Nhân dịp xuân Ất Tỵ cận kề, chúng ta trò chuyện cùng nhà thơ, nhà báo Trần Thị Nương, một cây bút đầy nội lực và đam mê. Ngoài những bài thơ tình, thơ thế sự ghi dấu ấn sâu sắc, bà từng “lập ngôn” với những câu nói về thói ảo tưởng của con người: “Hãy cảnh giác, lắm khi mình tự lừa mình”, về chuyện tiếp đãi bạn: “bạn ăn thì còn, mình ăn thì hết”…
Trong không khí rộn ràng của năm mới, bà chia sẻ những suy tư về năm tuổi, những dự án sắp tới, và những kỷ niệm trong hành trình sáng tác.
Qua những câu chuyện ấm áp và sâu lắng, hình ảnh người tuổi Tỵ – kín đáo, bình tĩnh nhưng đầy nghị lực – hiện lên thật sống động và chân thật. Hãy cùng khám phá câu chuyện của một người phụ nữ không ngừng cống hiến và yêu tha thiết cuộc đời.
Năm 2025 là năm tuổi của bà, điều này có ý nghĩa gì đặc biệt với cuộc sống và sự nghiệp sáng tác của bà? Bà có dự định hoặc dự án nào nổi bật để ghi dấu ấn trong năm này không?
-Tôi lại cho rằng, năm mới nào đến cũng đều là năm mình hân hoan được thêm một tuổi. Cứ có một ngày sống vui, sống hạnh phúc và được làm điều lương thiện là có ích rồi. Còn cụm từ “năm tuổi” chỉ nhắc tôi một điều mình đã nhiều xuân rồi, nên đi lại cần thận trọng…
Năm tới là năm của một thời kỳ đổi mới (thời kỳ cách mạng số) của đất nước. Trong dòng chảy ấy, mình sẽ để tâm viết được điều gì mới thì càng quý. Bởi ai đó đã từng nói: “nhà văn là thư ký của thời đại mà…”
–Người tuổi Tỵ thường được mô tả là kín đáo, bình tĩnh, bảo thủ và bí ẩn. Bà có thấy những đặc điểm này phản ánh trong phong cách sống hoặc sáng tác của mình không?
-Tôi thiết nghĩ: là một người sáng tác, người làm báo tâm huyết trong gần một đời người, vậy nên, trong cuộc sống đa chiều, đa sắc màu và vô cùng phong phú này, thì việc nạp năng lượng, nạp kiến thức (có chọn lọc) vẫn chưa bao giờ là đủ. Mà có lẽ điều quan trọng nhất là chữ nhẫn mới là chiếc chìa khóa vạn năng để mình dùng nó suốt đời. Còn sự kín đáo (ẩn giấu nỗi niềm) chưa đủ điều kiện bày tỏ hoặc chưa tìm đúng đối tác dãi bày, hoặc cảm xúc chưa chín thì cũng cần kín đáo, chuẩn mực… phải chăng sự kín đáo, sự dịu dàng ở một người phụ nữ tri thức càng quý?
Trong mọi thời đại, trong mọi hoàn cảnh, là phụ nữ, cầm tinh con rắn, hay con hổ, hay con ngựa … dù có cầm tinh con nào chăng nữa thì cũng cần phải có duyên, có sự khiêm tốn, biết yêu, biết lẽ phải, biết trân trọng chính mình là điều đáng tự hào đấy chứ?. Còn chỉ biết “Nhẫn” biết “kín đáo” không thôi là chưa đủ. Yếu tố thông minh và nghị lực quyết tâm, bền chí để hoàn thành một việc hoặc sự nghiệp của cả đời mình là rất cần đến chữ “nhẫn. Còn “Bảo thủ” thì sợ lắm, bảo thủ là “cùn” đấy. Qua câu hỏi này, tôi mới sực nhớ ra tác phẩm thơ “Cùn” của mình:
Dao cùn đào dế nướng thơm / Chổi cùn quét tạm rạ, rơm cho người
Cuốc cùn cạo vết rêu chơi / Lời cùn… tiếc cả một đời có nhau…
Vậy là: tính “Bảo thủ” có lẽ nó hay “rong chơi” hay “đeo bám” trong tuổi con khác cũng nên, chẳng hạn như tuổi: “chúa sơn lâm” thì… “con nào cũng bé nhỏ hơn mình…”
Ngược lại có khi, có lúc bảo thủ mà sắc sảo, bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái lợi cho số đông thì còn chấp nhận được.
Tuổi Tỵ này mình tránh xa chữ “bảo thủ” tránh xa “sự cùn” nhé các bạn yêu quý à.

– “Hẹn với Hoa hồng” là tập thơ thứ 17 của bà. Bà có thể chia sẻ thêm về thông điệp chính của tập thơ này và làm thế nào nó thể hiện sự trưởng thành trong phong cách sáng tác của bà qua các tác phẩm trước đây?
-Các tập thơ của tôi nói chung, và “Hoa Hồng” nói riêng, dù viết ở các thời kỳ khác nhau, nhưng xuyên suốt các tác phẩm tôi đã gửi gắm tình yêu, tình người, tình đời, tình quê hương đất nước… còn “Hẹn với hoa hồng” qua những bước ngoặt của đời người, sự từng trải, cách nhìn, cách tư duy thế sự có thể sâu sắc hơn, đa chiều hơn, tinh tế hơn…
Còn giữ được phong cách trong sáng tác thì phong cách thơ nó chọn người, hay người chọn phong cách đều đáng quý (điều này chỉ có trời mới hiểu)…
Nhưng có lẽ, người cầm bút luôn có tâm, có tầm… luôn nung nấu tình yêu bền chặt với cuộc đời, luôn âm thầm đốt cháy, nuôi dưỡng ngọn lửa NIỀM TIN và lòng biết ơn cuộc sống đã nuôi dưỡng nên mình, đồng thời mình luôn hướng thiện thì sẽ có phong cách thơ. Còn nếu không chịu đọc, để tự loại ra hoặc tránh xa những câu thơ, những bài thơ vội vàng, nhạt nhẽo (thơ rỗng) thì thật đáng tiếc.
–Bà đã đoạt 14 giải thưởng văn học ở cả Trung ương và địa phương. Theo bà, điều gì tạo nên giá trị nổi bật và sự công nhận dành cho các tác phẩm của mình?
-Có lẽ đó chính là mạch đập của tình yêu cuộc sống, niềm tin yêu và khát vọng của tôi vào cuộc sống nhất là sau những năm tháng đầy thăng trầm, đầy biến động đã tạo nên phong cách, giá trị của thơ tôi.
–Là hội viên của nhiều tổ chức văn học và nghệ thuật lớn, bà đã làm thế nào để kết hợp yếu tố quốc tế trong tác phẩm của mình mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam?
–Câu hỏi rất hay, rất đáng trân trọng, nhưng nó quá lớn so với tầm vóc của một nhà thơ, nhà báo, nhà giáo đang vào tuổi “sang chiều” như tôi. Nhưng không sao, tôi cũng rất thích câu hỏi hóm hỉnh này mà.
Thơ là tiếng nói của tâm hồn, qua lăng kính tinh tế của người cầm bút. Sự nhạy cảm, linh cảm, nhờ những cảm xúc đặc biệt mà chưng cất thành thơ. Yêu cái thiện, cái nhân văn, ghét cái giả tạo, cái gian ác, khát khao điều tốt đẹp mà đích đến của nó là tình yêu hòa bình… Thế giới sẽ luôn ở trong trái tim ta. Thơ ca của Trần Thị Nương không ngoài mạch chảy ấy.
– Những chủ đề nào thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của bà? Tại sao những chủ đề này lại mang ý nghĩa quan trọng đối với bà và hành trình sáng tác của mình?
–Tôi không phân định chủ đề trong sáng tác văn học, nhưng qua mỗi một thời kỳ đổi mới của quê hương, của đất nước… thơ tôi vẫn âm thầm lặng lẽ bám vào dòng chảy của cuộc sống đương đại…

Tác giả Trần Thị Nương sinh năm 1953 tại Hạ Hòa, Phú Thọ làm thơ từ thời còn là một nữ sinh. Đến nay, qua hơn nửa thế kỷ cầm bút, bà là một trong những nữ sĩ nổi tiếng trên văn đàn, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. “Hẹn với Hoa hồng” là tập thơ thứ 17 của bà. Bà cũng đã đoạt 14 giải thưởng văn học Trung ương và địa phương.
Bài viết liên quan: