Triển lãm nỗi đau – Truyện ngắn của Mạc Yên

– Mày muốn cái gì! – Cặp nhãn cầu lồi ra trên mặt người đàn ông tưởng chừng đã không còn mí mắt. Nhờ thế mà cái nhìn thao láo đủ nhọn để thọc vào cái hạng mục ngồi ỳ trước mặt ông ta. Nó thuộc thể loại khó nhai, nhai rồi thì khó nuốt, nuốt xuống cũng cóc có nhiều nhặn dinh dưỡng bổ béo gì cho cam. Tóm lại là một phi vụ phung phí sức lực, thời gian, tiền bạc mà lại ra chiều thất thu. Không lo thì không được. Lo thì phiền.

Nó cũng nhìn người đàn ông. Nhìn cây dao răng cưa, đầu tròn dùng để lùa miếng thịt vào miệng lão già hiện được dùng để chĩa vào mặt mình. Thiệt đúng hề. Lão ta giống y con dao đó: Tà đầu, lụt, chỉ có tác dụng làm màu. Đúng là trời sinh một cặp với người đàn bà bên cạnh: Tròn, trắng tinh tươm, thích trò nâng đỡ. Nói trắng là cái dĩa để lót dưới miếng thịt bò Wagyu A5 là nó để con dao cùi lũi kia cắt ra ăn. Nó không phải miếng thịt A5. Ok? Nó đâm nĩa cắm phập vào miếng beefsteak, đưa lên trước mặt để ngắm. Một miếng mồi quá hạn sử dụng, nó buông tay, miếng thịt rớt bẹp lại cái dĩa trắng, máu bắn lên thành đốm trên chiếc khăn ăn sạch sẽ như bức điểm họa đầy tinh tế của trường phái bố khỉ nào đó mà nó không rảnh để nhớ lại lúc này.

– Ê, dẹp cái đống FSK này đi. – Nó ngoắc ngón tay ra hiệu cho cô hầu.

– Dạ, anh muốn dùng gì tiếp ạ?

– Oh Fucking shit king. Bỏ FSK, bee and tea. Understand?

– Ba không cho mày đi học tiếng Anh để chửi thề trên bàn ăn nhé!

– Ba à, tri thức không phải chỉ có ngữ pháp và từ vựng đẹp, ok? Tri thức phải bao gồm văn hóa, lối sống, sự thâm nhập đầy khoái lạc của tâm hồn vào đó, ok? Không phải ba ra rả chuyện này sao? Ielts thì cũng 8.5 rồi, nhưng làm quái gì có chỗ chấm văn hóa bản địa ở đây? Không biết người bản địa chửi thế nào thì làm sao biết tầng lớp cao…

– Mày bớt lái tao qua chuyện khác. Tao đẻ ra mày đó con.

– Về mặt cơ học thì đó là mẹ…

– Tao hỏi, mày muốn cái gì?

Nó khịt mũi, chép chép miệng vài cái cho đỡ lợm giọng, ngó bâng quơ đâu đó, bắt tréo chân và gác cùi chỏ lên đó. Đúng kiểu làm màu chuẩn mực.

– NASA, ok?

Người đàn ông khịt mũi, cười ngạo nghễ. Ông ta lại tiếp tục cắt miếng A5 Medium Rare đưa lên miệng, dấu hiệu cho thấy cuộc truy sát của lão đã kết thúc. Ngược lại, nó cảm thấy cục tức đang nghẹn ở cổ.

– Cũng tốt. – Bà mẹ bên cạnh ôn tồn lên tiếng. –Tức là phải tính tới chuyện thực tập ở NASA, trước đó con phải học cao học và đại học ở Mỹ. Tốt nhất là học cấp ba ở bên đó luôn.

Vừa nhai vừa mỉm cười, giờ thì cuộc ăn uống của hai người không có dấu hiệu gì sẽ gián đoạn thêm được nữa.

– Bây giờ con phải vào trường cấp ba cao cấp có liên kết quốc tế tới Mỹ. – Mẹ thằng bé tiếp tục sau màn vén mép khăn chấm hờ lên bờ môi nhuộm màu rượu chát. – Con phải có một hồ sơ đẹp như kim cương ở các kĩ năng cá nhân, đóng góp xã hội…

Nó ngã người ra ghế khi trà và mật ong được đem ra. Tới hơi thở đang ra vào ngực nó hình như cũng không phải của nó nữa rồi.

– Ok ok, toàn mấy trò nước mắt. Chúng ta nên tìm ra cái gì đó quý hơn kim cương, ví dụ như Uranium đã làm giàu để so sánh đi.

Thằng bé quày quả bước khỏi bàn ăn. Những lời sắp đặt của bà mẹ thì vẫn đều đều bất chấp người muốn nghe đã tịt mặt từ lâu. Vở kịch xoàng xĩnh vậy mà nó cũng không đóng được vai chính. Tất nhiên nó phải xài tiền của lão già và danh tiếng của bà mẹ cho bất kì kế hoạch nào. Đáng lẽ nó không nên nói Nasa, chính xác hơn là nó không nên nói bất kì cái gì cụ thể để trả lời câu hỏi của lão. Nhưng nhận ra lúc này thì đã quá trễ. Nó đã thành trò hề trong cái nhà này.

Ai tin? Chẳng đạo đức, lễ nghĩa hay tiền, tình, quyền lực gì cả. Chỉ có trò hề mới là trò của bọn người lớn. Giờ là NASA đi, hết cấp hai nó đòi làm dịch giả. Rồi sau đó? Thằng bé sẽ nói muốn mở một trường tư nhân cho oách! Đại học thì cứ kinh tế Harvard là xong. Chừng đâu một hai năm gì đó thì tướng lên rằng chán. Khủng hoảng cuộc đời! Gap year! Mua một gói thám hiểm Mặt Trăng. Du mục trên Tây Tạng! Lại về với cái sản nghiệp như sứ mệnh lớn lao. Rồi thằng bé sẽ viết hồi ký, đi truyền cảm hứng, sống tưng bừng khói lửa cuộc đời vị tha với xã hội. Chấm hết.

***

Gia đình nó không giàu. “Không sao con à, ít tiền nhưng mà nhà mình thương nhau nhiều!” Mẹ nói gì cũng đúng, tất nhiên rồi, nó thương mẹ nó nhất trên đời! A khoan đã, còn cả ba nữa, nó thương ba mẹ nó nhất trên đời.

Nó thừa biết nhà nó nghèo vứt ra. Nó chẳng buồn đâu, vì nó không thích giàu có. Bạn Chi lớp nó giàu lắm đấy, giờ ra chơi mấy đứa bạn trong lớp bu quanh Chi. Chi à Chi ơi, Chi chi cái này, Chi chi cái kia. Chi đâu có biết lúc Chi đã về trên cái ô tô bự tổ chảng thì tụi nó quên luôn Chi là cái chi chi. Không có tiền thì Chi không có bạn. Ghê ghớm quá, bạn bè gì mà chơi với nhau như vậy? Tất nhiên là tụi kia cũng đâu có chơi với nó, may cho nó. Mẹ nói phải chọn bạn mà chơi, không chê bạn hèn, không nịnh bạn giàu. Nên nó thấy tội nghiệp Chi mà không thể cầm lòng được.

– Kệ tui đi, tui thích vậy á.

Nó chưng hửng. Ủa ngộ, bạn bè không thật lòng mà cũng thích chơi ha. Thôi kệ Chi, chứ nó biết sao bây giờ. Cho tới bữa liên hoan cuối năm quá trời đặc sắc trong trí nhớ của nó. Chi đứng trên khán đài, hai bên có người cầm bốn khay kẹo, bên dưới là bốn mươi đứa bạn bu nghẹt, với tay lên Chi. Giỏi lắm cũng chưa đụng tới đầu gối. Còn Chi đứng trên đó, tay bóc mà không cần nhìn, rải bên trái vài viên, bên phải vài viên, ném ra sau vài viên. Bọn bạn hì hục chụp, lui cui lượm, vả bốp vào mặt nhau vì “Mày dám lấy kẹo của tao!” “Còn nhiều còn nhiều” Chi ôn tồn can ngăn, tay vẫn tiếp tục bóc kẹo, quăng. Lớp nó thành ao cá hồi nào không hay.

Nó đem chuyện về nói với mẹ. Mẹ cười ruồi, rồi mãi một lúc sau đó mẹ mới nói gì đó, nghe khó hiểu lắm, về cô đơn, về cái gì mặc cảm. Giàu mà mặc cảm cái nỗi gì? Ngộ nghĩnh. Mẹ ngó qua chỗ ba. Ba bị mẹ chiếu tướng quá không chịu nổi, bèn buông lời giải thích.

– Ví dụ vầy he. Con cầm một cái… – Ba chộp lấy cái micro ấn vào tay nó. – Con đang cầm micro, con phải nhìn xuống tay hoặc lấy tay kia sờ thì con mới biết mình đang cầm micro đúng không?

– Dạ…

– Nếu trong lúc con đang ngủ, ba lấy viết chì vẽ lên mặt con thì làm sao con biết là mặt con bị vẽ?

– Thì con đi coi kiếng.

– Vậy con nhớ lần chúng ta đi nhà gương không?

– Cái chỗ mình mập ốm tùm lum phải không ba!

– Đói! Bây giờ nhé, Chi bỏ tiền ra để có nhiều bạn, cũng giống như đang lấy một cái kiếng để soi xem mình có thật sự hiện diện không. Nhưng bạn bè của Chi không thật lòng, cũng giống như mấy cái kiếng trong nhà gương không đúng, chỉ cho Chi thấy hình dạng méo mó thôi.

– Ủa ba, sao mọi người chơi với nhau mà ngộ quá vậy ba? Sao không chơi với con nè, bạn sẽ không phải thấy mấy cái hình méo mó nữa!

– Ừ, có lẽ là Chi thích nhìn những thứ méo mó cho vui, hoặc là Chi sợ mấy cái gương chân thật quá, soi đúng quá, cái tự nhiên nhìn trúng chỗ không đẹp của mình thì Chi buồn.

– À vậy là Chi vốn biết mình xấu cái gì mà giấu á he. Nói riết con hết biết nên chơi với ai.

Nó kết luận. Cả hai đều sững người nhìn nó. Có vẻ nó vừa nói một cái gì đó sai? Thôi xong rồi, nó không muốn bị la đâu! Nó cũng không muốn mình là một đứa trẻ hư!

Nhưng ba mẹ không la nó.

– Ai cũng đều có thứ không tốt mà con. Con hay lười tắm nè. Ba thì ham ăn, mẹ thì nói nhiều. Nhưng mà ba giỏi sửa chữa thì ba lấy cái giỏi của ba đi làm, đi kiếm bạn bè đồng nghiệp. Mẹ giỏi nói thì mẹ đi kiếm người thích nghe để mẹ kiếm tiền, mẹ kết bạn. Chi có tiền thì Chi dùng tiền để tìm kiếm cái Chi muốn, có thể là Chi chưa biết cách xài cho tốt thôi. Chi cũng đang nỗ lực như con thôi, mình nên nhìn vào mặt tốt của bạn hơn là trách thứ bạn chưa đạt.

Hay, rất hay. Có lý, vô cùng chí lý. Mãi sau này nó mới biết ba mẹ nó sai hết. Mấy người chưa giàu bao giờ thì ngoài nói cho hay ra họ chẳng có lựa chọn nào khác hết.

***

Nó lọt vào vòng trong. Thế là mọi nỗ lực của nó ít nhiều cũng được đền đáp, theo lời ba mẹ nó là vậy. Thì nhà nó nghèo nứt ra, ngoài cố gắng còn lựa chọn nào khác nữa đâu? Ban đầu ba mẹ nó vừa đi làm vừa bận rộn đưa nó đi thi vòng loại. Cố gắng tìm ông này bà nọ để phối cho nó một bài nhạc tạm gọi là lọt được vào tai ban giám khảo. Hên quá vào được vòng trong. Nhưng để từ sau đó, nó không biết sẽ tốn bao nhiêu tiền. Chính xác là mọi dấu hiệu về việc nghèo nàn cũng không xuất hiện nữa, những tin tức về tiền bạc cũng không bao giờ được thể hiện trên người ba mẹ. Kể cả ông bầu sô vì khoái giọng nó mà nhận đỡ đầu cũng chỉ nói toàn chuyện ca hát. Giờ thì nó yên tâm, mục tiêu duy nhất là hát ca để chinh phục những đôi tai khó tính.

Nó không giàu như Chi nên nó không có tiền chống lưng. Nó không nói hay như mẹ để kiếm người chống lưng. Ông bầu nói nó có một thứ tuyệt vời mà chỉ nghệ sĩ chuyên nghiệp mới có. Ổng không nói chính xác đó là cái gì. Nó cũng không đoán được. Nó chỉ biết là kế sách của ông rất hiệu quả.

Mỗi vòng thi nó dành toàn bộ thời gian để luyện giọng và học bài hát. Chỉ cần thuộc nốt nhạc, thuộc lời ca, đến mức bất thình lình nhấn một nốt nào, nó đều có thể hát lên mọi chữ đúng cao độ đó. Rồi một ngày trước khi biểu diễn thì không luyện tập gì nữa. Ông bầu cấm. Ông ấy sẽ gặp nó trong căn phòng trắng, cả nó cũng mặc đồ trắng, chỉ có ông là mặc đồ đen. Rồi ổng thả nó vào cái bồn tắm đầy nước. Một tay ông ôm đầu nó áp vào bờ ngực rắn chắc, một tay ông nắm chặt lấy hai bàn tay nhỏ bé. Rất chậm rãi, những câu chuyện kể cứ nối tiếp nhau, cho đến khi nước trong hồ dần lạnh đi.

Những câu chuyện đầu tiên của ông thường đưa nó đến những vùng đất cây hoa cỏ lạ, có những con người yêu nhau và rồi vì một lý do nào đó, họ vĩnh viễn biến mất. Và rồi những câu chuyện cuối cùng trước khi cả hai chia tay luôn là cái chết của một ai đó. Của thầy cô, của bạn bè. Rồi trường lớp và ngôi nhà chết. Ông bà chết, rồi cả bữa cơm gia đình cũng chết. Và mỗi khi hết thúc câu chuyện, ông đều trích lại lời của một ai đó, rằng nếu tất cả những câu chuyện kéo dài đủ lâu, đều sẽ kết thúc bằng cái chết.

Những cái chết giả định đưa nó vào vòng trong. Nó cũng cảm nhận cái chết ngày một gần. Ngay trước thềm bán kết, ông kể về cái chết của ba mẹ nó. Khi câu chuyện kết thúc, ông đưa hai tay áp vào má nó và mỉm cười nhìn xuống.

– Con hãy nhớ đến hết ngày mai.

***

Gần trăm con người chìm vào lặng phắc. Như một con quái vật vô hình nào đó vừa nhảy xổ ra khán đài, và bất kì ai khịt mũi lúc này cũng đủ để bứng sạch sự tồn tại của người đó khỏi hàng ngũ làm người.

Nhưng sự im lặng tồn tại quá lâu thì số tiền thu về sẽ kém phần nhuận sắc. Bởi con người là giống loài thích thốt. Chúng có thể kể về mình hàng giờ liền, thậm chí khi tưởng chừng sắp hết chuyện nói thì chúng bắt đầu tung ra những điều mơ hồ giả tạo về chính mình, rồi tuông mọi nỗ lực giải thích cho nó rõ ràng hơn bằng cách loanh quanh mớ cảm xúc phóng đại của bản thân. Cốt là để nói cho nhiều. Càng nhiều càng đã. Cho nên im lặng không bao giờ là thước đo của sự hứng thú đầy sống còn của ngành giải trí. Im một lúc thì được. Im lâu quá thảm họa. Tức là không móc thêm được đồng nào.

Thế nên sự im lặng cần được chuyển hóa, thành bất cứ điều gì cũng được. Cười vui, khóc lóc, giận dữ, chửi bới. Thậm chí là muốn lôi cổ bọn tổ chức ra để đập rồi lên báo thì vẫn tốt hơn là im ru như thế này. Vậy nên không gì tốt hơn là một liều thuốc buồn đúng lúc, miễn là đừng gây buồn nôn hay buồn ngủ là được.

– Sau đây sẽ là màn trình diễn của chính Lakha.

Cậu bé chậm rãi bước ra. Mười bốn tuổi, gương mặt đã nhiều người biết tới trước đó, một sự xuất hiện cần thiết. Lakha nhìn xuống dấu X đã đánh dấu dành cho mình, rồi ngước lên như trông chờ điều gì đó. Điều đó tới liền. Ánh đèn khán phòng vụt tắt. Những cột sáng màu xanh đỏ rọi xuống, xuyên qua không gian đen thẫm, xuyên qua làn khói huyền ảo nặng mùi khói khét vì hệ thống cũ mèm rồi mới đáp vào thân thể gầy xương của LaKha. Ánh mắt cậu chừng như tuyệt vọng, như thể đây không chỉ là một bản nhạc mà là một vở kịch bi ai mà LaKha sẽ vào vai một đứa bé trốn khỏi trại tế bần nào đó. Một vở diễn kinh điển đáng chiêm ngưỡng. Đẳng cấp. Vượt trội. Không thể bỏ qua.

Con người là dòng giống tham ăn vô độ. Khi con mắt bên trên sắp được đắp cho những thứ ngon nghẻ, thì cái họng bên dưới cũng thèm được tọng cho tràn bờ mới cân bằng. Thanh thoát và tao nhã, những âm thanh khẽ khàng của chén dĩa cũng không được rớt khỏi phạm vi món ăn trưng bày. Sang trọng và đẳng cấp, tiếng pha lê trầm ấm chỉ được phớt qua đầu những giọt lệ rượu đang rũ mình đổ xuống. Tất cả đều là món ăn tinh tế tràn đầy gia vị. Vị giàu.

LaKha cất giọng hát. Bài hát do chính mình sáng tác.

– Nếu điều ước có thể tồn tại trong đôi mắt em. Điều ước ơi hãy để tất cả sông kia ngừng chảy. Để băng giá giờ đây ngừng tan. Để khiến mọi mặt trời bao la vụt tắt…

Tốt. Nghe thảm ghê gớm. Tiếng ăn uống bên dưới có vẻ dịu hơn. Tức là mấy người đang ý thức được, mình phải kiềm hãm thói ăn tạp vồ vập của mình cho hợp với bối cảnh hơn chăng? Vớ vẩn. Có ngu mới nghĩ như vậy. Nhận ra và giảm bớt tức là đang ý thức mình phải che giấu. Có ai che giấu cái gì nhỏ nhoi bao giờ? Con người chỉ che giấu những thứ đã vượt quá sức chịu đựng của cái xã hội phì đại đạo đức này. Đạo đức không phải là thước đo. Đạo đức là một đề thi. Còn khả năng che giấu mới là thước đo để coi ai rớt ai đậu. Đậu vào địa vị, nhưng để có cái bỏ đầy mồm thì thằng nào thó nhiều hơn khi người ta không giám sát sẽ thắng. Đối với thằng bầu sô mới nhú này, tương đương với chuyện mồi treo lên đã có thể bán được.

Và thời khắc bán hàng đã tới. Ánh đèn khẽ lay động. Một lần. Hai lần. Tiếng ăn uống ở đâu đó có vẻ tắt đi. Đúng thế, gọi giá lần thứ nhất. Ba lần. Bốn lần. Ánh đèn chớp tắt. Âm thanh ăn uống trò chuyện bên phải cũng lặng xuống. Gọi giá lần thứ hai. Một tiếng ầm vẳng lại từ bên dưới. Chiếc ghế gỗ ngã ra sàn. Tiếng gót giày rầm rầm đánh lên mặt đá. Gọi giá lần thứ ba. Người đàn bà bay người nhảy lên khán đài. Chắc chắn không kịp. Tên bầu chạy tới, xô ngã LaKha xuống đất. Cái đèn rơi vụt xuống. Đập rầm vào chỗ LaKha vừa đứng.

Cả hội trường lặng phắc. Im lặng này có giá một LaKha. Tràng pháo tay, pháo nấc kèm các loại âm thanh mừng vui. Gõ búa, chốt đơn.

***

Cuộc thi đã kết thúc, đối với riêng nó. Sự một màu khiến nó ngừng lại. Họ nói cuộc sống không chỉ có nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn đang quấn lấy nó không phải nỗi buồn thất bại, mà là nỗi buồn của khúc nhạc mà nó vừa hát. Khoảnh khắc đứng giữa những cái ôm xoa dịu dòng nước mắt trên gò má nó, bầu trời lại toác ra một mảnh lớn khi ông bầu bước ngang mặt để chúc mừng cô bạn thắng cuộc. Ông liếc qua nó, vẫy tay chào và biến mất cùng cô. Nó không hiểu gì cả, nó chỉ cảm thấy bơ vơ.

Giá mà có ba mẹ nó ở đây.

– Ba mẹ con có tới không?

Nó hỏi những người đang cố an ủi mình trước ống kính. Họ xoay quanh hỏi nhau, rồi hỏi những người bên cạnh. Có một người chạy đến rỉ tai ai đó. Rồi họ rỉ tai nhau. Ánh mắt họ thay đổi. Và mọi người trở nên loay hoay quanh nó. Họ bối rối nhìn nhau. Mặc cho nó chưa thôi khóc, không còn ai dám ôm nó nữa. Đặc biệt là người vừa trao vào tay nó sự thất bại.

Trong kí ức ngày hôm đó chỉ còn lại lô nhô bóng người cao lớn, nói gì đó với nhau, né tránh nhau. Phải, họ né tránh nhau chứ không hề né tránh nó. Tựa như ánh mắt họ đã trượt qua khoảng vô nghĩa trong đời họ. Có vẻ, họ đang bận giấu nhau một điều gì đó. Còn nó đã hiển nhiên biến mất giữa sự vây quanh này.

***

Nó thừa biết lão già và bà mẹ đang xây sẵn cho mình mấy bệ phóng. Chắc cả hai phải lo sốt vó khi thằng con này có vẻ ngổ ngáo quá. Nơm nớp lo sợ không biết bao giờ thì nó chính thức tuyên bố cóc cần cái nhà này nữa. Ầm ầm bỏ đi rồi bắt đầu đổ nợ đổ đốn từ mấy trò tự thân lập nghiệp của mình. Nhưng mà ông bà lầm. Nó đâu có ngu. Ổng có tiền thì nó không mắc gì phải tự mình làm từ con số không hết. Bả có tiếng thì nó đâu có khùng mà không hít ké miếng thơm của mẹ mình. Vấn đề là nếu làm dễ dàng quá thì không có gì vui vẻ nữa. Trơn tru quá thì không có cảm giác chiến thắng. Nếu nó không nêm thêm gia vị cho cuộc sống tẻ nhạt của cặp vợ chồng giàu có, thì chắc họ đã ly hôn từ đời tám hoánh nào rồi.

Đôi khi nó thoáng quên mình đang vờ vịt, nhưng chưa bao giờ mọi thứ đi quá hạn. Bởi vì nó không ngu. Ví như buổi tiệc công đức để làm đẹp lý lịch này chẳng hạn, nó sẽ nhận tất thảy những gì mẹ nó mang tới, nhưng gia vị gì thì còn phải chờ xem.

– Mẹ không nghĩ mấy thứ sắp đặt thế này lộ liễu quá hả? Ai nhìn vô mà không biết dùng tiền của để mua thì vứt đi cho rồi.

– Con trai. – Bà mẹ vẫn một khuôn miệng cười dịu dàng. – Vấn đề không phải là ai ai cũng biết, bởi vì ai cũng biết mà chẳng ai làm khó nhau vì điều họ đã biết cả. Người ta chỉ làm khó mấy ai không biết gì.

– Có ai nói bề ngoài dịu dàng của mẹ không hợp với sự thông minh chưa?

– Ba con. – Mẹ nó cười vui, lần này là vui thật. – Hai cha con con giống nhau y chang.

– Xin lỗi, cười không nổi. Ở đây con không chê thô, con chê cũ, ok? Có bao nhiêu đây làm tới làm lui hoài chán quá! Mẹ dư sức sáng tạo ra cái gì ngon lành hơn mà.

– Nhanh, đơn giản, hiệu quả. Có trước một dòng trong lý lịch đã rồi con muốn múa lân hay đu dây làm xiếc trong đám tang của mẹ thì mẹ cũng không phàn nàn.

– Tới lúc đó thì mẹ tài thánh cũng không phàn nàn kịp… Khoan đã mẹ hiền của con. Đám kia sao lại ở đây?

Nó chỉ qua một đám nhỏ lơ ngơ rất quen mặt đi trong hành lang.

– Mẹ kêu đám thiên thần nhỏ đó tới dự hả? – Nó tròn mắt cười hơ hớ. – Vậy mà nói không có trò mới.

– Không, vụ này mẹ không biết gì đâu. – Đôi mắt dịu dàng của bà trực chỉ vào nơi đám người lơ ngơ vừa khuất dạng. – Con ở đây tiếp…

– Nồ, nồ nố. – Nó đưa tay cản rồi chỉnh sửa bông hoa bằng vàng lưới được đính ở eo chiếc váy dài thước tha của bà. – Ít nhất thì cũng để mấy con mắt đây thấy là con có liên hệ với bọn đó. Lặt vặt thôi, nếu bọn nó tới xin tiền thì con nhỏ nhẹ cho một ít là xong.

Giữa nét dịu dàng vốn đã cắm rễ hoắm mặt, bà lại nở ra một nụ cười sâu hơn bình thường. Hai đuôi mắt vẫn căng tràn như con gái dậy thì. Nó chán chê, mọi thứ quá công nghiệp, không có bất kì trò tung hứng thời vụ kích thích cảm giác nào. Nó chợt cảm thấy mấy đứa kia cũng công nghiệp lắm, căn giờ tới vòi tiền vào lúc chính xác rồi đấy mấy con ăn bám ạ.

Nó tiến về phía cánh cửa người quản lý đang lò dò bước ra. Bên cánh cửa hở, nó thấy những thiên thần của mẹ đang quấn lấy nhau. Có vẻ như niềm hạnh phúc sau nhiều năm xài tiền của bà vẫn chưa đã. Nhưng khoan, vụ này thì không phải ở đâu cũng có đâu nhé! Lắm thứ thú vị mà nó chỉ làm khán giả.

***

Đốm xanh, từ nóc trời, xuyên phá bầu không gian rỗng thưa người, đâm thấu tầng khói cảm thương đặc quánh tiết ra từ những cỗ máy khô dầu, phóng thẳng đến mảnh phấn nền đang gặm nhấm lớp da non mịn căng lỳ đã chết tuyệt hơi ấm.

Bởi thứ đứng đây có hình hài nhưng đã không còn quyền năng vẽ nên đường biên của sống và chết nữa.

Những vệt đỏ thả mình rơi qua họng gió, chảy vào lặng thinh giữa dòng người, toang ngã vật lên đôi con ngươi nâu chì để điểm tô lấp lánh vào vết hoại tử của lòng bao dung. Nhưng con ngươi đó, đồng tử đó, lớp thủy tinh thể đó cũng hiệp đồng với hình hài đã không còn vẽ nổi đường biên giữa chết đi và tồn tại, chúng là hư vô. Nên vệt sáng đỏ xuyên qua chúng, rơi vào vô tận thâm sâu, rớt xuống cực hạn tuyệt đối để mãi mãi lạc mình, mãi mãi giam giữ trong vô vọng kiếm tìm một thứ có thật, để đậu vào đấy mà thắp sáng nó lên.

Rồi cái thứ hư vô giữa chừng tồn tại ấy nhả xuống chuỗi ngôn từ gãy đổ.

– Nếu điều ước có thể tồn tại trong đôi mắt em. Điều ước ơi hãy để tất cả sông kia ngừng chảy. Để băng giá giờ đây ngừng tan. Để khiến mọi mặt trời bao la vụt tắt…

Lưới vô tri buông ra, trục một đàn gãy đổ sơ sinh nhồi vào phát kiến huênh hoang của loài người: Một chiếc kính hiển vi không dành cho sóng ánh sáng mà dành cho sóng âm, những bước sóng quá dài để nhìn ngắm. Sự gẫy đổ nhờ thế mà phóng to lên, để đôi tai quen nghe tiếng nói của bản thân mình trước nhất giờ đây được hào nhoáng choàng vào blouse trắng. Biến người ta thành kẻ chữa. Những gã bác sĩ thực hiện cuộc giải phẫu ấy không hề có chuyên môn, nhưng vô vàng những tâm tư võ đoán. Chúng tháo từng mảnh rời, ngắm nghía, ai thương, bao dung, nghiệt ngã thay kẻ bệnh nằm dưới.

Thế nhưng, những dải bạc lạnh nhạt, những dải bạc ánh lên màu tồn tại, ánh lên màu sắc vọng, ánh lên sự sống của cảm thụ đã kịp bắn lên quả cầu tráng gương. Dải bạc phóng ra mênh mang cảm giác lên mảng biểu bì ngoài tầm với của thực thể hư vô. Nó còn phóng qua tiếng vỗ mừng của nhiều mảnh pha lê, để đậu hờ lên đôi môi áo nhung, chúm lại vì món nước chát hòa loãng từ xác chết của những bào thai thực vật.

Ánh sáng bạc không ngừng lại. Nó hoảng hốt soi những chiếc dĩa tròn trắng hếu đựng đầy mảnh thi thể khác hình, khác loài, khác chủng loại. Những mảnh thi thể được cắt rời, đẽo gọt, uốn cong, được ngâm, xào và nghiền nát dưới sự hưởng thụ của nhà máy vọng ngữ vĩ đại nhất thế gian này.

Chiếc ghế ngã thốc ra nền để từ chối nâng đỡ một người đàn bà. Một tràn rên lạo xạo đầy cục cằn của mớ hoa khô đính trên lưng ghế như muốn tuông lời rủa xả. Nhưng tiếng chân chạy đua với thời gian, với đôi mắt lem nhem chừng sắp mở đã rời xa từ lâu. Và chỉ trong tích tắc mỏng manh ngay lằn ranh khoảnh khắc của phép màu sụp đổ, thân thể hư vô đã kịp nằm gọn trong lòng người con trai. Nhẹ nhàng vượt thoát.

Nhưng khi đứa trẻ mở choàng mắt, ánh sáng trong con ngươi nó vốn đã mảnh như một sát na giác ngộ đã hoàn toàn đứt hẳn ra, phân rã thành vi thể tan vào bóng tối. Nó thì thầm, những lời nói không còn dành cho bất kì ai.

– Ấm quá…

***

– Con còn được hát không? – Nó hỏi, đôi mắt chỉ hằn đúng một sợi hi vọng chìm khuất.

– Có chứ! Con được chọn vì con có tài! – Người đó nói với chữ “tài” kéo dài hơn bình thường. – Mọi người sẽ giúp con và các anh chị em đứng trên sân khấu. Con được đứng trên sân khấu bao giờ chưa?

Nó gật đầu.

– Con còn nhớ cảm giác đó không?

Ngần ngừ một lúc, nó lắc.

– Con sẽ mặc những bộ đồ đẹp lắm! – Lại một lần nữa chữ “đẹp lắm” bị kéo dài ra đến kì cục. – Sẽ có nhiều ánh đèn sân khấu chiếu vào, rồi con có thể hát, nhảy múa, biểu diễn với bạn bè và các em. Bên dưới sẽ có rất nhiều người vỗ tay cho con. Con có nhớ lại chưa?

Nó khẽ gật đầu.

– Vậy tất cả tụi con, cả các em của con cũng được diễn hết sao? – Nó hỏi, vạch hi vọng không dày lên cũng chẳng mỏng đi.

– Ừ, tất cả gia đình mình luôn! – Người đó nói với chữ “luôn” kéo dài khiến nó cảm thấy thật nhẹ nhõm. – Có cả bé Na, bé Huệ, bé Thu hát và múa với con.

– Chỉ hát và múa thôi phải không chú? Không có kể chuyện người chết nữa phải không?

– Chỉ múa hát thôi! Trời ơi chết nữa rồi chết tới ai? – Người đó hơi phật lòng, không phải bực mình mà có chút sợ hãi.

Vậy là sự tồn tại vô nghĩa một cách thần kì của nó và các em lại được níu kéo thêm lần nữa, lần này bởi giọng hát của nó. Chỉ giọng hát mà thôi.

***

– Tụi con chỉ muốn hát thôi! Bé Na bé Huệ chỉ muốn múa, em Thảo thì chỉ thích diễn thời trang…

– Nín hết cả đám! – Người đó lại quát, còn lớn hơn. – Bây hát hay là ngon lắm hay gì? Nhắm nổi tiếng nổi không? Nhảy múa diễn thời trang gì chú cũng tập muốn khùng luôn mà mấy bây làm còn không ra hồn! Tụi nó ăn bám theo con, nhưng con được hát là nhờ chú! – Rồi người đó dịu giọng hơn, cố che giấu sự tức giận sắp vượt quá đỉnh điểm. – Không làm vậy thì ai thương mấy con? Hả? Người ta muốn nghe chuyện chứ không phải chỉ hát.

***

– Da, các bé ở trung tâm này rất là đáng thương. Như ba mẹ bé Na bé Huệ đều mất hết.

Bản nhạc violin dìu dặt và miên man cứa vào tuyến lệ con người. Trên màn hình chiếu lên hình ảnh các bé ngồi sau một chiếc bánh sinh nhật đã thắp loe hoe nến. Trong căn nhà bạc màu mà ấm nóng yêu thương của ba mẹ cạnh mình, đi kèm bên dưới một dòng chữ giả viết tay: Những khoảnh khắc hạnh phúc cuối cùng của các bé bên ba mẹ mình.

Thấy Na và Huệ nép mình vào nhau trong lo âu, MC bèn xoay người để nhìn thật kĩ những kí ức đẹp đẽ nhẹ nhàng nở ra trên màn hình. Thật nhiều, thật nhiều những tấm hình lướt qua. Và khi tấm hình cuối cùng chìm vào bóng tối. Na và Huệ gần như hốt hoảng. Và một cái clip bật lên. Cái clip ghi lại những lời dặn dò cuối cùng của ba mẹ mỗi bé. Tựa như muốn tìm lại chút gì đó còn sót lại trên màn hình, cả hai buông hẳn đồ trên tay chạy xộc tới, òa khóc, chà hai bàn tay lên đó. Tiếng nhạc thánh thót lại lớn dần lên.

***

Bé Na tức tưởi khóc, giọng nói của một đứa trẻ bơ vơ bỗng nhiên cồn lên như bão động, ầm ầm nghẹn uất.

– Tha lỗi cho con. Con hông muốn ra ngoài đó. Con hông… muốn nhớ…

– Chú ơi làm ơn! Con lạy chú, chú ơi…

Bé Huệ quỳ trên đất, tay khoanh trước ngực. Liên tục cúi người. Nó nhào tới ẵm bé lên, cả người bé rũ ra trên tay nó, như cánh tay đã từng rũ ra trên ngực nó. Trong một thoáng nó đã buông xuôi tất cả đi.

***

– Con thích món quà này không nè? – Người MC hỏi.

– Dạ… – Bé Na nấc trong nước mắt. Gật đầu.

– Còn con thì sao?

Bé Huệ trệu trạo mãi cũng không nói được gì thêm gì, cũng chỉ có thể gật đầu. Tiếng nhạc dặt dìu cứ liên tục ứa lên trong không gian.

– Vậy con có gì để nói với mấy cô mấy chú không? Mấy cô mấy chú đem quà từ bên Pháp về cho con luôn đó!

– Dạ… con cảm ơn các cô các chú. Con hứa sẽ học hành chăm ngoan, sẽ học múa học diễn thiệt giỏi để không phụ lòng cô chú.

– Chồi ôi thương quá chồi! – MC quàng tay ôm hờ, cố nhẹ nhàng để những váy đầm lộng lẫy không bị nhăn nhúm đi.

– Bây giờ cho con một điều ước, con ước cái gì nè? – MC hỏi.

– Con ước… đừng… – Huệ và Na nhìn vào trong cánh gà, nơi người anh cả của gia đình đang đứng đó chăm chú nhìn chúng và lắc đầu. – Con muốn ba mẹ của tụi con sống lại…

***

– Hết đêm nay! Đến hết đêm nay là chú cho tụi con nghỉ một tháng hé!

Đêm nay thôi? Đã bao nhiêu cái đêm nay thôi? Như một mũi tên giết chết hi vọng, cả gia đình hiện tại của nó biết rằng đó chỉ là dối trá.

– Rồi tới lượt bé Thảo sao chú? – Nó tan nát hỏi. – Hay là tới bé Thu, bé Minh, bé Phúc?

– Mày đừng có ép chú quá nhe con.

– Thì sao? Con lúc nào cũng phải ra ngoài đó thôi mà?

– Mày ép quá thì tối nay chú cho cả nhà lên hết!

– Không!

– Đừng mà!

– Anh ơi…

– Hông em hông muốn lên!

– Diễn à?

Một giọng nói lạ hoắc vang lên từ phía cánh cửa mở hờ.

***

– Năm đó con bao nhiêu tuổi? – MC hỏi.

– Dạ năm đó con mười tuổi, bằng tuổi với Thiên bây giờ ạ. – Nó cười và đáp, đôi mắt lấp lánh dù không có một giọt nước mắt nào.

– Rồi lúc con lên hát con có biết chuyện đó chưa?

– Dạ chưa. Mọi người hông cho con biết, sợ con thi hông được.

– Rồi khi con biết chuyện thì sao?

Nó đứng đó nhìn ra khoảng tối đen bên dưới sân khấu. Lại một nụ cười hiền được đính lên môi. Nhưng phần keo dán sau nụ cười chắc đã quá hạn sử dụng từ lâu, đã bám lên lại chực chờ rơi xuống. Ôi sân khấu của nó. Nơi duy nhất nó thấy mình tồn tại cuối cùng cũng sắp sửa không thể chứa được nó nữa rồi.

***

– Đủ rồi đấy, tôi là con trai bà Lang Trinh đây, là người bấy lâu nay đã dùng tiền cá nhân của mình để đỡ đầu cho các bạn và các bé ở đây. – Nó xỏ tay vào túi quần, chậm rãi bước vào ngó một lượt những khuôn mặt lấm lem nước. – Ai lựa mấy bài diễn mất cha mất mẹ vậy, bộ tụi nhóc khóc không mệt hả?

– Cậu chủ, thật ra cũng chỉ làm đúng quy trình mà thôi! – Người đó khẩn khoản. – Lúc nào cũng có khách mới, chúng tôi phải giới thiệu hoàn cảnh các em rồi mới cho biểu diễn được!

Nó rảo bước qua thằng nhóc lớn nhất trong bầy, nhìn khuôn mặt ấy khiến nó cảm thấy dễ chịu và dường như đã từng gặp ở đâu đó nhiều năm trước.

– Chứ không phải nhấn nhấn vô cho thêm phần sâu đậm, còn biểu diễn hát hò mới là cho đủ thủ tục à?

***

– Lúc đó con không biết đi đâu. Người làm nhạc đỡ đầu cho con cũng không có ở đó. Con nhớ là một chú bảo vệ đưa con về nhà chú đó. Rồi sau đó con mới được đưa đi gặp ba mẹ con… Lúc đó thì hai người đã mất rồi.

– Chắc là những năm qua cuộc sống của con cũng có nhiều thiếu thốn lắm hả?

– Dạ, con may mắn được trung tâm nhận. Trung tâm rất quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần của tụi con. Tháng nào tụi con cũng được đưa đi diễn vài lần. Con thích sân khấu lắm. – Nó nhìn vào trong cánh gà. Phía đó có một đôi mắt đang chăm chú gửi về phía nó.

– Sao con lại thích sân khấu? – MC thỏ thẻ ngọt ngào.

***

– Mình xin lỗi, đáng lẽ phải theo dõi thật kĩ hoạt động của trung tâm mới phải. – Nó nhìn đoàn người nức nở trên đất. – Bạn đã cố gắng rất tốt theo cách của bạn rồi. Nhưng mình hứa, đêm nay sẽ là đêm cuối cùng, được chứ? Đây là lần đầu tiên và cuối cùng để mình có thể thấu hiểu bạn và các bé ở đây. Hãy xem đó là thỉnh cầu của mình được không?

– Mình muốn đứng trên sân khấu. Mình thích sân khấu.

– Cậu thích hát đến vậy à?

***

– Vì con thích hát ạ. Mỗi lần hát con được sống một cuộc đời khác, có những bài hát đưa ba mẹ trở về bên con. Có bài hát đưa con về nhà. Khi nào còn được hát thì con còn được trở về ngôi nhà xưa của mình. Được ăn cơm mẹ nấu, được ba đánh đòn.

***

Lakha trìu mến nhìn nó.

– Trên sâu khấu mình không thấy ai bên dưới nữa. Thế giới không còn ai ngoài câu chuyện và mình. Ánh đèn càng nóng càng khiến mình tồn tại.

– Vậy sao cậu không hát những bài vui vẻ?

– Cậu có tự cắt tay mình bao giờ chưa? Chắc không… cậu sẽ không biết sự thoải mái của cơn đau đâu. Càng đau, mình càng thấy nhẹ nhõm. Chỉ có những bài hát mới cho mình sự đau khổ đó.

***

– Nhạc của con sáng tác chắc nhiều bài vui lắm he?

– Dạ, nhưng hôm nay con muốn hát một bài mới do con tự sáng tác.

– Vâng, mời quý vị thưởng thức ca khúc mới của ca sĩ nhí LaKha.

***

– Chẳng ai thật sự hiểu nỗi đau của các cậu đâu!

– Nếu tôi không tiếp tục, gia đình cuối cùng sẽ tan rã…

– Yên tâm, có tôi thì không rã. Cứ an tâm hát cho tôi nghe đêm nay nhé.

Nó nhẹ nhàng lùi lại, đánh mắt nhìn người quản lý đám nhỏ đang lấp ló ở phía kia cánh gà. Người đó gật đầu. Nó đắc ý đưa tay chụp một tấm ảnh gửi cho bà mẹ. Trong tấm ảnh là LaKha và giàn đèn treo cao.

Nó chợt nhớ lại còn một file ghi âm cách đây mấy năm đã khai sáng cuộc đời nó như thế nào. Có lẽ bây giờ cũng là lúc đem ra để nêm thêm gia vị vào buổi trình diễn đầu tiên của chính nó.

“Thế tóm lại hạng mục có thể ảnh hưởng bao nhiêu người?”

“Đâu đó một trăm.”

“Cũng chưa tới vài ngàn, cứ làm đi.”

“Nhưng lỡ có người chết thì sao?”

“Anh không biết làm toán à? Chi phí cho hai ba trăm người nhỏ hơn rất nhiều so với chuyện cả tập đoàn phải chạy đua vì môi trường, an sinh phúc lợi, an toàn lao động. Mà xảy ra thì cũng chẳng ai nhắm tới công ty ta được đâu.”

“Nhưng còn con cái họ? Còn cha mẹ già?”

“Bên phu nhân để làm gì? Không có người khổ thì nàng lấy gì để ra vẻ đạo đức? Cứ qua đó nhờ nàng ta sắp xếp. Sẵn đang có mấy hạng mục lý lịch cho thằng quý tử, một công đôi ba việc. Mà cậu cũng liệu đi nhé, không phải con nít để tôi phải giải thích từng chút thế này nữa.”

Nó liếc xuống dòng thông báo đã xem, trở lại thưởng thức tác phẩm của mình đang cất cao giọng hát.

Mạc Yên