Ngày 4/1/2024, tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Duyên: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa – Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên”. Đây cũng là sự kiện hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân của ĐH Mỹ thuật Việt Nam, và Trần Phúc Duyên cũng là người họa sĩ thuộc thế hệ sau cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương, đóng góp công lao rất lớn trong việc mang nền mỹ thuật Việt Nam giới thiệu với công chúng quốc tế.
Trần Phúc Duyên (1923 – 1993) sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình giàu sang và có truyền thống về văn hóa; bố ông là Trần Diễn Giệm được gửi sang Pháp học từ nhỏ, rồi trở về nước mở nhà hàng Pháp và xưởng đồ gỗ nội thất danh tiếng tại Hà Nội. Đến lượt Trần Phúc Duyên, ông chọn học Khoa Sơn mài của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi di cư sang châu Âu, sống ở Pháp một thời gian rồi định cư hẳn ở Thụy Sĩ, Trần Phúc Duyên vẫn trung thành với nghệ thuật sơn mài, cống hiến toàn bộ cuộc đời mình để nghiên cứu và làm mới tranh sơn mài, thông qua việc sử dụng kỹ thuật và chất liệu mới. Ông đã tổ chức tổng cộng 25 triển lãm tranh, trong đó có 23 triển lãm ở nước ngoài, cho thấy sức sáng tạo mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng rộng rãi của Trần Phúc Duyên – một họa sĩ Việt Nam vào nửa cuối của thế kỷ XX; đồng thời mang đến phong cách nghệ thuật mới mẻ kết hợp giữa hội họa phương Đông và phương Tây. Đây cũng là mong muốn của Trần Phúc Duyên, sử dụng các yếu tố phương Tây để thể hiện tâm hồn Việt Nam.
Sau khi qua đời ở Thụy Sĩ, kho tác phẩm đồ sộ của Trần Phúc Duyên rơi vào quên lãng ở lâu đài Jegenstorf, ngoại ô thủ đô Bern. Tình cờ, hai nhà sưu tập Phạm – Lê (Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh) đã phát hiện ra các tác phẩm này qua một người bạn: cô đã đến xem một triển lãm tranh của Trần Phúc Duyên được tổ chức ở Bern, hơn 20 năm sau ngày mất của họa sĩ. Cảm thấy kinh ngạc trước những bức sơn mài rất đẹp, kỳ lạ, thấm đẫm nỗi nhớ nhà của một người con xa xứ, Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh đã mua hai bức tại triển lãm ấy và tìm mọi cách liên hệ với cháu gái của cụ Trần Phúc Duyên là cô Vân, nhằm đưa hơn một trăm bức tranh sơn mài của Trần Phúc Duyên về với quê hương và người yêu nghệ thuật Việt Nam. Hành trình này không hề dễ dàng, cô Vân đã giữ yên lặng suốt 2 năm từ khi hai nhà sưu tập Phạm – Lê liên lạc với cô, không sẵn sàng mở lòng về nỗi đau mất đi người chú thân thiết. Nhưng cuối cùng, Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh đã thành công, tiếp theo đó là 5 năm chuẩn bị để tổ chức triển lãm “Họa Duyên Tương Ngộ” tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2023 nhằm đưa di sản nghệ thuật Trần Phúc Duyên đến với công chúng Việt Nam. Đến năm 2024, hai nhà sưu tập đã biên soạn xong và xuất bản cuốn sách “Duyên: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa” với vai trò chủ biên, cùng các tác giả Quang Việt, Phan Cẩm Thượng và Trần Tường Vân (cháu gái Trần Phúc Duyên).
Theo tác giả Phạm Quốc Đạt, sau khi sang châu Âu, Trần Phúc Duyên không còn làm việc với sơn ta – loại chất liệu sơn dầu truyền thống của Việt Nam – rất khó tìm ở nước ngoài; ông phải nghiên cứu cách đổi mới và sử dụng nhiều chất liệu sẵn có ở phương Tây để tạo ra loại sơn tổng hợp. Thế nên tranh của ông có từ 18 đến 20 lớp; bề mặt tranh phẳng, không gồ ghề như tranh sơn mài thông thường; tuy nhiên, ông vẫn sử dụng kỹ thuật vẽ sơn mài truyền thống của Việt Nam. Sau khi thành công với tranh phong cảnh và con người quê hương Việt Nam, theo trường phái hiện thực; Trần Phúc Duyên tìm đến lối vẽ trừu tượng, ảnh hưởng bởi trường phái New York, lập thể… Đến cuối đời, ông quay lại với chất phương Đông qua thiền họa, đưa thủy mặc lên sơn mài. Tên cuốn sách lần này đã thể hiện các cột mốc nghệ thuật ấy trong đời ông: “Duyên: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa”.
Với tác giả Lê Quang Vinh, tranh Trần Phúc Duyên chạm đến nỗi nhớ quê hương của người xa xứ mà bản thân anh rất hiểu, thêm vào đó là nói về căn tính của dân tộc. Khi biết cố họa sĩ không bao giờ quay trở lại Việt Nam, anh cảm thấy mình có trách nhiệm phải mang Trần Phúc Duyên về quê hương qua các tác phẩm của ông.
Theo diễn giả Bùi Hoàng Anh, Trần Phúc Duyên có một bảng màu rất riêng, đặc biệt là màu vàng được tạo nên từ nhiều lớp, như thể được phủ lên lớp bụi thời gian. Dù thiếu thốn về vật liệu khi sống ở nước ngoài, ông không hề nản chí mà nỗ lực tìm tòi và sáng tạo ra những cách tân tiến để đưa nghệ thuật sơn mài tiếp tục vươn lên, đến được những hình thức thể hiện vô cùng độc đáo.
Cô Mary Schwyer (Thụy Sĩ) đã viết về Trần Phúc Duyên như sau:
“Hàng ngày, khi đi làm về từ ga tàu, tôi thường đi qua Lâu đài Jegenstorf, và lần nào cũng thấy cửa sổ phòng ông Duyên sáng đèn. Tôi thường thấy bóng ông đang làm việc, chậm rãi, chăm chú và cần mẫn.
Nhưng rồi một ngày kia cánh cửa ấy không mở nữa, đèn không sáng nữa… Ông đã ra đi, lặng yên và nhẹ nhàng như chính con người, tính cách của ông, như cách ông đến và sống trong ngôi làng bình yên của chúng tôi trong gần ba mươi năm. Ký ức của tôi về ông là những bức tranh sơn mài rực rỡ ánh vàng trên những cảnh sắc lung linh, huyền ảo như trong mộng. Con người, tình yêu, bầu nhiệt huyết của ông đã được gói ghém trọn vẹn trong những tác phẩm tuyệt vời ấy.”
(Phạm – Lê tổng hợp và ghi, tháng 10/2018)
Nguồn: nhavanvacuocsong.net
Bài viết liên quan: