Bâng khuâng chiều xuyến chi – Tản văn Lê Mạnh Thường

Bao năm tất tả ngược xuôi, cuộc sống như chiếc đèn cù với hỗn mang đuổi bắt không ngừng của người xe ô lọng. Cơm áo gạo tiền cũng theo guồng quay mà rải đều trên bước đường danh lợi rồng mây. Thoáng chốc phù vân kia rồi cũng tàn theo từng sát na mà trở về với hư không, tĩnh tại. Rồi ta sẽ lại trở về với bản ngã của chính ta.

Nhà văn Lê Mạnh Thường ở Hải Phòng

Chiều, bước đi trên triền đê thông thênh gió, giữa thảm cỏ xanh mướt ở chốn quê nhà, ta bỗng gặp lại những vạt hoa xuyến chi đang rập rờn như muôn ngàn cánh bướm nhỏ vô ưu giữa bộn bề trần gian. Mải mê ngắm sắc hoa thân quen với nhụy vàng nằm giữa những cánh trắng mỏng manh, ta như được trở về với tuổi ấu thơ nghèo khó, với cuộc sống thanh bình, ấm áp, an vui.

Cúc áo, đơn kim hay xuyến chi đều là tên gọi chung của loài hoa đã cho ta quá nhiều kỷ niệm. Ai ở nông thôn mà chẳng biết đến xuyến chi bởi sự gần gụi, gắn bó với người dân quê. Chỉ là loài hoa dại mọc ven đường hay ở khắp các triền đê, bờ sông, ven ruộng nhưng xuyến chi lại mang một sức sống mãnh liệt. Dù ở bất cứ môi trường nào thì xuyến chi cũng đều có thể phát triển và cho hoa nở quanh năm. Sắc hoa xuyến chi chân mộc, nền nã nhưng không kém phần xinh xắn, đáng yêu. Ta yêu xuyến chi bởi nét đẹp hoang sơ, thuần khiết, những cánh hoa mỏng manh cứ dập dìu trong gió khiến ai sắt đá cũng phải nao lòng.

Nhớ những buổi ban trưa, trời hoang hoải gió, cơn đói cấu xé dạ dày trống rỗng lúc tan trường, nước mắt lưng tròng, ta chạy lên bờ đê ngồi cùng xuyến chi để ngóng mẹ đi chợ về. Sắc hoa xuyến chi đã làm ta vợi bớt nỗi chờ mong. Quà mẹ cho ta là chiếc bánh đa vừng, khuôn bánh đúc hay gói bánh cốm gạo rang của chợ quê. Mắt ta sáng bừng lên khi cầm món quà của mẹ trên tay. Hai mẹ con đi bên nhau đi giữa lối mòn ngập tràn sắc trắng xuyến chi mà lòng chộn rộn niềm vui…

Tranh của họa sĩ Nguyễn Anh Đào

Những buổi chiều hè, đám trẻ con xóm nhỏ lại tíu tít rủ nhau lên đê thả diều. Những cánh diều mang bao khát vọng của tuổi thơ bay lên không trung mênh mang rộng lớn. Tiếng sáo diều vi vu, dìu dặt như người bạn tâm tình, sẻ chia cùng ta những mơ ước tương lai. Những bông cỏ may sắc nhọn, những hạt hoa xuyến chi như những quả cầu gai cứ thế găm vào ống quần, vạt áo khi ta mải mê chạy nhảy, vui đùa hay đuổi theo con diều đứt dây bay mãi tận bờ sông. Sống cùng xuyến chi, những đứa trẻ thôn quê lại dùng xuyến chi để tạo thành những trò chơi ngộ nghĩnh cho lứa tuổi của mình. Những cô bé thường hái những cành xuyến chi kết thành vòng hoa đeo lên đầu để làm cô dâu, công chúa. Lũ con trai còn nhanh chân trèo lên cây phượng già hái mấy quả xuống làm gươm đi hai bên để bảo vệ người đẹp trong tiếng hò reo vui đùa. Có khi, lũ trai nghịch ngợm kia còn ngắt những cọng xuyến chi già chứa rất nhiều hạt có móc gai để làm phi tiêu ném vào nhau rồi hét hò thỏa thích. Tiếng cười cứ thế vang lên hồn nhiên, trong trẻo, ngân xa khắp chốn đồng quê.

Cha tôi là một người ham mê đọc sách. Có lần, khi đêm về, cha kể cho tôi nghe những câu chuyện về sự tích, truyền thuyết gắn liền với loài hoa đồng nội này. Cha kể, theo truyền thuyết của người Ailen cổ, hoa xuyến chi tượng trưng cho linh hồn của những em bé không may mất sớm. Bởi vì thương những bậc cha mẹ sớm mất con mà Chúa đã giúp những linh hồn này biến thành những bông hoa trải khắp núi đồi. Vì vậy, hoa xuyến chi là biểu tượng của sự trong sáng, tinh khiết. Còn theo thần thoại La Mã, bông hoa nhỏ bé này có nguồn gốc từ Belides, một trong các nữ thần chăm sóc các khu rừng. Một hôm, khi Belides đang nhảy múa với người yêu của mình là Ephigeus, cô đã lọt vào mắt xanh của Vertumrus, vị thần cai quản các vườn cây. Để bảo vệ cô khỏi sự săn đuổi này, Flora, nữ chúa các loài hoa, đã biến cô thành một đóa hoa xuyến chi…

Tôi đem những câu chuyện huyền bí này kể lại với các bạn. Chúng nó nghe xong đều ngỡ ngàng và càng cảm thấy yêu thương xuyến chi nhiều hơn. Một loài hoa đồng nội mang vẻ đẹp đơn sơ, giản dị, khiêm nhường nhưng cũng không kém phần kiêu sa, góp hương sắc của mình tô điểm cho cuộc đời này.

Đi suốt chiều dài nỗi nhớ trong bóng hoàng hôn quê nhà, những cành xuyến chi vẫn rung rinh như thể chào đón một đứa trẻ ngày xưa trở về với mảnh đất thân thương chợt làm ta xúc động, bâng khuâng. Chính xuyến chi đã cho ta bài học về sự nhẫn nhịn, sức sống bền bỉ, vượt mọi gian nguy. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, xuyến chi vẫn vươn lên, sinh sôi và góp phần làm đẹp cho làng quê với nét dịu dàng, thanh khiết bên cạnh dòng sông, bến nước, lũy tre…

LÊ MẠNH THƯỜNG

Nguồn: vanvn.vn