Chuyện bà Hai Bóng Cái sắp gả con gái đang là chuyện ngồi lê đôi mách nổi nhất huyện trong khoảng tháng nay. Lý do mà chuyện này trở thành đề tài ồn ào như vậy, vì cả nhà bà Hai Bóng Cái đều là danh nhân của cái huyện này. Để nhiều chuyện thì bà Hai Bóng Cái sẽ gả cô Ba Xinh.
Cô ba Xinh thì khỏi nói rồi. Xứng đáng được nổi tiếng vì cô xinh. Cô ba Xinh đẹp nhất xóm Gà, nước da cô trắng nõn, dáng người dỏng cao, mái tóc cô dài mượt, từng sợi sáng lên trong nắng khi cô lái ghe đi chợ. Cô hay cười, mà nụ cười của cô dịu dàng như một ly nước dừa. Trai làng trên xóm dưới, cứ hay đứng dọc theo rạch Đuối mà dõi theo cô. Có cả một câu chuyện truyền kỳ là có một anh đang đứng trên ghe, vì mải ngắm cô mà té lọt sông. Sắc đẹp như vậy là gì nhỉ, không phải là nghiêng nước nghiêng thành, mà là nghiêng ghe đầu lộn xuống sông.
Nhưng người nổi tiếng nhứt trong cái nhà ấy lại là má cô, bà Hai Bóng Cái. Nói về bà Hai Bóng Cái thì không hết chuyện. Chuyện của bà có thể làm thành cả một sử thi của cái xóm Gà, thậm chí là cả huyện. Chuyện đầu tiên cho người mới biết về bà thì bà có gánh bánh canh bột xắt ngon nổi tiếng ở vùng sông nước này.
Bánh canh vịt của bà làm từ bột gạo, được nhồi thật kỹ, rồi cán mỏng bằng chai thủy tinh. Sau đó bà tỉ mỉ cắt thành những sợi đều tăm tắp. Thịt vịt là bà Hai chọn vịt ngon, nuôi thả đồng của ông Sáu miệt Rươi. Thịt vịt được chà sạch bằng gừng và rượu để khử đi mùi tanh, chặt nhỏ và ướp đẫm gia vị, rồi xào săn với hành và gừng để cho ra chất ngọt. Đổ vào nồi xào nước dừa xiêm, cho thêm hành tây, củ cải trắng, nấm rơm và mấy củ gừng nướng thơm. Thịt vịt được lấy ra, để nguội rồi một phần lấy bằm nhỏ cả xương để làm phần thịt vịt bằm. Bánh canh lúc này sẽ được đổ vào nồi nước dùng, nấu cho đến chín, nêm muối đường bột ngọt, chất bột tiết ra làm sánh quậy cả nồi nước đã thơm lựng mùi vịt. Khi bán, bà Hai sẽ múc hai vá từ nồi bánh canh đã nấu rất thấm vị, rồi thêm hành lá, hành phi, nấm rơm, vịt băm, vịt chặt, thêm một muỗng cốt dừa pha loãng rưới lên mặt. Ngồi lên cái ghế lụp xụp, cạnh con sông, chấm miếng thịt vịt vào chén mắm gừng trứ danh, húp một muỗng bánh canh trơn mịn vừa bùi vừa béo, hòa quyện với vị thanh mát của vịt và cay nồng của gừng là êm ái cả một buổi sáng. Êm ái như là mùi của những nắng mưa bồi bãi, của những cánh đồng hoang vắng xao xác tiếng vịt gọi đàn, của những hạt chiêm rơi vãi của vụ hè, của những hạt lúa ma theo nước nổi lên gần ba mươi mét.
Hồi xưa, bà Hai thường bán trên một cái ghe, đậu ở bến nước kế bên trường tiểu học Trần Quốc Toản. Sáng bà đưa hai đứa con ra đây học, rồi ngồi bán bánh canh tới khi rước về. Đến khi con bà chuyển ca sang học buổi chiều thì bà vừa bán vừa trông hai đứa nhỏ chơi ở bên bờ, khi con vào học thì bà dọn hàng, ngồi đợi tới chiều. Hai đứa nhỏ từ bé đã chơi dã ở cổng trường tiểu học ấy lớn lên thành anh Hai Thắng và cô Ba Xinh, đều thành người giỏi, người tài của cái vùng đất này cả.
Nếu chỉ có bánh canh vịt ngon nhức nách thì bà Hai Bóng Cái cũng không nổi đình nổi đám vậy. Điều khiến bà nổi tiếng nhất là vì bà Hai Bóng Cái thật ra là đàn ông. Là đàn ông rồi mà sao còn kêu bà. Cái này thì lũ con nít ở cổng trường Trần Quốc Toản năm xưa cũng chế ra một bài vè: “Nghe vẻ nghe ve, nghe vè Bóng Cái. Muốn làm con gái nên để tóc dài. Muốn làm con gái mà cổ có trái. Muốn làm con gái hòn dái cắt đi. Nghe vẻ nghe ve nghe vè Bóng Cái. Muốn làm con gái ngồi đái xe xe…” Mỗi khi đi ngang ghe bánh canh của bà, lũ con nít tiểu học lại nhao nhao hát lên như một bầy cóc kêu mưa, rồi cả bọn phá lên cười. Cái tên bà Hai Bóng Cái vì thế cũng gắn liền với bà.
Lần đó thằng Hai Thắng tức quá, lấy cái vá múc bánh canh của má nó rượt theo lũ con nít chạy mấy vòng cây phượng. Cũng xui là thằng Hai Thắng bị kỷ luật, hạnh kiểm xếp loại kém. Cái nó đòi nghỉ học luôn. Bà Hai Bóng Cái, lúc đó còn trẻ nên gọi là chị Hai, lấy roi mây rượt nó chạy mấy vòng bờ kênh. Cuối cùng thì chỉ cũng lôi đầu được thằng nhỏ đi học lại.
Nói đến Hai Thắng, mấy bà bán cá trong chợ Tây Thạnh lại chắc lưỡi. Cái thằng số khổ. Nó và con Xinh đều khổ. Ai mà không biết chị Hai Bóng Cái là con trai thì làm sao mà đẻ hai đứa con lớn tồng ngồng, chạy lông nhông đầu làng cuối xóm như vậy. Là con mồ côi cả đôi. Nghe nói ba là cuồn cuộn, mẹ là gái làng chơi. Nghe nói ba là lính chết trận, mẹ bỏ con theo trai. Nghe nói ba má của hai đứa bị hủi, chết bỏ con ở một góc chùa. Nhưng câu chuyện nào cũng kết thúc là chị Hai Bóng Cái dắt hai đứa nó về xóm Gà, huyện Châu Thành này, thuê một mảnh vườn của chị Tư Hồng, chống một cái ghe bán bánh canh từ đầu dòng kênh tới cuối dòng kênh.
Thằng Thắng thì hết phụ má bán cánh canh là nó ra chợ Tây Thạnh khuân vác. Cái thằng đẹp trai lắm. Khi đó, nó mười bốn tuổi, đẹp trai, láu cá, tính tiền số một, nó đứng bán cá mà miệng mồm dẻo quẹo, dì ơi dì ơi mua cá dì ơi, mới bắt buổi sáng thôi dì, dì coi nó quẫy đuôi mạnh chưa kìa, tôm là mới về, sáng mới lấy từ ngoài ao luôn đó, dì ơi, dạ, dạ, dạ. Con có vợ chưa. Dì ơi con mới mười bốn tuổi thôi. Ờ hén, râu còn chưa mọc mà lấy vợ cái gì. Thôi dì có đứa con gái nè, mày có muốn lấy không. Dì lấy thêm con cá nữa nấu canh chua cho con gái gì đi, cá lóc mới bắt đó dì, dì nhìn coi quẫy mạnh chưa.
Cái thằng mồm mép vậy, đẹp trai vậy mà dính vô lũ bạn bất nhơn. Chắc là lúc nó mười bảy tuổi nhỉ, theo mấy đứa bạn quậy phá lắm, lũ con ông Ba Bình, con bà Tám Gai cho vay nặng lãi đấy. Nhậu nhẹt hút chích. Giang hồ…Hồi đó hay mướn phim Hồng Kông, đấy tụi nó bắt chước làm mấy cái “Người trong giang hồ”. Chị Hai từng xách dao rượt nó khắp khu chợ này. Tao còn nhớ dáng bả chạy qua đây, cầm dao dí thằng nhỏ. Lúc đó tao thấy bả cũng đờn ông lắm. Thấy bả tóc dài, nói chuyện dịu dàng riết, tao nào có nghĩ có hôm bả rượt thằng Thắng có cờ như vậy. Rồi có một lần nó bị chém, để thẹo một bên mặt, máu chảy đầm đìa cả người.
“Tao nhớ lần đó. Thập tử nhất sinh. Trận chém nhau của bên Campuchia và bên ông Thái Gân. Dành địa bàn buôn thuốc lá lậu ấy. Thằng Thắng lúc đó theo phe ông Thái Gân. Bị mã tấu chém 3 nhát thì phải. Chém ở cầu Ông Mười ấy. Thằng đó nó cũng xui, vừa bị chém vừa bị đẩy lộn đầu xuống cầu. Hên là má nó nghe tin, quăng cả cái nồi bánh canh xuống sông rồi chạy te te ra đó. Chắc bả có căn với nó, ra đúng lúc thằng con té xuống sông. Máu lềnh ra một khúc kênh. Bả nhảy xuống cứu nó liền. Hên là công an tới dẹp kịp lúc nghe, không là thêm mấy thằng lộn cổ xuống sông ấy.”
Bà Tám vừa phe phẩy quạt đuổi mấy con ruồi đang vo ve vào mấy miếng thịt đùi mới cắt, vừa vỗ đùi đen đét kể cho bà Sáu nghe chuyện như thể cảnh chém nhau long trời lở đất trên cầu Ông Mười ấy đang hiện ra trước mắt bà. Bà Sáu là người mới tới chợ được ba năm thôi, nên chưa nghe hết truyền kỳ của cả nhà này, mắt cứ tròn lên dẹt xuống theo câu chuyện. Bà Tám thấy vậy thỏa mãn lắm.
Chị Thảo bán thịt bò kế bên cũng tiếp chuyện.“Nghe nói lên bệnh viện huyện. Mà chị Hai không phải là má ruột của thằng Thắng, mà lại đàn ông, nên bệnh viện không tin là thân nhân của nó.”
“Ừ…Nghe đâu lúc đó mượn của chị Tư Hồng cả cây vàng để thuốc thang chạy chữa ấy.”
“Ê chị Tư kìa…”“Chị Tư ơi, thịt bò của em hôm nay ngon lắm. Dạ em cắt cho chị một ký. Dạ dạ. Thằng Thắng con chị Hai từ Campuchia về. Có dẫn theo vợ con nữa. Dạ để em cắt miếng ngon nhứt cho chị. Chị qua sạp nhỏ Lan, mua thêm bông bí. Xào một dĩa thịt bò bông bí là ngon nhức nách.”
“Đúng rồi, thằng Thắng thích ăn ếch lắm. Hồi đó, nó hay bắt ếch kiếm tiền phụ má rồi ra đây bán cho em mà. Hồi trước khi nó bị sẹo, hiền lành giỏi giang lắm. Mà đẹp trai hết sảy luôn chị. Ếch em mới lột da thôi. Chị mang về xào lăn là ngon phải biết. Dạ chị. Hôm đám tất nhiên em qua rồi.”
“Rồi anh tính giải quyết hai đứa nhỏ này làm sao? – “Thì chị làm mẹ của hai đứa nó.” Bà Tư Hồng vừa lái ghe vừa nhớ về cái ngày mưa xao động đó. Anh Hai Thanh dẫn theo hai đứa con của anh Ba Chân và em Năm Linh đến kiếm bà. Lúc đó, bà đã không nhận ra anh. Đâu rồi cái anh nhạc sĩ đàn nhị đẹp trai nhất đoàn cải lương Thanh Hồng. Đâu rồi người anh trai nuôi hiền lành của bà, lúc nào cũng khâu lại mấy cái áo của lũ em trong đoàn hát, người đã từng chia cho bà một lon xá xị, người đã đứng đợi bà trong một cơn mưa hoang hoải giữa cánh đồng vừa gặt. Đâu rồi người đàn ông mà khi mười bảy tuổi, bà đã nắm tay hỏi anh có muốn lấy em không? Trước mắt bà là một người phụ nữ tóc dài tha thướt, chỉ có đôi mắt ướt của anh và nụ cười hiền lành với chiếc răng khểnh gợi cho bà nhớ về người anh trai mà bà đã yêu mến ngày nào.
Đó là đoàn cải lương giang hồ, sống trên hai cái ghe dọc ngang vùng sông nước. Ông chủ đoàn là tên Thanh Chân, cưới cô đào tên Hồng Linh, ông bà không con không cái nên trên đường đi đã nhặt bốn đứa trẻ mồ côi về đặt tên là Thanh, Chân, Hồng, Linh. Anh Hai Thanh là theo ông bà từ khi mới lọt lòng, còn mấy đứa còn lại, là được nhặt trong các chợ khác nhau ở những tuổi khác nhau. Trong đó anh Chân là lớn nhất, dù ảnh chỉ đứng thứ ba. Ông bà cũng hết lòng truyền dạy ngón nghề của mình cho bốn anh em, xem họ như con cái mà cũng như đệ tử: anh Thanh học nhị theo ông chủ đoàn, còn 3 người còn lại thì học hát, học quyền, kế thừa y bát của cô đào.
Bà Tư Hồng còn nhớ rõ từ nhỏ anh Thanh đã hay giả gái. Chú Thanh Chân hay nạt anh không được mang xuyến châu của dì Hồng Linh. Đỉnh điểm bà còn nhớ rõ có một lần anh Thanh lén trang điểm rồi mặc áo tì nữ của bà, đứng trong ánh trăng, ở đầu con thuyền hát Mị Châu Trọng Thủy. Chú Thanh Chân lúc đó bắt gặp, liền lấy roi mây đánh cho anh Thanh trận thừa sống thiếu chết.
“Lúc đó chú Chân đánh chị, vừa đánh vừa nói. Mày đã khổ rồi con, tao đánh để mày nhớ, để mày chừa, mày đừng muốn làm con gái nữa. Đời mày đã khổ rồi, đừng tự rước cái khổ về mình nữa.” Chị Hai ngồi chặt vịt nói với bà Hồng như vậy, trong một đêm cúp điện, chỉ leo lét một ngọn đèn dầu. Bà Hồng nhìn mái tóc dài của chị Hai rồi lại thở dài.
“Chú Chân nói đúng. Chị tự chuốc bao nhiêu khổ cực vào mình.” – “Đâu có em, sống với hình hài của một người con trai mới là đau khổ của chị. Chỉ là chị đã không nghĩ kỹ cho hai đứa nhỏ. Tụi nó có một bà mẹ không ra một bà mẹ.”. Vịt được đảo nhanh trên chảo, mùi gừng thơm bốc lên ấm áp cả một đêm tối không trăng sao, không ánh điện. Tối như đêm bà Hồng bắt gặp anh Thanh mang tóc giả đứng ở bến sông. Rồi bà thấy anh Chân ra ngồi cạnh. Giữa họ là một vùng tối lặng im. Con sông trước mặt đen ngòm. Bầu trời thì lưa thưa sao. Trên bờ, những hàng cây sáng sớm còn đượm xanh, giờ chỉ là những hình thù âm u ảm đạm. Rồi đom đóm từ đâu bay lên dày đặc cả một khúc sông. Em Linh ngồi xuống cạnh bà, tựa đầu vào vai bà, như cách anh Thanh tựa đầu vào vai anh Chân. Em nói rất nhẹ, chỉ đủ cho bà nghe: “Nếu anh Thanh thì con gái thì tốt quá. Anh ấy và anh Chân thật đẹp đôi.”
Một hạt đom đóm bay đến trước mặt em Linh, soi một khuôn mặt bé nhỏ nhưng rực rỡ như một đóa phù dung. Bà Hồng đã thở dài, trong số bốn đứa trẻ chỉ có bà là không tài năng, không nhan sắc. Cũng trong đêm tối rợp trời đom đóm đó. Bà đã quyết định ở lại vùng đất này, quyết định chôn chặt tình cảm của mình với người anh trai, vì khi bà nắm bàn tay mảnh khảnh của anh trên cánh đồng đầy gió ấy. Anh đã nói với bà: “Xin lỗi em, chắc cả đời này anh không làm được.”
Chú và thím hay tin, dù tiếc nuối, vẫn ủng hộ bà, đặt vào trong tay bà hai cái vòng vàng làm của hồi môn. Rồi họ nhờ người mai mối, tìm cho bà một tấm chồng đàng hoàng ở Xóm Gà. Ngày cưới, anh Thanh và anh Chân đã cùng trình diễn bài “Thương bạc mái đầu” mà anh Thanh đã sáng tác.“Thương nhau bạc cả mái đầu/Hẹn nhau một kiếp vui sầu có đôi.”
Đó là lần cuối bà thấy anh Thanh trong dáng hình của đàn ông. Sau này bà chỉ còn thấy chị Thanh, người chị tảo tần nuôi hai đứa con. Đêm hè thức đêm quạt mát, ngày mưa đưa đón đến trường, giặt đồ, gánh nước, miếng ăn cho mình mỗi ngày là nước bánh canh thừa trong nồi, còn cho con là nào thịt nào rau, nào tôm nào cá. Vậy mà có người ác nhân đặt cho chị Hai cái tên Bóng Cái. Cái tên đã đeo đuổi và phá hoại hết những gì mà chị đã tảo tần đánh đuổi. Bà Hồng thấy tức cho chị, có lần bà còn tính chửi những bà bán đồ nhiều chuyện ở trên chợ huyện
“Không có gì đâu em. Người ta muốn nói sao thì nói.”. Người chị đó đã kiên cường đến vậy cho đến một lần bà nghe tiếng thằng Thắng chửi chị: “Bà là đồ bóng lại cái.”
Rồi cái ngày xôn xao của xóm Gà cũng đến. Từ hôm trước, một cái cổng long phụng kết bằng hoa quả và lá dừa đã được dựng lên. Đám cưới ở miền Tây thường bắt đầu vào chiều hôm trước. Mọi người đến bày tiệc ra vườn. Đều là người thân quen cả. Là chú Sáu miệt Rươi, là thầy chủ nhiệm hồi Ba Xinh học cấp ba, là bà Sáu, bà Tám, bà Bảy ở khu chợ Tây Thạnh, là tụi bạn giang hồ một thời của thằng Thắng, bạn làm ăn ở Campuchia hiện tại, là đoàn khách từ tiệm làm tóc của Ba Xinh ở Sài Gòn đi hơn một trăm năm mươi cây số để dự tiệc. Bên nhà trai đến mười mấy người. Chỉ tiếc là bên nhà gái lại không người quen thân thích. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đầy năm bàn, trải lên khăn đỏ, bày ra chén dĩa.
Món đầu tiên là gỏi tai heo càng cua, chả long phụng, chả giò. Món thứ hai là bò xào bông bí. Rồi bánh canh vịt ngon nhức nách của bà Hai. Trái cây, chè trôi nước. Từng món dọn lên, chén chú chén anh. Rồi tới tiết mục văn nghệ. Những tràng pháo tay vang lên ầm ĩ khi có một giọng ca miệt vườn lên hát.
“Má..!!! Xinh nhìn người mà mình đã gọi là má đang đứng trong bếp. Má đang nấu nồi bánh canh vịt thứ hai. Ờ, má nấu nồi này, để tối. Mấy ông mấy bà còn ngồi đó đến tối. Anh Sáu chưa uống đến tóc dựng lên thì ảnh chưa có về đâu. Còn chị Vân, chị Cúc, bà Tư Lậu, nhìn vậy thôi mà uống ghê lắm.”
Tóc má đã bạc, khuôn mặt khắc khổ hằn lên những nét thời gian. Xinh còn nhớ má rất thích gội đầu bằng bồ kết, nên tóc má ngày xưa đã từng đen mượt lắm. Da má cũng trắng. Có một hôm khi má ôm Xinh trong lòng, Xinh đã ước má mình là con gái thiệt. Nếu là con gái thiệt thì sẽ không có ai nói Xinh là con gái của đồ bóng cái. Nhưng Xinh biết, dù má là gái hay là trai thì Xinh cũng thương người đã thức hằng đêm chăm khi Xinh bệnh, tặng cho Xinh cái kẹp tóc hình con bướm, dẫn Xinh đi hội chợ, cùng Xinh đi bắt ễnh ương trong ngày mưa tối tăm, làm cho Xinh chiếc đèn lồng bằng lon sữa bò.
“Đi, má dẫn con đi đón ông trăng.” Má dẫn theo theo đèn, mang theo cái đàn nhị mà má hay lau mỗi dịp rảnh rỗi. Hai cái đèn bằng lon sữa bò dắt hai má con băng qua một vùng nhờ sáng trong ánh trăng. Má Hồng đứng đợi má Thanh ở gốc xoài, nơi hai má có dựng một cái phản. Gần chục chiếc đèn được treo sẵn lên. Trong ánh sáng leo lét mờ mịt mà bập bùng của một đêm trung thu, má Thanh kéo một khúc đàn. Tiếng đàn nhị vang lên thê thiết. Tiếng má Hồng vang lên dịu dàng. Má Hồng hát hay lắm, cũng như má Thanh kéo đàn hay lắm. Mỗi khi hai má đàn hát là Xinh như thấy cả khu vườn sáng lên, như muôn vàn côn trùng cũng xách đèn lồng ra ngồi nghe hát, còn Xinh thì chạy tới chạy lui đốt nến cho những chiếc đèn bị tắt. Tất cả mọi sinh vật hình như đều đến để ca múa chỉ trừ anh Thắng.
Mọi người đều biết anh Thắng đứng trốn sau gốc ổi. Xinh thấy má lúc nào cũng làm cho anh Thắng những cái đèn to nhất đẹp nhất, mà anh cứ để ở đầu giường. Anh Thắng không thân với má, anh hay nắm tay Xinh rồi thở dài. Khi lớn lên, Xinh biết, anh Thắng nhớ mặt của ba má ruột nên trong lòng anh không thể nào có thêm má Thanh. Nhưng đối với Xinh, má Thanh, má Hồng, anh Thắng, mảnh vườn đầy hoa trái, chiếc ghe bánh canh, cây đàn nhị, đó là hình ảnh của một gia đình.
“Má…hôm nay con có mang thuốc nhuộm về. Để con nhuộm tóc cho má nhé” “Ừ”. Lần đầu cô Ba Xinh nhuộm tóc cho má Thanh là chuyện của năm năm trước khi vừa học xong nghề hớt tóc ở trên huyện. Cô Ba chảy mái tóc đã luống bạc của má, đổ vào chất thuốc nhuộm đen huyền. Mùi thuốc bốc lên xao xác hòa lẫn vào mùi của khu vườn đang ở giữa mùa hoa nhãn. Mái tóc từng thơm hương bồ kết rất dày rất mượt của má Thanh giờ nằm gọn trong tay cô. Mỏng manh như đời của má.
“Má…con sẽ lên Sài Gòn…Con không muốn ở lại đây nữa.” “Ừ. Má có mấy dì đang làm đoàn lô tô trên đó. Con chắc nhớ dì Lựu với dì Sen đúng không? Mỗi lần có dịp đoàn về thì hay ghé qua chỗ má ăn đó. Má sẽ gửi con lên đó. Mấy dì tốt lắm…”Xinh dội lên đầu má những gáo nước trong. Rồi cô đổ lên một ít dầu gội bồ kết. Từng ngón tay len vào tóc má, như những chiều hè hai má con gội đầu cho nhau.
Có một lần đang gội đầu, nghe tiếng anh Thắng la thất thanh“Má…má…có con rắn.” Đó là lần đầu tiên anh Thắng gọi má Thanh là má.
“Sau đây…Má của chú rể Nguyễn Chiến Thắng. Bà Nguyễn Ngọc Thanh sẽ biểu diễn một bài…Thương bạc mái đầu…Mời quý vị cho một tràng pháo tay.”
Thật ra thì trước khi có cái đám gả con xôn xao cả huyện của bà Hai Bóng Cái cho cô ba Xinh, thì còn đám cưới vợ mà bà Hai tổ chức cho thằng Thắng. Cái thằng mất dạy, bỏ đi mà không nói một lời. Ngày nó đi, nghe nói chị Hai đã tất cả chạy lên bến xe huyện để kiếm nó, nghe nói cả tháng đều đi hỏi khắp nơi. Rồi nó gửi thư về, nói là đi Cam-bô-chia. Chị Hai chỉ tức ốm một trận gầy xộp cả người.
Vậy mà năm năm sau, nó quay về, mang theo một người con gái. Cũng đẹp lắm. Là trai tài gái sắc. Hơi tiếc là thằng Thắng bị cái sẹo phá tướng đi. Cái đám cưới đó, từ lúc gửi thiệp mời đến lúc tàn tiệc mấy hôm vẫn còn là đề tài câu chuyện. Chưa bao giờ thấy đám cưới nào mà pê đê dập dìu như vậy. Như thể pê đê của cả sáu tỉnh tụ hội về đây. Pê đê mà, ca hát nhảy múa ba ngày ba đêm. Đẹp lắm, ai cũng đẹp cũng trắng, cũng sang cả. Tất nhiên là vui rồi. Nhưng bất ngờ nhất là chị Hai Thanh và chị Tư Hồng. Ai mà ngờ hai bả đàn hát hay đến vậy.
Chị phải thấy dáng chị Thanh trong bộ áo dài tím, ngồi kéo đàn cho chị Hồng hát. Hay lắm mê lắm, cả đám vỗ tay rần rần. Ai cũng khóc cả. Chị Thanh đã khóc nhiều nhất trong cái đám cưới đấy.
“Má cảm ơn con vì đã lựa chọn bước vào nhà của má. Má cảm ơn con đã yêu thằng Thắng mà chọn lấy nó. Thằng Thắng nó cộc tính, nhưng nó là thằng hiền lành, tốt bụng. Nếu không phải là do má, nếu lúc đó không phải má khăng khăng một mực đòi nuôi hai anh em tụi nó chắc là số phận tụi nó đã khác lắm. Là má nợ thằng Thắng rất nhiều. Má hi vọng con sẽ yêu thương nó. Đây là hai cái vòng vàng của ba má ruột tụi nó. Còn đây là bốn cây vàng má tích góp từ lúc về đây. Con giữ lấy làm vốn làm ăn.”
“Má cảm ơn mày vì đã yêu thương con Xinh. Con Xinh nó là đứa rất tình cảm. Còn má thì má mày rất dữ. Má từng rượt mấy thằng du côn dám đái vào ghe của má chạy mấy bờ kênh. Cho nên mày mà không cẩn thận làm con má buồn lòng thì mày chết với tao nghe không?”
“Em cảm ơn anh Chân vì đã để lại cho em hai đứa trẻ tuyệt vời này. Em hứa sẽ nuôi tụi nó lớn khôn nên người. Cám ơn em Linh vì đã sinh ra hai đứa. Chị hứa sẽ bao bọc nó như chính mình đã đẻ ra tụi nó. Chị sẽ vừa là mẹ vừa cha của hai đứa nó. Hương hồn hai em ở trên trời hãy phù hộ cho hai đứa lớn lên bình an khỏe mạnh.”
Đom đóm từ đâu tràn ra cả khúc sông. Con sông ngàn năm lặng lẽ ở vùng châu thổ này như khoác lên mình một tấm áo dệt bằng ánh sao trời, Thanh nghe ở đằng xa, tiếng lũ trẻ con đi bắt đóm, cứ rúc rích vang lên. Mái tóc giả rất dài mà Thanh vừa đội cứ bay nhẹ theo cơn gió dịu dàng của đêm. Thanh đã đứng ở bến xuồng. Ở bến chỉ có một chiếc xuồng ba lá đang nằm trơ trọi. Thanh thấy mình cũng giống như một chiếc thuyền ấy. Thanh đã tô son, và phủ lên mặt một lớp phấn rất mịn. Thanh nghĩ mình đã rất đẹp rồi, rất đẹp để kết thúc cuộc đời của mình.
“Anh định làm gì vậy?” Tiếng của Chân vang lên phía sau Thanh. Trong ánh sáng của muôn ngàn đom đóm, tiếng gọi tha thiết ấy khiến lòng Thanh quặn đau. Thanh biết mình sẽ không thể ra đi. Vì người con trai phía sau mình, vì trong lòng của Thanh còn những điều chưa thể nói ra.
“Đừng làm vậy. Em đã đọc bài nhạc anh viết rồi. Hay lắm. Nhưng tiêu cực quá. Anh phải viết vui lên chứ. Dù là đau khổ hay hạnh phúc thì vui lắm mới thương đến bạc mái đầu được chứ“Thương nhau đến bạc mái đầu/ Mà sau để lỡ cau trầu cho nhau.”
Chân nắm lấy tay anh. Bàn tay của Chân ấm lắm. Nếu anh Thanh là con gái, thì Chân sẽ cưới anh Thanh làm vợ. Hứa nhé. Hứa .
Ryan Phạm
Bài viết liên quan: