- Có làm đĩ chín phương thì nhớ chừa một phương lấy chồng.
Câu nói khiến tôi sững sờ. Tưởng như hàng trăm mũi dao đang xoáy sâu vào lòng. Người ta có thể chết vì một câu nói, tới giờ tôi đã tin điều đó…
Trước mắt tôi là khung cảnh phố xá lên đèn với hàng trăm chiếc xe xuôi ngược chật kín con đường. Giờ tan ca, mọi người vội vội vàng vàng. Thay bộ đồ đồng phục khoa bằng áo sơ mi chân váy đỏ thẫm, tôi bước thiệt nhanh ra khỏi ký túc xá tới nơi làm thêm. Quán lẩu dê nằm ở phía đối diện trên cùng một con đường với trường đại học của tôi. Đi bộ chừng năm phút. Ca làm bắt đầu từ năm giờ chiều và kết thúc lúc mười một giờ đêm. Dọn dẹp quán xong xuôi và họp cuối ca khi gần sang ngày mới.
Chúng tôi chia công việc trực theo ngày. Hầm bà lằng những thứ nhân viên phục vụ cần làm trước ca như quét nền, lau bàn, xếp ghế, lau ghế, lau chén ly, cho đũa khô vào bao giấy, xếp chén đũa lên bàn, cho tăm vào từng hũ đựng, múc sa tế vào đầy hũ nhựa, chia nước chấm từ thùng lớn sang bình xịt nhỏ, cắt chanh ớt vào đầy hộp nhựa,… Cần đảm bảo trước khi khách tới, các tủ đựng đồ dùng có đầy đủ chén, tô, ly, đũa, muỗng, vá, ống hút, xô đá và kẹp gắp đá, các loại nước chấm, tương ớt, chanh ớt tươi. Và quan trọng nhất, mọi thứ được sạch sẽ, gọn gàng.
Chúng tôi nhanh chân chuẩn bị hết mọi thứ, còn dành thời gian ăn tối tại quán. Ngoài tiền lương tuỳ vị trí làm, quán bao một bữa cơm cho toàn bộ nhân viên. Cơm miễn phí ở chỗ làm thường khá dở và ngán. Ngon hay dở đối với tôi đâu quan trọng bằng chuyện đỡ được tiền ăn một bữa trong ngày. Có cơm ăn và ăn kịp trước khi làm là tốt rồi. Còn hơn để bụng đói chạy loăng quăng suốt sáu tiếng đồng hồ.
Không gian quán khá rộng, chia làm hai khu A và B. Khu A ở phía trước, có bốn lăm bàn nhỏ, mỗi bàn kê bốn ghế ngồi. Khu B nằm ở sân sau, khoảng mười ba bàn, cuối dãy được ngăn cách để làm chỗ sinh hoạt chung. Bên phải đặt tủ locker đựng đồ dùng cá nhân của nhân viên, bên trái là khu rửa chén bát. Quầy thu ngân và khu vực kho chứa bia nằm giữa khu A và B. Bộ phận phục vụ có mười một người gồm sáu nữ, năm nam. Mỗi người coi ngó năm bàn thuộc khu A, riêng khu B do hai người trực chung. Cứ thế xoay vòng khu vực trực theo ngày.
Trực ở khu A thường dễ gặp khách đi riêng lẻ, ra vào liên tục, dễ có tiền boa. Thi thoảng khách trở chứng, đòi hỏi đủ thứ, xả rác lung tung, nhậu xỉn ói mửa tùm lum mà chả cho đồng nào. Khu B hơi vắng, thường kê các bàn nhỏ thành dãy dài, dành cho gia đình đông người hoặc các nhóm bạn tổ chức tiệc tùng, sinh nhật hoặc công ty liên hoan… Họ ăn nhiều nên hoá đơn thu về cho quán cao hơn, nhưng tiền boa chẳng bao nhiêu. Những bàn khách như vậy phục vụ rất mệt, nhất là khi có thêm trẻ em. Nào rớt đũa muỗng, một bàn ăn rớt cả chục lần. Nào đồ ăn rơi vãi đầy nền phải quét dọn. Bọn trẻ cầm ống hút, hay đũa muỗng đánh nhau, dí chạy. Ồn ào và lộn xộn.
***
Trong quán, tôi thua tuổi anh quản lý, bếp trưởng, chị thu ngân và bồ chị. Chị thu ngân làm ở quán đã lâu, lời nói có trọng lượng nhất định. Cùng làm công ăn lương như nhau, nhưng có một số kẻ nghĩ mình “trên cơ”, tự cho bản thân cái quyền được sai bảo, bắt nạt người khác. Chị thu ngân thường lớn tiếng, hơi xẵng, chẳng ý tứ hay nể nang ai. Bồ chị lại ăn nói nhẹ nhàng và chưa bao giờ bực bội la lối.
Chị thu ngân có vẻ soi mói tôi. Chắc bởi tôi sở hữu “giao diện” khó gần. Lúc nói cười còn dễ thương, chớ hễ im lặng sẽ trông như đang quạu quọ. Mà tôi rất thích im lặng. Luôn phải nở nụ cười công nghiệp và trò chuyện xởi lởi với bất kỳ vị khách nào kể cả khó chịu đã đủ làm tôi kiệt sức. Tưởng như lúc nào cặp mắt chòng chọc của chị thu ngân cũng dán chặt lên người tôi. Ngoài thời gian chốt hoá đơn tính tiền cho khách, tính tiền bia và nhập hàng, chị có làm gì nữa đâu. Rảnh mà, cứ ngồi ở quầy quan sát cả quán rồi nói xấu người này kẻ nọ.
Vì lý do khó hiểu nào đó, bồ chị thích tò tò theo sau tôi hoặc sấn tới hỏi này kia, nói đủ thứ trên trời dưới đất rồi cười như được mùa dù câu chuyện khá vô vị. Chị nhìn tôi bằng ánh mắt bén ngót. Có khi nào chị lên cơn ghen, nghĩ tôi dụ dỗ bồ chị không? Mặc dù chưa cưới, hai người đã sống chung như vợ chồng. Cả hai cùng quê miền Trung với tôi, vì nhà nghèo bỏ học vào thành phố đi làm từ sớm. Chị giữ bồ kỹ lắm, đố ai dám ve vãn. Muốn yên ổn ở quán, tốt nhất đừng đắc tội chị. Chắc phải tìm cách nào đó thoát khỏi tình hình này sớm.
Làm chung chỗ, gặp nhau mỗi ngày, cần hoà đồng vui vẻ, tôi đâu thể đuổi anh ta đi chỗ khác. Thay vì tìm cách tránh né, tôi chọn kết thân với chị thu ngân. Vài bữa đi làm sớm, tôi mua cho chị ly nước mía, bịch bánh tráng trộn. Dư lon nước ngọt khách cho, tôi đem vào đưa chị. Thằng bạn thân mua hộp bắp xào hay cái trứng gà nướng để tôi ăn khuya, tôi chia chị một nửa. Tôi đã đoán đúng, những người ruột để ngoài da trông điệu bộ hung hăng vậy thôi chớ rất dễ lấy lòng. Chừng mươi ngày, chị thu ngân đã khoác vai ôm tôi nói cười vui vẻ như thân từ lâu lắm. Kể cả khi bồ chị hớn hở trò chuyện với tôi, chị cũng mặc kệ. Ánh mắt thù địch của chị đã di chuyển từ người tôi sang bé Diễm, nhân viên phục vụ khác của quán.
Diễm nhỏ hơn tôi ba tuổi, là sinh viên năm nhất Cao đẳng. Cao hơn tôi một cái đầu, chân dài miên man. Chiếc váy đồng phục tôi mặc chạm gối thì Diễm mặc tới nửa đùi. Diễm sở hữu ngoại hình nhiều đứa con gái ao ước. Vòng một căng tròn như chực chờ bung nút áo, vòng ba nẩy nở phồng lên dưới lớp váy đỏ thẫm, da trắng mịn màng, đường nét gương mặt thanh tú, môi mọng tô son bóng đỏ quyến rũ. Đã thế, giọng nói trong mềm như nước, tính cách cởi mở và dễ chịu. Bồ chị thu ngân ít trò chuyện với Diễm, chỉ chào xã giao đôi câu. Hình như anh ta không hợp làm bạn với cô gái này. Thiệt khó hiểu khi chị thu ngân vẫn theo dõi Diễm sát sao. Mà kệ, miễn sao họ đừng làm chi gây ảnh hưởng tới tôi.
Phần lớn thời gian tôi quay cuồng với công việc. Nào giúp khách gọi món, canh chừng gắp đá, khui bia, bày món. Nào dọn bàn, quét rác trên nền, xếp chén ly mới. Thực đơn có cả chục món nướng từ thịt, sườn, bắp, vú, dồi dê. Tụi tôi cần thay than đỏ, thay vỉ nướng, rồi đứng kè kè sát bàn để nướng đồ ăn cho khách. Nếu khách gọi món lẩu cần châm cồn, bật bếp, đợi nước sôi đập trứng vịt lộn cho vào, châm nước lẩu, canh xem khách có cần lấy thêm rau hay gọi thêm mì gói, tàu hũ ky. Kính thưa các loại việc phải làm. Đôi lúc, quán đông khách quá, bên kho chạy không kịp, tụi tôi còn tự mình bê từng thùng bia hai bốn chai ra bàn cho khách.
Thành phố về đêm rực rỡ, trăm ngàn ánh đèn nhấp nháy, đèn đường, đèn xe, đèn giao thông, đèn bảng hiệu. Ngoài đường náo nhiệt, trong quán đông vui. Đám nhân viên phục vụ cứ chạy lăng xăng rồi đứng yên ắng một góc. Từ chiều tới khuya, chúng tôi nhìn khách ăn uống, mọi chuyện đều xoay quanh các vị khách.
***
Bọn đàn ông tới quán nhậu rất khoái Diễm. Gái đẹp mà, nhìn thôi đã no con mắt, tự nhiên ăn uống cũng ngon miệng hơn. Diễm nhớ mặt điểm tên từng người “khách sộp”. Lần sau họ ghé lại, Diễm chăm chút kỹ hơn để được nhiều tiền boa. Thậm chí, vừa thoáng thấy bóng khách ở bãi dựng xe, Diễm đã đon đả chạy ra mời họ vào ngồi ở khu bàn mình đang đứng trực. Gặp các cặp đôi hoặc gia đình tới ăn thì Diễm hờ hững hẳn. Chuyện bình thường ở phố. Trong quán có hai nhân viên nữ khác cũng như Diễm. Khôn lỏi và dễ dãi. Những bạn nhân viên ít nhận được tiền tip thường sẽ tập trung làm cho xong phần việc của mình.
“Oẹ! Oẹ! Khạc… khạc… Phụt!” Lão khách già ngồi ở khu bàn của tôi vừa phát ra những âm thanh ghê tởm. Uống cho lắm vào rồi tuôn trào hết mọi thứ trong ruột ra ngoài. Lão ta lảo đảo đứng lên sau khi dúi mớ tiền lẻ vào tay tôi. Vừa đủ thanh toán hoá đơn lão ăn uống. Đức Anh – thằng nhóc phục vụ ở bàn bên cạnh nhanh chóng chạy lại dọn dẹp giùm đống hổ lốn mà lão khách xả ra trên bàn. Bồ chị thu ngân phụ giúp nhặt chai bia nằm lăn lóc khắp nơi, bê thùng vỏ vào kho. Tôi lẳng lặng dùng chổi quét lùa hết đống bầy nhầy trắng nhớt trên nền vào ky nhựa, đem đổ trong bao rác, rồi dùng cây lau nhà lau sạch sẽ. Vừa làm vừa nín thở. Chớ thử ngửi thứ mùi tanh tưởi khủng khiếp kia xem. Đảm bảo bụm miệng chạy vào nhà vệ sinh ngay. Thực tế cho thấy, một vài hiện tượng sinh lý của con người có khả năng lây lan như cười, ngáp và nôn ói.
Lúi húi quét dọn lau chùi, vừa ngước lên nhìn sang phía Diễm, tôi liền khựng ngay lại. Gã khách trung niên mặt đỏ như cà chua chín đang ôm trọn vòng eo của Diễm. Bàn tay to bè của gã nhích dần xuống dưới, xoa xoa bóp bóp bờ mông căng tròn, rồi nhích tiếp chạm tới cặp đùi trắng nõn. Hình như cái tay chuẩn bị thò vào bên trong. Tôi quay mặt đi chỗ khác. Đám đàn ông ngồi chung với gã bật cười hô hố, cụng ly chan chát.
Vài người khách ở bàn khác bắt đầu chú ý tới. Đám nhân viên xì xào. Đức Anh huýt sáo ra dấu gọi tôi, nở nụ cười nửa miệng. Diễm làm thế cũng được hả trời? Gã khách đó từng boa tôi khá nhiều tiền ở lần đầu ghé quán. Diễm “tia” được nên lần sau gã tới liền vồn vã chạy ra mời mọc về khu của mình. Tôi đâu bực tức vì bị giành khách, ngược lại càng mừng bởi đỡ phải phục vụ bàn cho một gã ba trợn. Nhưng hành động vừa rồi của Diễm khiến tôi vô cùng chướng mắt. Nhân cách rẻ rách, chỉ vài đồng tiền boa đã mua đứt bán đoạn. Tởm còn hơn bãi ói của lão khách già khi nãy.
Qua camera của quán, chị thu ngân đã thấy. Tôi chờ có thế. Đám nhân viên phục vụ dõi theo cơn thịnh nộ của chị thu ngân. Chị gọi Diễm vào quầy, dạy dỗ tại chỗ. Em bị điên hả Diễm! Quán này sạch sẽ, các em vào đây để làm phục vụ bàn. Bình thường em õng ẹo “dẹo” khách chị có thể bỏ qua. Còn muốn phục vụ thứ khác thì dẫn nhau ra nhà nghỉ, khách sạn. Em làm vậy ở đây, người khác nhìn vào sẽ nghĩ quán thế nào. Họ sẽ đánh giá các bạn nhân viên khác cũng giống như em. Họ được nước lấn tới, tha hồ sàm sỡ, sờ mó. Có lớn phải có khôn, đừng để vợ con người ta kéo tới đánh ghen rồi mới biết nhục.
Trời ơi, nghe sướng lỗ tai quá chừng! Tuy bình thường chị thu ngân hơi bộp chộp, nhưng gặp chuyện liền thể hiện sự sâu sắc trong từng câu từng từ. Quả là đúng đắn khi tôi chọn về phe chị.
Anh quản lý đứng bên cạnh im lặng nghe một hồi, nhẹ nhàng kết thúc cuộc trò chuyện bằng tờ biên bản phạt mười ngày lương. Có chín trăm ngàn, nhằm nhò chi! Diễm nhận tiền boa chừng hai bữa là đủ bù vào. Thực ra, mấy đứa như Diễm có ai chờ lương cứng đâu. Tụi nó bằng mọi cách ra sức “bào” khách. Diễm thường lượn qua lượn lại trước mặt khách, mời bia, cụng ly, chụp hình, bắt tay, cho số điện thoại, dạ thưa ngọt xớt, nũng nịu nịnh nọt, cười nói đủ kiểu. Mát lòng mát ruột, khách liền vung tay boa tiền. Nhưng việc Diễm để khách “thoả mãn” công khai ngay giữa quán là chuyện trước đây chưa từng xảy ra. Cuối ca làm, trong buổi họp nhân viên, anh quản lý giảng giải một mớ đạo lý rồi chốt quy định mới: Cấm nhân viên phục vụ không được để khách sờ soạng, thân mật quá mức tại quán.
***
Tiền boa của tôi thua xa Diễm. Không có ngoại hình “ngon cơm ngọt nước”, không dễ dãi trêu ghẹo, không bày trò moi tiền. Tôi chỉ tập trung cố gắng đáp ứng những điều khách cần. Vào quán ăn uống thì muốn gì. Trước hết là nhanh, tôi chưa bao giờ để khách phải chờ đợi. Món đem ra sớm, trên bàn đầy đủ những thứ cần thiết như khăn lạnh, đũa, muỗng, vá, ống hút, tăm, nước chấm. Chiếc đũa cũ vừa trợt khỏi bàn rớt đất, tôi đã thay ngay bằng đôi đũa mới. Ly nước uống vừa vơi đá, tôi liền gắp viên đá khác. Khách mới giơ tay lên, chưa kịp gọi phục vụ đã cầm được thứ mình cần. Những bữa quán chật kín người, đám nhân viên chạy vắt chân lên cổ, nhặng xị rối nùi, phục vụ không kịp, thiếu đũa thiếu muỗng thiếu ly, rau hết, thịt nướng cháy,… khiến khách bực mình phàn nàn. Bàn tôi trực chưa bao giờ xảy ra tình trạng đó. Tôi thậm chí có thể chạy xuống khu tạp vụ tự rửa ly muỗng cho khách.
Tiếp theo là cảm giác thoải mái và thân thuộc. Đối với các vị khách quen, tôi luôn lưu ý thói quen ăn uống của họ. Người này thích chấm tương bần, người kia khoái món chao, người nọ luôn ăn nước mắm sa tế. Nhiều khách ưa uống độc nhất một loại bia, người muốn ướp lạnh sẵn, người ưng để nguyên bia không thêm đá. Khách hài lòng khi được phục vụ nhiệt tình, họ quý mến nên mới tip tiền. Có chú kia vỗ tay tôi dặn dò trong hơi men. Tiền này chú cho con mua gì đó bồi bổ. Ăn nhiều vào chớ người như con mắm. Con ráng học giỏi, đừng bỏ cuộc giữa chừng. Nhớ phải cầm được tấm bằng đại học nghe con. Gì chớ việc học của con thì chú khỏi lo! Dù có những bữa mệt lả lên giảng đường gục đầu ngủ, nhưng môn học nào cũng điểm cao thuộc top năm của lớp.
Thỉnh thoảng, nhân viên phục vụ tụi tôi phải uống bia cùng khách. Có trường hợp từ chối nhẹ nhàng, khách lịch sự không ép. Đôi lúc, khách mời không được nên mất hứng, cãi cọ ì xèo. Tửu lượng của tôi tạm ổn nên ít từ chối khi được mời. Nhấp môi vài ngụm hoặc uống cạn ly, chưa bao giờ say. Tiếp bia khách làm tăng doanh thu của quán nên anh quản lý mừng lắm, chả ý kiến gì. Tất nhiên, tôi luôn biết chừng mực, dừng đúng lúc để còn sức bưng bê, dọn dẹp. Mà đám đàn ông đi nhậu, đã mời phục vụ (bất kể nam hay nữ) uống bia thì chắc chắn họ sẽ tip tiền.
Chạy bàn suốt sáu tiếng đồng hồ, nên mỗi khuya tôi luôn về ký túc xá trong tình trạng phờ phạc, mỏi rục tay chân. Mười hai giờ đêm, thành phố vẫn chưa ngủ. Có người còn bận rộn mưu sinh, có kẻ đang vui chơi nhậu nhẹt. Thảng hoặc có chiếc xe máy rồ ga chạy như bị ma đuổi. Từ đường chính rẽ qua quán sáng rực đèn điện. Từ quán hướng về phía cổng trường lại tối thui tối mù vắng tanh lạnh ngắt. Tôi vừa bước khỏi cửa quán, mới đi được một đoạn thì nhận ra ở bên kia đường có cái gì đó đang di chuyển theo. Một thằng đàn ông xé bóng tối hùng hổ tiến về phía tôi. Đầu tôi liền “nhảy số”, lập tức hét lớn: “Đức Anh ơi! Đức Anhhh!!” Thằng em phóng như tên bắn ra đường, trên tay cầm sẵn chiếc ghế nhựa, sẵn sàng giơ lên đập bất kỳ ai có ý đồ xấu.
Chúng tôi đâu lạ gì những chuyện như này. Tuần trước, một bé nhân viên phục vụ của quán đã gặp cướp trên đường về nhà trọ. Em bị rạch túi mất sạch số tiền lương vừa nhận được. May mắn sao vết thương của em khá nhẹ, không cần nhập viện. Thôi thì của đi thay người, tiền mất có thể kiếm lại, tính mạng quan trọng hơn. Tụi tôi biết rõ, đi làm về khuya rất nguy hiểm, có thể gặp biến thái, cướp giựt, giết người. Nhưng đâu còn cách nào khác. Thiếu tiền thì phải liều mạng. Đành dựa vào sự may mắn của bản thân.
“Sao? Có chuyện gì? Ai làm gì chị?” – Đức Anh hỏi dồn dập. Vài nhân viên khác của quán kéo ra đứng vây quanh. Thằng kia hoảng hốt, xin lỗi rối rít. Hắn bắt tay Đức Anh, lúng túng giải thích rằng nhận nhầm người. Rồi hắn nhảy lên xe của một tên đồng bọn ở gần đó, rồ ga chạy biến vào màn đêm. Hên quá! Tôi ôm ngực thở hơi ra, giờ mới hoàn hồn. Tim đập liên hồi như mới chạy nước rút. Tôi nghĩ mình là kẻ may mắn, luôn gặp dữ hoá lành. Con gái nhờ phước cha. Có lẽ, ba tôi ở trên trời linh thiêng đang dõi theo phù hộ tôi. Hoặc do chính tôi ăn ở không tệ nên gặp điều xui rủi sẽ có người giúp đỡ. Để tránh trường hợp tụi nó vòng lại lần nữa, Đức Anh đã đưa tôi tới cổng ký túc xá rồi mới về nhà.
***
Không phải vô cớ mà Đức Anh coi trọng tôi nhất trong đám nhân viên phục vụ. Tính nó bốc đồng và nóng nảy, nhiều lần cự cãi với anh quản lý, đều là tôi ở giữa khuyên can, nói đỡ. Đợt đó, Đức Anh phục vụ một bàn khách đại gia đình tổ chức tiệc sinh nhật. Mấy đứa con nít chừng ba, bốn tuổi nghịch như quỷ sứ, quậy muốn nát cái quán. Chúng tới khu rau sạch, bới tứ tung lộn xộn, cầm bẹ cải xanh đánh nhau chí choé. Đứa khác đổ hết hũ tăm tre ra bàn, vương vãi đầy nền. Đức Anh nhắc nhở nhẹ nhàng vài câu, liền bị một cậu bé học cấp hai hắt thẳng ly nước ngọt vào mặt. Nén cơn giận đang chực chờ bộc phát, Đức Anh yêu cầu nó xin lỗi.
- Tao éo xin lỗi đó. Làm gì được nhau?
Đức Anh giơ tay lên định tát cậu bé thì mẹ nó la lối om sòm. Mày tính làm gì con tao? Trời ơi! Nghĩ sao phục vụ đòi đánh khách. Khách hàng là Thượng đế có biết chưa! Quán này dạy nhân viên kiểu gì vậy? Đánh đi tao xem nào! Tao quay video lại đưa lên mạng cho mày hết đường sống.
Đúng lúc anh quản lý đi vắng, Đức Anh đứng sửng cồ với khách. Tình hình căng thẳng, tôi chạy lại kéo Đức Anh đi chỗ khác. Cúi đầu, xin lỗi. Quán không sai, Đức Anh không sai, khách càng không thể sai. Người nhận lỗi là tôi. Bà mẹ đó văng nước miếng xối xả lên đầu lên mặt tôi. Chửi đã rồi im. Giờ tranh cãi thì được gì! Một điều nhịn, chín điều nhục. À nhầm. Một điều nhịn, hôm nay Đức Anh không bị ăn biên bản phạt lương hoặc đuổi việc. Nghề làm phục vụ gặp phải khách hàng “âm binh” như ăn cơm bữa, có gì lạ đâu. Phải kiềm chế, bình tĩnh giải quyết vấn đề. Phải biết dằn cái tôi xuống để xin lỗi. Phải mềm mỏng, phải ôn hoà, hàng trăm thứ “phải”.
Tuy thế, tôi cũng có những giới hạn chịu đựng nhất định. Một lần, mấy người khách chừng hơn ba chục tuổi nằng nặc xin số điện thoại của tôi. Tụi nó cười hí hí như ngựa, điệu bộ suồng sã, lời nói khinh miệt. Tất nhiên tôi đã từ chối rất lịch sự. Một tên hãm cho thẳng tay vào chiếc túi hơi nông ở chân váy của tôi, móc điện thoại ra. Tôi toan giựt lại, nhưng chúng thay phiên chuyền tay nhau. Thực tình mà nói, từ khi đi làm, tôi đã hết sức đè nén và nhẫn nhịn. Nhiều lão già đáng tuổi ông tuổi cha vẫn cợt nhả bắt tôi gọi anh xưng em. Nhiều thằng thanh niên dùng bao câu khiếm nhã trêu chọc. Tôi đều cắn răng dằn lòng. Miễn đừng đụng vào người, đó là giới hạn cuối cùng của tôi.
- Anh tôn trọng người khác chút đi.
- Tôn trọng cái quái gì! Tao đã làm gì mày đâu mà sồn sồn lên vậy? Quản lý đâu, gọi quản lý ra đây!
- Không cần anh gọi, để tôi tự gọi.
Tôi bỏ bàn khách đó, nhờ bồ chị thu ngân trực giúp. Chấp nhận ăn biên bản. May sao anh quản lý chứng kiến toàn bộ sự việc, giải quyết êm xuôi nên tôi chỉ bị nhắc nhở nhẹ. Đâu ai biết rằng tôi uất nghẹn lau nước mắt trong nhà vệ sinh. Tự hứa với lòng mình, đợi gom đủ tiền, tôi sẽ nghỉ làm ngay tức khắc. Sau này, nhất định tôi không bao giờ làm công việc phục vụ người khác nữa. Đôi khi, ta bỏ sức lao động chân chính để kiếm đồng tiền sạch sẽ nhưng vẫn bị người khác coi khinh, sỉ nhục.
***
Nhiều lúc tôi tự hỏi bản thân, số tiền tôi kiếm được có thực sự xứng đáng? Tôi bán sức lao động, bán sự phục vụ tốt nhất. Khách hài lòng với chất lượng dịch vụ đã nhận được, nên mới cho tiền. Ngày có ngày không, đâu phải bao giờ cũng gặp được vị khách hào phóng. Đôi khi chỉ là tiền lẻ, tiền thừa thối lại, kẹp cùng hoá đơn tờ một ngàn, hai ngàn, mười mấy ngàn nhàu nát và cũ rích. Tôi chả ngửa tay xin ai đồng nào. Nhưng nếu số tiền khá lớn sẽ khiến tôi lăn tăn.
Giống như trường hợp của ông khách giám đốc kia. Ông ta khoảng trên dưới bốn chục tuổi, vẻ mặt hơi khắc khổ và điềm đạm. Có lẽ ông ta khoái một cô gái nhỏ bé mà nhanh nhẹn, tinh ý. Hoặc đơn giản là cảm thấy thú vị. Tên bạn nhậu đi cùng ông ta đã nói với tôi, ông ta sắp ly dị vợ rồi. Lời lẽ quen thuộc của những kẻ ngoại tình. Bất kể thời gian nhậu bao lâu, hoá đơn thanh toán bao nhiêu, tiền boa luôn là tờ polymer xanh lơ mới cứng. Nói chuyện nhẹ nhàng và lịch sự. Sợ tôi ngại nên che che giấu giấu nhét vào tay tôi để người khác không thấy. Ban đầu tôi mừng muốn xỉu. Lần hai, lần ba,… hình như đang có gì đó sai sai diễn ra. Tôi bắt đầu sợ hãi và tránh né.
Ông ta vừa dựng xe trước cửa quán, tôi liền lủi khỏi khu vực trực, nhờ Đức Anh ra đứng bàn gọi món giúp. Suốt buổi tôi giả vờ bận rộn, giả vờ không nghe thấy tiếng gọi, ông ta vẫn dúi tiền vào tay Đức Anh, nhờ đưa lại cho tôi. Thấy tôi đi trốn, Diễm đâu bỏ qua cơ hội tốt, nhanh chóng mon men sang chỗ ông ta. Dù Diễm làm đủ kiểu, đứng trực bàn mỏi cả chân, ông ta vẫn boa tiền mỗi tôi. Lần nào cũng cho năm trăm ngàn đồng. Một tháng ông ta tới khoảng hai, ba lần. Cứ ngồi đó cùng với một người bạn, gọi vài món, uống nửa thùng bia, cho tiền tôi và đi về. Không yêu cầu tôi rót bia, gắp đá hay cụng ly, uống cùng. Chuyện này chưa có tiền lệ ở quán. Mỗi khi thấy mặt ông ta, đám nhân viên lại xì xầm, cười nói bàn tán sau lưng. Ngay cả Đức Anh cũng khuyên tôi đừng “cứng” quá, “mối” ngon vậy mà. Hay là…
Quả thật, đồng tiền có ma lực rất mãnh liệt. Chỉ cần tôi gật đầu, muốn mua xe dễ như trở bàn tay. Ông ta bảo sẽ nuôi tôi ăn học tới khi ra trường. Sẽ kết thúc những ngày đứng nướng thịt khói xông cay mắt khiến da mặt mọc chi chít mụn. Thôi phải chạy bàn rã rời đôi chân, hết chịu cảnh khách bắt nạt hay xem thường. Tôi rất muốn thử cảm giác được tận hưởng buổi tối thảnh thơi, ăn uống thoả thuê, rút chiếc ví dày cộm ra, giơ tay lên lớn tiếng: “Phục vụ! Tính tiền.” Ông ta thừa sức cho tôi mọi thứ.
Nhưng, ai thèm! Tôi chẳng cần.
Hồi còn sống, ba thường dạy tôi, cuộc đời này chẳng ai cho không ai cái gì. Miếng pho-mai miễn phí chỉ có trên cái bẫy chuột. Tất cả đều có cái giá phải trả. Nếu là tiền tip nhờ chạy bàn lanh lẹ thì tôi cầm, còn thứ tiền khác xin phép trả lại. Nhận vài đồng tiền thoải mái mà phá huỷ tương lai, đâu có đáng. Ăn ngay sống thẳng mới ngẩng mặt kiêu hãnh với đời. Trước đây, tôi đã phán xét và chửi thầm Diễm ra sao. Không được phản bội nguyên tắc sống, không thể tự biến bản thân thành người mà mình từng căm ghét. Không, tôi tuyệt đối không.
***
Mười ba triệu rưỡi tiền boa. Chính xác là mười ba triệu bốn trăm năm mươi ngàn đồng.
Mỗi bữa đi làm về, tôi cuộn tròn những tờ tiền polymer nhét vào trong con heo đất nung. Tôi chỉ để dành tiền chẵn từ năm mươi ngàn trở lên. Những tờ tiền lẻ cùng với hai triệu bảy trăm ngàn đồng lương tháng, tôi dùng chi tiêu hàng ngày. Từ khi làm phục vụ ở quán lẩu dê, tôi ít gọi điện xin xỏ. Thỉnh thoảng, má vẫn gởi cho tôi một triệu hoặc hai triệu đồng. Chừng năm tháng, tôi dành dụm được mười ba triệu rưỡi. Có thể tổng số tiền cao hơn, nhưng một lần tôi đi cấp cứu, đã đập heo đóng viện phí. Năm cuối đại học, sắp phải đi thực tập, tôi sẽ mua xe bằng số tiền này. Đa số các công ty thực tập đều làm theo giờ hành chính, tới lúc tan ca thì xe bus đã hết giờ hoạt động. Thay vì tốn tiền đi xe ôm công nghệ, tôi quyết tâm mua một chiếc xe máy cho riêng mình.
Chiếc xe máy màu đỏ tươi mới cóng dựng trước mặt tôi. Trả trước bốn mươi phần trăm, số tiền còn lại trả góp trong vòng mười hai tháng. Mừng quá chừng quá đỗi, cầm biển số xe mà mắt rơm rớm đỏ hoe. Trong nhật ký, tôi ghi chú rõ ngày tháng mua xe, đếm thời gian tới lúc trả hết nợ.
- Có làm đĩ chín phương thì nhớ chừa một phương lấy chồng.
Tôi tưởng mình nghe nhầm. Sao có thể nhầm lẫn và tưởng tượng ra một điều kinh khủng cỡ đó. Tôi ngước lên nhìn thẳng vào má. Mặt má lạnh tanh. Và cái xoay lưng. Tôi như chết lặng. Ngưng thở vài giây. Cổ họng nghẹn đắng. Nước mắt lăn dài.
Chị dâu của tôi theo dõi trang mạng xã hội, thấy hình ảnh tôi mặc đồng phục quán lẩu dê, đã kể lại với anh trai và má. Ăn đơm nói đặt, thêm mắm dặm muối. Tôi làm nhân viên phục vụ bàn, qua miệng chị ta biến thành làm gái.
Vốn dĩ, trong mắt má chỉ có con trai, rồi thương lây sang con dâu. Con gái như vô hình. Má chưa từng nhìn thấy, chưa một lần hỏi về sự vất vả, mệt mỏi của tôi. Từ quê vào phố học đại học, sống ở xứ người, miếng ăn đưa vào miệng đều chọn đồ rẻ trước đồ ngon. Hết tiền, nấu gói mì tôm làm canh chan vào cơm ăn tạm. Muốn trụ lại thành phố phải chấp nhận làm thêm đủ việc, nào bán kẹo, bán quần áo, phát tờ rơi, gia sư, bưng bê phục vụ… Học phí, tiền trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt, quần áo, thuốc men. Mấy đồng ít ỏi má lúc gởi lúc quên thì làm sao đủ. Má nuôi tôi đi học, cốt yếu bởi ba đã yêu cầu thế. Năm ba đau bệnh và mất, anh trai khăng khăng biểu tôi nghỉ học làm công nhân. “Con gái học ít thôi, chủ yếu lo kiếm chồng giàu.” Được đi học là tốt rồi, nên tôi đã ráng bước từng bước, má cho bao nhiêu mừng bấy nhiêu.
Nhưng má tin lời chị dâu, nghĩ tôi làm đĩ.
Tôi thấy buồn cười quá. Nước mắt mặn chát chảy qua nụ cười vỡ vụn. Một đứa con gái như tôi, ngực phẳng mông lép, nhỏ thó ròm riết, đi làm đĩ thì ai thèm chơi! Chính anh trai đã mỉa mai tôi là thứ chỉ có răng với đầu kia mà.
Tại sao tôi không giải thích? Tại sao tôi phải giải thích! Họ là người thân, là máu mủ ruột thịt. Trời ơi! Họ phải tin tôi chớ! Cơn uất ức dâng lên nức nở. Cả người tôi run lên. Cho dù họ không tin, giả sử tôi đi sai đường, giả sử tôi thật sự làm gái. Thì họ phải khuyên răn, dạy bảo, dùng hết sức lôi tôi về con đường đúng đắn. Chớ má nào nói con gái như thế. Tự dưng tôi nhớ ba vô chừng. Nếu ba còn sống, chắc chắn ba sẽ đứng về phía tôi. Ba tin con mà, đúng không ba…
Mười ba triệu rưỡi tiền boa, chiếc xe máy sáng bóng, là mồ hôi, công sức và nước mắt của tôi. Chưa bao giờ tôi hối hận. Vậy, rốt cục tôi đã làm chi sai?
Ny An
Bài viết liên quan: