Hoa sữa – Truyện ngắn của Trần Thế Tuyển

Đại đội trưởng 25 tuổi, người ông Năm vạm vỡ như cây lim trong chiến khu Tây Bắc. Chỉ có nụ cười vẫn thế. Nụ cười của chàng nông dân xứ “ông đồ” trốn nhà theo Vệ quốc đoàn với củ khoai lang luộc và bình nước chè xanh. Chính vì thế, ông Năm lọt vào mắt xanh của các thiếu nữ Hà Thành. Hình ảnh anh Vệ quốc quân mũ nguỵ trang, ba lô bạc đà đeo lủng lẳng chiếc bát ăn cơm tráng men hàng viện trợ của Trung Quốc là thần tượng của những kiều nữ Hà Thành

Nhà văn Trần Thế Tuyển

Dường như biết mình sắp ra đi, ông Năm cho mời bà Năm tới. Giọng ông khê rè như phát ra từ băng ghi âm cũ kỹ:

– Có thể bà đã biết. Nhưng tôi không thể không nói với bà, nhất là lúc này…

Bà Năm nắm chặt bàn tay khô gầy của chồng – người đàn ông đã gắn bó với bà hơn 60 năm nay:

– Ông nói đi. Tôi chờ ông nói gần nửa thế kỷ nay rồi. Bây giờ đã đến lúc không thể không nói…

Giọng ông Năm như chiếc máy

ghi âm được thay pin mới:

– Vậy bà cho gọi các con về hết nhé?

HAI

Đó là mùa thu năm 1954. Từ mặt trận Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Năm được giao vào tiếp quản Thủ đô. Đại đội trưởng 25 tuổi, người ông Năm vạm vỡ như cây lim trong chiến khu Tây Bắc. Chỉ có nụ cười vẫn thế. Nụ cười của chàng nông dân xứ “ông đồ” trốn nhà theo Vệ quốc đoàn với củ khoai lang luộc và bình nước chè xanh. Chính vì thế, ông Năm lọt vào mắt xanh của các thiếu nữ Hà Thành. Hình ảnh anh Vệ quốc quân mũ nguỵ trang, ba lô bạc đà đeo lủng lẳng chiếc bát ăn cơm tráng men hàng viện trợ của Trung Quốc là thần tượng của những kiều nữ Hà Thành. Lúc ấy bà Hoa vừa hết tuổi trăng tròn. Trời phú cho bà – cô thiếu nữ phố cổ Hàn Thuyên dáng “con ong “ và sở hữu nụ cười toả nắng. Cô thiếu nữ ấy gặp ông Năm lần đầu trong một cuộc giao lưu giữa lính Cụ Hồ và chị em phụ nữ Thủ đô. Nói đúng, cô thiếu nữ ấy đã phải lòng anh Vệ quốc quân có dáng người như cây lim trong rừng thiêng Tây Bắc. Và, nàng không thể không siêu lòng khi nghe chàng đại đội trưởng ấy kể lại chuyện đào hào bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ. Những trận đánh giáp lá cà với bọn Tây đen như con trâu rừng hung dữ. Cô nữ sinh Hà Thành đã thầm yêu trộm nhớ chàng đại đội trưởng từ lúc nào không hay biết. Rồi cái gì đến đã đến. Một ngày nọ họ hẹn hò bên cầu Thê Húc – cây cầu gắn liền với truyền thuyết về vị vua lừng danh, sau khi dẹp tan giặc trở về gửi lại bảo kiếm cho thần Kim Quy.

Bà Hoa không bao giờ quên ánh mắt và nụ cười “hiền khô” của chàng Vệ quốc quân năm ấy. Nhưng khi cô nữ sinh Hà Thành chủ động tỏ tình thì như có gáo nước lạnh đổ trên đầu nàng:

– Anh cũng rất yêu em. Nhưng trước khi anh tòng quân, bố mẹ đã cưới vợ cho anh.

Chàng đại đội trưởng thật lòng không những làm cô nữ sinh vơi đi yêu thương mà càng làm cô da diết thương nhớ. Cô tự biện rằng, bố mẹ cưới vợ cho chàng thì chàng đâu có hạnh phúc? đó là sự bắt buộc, khiên cưỡng (?!). Chàng đại đội trưởng Vệ quốc vừa tiếp quản Thủ đô thấm nhuần lời dạy của cấp chỉ huy” tránh xa những viên đạn bọc đường” nên kiên quyết không đón nhận mối tình mà chàng cho đó là vi phạm đạo đức. Nhưng đó mới là tình yêu đích thực:

– Anh xin lỗi em. Dù thế, anh không thể thiếu trách nhiệm với cô ấy. Những năm anh đi đánh giặc, cô ấy đã thay anh chăm sóc bố mẹ già của anh. Và, điều này nữa, cô ấy đã sinh cho anh đứa con trai…

Cô nữ sinh Hà Thành vừa qua tuổi trăng tròn như có sét đánh. Cô gục vào ngực chàng Vệ quốc quân. Ngực áo chàng đẫm đầy nước mắt.

Chuyện tưởng sẽ nhẹ nhàng trôi đi khi cả hai người ý thức được việc hệ trọng, điều cấm kỵ. Nhưng tạo hoá đã ban cho loài người bên cạnh sự hạnh phúc là điều đau khổ. Trước khi đơn vị của chàng đại đội trưởng chuyển khỏi Thủ đô, họ có cuộc chia tay lâm ly nước mắt. Và, đêm ấy cái gì đến lại đến. Cô nữ sinh Hà Thành đã trao tặng đời con gái cho chàng Vệ quốc quân có dáng người như cây lim trong rừng Tây Bắc.

BA

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết. Theo đó, Việt Nam tạm thời chia thành hai miền. Lấy vĩ tuyến 17 làm mốc phân định. Quân của ai về nơi đó. Chờ hai năm sau Tổng tuyển cử. Tạm biệt Thủ đô, đơn vị ông Năm được điều về vùng thâm sơn cùng cốc đầu dãy Trường Sơn để huấn luyện, sẵn sàng cho nhiệm vụ mới. Ông Năm được chọn sang nước bạn đào tạo cơ bản để phục vụ quân đội lâu dài. Trước khi đi học xa, ông Năm được nghỉ phép vài ngày thăm gia đình. Gặp lại bà Năm, vợ ông với đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh giống ông như đúc mà lòng ông nặng trĩu. Nặng trĩu phần vì ông ân hận có lỗi với bà Năm – cô thôn nữ xứ Quỳnh mới hơn 20 tuổi mà bố mẹ đã hỏi cưới cho ông trước ngày trốn theo Việt Minh. Phần vì nhớ đến cô nữ sinh Hà Thành, mối tình như mơ mà ông không thể nào cưỡng nổi.

Hết phép, ông Năm về đơn vị rồi lên Hà Nội tập trung đi tàu liên vận sang Trung Quốc. Đêm trước rời Thủ đô, ông gặp lại Hoa, người con gái Hà Thành đã trao cho ông tình yêu nồng cháy.

Bên cầu Thê Húc, gió heo may làm hai người không thể rời nhau. Hoa thì thầm bên tai ông:

– Em báo tin này không biết anh vui hay buồn.

Giọng chàng đại đội trưởng có thân hình như gỗ lim không giấu được thảng thốt:

– Em nói đi. Tin gì?

Giọng Hoa nhẹ như tiếng gió lao xao sóng Hồ Gươm:

Em có thai rồi…

Khác với sự hốt hoảng của những chàng trai giăng hoa, ông Năm bình tĩnh đáp:

– Có thai thì đẻ thôi em…Ngừng một lúc, ông nói tiếp: – Quê anh, trai hai vợ đầy. Anh sẽ sống suốt đời với mẹ con em…

Giọng Hoa vừa mừng vừa tủi:

– Tội cho chị ấy – vợ anh đấy.

Ông Năm nghe rõ tiếng gió hú trên vòm cây. Vẫn giọng của Hoa:

– Anh là người đàn ông của chiến trận. Quân đội đang tin tưởng. Anh không thể vì em mà đứt gánh giữa đàng. Để em tính…

Đến bây giờ thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, ông Năm cũng không hiểu nổi, lúc ấy bà Hoa chưa tới 20 tuổi mà suy nghĩ chín chắn, già giặn đến thế.

Ông Năm ôm siết người yêu. Mùi tóc bà thoảng lan hương hoa sữa. Ông Năm chưa kịp bày tỏ cảm xúc, Hoa thỏ thẻ:

– Em yêu anh, tự nguyện đến với anh. Em chịu tất cả. Em chỉ ước nguyện đối với anh mọi việc hanh thông.

Tranh của họa sĩ Trần Lệ Thủy

BỐN

Sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo 3 năm Học viện quân sự mang tên Hoàng Phố, ông Năm trở về nước. Do thành tích chiến đấu và học tập, ông được điều thẳng vào Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ của ông thật đặc biệt: Chuẩn bị cho chiến trường B.

Tạm thời ổn định công việc mới, ông Năm “móc nối “liên lạc với người yêu. Một người quen cũ cho biết, ít ngày sau khi ông lên đường ra nước ngoài học tập, Hoa đã lấy chồng. Chồng cô cũng là chiến sĩ Điện Biên nay giải ngũ về công tác tại một nhà máy trong thành phố. Tin đến như sét đánh. Hoa thực sự là một người con gái đặc biệt của Hà Thành. Hoa nói là làm. “Em tự nguyện yêu anh. Em chịu tất cả. Không để anh đứt gánh giữa đàng. Để em tính…”

Vậy là Hoa đã tính theo cách của mình. Cách mà không phải cô gái nào ở độ tuổi của cô cũng nghĩ được và làm được.

NĂM

Sáu năm sau, cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt. Địch dùng không quân mở rộng chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương càng quyết tâm phải giải phóng cho được Miền Nam, thu giang san về một dải.

Ông Năm đã là sĩ quan cấp tá. Ông được lệnh cùng đoàn công tác đặc biệt bí mật vượt Trường Sơn vào Nam Bộ. Trước khi đi chiến trường xa, ông được về phép tranh thủ vài ngày. Trước hết ông về xứ Quỳnh thăm bố mẹ, vợ con và dự định lên Hà Nội sẽ gặp người yêu cũ.

Về quê, giống như lần trước, lòng ông nặng trĩu. Năm tháng qua đi, bố mẹ ông già yếu nhiều. Bà Năm – vợ ông tần tảo với phận làm dâu có chồng xa nhà đi kháng chiến. Đáng nói, bà đã đẻ thêm cho ông một đứa con. Bé gái xinh, kết quả của lần về phép trước khi ông ra nước ngoài học tập. Khác với Hoa, cô nữ sinh Hà Thành, bà Năm đúng chất là gái quê tần tảo, chân chất hạt bột. Bà không phải là người tình tri âm của ông. Chỉ là người vợ bộ đội thuỷ chung, hết lòng vì chồng, vì con, vì bổn phận.

Đêm trước rời xa quê hương vào chiến trường, nằm bên vợ, giọng ông Năm rụt rè như người có lỗi:

– Đợt này, tôi đi xa không biết bao giờ trở về. Mẹ nó cố gắng nhé.

Giọng bà Năm:

– Tôi quen rồi từ khi về làm dâu nhà này. Ông cứ an tâm đi chiến đấu. Mọi việc để tôi lo.

Ông Năm cảm động ôm siết vợ. Tóc bà đầy mùi nắng gió …

SÁU

Tàu rời ga. Tiếng bánh xích trên đường ray như tiếng cưa cưa nát trái tim ông. Ông Năm nhoài người khỏi ô cửa hưởng làn gió heo may hun hút kỷ niệm. Đầu óc ông quay như bánh con tàu. Ông tự hỏi, mình sống thế này đã đúng chưa? Từ ngày tình nguyện gia nhập bộ đội Cụ Hồ, ông Năm luôn ghép mình vào kỷ luật. Đến cả mạng sống ông chẳng tiếc. Trước khi đánh cứ điểm Điện Biên Phủ, ông thoát chết mấy lần trong chiến dịch Biên giới, đánh cứ điểm Đông Khê. Thế mà ông không bao giờ sợ chết. Mỗi lần ra trận, bao giờ ông cũng xác định: Bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ và khi cần hy sinh sẵn sàng như một nhân vật trong phim đã nói “coi cái chết nhẹ như lông hồng”. Vậy mà chuyện của trái tim, chính ông không hiểu nổi mình. Cái đầu ý chí như sắt đá mà trái tim sao lại mong manh dễ vỡ đến thế?

Tàu chạy đến ga Hàng Cỏ ông Năm vẫn chưa dứt khỏi nỗi ám ảnh ấy. Vậy mình là ai? Đúng hay sai?

Dẫu dằn vặt thế, ông Năm vẫn không bỏ ý định phải gặp bà Hoa. Từ ngày đi học về, phần cuốn hút công việc trọng yếu ở Tổng hành dinh, phần sợ gặp lại bà Hoa, ông không cưỡng nổi lòng mình nên ông cố tình né.

Lần đi xa không hẹn ngày về này, ông phải gặp Hoa xem nàng sống ra sao và đặc biệt có đúng như Hoa nói bà đã tặng ông đứa con.

Cầu Thê Húc điểm hẹn cũ. Ông Năm mặc quân phục sĩ quan mùa đông. Chiếc mũ lông cừu mang từ Trung Quốc về phủ kín tai. Đợi mãi, ông thấy có thiếu phụ trang phục mùa đông kín người dắt đứa trẻ chừng trên 5 tuổi tới.

Đã bao năm xa cách, giọng Hoa – cô nữ sinh Hà Thành vẫn trong veo, nhẹ nhàng như cánh lá khô trước gió:

– Anh đợi em đã lâu chưa?

Ông Năm sững sờ định bụng chạy lên ôm Hoa và đứa bé. Nhưng có cái gì đó ngăn ông lại.

Giọng ông Năm:

– Anh ra nãy giờ. Rồi ông buột miệng hỏi: – Cháu bé này…?

Không đợi ông nói hết câu, Hoa nói:

– Con trai của anh đấy. Rôi bà dắt tay đứa bé trao cho ông:- Con lại chào bố đi con.

Bé trai dường như quá nhỏ bé để cảm nhận phút giây trùng phùng hy hữu này. Nó buông tay ông Năm chạy lại, ôm chân mẹ.

– Em đặt tên con là Sữa – Hoa Sữa.

Ông Năm quá bất ngờ. Mặt ông như ăn phải trái lạ. Từng giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng của chàng đại đội trưởng mang dáng hình cây lim rừng Tây Bắc. Không biết ông khóc vì hạnh phúc hay khổ đau, ân hận?

Đúng tính cách của mình, bà Hoa bình tĩnh hơn bao giờ hết. Bà kể cho ông Năm nghe quãng đời chuân chuyên khi xa ông. Vì danh dự và sự nghiệp của ông, bà chấp nhận làm vợ của một thương binh. Trước khi cưới bà, anh thương binh ấy đã nói do vết thương chiến tranh, sức khoẻ anh không bình thường như những người đàn ông khác. Bà Hoa chấp nhận. Đám cưới của họ giản dị như bất cứ đám cưới thời chiến lúc bấy giờ.

Quả như người chồng thương binh nói, ngay đêm tân hôn bà Hoa đã cảm nhận được sự bất lực của chồng. Và cũng vì lẽ đó, bà không ngại chia sẻ cùng ông. Bà đang mang trong bụng đứa con của một người lính Điện Biên. Cha của bé đang ở chiến trường xa.

Người thương binh đau khổ. Và không chỉ thế, bà Hoa cũng dằn vặt đau khổ. Bà tự trách mình sao lại nói sự thật phũ phàng ấy?

Khi cơm chưa lành, canh chưa ngọt thì tai hoạ tiếp tục đổ xuống đầu bà. Một chiều đi làm về, đợi cơm chồng hồi lâu, bà được người ta báo tin chồng bà đã chết trong một tai nạn lao động. Chiếc máy cưa bung xích. Chồng bà và một công nhân nữa tử nạn. Bà Hoa gục ngã. Bà khóc như chưa bao giờ được khóc vì thương chồng, một thương binh xấu số. Vì trách mình đã nói ra sự thật phũ phàng…

Nghe xong câu chuyện, ông Năm đứng như trời trồng. Chỉ có tiếng gió heo may hú từng cơn như tiếng thú hoang trúng đạn.

BẢY

Sau 6 tháng hành quân vừa đi vừa mở đường, đoàn công tác đặc biệt mang tên Phương Đông của ông Năm đã vào tới chiến trường Nam Bộ.

Tình thế rất khẩn trương, ông Năm được giao chủ trì soạn thảo kế hoạch thành lập 2 Sư đoàn bộ đội chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam.

Những năm sau, địch liên tiếp mở chiến dịch hòng tiêu diệt lực lượng non trẻ của ta. Các đơn vị trực tiếp chiến đấu tổn thất nhiều. Từ cơ quan Bộ Chỉ huy Miền, ông Năm được điều xuống làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn chủ công của Sư đoàn C.

Kinh nghiệm đánh địch từ thời chống Pháp, lại được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, xuống đơn vị, có đất dụng võ, ông Năm luôn chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những trận đánh nổi danh trên chiến trường Nam Bộ gắn với tên tuổi ông lan toả trên báo đài. Một lần ghé ngang toà soạn báo QĐND cạnh vườn hoa Hàng Đậu (Hà Nội) bà Hoa nhận ra cha của Hoa Sữa. Hình trên báo, ông Năm khác xưa nhiều. Gày và đen. Chỉ có ánh mắt sáng và nụ cười “hiền khô” vẫn thế. Bà Hoa mua tờ báo có hình ảnh ông Năm về nhà. Bà chỉ cho Hoa Sữa (đã trên 10 tuổi) biết bố đang là chiến sĩ Quân giải phóng Miền Nam.

Đầu năm 1975, chớp thời cơ cấp trên tổ chức Cuộc Tổng tiến công và nổi đậy Mùa Xuân.

Ông Năm là Tư lệnh Sư đoàn được giao tiến công cánh cửa thép của địch ở mặt trận phía Đông Sài Gòn.

Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, địch tập trung các đơn vị tinh nhuệ còn lại tử thủ. Chúng dùng cả loại bom sinh học tiêu hao lực lượng ta. Đơn vị của ông Năm kiên cường chiến đấu. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ ta đã ngã xuống trước ngày toàn thắng.

TÁM

Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, ông Năm về quê đưa bà Năm và các con vào Sài Gòn. Quân đội cấp cho gia đình ông căn nhà trong khu gia binh của chế độ cũ. Khi cuộc chiến biên giới Tây Nam nổ ra, ông Năm được điều sang giúp bạn giải phóng đất nước thoát khỏi hoạ diệt chủng. Năm 1979, cuộc chiến biên giới phía Bắc bùng nổ, ông được điều ra làm Tư lệnh Quân đoàn số 1 chống trả quân xâm lược phương Bắc.

Một lần, về họp tại Bộ Tổng Tham mưu, ông Năm gặp bà Hoa và đứa con trai “trầm tích” mang tên một loài hoa đặc sản của Hà Thành. Đứa con trai lớn lên giống ông như đúc, thân hình vạm vỡ như cây lim giữa rừng Tây Bắc năm nào. Sau những cú xốc cuộc đời, dù có nhiều người để ý, bà Hoa vẫn ở vậy, nuôi con. Bà phấn đấu, học tập và trở thành một cán bộ chủ chốt của cơ quan Thành uỷ Hà Nội.

Như để chia sẻ với bà, ông Năm đề nghị đưa Hoa Sữa vào Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng Hoa Sữa có thể tự lập trên đôi chân của mình.

Hoa Sữa vào Sài Gòn, ông Năm ủng hộ con trai lập công ty kinh doanh mang tên Hoa Sữa. Hoa là tên mẹ. Sữa là tên con. Công ty của con trai phần lớn tập hợp con cháu những cựu chiến binh cùng thời với ông Năm. Một ngày đẹp trời, ông Năm dẫn Hoa Sữa về giới thiệu với bà Năm. Ông nói, đây là đứa con của một đồng đội đã cùng ông đánh trận Điên Biên.

Ông đề nghị bà Năm nhận làm con nuôi.

Như biết rõ đầu đuôi câu chuyện, nghe xong bà Năm chỉ tủm tỉm cười. Hồi lâu, bà nói với:

– Ba các con đã giới thiệu. Các con cứ theo ngôi thứ mà xưng hô. Anh em trong nhà phải thương yêu, đùm bọc nhau mà sống.

Nghe bà Năm dặn các con thế, ông Năm không kìm lòng được. Đôi mắt vị tướng trận ngấn lệ. Ông cười mà như khóc.

CHÍN

Dù bà Năm và các con có mặt đông đủ, ông Năm không có cơ hội nói điều hệ trọng mà ông giấu kín trên nửa thế kỷ nay. Đôi chân ông lạnh toát, cứng như khúc gỗ lim. Chỉ có đôi môi mấp máy và đôi mắt ngấn lệ.

Giọng bà Năm:

Thôi ông không phải nói điều gì nữa. Tôi và các con đã hiểu rồi. Ông cứ thanh thản về với tổ tiên và đồng đội của ông. Ngừng một lát bà nói trong nước mắt: Ông đi trước chuẩn bị đón tôi nhé?

Đoạn bà quay sang Hoa Sữa:

– Gia đình Hoa Sữa đến cạnh ba đi con…

TRẦN THẾ TUYỂN

Nguồn: vanvn.vn