Một ngày nhiều mây trong thị trấn của các nhà máy chế biến quặng sắt. Bầu trời bao phủ bởi những tầng mây u ám, che khuất ánh bình minh trên cao nguyên. Mặt đất bằng phẳng giờ đã hóa thành vũng bùn lầy lội. Không khí đặc quánh, ẩm ướt theo từng làn hơi nước bốc lên. Từng đoàn người đông đúc kéo nhau ra đường hối hả, tấp nập. Tôi mở cửa sổ và ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Tôi trông thấy cửa hàng tạp hóa đối diện hiện ra mờ ảo dưới cơn mưa nặng hạt. Ở đó có một đám đông say xỉn không ngừng trò chuyện, bàn tán xôn xao. Một vài người đang phì phèo điếu thuốc lào. Tôi có thể cảm nhận được mùi thuốc lào ngai ngái thoang thoảng bay trong không khí.
Nét đặc trưng của thị trấn này là khói. Từ ống khói của các xưởng đúc sắt, từng làn khói bụi khổng lồ cuộn thành nếp gấp tựa như mái tóc của người thiếu nữ. Đôi khi, chúng có vẻ e thẹn, ủ rũ, chầm chậm lướt qua từng mái nhà như cô gái bé nhỏ đang tìm kiếm người tình. Nhưng có lúc chúng lại lắng đọng, yên tĩnh trong các vũng nước trên con đường vắng vẻ. Khói bay qua bến cảng, quẩn quanh những chiếc thuyền cũ kỹ. Khói băng qua dòng sông, vương vấn trên khuôn mặt vị lữ khách xa lạ. Khói bay qua hàng sa mộc trầm lắng, bám lên lớp bồ hóng bên mái hiên nhà. Đoàn ngựa đang lặng lẽ kéo những khối gang qua con phố nhỏ, theo sau là một màn khói bụi mịt mù. Ở giữa thị trấn, một bức tượng nhỏ trong mười hai con giáp phương Đông bị khói bụi bao phủ đen bóng. Làn khói bụi hiện hữu ở khắp mọi nơi. Bên cửa sổ, một con chim hoàng yến hót líu lo trong chiếc lồng của tôi. Toàn thân nó bao trùm bởi lớp bụi mờ ảo, nhưng vẫn không thể nào lu mờ vẻ đẹp tự nhiên vốn có, tạo thành bộ lông kim sa óng ánh. Tiếng chim hoàng yến kể lại những giấc mơ xa xăm, huyền ảo. Đó là sự tự do tung cánh trên những cánh đồng xanh cùng ánh nắng ấm áp. Ước mơ của hoàng yến cũng là ước vọng của tôi.
Từ cửa sổ phía sau, tôi trông thấy một sân gạch hẹp dốc xuống bờ sông, ngổn ngang những ô hứng mưa và bồn tắm. Dòng sông yên ả, mang sắc màu nâu vàng, cứ chậm rãi trôi theo những con thuyền và sà lan chở cát. Mọi thứ đều kỳ diệu. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã từng tưởng tượng ra tiếng gọi của dòng sông. Hôm nay, một hoài niệm tương tự đến với tôi. Từ ô cửa sổ bên đường, tôi ngắm nhìn dòng người chầm chậm đi qua suốt đêm đến khi trời sáng. Họ nối đuôi nhau đi đến những nhà máy lớn. Những người đàn ông với khuôn mặt vất vả, lấm lem. Làn da và cơ bắp của họ nhuốm đầy vẻ phong trần của khói bụi và tro tàn, trải qua mài giũa, rèn luyện đã trở nên rắn rỏi. Họ khom lưng suốt đêm trên những vạc kim loại sôi sục, nóng bỏng. Từ khi còn lứa tuổi thanh niên, họ đã làm công nhân, ngày ngày hít thở một bầu không khí đầy khói bụi, dầu mỡ và bồ hóng. Ban ngày, họ lại trở về sum họp với gia đình, vợ con.
Họ biết rằng thế giới bên ngoài luôn có những điều tốt đẹp đang chờ đợi. Ở đó có ánh nắng vàng rực rỡ cùng hương hoa cỏ đồng nội thơm ngát, những khu vườn cổ kính với những tán lá xanh mềm mại và những bông hồng đỏ thắm.
Vào những ngày sương mù, tôi vu vơ gõ vào ô cửa sổ, rồi nhìn qua màn mưa ra góc sân phía sau nhà. Những chiếc thuyền chở cát dưới sông tựa như những mảnh ghép của một câu chuyện cũ hiện lên trước mắt tôi, đó là câu chuyện mà tôi tình cờ bước vào. Đã từ rất lâu rồi, tôi biết đó chỉ là nét phác thảo của một cuộc đời, giống như biết bao cuộc đời khác. Một vài người trong số họ sống lặng lẽ như những loài sinh vật ngái ngủ, chôn vùi thân mình ẩn sâu trong vũng bùn lầy. Còn một số người khác lại có cuộc sống sung túc, vui nhộn giống như loài cá tung tăng bơi lội dưới dòng sông.
Ở thị trấn này, các nhà máy đã nhận được những đơn đặt hàng lớn cho các tuyến đường sắt vào mùa đông năm sau. Ngoài ra, họ còn sản xuất được hàng trăm nghìn tấn tinh quặng có hàm lượng sắt trên sáu mươi phần trăm, để cung cấp cho Khu liên hiệp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát.
Sình là một công nhân đốt lò tại một trong những nhà máy tinh luyện quặng sắt. Nhà anh Sình có hai cha con. Cả hai người đều làm công nhân ở trong cùng một nhà máy. Gia đình anh ở trong dãy nhà trọ cùng những người công nhân khác. Dãy nhà có hai tầng, bao gồm chín gian phòng trọ và một tầng trệt. Cha anh khá cao tuổi với mái tóc phủ bạc trắng. Ông đã dành nửa cuộc đời của mình trong các mỏ quặng giống như những công nhân khác và những người cung cấp thức ăn cho các nhà máy. Tôi có thể trông thấy những người dân tộc H’Mông, hay người Tày, Nùng, Dao… từ đám đông đi ngang qua cửa sổ trong bất cứ ngày nào. Họ có hình thể thấp bé hơn người Kinh một chút. Cơ bắp của họ cũng không quá vạm vỡ. Có một số người bước đi cúi đầu về phía trước tỏ vẻ tự ti, buồn rầu. Còn một số người khác thì luôn ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Đó là những người H’Mông. Họ rất thật thà, chất phác. Khi uống say, họ không la hét, cũng không bước đi loạng choạng. Dường như họ có một dòng máu thuần khiết, không pha trộn ngoại lai. Điều đó thể hiện ở thân hình hơi góc cạnh và những đường nét trên khuôn mặt sắc sảo riêng biệt. Đã gần ba mươi năm kể từ khi anh Sình sống ở đây. Cuộc sống của họ giống như biết bao tầng lớp công nhân. Họ lao động không ngừng, ngủ trong những căn phòng chật hẹp. Họ ăn thịt lợn rừng, mật ong và uống rượu ngô men lá.
Vào một đêm mưa, khoảng mười một giờ, đám đông công nhân nữ dừng lại bên ngoài cửa hầm. Họ đang trên đường về nhà sau bữa ăn tối tại công xưởng.
Hai, ba bàn tay lấm lem thò ra túm lấy vạt áo người đàn bà đang mò mẫm cài chốt cửa. Một vài người trong số họ đã uống rượu say.
“Chúc ngủ ngon, Ly…”, người phụ nữ tên Mẩy nói lời tạm biệt và cố gắng đứng vững trên bậc thềm. Cô ấy cần một người trợ giúp để ổn định tâm trạng nặng nề. Đa số công nhân đều như vậy. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân đang dần dần xâm chiếm tâm trí họ.
“Trời sắp mưa to đấy… Tốt nhất các cô nên về nhà sớm đi…”
“Nếu cơn mưa đến, tôi sẽ rất vui… Vì nương ngô nhà tôi sẽ được tưới mát…” một giọng nói lanh lảnh vang lên trong đám đông.
“Con Mỷ đâu rồi?”
“Mỷ vẫn ở trong hầm. Cô ấy đang đợi Sình. Anh ta vẫn chưa làm xong việc nên cố nán lại sau… Cho dù chúng tôi đã hứa giúp nhưng họ không chịu…”
“Chúng ta về thôi nào…”
Họ tiếp tục trò chuyện một lúc lâu và kéo người phụ nữ tên Mẩy đi cùng họ, nhưng Mẩy lại loạng choạng bỏ đi.
“Tôi đi ra đây tí đã… Các cô về trước đi…”, Mẩy lầu bầu.
Mỷ mò mẫm trong căn hầm chật hẹp. Sau một hồi vấp ngã trong bóng tối, cô đốt một que diêm, rồi châm vào một mẩu nến làm bằng sáp ong và mỡ động vật. Luồng ánh sáng vàng lấp lánh soi rọi khắp căn phòng. Nơi này khá chật hẹp, ẩm thấp. Dưới nền đất bao phủ một lớp rêu nhầy nhụa màu xanh lục, bốc lên một luồng không khí ngột ngạt khiến cho cô cảm thấy khó thở. Sình nằm ngủ trên đống rơm, quấn trong một chiếc chăn ngựa rách nát. Anh là một người đàn ông nhỏ bé hiền lành, nhút nhát với khuôn mặt trắng bệch, nhợt nhạt và đôi mắt của loài thỏ yếu đuối. Còn Mỷ lại là người phụ nữ hoàn toàn khác biệt. Khuôn mặt của cô ấy thậm chí còn mạnh mẽ, nam tính hơn đàn ông. Đôi môi của cô ấy rất mỏng, còn đôi mắt thì luôn luôn long lanh, ngấn nước. Cô mặc một chiếc áo váy thổ cẩm đã bạc màu và trùm trên đầu một chiếc khăn kín đáo. Khi bước đi, cơ thể cô ấy bị biến dạng như là một người gù lưng. Cô bước nhẹ nhàng để không đánh thức anh và đi vào căn phòng đối diện. Ở đó, cô tìm thấy trên bếp lửa đã tắt có một cái chảo sắt chứa đầy ngô luộc. Mỷ đặt chảo ngô lên một chiếc ghế gãy cùng với một bát mèn mén đã nguội ngắt. Đặt cây nến cũ bên cạnh bữa tiệc “thịnh soạn” này, cô tháo chiếc khăn trùm đầu xuống và chuẩn bị ăn bữa tối. Đó là món ăn đầu tiên mà cô chạm vào kể từ buổi sáng sớm. Tuy không phải lúc nào cũng có đủ đồ ăn hợp khẩu vị, nhưng khi đói người ta có thể dễ dàng chấp nhận mọi thứ. Cô tìm thấy một chút rượu ngô men lá.
Mỷ tự nhủ mình sẽ không say, vì tửu lượng của những người dân tộc bản địa rất khá. Có lẽ những người lao động chân tay như cô cần một chất kích thích nào đó để giữ cho cuộc sống vui vẻ hơn. Mỷ bất chợt dõi ánh mắt vào cõi xa xăm. Con người vốn dĩ không thể sống cô độc một mình. Có lẽ mỗi người cần có tình yêu và niềm hy vọng. Trong khi Mỷ đang gẩy những hạt ngô và chầm chậm nhai chúng thì một tiếng động phía sau khiến cô ấy dừng lại.
“Ai vậy?” cô gọi, nhấc ngọn nến lên và nhìn vào bóng tối. “Anh Sình phải không? Anh có ở đó không?”
Một đống áo khoác rách rưới được chất lên, khuôn mặt một chàng trai trẻ ló ra, tỏ vẻ ngái ngủ nhìn người phụ nữ.
“Đúng là anh Sình… Anh trốn gì chứ? Em thấy anh nằm đó lâu rồi…”. Mỷ bật cười khúc khích.
“Mỷ đấy à?”. Sình ngập ngừng mãi, cuối cùng mới lên tiếng, “Anh ở đây cả đêm rồi sao?”
“Vâng… Chào mừng anh đã trở lại với hiện thực…”, cô nói, rồi lặng lẽ ăn tiếp.
Sính có khuôn mặt hốc hác và ốm yếu. Đôi mắt anh nặng trĩu vì ngái ngủ và cơn đói cồn cào. Đó là đôi mắt chân chất của người H’Mông, với màu nâu xám tinh tế, sâu thẳm chủ đạo, tựa như đôi mắt của loài thú hoang dại vùng vẫy thoát ra từ khu rừng bóng tối.
“Anh chỉ có một mình”, Sình rụt rè nói.
“Cha của anh đâu?”. Mỷ nhẹ nhàng hỏi rồi đưa một bắp ngô cho Sình. Anh chàng từ tốn nhận lấy và nhai ngấu nghiến.
“Ông ấy đang về quê… Ngôi nhà của anh và bờ rào đá đã bị sập xuống sau cơn bão… Giờ chỉ còn một mình anh ở lại nơi này…”
“Thật vậy sao?”
“Đúng vậy…”
Mỷ bỗng nhiên bật dậy. Cô vội vàng bắt đầu xếp một ít ngô, xúc mèn mén vào một cái xô bằng thiếc, rồi rót rượu ngô men lá vào một cái chai rỗng. Cô đội khăn lên đầu và thổi tắt ngọn nến.
“Nằm xuống đi, Sình yêu quý…”. Mỷ dịu dàng nói, đắp cho anh tấm chăn ngựa đã sờn vải rách cũ kỹ. “Sình có thể ăn mèn mén nếu đói…”
“Em đi đâu thế Mỷ… Mưa to lắm…”
“Mang chút đồ ăn cho thằng Pó… Nó ở nhà một mình”
“Để nó chờ đợi một chút… Em ngồi xuống đi…”, Sình năn nỉ, túm lấy tay Mỷ.
“Không…” – Mỷ thẳng thừng đẩy anh ra. “Thằng bé sẽ chết đói mất…”
Cô vội vã rời khỏi căn hầm, trong khi Sình mệt mỏi cuộn mình vào giấc ngủ. Mưa rơi nặng hạt khi người phụ nữ, tay xách xô, bước ra khỏi đầu ngõ. Cô rẽ xuống con phố chật hẹp, trải dài hun hút phía trước. Đâu đó thấp thoáng một khoảng không ánh sáng tỏa ra từ luồng khí đốt giăng kín lối đi đầy bùn đất ẩm ướt. Những dãy nhà trọ công nhân kéo dài yên tĩnh, xen lẫn với một vài cửa hàng tạp hóa đã đóng cửa. Thỉnh thoảng Mỷ lại bắt gặp một nhóm thợ xây lén lút đến công trường, hoặc lặng lẽ rời đi.
Không có nhiều cư dân của thị trấn công nghiệp biết đến hệ thống điều hành công nhân đã hoạt động không ngừng từ năm này sang năm khác. Mỗi nhà máy thay phiên nhau vận hành bền bỉ như một đội quân hùng hậu. Ngày đêm công việc vẫn tiếp diễn với những động cơ không ngừng nghỉ. Những chảo luyện kim loại luôn bốc lửa sục sôi và dâng trào nhiệt huyết. Khi đồng hồ đã điểm lúc nửa đêm, những hầm lò lớn lại bùng lên ánh lửa. Tiếng trò chuyện ồn ào, huyên náo khởi đầu sức sống mới mẻ. Tiếng động cơ gầm rít tựa như “các vị thần” đang gào thét dữ dội.
Khi Mỷ lao đi trong cơn mưa nặng hạt, tiếng động của các nhà máy, công xưởng luyện sắt vang lên. Âm thanh đó văng vẳng tựa như tiếng sấm truyền đến từ cõi thần thoại xa xăm, xuyên qua giấc ngủ và màn đêm trong thị trấn.
Nơi cô định đến nằm ở bên sông, cách thị trấn một dặm. Cậu bé Pó ở đó một mình. Pó là công nhân cùng nhà máy với Mỷ. Cô đã đặt vấn đề nghiêm túc là muốn đón Pó về ở cùng nhưng nó không chịu. Pó bảo sẽ không rời đi vì đó là nơi nó sinh ra. Chỗ ấy rất xa, nên nửa quãng đường Mỷ thường ngồi nghỉ ngơi một chút. Khi đến nơi thì toàn thân cô đều đau nhức vô cùng. Tuy nhiên, mỗi đêm cô đều cố gắng mang thức ăn đến cho thằng bé mồ côi. Chỉ cần trông thấy bé Pó mỉm cười hạnh phúc, cô lại cảm thấy niềm vui nho nhỏ trong lòng.
Cậu bé Pó có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mẹ nó làm công nhân luyện quặng sắt, nhưng không may lần lượt qua đời vì bệnh ung thư phổi. Giờ chỉ còn một mình Pó sống trong ngôi nhà cấp bốn đã xuống cấp, hư hỏng từ lâu. Dù học rất giỏi, nhưng nó phải tạm dừng ước mơ trở thành một thầy giáo, việc học hành tạm thời dở dang.
Mỷ bước vào nhà. Cậu bé Pó đang chìm sâu trong giấc ngủ. Mỷ tiến lại gần, khẽ chạm vào khuôn mặt thơ ngây của Pó bằng những ngón tay chai sạm, gầy gò. Nhưng bất chợt Mỷ khẽ rụt tay lại.
“Thằng bé sốt cao quá!”
Mỷ vội vã chạy đi tìm một cái khăn thấm nước. Cô lặng lẽ lau từng giọt mồ hôi trên trán cậu bé. Xong xuôi, cô run rẩy ngồi xuống vị trí bên cạnh, với một khuôn mặt tái nhợt mệt mỏi. Cô luôn hy vọng đứa trẻ này sẽ nhận được tình yêu thương.
Một lát sau, Pó dần dần hồi tỉnh.
Mỷ đưa thức ăn cho cậu bé. Pó đón lấy và chậm rãi thưởng thức ngon lành.
“Về nhà với chị đi Pó!”, cô dịu dàng dỗ dành. Pó ngơ ngác nhìn xung quanh.
“Không… Em ở đây thôi!”
Mỷ bỗng bật khóc, từng giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt gầy gò.
“Em ốm hơn một tuần rồi… Cũng không có người chăm sóc… Vậy em định ở một mình đến lúc nào đây? ”
Pó ngập ngừng bối rối. Khi trông thấy Mỷ quằn quại trong tiếng khóc nức nở, một nỗi niềm hối hận dâng trào từ sâu thẳm nơi trái tim cậu bé.
“Ngày nào chị cũng đến đây chăm sóc cho em… Em thương chị lắm! Em xin lỗi vì lúc nào cũng khiến cho chị lo lắng…”
Dứt lời, Pó bỗng nhiên khóc òa.
“Ngoan nào… Nín đi đừng khóc nữa… Trước tiên cần sửa sang lại chỗ ở cho em đã…”
Mỷ vô cùng đau lòng, thương xót cậu bé. Trước hoàn cảnh khó khăn của Pó, Mỷ đã kêu gọi toàn bộ công nhân trong nhà máy luyện quặng sắt tham gia ủng hộ, giúp đỡ cậu bé. Công đoàn nhà máy đã quyết định hỗ trợ kinh phí xây dựng một ngôi nhà mới cho bé Pó, theo chương trình Mái ấm Công đoàn đối với công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Sau hơn ba tháng, một ngôi nhà cấp bốn đã được hoàn thiện khang trang, đẹp đẽ. Cậu bé Pó vô cùng xúc động khi nhận được hỗ trợ từ chương trình Mái ấm Công đoàn. Nó ôm chầm lấy Mỷ rồi nói lời cảm ơn mọi người rối rít như một chú chim non vui vẻ.
“Cháu cảm ơn các cô, chú nhiều lắm ạ!”
“Cô còn một món quà bất ngờ nữa cho cháu đây…”
Chị Phượng, Chủ tịch Công đoàn nhà máy trịnh trọng thông báo với mọi người.
“Công đoàn đã quyết định hỗ trợ chương trình học tập cho cháu đến khi vào đại học! Cháu không cần đi làm công nhân nữa… Nhất định phải nỗ lực học hành nên người…”
Pó rưng rưng nước mắt. Nó không ngừng nói lời cảm ơn.
Vậy là từ nay, Pó sẽ được ở trong một ngôi nhà vững chãi, ấm áp tình người. Cậu bé sẽ không còn phải lo lắng khi giông bão mùa hè kéo đến, đồng thời tránh được cái giá lạnh của mùa đông… Pó sẽ được tiếp tục đi học và mang cái chữ về cho bản làng quê hương…
“Hay là chị chuyển đến ở với em đi… Em sẽ chăm sóc cho chị…”
Pó thì thầm bên tai Mỷ những lời trìu mến yêu thương. Cô lặng lẽ ngước nhìn lên mái hiên nhà. Trên đó, vầng thái dương đang lan tỏa ánh nắng rực rỡ, ấm áp. Mỷ ôm chầm lấy cậu bé rồi khẽ gật đầu.
“Được rồi… Chị sẽ về ở với em…”
Viên Kiều Nga
Bài viết liên quan: