Thênh thang M’ĐRĂK

Đại uý Nguyễn Thị Thanh Thuý

Đại uý Nguyễn Thị Thanh Thuý, sinh năm 1985, hiện là cán bộ công an tỉnh Gia Lai, chị từng công tác tại báo Công an Đà Nẵng. Thanh Thuý từng đạt giải Đặc biệt cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng Cảnh sát cơ động – Lá chắn thép năm 2023, gần đây là giải Ba cuộc thi truyện ngắn Đường Văn với tác phẩm Thênh thang Mđrăck. Dưới ngòi bút của chị, vùng đất Tây Nguyên vốn khô cằn đầy nắng và gió trở nên trữ tình, với nhiều vẻ đẹp độc đáo mê say.

Dù mới khởi đầu trên con đường văn chương nhưng Thanh Thuý đã từng bước khẳng định mình bằng những tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả. Tôi có niềm tin tươi sáng rằng bằng sự khiêm tốn và nỗ lực bản thân, Thanh Thuý sẽ còn tiến xa hơn cùng niềm đam mê văn chương của mình.

Bùi Tuấn Minh giới thiệu

THÊNH THANG M’ĐRĂK

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thanh Thúy

1. Y Pher lấy vợ.

Cái tin đó theo gió bay khắp buôn Hoang, buôn Tai, theo tiếng lục lạc bò tràn khắp miền cao nguyên M’Đrăk. Buổi chiều, khi từng đàn bò khô khát lũ lượt kéo về dãy hồ nước nằm giữa thảo nguyên bao la, đám người du mục túm tụm xì xầm bàn tán chuyện Y Pher, gã thanh niên chăn bò đẹp trai, lực lưỡng nhất thảo nguyên này lấy vợ. Từng đàn bò lấn nhau đổ xuống thung lũng, ồ ạt. Cả vùng đồng cỏ phủ kín sắc bò vàng. Từ trên triền đồi, H’Ril chống gậy lùa bò đứng đó. Gió thổi tung mái tóc cháy khô, khẳm khét mùi nắng, mùi bò. Lũ bò háu nước vẫn lùi lũi tràn ngang qua, quẹt vào cả người H’Ril, nhập vào thảm sóng vàng đang dập dềnh tràn lên phía trước.

Sóng cũng cuộn lên trong lòng H’Ril.

Thế là Y Pher sẽ lấy vợ. Nhưng người đó chẳng phải H’Ril.

***

Mùa mưa trên thảo nguyên chưa bao giờ kéo dài đến thế. Mặt trời chẳng ló dạng, suốt cả tháng trời. Nắng nghiễm nhiên trở thành một thứ hình hài xa xỉ.

Sau những ngày sầm sập, mưa lại nhởn nhơ, lê thê, dai dẳng. Những dãy đồi trọc lờ mờ, nặng trĩu trong màn nước. Mưa mù mịt giăng kín các đồng cỏ. Đám bò ướt sũng lặng lẽ di chuyển từ những lưng đồi xuống thung lũng từ sáng sớm, rồi lại lặc lè từ thung lũng lên các sườn đồi, bìa rừng, tràn về các buôn để tránh mưa lúc tối trời. Thời gian treo thật chậm giữa không gian chỉ rặt một màu xám trắng. Lũ bò, và cả đám người chậm chạp băng qua mùa mưa ủ dột.

Mặc kệ đất trời ẩm ương, Y Pher và H’Ril vẫn lùa bò vào thảo nguyên. Những bãi thả gần, dấu chân bò dẫm nhoe nhoét đầy mặt đất. Cỏ lưa thưa vừa nứt ngọn sau mưa đã cụt lủn, bê bết giữa bùn nước lẫn phân bò. Cả hai đưa đàn bò vào những bãi thả xa hơn, nơi dấu chân bò chọc chi chít những vết hằn trên đất mới. Cỏ non xanh rợp trải ra giữa bao la đất trời. Mùa mưa ghé ngang qua M’Đrăk đã lột phăng lớp thảm cỏ cháy xám, xơ xác của mùa khô đằng đẵng, phủ lên đó một màu xanh ngon mắt. Ở đó, đàn bò gần hai trăm con của Y Pher và hơn một trăm con của H’Ril sẽ nhập làm một, lững thững đội mưa đi qua những triền cỏ xanh rào rạo.

Trừ những buổi chiều mưa lớn phải lùa bò ra khỏi thảo nguyên tìm chỗ trú, những ngày khác, đám người chăn bò đều tập trung nhau lại dưới tán rừng keo khuất gió, hạ trại nghỉ ngơi. Gần chục con người quây quần, giúp nhau dựng lán, chia sẻ thức ăn. Một nửa trong số này không phải là người của thảo nguyên. Dặm đường mưu sinh đã đưa họ từ khắp các nơi kéo về M’Đrăk. Họ trở thành đội quân chăn bò thuê lang bạt, một phần quan trọng làm nên sự sống động trên đồng cỏ bát ngát này. Chỉ đôi ba người ít ỏi trong số đó là chủ thực sự của đàn bò. Mùa nắng, đám người chăn bò đốt những đống lửa lớn, cùng nhau ăn uống, nói chuyện đến khuya. Mùa mưa, dựng lán xong, người nào người nấy rúc vào lều tránh nước. Mặc cho gần ngàn con bò đứng nằm la liệt, đen trũi, lầm lũi trong màn mưa xiêu vẹo. Giống bò vàng trên cao nguyên M’Đrăk, sinh ra đã mang trong mình dòng máu lang bạt và thể trạng dẻo dai, thích nghi tuyệt đối với khí hậu khắc nghiệt xứ này. Nơi mà ngoài bò và cỏ, không có bất cứ một quần thể sinh vật nào sinh sôi mãnh liệt, sung mãn đến thế.

Y Pher dựng lán luôn cho cả H’Ril. Bao giờ cũng vậy. Những ngày mưa lớn, không kịp làm lán riêng, Y Pher dựng một cái lán lớn rồi ngăn đôi bằng tấm bạt mỏng, phập phồng gió thổi. Y Pher nằm một bên, vừa đặt mình đã ngáy. H’Ril nằm bên kia, khi nào cũng trăn trở, phập phồng theo tiếng bạt lay. H’Ril đã cùng Y Pher bắt đầu cuộc sống lang bạt trên thảo nguyên này từ khi cả hai tròn mười tuổi. Số phận hai người quá giống nhau. Đôi lúc H’Ril nghĩ, Y Pher có lẽ là phiên bản nam hoàn hảo của chính bản thân mình. Cũng nước da đen như cột nhà, đôi mắt rừng rực sáng và mái tóc cháy vàng khét nắng. Cả tình yêu với đàn bò, với những tháng ngày lang thang trên đồng cỏ, giữa nắng gió vùng thảo nguyên mênh mông. H’Ril không có mẹ. Y Pher chẳng có cha. Người ta bảo cha H’Ril, một gã chăn bò thiện nghệ, kẻ đã dẫm đôi chân trần đi qua hết thảy vùng cao nguyên bao la này, vào một buổi sáng gió lộng đã rời bỏ đàn bò, dẫn mẹ Y Pher bỏ đi biệt xứ. Y Pher không tin có thứ tình yêu nào lớn hơn cả tình yêu một gã đàn ông dành cho đàn bò và kiếp sống lang thang, mê mải. Gió tự do, bò tự do, và con người cũng tự do tuyệt đối. H’Ril cũng không tin, nguyên cớ gì một người đàn bà có thể dễ dàng rũ bỏ cuộc sống này, mảnh đất này, để lại những người đàn ông của mình, dứt khoát rời đi. Vậy mà rõ ràng họ đã biến mất, cùng lúc. Tựa hồ như chưa từng tồn tại, chưa từng vướng bận, chưa từng đau nỗi đau của những người bị bỏ lại.

H’Ril không nói được. Người ta kể, ngày cha rời đi, mẹ đã mang theo H’Ril gieo mình xuống dòng Ea Krăng. Người buôn Hoang vớt được cả hai giữa dòng nước cuồn cuộn. Nhưng kể từ đó thì H’Ril không nói nữa. Người già trong buôn chụm đầu thầm thĩ, có lẽ, thần suối đã đổi lấy giọng nói của đứa con gái kia, để trả hồn người sống trở lại lên bờ. Không nói được, nhưng H’Ril nghe được. Tất thảy những âm thanh trên đồng cỏ trở nên sống động hơn, nhiều màu sắc hơn, chảy về phía cô như nước suối. H’Ril ùa vào thảo nguyên khi ngực còn chưa nhú, Y Pher cũng chỉ mới cao chạm u con bò đực to nhất đàn. Cuộc mưu sinh của những đứa trẻ lớn lên trên thảo nguyên tự nhiên như đồng cỏ dại trải bao mùa sinh diệt. Y Pher nhận chăn đàn bò hai chục con. H’Ril cũng thế. Đàn bò cùng một chủ, quen hơi chẳng tách được nhau. Nhưng Y Pher thì tránh H’Ril. Như thể chính cô mới là người phải chịu trách nhiệm cho sự biến mất của người lớn năm nào. Bao lần bò sụp hố, bị bẫy, bò lạc đàn, bao lần chủ bò quở trách, trừ công, đôi mắt Y Pher vẫn lặng câm như bầu trời những ngày không có nắng. Phía sau hàng mi dày, đen trũi như màn mưa đan chéo trước khoảng trời xám ngắt, H’Ril chưa bao giờ thấy mình hiện hữu trong đó. Bầu trời kia dẫu bao lần khép mở, nhưng luôn đóng kín với H’Ril. Hết mùa mưa, qua mùa khô, Y Pher vẫn tránh H’Ril, như người buôn Hoang tránh đi qua buôn Cùi. Buôn Cùi nằm ở bãi đất gần suối, cuối buôn Hoang. Ở đó có hơn hai chục nóc nhà. H’Ril vẫn gọi đó là buôn của những con người bị ruồng bỏ. Nhưng dẫu bị cả thảo nguyên này ghẻ lạnh, người buôn Cùi ít ra vẫn còn có nhau. Còn H’Ril, đôi lúc cô không biết mình có thật đang tồn tại. H’Ril thấy mình như một ngọn cỏ, cô đơn, câm lặng, đôi khi vô hình. Vô hình với mẹ sau ngày cha đi mất. Và vô hình ngay ở đây, trên thảo nguyên này, với cả Y Pher.

Cho đến ngày đông ấy thì H’Ril biết, rõ ràng, mình hiện hữu. Một ngày trời căm căm rét. Hoàng hôn nuốt chửng chiều trong khoảng không đỏ ối. H’Ril cũng suýt bị buổi chiều ấy nuốt chửng, lần đầu tiên trong đời. Gã chăn bò tóc bạc đổ ập vào người cô không một dấu hiệu nào báo trước, không một ai bên cạnh, ngoài lũ bò. Cả tảng thịt người đè nghiến, vùi sâu H’Ril xuống dưới đám cỏ. Cơ thể cô bị trói chặt vào đất. H’Ril không thở được, cũng không vùng vẫy được. H’Ril hoảng loạn giữa những ngấu nghiến điên dại, kinh hãi dưới hai bàn tay vồ vập, cào xé. Cô ngửi thấy mùi máu trên môi, mằn mặn, tanh nồng. Cô thấy bầu trời trên cao đỏ lộng, thấy những lá cỏ bị cào xới, văng lên tung tóe. Cô nghe thấy tiếng từng sớ vải trên người bị xé rách, giật tung ra. Mùi của cỏ hăng hắc, mùi của hơi rượu phả vào mặt H’Ril khê khẳm, chua lè. H’Ril đã nghĩ mĩnh sẽ chết, hôm nay, ngay giữa đồng cỏ này. Cho đến khi tảng thịt ấy bị hất văng qua một bên. Y Pher đứng đó, lừng lững dưới chiều, ngay trước mặt H’Ril, trên tay lăm lăm con dao lưỡi dài, sáng quắc. Lão tóc bạc hằm hè chồm dậy bị Y Pher bổ đến đâm phập một nhát. Nhát dao chỉ cách chân lão già vài ngọn cỏ nát. Miếng vải quần bị lưỡi dao chôn chặt dưới đất khiến lão già vừa loạng choạng đứng lên lại đổ sập thêm lần nữa. Mắt Y Pher có lửa. Lửa rực hơn cả màu chiều. Lửa thiêu nốt những ham muốn tàn cuộc của lão chăn bò nghiện rượu. Y Pher ném cho lão bình rượu trước khi lão khật khưỡng lê người xuống thung lũng, khuất giữa đàn bò. H’Ril co ro khóc. Y Pher câm lặng, ngồi gom góp những vụn vặt, tả tơi còn lại, đắp lại lên người H’Ril. Buổi chiều ấy, lần đầu tiên trong đời, H’Ril đã nhìn thấy nắng. Những tia nắng ấm áp đầu tiên lóe lên từ sâu trong đáy trời thăm thẳm, xám ngắt. Nắng hửng lên phía sau hai hàng mi dài, vàng như mắt bò cái.

H’Ril không nói được, Y Pher hì hụi đánh tơi những sợi tre, trang trí thành những sợi tua rua nửa trắng, nửa đỏ treo nơi đầu gậy. Bất cứ nơi đâu giữa đàn bò, chỉ cần nhìn thấy chòm tua rua, Y Pher sẽ biết H’Ril ở đó. Những sợi tua rua xinh đến nỗi, H’Ril không nỡ dùng gậy để quật đàn bò. Buổi tối, Y Pher treo một chiếc lục lạc bò ngay bên trong lán của H’Ril, phòng khi biến cố, H’Ril sẽ biết cách gọi Y Pher dậy từ cách đó không xa. H’Ril cười nhiều hơn từ đó. H’Ril thấy bóng mình ngày càng rõ, soi trong đáy trời thăm thẳm, sau hàng mi dày.

***

Càng về sáng, mưa nặng hạt hơn. Gió quật rào rào trên tán keo lai, gió lật tung từng chòi bạt. Đám người chăn bò vật lộn cả đêm để giữ lán. Bảnh sáng, gió không khoan nhượng nữa, thẳng thừng xé toạc những tấm bạt quây. Tán rừng keo bị gió bẻ gãy, ngổn ngang đổ ngã. Đám người hối hả thu dọn đồ đạc, nhanh nhẹn lùa bò rời thảo nguyên. Bão rồi. Y Pher nhìn H’Ril. Di chuyển cùng đàn bò lúc này quả là một trở ngại lớn. Tiếng Y Pher hét méo đi trong tiếng gió: “Mày về trước nhé H’Ril, lo cho người già nhé, nhanh lên”. H’Ril trùm áo mưa lên mình, rào rào băng người chạy. Đôi chân trần dẫm lịch bịch trên đồng cỏ trũng nước. H’Ril biết Y Pher sẽ biết cách đưa đàn bò ra khỏi thảo nguyên nhanh nhất, đến các làng dọc ngoài thảo nguyên kia tránh bão. Tâm trí cô lúc này đã bay ra khỏi thảo nguyên, vượt qua hàng dãy đồi úp trọc lưa thưa cỏ, hướng về phía ngọn Cư Prao, nơi dòng Ea Krăng đổ xuống, lặng lẽ chảy qua hết buôn Hoang, buôn Tai. Nhà H’Ril và Y Pher ở đó.

Ngôi nhà của cha con Y Pher nằm gần gốc cây sao cát lớn. Cây sao còn nhiều tuổi hơn người già nhất buôn Hoang. Trong nhà tối om, nước mưa tạt qua hàng vách cửa bên hông, ướt cả vào trong. H’Ril đi hạ từng tấm vách. Khi bếp lửa được khơi to hơn, bóng ông Y Wut hiện ra, một nửa người trên chiếc chiếu cũ mòn, nửa còn lại vắt trên sàn nhà, tiếng ngáy to át cả tiếng mưa. Mùi rượu chua nồng vẫn còn đằng đặc trong căn bếp. Có lẽ, ông lại say. H’Ril thở dài. Căn nhà vắng mùi đàn bà gần chục năm, tất cả những tuềnh toàng, tạm bợ phơi ra dưới ánh lửa. Có lẽ, Y Pher cũng đã sống những tháng ngày như thế, đã có lúc thấy vô hình trong chính căn nhà này, giống như H’Ril. H’Ril lục được một cái nồi sứt cả hai quai, vét ít gạo còn lại trong bếp, cô vò gạo với nước mưa. Đợi cho mùi cơm sôi nồng nã thổi khắp xung quanh, H’Ril vùi cái nồi sứt vào đống than đỏ hồng, bắt thêm siêu nước nóng rồi mới trùm áo mưa lao về nhà.

Mẹ đón H’Ril bằng gương mặt bình thản, như thể cô chưa bao giờ vắng nhà lâu đến thế. Mặc cho đất trời ngoài kia vẫn đang tầm tã, mẹ lẳng lặng quay vào nhà, ơ hờ ngồi xuống, vai tựa vào cột nhà, thỉnh thoảng đẩy thêm củi vào ngọn lửa chực tàn. Nếu không có cử động đó, H’Ril nghĩ, mẹ không khác gì một pho tượng gỗ ngoài rừng ma. Lửa hắt lên một nửa gương mặt mẹ, phập phù phủ lên đó một thứ ánh sáng nửa trắng toát, nửa đỏ vàng, ủ dột, lay lắt đến buồn tẻ. Mẹ H’Ril đã từng đẹp, nét đẹp phảng phất u buồn. Người ta bảo, mẹ là cô gái ủ rượu ngon nhất buôn Hoang, thứ rượu lên men bằng vỏ cây đem về từ tận đỉnh Cư Prao. Chỉ cần nghe mùi thơm, đàn ông buôn Hoang đã ứa nước miếng. Nhưng mẹ, và cả rượu, không giữ được chân cha. Vì sao? H’Ril không biết. Có lẽ mẹ cũng không biết. Thế nên mẹ mới để nửa cuộc đời còn lại của mình chơi vơi đến thế. Như thể mẹ và cả H’Ril đã chết hẳn dưới dòng Ea Krăng năm đó. Mẹ lặng câm, như cột gỗ giữa nhà. H’Ril cũng quen với ngôi nhà chẳng mấy khi có tiếng nói. Thứ lặng câm như mối mọt âm thầm gặm nhắm, đục rỗng H’Ril từ bên trong. Lớn hơn chút, H’Ril lại thấy mẹ như thể cây hoa mọc giữa lưng chừng vực thẳm, không vươn nổi về phía mặt trời, nhưng cũng không thể rơi hẳn xuống đáy vực mà chết. Thế nên mẹ cứ ơ hờ sống. Như đơn giản không chết được thì sống, thế thôi.

Một đêm, mẹ lôi mớ ghè rượu bụi phủ từ góc nhà ra uống, tận lực. Mẹ say. Khuya, mẹ vùi đầu vào mớ tóc của H’Ril, hít ngửi mùi khét lẹt tỏa ra từ mớ tóc xác xơ như rễ tre bật gốc. Đó là mùi của cỏ, mùi của đàn bò. H’Ril à. Mùi của thảo nguyên. Thứ mùi quen thuộc thỉnh thoảng người đó mang về từ những miền phiêu bạt, chưa bao giờ kịp làm đủ ấm căn nhà này.

H’Ril à! Ta đã làm một cuộc giành giật với thảo nguyên kia, trong suốt cuộc đời mình. Nhưng những người đàn ông ở buôn Hoang này, họ thuộc về bình nguyên bao la.

H’Ril à, bên ngoài thảo nguyên kia có gì? Có phải mày cũng đang làm một cuộc tranh giành như thế. Nhưng H’Ril à, thằng Y Pher, nó cũng thuộc về đồng cỏ. Đàn ông trong thảo nguyên này, họ chẳng thuộc về chúng ta…

Đó là lần cuối cùng H’Ril thấy mẹ nói nhiều đến thế.

Y Pher to cao như một con bò đực tốt giống. Ai cũng bảo thế. H’Ril đã nhìn thấy Y Pher từ một thằng con trai đen nhẳng, trổ mã thành gã trai cồ cộ, vòm ngực rộng và bờ môi dày mê muội. Có lẽ, Y Pher cũng ngạc nhiên như thế khi chứng kiến những thay đổi sau quãng dậy thì rực rỡ của H’Ril. Có lẽ, ở H’Ril cũng toát ra cái mùi ấy, mùi của một con bò cái giống, mắt vàng, vú đẹp. H’Ril đã nghĩ như thế. Cho đến một ngày, cái ngày H’Ril đã gom đủ rạo rực, lột trần truồng bản thân mình, lăn qua phía bên kia tấm bạt. Nhưng khác với cô, Y Pher sau phút ngỡ ngàng đã cuộn cô lại, giữa lớp chăn bông dày, lăn trở về chỗ cũ. H’Ril à, tao là Chim Mta, mày là nàng H’Bia Plêô, anh em thì không được như thế. Câu trả lời của Y Pher trở thành vết thương của mũi cung nhọn, đâm vào tim cô, nhức nhối suốt nhiều mùa khô, kéo dài qua nhiều mùa mưa, âm ỉ.

Đất trời vẫn đang tầm tã. Ngoài kia, Y Pher và đàn bò đang chạy bão. H’Ril nóng lòng muốn trở lại đồng cỏ. Đàn bò không thể thiếu cô, Y Pher càng không được phép vắng cô. H’Ril dịch người vào gần bếp lửa. Cả người nhức buốt. Cô nhớ mùi tóc khét nắng của Y Pher. Hơi nóng từ bếp lửa bập bùng phả vào người H’Ril, mơn man trên bầu ngực căng tràn, nóng hổi.

***

Người đàn bà xuất hiện trên thảo nguyên sau đợt bão. Khuôn mặt thiên sứ và đôi vai gầy nhô lên dưới làn áo mỏng. Y Pher bảo người buôn Tai vớt được cô trên sông, ngay trong đêm bão. Có lẽ cô đã trôi về từ đâu đó trên lòng hồ Ia Chía, trên một thân gỗ lớn. Người đàn bà không nhớ mình là ai, không nhớ tên, cũng không nhớ nơi mình từng ở. Đám người du mục đoán, có lẽ cô là một cán bộ của thủy điện Ia Chía, một kỹ sư, hoặc ít ra là một khách du lịch kém may mắn, gặp nạn phía thượng nguồn. Y Pher cùng đám người đã mang theo người đàn bà suốt nhiều ngày trên thảo nguyên, lang thang qua nhiều nơi, tìm cách hỏi tin về tung tích người đàn bà trôi lạc.

Mưa tan. Nắng rải vàng trên núi đồi M’Đrăk.

H’Ril quay lại thảo nguyên, người đàn bà đã ở đó, cùng với Y Pher, dưới bầu trời lộng gió. Người đàn bà không thuộc về nơi này. H’Ril tin thế. Nhưng những buổi chiều ráng đỏ góc trời, người đàn bà ngẩn ngơ ngồi ngắm hoàng hôn, bên cạnh dãy hồ nước, giữa đàn bò, Y Pher cũng ngồi cả buổi chiều như thế. Đôi mắt người đàn bà như những bông hoa dại sau mưa.

H’Ril không thở được. Cô băng mình chạy trên đồng cỏ. Mùi của thảo nguyên ùa vào lồng ngực. Gió thênh thang kéo cô đi giữa thinh không bát ngát.

Những sáng sớm, Y Pher dẫn người đàn bà lang thang trên thảo nguyên. Họ cùng nhau đi qua những miền gió thổi, hoang vu và ngào ngạt. Người đàn bà ngồi trên lưng bò, thả tóc xoăn vào miền gió. Tiếng cười trải ra trên khắp thảo cỏ vô cùng.

H’Ril giật tung chùm tua rua nửa trắng, nửa đỏ, ném chiếc lục lạc bò xuống giữa hồ. Cô nhập vào đám người du lục, giữ mình thật xa Y Pher, đủ xa để không buồn tủi. Cô cũng giữ mình tránh xa ngọn đồi có mái đầu bạc khật khưỡng, đủ xa để giấc ngủ nửa đêm không bồn chồn.

Đôi lần, cô thấy bóng Y Pher thấp thoáng gần bãi chăn của lão già nghiện rượu. Dường như họ to tiếng, dường như đôi mắt Y Pher lại thắp lửa, rừng rực. Lão già tóc bạc dọn sang bãi thả xa hơn, suốt nhiều ngày liền. H’Ril lại khao khát soi bóng mình trong đáy mắt hun hút, như bầu trời lồng lộng nắng sau mưa.

Đôi lần, cô nghe tiếng Y Pher hát. Giọng hát trầm đặc, phiêu bồng. Tiếng hát lang bạt, đuổi theo tiếng cười của người đàn bà, tan ra trên khoảng trời bao la, bời bời, bất tận. Buổi tối, Y Pher dựng một lán lớn. Căn lán chung cho cả người đàn bà. H’Ril lùa đàn bò sang ngọn đồi khác. Trong đầu H’Ril chỉ có tiếng gió phập phồng lay bạt. Trong căn lán ấy, hẳn Y Pher cũng sẽ làm một tấm bạt ngăn?

Đôi lần, cô mơ thấy Y Pher. Gã trai đẹp như một con bò đực tốt giống. Giữa thảo nguyên, chỉ có cô và người đàn ông cô khao khát. Bàn tay cô miết từng thớ thịt vạm vỡ, vần vò trên mái tóc vàng khét nắng. Đôi môi cô chạm lên làn da nóng rẫy, vồ vập trên gương mặt như được chạm khắc. Hai cánh tay Y Pher riết lấy cô trong hơi thở nồng nhiệt. Họ làm tình với nhau, trần truồng, giữa trời đất, giữa đàn bò, giữa thảo nguyên bát ngát. Họ trút vào nhau những hân hoan tận lực. Nắng hoang lành trên da thịt. Và họ tan vào nhau.

Y Pher và H’Ril đã làm tình với nhau, cả trăm lần như thế, trong những giấc mơ của H’Ril. Để rồi hàng trăm lần, khi thức dậy giữa thảo nguyên, H’Ril nhận ra chỉ có cô và đàn bò.

***

H’Ril về đến chỗ đàn bò khi nắng đã già lắm. Đám người du mục lô nhô đứng, ngồi trên bãi. Bên trong lán bạt, tiếng Y Pher quát tháo vẫn đùng đùng vọng ra. Bãi cỏ bên ngoài ngổn ngang những đồ đạc văng tung tóe. H’Ril bước trên nền cỏ, cố nhặt lại những vòng tay bằng đồng. Những vòng tay này, cả những chiếc áo này, chỉ vừa mấy hôm trước thôi, chính tay Y Pher đã nhờ người gửi lên từ thị trấn, có lẽ để chuẩn bị cho đám cưới. Giờ thì hết rồi.

Y Pher đã lùa mười con bò đẹp nhất về đây từ mấy hôm trước. Đám bò đẹp như những hạt đậu trên đồng cỏ. Chúng sẽ được bán để lo cho lễ cưới. Thế mà sớm nay, đàn bò, và cả người đàn bà biến mất. Y Pher thịnh nộ cũng đúng. Cơn thịnh nộ chưa từng có. Đồ đạc tung hết ra bãi cỏ. Đám người du mục lặng lẽ nhìn nhau, không ai nói với nhau câu nào. Chiều đó, Y Pher lôi rượu ra uống. Uống đến mềm đi, tiếng mắng chửi nhỏ dần.

Có lẽ, họ đi từ lúc nửa đêm. Vì sáng nay, thằng Y Pher đã đuổi xuống thung lũng rồi, nhưng không thấy. Đám người du mục thì thầm với nhau. Đầu ai cũng ngổn ngang bao nhiêu câu hỏi.

H’Ril biết hết chuyện gì xảy ra, cô là người biết rõ nhất. Nhưng H’Ril cũng không nói câu nào. H’Ril đã xua đàn bò đi trong đêm, băng qua thảo nguyên, rẽ về thị trấn. Ở đó có đám người buôn bò đợi sẵn. Người đàn bà đã đuổi theo cô, giữa đêm, quyết liệt, mê mải. Nhưng bước chân mềm mại đó làm sao đuổi kịp dấu chân của kẻ đã quá quen thuộc với thảo nguyên này. H’Ril cũng đã nhìn thấy người đàn bà khi quay trở lại. Người đàn bà đứng ngoài căn lán, lặng câm nghe tiếng mắng chửi của Y Pher từ bên trong, nhìn từng thứ đồ bị ném tung qua cửa. Người đàn bà bỏ chạy xuống đồng cỏ, lần thứ hai. Dường như, người đàn bà khóc.

***

H’Ril vẫn đứng đó, ngắm đàn bò nhập vào ánh hoàng hôn. Có lẽ, gió trên thảo nguyên mênh mông là thứ xoa dịu tâm hồn người nhanh nhất.

Lão đầu bạc đã đổ vào người cô một lần nữa, ngay giữa lúc cô đang tái tê, bấn loạn. Ngay giữa lúc cô đang muốn hét thật to, muốn trừng phạt tội lỗi của mình thật nặng. Nhưng lần này đã khác, H’Ril không còn là đứa trẻ. Lão chăn bò cũng không còn sức vóc cũ sau bao năm ôm bầu rượu ngả nghiêng. Cô dồn lão xuống đất, đè cây gậy bò lên cổ lão, bằng tất cả sức lực. Lão già trong cơn giãy chết, đã thều thào đổi mạng. Tao biết cha mày đi đâu. H’Ril à, cha mày đang ở làng cùi Ea Na, phía bên kia đèo Phượng Hoàng. Lão ra đi khi những đốt chân đầu tiên rụng xuống. Lão chọn một làng cùi xa, thật xa người buôn Hoang, buôn Tai này…

Tao cũng biết mẹ thằng Y Pher đã đi đâu, H’Ril à, trên một bè lớn, thả trôi xuống phía hạ nguồn. Hôm đó, tao đã uống say quá, H’Ril à…

H’Ril tung người bỏ chạy. Cô nghĩ về mẹ, về ông Y Wut, những gương mặt người câm lặng như tượng gỗ giữa rừng ma. Mẹ đã không biết, vì sao cha không trở lại.

Chân H’Ril khựng lại. Phải rồi, H’Ril à, có lẽ, Y Pher cũng không biết, vì sao người đàn bà đã không quay lại.

Cô quay đầu, chạy nhanh về phía thung lũng, nơi có đàn bò đang lững thững đi qua những triền cỏ rào rạo xanh.

Nguồn: nhavanvacuocsong.net