Đoàn Ngọc Thu và sự lộng lẫy của những nỗi buồn

Thơ của Thu buồn, thật buồn. Đôi khi trĩu xuống, trì níu cả nhịp thở của người đọc. Đôi khi giữ người ta đứng lại và nhìn cái cuộc đời đầy những éo le này mà đặt câu hỏi vì sao.

Tôi dành ra trọn một ngày đêm để đọc hai tập thơ của Đoàn Ngọc Thu. Một cái tên quen thuộc với những người làm thơ, yêu thơ, nhưng tôi chưa gặp lần nào. Đọc một cuốn sách, của một tác giả không quen biết, luôn mang tới một sự thú vị riêng biệt. Văn chương là người, nói thế đã đúng rồi, thơ là người, có lẽ còn đúng hơn. Thế nên đọc một tập thơ của một người không quen luôn có thể được tự do hình dung về họ mà không phải chịu một áp lực mang tính mặc định nào.

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu

Lần này chị in cùng lúc hai cuốn, Thu không và Sau bãoThu không là một tập hợp những tác phẩm có lẽ là tác giả thích nhất, trải dài sau nhiều năm sáng tác, và đã từng in ở nhiều tập thơ trước. Thu không, theo lời của hoạ sĩ Trịnh Tú thì được lí giải: “Tôi biết, có một bé gái luôn gọi Đoàn Ngọc Thu là Thu không. Trẻ con có ngôn ngữ riêng của nó, gần với thiên nhiên hơn. Ngẫu nhiên tìm trong Hán tự, Thu không có nghĩa là tiếng chuông chùa vạng. Hẳn là cuộc đời đã tặng cho chị một chân dung nữa.” Từ đây, có thể hiểu theo một cách cảm là, tập thơ này Đoàn Ngọc Thu chọn ra để dành tặng cho bản thân, như một cách nhìn lại, xâu chuỗi lại những gì mà trái tim và tâm hồn chị đã trải qua. Có hạnh phúc, đớn đau, có mất mát, từ bỏ, đôi khi có cả cái ngang ngược, bất chấp của một người đàn bà mạnh mẽ.

Xét cho cùng thì, với người viết nào cũng vậy, viết gì thì đầu tiên cũng là vì bản thân cả. Là vì tôi muốn viết, là vì tôi không thể im lặng trước những điều ấy. Sau bản thân mới tới bạn đọc. Suốt cả tập Thu không là thao thiết những nỗi buồn. Sự tãi ra hay thu vén lại của những nỗi buồn trĩu nặng, ngọt ngào, say đắm. Đàn bà nói chung đều ngây thơ, thậm chí ngốc nghếch, nhất là khi yêu. Yêu mà được đáp đền lại bằng một tình yêu cũng tương đương thì chẳng có gì phải bàn, viên mãn quá thì cũng khó mà làm thơ được. Anh của em ơi/ Em biết không thể níu giữ nữa rồi/ Khi em nhìn vào mắt anh sâu thẳm/ Em không giữ được ngọn lửa chính em từng thắp…

Nhưng yêu rồi lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau buồn mà tình yêu ấy mang lại, nó khiến người ta đau xót, nhưng cũng khiến người ta thấy hạnh phúc. Hạnh phúc là bởi vì, cuối cùng thì, trái tim người đàn bà vẫn còn ngân rung được sau biết bao nhiêu sóng gió, hao mòn, tổn thương.

Đôi khi, chữ của chị làm tôi thảng thốt. Đau đáu niềm thương mến với người, và tâm hồn người đàn bà mở ra tận cùng một nơi chốn êm ái ấm áp: Trên đường xa ấy, nếu một mai kia, buồn phiền cô đơn có đến với chàng. Khi bên chàng không còn ai nữa. Hãy cố về bên em, hãy về đây bên em/ Em sẽ khơi lại bếp lửa xưa. Gạn lọc bình rượu cũ. Và, hát khúc tình ca ru chàng ngủ…. Và, ngả lên ngực em, chàng cao bồi ơi, hãy ngủ. Khúc bi ca tình yêu bất tận của em sẽ mãi bên chàng…

Đoạn thơ văn xuôi đẹp như một tia sáng của ánh trăng trong mênh mông sâu thẳm của đêm tối, quá đỗi dịu dàng.

Các tác phẩm của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu

Một cuộc tình tay ba, với người đến trước và đến sau, với nỗi băn khoăn tại sao thế giới không đơn giản chia đôi 3 tỉ đàn ông với 3 tỉ đàn bà, cứ thế mà ghép lại có phải hơn không. Vì đâu mà đến nỗi hai người đàn bà phải yêu chung một người đàn ông, rồi cuối cùng nhìn người kia mà đau xót xoa dịu vết thương trong lòng mình.

Thơ của Thu buồn, thật buồn. Đôi khi trĩu xuống, trì níu cả nhịp thở của người đọc. Đôi khi giữ người ta đứng lại và nhìn cái cuộc đời đầy những éo le này mà đặt câu hỏi vì sao. Thơ của Thu, đẹp nhất vẫn là thơ tình. Tình yêu là khóm hoa nở một cách bất tận trên trái đất, một tí người làm thơ về tình yêu thì khóm hoa vẫn nở. Những câu chuyện tình yêu buồn bã và lộng lẫy. Lộng lẫy bởi cảm xúc đằm sâu và độ lượng, đau khổ và tha thứ, bất chấp và giằng xé, ngay cả khi được yêu mà không yêu lại được cũng đau xót cho cái người đã trót yêu mình đến thế. Ngay cả khi yêu người mà người dửng dưng lạnh lẽo lại cũng đau xót cho bản thân vì đã yêu người. Ôi, thật lòng tôi nghĩ, chỉ có đàn bà mới yêu một cách đáng mến thế thôi.

Tôi còn nhớ rất nhiều vần thơ của chị. Tôi cũng tin rằng, đàn bà mà đọc thơ Thu thì ai ai cũng sẽ nhận ra mình ít nhiều trong đó. Một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời đã từng yêu một ai y như thế, đã từng giận hờn và chua xót y như thế, cũng lại đã từng vì yêu mà độ lượng đến tận cùng như thế.

Dường như Đoàn Ngọc Thu có những tâm niệm nào đó, lưu luyến nào đó với tháng ba, với hai chữ “Định mệnh”, và với mùa thu nữa. Vì những lưu luyến ấy cứ trở đi trở lại trong nhiều bài thơ, trong nhiều tâm trạng: Em trả lại tháng ba cho xuân đấy/ Cho em rớt lại với đông gày/ Ly rượu chát một mình em uống cạn/ Tỉnh ra rồi, biết tiếc một lần say…

Sao em nhớ anh? Nhớ cháy bỏng thịt da…/ Nhớ đi ngang không gian mênh mang/ Nhớ thủng ngày xuyên đêm…/ Hà Nội, sớm nay, Thu chớm nắng vàng/ Nỗi nhớ miên man gió gày nắng mỏng…

Ở Sau bão, thơ của Đoàn Ngọc Thu vẫn có cái dáng vóc u buồn của một người đàn bà nặng tình, nhưng tôi thấy hình như có lấp lánh những tia sáng của ban mai, của hoàng hôn, của những vì sao. Như là một cái gì đó thật là cực nhọc, vất vả, mệt mỏi đã đi qua. Tôi thấy một Đoàn Ngọc Thu rắn rỏi và độ lượng, chấp nhận cả những gặm nhấm của buồn phiền, và vẫn tiếp tục yêu tha thiết. Là nói thế thôi, nhỉ. Tôi tin là đàn bà dù có được rèn giũa đến đâu, dù có phải trải qua bao nhiêu sóng gió và vẫn trụ vững, tức là mạnh mẽ đến đâu, thì rồi đứng trước những run rẩy của trái tim yếu ớt vì yêu, cũng đều có thể gục ngã mà thôi. Tại sao thương những cánh đào run trong rét mướt/ Thương ngọn gió mồ côi lang thang đêm dài mưa ướt/ Thương cả làn yên ba u buồn trên mặt hồ lan toả/ mà không thương em?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy – tác giả bài viết

Ở một số bài, thơ của chị như một bông sen được ngậm no nước và bung nở cùng với việc toả ra mùi hương thanh khiết và mạnh mẽ. Dù thế nào, xuyên suốt cuộc đời thơ, tình yêu vẫn như một vầng mặt trời toả rạng và luôn mang đến những điều bất ngờ.

Những câu thơ buồn bã và đẹp đến mức quyến rũ như vẻ quyến rũ của một người đàn bà mặn mà, với đôi bàn tay mềm mại ấm áp, với cặp má vẫn còn hồng lên khi nói đến tình yêu, tới người tình, tới những mối tình, xuyên suốt mấy trăm trang sách. Hai tập thơ của Đoàn Ngọc Thu còn khiến bất kì ai cầm chúng lên tay cũng không nỡ giở mạnh từng trang, nhất là 100 bản đặc biệt. 100 bản được in 4 màu, với sự chiếm lĩnh của màu tím là màu “ruột” trong tư duy thẩm mĩ của tác giả. Với các bức minh hoạ mà người vẽ là người thấu hiểu từng chữ một trong thơ của Thu – hoạ sĩ Lê Thiết Cương. Với tấm bìa áo chỉ có một màu trắng, thứ màu có thể chứa đựng trong nó tất cả mọi trạng thái cảm xúc trong cõi nhân gian, cũng là thứ màu mang lại tự do tuyệt đối cho một tâm hồn mẫn cảm.

Đến lúc chúng ta, gồm cả người viết và người đọc, sẽ không thể nào ứng xử lạnh nhạt với một tập sách khi nhận ra rằng nó đã được tạo ra bằng không phải chỉ sự chỉn chu cẩn thận mà còn bởi sự thăng hoa, tận hiến.

 

ĐỖ BÍCH THÚY

Văn Nghệ Quân Đội