Giữa mây ngàn – Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên

Mẹ tôi mặc một chiếc quần kẻ đen, rách một miếng nhỏ ngay giữa mông, đèn sau của chiếc xe điện rơi ra lủng lẳng như cái đuôi. Mẹ tôi đầu trần dắt xe đi trong mưa. Tôi lẽo đẽo đi sau lưng mẹ tôi, mặc từng hạt mưa táp vào mặt tôi buôn buốt. Khuôn mặt mẹ tôi nhàu nhĩ, rám nắng xám xịt đi trong một màu mưa nhàn nhạt. Thi thoảng mẹ quay lại quắc mắt nhìn tôi. Đôi mắt bà đầy căm phẫn nhưng tôi lại cảm thấy trong đôi mắt ấy đang kìm nén một sự uất ức nghẹn ngào. Tôi dạt mình đi nem nép vào vỉa hè như một kẻ đã biết tội của mình…

Tội của tôi, chính là khi tôi sinh ra đã là con gái. Tội của tôi, chính là vì tôi sinh ra đã yếu ớt, hai chân tôi không đi lại được như bình thường. Tội của tôi là khiến cho mẹ tôi mất đi nhiều thứ, từ tuổi thanh xuân đến người chồng tệ bạc chỉ vì tôi. Đó là những tội mẹ tôi khóc lóc liệt kê gào thét vào mặt tôi mỗi khi bà cảm thấy bất lực với cuộc đời. Để rồi ngay sau đó bà lại ôm tôi, nước mắt của bà cứ thế chảy tràn lên mặt, lên vai của tôi.

Mẹ tôi có thể mắng mỏ tôi, đánh tôi nhưng tôi biết bà không hề có ác ý, bà sẽ không bỏ rơi tôi, tôi càng không bao giờ bỏ rơi mẹ của mình. Bởi vậy, bất kể đêm đông giá rét, ngày nắng ráo hay mưa rào tôi đều lẽo đẽo theo sau lưng mẹ tôi như một cái bóng, như một cái đuôi “nợ đời” theo kiểu mẹ tôi hay cười nói với người hàng xóm gần nhà chúng tôi.

Mẹ tôi không chỉ có mình tôi. Mẹ tôi còn sinh thêm cho tôi một đứa em gái nữa. Trái lại với tôi, em gái tôi xinh đẹp, khỏe mạnh và khôn ngoan. Đáng lẽ ra, mẹ tôi cũng sẽ như cô Mẩy hàng xóm, hạnh phúc bên chồng và những đứa con ngoan dù mẹ tôi cũng như cô Mẩy chỉ buôn bán nhì nhằng chứ chẳng giàu có gì.

Lại nói chuyện đi buôn của mẹ tôi, mẹ tôi đi buôn theo kiểu có một không hai. Mẹ tôi đi buôn từ khi cái chợ sầm uất bây giờ mới chỉ là cái chợ tạm. Trên một khoảng đất trống, ai tới trước thì căng lên một mảnh bạt rồi rải ni lông bày biện hàng hóa ra bán. Những đôi dép, vải vóc, quần áo người Kinh, mắm muối mì chính, đều là những thứ hàng người dân miền núi đang thiếu thốn, thứ họ có lại là vàng, là bạc, là thú rừng, gỗ quý, toàn là những thứ có giá trị kinh tế cao thế mà tôi cũng không hiểu sao về mãi sau này họ vẫn cứ nghèo như thế.

Những người buôn bán cùng thời với mẹ tôi, mỗi tuần trừ ăn uống cũng mua được một chỉ vàng tích trữ. Tầm tuổi với mẹ tôi, hiện tại những người buôn hàng ngày đó đã giải nghệ gần hết, ai cũng nhà cửa đường hoàng, con cái đề huề thành đạt. Mẹ tôi là người đi buôn sớm nhất nhưng lại là người nợ nần nhiều nhất, ngày ngày vẫn phải chạy chợ kiếm hai bữa ăn nuôi chị em tôi, lo tiền thuốc thang cho tôi, mãi không thoát được cảnh con buôn khi lưng bà ngày một còng đi, hàng hóa ngày một vắng khách.

Tôi đã đi lại được, dù kiểu đi của tôi khá vẹo vọ khó nhìn. Tất cả là nhờ có bố tôi. Trong lúc mẹ tôi bận rộn chợ búa, bố tôi luôn ở bên cạnh để chăm sóc tôi. Bố đi lên rừng chặt tre về dựng thành một cái lan can bắc từ cửa nhà ra tới ngõ cho tôi tập đi. Bố tôi kiên trì tập cho tôi đi mỗi ngày. Tôi của lúc ấy đã bảy tuổi, buổi sáng và buổi chiều sau khi cho tôi ăn uống đầy đủ bố lại giúp tôi tập đi từ ghế mây rồi lần đến lan can bằng tre. Tôi đau đớn, tôi gào khóc, nước mắt tôi rơi lẫn vào mồ hôi của bố. Bố luôn khích lệ tinh thần cho tôi. Dần dần tôi cũng bước đi trên đôi chân của chính mình nhờ có tình yêu thương vô bờ bến của bố.

Bố rất yêu thương hai chị em tôi, bố dành sự quan tâm và săn sóc đặc biệt cho tôi. Tôi không bao giờ nghĩ rằng vì sự ốm yếu bệnh tật của tôi hay chỉ vì chúng tôi là con gái mà bố bỏ rơi chị em tôi, bỏ mẹ tôi để đến với người phụ nữ khác xinh đẹp hơn. Tôi luôn nghĩ vì trong lòng bố có điều khó nói, vì bố cũng chỉ là con người bình thường làm sao có thể vượt qua mọi sự cám dỗ của cuộc đời. Cuộc đời là cái gì nhỉ? Là cái gì mà tất cả khổ đau trên đời đều đổ lỗi cho nó. Nếu cuộc đời có hình tướng, hẳn nó sẽ hả hê lắm khi đưa ra cho con người bao nhiêu là tình huống éo le, trớ trêu khiến con người bất lực chấp nhận buông bỏ những thứ hạnh phúc lẽ ra phải thuộc về họ.

Bố tôi bỏ đi trong sự bàng hoàng, đau khổ của mẹ, trong sự trống vắng của tôi, trong đôi mắt vô hồn của đứa em tôi đang tuổi dậy thì. Có lẽ cái gì quá sức chịu đựng của con người thì người ta thường có xu hướng bỏ cuộc. Bố tôi bỏ đi, mẹ tôi thẫn thờ một vài hôm rồi bà nén cả lại để tiếp tục công cuộc mưu sinh, bà xốc lại tinh thần vì bên cạnh bà còn hai “cái đuôi” biết đòi hỏi cơm ăn áo mặc. Có người xui mẹ tôi bán tôi đi bên kia biên giới lấy mấy chỉ vàng, vừa có tiền lại thoát khỏi cuộc sống khốn khổ. Mẹ tôi tru tréo giời đất, hổ dữ chẳng bao giờ ăn thịt con, có rau ăn rau có cháo ăn cháo, con cái là lộc trời cho đấy mấy ông mấy bà, tôi bỏ được chồng chứ dứt khoát không bao giờ bỏ bê con cái.

Kể từ đó, ngày ngày tôi theo mẹ ra chợ, theo mẹ đi khắp nơi khắp chốn. Tôi cứ nghĩ chúng tôi sẽ yên bình sống vui vẻ như thế. Nhưng tôi không bao giờ ngờ rằng, cuộc đời này vốn không thích cho chúng tôi bình yên lâu dài. Bố tôi dứt áo ra đi được vài năm thì mẹ tôi tái giá. Dượng tôi là một người đàn ông khỏe mạnh, đẹp trai nhưng tất cả chỉ có thế vì dượng không thích làm việc gì cả, mẹ tôi lại nai lưng ra nuôi thêm một người nữa.

Dượng tôi không chỉ ăn không ngồi rồi, dượng tôi còn ăn tàn phá hại, mẹ tôi vẫn chửi đổng lên như thế mỗi khi dượng không có ở nhà. Nhưng cứ khi nào dượng về xin tiền là mẹ tôi lại đưa cho dượng như bị thôi miên. Nhà tôi lâm vào cảnh nợ nần túng thiếu cũng bởi sự chơi bời, phóng đãng của dượng. Mẹ tôi đã quen chịu đựng, mẹ tôi chấp nhận việc thức khuya dậy sớm còm cõi kiếm tiền cho chồng con được hưởng sự nhàn hạ sung sướng.

Sức chịu đựng của con người có hạn. Mẹ tôi bị hở van tim, bị viêm dạ dày, bị xương khớp, bị tiểu đường, đủ các thứ bệnh nguy hiểm treo vào người.

Thế nhưng, trong lúc bị bệnh tật hành hạ, mẹ tôi vẫn cố gắng vá víu món nợ nần khổng lồ, lấy chỗ nọ đập vào chỗ kia, gần như không còn có khả năng để trả nợ. Không chỉ gia đình tôi biết, cả thị trấn này đều biết điều ấy nên không cho mẹ tôi vay tiền nữa. Mẹ tôi đành đi bán vài cân túi bóng cho các cửa hàng bán lẻ trong chợ, những chủ buôn lớn không cho nợ hàng thì mẹ tôi đi sàng lại quần áo từ các cửa hàng khác về bán để ăn chênh lệch. Cuộc sống của chúng tôi như sống trong một quả bong bóng, mỗi ngày đều nơm nớp lo sợ nó nổ tung.

Đứa em gái tôi, sau khi học xong cấp ba thì nó cũng thoát ly khỏi quê hương. Em gái tôi cực kỳ căm ghét dượng của tôi, mặc dù dượng đáng ghét, tôi cũng cảm thấy điều ấy, nhưng sự ghét bỏ của em gái tôi có phần hơi thái quá, tất cả những thứ đồ dượng tôi đụng vào nó không bao giờ dùng tới hoặc nếu bắt buộc phải sử dụng nó sẽ lôi xà phòng ra lau rửa cho thật kỹ rồi mới dùng. Trước khi đi, nó gặp riêng tôi rồi dặn dò tôi phải tự biết bảo vệ mình, hãy cố gắng chờ nó, nó thành công sẽ về đưa tôi đi theo nó, rời khỏi cái mảnh đất khốn nạn này. Giọng nói của nó đầy yêu thương, đầy căm phẫn, đầy sự hi vọng vào tương lai.

– Hoà đừng đi. Nha thương Hòa lắm!!!

Tôi cố gắng nói thật chậm những lời an ủi để nó nghe được, để nó hiểu rằng tôi cũng yêu thương nó đến nhường nào. Em gái tôi gục đầu vào trong lòng tôi mà khóc. Tôi cũng nấc lên từng chập. Được một lúc, nó đột ngột đứng dậy, lấy tay vuốt nước trên mặt rồi kéo va li xoay người đi thẳng, chẳng thèm ngoái lại lấy một lần. Tôi lật đật đuổi theo nó ra đến ngõ thì một chiếc xe máy đã chở nó đi xa, chỉ còn nghe tiếng động cơ nhỏ dần rồi lẫn vào âm thanh hỗn tạp của cuộc đời.

Không hiểu sao, kể từ ngày em gái tôi bỏ đi, tôi cứ có linh cảm sẽ xảy ra chuyện gì đó nhưng là chuyện gì tôi chẳng thể biết khiến cho trong lòng tôi cứ luôn cảm thấy bất an. Mẹ tôi chạy xe máy điện đi giao túi bóng khắp nơi, tôi không đi theo mẹ được nên ngồi một chỗ trông cái quán bừa bộn các loại hàng mã, quần áo, túi ni lông của mẹ dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt hắt từ sân chợ lên người lên mặt đỏ lừ. Tôi lăn ra ốm một trận thập tử nhất sinh, từ đấy mẹ cho tôi ở nhà để dượng thay tôi trông hàng.

Được vài ngày thì dượng tôi bảo với mẹ, không trông được hàng thì mày đóng mẹ nó cửa vào rồi thích đi đâu thì đi. Thế là mẹ tôi vứt hàng đấy thật, chạy đi khắp nơi kiếm từ vài đồng lẻ một, trong khi dượng tôi vẫn coi mẹ tôi là cái máy rút tiền mỗi ngày. Dượng tôi lấy tiền để làm gì, tôi nghe những người hàng xóm nói, dượng tôi là tứ bất tử, cái gì cũng biết, cờ bạc trai gái đủ cả. Tôi không biết làm gì để giúp cho người mẹ đáng thương của tôi đỡ vất vả hơn, tôi cố gắng làm mọi việc nhà, cố gắng để không bị ốm, cố gắng dùng nốt cái sức yếu ớt của tôi để giúp mái tóc mẹ tôi không bạc thêm nhiều nữa…

Và rồi mẹ tôi đã không thể đáp ứng được cái kiểu tiêu tiền như nước của dượng tôi nữa. Không có tiền, dượng tôi chẳng ngại thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người mẹ ốm yếu của tôi. Sau mỗi lần bị dượng đánh, mẹ tôi lại nằm vật ra đất, cả thân hình già nua rệu rã như không còn tý sức sống nào. Tôi chỉ biết gào khóc trong tuyệt vọng. Sau những lần như thế tôi trở nên trầm tính, khép mình hơn, tôi gần như không muốn giao tiếp với thế giới bên ngoài nữa. Có mấy lần bố đến thăm tôi, muốn đưa tôi đi nhưng mẹ tôi không đồng ý. Mẹ căm hận bố, cho rằng mọi thứ bất hạnh hiện tại mà bà đang phải gánh chịu đều do bố mà ra cả. Bố tôi câm nín nghe mẹ tôi mắng chửi. Bố cho tôi một ít tiền rồi ra về trong sự bất lực.

Không có tiền, dượng hay ở nhà hơn, nhiều lúc tôi bắt gặp ông ta nhìn tôi với ánh mắt rất kỳ lạ. Tuổi dậy thì tới với tôi muộn hơn bình thường, có lẽ vì tôi quá ốm yếu, cơ thể thiếu chất. Thế nhưng những thay đổi trên cơ thể tôi vẫn ngày một hiện ra rõ ràng hơn. Dượng hay bất chợt sờ tay vào người tôi. Tôi sợ hãi, tôi cảm thấy kinh tởm ông ta. Nhớ lời em gái dặn dò lúc trước, tôi không dám ở nhà một mình nữa, tôi sang nhà hàng xóm chơi tới khi nào mẹ về tôi mới dám về nhà. Tránh mùng một chẳng tránh được ngày rằm. Một buổi sáng, khi mẹ tôi đã bỏ lên chợ, dượng lần mò sang giường của tôi. Tôi chống trả quyết liệt nhưng làm sao lại với sức khỏe của dượng. Đúng lúc ông ta đè tôi xuống giường thì mẹ tôi mở cửa đi vào. Dượng buông người tôi ra rồi dửng dưng đi qua mẹ tôi như không có chuyện gì. Mẹ tôi kệ tôi khóc lóc, lẳng lặng đi lấy quần áo mặc lại cho tôi. Kể từ hôm đó đi đâu mẹ cũng cho tôi đi cùng.

Cạnh chợ có một cái đền rất thiêng nằm ngay dưới gốc cây dã hương cổ thụ. Cái đền này trước kia chỉ là hai phiến đá lớn, bằng phẳng, người Thái dùng để cúng tế thần rừng, thần núi vào ngày mùng hai tháng hai hàng năm. Khi người Kinh tới đây lập chợ đã xây thành cái đền nhỏ để thờ phụng thần linh cầu xin an lành, tài lộc. Dạo gần đây, xuất hiện một cô đồng tuy không còn trẻ trung nữa nhưng trên khuôn mặt vẫn còn nhiều nét xinh đẹp. Cô đồng này trước kia cũng xuất thân là người buôn bán sau được ăn lộc cô lộc cậu nên chuyển sang nghề cúng bái, ăn mày lộc thánh.

Cứ mùng một, ngày rằm là cô đồng đến lễ bái ở ngôi đền thiêng. Mẹ tôi vốn là người tín tâm nên thường xuyên tới nhờ cô đồng thắp hương kêu cầu hộ cho. Ai ngờ, tới một ngày, cô đồng lại cặp kè với dượng của tôi. Nghĩ theo mọi cách tôi vẫn không hiểu nổi tại sao một người đáng kính như cô đồng lại có thể yêu thích một kẻ bất tài vô dụng như dượng của tôi. Câu hỏi khó có câu trả lời này không chỉ của mình tôi mà của tất cả mọi người, đặc biệt là mẹ tôi. Nhưng với mẹ tôi thì dù dượng có như thế nào mẹ tôi cũng không buông bỏ được dượng, một sợi dây oan nghiệt vô hình cứ trói buộc tâm trí của mẹ tôi vào người đàn ông vô tình, bạc bẽo đó.

Dượng về nhà đập phá đồ đạc, chửi chó mắng mèo rồi viết đơn ly hôn bắt mẹ tôi ký vào. Ban đầu mẹ tôi nhất quyết không ký, thế nhưng những trận đòn của dượng đã buộc mẹ tôi phải ký giấy bỏ chồng trong một sự uất ức tột độ. Xong xuôi đâu đấy, dượng bỏ nhà bỏ cửa đi ngay với tình yêu mới. Mẹ tôi mang sự căm hận của mình tới trút lên người cô đồng. Giữa trời nắng chang chang, những người đi đường quây kín quanh hai người đàn bà mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc xổ tung ra, mặt ai cũng đỏ gay.

Những lời xỉ vả nhau của hai người đàn bà cứ va vào mặt nhau rồi rơi xuống đường trước sự chứng kiến của những con người tò mò. Không ai có ý can ngăn, họ cười nói với nhau như đang xem một trò vui, chỉ có tôi nước mắt nhạt nhòa bất lực. Mẹ tôi gân cổ lên như con gà chọi muốn mổ thẳng vào mặt cô đồng, cô đồng đứng trơ ra như cối đá, hai tay vỗ bèn bẹt vào giữa háng chửi mẹ tôi không biết giữ chồng thì phải chịu. Hai người đàn bà đánh chửi nhau giữa đường xá chỉ vì một người đàn ông không ra gì trước những nụ cười mỉa mai của người khác, tự ái của mẹ tôi chẳng còn, tôn nghiêm của cô đồng cũng mất.

Cuối cùng phần thắng thuộc về cô đồng, tôi chắc là thế vì ngay sau đó dượng về nhà chẳng nói chẳng rằng đánh cho mẹ tôi một trận thừa sống thiếu chết. Tôi hoảng loạn lê đôi chân yếu ớt của mình đi gọi hàng xóm sang can ngăn. Tôi về tới nhà thì mẹ tôi đã nằm thoi thóp trên ghế sô pha, miệng liên tục rên lên tên của dượng gắn với đủ thứ hạ đẳng trên đời. Dượng đã bỏ đi, những mảnh vỡ bừa bộn dưới nền nhà…

Dưới ánh điện, tôi nhìn thấy đây đó có vài giọt máu đỏ vương vãi. Tôi ngồi thụp xuống đất, đầu óc trống rỗng. Tiếng rên của mẹ tôi vẫn vang lên không ngừng, trong đêm thinh lặng, tiếng rên ấy nghe càng rõ ràng. Tiếng rên của mẹ tôi khò khè, khản đặc đôi khi chẳng rõ lời, tiếng rên đau đớn cùng cực đó như từ cõi vô hình nào dội về khiến tôi càng choáng váng, cổ tôi đầy ứ chực nôn. Tôi vùng dậy, đi tìm chìa khóa để khóa trái cửa nhà lại.

Ba giờ sáng, mẹ tôi ra ngôi đền thiêng. Tôi trở dậy đi theo mẹ tôi. Tôi vốn rất sợ đêm tối, đặc biệt là sau đêm dượng giở trò với tôi, nhưng tôi có nỗi sợ đặc biệt hơn, nếu mẹ tôi làm sao thì tôi sống sẽ không còn ý nghĩa gì cả. Khi không còn sợ cái chết, tự nhiên mọi nỗi sợ khác trở nên nực cười vì hình như chúng đã không còn đáng sợ nữa. Cửa đền chưa mở. Mẹ tôi bày những cốc nến quanh bậc tam cấp rồi châm lửa. Ánh nến lung linh soi tỏ rõ một vùng trong đêm tối tạo ra một vẻ đẹp ma mị. Mẹ tôi quỳ gối trước cửa đền, dập đầu khấn vái, bóng mẹ tôi dập dìu theo ánh nến. Mẹ tôi lẩm bẩm cái gì mà đầu đội lễ, thân thể không trong sạch, tư tưởng bất minh,… Xin các ngài chứng giám cho con.

Tôi nghĩ mẹ tôi đã sám hối.

Tôi cứ tưởng, dượng đã đi hẳn, cuộc sống của mẹ con tôi đã được yên bình. Tờ giấy ly hôn viết tay dượng tôi đã không nộp lên tòa án như lời ông ta khăng khăng lúc bắt mẹ tôi ký vào. Ban ngày, dượng ở nhà tôi ăn uống, ngủ nghê phủ phê, nhưng đêm đến dượng lại bỏ đi. Mẹ tôi không nói gì, cũng không nhắc nhở gì tới đơn ly hôn nữa, chấp nhận cảnh ban ngày chồng là chồng mình, đêm đến lại trở thành chồng nhà người ta, biến biến hóa hóa khôn lường. Phận làm con, tôi tôn trọng mọi quyết định của mẹ tôi, tôi chẳng dám ngỏ lời mặc dù có thấy chướng tai gai mắt tới đâu. Thế nhưng, em gái tôi thì không. Nó đột ngột trở về sau thời gian dài bặt vô âm tín.

Trước đấy, tôi đã nghe lỏm được người ta nói xì xào với nhau rằng em tôi đi làm gái, sống bê tha, lừa lọc người khác. Tôi chẳng tin. Nó vốn là đứa thông minh, nó sẽ không bao giờ đi vào con đường dơ bẩn ấy. Nó trở về với mái tóc nhuộm màu lòe loẹt, quần áo cộc cũn cỡn phô ra hết mức những đường cong của cơ thể. Trên mặt nó xỏ khuyên mũi, khuyên tai trông rất hầm hố, nó liên tục đưa một ống nhỏ vào mồm hút rồi nhả ra không gian một mùi thơm ngòn ngọt, tôi nghe nói đấy là thuốc lá điện tử.

Khuôn mặt nó sau khi bỏ lớp trang điểm đi trông bợt bạt, thiếu sức sống nhưng lại đầy đặn gió sương cuộc đời. Nó về mượn được cái xe máy chở tôi đi chơi khắp nơi, đưa tôi đi mua quần áo đẹp, đi ăn uống những món ngon tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ. Nó không ngại ngần mà đối xử dịu dàng với tôi trước những ánh mắt xoi mói của thiên hạ. Từ khi em gái tôi về, dượng ở lì nhà tôi không đi đâu nữa. Em gái về nhà, tôi rất vui, còn mẹ tôi thì không hẳn, thi thoảng bà lại gắt gỏng vô cớ.

Tôi không biết em gái tôi làm gì nhưng nó có rất nhiều tiền, nó đối xử rất tốt với tôi nhưng nhất quyết không đưa cho mẹ tôi một đồng nào cả khiến cho mâu thuẫn trong gia đình ngày một thêm căng thẳng. Trong khi ngày nào chủ nợ cũng đến trước cửa nhà réo tên mẹ tôi thì em gái tôi lại cứ vô tư đi lại trong nhà như mẹ như dượng tôi là người vô hình vậy, tôi là kẻ đứng giữa đâm ra bị mẹ tôi ghét lây. Đỉnh điểm là vào một buổi sáng, từ lúc tôi chưa kịp tỉnh dậy đã nghe tiếng chửi bới om xòm từ phòng khách vọng ra.

Khi tôi vừa ra tới thì một người phụ nữ nhảy bổ vào em gái tôi. Bà ta liên tục tát vào mặt vào đầu em tôi. Tôi lao vào gỡ bà ta ra thì bị đẩy ngã ra đất. Em gái tôi chống trả quyết liệt. Hai người giằng co nhau, dượng tôi lao vào can ngăn còn mẹ tôi đứng ngoài chửi. Cuối cùng dượng tôi cũng kéo được người đàn bà ra, tôi đã nhận ra bà ta chính là cô đồng. Cô ta chỉ tay vào mặt mẹ tôi, luôn mồm chửi bới.

– Con đĩ già không biết dạy con. Con đĩ non khốn nạn ngủ cả với thằng già, bà thì không tha cho mày đâu…

– Bà bảo ai là con đĩ hả? hả?

Em gái tôi nhằm hướng dượng tôi và cô đồng lao tới, trên tay nó cầm một cái kéo sắt nhọn hoắt. Tôi sợ run cầm cập. Mẹ tôi chạy theo ngăn em gái tôi lại mà không kịp. Lưỡi kéo sắc nhọn cắm phập vào vai dượng tôi. Dượng tôi đổ ập xuống, máu không ngừng trào ra đỏ thẫm nền nhà. Không gian bất chợt im lìm hoảng hốt. Máu loang ra, đỏ cả mắt, tôi nửa tỉnh nửa mê…

Bố chở tôi trên chiếc xe máy rệu rã, gió lùa qua hàng cây chạy ngược trở về phía sau lưng tôi, một mùi hương thơm như lá cơm nếp thoảng qua trước mặt, chúng tôi đi qua những khúc cua hướng thẳng lên phía đèo Giang để ra khỏi thị trấn. Tôi dang hai tay ra tận hưởng cơn gió mát lành. Tôi những tưởng mình đã chạm tới được những đám mây tinh khôi đang bay là là ngang qua mặt, qua người tôi.

Đặng Thùy Tiên