Đốp! Con heo đất vỡ toang, mớ tiền nằm xen lẫn những mảnh vỡ, lăn lóc trên nền nhà gạch tàu cũ kỹ, Khiêm nhanh tay mở mấy tờ giấy bạc, bung ra cho thẳng thớm. Những tờ giấy bạc nhăn nhúm, phai màu vì nhuốm mồ hôi và nằm xộc xệch trong cái túi quần khi Khiêm nhét vội.
Hai vợ chồng Khiêm và Loan là dân tỉnh lẻ, bỏ xứ miền Trung mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông mưa phùn gió bấc để vào Nam tìm cơ hội mưu sinh. Vốn xuất thân từ gia đình khốn khó, học hành dang dở nên khi vào Nam, hai vợ chồng đành phải chọn nghề mua bán phế liệu ve chai. Thỉnh thoảng, khi ngồi bệt ở vệ đường để uống tạm một chai nước lọc, Khiêm lại nhớ về vùng quê hẻo lánh, chỉ có đá núi khô cằn với những mùa mưa lũ ầm ào trên sườn dốc, những dòng đất đỏ đặc quánh chảy tràn xuống nhà dân. Vì sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà nhiều người miền Trung phải rời quê để mưu sinh xứ khác.
Khiêm khẽ vuốt những tờ tiền cho ngay ngắn rồi xếp lại thành một cọc, gương mặt lộ vẻ bần thần, có lẽ vì số tiền không nhiều sau gần một năm hai vợ chồng bán mua vất vả.
“Hai tháng nữa là Tết rồi!”, Khiêm lẩm bẩm trong miệng rồi nhìn qua cửa sổ, khi những tờ lịch trên tường ngày một mỏng dần. Tết đến, lòng Khiêm lại đầy những nỗi lo âu bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền, là vé tàu xe, là mớ quà mọn cho gia đình, cho con cháu, là góp chút tiền để cúng kiếng ông bà. Mỗi năm chỉ về nhà một lần, cũng phải làm sao coi cho được. Năm nay, bố mẹ Khiêm dự định sửa nhà vì ngôi nhà đã ọp ẹp sau bao lần gồng gánh những cơn bão lũ, mấy anh chị em nhà Khiêm định làm cho khang trang lại, để ông bà sống được an toàn.
Một tiếng thở dài bật ra trong lồng ngực, Khiêm ngồi bệt xuống đất, hai tay vò đầu, mớ tóc rối tung lên trông thật thảm hại. Hai đứa con nhỏ đang ở với ông bà nội, một năm về cũng phải trả ơn, vừa là cái ơn sinh thành dưỡng dục, vừa là cái ơn bố mẹ đã dành cả tuổi già mà lo cho cháu nội. Nghĩ đến đó, Khiêm lại thấy những tờ giấy bạc nặng như chì. Trước áp lực tiền nong, vợ chồng Khiêm phải làm quần quật cả năm để có tiền trang trải, họ phải đi nhiều chuyến hàng, rong ruổi nhiều nơi tận hang cùng ngõ hẻm, đến mấy hàng quán, nhà dân để liên hệ thu mua phế liệu.
Đang ngồi bần thần với gương mặt không có nụ cười, Khiêm nghe tiếng xe đạp dựng ngoài đầu cửa, Loan bước vào, gương mặt thấm đẫm mồ hôi trong một buổi trưa đầy nắng.
Rót một ly nước lọc, Loan uống ừng ực vì khát, nhìn những mảnh vỡ của con heo đất, Loan vội hỏi:
– Anh đập con heo rồi à?
– Ừ, để xem được bao nhiêu, cuối năm còn biết mà tính.
– Ừ, thế được bao nhiêu?
– Hơn mười lăm triệu.
Loan đặt ly nước xuống bàn, cất giọng thở dài
– Tết nay về quê, còn phải góp vào sửa nhà cho ông bà cụ.
– Chẳng biết có về được hay không. Tiền nong thế này…
Giọng Khiêm trầm xuống, gương mặt đen đúa càng trở nên khắc khổ.
– Làm gì làm, cũng phải về chứ, một năm về thăm ông bà, lũ nhỏ có một hai lần chứ mấy.
– Ừ, thôi còn vài tháng, ráng mà tích cóp thêm thôi.
– Ừ, phải ráng thôi anh ạ, Tết nhất phải về thăm ông bà, biết các cụ còn sống được bao lâu.
Nói dăm ba đoạn, Loan vội mang bọc lương thực vào bếp để làm bữa ăn trưa. Mâm cơm trưa của hai vợ chồng chỉ có món rau luộc, vài quả trứng kho cà và một dĩa rau xào đạm bạc, họ nuốt vội, rồi ngả lưng nằm nghỉ trên nền gạch cũ trong căn phòng trọ hơn chín mét vuông.
Một ngày tiếp tục với hai vợ chồng trên chiếc xe và cái radio đời cũ để phát tiếng rao. Chiếc xe đi qua những ngõ ngách đông người ở khu nội đô đến những con đường vắng vẻ ở miệt ngoại thành. Hai vợ chồng cố chắt mót từng đồng dành dụm để trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, rồi còn phải gửi về quê để lo tiền cho con ăn học.
Thỉnh thoảng, ngày rằm, ba mươi hay mùng một âm lịch, hai vợ chồng Khiêm lại được những gia đình làm từ thiện gọi vào để cho vài hộp cơm chay, mấy ngày này, vợ chồng Khiêm đỡ được phần tiền, họ giữ mấy chục ngàn tiền chợ bỏ vào cái ống heo để dành, được đồng nào thì hay đồng nấy.
Một buổi chiều cuối tháng mười, Loan chở về nhà trọ một chiếc xe lỉnh kỉnh ve chai, phế liệu, trong cái hành lang nhỏ, Khiêm đang ngồi phân loại ve chai để đem ra vựa bán. Loan đổ mấy bao phế liệu và xấp bìa carton xuống đất, giọng phấn khởi:
– Hôm nay có một chị, cho được ít tiền, chị bảo để dành về quê.
– Ừ, cứ để dành, cuối năm về thăm ông bà cũng phải có chút quà, mấy đứa cháu con cũng phải có phong bì mừng tuổi.
Loan vuốt gương mặt còn ướt vì nước sau khi tắm gội, câu chuyện của đôi vợ chồng quanh đi quẩn lại vẫn là gánh nặng tiền nong, lẫn lộn ngổn ngang như những mớ ve chai phế liệu.
Đang nói chuyện cùng chồng, Loan bỗng dừng lại khi phát hiện trong chiếc hộp nhựa của đống đồ cũ, có một cái bọc vải nhung màu đỏ, linh tính có gì đó khác thường, Loan mở ra và giật mình khi nhìn thấy một mớ nữ trang.
– Ôi trời, anh ơi, ai lại để quên nữ trang trong cái hộp này!
Nghe đến đó, Khiêm vội bước đến, cầm lấy bọc nữ trang trên tay Loan, mắt Khiêm bỗng sáng lên:
– Giá trị đấy!
– Thế giờ mình làm sao?
Khiêm im lặng vài giây, mắt vẫn nhìn vào bọc nữ trang chằm chặp.
– Trời cho thì mình nhận.
– Nhưng nó đâu phải của mình.
– Giờ thì biết của ai?
Loan im lặng không trả lời, Khiêm nói bằng giọng mừng rỡ:
– Cái này mình chả trộm cắp, người ta bán nó cho mình thì là của mình.
– Người ta bán mớ đồ cũ chứ có bán nữ trang này đâu, biết đâu cũng là món đồ người ta tích cóp, mồ hôi nước mắt – Loan trầm giọng, phân giải cùng chồng.
– Này, em có biết bao nhiêu đây nữ trang là bao nhiêu tiền không? Mình phải đi kiếm từng đồng, nhiêu đây cũng đủ để cho ông bà xây sửa lại căn nhà rồi đấy.
Khiêm giữ chặt cái túi vải rồi lớn giọng khi nghe Loan giải thích.
– Của thiên trả địa, nó có phải của mình đâu, lỡ đâu họ cũng nghèo, cả đời tích cóp được nhiêu đó, mất đi cũng khổ lắm đấy!
– Em cứ lo xa, nó tự vào nhà mình, xem như mình nhặt được, biết của ai mà trả lại, hơn nữa, phế liệu này người ta bán lại cho mình, chứ có phải mình vào nhà của họ lấy đâu.
– Biết là vậy, nhưng… lỡ họ cũng nghèo như mình thì sao?
– Thôi, trời cho ai nấy hưởng. Bao nhiêu đây, không phải ít đâu, có khi cả đời mình tìm không được đấy.
Không để cho Loan ý kiến gì thêm, Khiêm vội cầm cái bọc vải đi vào trong phòng, Loan nhìn theo cũng không biết phản ứng ra sao nên đành im lặng, trong lòng cô phân vân giữa việc nên giữ lại túi nữ trang hay khuyên Khiêm nên trả lại vì nó cũng là cả gia tài so với những người lao động vất vả như Loan. Lòng cô chợt xuôi đi theo dòng suy nghĩ: “Năm hết tết đến, năm nay bố mẹ cũng cần sửa lại căn nhà sau những mùa bão lũ, giờ có túi nữ trang này, là cơ hội để mình giúp được cho bố mẹ”. Loan lặng lẽ phân chia phế liệu ra từng loại, bóng chiều nhập nhoạng trên khu nhà trọ âm u, trầm tịch chẳng bóng người.
***
Một ngày như thường lệ, Khiêm rong ruổi xe đi để tìm thêm nguồn phế liệu, khi chiếc xe của Khiêm đến ngã ba giao lộ một con đường vắng thì bất chợt một chiếc xe máy phân khối lớn chạy lướt qua đầu xe anh với tốc độ cao, ngoài sau là tiếng kêu yếu ớt của một người lớn tuổi “Cướp, cướp!”
Khiêm dừng xe lại, ngoái nhìn ra phía sau lưng thì thấy một cụ bà bán vé số, với vài tờ vé số còn vương vãi trên đường, một tay chống gậy, mắt lò dò nhìn xuống, Khiêm quay xe lại, chạy đến gần bà cụ thì nhận ra hình như bà cụ bị mù với đôi mắt trắng đục khi nhìn về phía trước.
– Bà bị giật đồ à?
– Vé số, bà bị nó giật hết vé số rồi.
Khiêm khẽ bật tiếng thở dài, không ngờ trên đời lại có những kẻ bất lương, sức dài vai rộng lại đi giật vé số của bà cụ bị mù, thất đức đến vậy là cùng!
– Tầm bao nhiêu tờ vậy bà? – Khiêm khẽ hỏi.
– Chắc khoảng năm chục tờ cậu ơi!
Bà cụ lấy tay quẹt quẹt cặp mắt, cặp mắt bà nheo nheo nhưng không nhìn thấy được gì, cũng không thể khóc nhưng Khiêm cảm nhận bà cụ đang hoảng loạn và hụt hẫng. Khiêm cúi xuống gom mấy tờ vé số bị rơi dưới đất đưa cho bà cụ, rồi anh lục trong túi áo mấy tờ tiền nhét vào tay bà:
– Này, cháu biếu bà, bà bỏ vào túi giữ kỹ, kẻo bọn lưu manh nó lại giật mất.
– Cảm ơn cậu! Tôi đã mù lòa bán vé số mà sao còn đi cướp giật của tôi, sao mà khổ quá!
Khiêm im lặng khi nghe những lời run run từ bà cụ. Lòng anh chùng xuống khi nghĩ ngày mai, ngày mai nữa, nếu bà cụ vẫn đi bán ở đoạn đường này và gặp cái bọn bất lương đó quay lại thì bà cụ sẽ ra sao?
– Bà này, bà không thấy đường, sao bà không tìm một chỗ nào đó đông người ngồi bán, bà đi như này vừa nguy hiểm, vừa dễ bị bọn lưu manh nó cướp thì khổ.
– Bà cũng muốn ngồi bán nhưng không biết ngồi đâu cậu ạ!
– Nhà bà gần đây không?
– Cách đây cũng vài cây số cậu ạ!
– Thôi thế này, để mai cháu chạy xe ra khu chợ, tìm chỗ nào đó cho bà ngồi bán tạm nhé!
– Dạ nếu được vậy thì bà cảm ơn cậu, bà mù nên không biết hỏi ai, nhờ cậu giúp!
– Dạ vâng! Thôi bà lên xe, cháu chở về, sẵn biết nhà bà luôn nhé!
– Dạ vâng, cảm ơn cậu nhé! Nhà bà ở gần cầu Chợ, qua đấy, có con hẻm 350, cậu quẹo vào đấy, đi vài căn, nhà bà ở cạnh tiệm tạp hóa Dung, hỏi nhà bà Thạch bán vé số là người ta chỉ.
– Dạ, vậy bà lên xe đi, cháu chở về.
Buổi chiều hôm ấy, Khiêm khất lại một vài chuyến hàng để đưa bà cụ về nhà rồi tiếp tục đánh xe đến chỗ hẹn để thu mua phế liệu. Khiêm kết thúc những chuyến hàng khi trời vừa tắt nắng, những con đường đã lên đèn và miền ngoại ô trở nên vắng lặng.
Đêm hôm đó, Khiêm trằn trọc không ngủ được, nhìn Loan đã ngủ say, Khiêm im lặng, mắt vẫn nhìn đăm đăm lên trần nhà, gần hai giờ sáng, Khiêm lay tay vợ dậy:
– Loan này!
Loan mở mắt, gương mặt dường như vẫn chưa tỉnh hẳn.
– Gì thế anh?
– Anh có chuyện này muốn nói!
– Chuyện gì thế anh?
– Cái bọc nữ trang ấy!
– Ừ, thì làm sao?
– Anh nghĩ lại rồi, mình mang lên đồn công an tìm người trả lại em ạ!
– Sao thế?
Lúc này, dường như Loan đã trở nên tỉnh táo, cô quay sang chồng, chăm chú lắng nghe.
– Cứ trả đi, biết đâu của ai đó để dành, cũng cả đời chắt mót.
– Em nhớ hình như món đấy em mua trong nhà một bà cụ, cũng khá già. Chắc lẩm cẩm nên quên.
– Ừ, già hay không cũng mang trả lại, không phải của mình thì trả lại cho nhẹ lòng.
– Ừ, thế mai em mang lại nhà bà ấy. Nếu đúng của bà cụ bỏ quên thì trả lại, còn không thì em mang lên đồn nhờ công an tìm giúp. Em mua nhiều chỗ quá, giờ cũng không nhớ rõ chỗ nào.
– Ừ! Thế nhé!
Kết thúc những lời trao đổi giữa khuya, Khiêm choàng tay xuống cổ Loan rồi ôm cô vào lòng, dường như lúc này, Khiêm mới có cảm giác nhẹ nhõm để bước vào giấc ngủ sau khi giải tỏa được cảm giác phân vân, những đấu tranh tâm lý về mớ nữ trang mà vợ chồng anh vô tình có được.
Sáng hôm sau, Loan dậy sớm, chiếc xe vẫn đầy những bao cỡ lớn để bắt đầu cho chuyến thu mua ve chai phế liệu, nhưng hôm nay, Loan sẽ ghé nhà bà cụ mà Loan nhớ mài mại là mình đã mua cái hộp nhựa lẫn trong đống đồ cũ ở nhà bà lão. Loan hy vọng mình nhớ không nhầm để tài sản thất lạc được trả về đúng chỗ. May thay, Loan cũng đã nhớ đúng người và cái bọc nữ trang cũng đã về được với người chủ cũ trong sự mừng rỡ của người đàn bà nơi ngôi nhà cấp bốn. Loan nhận ra đó là một ngôi nhà khá cũ, bà lão cũng chỉ có một mình, bà có một đứa con nhưng nó làm ăn xa, cả năm mới về nhà một lần, mỗi lần về, nó lại cho bà ít tiền, nhưng bà chẳng xài, cứ dành dụm để đó, khi nào kha khá, bà lại mua ít nữ trang để sau này tặng lại cho con. Nghe những lời đó, Loan bỗng giật mình, cô nghĩ, nếu vợ chồng cô không đấu tranh tư tưởng giữa bờ vực của lòng tốt và lòng tham, thì có lẽ, vợ chồng cô đã lấy đi cả một gia tài của bà cụ ấy, nếu không tìm lại được cái bọc nữ trang, không biết bà sẽ ra sao?!
Loan chia tay bà cụ ra về trong lời cảm ơn rối rít và đầy xúc động, bà lấy ra một ít tiền trong chiếc túi dạ của người già đưa cho Loan để cảm ơn cô nhưng cô không nhận. Chiếc xe của Loan rời đi, tiếp tục cuộc hành trình thu mua ve chai phế liệu, mắt cô bỗng thấy cay cay, chiếc xe đạp vẫn đi trên con đường đôi lúc gồ ghề khúc khuỷu nhưng hôm nay, Loan thấy nó nhẹ hơn mọi ngày khi lòng cô dâng lên một niềm vui khó tả, một niềm vui của người vượt qua được cửa ải của lòng tham để giữ cho mình một lương tâm trong sạch.
***
Vài ngày sau đó, vợ chồng Khiêm nhận được cuộc điện thoại từ cơ quan chức năng, họ hỏi thăm địa chỉ để tìm đến nhà sau khi được bà cụ đến đồn công an thông báo có cô mua ve chai nhặt được của rơi và đem trả lại. Thế là vợ chồng Khiêm được trao tặng một tấm bằng khen cùng một ít hiện kim. Trước ngày về quê, một anh cảnh sát khu vực đến nhà gặp vợ chồng Khiêm, sau khi thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, người cảnh sát đưa cho Khiêm một phong bì, kèm lời nhắn gửi:
– Nghe nói anh chị sắp về quê đúng không?
– Dạ vâng, vài hôm nữa bọn em về anh ạ! – Khiêm lễ phép trả lời người cảnh sát.
– Vâng, em có vận động được ít tiền, gửi tặng anh chị về quê ăn tết nhé! Hoàn cảnh khó khăn mà làm việc tốt là đáng khích lệ lắm đấy!
– Dạ vâng, em cảm ơn anh!
– Ừ! Thế em chúc anh chị thượng lộ bình an nhé!
– Dạ vâng, chúng em cũng chúc anh công tác tốt nhé!
– Vâng, cảm ơn anh chị! Thôi em xin phép về nhé!
Câu chuyện kết thúc khi người cảnh sát trẻ rời đi, hai vợ chồng Khiêm lặng lẽ nhìn nhau trong ánh mắt long lanh, chứa đựng niềm vui và xúc động. Năm nay dẫu tiền nong không khấm khá, nhưng tấm bằng khen mà đôi vợ chồng trẻ mang về quê nhà cho ông bà cụ chính là món quà to lớn nhất, món quà của sự tốt bụng và của tình người thấm đậm thiện lương!
Võ Đào Phương Trâm
Bài viết liên quan: