“Xướng ca vô loài!”Bà ngoại trề cái môi dưới dài sọc, nhiếc cái giọng sao mà chua chát. Lần nào cũng vậy, bà luôn thốt ra cái câu cay nghiệt mỗi lần tôi nói muốn học nghề thầy đờn. Bà ghét cay đắng mấy trò đờn ca hát xướng. Tôi không hiểu, trong nhà đã có ai mần cái chi liên quan tới ca hát mà khiến bà ghét tới như vậy. Hay là ông ngoại? Hay là má? Hay là tía? Ba người đó qua đời hết thảy rồi, nhà chỉ còn có hai bà cháu nên sẽ không có ai trả lời cho tôi biết. Có chăng, chắc là chỉ còn mình ý sẽ hiểu tại sao có cớ sự như vậy.
Ở vùng này, chúng tôi gọi dì của mình bằng ý. Ý hơn tôi mười sáu tuổi, rất trẻ và rất đẹp so với cái tuổi hai mươi chín. Ý đẹp nhứt là đôi mắt, đen láy như có sóng nước trong đó. Đôi lông mi dày thẫm như hàng dừa chải vào dòng sông. Mắt của ý luôn sáng trưng một điệu cười nửa ngây thơ, cũng nửa điệu đà. Còn nốt ruồi sau mi mắt tôi nghĩ đã đốn gục trái tim biết bao nhiêu vương tôn công tử. Và, không chừng, lý do ngoại ghét nghề hát chính là vì ý chăng? Ý là ca nhi.
Tôi không dám chắc trong lòng ngoại có thương ý hay là không, dù chính ý là người nuôi cả cái nhà này, chưa bao giờ bỏ lơ. Bình thường ý không có ở nhà, nhưng một tháng đôi ba lần, ý đều mang về rất nhiều bánh trái, quần áo, và còn đưa cho ngoại rất nhiều tiền. Thường nhật, ngoại cũng không khó khăn chi lắm, chỉ khi nào ý sắp về, bà mới khó ở ra mặt. Cũng ngộ, con cháu nó nhớ mình, nó về thăm mà sao bà lại vậy? Khi ý về, lưu lại mấy ngày, đều ở suốt trong nhà không đi đâu. Có hội hè, cúng đình gì, tôi rủ, ý đều cười: “Ý đi suốt, chán lắm !”.
Ý cưng tôi lắm, muốn gì cũng được, đòi gì cũng cho. Ý biểu, chỉ cần tôi học hành đàng hoàng, cái nhà này để ý lo hết. Ý ca rất mùi. Đôi khi vừa gói bánh tét, ý vừa khe khẽ hát. Chỉ có mấy điệu lý đơn giản mà khiến tôi xao xuyến hết bụng dạ. Giọng gì mà trong vắt, cao vút, ngọt như mía lùi. Cũng chính là ý đã gieo vào lòng tôi những điệu nhạc đầu tiên, cho tới lớn tôi mê đờn ca hát xướng tới mức này cũng tại ý. Có bữa, đương chơi ở sân trước, thấy mấy người hàng xóm đi ngang bắt gặp ý đang đứng xớ rớ trong bếp. Họ xầm xì chỉ trỏ rồi nói to nói nhỏ. Tôi nghe loáng thoáng cái gì mà “…nó làm điếm…”. Tôi giận điên người, hét toáng lên, chửi họ một trận. Bữa đó, ngoại lôi tôi vô nhà quất cho mấy roi. Ngoại la: “Bộ chưa đủ nhục hả?”. Khi đó, ý chỉ khóc mà không nói gì. Tôi ức lắm, rõ ràng ý là ca nhi mà? Sao nói chi mà bậy bạ?
Bữa tôi méc ý, nói muốn học đờn kìm mà ngoại hỏng cho. Tôi thấy ý buồn buồn, nhưng vẫn hỏi: “Con quyết chí như vậy hả?”. Sau cái gật đầu của tôi, cuối tháng ý trở về nhà với cây đờn. Ý nói: “Ý đóng tiền cho con theo thầy học. Con nhớ, tuyệt đối giấu không cho ngoại biết. Ngoại đánh chết. Con để đờn ở nhà thầy chớ không bao giờ được mang về nhà nghe chưa?”. Tôi mừng quýnh, không còn suy nghĩ gì nữa mà chỉ biết dạ dạ. Vậy là tôi thoả lòng.
Nhưng hành trình học đờn của tôi phải nói là khổ sở lắm. Mỗi ngày, tôi phải nói dối là đi phụ quán ở chợ, rồi lội bộ rất xa để tới nhà thầy. Thầy dạy cũng nhiệt tâm, tôi học rất tinh tiến. Nhưng đờn là cái môn phải luyện tập rất nhiều mà, tôi lại không xách đờn về nhà dợt được. Vậy là tôi nghĩ ra cách giấu đờn ở vườn dừa của lối xóm. Tôi lấy tàu dừa khô phủ lên, tối, đợi ngoại ngủ, cầm đèn dầu mò ra mà luyện. Vườn dừa nửa đêm thui tối hù, tại vì không có dám để đèn, sợ chủ nhà tưởng ăn trộm. Tôi so dây, khải lưng tưng rất khẽ, môi mấp mấy hát theo điệu nhưng không phát ra lời. Muỗi mòng nó chích đỏ cả người tôi vẫn mặc kệ. Gặp lúc trái gió trở trời, tôi về sốt mê man vì bị trúng sương. Nằm mất ba ngày, bò ra chỗ giấu đờn thì thấy cây đờn kìm quý giá đã bị ai phát hiện lấy đi mất. Vậy là lần sau, tôi chuyển sang vườn chuối.
Ý mua đờn lại cho tôi tổng cộng bốn lần. Tới khi bụng đờn cây thứ tư sờn tróc là tôi thông thạo. Ngón đờn của tôi khi đó đã trầm bổng có hồn, điệu bộ đã thong dong, ý nhạc cứ tuôn ra mà không cần phải ráng nhớ. Lúc thầy nói không còn gì để dạy cho tôi nữa, tôi tròn mười tám.
Tôi học chữ không giỏi lắm, chỉ tạm được. Thật khó mà so với mấy bạn học có điều kiện, đi nhiều biết nhiều, dành trọn thời gian để ăn học. Tôi phải vừa học chữ, vừa luyện đờn, vừa làm mướn ở xưởng nhuộm chiếu. Nhưng thôi, chỉ cần giỏi được ngón đờn coi như đã thoả ước mong. Tôi nói với ý trong một lần về thăm nhà là muốn theo ban nhạc, đi diễn. Ý rất ngập ngừng, hỏi sao con không thi cử mà làm nghề văn thơ cho sung sướng? Ca hát rày đây mai đó, lại bị thiên hạ dè biểu, có gì hay đâu? Tôi cãi, nói ý cũng là ca nhi mà, có gì đâu mà xấu xa? Mình ca hát làm đẹp cho đời, không phải ai cũng thích nghe hát đó sao? Ý rầu rầu, nói nhỏ xíu: “Giàu mới có quyền nghe hát con, chớ nghèo ai mà …”. Ý nói kì vậy? Sao tự hạ nhục cái nghiệp của mình vậy? Nghèo thì ai cấm nghe hát? Tôi không hiểu, làm mặt giận với ý. Lần sau đó, ý về liền làm lành với tôi bằng câu nói: “Cuối tháng này, con qua đình Long Đế, gặp ông bầu, nói là cháu của ý. Ổng sẽ đưa con vô ban nhạc để hát kỳ yên…”.
Đó thấy chưa, ý cưng tôi nhứt mà. Tôi hí hửng tới đình Long Đế, sau một bài đờn duy nhứt là được tuyển vô ban nhạc ngay lập tức. Trình độ của tôi lúc này chẳng thua gì các thầy đờn thâm niên. Đúng là công sức bao năm nay đã được đền đáp xứng đáng. Lễ kỳ yên năm đó của đình Long Đế lớn dữ thần, ban nhạc có một thầy đờn mới rất trẻ, được mọi người chú ý dữ lắm. Đó chính là tôi. Mấy ông thầy khác trong ban thì gật đầu vừa ý, hương chức thì vỗ tay khen ngợi, còn mấy cô ca nhi thì xúm xít chung quanh nhờ tôi dợt bài ca liên miên. Thậm chí, tiểu thơ con của ông Hương Chủ còn đứng nép sau màn, nhìn tôi tủm tỉm cười nữa.
Tôi sung sướng dữ lắm, được sống với cái nghiệp mà mình đam mê thì có chi sánh bằng? Tôi mang tiền thưởng về đưa cho ngoại, nói từ bữa nay con làm thầy đờn, sẽ kiếm được nhiều tiền. Nhưng khác với tưởng tượng của tôi, bà ngoại nổi giận, chửi rủa rất dữ dội. Bà lại mang cái câu “Xướng ca vô loài” đó ra mà nói. Tôi tức lắm, nhưng không dám hỗn, cắn răng mà nghe. Câu cuối trước khi bỏ đi ngoại quăng lại là: “Bây muốn làm gì thì làm! Tao không quản nữa! Còn ý của bây, về đây chết với tao!”.
Từ bữa đó, tôi giận ngoại, bỏ nhà đi theo ban nhạc luôn không về nữa. Tôi đi theo gánh hát, rày đây mai đó, sống cuộc sống lang bạt cho thoả chí giang hồ mà mình từng ước mơ. Ngón đờn của tôi làm say mê biết bao nhiêu thính giả khó tánh, kiếm được rất nhiều tiền thưởng. Vinh quang tột bậc dần dần đến với tôi khi các quan lớn biết tiếng đều mời về hát. Nói đi thì cũng nói lại, không phải chỉ mình tôi mà làm cho ban nhạc nổi tiếng tới như vậy. Trong ban còn có cô Cầm, là ca nhi. Giọng hát của cô phải nói không thua gì ý. Còn về nhan sắc, cô còn đẹp hơn ý tôi rất nhiều lần. Tôi với cô như đôi kim đồng ngọc nữ, nam thì tài, nữ thì sắc. Mỗi lần chúng tôi hoà điệu là như loan phụng hoà minh, khiến thính giả vỗ tay không ngớt. Cô hay gọi tôi ra ở riêng một chỗ để dợt bài ca, có khi là bến nước, có khi là sân đình. Cảnh và tình của những miền quê xa xôi trên đường lưu diễn thấm vô trong bài hát, lại hoà hợp với người thương bên cạnh làm cho cái nghề chúng tôi thăng hoa. Tôi ngỏ lời, và cô Cầm đồng ý. Chúng tôi thắm duyên trong một đêm trăng sáng giữa miệt Lung Tràm.
Khúc Mười Hai Câu Phụng Hoàng với dây kép của tôi vang danh khắp Lục Tỉnh. Thêm nữa, phần lời ca của cô Cầm viết lại cũng tô son cho khúc nhạc thêm thắm tình. “Sông dài cá lội bặc tăm/ Phải duyên chồng vợ, ngàn năm vẫn chờ…” Đôi câu đó định danh chúng tôi vang dội, tuốt từ Sài Gòn tới Cà Mau.
Đâu được mấy năm lưu diễn, bữa đó, ông bầu họp ban nhạc. Ông nói rất trịnh trọng rằng một ông quan lớn ở Định Tường muốn chúng tôi tới diễn trong ngày tân gia cái phủ mới của ông. Lần trước hát đình ở Biên Hoà, ông đã mến mộ ban nhạc ngay từ lần đầu thưởng thức. Ông ca ngợi là chưa bao giờ trong đời ông được nghe ca hay tới như vậy. Tôi sướng trơn trong lòng, đinh ninh chắc rằng món tiền thưởng sẽ rất lớn. Vậy rồi, rất gấp, chúng tôi vác gánh mà đi hát ngay.
Bữa diễn, tôi choáng ngộp trước gia tài đồ sộ của ông quan lớn. Ông giàu có dữ thần, nhà rất cao, cửa rất rộng. Hai cái gốc cột cẩm lai kia ôm chẳng hết vòng tay. Cái tủ thờ cẩn xà cừ sáng choang, phát ra ánh chói lấp lánh. Vườn tược xanh mướt, hoa thơm cỏ lạ, bướm ong chập chờn. Tôi thấy mình cỏn con trước gia sản giàu tới như vậy. Trước giờ ca, tôi thấy Cầm có sự lạ. Cô dáo dác, lẻn ra khỏi phòng hoá trang mà vòng về phía nhà sau. Tôi tò mò đi theo, điếng hồn thấy cô Cầm ngả vào vòng tay ông quan lớn. Đôi bàn tay của ông rờ mó không còn kiêng dè, chu cái mỏ râu ria lởm chởm hôn lấy hôn để vào đôi môi nhỏ nhắn của cô Cầm. Trời đất như đảo ngược, nước mắt tôi cay đắng chảy ra ướt hết ngực áo. Trời đất ơi? Cô Cầm?
Khi họ rời nhau ra, rất nhanh, ông quan lẩn vào liếp sau. Ông để lại câu nói: “Hết giờ diễn, qua chờ em trong đây nhe!”. Cô Cầm cười cái điệu rất dung tục, khác xa với cô ca nhi hiền dịu, nhỏ nhẹ mà thường ngày tôi thương mến. Sao cô có thể biến thành con người trái ngược tới như vậy? Ruột tôi đau như ai cắt, đứng ngó trân trân. Cô Cầm lúc ấy quay trở ra mới nhìn thấy tôi. Cô sượng sờ một lúc rồi đi phạt qua như không hề quen biết. Tôi giận tím mặt, chụp tay cô mà hỏi cộc cằn hai chữ “Tại sao?”. Cô Cầm cười, nụ cười khinh khỉnh mà suốt đời này tôi không bao giờ quên được.
“Bộ thầy tưởng tự nhiên được đi ca khắp nơi là nhờ thầy đờn giỏi sao?”.
Sợi tóc cô rớt lại sau bước chân, quấn chặt nửa đời sau của tôi đau rát.
Cả đêm diễn của tôi rối bời bời. Những ngón đờn điêu luyện suốt nhiều năm khổ luyện đã trở nên vụng về, gãy đứt. Mấy ông thầy đờn khác đôi lần nhăn mặt khi nghe tôi trật nhịp, nhưng họ vẫn làm lơ mà khải tiếp. Tiếng vỗ tay vẫn rào rào, tiếng khen “Hay lắm! Hay lắm!” vẫn tràn lan. Không lẽ ở đây chẳng có ai biết tôi đờn sai hay sao? Không ai nhận ra là tôi trớt quớt, lệch điệu, đâm hơi? Tôi ngó lên, thấy những ánh mắt thèm khát xoáy vào cô Cầm chòng chọc. Lúc đó, cô đương ra bộ giữa sân. Họ nghe ca bằng mắt chớ đâu có bằng tai? Như vậy, từ hồi đó tới giờ, tôi có đờn hay thiệt hay không?
Tôi … có biết đờn hay không?
Quãng thời gian lưu diễn tiếp nối sau đó như dài ra đằng đẵng. Tôi buồn nên vẫn thường xuyên uống say khướt, tới lúc ra sân khấu so dây mà hơi rượu còn toả ra nồng nặc. Các quan lớn vẫn chẳng bận tâm, những đêm diễn liên miên vẫn xướng tên tôi là “Đệ Nhứt Đờn Kìm”, ngay sau tên cô Cầm “Ca Nhi Chi Bảo”. Tôi không hiểu. Tôi nổi tiếng là nhờ cô đó sao? Hay nhờ tôi mà cô mới có ngày hôm nay rạng rỡ? Con chim Phượng Hoàng đã bỏ cây ngô đồng bay biến. Nó khuất sau ánh trời chiều đỏ rực mênh mông. Phượng thì phải đi theo Rồng, có đâu nhớ hoài khúc Phượng Cầu Hoàng quê mùa, sáo rỗng?
Đời nghệ sĩ của tôi vậy là hết. Tôi không còn thiết tha gì trước cái bạc bẽo của con người. Nghệ thuật là ở đâu? Âm nhạc là ở đâu? Chớ trên đời này làm gì có? Trong đầu tôi vang vang lời nhiếc của ngoại: “Xướng ca vô loài!”. Câu đó từ đâu mà có? Tại sao ai nghĩ ra cái câu đó? Người ta hồi xưa đã làm gì để đời sinh ra cái câu khinh bạc đó? Ông ngoại hồi đó có đờn không? Tía có đờn không? Má có phải là ca nhi không? Để cho bà ngoại thù ghét tới như vậy? Còn ý, ý giờ này ở đâu? Ý trả lời cho con biết được không?
Ý lúc đó đang trong vòng tay của một người đàn ông. Những cô ca nhi luôn nằm trong vòng tay một ai đó hay sao? Người đàn ông đó là ông bầu của tôi. Ông ta cũng làm những động tác thô lỗ không khác chi những ông quan lớn bên cô Cầm. Còn hành động của ý lại làm tôi bất ngờ. Ý giằng tay ra rất cương quyết, nói như van xin: “Em lạy ông, bữa nay cháu em ở đây!”. Ông bầu vẫn còn níu kéo chưa chịu bỏ: “Nó đang dợt đờn ở nhà trước, làm sao biết?”. Ý khóc nấc lên, nghe như câu xuống xề bấu vô khúc ruột mà day: “Cháu em nó mà biết, em làm sao sống nổi?”. Tôi thấy trống không. Tôi không rõ mình có đau khổ hơn lần trước bắt gặp cô Cầm hay không. Người trước mắt tôi là người dì mà tôi coi như mẹ. Người tôi tôn kính nhất trên đời, yêu thương nhất trên đời. Người đã nuôi tôi ăn học từ nhỏ tới lớn, chiều chuộng tôi hết mức, cho dù ước mơ của tôi hoàn toàn không phải là của ý. Người đó cũng là ca nhi. Và ca nhi thì vẫn luôn…
“Mẹ mày! Làm bộ thanh cao? Mày làm như lần đầu? Không có mày thì thằng cháu của mày còn lâu mới được vô gánh hát! Tao đuổi nó thẳng cổ…”
Ý khóc rú lên, quỳ sụp xuống đất mà lạy ông bầu. Ý ôm chân ông, lết theo xềnh xệch không khác chi đang diễn trên sân khấu. Cuộc đời và sân khấu bây giờ hoá thành một rồi sao? Gương mặt của ý y rang như Bạch Thu Hà nghe tin Võ Đông Sơ chết trận. Cái bộ dạng thảm hại kia không khác gì một cô đào thương bị chủ nợ bắt con. Đôi môi son thắm, từng hát ra những lời ca tuyệt đẹp, nay mấp máy không thành tiếng. Ý khóc mà không hề có âm thanh, tiếng nấc rất lâu chẽn ngang cổ họng, về sau mới bể ra thành tiếng gào trong nước mắt: “Em lạy ông, em lạy ông…”.
Ông bầu đá chân.“Con điếm!”.
Đêm diễn đó ra sao, tôi không biết. Tôi không có mặt ở đó. Tôi bỏ đi, mặc kệ ý hay là cô Cầm. Chẳng biết ý có còn ca nổi sau trận khóc lóc sướt mướt đó không? Cô Cầm có còn được trăm người vây kín sau mấy điệu đá mắt sóng sánh đó không? Còn ban nhạc, thiếu mất “Đệ Nhứt Đờn Kìm” có ai nhận ra hay không? Rồi bài Phụng Hoàng mười hai câu sẽ đứt đoạn bao nhiêu lần? Rồi khúc ca đẹp như tranh vẽ đó sẽ bị bôi đen bẩn thỉu? Thế gian này toàn những lời dối gạt, ngay cả ý cũng dối gạt tôi hay sao? Ý lừa tôi, cho tôi tưởng là mình có tài năng thật sự hay sao? Con đường con đi đã phải đánh đổi bằng cái gì vậy ý? Mồ hôi, công sức, khổ luyện, hay là…? Tôi không biết, tôi không dám nghĩ. Màu trắng và màu đen đã lẫn lộn. Phải trái đúng sai cũng không còn có ý nghĩa gì nữa hết. Bỏ đi lang thang mấy ngày, không tiền không bạc, không nhà không cửa. Ngay cả cây đờn kìm theo tôi bấy nay cũng không có. Tôi không biết phải về đâu. Rồi… tôi nhớ tới ngoại.
Ngoại không bất ngờ khi thấy tôi. Ngoại ngó bộ dạng tôi thảm hại, dơ hầy, tơi tả. Hai má hóp lại, mắt lồi ra, tóc tai bù xù, mặt thất thần như mất hồn. Rồi ngoại lủi thủi đi ra nhà sau mất dạng. Tôi ngó một vòng căn nhà sàn quen thuộc đã sống cả tuổi thiếu thời. Tôi ngó lên bàn thờ lạnh tanh, tàn nhang phủ trắng. Tôi ngó hai bên gian buồng, phía trên cửa còn hai tấm tranh kiếng, ghi chữ: “Công Cha – Nghĩa Mẹ”. Tôi ngó cái võng mà ngoại và ý đã ru tôi bằng những bài ru buồn thảm. Tôi nhớ có đoạn:“Ầu ơ …! Ví dầu cầu ván đóng đinh/Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi/Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời…”
Tôi đứng chết trân trước những hồi ức nhạt nhoà về ngoại, về ý. Những thứ đó phôi pha trong đầu tôi bây giờ tự nhiên hiện rõ. Tôi nhớ tới mâm cơm rau, ơ cá kho quê mùa mình vẫn ăn ngon lành lúc nhỏ. Rồi tự nhiên, từ chái bếp phía sau của ngoại, lúc đó bay ra mùi kho cá nhỏ lửa. Mùi thơm chay cháy, mằn mặn, cái mùi khiến bụng tôi cào lên, nước miếng tứa ra. Mấy ngày rồi tôi mới có lại cảm giác đói. Cái mùi… thấy ghét vậy hà!
Tôi và liên tiếp ba chén cơm liền. Mớ rau ngọt tới tận đáy tấm lòng. Ơ cá kho bùi tới tận đầu chót lưỡi. Ngoại ngồi nhìn tôi ăn, mang một nỗi xa xăm giăng lên trên đôi mắt. Ngoại ngập ngừng, ậm ờ mấy lần. Mỗi lần định nói, câu nói của ngoại lại biến thành chữ “Ờ…ờ…” kéo dài. Tới lần thứ tư, đoạn phía sau mới được nói ra hết.
“Cái sai lớn nhất trong đời ngoại là nghèo. Cái sai lớn thứ hai cũng là nghèo. Má bây bỏ đi học ca, kiếm được dăm đồng bạc về lo cho cái nhà này. Nhà dột cột xiêu, còn cái gì nữa mà phải lo? Vậy rồi năm đó, nó mang cái bầu về không biết là của ai. Đời làm hư nó mất đất. Hay là tại ngoại ép nó phải hư?… Ngoại nhớ, kể từ khi đó, từ làng trên tới xóm dưới toàn cười nó là con chửa hoang. Ngoại nghe đầy lỗ tai, không biết đã nổi điên mà đánh nó, mắng nhiết nó không biết bao nhiêu lần mà kể. Nhưng rồi má bây cũng là con của ngoại. Ngoại đâu có thể nào bỏ nó…”.
Tôi ngước lên, cục cơm trắng còn nghẹn ngay cổ họng chưa nuốt trôi được. Tim tôi giộng thình thình, máu nóng chạy lên hai bàng tang, nghe tai mình ong ong đi và mắt thì hoa như bị nóng sốt.
“Năm đó, má bây sanh bây lúc mười sáu tuổi. Nó khóc lóc năn nỉ ngoại nói dóc với bây, nói nó bịnh chết rồi. Nó kêu nói với bây là nó là…”
Tôi không còn nghe được ngoại nói gì sau đó nữa. Tôi chỉ nghe thấy tiếng một bước chân thầm lặng, lẻ loi, cô độc và mềm nhũn dường như mới bước qua cửa rào nhà mình. Tôi ngoái đầu, thấy ý đã đứng ở đó. Ý không son, không phấn, không quần là áo lụa. Ý ốm nhom, xanh xao, mặc cho gió chướng mới về ngang, xốc áo xống tung lên rũ rượi. Ý đứng đó, tách mình ra khỏi tôi và ngoại, như cách mà ý vẫn làm bao nhiêu năm nay, để dành trọn cho tôi một đời sạch sẽ không vấy bẩn. Không còn hiện diện nào của ý trong khoảng trời xanh lồng lộng. Tôi mấp mấy, nuốt trọn dòng nước mắt mình đang tuôn ào ào xuống dạ. Tiếng kêu nghe mặn đắng, thấu tâm can. “Má!”
Vương Đình Khang
Bài viết liên quan: