, Vương Anh thì tuyệt đối trung thành với tình yêu mà nó dành cho Sex Pistols. Minh chỉ nghe mỗi Green Day và Giang thì nửa này nửa kia. Ý tôi là nửa Oasis, nửa Led Zeppelin. Còn tôi, tôi cũng giống Giang. Tình yêu của tôi cũng chia đôi, một nửa dành cho Joy Division, nửa còn lại thuộc về Slipknot. Lãm đã gắn kết chúng tôi lại với nhau. Thỉnh thoảng Lãm đưa chúng tôi đi biểu diễn ở một vài nơi. Một nhóm nhạc vô danh tự lập chỉ biểu diễn cho một vài sự kiện nhỏ. Tiền kiếm được từ mỗi buổi diễn thường không nhiều, chúng tôi chủ yếu dùng để liên hoan hoặc gom lại để sửa nhạc cụ. Không ai xem việc chơi nhạc là lý tưởng sống. Lãm biết rõ điều ấy, việc chúng tôi đều là những kẻ bất cần và nổi loạn, đang sống trong thế giới đề cao khuôn khổ và sự sắp đặt. Lãm không kiểm soát việc tập luyện. Chẳng ai nghiêm túc với điều này cả. Chúng tôi gắn kết với nhau bằng thứ khác. Tôi đã tin rằng đây là mối liên kết chắc chắn không dễ gì tách rời. Nhưng đấy là chuyện trước khi Lãm mất.

Thật nực cười làm sao, cái kẻ lúc nào cũng hướng chúng tôi đến một tương lai tươi sáng và đầy ắp hi vọng ấy, cuối cùng lại kết liễu đời mình bằng cách treo cổ. Sau đám tang của Lãm, những lá thư được gửi đến nhà từng người. Tôi không rõ Lãm đã viết gì cho những người kia, nhưng lá thư của tôi thì ngắn gọn đến mức tôi thấy chạnh lòng.

“Anh tự sát.

Khi em đọc những dòng này, tức là anh đã không còn ở đây nữa. Đây là lời tự thú của anh về việc anh không hề yêu cuộc sống này. Anh cố gắng thử làm vài điều điên rồ trước khi chết. Gặp được bọn em là một điều tuyệt vời. Anh không biết anh đã sống một cuộc đời đủ tử tế để không phải cảm thấy hối tiếc bất cứ điều gì trước khi đưa ra lựa chọn này hay chưa. Anh không biết liệu anh có hối hận hay không. Nhưng, mọi chuyện đã rồi. Có lẽ em sẽ ghét anh chết mất. Em sẽ ghét anh vì anh đã tìm thấy em và lôi em ra khỏi mặt đất. Anh tự hỏi em sẽ nhớ đến anh như thế nào vào những ngày sau. Một gã ích kỉ và khốn nạn hay là một kẻ tử tế? Nhưng hãy cứ để mọi chuyện xảy ra như thế đi. Hãy ghét anh và nhớ đến anh những khi có thể. Về phần anh, nếu anh có thể nhớ đến em, anh sẽ nhớ về em như là một cô em gái kiêu ngạo ưa chọc ngoáy anh mà anh rất mực yêu quý.

Khanh ơi, anh đã ước là anh có thể nhớ em.”

Sau ngày Lãm mất, thời gian không cho phép tôi được suy nghĩ và tiếc thương người này quá nhiều. Những người còn sống đi đến một thống nhất là không nhắc về người đã mất quá nhiều. Tôi tự nhủ rằng mình cần phải sống thật mạnh mẽ và sát sao cả với những người còn lại dù Lãm không gán cho tôi trách nhiệm đó. Tôi đoán là đôi khi, tôi cũng cảm thấy mệt mỏi với tất cả mọi thứ. Tôi cũng đủ bận rộn với ti tỉ những môn học trên trường và vẫn cần phải quan tâm đến đời sống tinh thần của người khác. Niềm an ủi duy nhất của tôi lúc bấy giờ là một cái nhà kho bỏ hoang mà tiền thân của nó là xưởng mộc. Lãm để lại chìa khoá cho tôi, không căn dặn thêm gì. Lãm bảo đấy là kho báu duy nhất của anh đấy, nếu anh còn ở đây, nhất định anh sẽ không giao cho ai. Tôi ngầm hiểu rằng tôi có thể sử dụng tùy ý nơi này và đương nhiên, vẫn phải trong khuôn khổ. Thỉnh thoảng tôi đến đó vào thứ Hai, lau dọn mọi thứ. Tôi đốt vài điếu thuốc lá, đàn hàng chục bài nhạc buồn tẻ trong khi phổi bị tẩm đầy khói thuốc độc hại. Không có thứ gì mang đầy dáng dấp của chủ nghĩa cá nhân và hơi thở hiện sinh hơn nhạc Rock, có lẽ vì thế mà tôi đã đem lòng yêu Rock chăng…? Đôi khi tôi tự hỏi mình như vậy. Tôi nằm xuống sàn, co người lại như một con tôm bị luộc chín. Nhạc chạy khắp nơi. Đôi khi tôi ngủ quên. Đôi khi tôi về nhà lúc trời sẩm tối. Tôi không còn gặp lại ai trong nhóm nữa. Sự hời hợt đã khiến tôi rời bỏ cái trách nhiệm không ai thuộc về kia. Tôi kệ Vương Anh, tôi kệ Minh, tôi kệ cả Giang. Đôi khi tôi mặc kệ chính mình. Tôi nghĩ về cách mà thế giới này vận hành, về việc con người ta thường trưng trổ ra các phẩm chất tốt đẹp nhất để chuẩn bị cho sự rời bỏ. Thời gian đóng băng tôi nhưng bằng một cách nào đó, tôi vẫn chậm chạp sống sót sang tháng mới.

Tháng Mười Hai, Vương Anh gọi điện về nhà, khoe giờ nó đang làm việc trên tàu du lịch. Bao giờ về nhà, nó sẽ dạy tôi uống rượu và chửi bậy bằng mấy thứ ngôn ngữ khác nhau. Tôi bật cười, chẳng biết đáp lại thế nào. Tháng Mười Hai, Minh đã thôi khóc, em bảo em đang dần chấp nhận hiện thực để Lãm có thể tự hào về em mỗi khi nhìn xuống. Tháng Mười Hai, Giang vẫn còn đắm chìm trong những cơn say của chính mình. Tóc nó đã bắt đầu dài ra, râu ria lún phún cả tháng không thèm cạo. Áo khoác ám đầy mùi thuốc lá. Mùi cao su cháy trộn với nhựa đường. Mùi cà phê rang cháy khét. Tôi giao cho Giang chìa khoá xưởng mộc. Nó chuyển đến đó ở hẳn để thôi vất vưởng. Xưởng mộc vì thế mà biến thành cái ổ chuột. Tôi chán không buồn mắng chửi nó. Khi tôi đến, tôi vẫn dọn dẹp mọi thứ trong cơn vùng vằng. Tôi uống cà phê còn sót lại trong bình. Giang không pha trà đá ngon như Lãm, nhưng cà phê của nó lại có vị hay hay. Tôi viết vội một dòng lên mẩu giấy nhớ, khen vị cà phê không tệ và dán trên bàn.

Những tuần sau đó, khi tôi đến, cái ổ chuột của Giang trở nên tươm tất hơn hẳn. Nó mua đồ pha cà phê về cho “chuyên nghiệp”, mua thêm hai cái cốc sứ mới rất xinh. Chúng tôi uống cà phê vào mỗi sáng, kể những câu chuyện mất ngủ cho nhau nghe. Khi tôi về, Giang lúc nào cũng vẫy tay chào tôi ở cửa, không bao giờ nó ngừng dặn:

– Sáng mai nhé, tôi đợi.

Tôi gật, kéo áo mũ trùm kín đầu và phăm phăm bước đi trong màn sương đã tan. Mùa Xuân, tôi không cần phải đến xưởng mộc nữa. Giang cạo râu nhẵn nhụi, mặc sơ mi cổ thuyền, đạp xe chạy xuyên những buổi sáng lạnh. Giang mang máy pha cà phê đến nhà tôi. Giang pha cà phê, chúng tôi lại cùng nhau uống. Cà phê không và cũng chưa bao giờ là một thức uống dễ chịu, nhưng nó đổ đầy những trống vắng trong lòng, giấu giếm đi cái sự thật rỗng tuếch không dễ gì phơi bày. Cả tôi và Giang đều ngầm rút ra một kết luận là chúng tôi nên uống cà phê cùng nhau. Có lẽ chỉ để bớt cô đơn hơn thôi, hoặc là vì cà phê sẽ có vị ngon hơn khi uống cùng người khác. Mùa Xuân, Giang tặng tôi một chậu cây nhỏ. Theo như tính toán của nó, thì cái cây này sẽ đâm chồi vào đúng hôm 30 Tết. Lúc ấy, tôi có thể ước một điều.

Tôi rủ Giang đến nhà vào đêm ba mươi. Chúng tôi dọn dẹp mọi thứ, làm một mâm cơm, gọi facetime cho hai đứa còn lại. Khi chỉ còn cách vài phút là sang năm mới, Giang kéo áo nhắc tôi:

– Khanh không ước gì à?

Tôi nhìn Giang, lắc đầu.

– Thôi. Mọi thứ cũng dần ổn rồi. Tôi không cần gì xa xôi hơn thế.

Giang chẳng nói gì, chỉ khịt mũi, bỗng nhiên ôm chầm lấy tôi. Cái mùi khói thuốc ám trên người nó khiến tôi nhăn mũi khó chịu. Tôi đoán mình nên đáp lại cái ôm này bằng một cử chỉ ấm áp như việc thừa nhận rằng tôi cũng yếu mềm biết bao. Vì thế, tôi không gạt tay Giang ra, thay vào đó, tôi vuốt ve dọc sống lưng của nó. Những đốt xương gồ lên dưới lớp áo mềm. Giang ghì tôi chặt hơn ban nãy, thì thào khi kim phút và kim giờ cùng nhau chuyển động.

– Em ơi, anh đã đợi mùa Xuân đến từ lâu… Anh cứ nhìn về phía em suốt. Khi Lãm mất, anh nhận ra là mình không được phép chần chừ quá lâu. Em nghĩ anh xấu xa cũng được, có lẽ anh chỉ như thế mà thôi. Nhưng anh đã đợi em lâu như đợi mùa Xuân đến…

Phạm Hồng Anh