Giấc mơ đá cổ – Truyện ngắn của Kiều Duy Khánh

Dua vùng chạy ra khỏi ngôi nhà u ám và bức bối như một cái chum bị bỏ mốc lâu ngày. Vẫn nghe tiếng bố chồng gọi một cách yếu ớt và bước chân của Tạng chạy đuổi theo phía sau. Tiếng hắng giọng lạnh lùng và đầy uy lực của bà Pàng, mẹ chồng Dua khiến Tạng đứng sững lại, không dám đuổi theo vợ nữa.

Dua cứ thế mà chạy trong nỗi ấm ức, đau khổ và tuyệt vọng, để mặc màn đêm lạnh lẽo mà bao dung nuốt chửng lấy mình.

Đi đâu bây giờ? Về nhà bố mẹ thì không thể. Ma họ Thào nhà Tạng đã nhận mặt con dâu rồi thì sống làm người họ Thào, chết làm ma họ Thào. Cái tục ấy đã có từ ngàn đời nay, chẳng ai bước qua được. Dua cũng chẳng có mặt mũi nào mà về nhìn bố mẹ nữa. Ngày Tạng đem chai rượu đến rót hai chén mời bố mẹ Dua để xin bắt Dua về nhà mình làm lễ lu cai(1) cho ma nhà nhận mặt dâu, bố mẹ Dua đã không thèm nhìn đến chén rượu. Không nhìn chén rượu là lòng bố mẹ Dua không ưng cho Tạng làm rể rồi. Tạng đã bỏ ra Khe Hổ bên dòng suối Hang Chú ngồi suốt ba ngày ba đêm.

Khi Dua tìm thấy thì Tạng chỉ còn thóp thép thở, người gầy xanh, hai má tóp lại, râu lởm chởm như lông bờm con lợn rừng, đôi mắt trũng sâu như hai hốc đá.

– Sao anh Tạng lại muốn tự làm khổ mình thế? Bố mẹ em không ưng cho anh làm chồng em, nhưng em ưng làm vợ anh Tạng là được mà. Em không muốn làm cái lù cở để bố mẹ thích đựng cái gì vào thì đựng, thích treo ở đâu thì treo. Em muốn làm con chim Tổng Dua, thích bay đến đâu thì bay, thích làm tổ ở đâu thì làm. Anh Tạng cứ đưa em về nhà, nhờ bố cúng ma nhà nhận mặt dâu. Ma nhà họ Thào đã nhận em rồi thì bố mẹ em không ưng cũng phải thôi.

Dua đã về làm dâu nhà Tạng như thế.

Bà Pàng, mẹ chồng Dua vừa lùn vừa béo. Hai bắp chân bà như hai cái bắp chuối rừng được cuốn chặt bằng xà cạp. Bà có khuôn mặt nhọn như hình quả trám. Đôi mắt bà nhỏ và dài kéo xếch lên thái dương nhìn cứ hai vệt than quệt vội. Từ khi Dua về làm dâu thì đôi mắt nhỏ, lạnh và sắc ấy luôn dõi theo Dua, để ý từng cử chỉ, từng câu nói của Dua.

Ở nhà này mẹ chồng là người có quyền nhất. Mỗi khi bà nói thì cả chồng và bố chồng đều chỉ biết im lặng hoặc lảng đi chỗ khác.

Ông Pó, bố chồng Dua cứ như một cái bóng. Lầm lũi và trầm tư. Có khi cả ngày không thấy ông nói câu nào. Ông Pó có dáng người cao gầy và ốm yếu. Ông không làm được việc gì khác ngoài đi bẫy chuột. Sáng nào cũng thế, khi Dua dậy đặt được nồi cơm lên bếp, Tạng hì hụi mài mấy cái cuốc con dao thì ông cũng dậy. Ông ốm cái điếu cày ngồi bên bếp lửa, châm thuốc rít một hơi thật dài. Hôm nào ông cũng chỉ hút đúng một điếu rồi ngồi bất động như một cái cột. Những lúc như thế chẳng ai biết ông đang nghĩ gì.

Khi mọi người lục tục chuẩn bị đi nương thì ông cũng lấy túm bẫy cung trăng treo trên vách, đeo con dao vào ngang hông rồi lòm khòm vào rừng. Chiều nào từ nương trở về, Dua cũng thấy ông đang lọ mọ thịt chuột ngoài máng nước. Những con chuột rừng lông vàng hung to như bắp tay đầy một lù cở. Từ ngày về làm dâu, bữa cơm nào Dua cũng chỉ thấy một món thịt chuột. Thịt chuột băm nấu rau cải, thịt chuột nướng, thịt chuột rang muối. Ăn không hết thì treo lên gác bếp, hôm nào mưa gió vẫn có món thịt chuột khô nướng gio bếp ăn với cơm đồ.

Sáng nay Dua vẫn cùng chồng và mẹ chồng đi nương. Vẫn vắt trên vai một nắm dây lanh để vừa đi vừa se nối những sợi lanh lại, lầm lũi.

Có một mùi hương thơm dịu, mỏng mảnh mà thân quen thoảng trong gió khiến Dua dừng lại nhìn quanh. Dua chợt dồ lên, như bất ngờ, như thảng thốt. Từ ngày về làm dâu nhà Tạng, hôm nào cũng sáng đi tối về. Từ nhà về nương rồi từ nương về nhà, đôi mắt chỉ để ý vào những sợi lanh, thỉnh thoảng ngước nhìn lối đi để không lạc, không vấp. Dua không biết mùa hoa sơn tra đã đến tự khi nào. Hai bên đường, những cây sơn tra cổ thụ xù xì đã nở trắng hoa. Mùi hoa thơm dịu len vào gió khiến Dua thấy bồn chồn ngẩn ngơ. Dua muốn đứng thật lâu để mà ngắm, mà hít hà cái hương thơm mỏng dịu mà khiến con người như nhẽ bẫng đi. Nhưng Dua lại vội bước nhanh khi thấy ánh mắt mẹ chồng đang lom lom nhìn mình từ phía trên đỉnh dốc.

Ngày Dua về làm vợ Tạng cũng vào mùa sơn tra. Vậy là Dua về làm dâu nhà họ Thào đã tròn một năm rồi. Một năm đằng đẵng trôi qua mà không hiểu sao cái bụng Dua vẫn cứ nhỏ và lẳn như ngày còn con gái.

Dạo này mẹ chồng hay nhìn vào bụng Dua rồi nói bóng gió xa xôi. Dua cũng bắt đầu thấy lo lắng. Ừ, bọn cái Sua, cái Hờ chúng nó còn lấy chồng sau Dua, thế mà bây giờ mỗi buổi đi nương, đứa nào cũng được địu một đứa con đằng sau lưng. Nhìn đứa trẻ con má phúng phính đỏ hồng như trái sơn tra nằm ngủ sau lưng mẹ, sao mà thích thế.

Về nhà mẹ chơi, mẹ nhìn Dua, càng lo lắng hơn. Nhà bố mẹ chồng mày chỉ có thằng Tạng là con trai nối dài dòng họ thôi đấy. Nếu không đẻ được cho nhà họ Thào một đứa con trai thì khổ cho mày đấy con gái ạ.

Rồi mẹ tất tả đón thuyền ngược sông lên tận Pắc Ngà tìm đến bà thầy lang giỏi cắt thuốc đem về cho Dua uống. Bố chưa yên tâm lại mời thầy cúng giỏi ở Chiềng Sại về cúng xin may.

Nhưng qua hai mùa sơn tra trắng núi. Dua vẫn chưa có được một đứa con.

Bà Pàng không còn bóng gió xa xôi nữa. Bữa cơm nào bà cũng nhìn Dua bằng ánh mắt xéo ngang, cấm cẳn:

– Hôm thằng Tạng bắt con Dua về để làm cúng Lu cai xin ma nhà nhận mặt dâu, chắc ma nhà họ Thào không ưng rồi. Đến ở nhà ta hết hai mùa sơn tra rồi mà vẫn là đứa con gái. Không đẻ được cho nhà họ Thào đứa con thì đến mùa sơn tra sau phải bước ra bằng cửa bếp, để ta tìm đứa khác đi qua cửa chính thôi…

Lời mẹ chồng như gai cào vào trong bụng Dua. Bát cơm Dua ăn hôm nào cũng có mấy giọt nước mắt rơi xuống.

Tạng thương Dua nhưng Tạng không biết làm thế nào. Tạng muốn nói vài câu để mẹ bớt cay nghiệt với vợ, nhưng bắt gặp ánh mắt mẹ, Tạng vội cúi xuống. Từ nhỏ Tạng chưa bao giờ dám cãi lại mẹ một câu, chưa dám làm sai ý mẹ một lần. Thương Dua, Tạng đành cất vào trong bụng, trong đầu để rồi đêm đêm, đợi nghe tiếng mẹ ngáy phờ phò ở nhà ngoài, Tạng mới thì thào an ủi Dua được vài câu. Đêm đêm hai vợ chồng ôm nhau mà khóc. Nước mắt người này ướt cả vào má người kia.

Cứ nghĩ mẹ chồng chỉ dọa thế thôi, nhưng không, bà Pàng nói là bà làm. Bà cũng chẳng cần đợi đến mùa sơn tra sau. Một hôm bà bảo đi lên Háng Đồng thăm người họ hàng. Bà đi liền mấy ngày thì về. Lúc ấy trời đã tối lắm rồi. Vợ chồng Dua cũng vừa mới đi nương về, còn chưa kịp đặt nồi cơm lên bếp thì nghe tiếng mẹ chồng hắng giọng một cái ngoài cổng. Dua nhìn ra. Dua ngạc nhiên, chột dạ và lo lắng. Về theo mẹ chồng còn có một đứa gái Mông trẻ lắm. Đứa gái cũng thấp như mẹ chồng, nhưng nhìn nhỏ nhắn. Qua ánh lửa bếp hắt ra, Dua thoáng thấy khuôn mặt đứa gái. Nó trắng trẻo và có đôi mắt to, buồn. Nó có vẻ rụt rè nhút nhát. Vừa ôm bọc áo váy, nó vừa khép nép đi sau tấm lưng to bè của mẹ chồng như tìm sự chở che.

– Ông chồng già kia, ông không vứt ngay mấy con chuột mà vào làm cúng để ma nhà nhận mặt dâu. Thằng Tạng đâu, ra chuẩn bị đón vợ mới đi qua cửa chính đi còn gì.

Ông Pó vẫn ngồi bên máng nước với mấy con chuột bẫy về lúc chiều. Ông như không nghe thấy, nhìn thấy gì từ khi bà Pàng đưa đứa con gái lạ về.

Tạng cặm cụi nhóm bếp cho vợ, cũng giả như không nghe thấy mẹ gọi.

Bà Pàng thấy trong người như có ngọn lửa bốc lên. Lần đầu tiên những mệnh lệnh của bà bị rơi tõm vào im lặng. Hai bắp chân ngắn như hai cái bắp chuối của bà thi nhau giậm thình thịch xuống đất vẻ bực bội. Rồi bà lạch bạch chạy vào bếp lôi thằng con trai ra trước mặt đứa gái, phậm phọa:

– Tao để cho mày tự đi bắt vợ, nhưng mày lại đón về nhà cái cây không biết ra quả, cái măng không biết đẻ mầm. Tao phải đi mấy ngày chọn vợ mới cho mày, thế mà gọi mày ra đón, mày lại còn định cãi lời mẹ à, thằng con trai hổ tha quạ mổ. Bây giờ mày nói đi, có ưng dắt nó vào cửa chính làm vợ thay con Dua hay không?

Tạng không muốn lấy vợ mới. Tạng chỉ yêu Dua, chỉ muốn có Dua làm vợ mình. Nhưng Tạng hiểu tính mẹ. Khi mẹ đã nổi giận thì cãi một câu chỉ như ném thêm bó cỏ gianh vào đống lửa đang cháy. Tạng cúi gằm xuống, hai tay buông thõng, im lặng. Cái gục đầu bất lực của Tạng như một sự cam chịu khiến Dua thấy điểm bám víu mỏng manh cuối cùng vỡ vụn. Dua vùng chạy vào đêm…

Bây giờ thì Dua đã ngồi bên bãi Khe Hổ. Ngày trước, khi bố mẹ Dua không cho Tạng và Dua lấy nhau, Tạng cũng ra đây ngồi mấy ngày mấy đêm. Dua đã phải cãi lời bố mẹ để được về làm vợ Tạng. Thế mà bây giờ Tạng lại không dám đứng ra bảo vệ Dua, thì Dua còn sống để làm gì nữa.

Trong đầu Dua chợt nghĩ đến cây lá ngón. Dưới bãi Khe Hổ này không xa, bên sườn đồi mọc rất nhiều những dây ngón xanh mướt nở hoa vàng rực. Qua ánh trăng đầu tháng mờ ảo trong sương đêm, Dua lần tìm lên phía ven đồi.

Bây giờ thì Dua đã có nắm lá ngón trong tay. Không làm dâu nhà họ Thào thì làm ma nhà họ Thào. Dua sẽ chết để cho bà mẹ chồng vừa lòng, để cho Tạng ân hận vì yếu ớt, nhu nhược không dám đứng ra nói với mẹ được một lời đúng, lời vừa.

Nhưng dù có tìm cái chết thì cũng phải chết ở một chỗ xứng đáng. Dua chợt nghĩ đến bãi đá cổ cách đó không xa. Đúng rồi, bãi đá cổ vừa là nơi linh thiêng nhất, cũng là nơi gắn bó với Dua cả tuổi thơ. Ngày nhỏ, mỗi chiều đi chăn bò cùng lũ bạn, sau khi thả đàn bò ra bãi cỏ mênh mông dưới chân núi Pa Cư Sáng, cả lũ lại rủ nhau lên bãi đá cổ. Bọn con trai thì tụ tập chơi tu lu, bắn nỏ, tụi con gái thì rủ nhau ném Pao hoặc ngồi dưới chân những tảng đá thêu khăn, thêu váy.

Không biết bãi đá cổ có từ bao giờ, nhưng chuyện về bãi đá cổ thì đêm nào bà nội cũng vừa vuốt mái tóc cháy khét nắng của Dua, vừa kể:

Ngày xửa ngày xưa, người Mông mình còn có lối sống du canh du cư. Nơi ở thường chọn những đỉnh núi cao quanh năm mây trắng. Nhưng cũng chỉ ở đến khi nào thấy đất đai không còn màu mỡ lại dời đi tìm đất mới. Một ngày, đoàn người dừng chân ở Hang Chú ngày nay. Đất ở đây tươi mát mỡ màu, nước chảy quanh năm khắp các sườn đồi, vách đá.

Kỳ lạ nhất là ở mảnh đất này mọc bạt ngàn những cây sơn tra cổ thụ. Trái sơn tra quả to như trái cam rừng, khi chín có màu đỏ rám má đào như đôi má đứa gái vừa được kéo về làm vợ nhà người. Sơn tra ở đây giòn ngọt hơi có vị chua thanh chứ không chát như sơn tra ở những vùng mà đoàn người đã đi qua. Phụ nữ ăn trái sơn tra thì cứ trẻ mãi đẹp mãi, đẻ đứa con tròn bụ như quả bí quả bầu. Đàn ông lấy quả sơn tra ngâm với rượu ủ mầm thóc thì sức vóc dẻo dai, ngày cuốc mảnh nương rộng bằng hai lần mũi tên bay mà không thấy mệt, đuổi theo con hoẵng con nai qua ba vực bốn núi mà chân không mỏi, sức không chùn.

Đoàn người quyết định ở lại mảnh đất mỡ màu này để khai hoang lập bản.

Nhưng rồi một hôm không biết từ đâu xuất hiện một đàn hổ dữ. Đàn hổ từ trên rừng ào xuống bản. Gặp lợn chúng bắt lợn, gặp trâu bò chúng cõng mất trâu bò, gặp người chúng tha người đem đi. Cả bản hoang mang lo lắng, không ai dám bước ra khỏi nhà để đi nương đi ruộng. Nhưng không cuốc nương cấy ruộng thì biết lấy gì mà sống. Người già có uy tín nhất trong bản bèn gọi người mổ con trâu to dâng cúng lên Giàng. Tiếng kêu ai oán của người động đến tận nhà trời. Trời thương tình bèn cử chín con voi thần xuống giúp người diệt hổ. Voi đánh nhau với đàn hổ dữ suốt bảy ngày bảy đêm, cuối cùng mới tiêu diệt được hết đàn hổ dữ. Chỉ còn con hổ đầu đàn bị thương nặng chạy thoát về đến hang thì cũng gục chết vì vết thương quá nặng. Nơi cái hang con hổ nằm chết ấy, sau này gọi là Khe Hổ.

Sau khi tiêu diệt xong hổ dữ, đàn voi thần đi xuống suối Lừm tắm mát rồi lên bãi đất rộng thuộc Hang Chú ngày nay nằm nghỉ. Vào giữa trưa nắng, bỗng có tiếng sấm lớn. Từ trên trời, một chiếc cầu vồng sặc sỡ bắc xuống. Đàn voi thần vội vã theo chiếc cầu vồng trở về trời.

Khi người dân đem lễ vật ra để tạ ơn đàn voi thì chỉ thấy khu vực voi vừa nghỉ xuất hiện chín tảng đá lớn như chín con voi thần đang nằm ngủ. Từ đó người coi bãi đá cổ là nơi linh thiêng, nơi trú ngụ của những vị thần linh nhà trời đã xuống giúp dân chống lại hổ dữ, có việc gì không thuận không thông thì lại ra đây để cầu nguyện.

Rồi bà bảo:

Ngày đó người Mông ta không được đi học như các cháu bây giờ, cũng không có cái chữ viết riêng. Kinh nghiệm sản xuất, văn hóa phong tục, lời ca tiếng hát chỉ được truyền dạy từ người này sang người khác, từ đời trước sang đời sau. Nhưng người già thì chậm nhớ, người trẻ thì mau quên. Nhiều kinh nghiệm quý, nhiều bài hát hay, nhiều những câu chuyện xa xưa vì thế mà cứ rơi rụng dần.

Người có uy tín trong bản lại nghĩ đến bãi đá cổ linh thiêng. Thế là tìm người già hiểu nhiều biết lắm chuyện đầu chuyện cuối, chuyện trước chuyện sau. Lại chọn ra những thanh niên khỏe mạnh, thông minh và khéo tay. Đêm đêm, bên đống lửa bập bùng giữa bãi đá cổ mênh mông, người già thay nhau kể câu chuyện, kinh nghiệm quý, lời hát, câu tục ngữ, bài cúng của tổ tiên truyền lại. Thanh niên thông minh khéo tay thì vừa nghe lời kể vừa hình tượng từ lời kể thành hình khối rồi cứ thế dùng búa dùng đục mà khắc những tượng hình qua lời người kể lên phiến đá cổ. Cứ thế đêm này qua đêm khác, đời này qua đời khác, lời ý sâu xa của người được điêu khắc lên chín phiến đá cổ để con cháu đời sau nhìn vào hình khắc là đọc được, hiểu được lịch sử tộc người, biết được sự hình thành văn hóa, tính cách người Mông. Bãi đá cổ chính là những cuốn sách quý giá của người Mông Hang Chú ta đấy cháu gái ạ.

Qua ánh trăng đầu tháng nhờ nhờ như màu nước gạo ngâm, Dua thập thững lần xuống tảng đá to nhất trong bãi đá cổ. Ngày nhỏ Dua hay leo lên trên tảng đá ngồi thêu khăn. Tảng đá phẳng và rộng bằng cái chiếu to. Dua từ từ nằm xuống, đầu gối lên những đường hoa văn hình ruộng bậc thang. Gió và sương khuya từ dưới thung lũng ào lên mát lạnh khiến Dua thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Nhưng Dua vẫn không từ bỏ ý định tìm cái chết. Nắm lá ngón vẫn giữ chặt trong tay. Dua vặt đúng chín lá rồi cho vào miệng.

Giấc ngủ bỗng nhiên kéo đến. Dua cố gắng cử động hai hàm răng để nhai mấy chiếc lá ngón đã nằm gọn trong miệng, nhưng cơn buồn ngủ như nhấn chìm Dua xuống. Dua cố căng đôi mắt ra nhưng càng cố gắng thì mắt càng lịm dần rồi ríp lại. Dua thấy mình trôi bồng bềnh vào một khoảng đầy sương trắng và gió khuya mát dịu…

Dua chợt tỉnh bởi tiếng đục đá chan chát đâu đây. Loàng choàng nhổm dậy. Lúc Dua tìm đến đây trên bầu trời mảnh trăng còn mỏng vẹt như chiếc lá rơi nghiêng, thế mà bây giờ trăng đã to tròn như quả mít rừng chín mõm ai mới bổ đôi. Ánh trăng sáng tỏ khiến Dua nhìn rõ một cụ già tóc bạc trắng ngồi cách chỗ Dua không xa. Cụ già tay búa tay đục đang cặm cụi khắc những đường hoa văn kỳ lạ vào đá. Dăm đá từ vết đục bắn vào chân Dua ram ráp. Dua tiến lại gần, thẽ thọt:

– Cụ à, cụ từ bản gần hay bản xa mới đến hay sao mà con thấy cụ lạ cái mắt, xa cái nhìn. Đêm rồi sao cụ còn ngồi đây đẽo đá, gió lạnh thế này…

Cụ già không quay lại, vừa miết ngón tay lên vệt gân đá sâu hằn, vừa đận đà:

– Ta cũng là người của đất Hang Chú này. Hơn trăm năm trước ta là một trong những người trong đoàn người Mông di canh di cư tới đây để dựng bản lập mường. Cái đứa cháu dại này, sao mày lại tìm đến cái lá độc? Giàng cho cái vía, Chá, Nả(2) cho cái thân. Cháu gái không biết giữ lành cái thân, không giữ tròn cái vía lại tự làm mình chết thì sẽ không được đi đôi giày lanh về mường trời gặp ông bà tổ tiên. Không gặp được ông bà tổ tiên để xin đổi vía thì kiếp sau không trở lại làm người Mông nữa đâu cháu gái à.

Dua gục xuống cạnh cụ già thút thít kể phận mình. Cụ nhìn Dua nghiêm nghị:

– Nếu cứ gặp cái buồn mà đòi đi chết thì một đời người phải tìm chết bao nhiêu lần. Chết thì dễ thôi, chỉ nhai vài cái lá ngón là xong rồi. Nhưng muốn sống được thì khó đấy. Người Mông ta cả một đời phải du canh du cư núi cao vực thẳm, gặp đủ nguy hiểm khổ cực. Có lúc tưởng không thể vượt qua, nhưng vẫn phải cố vượt qua chỉ để được sống. Và được hát, được du ca trên những đỉnh núi cao quanh năm mây trắng. Đứa cháu có thấy không, cái lá độc làm cho người ta chết nhanh thì mọc khắp nơi, càng chặt đi thì nó càng mọc nhiều, còn cái lá để chữa bệnh cho người, để người được sống lâu thì phải lặn lội rừng sâu núi đỏ may mắn mới tìm được một cây một nhánh. Sao đứa cháu không chịu đi tìm cái lá phải vất vả mới có mà lại hái cái lá chẳng mất công kiếm tìm?

Dua càng khóc to hơn:

– Nhưng cháu lấy chồng mà không có được con. Không có được con thì cũng như cây sơn tra không biết mọc ra quả ngon quả đẹp. Người ta cũng sẽ chặt bỏ thôi

Cụ già đưa bàn tay gân guốc đặt lên đầu Dua. Dua thấy một luồng nóng ấm từ bàn tay cụ chạy dọc khắp người. Cảm giác nhẹ nhõm khiến Dua như quên hết mọi chuyện buồn. Cụ già đẩy Dua về phía trước, đận đà:

– Về đi…về đi cháu gái của ta. Cái gì có rồi sẽ có thôi…

Dua thấy mình như trôi trong sương đêm mát rịm. Mặt trăng tròn như trái mít rừng chín ai bổ làm đôi chênh chếch trên đỉnh núi Nậm Lộng đang nâng Dua bay lên cao, cao mãi…

– Dua à, tỉnh lại đi. Dua mà chết thì tôi cũng chết theo thôi…

Tiếng gào nghẹn thất thanh khiến Dua bừng tỉnh. Dua mở mắt nhìn quanh. Trời đã sáng từ bao giờ. Không thấy cụ già ngồi đục đá mà chỉ thấy Tạng đang ôm Dua lay gọi. Thì ra Dua vừa trải qua một giấc mơ.

– Sao anh Tạng không ở nhà với vợ mới vợ đẹp đi, còn tìm tôi làm gì.

Dua ngồi dậy, đẩy Tạng ra giằn dỗi.

Tạng vẫn ôm ghì lấy Dua. Tôi không ưng lấy đứa gái mẹ mang về làm vợ nên mẹ đuổi tôi ra khỏi nhà rồi. Mẹ đã đuổi rồi thì chúng mình không về nhà nữa. Tôi có thằng bạn tốt ở bản Pá Hốc. Nhà nó nhiều nương lắm. Lại có lều to ngoài nương. Tôi định đưa mình sang đó mượn nó cái nương để làm cái lều ở tạm. Rồi mình lo việc nương rẫy, tôi xin xuống làm thuê ở hợp tác xã rượu Hang Chú. Bao giờ có đủ tiền thì mình sẽ mua đất làm nhà.

Dua nhìn Tạng, thấy cái giận trong lòng đã tan loãng theo đám mây trắng xốp trên đỉnh núi Hua Noong.

Cầm tháng lương đầu tiên, Tạng thấy lòng rạo rộn. Đi làm ở hợp tác xã rượu không phải vất vả như làm nương làm ruộng mà tháng nào cũng có tiền thế này thì chẳng mấy vợ chồng Tạng sẽ mua được đất, dựng được nhà. Tạng nghĩ thế và vui sướng bước thật nhanh để đem số tiền lương về khoe với vợ.

Từ chân dốc nhìn lên, thấy căn lều tối om. Sao giờ này Dua còn chưa đi nương về. Không phải, mọi lần vào tầm này Dua đã về nấu cơm và thái chuối cho lợn cho gà rồi. Linh cảm có chuyện gì không lành, Tạng chạy như lao lên nhà.

Dua mệt mỏi, xanh rớt nằm rũ như tàu lá trên giường. Tạng hốt hoảng ôm lấy vợ. Dua ơi, làm sao thế này? Bị đau chỗ nào à? Hay bị con gì cắn…

– Không biết em bị bệnh gì mà mấy hôm nay ăn gì vào cũng bị nôn thôi. Người thì như không còn cái xương, cái sức nữa.

Tạng cuống hết cả lên, vội chạy sang nhà anh Mùa mượn cái xe máy rồi đưa Dua xuống trạm y tế xã.

Sau khi khám cho Dua, nữ bác sỹ trẻ gọi Tạng vào, mỉm cười. Chúc mừng anh chị nhé. Chị nhà có bầu nên ốm nghén thôi, không bị bệnh gì đâu.

Tạng đứng ngẩn ra. Bất ngờ Tạng nhào đến ôm chầm lấy bác sỹ khiến bác sỹ giật nảy, vội đẩy Tạng ra, đỏ bừng cả mặt. Tạng chợt nhận ra sự vô duyên của mình. Quýnh quáng xin lỗi bác sỹ rồi nhào đến ôm lấy vợ.

Bây giờ thì Tạng và Dua cứ ôm nhau mà khóc. Bác sỹ hiểu tâm trạng hai vợ chồng nên ý tứ đi sang phòng bên để cho những giọt nước mắt hạnh phúc được vô tư lăn trên hai đôi má mỏi mòn.

Dua sinh con vào đêm trăng sáng nhất. Mặt trăng tròn như trái mít rừng chín bổ đôi. Nhìn trăng qua đầu đốc căn lều thông thống, Dua lại nhớ đến giấc mơ có đầy trăng sáng ở bãi đá cổ hôm nào.

Thằng cu Dua sinh trắng và bụ bẫm như cục bánh giày chưa nặn. Nhìn nó suốt ngày ê a, chân tay lẳn tròn thắt ngấn, ai ghé chơi cũng phải đòi được bế  nó một lúc, cắn vào cái má bầu bĩnh thơm phức mùi sữa của nó vài cái.

Tạng vừa dênh dênh thằng bé, vừa thủ thỉ bảo Dua:

Nả bắt tôi lấy vợ mới chỉ vì mình không đẻ được đứa cháu cho nả. Bây giờ có thằng Chư rồi, nả sẽ vui lắm, sẽ quý Dua lắm. Mình đem con về khoe cái vui lớn này cho Chá, Nả nhé.

Dua không muốn về, nhưng không về thì sợ người bản gần bản xa lại nói ra nói vào, sợ người ta lại nghĩ xấu bố mẹ chồng, lại sợ Tạng sẽ buồn. Rồi thằng Chư, nó là người nhà họ Thào thì phải cho nó về để ma tổ tiên nhận mặt cháu đích tôn của dòng họ. Nghĩ thế, Dua gật đầu. Cái gật đầu như một sự buông xuôi sau tiếng thở dài cố nén…

Ông Pó cứ quýnh cả lên. Từ ngày về làm dâu, đây là lần đầu tiên Dua thấy ông vui và cười nhiều thế. Ông làm đủ các trò để nô với thằng bé, rồi hai ông cháu nhìn nhau cười re ré.

Bà Pàng thậm chí còn không thèm nhìn mặt thằng cháu nội. Bà vẫn nguýt  Dua với ánh mắt xéo lạnh và giọng bà vẫn rin rít như liếc con dao vào hòn đá mài. Mày định biến nhà này thành cái tổ chim chích để nuôi con cho loài tu hú à dâu vàng dâu bạc. Mày cũng là con chim tu hú rồi. Cái đêm mày chạy ra khỏi nhà thì mày đã không còn là dâu họ Thào nữa. Đêm ấy mày đi đâu? Có người bảo thấy mày đi cùng một thằng trai lạ vào ngủ chung ở cái lều trên nương xa. Đứa con hoang này là của mày với thằng trai lạ ấy. Chỉ có thằng Tạng mắt mờ như mắt cá chết mới bị mày lừa, chứ tao ăn muối còn nhiều hơn mày ăn cơm, đừng tưởng tao là con chim chích.

Tạng không tin những lời vừa rồi là của mẹ. Tạng vừa đi giật lùi về phía Dua, vừa bặm môi như cố nén một cơn giận. Mẹ nói không đúng cái bụng. Đêm ấy con đuổi theo Dua, đi cùng Dua mà. Dua còn định ăn lá ngón đấy…

Ông Po đang nô với thằng bé. Lời của bà Pàng như lửa cháy dưới chân, cháy vào tận trong bụng. Ông đứng phắt dậy. Mặt ông đỏ bừng rồi tái xám lại. Mắt trợn trừng, đòng đọc. Ông bước như lao về phía bà Pàng. Bà không phải là con người nữa rồi. Bà là con rắn độc. Nhưng con rắn chỉ làm cái ác chứ không biết nói cái ác. Còn bà thì vừa nói cái ác vừa làm cái độc. Bà là con ma rừng biến thành người để vào làm hại họ Thào nhà tôi rồi.

Rồi ông lao vào nơi thờ ma nhà. Ông lấy một mảnh giấy dó đặt cạnh ban thờ. Mảnh giấy có màu vàng nhạt được làm từ bột tre do chính tay bà Pàng làm. Giấy để dành chỉ để làm cúng. Ông cầm mảnh giấy hầm hầm đi về phía bà Pàng. Bà Pàng còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì ông đã lấy mảnh giấy vỗ mạnh vào cổ tay bà, rồi bằng một sức mạnh của sự tức giận tột cùng, ông lôi tuột bà ra khỏi bậc cửa, khiến bà mất đà, ngã dúi xuống trước sân.

Cơn giận trong người ông Pó vẫn như một ngọn lửa lớn. Ông nhào vào ban thờ, vớ thêm một mảnh giấy dó dài đem dán ngang bậc cửa. Từ bây giờ bà không còn là dâu nhà họ Thào, không phải vợ tôi nữa, không được bước vào bậc cửa này nữa. Nếu bà bước vào nhà này thì cũng như con rắn độc. Con rắn độc vào nhà sẽ như thế này. Vừa nói, ông Pó vừa rút xoạt con dao nhọn treo trên vách chém mạnh một cái. Mảnh giấy trên bậc cửa đứt làm đôi.

Sự việc diễn ra quá nhanh, đến khi nhìn con dao mèo nhọn hoắt cắm phập xuống bậc cửa, bà Pàng mới hiểu ra mọi chuyện. Bà rú lên…

*

Bây giờ thì bà Pàng lang thang vật vờ trong đêm. Bà thấy mệt và đói. Đói đến rủn rữa cả chân tay. Bà thèm được trở về bên bếp lửa ấm, thèm nắm xôi nóng hổi ăn kèm với miếng thịt chuột rừng nướng từ tay đứa con dâu mà bà ghét hơn cả cái lù cở rách vẫn làm cho bà ăn mỗi bữa. Nhưng tất cả đã trôi tuột đi, nhanh như cành củi khô gặp cơn lũ núi.

Có tiếng hú gọi từ phía xa. Là tiếng của thằng Tạng và cái Dua đang tìm gọi bà. Bà Pàng bỗng thấy hồi hộp và chờ đợi. Bà đợi và mong được nghe tiếng hú gọi của chồng. Chỉ cần ông ấy hú một tiếng gọi tên bà là bà sẽ quay lại, sẽ bước vào cửa nhà họ Thào và vẫn sẽ là người quyền lực nhất trong gia đình. Bà ngồi xuống một gốc cây, dỏng tai lên mà nghe, chờ đợi và hi vọng.

Con gà rừng đã gọi đêm lần thứ ba. Vẫn chỉ nghe tiếng hú gọi thảng thốt của con trai và con dâu. Bà vịn gốc cây đứng dậy. Bà chợt hiểu. Bây giờ trong mắt chồng, bà chỉ như bát rượu ngô đã bị đổ xuống con suối Tỉn Phai cuồn cuộn. Có múc lại thì cũng chỉ là một bát nước đục ngầu.

Bà thất thểu đi mãi vào đêm.

Trong gió khuya hun hút.

Kiều Duy Khánh