Miếu đôi cô – Truyện ngắn của Phạm Thanh Khương

  1. Để mặc đám gia nhân đi theo phục việc giá hầu tản mát mỗi người một chỗ, bà Xoắn đi ra rồi lại đi vào, thỉnh thoảng đánh mắt ngó về phía bến sông, nơi có chiếc nhà thuyền vạn chài vật vờ bên bến. Chiều nay cậu Phỏng hẹn sang miếu đôi cô làm lễ giúp bà. Cậu Phỏng còn nói: Bà cứ yên tâm. Nhà tôi ở bên kia sông, xa xôi gì đâu, chỉ cần đẩy mái chèo là sang. Cậu còn bảo: Không lo. Làm lúc mát trời, có xin gì các cô cũng vui vẻ. Chứ nắng nóng thế này, đến người trần còn thấy bức bối, nói gì đến người âm. Hẹn thế rồi mà giờ chiều đã vãn, bóng cây đã ngả rạp xuống, nằm thườn thưỡn trên đất mà vẫn chưa thấy cậu Phỏng đâu. Việc bổ bán đã đến nơi, không nhanh xôi hỏng bỏng không. Nhanh cũng phải dăm năm, một nhiệm kỳ, bằng không trắng tay. Thời gian như chó bị bắt thịt, thoát được, chạy chí chết. Chờ lâu, đi lại mỏi chân, bà Xoắn lấy tay nắm mép chiếc váy dài liền áo, ngồi ghé xuống bờ tường hoa bằng đá, chắn phía mép sông, ngăn phần đất của miếu.

Thực ra, ngôi miếu này có từ bao giờ dân trong vùng không biết, chỉ nghe nói có từ rất lâu. Ngay mấy cụ ông cụ bà, tuổi đã tám chín mươi, có hỏi cũng chỉ lắc đầu: Tôi có mặt trên đời, miếu hai cô đã có rồi. Bố mẹ tôi cũng nói lại, miếu đôi cô có trước cả đời các cụ. Tất nhiên miếu đôi cô có từ bao giờ điều đó đâu quan trọng. Cái quan trọng là miếu thiêng, thiêng lắm. Ai cầu gì được nấy, ai ước gì được vậy. Chả thế, chỗ miếu hai cô bây giờ, trước đây, chỉ là mô đất cao như tổ mối. Người làng nghe đến khu miếu đã sợ bởi heo hút và vắng vẻ. Cả khu đất bãi bồi chỉ làm chỗ cho lau sậy, năn lác. Chuột bọ, rắn rết kéo nhau về sinh đàn dài lũ. Đêm đêm, ai có việc đi qua chỗ đất tổ mối còn nghe văng vẳng tiếng khóc ai oán. Tiếng khóc cứ nấc lên từng chặp rồi kéo dài như tiếng vượn hú. Sau đấy là tiếng cười khành khạch như tiếng người gõ cái chèo tay vào mạn con thuyền. Có người còn quả quyết, vào những đêm trăng thanh gió mát, còn nhìn thấy bóng hai cô gái rất đẹp, nhảy múa trên ngọn cây ruối lối vào.

Trong câu chuyện truyền miệng, nhiều người cho biết. Lần ấy, có một chiếc tàu chở nặng lắm, ghé vào thả neo. Nghe đâu, tàu chở nặng, gặp ngày nước lớn không vượt ngược được, bỏ neo ghé vào nghỉ ngơi chờ nước lặng rồi đi. Nhân lúc rảnh rỗi, thấy có ngôi mộ, nói là của đôi cô, cạnh đấy có cây ruối cội, tán như chiếc ô che trùm lên mô đất. Dưới gốc cây ruối, có một cái miếu nhỏ, xây tịt xuống đất, chả khác gì ban thờ ông địa nơi góc nhà của người buôn bán. Trong đó có bát nhang nhưng xem ra chân nhang cũng đã cũ, màu chân nhang bạc thếch. Bát nhang bụi, bùn đất bám nhem nhuốc. Có một thủy thủ trên tàu, lấy vợ lâu chưa có con. Nghe nói, bà cô ông mãnh là những người chết trẻ, rất thiêng. Như tiện thể, người thủy thủ đó thu dọn, lau rửa rồi vào chợ, mua ít hoa quả, thẻ nhang về thắp gọi là cho đỡ cô lạnh. Trong lúc khấn xin, người thủy thủ có hứa, nếu sau lần đi này về, vợ có thai, nhất định sẽ quay lại tu bổ đàng hoàng.

Sau chuyến đi ấy về, vợ người thủy thủ có thai, khi sinh lại là hai trai. Giữ đúng lời hứa, người thủy thủ mua gạch, vật liệu về dựng cái miếu nhỏ như cái chuồng chim để làm chỗ thắp hương, thờ cúng. Người thủy thủ mua đồ mới, bát hương cũ vẫn để chỗ gốc ruối cội. Chỗ mộ đất cũng được xây hằn bao quanh. Khi người trong xóm bãi được thuê làm, hỏi ra mới rõ chuyện vì sao người thủy thủ làm thế. Một đồn mười, mười đồn trăm, câu chuyện về miếu đôi cô chỗ ngã ba sông Cả với sông Thiên Đức rất thiêng được lan truyền nhanh hơn gió, len lỏi vào từng ngõ ngách, ăn sâu, bám chắc trong đầu các bà, các chị. Tất nhiên, những lời nguyện cầu của họ không ai được biết, chỉ biết rằng, số người về đây xin lộc và trả nghĩa là có thật. Chỗ đất miếu mở rộng dần ra, người ra vào ngày một nhiều. Mấy năm trước, có một nhà doanh nghiệp, nghe nói nợ nần chồng chất, sắp phá sản, đến xin hai cô, thế là làm ăn phát đạt, từ công ty nhỏ thành tập đoàn lớn nhất nhì trong khối doanh nghiệp tư nhân. Nhà doanh nghiệp đó chở nguyên vật liệu xây một ngôi nhà gỗ ba gian cấp bốn, mái lợp ngói ta. Gian giữa xây bệ thờ, hai gian bên làm chỗ thắp lễ. Nhà doanh nghiệp còn mở đường, đổ bê tông lấy lối đi lại cho xe ô tô có thể ra vào được. Chỗ đất trước cửa miếu, nhà doanh nghiệp cho san phẳng ra sát mép sông, đổ bê tông làm sân. Nhà doanh nghiệp cũng cho kè bờ sát mép sông, xây tường hoa bao quanh bằng đá xanh, nghe đâu chuyển từ Thanh Hóa, Ninh Bình về. Chỗ cây ruối được rào chắn cẩn thận. Bát nhang dưới gốc được làm lễ tạ rồi đưa vào trong nhà đặt lên ban thờ. Chỗ mộ hai cô được đổ bê tông phủ kín, ốp gạch men nâu. Mỗi năm một lần tu bổ, sửa sang thêm. Sau vài ba năm, miếu hai cô giờ to rộng, khang trang. Người đến trả lễ ngày một đông, vật cúng tiến cũng ngày một nhiều. Thôi thì từ chuyện mở mang đất đền đến bộ ngũ sự, nhà bày lễ, bàn ghế rồi cả tượng. Miếu đôi cô trở thành nơi thờ tự cả thần lẫn thánh. Cũng từ đó, miếu đôi cô vào đầu xuân, các giá hầu diễn ra kéo dài cả tháng. Cứ nhìn biển số xe là biết, đến lễ miếu đôi cô có đủ các vùng miền trong nước. Ngoài ra, trong năm vẫn có đôi ba người làm lễ lẻ. Cậu Phỏng, nhà bên kia sông Thiên Đức, đối diện với bến thuyền chài là người hay được mời đến làm lễ nhất. Vào dịp giêng, hai, chỗ sân xi măng trước cửa miếu phải dựng rạp, làm chỗ cho các giá hầu mà vẫn còn phải xếp hàng chờ đến lượt. Việc bà Xoắn làm lễ lần này chỉ là lễ lẻ, đến việc, có việc phải cầu.

Từ trong đền, trên ban thờ nhìn ra, mọi việc của bà Xoắn với đám người phục giá hai cô đều biết. Cô cả, trên đầu cài trâm ngà voi, trạm hình bông hoa hồng bạch có con chim phượng bên cạnh. Cô em trâm thạch cẩm ngọc, đầu trạm hình con chim trĩ, ngậm bông hải đường. Cô chị lấy ngón tay khều khều vào sườn cô em, nháy nháy mắt ra hiệu. Cô em hiểu ý, gật gật đầu. Hai cô nhún mình lướt đi trên đám đồ lễ vàng bạc, ngựa xe, áo gấm, nón thúng. Khi lướt qua mấy sợ dây xà tích sáng bóng, cô em định cúi xuống nhặt, cô chị vội đưa tay kéo đi. Cô em vẫn nhanh tay nhặt được giải yếm xanh vắt trên yên con ngựa bạch. Khi ra khỏi cửa, chiếc yếm vướng vào thanh công son đỡ mái hiên. Cô em ngoái người định lấy nhưng cô chị kéo đi, không kịp. Chiếc yếm xanh vướng vào công son, bị gió từ chiếc quạt phía trong gian thờ thổi vào, lất phất bay. Hai cô uốn mình, lách ra khỏi cửa đền, lẫn vào đám mây trắng, sà thấp trên mặt sông, lượn một vòng rồi đậu xuống chỗ ngọn ruối cội.

Rồi cậu Phỏng cũng đến. Chiếc thuyền vừa ghé vào bến chỗ có chiếc thuyền chài, mấy người đi theo nhảy lên, tay xách nách mang mấy chiếc va li trong đựng quần áo hầu và đồ lễ. Có cậu thanh niên, dáng mảnh mai, khom người, đưa tay giữ đầu thuyền cho cậu Phỏng bước lên. Bà Xoắn chạy vội ra đón, đon đả:

– Cậu đã đến.

Cậu Phỏng vừa đi vừa thủng thẳng:

– Ừ. Đến hẹn sang đây giúp bà nhưng rồi lại vướng có tý khách nên đến muộn.

– Dạ.

– Nhưng không sao. Muộn, mát giời càng dễ xin các cô.

– Vâng. Mọi việc xin nhờ cậu hết ạ. Cậu xin cho nhà em, làm sao được các cô thương, xuôi chèo mát mái là em mừng rồi.

Cậu Phỏng dợm bước đi về hướng cửa đền. Vừa chạm bước chân vào cửa, cậu Phỏng rùng mình, hai tay nổi gai ốc. Cậu lắc lắc đầu trấn tĩnh, nhìn sâu vào bên trong. Ngôi đền vắng lặng, chỉ có tiếng loài côn trùng trong những lùm cây quanh đền réo rắt từng nhịp. Tiếng lũ dế ri ri nỉ non như khóc. Tiếng chàn chạt khàn khàn giọng người hút thuốc lào lâu năm. Vọng lại tiếng rắn bắt nghéo kêu choe chóe, thảm thiết. Trong miếu, hai con bạch xà treo mình trên ban thờ trợn mắt đỏ đòng đọc, ngoác miệng thè cái lưỡi dài màu máu, phun nọc phè phè. Âm thanh của các loại côn trùng xung quanh miếu trộn vào nhau hổ lốn, dờn dợn.

Quay sang bà Xoắn đang đứng bên cạnh, cậu Phỏng hỏi:

– Bà có thắp hương khói gì trong đền không đấy?

– Dạ. Không.

– Bà có nói năng gì không phải khi chờ tôi sang không đấy?

– Dạ. Không.

– Quái. Vậy hai cô đi đâu mà để đền vắng tanh vắng ngắt thế này. Hay là mát giời hai cô lại rủ nhau đi chơi.

Miệng nói, mắt cậu Phỏng nhìn vào đống đồ lễ bà Xoắn để dưới mái hiên.

– Chỗ lễ này là khi bà mang đến đưa vào bầy đúng không?

– Dạ. Đúng ạ.

Cậu Phỏng nhìn bà Xoắn. Ánh mắt cậu Phỏng lướt từ chân lên đầu. Cậu Phỏng dậm hai chân xuống nền cửa miếu phình phịch, hai tay vỗ vào sườn áo bành bạch.

– Tôi biết vì sao rồi. Các cô giận, bỏ đi rồi.

Cậu Phỏng đứng tách ra xa bà Xoắn một bước rồi chỉ tay vào bà Xoắn, giọng sin sín.

– Bà nhìn lại đi. Lúc bà mang đồ lễ vào. Đứng chỗ cửa sáng. Các cô ngồi bên trong. Váy trắng mỏng thế kia thì thử hỏi, nhìn từ chỗ tối ra chỗ sáng như này, có khác gì bà đưa hết các thứ ra trước cửa miếu cô.

Bà Xoắn nhìn lại rồi thốt lên.

– Thôi chết. Em đâu biết. Thế phải làm sao bây giờ?

– Còn làm sao nữa – Giọng cậu Phỏng quan trọng – Vẫn phải hầu hai cô thôi. Biết đâu, nghe tiếng hát, tiếng đàn, các cô thấy vui lại về thì sao.

Khi cậu Phỏng cùng mấy người đi theo bầy biện các thứ chuẩn bị làm lễ giá hầu, tiếng thử loa ọ ẹ, ọ ẹ như đứa trẻ thức giấc. Cây ruối lối cổng vào đền đám lá sát vào nhau khanh khách, khanh khách. Tiếng cười dứt, có vệt khói trắng, rất mảnh, nhỏ như sợi tơ trời theo gió bay lướt đi rồi đậu xuống gian nhà thuyền vật vờ trên sóng chỗ bến.

 

  1. Ngồi trong nhà thuyền, lão Ngư dõi mắt nhìn ra xa, nơi ngã ba con sông Cả với dòng Thiên Đức gặp nhau. Từ chỗ đó, sông Cả mở dòng xuôi qua Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình rồi đổ ra cửa Ba Lạt. Cũng từ đây, chỗ ngã ba này, dòng Thiên Đức tách phía Tây Bắc kinh đô, chảy về phía Đông qua tỉnh Bắc Ninh, đổ vào sông Thái Bình ở Lục Đầu rồi hòa vào biển cả.

Vào những ngày có lũ, dòng Cả đục ngầu một màu sa. Nắng chiếu vào, nước sa lóng lánh như dải lụa ai đó đem phơi, có làn gió nhẹ lướt qua bồng bềnh, bồng bềnh. Những ngày đó, lội xuống tắm, nước mát lịm ngấm vào da vào thịt, mềm như da đứa trẻ bụ sữa. Khi dòng Cả có sa, ấy cũng là nước lũ tràn về, con cá bắt được cũng béo, nần nẫn là thịt; đám rau dút, rau muống nhặt ven bờ cũng mơn mởn, mướt mát. Chỗ ngã ba, dòng nước phân làm hai, tạo vòng xoáy như khoáy trâu giữa trán. Những tảng bèo sen trôi từ thượng nguồn bị cuốn vào xoáy tít, ngụp lặn dập dềnh, nhô lên rồi lại ngụp xuống. Sau vài ba lần như thế, đám bèo sen bị xoáy cuốn, văng ra xa chỗ xoáy, lập lờ trôi theo sóng. Tối tối, nằm trong nhà thuyền, nghe rõ cả tiếng đất lở sùm sụp.

Chiều ấy, chỗ xoáy nước ngã ba xem ra rất mạnh. Lão Ngư đứng mũi thuyền nhìn thấy chỗ xoáy tạo thành cái hố to như miệng thúng, sâu hun hút. Lão nghĩ bụng. Chỗ xoáy kia bây giờ mà ra thả mẻ lưới thì gì chứ bắt được dăm bẩy con cá chép cụ là cái chắc. Những chỗ xoáy như thế, thức ăn nhiều, lũ cá chả kéo nhau về tranh ăn lão bé lại.

Nghĩ sao làm vậy, lão đẩy thuyền hướng về chỗ xoáy nước ngã ba. Lạ. Lão cứ đẩy thuyền ra thì cứ như có ai kéo thuyền trở lại, đánh dạt vào mom đất, chỗ mấy khóm lau trổ hoa bàng bạc bị sóng vỗ, nước chảy lỏng gốc, đổ nghiêng ra mép sông. Dăm lần bẩy lượt như thế, mỗi khi định phóng sào, giữ thuyền đứng yên, sóng lại ào đến làm lão mất thăng bằng. Bực mình, lão gác cây sào lên nóc dọc nhà thuyền. Đấy, có giỏi sóng nước đánh thuyền lão dạt vào đâu xem nào. Đúng lúc ấy, lão nghe có tiếng lục cục như có vật gì chạm dưới đáy. Lão vừa ngó đầu ra nhìn, trồi lên từ đáy thuyền là hai cô gái, nằm ngửa, tóc vấn đầu cầu kỳ như người trong cung cấm. Một cô cài trâm ngà voi trắng đục, khắc hình con phượng. Một cô trâm thạch cẩm ngọc, trạm hình con chim trĩ ngậm bông hải đường. Trên trán hai cô thắt giải vải lụa xanh màu da trời. Hai cô nằm song song nhau, giang hai chân hai tay như ngủ, tư thế rất thoải mái. Trên khuôn mặt hai cô, làn môi vẫn đỏ mọng như trái mận chín. Tấm áo tứ thân, dải lưng xanh xõa ra, lập lờ, dập dềnh, phất phơ như có gió thổi ngày chơi hội.

Lão rút cây sào gác trên mái định đẩy hai cô ra khỏi thuyền. Người nhà chài không được phép cứu người chết đuối. Người chết đuối là số người đó thuộc về hà bá. Nếu cứu, nhà chài sẽ phải chịu tội thay vào đó. Lão vừa giơ cây sào lên định đẩy ra thì tự nhiên, tay lão như có ai cầm roi đuôi cá đuối vụt xuống, buốt nhói. Lão buông vội cây sào làm rơi xuống sông. Lão đứng trơ ra nhìn hai cô gái vẫn như đang múa hát ngày đi hội. Rồi bỗng có cơn gió rất mạnh nổi lên, đánh dạt thuyền lão cùng hai cô vào bờ, chỗ mom đất nhô ra ngã ba. Gió đánh mạnh, làm con thuyền của lão và hai cô mắc vào bãi đá, chỗ người ta ném xuống chống xói. Lão nhảy vội xuống, ghé vai vào mạn, cố đẩy thuyền ra khỏi chỗ mắc cạn. Lão sợ. Đáy thuyền mà mắc vào đó, gió đánh qua đánh lại, bục đáy thì lão mất nghiệp. Càng đẩy, chiếc nhà thuyền càng lỳ ra, không nhúc nhích. Cứ mỗi lần như thế, tay cô gái gần phía lão cứ quờ quờ chạm vào bên sườn, như có ý mách bảo, cầu xin điều gì đó. Lão bất lực, nửa người ngâm dưới nước, tay bám vào mép thuyền, đầu gục bên mạn. Lão đứng như thế, tay cô gái chạm vào sườn lão liên tục, đôi lúc lão cảm thấy bàn tay ấy nắm lấy vạt áo của lão giật giật.

Lão chắp tay, đưa cao lên trời, miệng lầm rầm khấn: Lạy trời Phật. Con làm điều này là phạm vào quy ước của kẻ sông nước. Nếu hai cô sống khôn chết thiêng, hãy phù hộ cho thuyền của tôi thoát khỏi chỗ mắc cạn. Thuyền thoát được chỗ đó, tôi sẽ đưa hai cô lên bờ, chôn cất tử tế.

Lão vừa dứt lời, có một con sóng rất to ào đến, nâng thuyền lão lên, kéo trôi ra khỏi chỗ bãi đá. Sau khi lấy dây neo thuyền cho khỏi trôi, lão bế từng cô lên bờ, tìm chỗ đất cao nhất trong bãi, đặt xuống. Lão thấy hai cô mắt đều mở. Lão cởi áo, lau hết nước trên mặt rồi ủ hai tay lão lên cho da ấm lại, vuốt mắt. Lão phát quang đám cỏ, đào hố vuông vắn. Lão quay lại thuyền, lấy chiếu cuốn lại rồi đặt hai cô nằm sát bên nhau. Sau khi đắp chỗ hai cô nằm thành cái ụ nổi lên, lão đi nhổ cây ruối con về, chọc lỗ, cắm xuống gần đó. Vừa làm lão vừa lầm rầm: Tôi đánh dấu nhà của hai cô ở đây. Sau này, có đi đâu nhớ chỗ cây ruối này mà về. Nhà hai cô ở đó.

Đẩy bát nước về phía hai cô, lão thủ thỉ.

– Nước hoa vối đấy. Tôi vừa nấu, còn ấm. Hai cô uống đi.

Cầm bát nước vối trên tay, hai cô đưa lên nhấp ngụm nhỏ rồi đặt xuống mặt sàn nhà thuyền.

– Ngày đó, tôi nghèo, chả có gì, chỉ có manh chiếu bó cho hai cô. Mong hai cô thông cảm. Nếu hai cô thấy lạnh, tôi còn cái chăn chiên cũ, biếu hai cô dùng tạm.

Nghe lão nói, có ý tự trách thân trách phận, hai cô nhìn lão rồi từ trên khóe mắt, hai dòng nước chảy dài xuống má.

– Không. Chị em tôi phải cám ơn lão mới đúng. Lão đã không để chị em tôi cho cá rỉa thịt, được toàn thây. Chị em tôi cũng chưa trả được ơn lão tháng tháng chu toàn thắp hương để hồn vía chị em tôi không nguội lạnh. Mấy trăm năm đã qua, lão vẫn quanh quẩn trông nom chăm sóc chị em tôi. Thế là chị em tôi cũng được phúc đức lắm rồi.

– Chẳng qua là, tôi nghĩ trời đất cho tôi biết hai cô cũng là cái duyên. Làm được gì thì tôi cố vậy thôi.

Lão nâng bát nước vối lên làm một tợp, kéo chiếc điếu vào lòng, mồi thuốc châm lửa hút. Lão tựa hẳn người vào cạnh nhà thuyền nhả khói.

– Nay trên đó có gì mà sáo nhị réo rắt thế? Hai cô không ở nhà thụ lễ, cho lộc mà xuống đây làm gì?

– À. Trên đó họ lại đến làm lễ hầu đồng xin chức, xin quyền ấy mà.

Nói rồi nước mắt hai cô chảy tràn ra. Tiếng hai cô nấc lên từng chặp.

– Lão bảo nhà à. Chúng tôi giờ làm gì còn nhà. Cái mô đất lão đắp cho chúng tôi, họ đem đổ bê tông rồi ghép gạch men bịt kín, làm sao chúng tôi vào được. Thân xác dưới đất mà hồn phách phải vơ vẩn trên này. Chị em tôi không còn chỗ ở nên cứ phải ngồi nhờ, trú trọ trong cái ban thờ của ngôi nhà họ dựng lên đấy chứ. Cái đấy đâu phải nhà của chị em tôi. Có chăng còn được cây ruối lão trồng đánh dấu ngày nào.

Hai cô lấy vạt áo chấm chấm bên khóe mắt.

– Lão đừng bỏ chị em tôi đi đâu nhé. Lão đi đánh lưới ở các khúc dưới, xa lâu lâu, chị em tôi lại lên ngọn ruối chờ lão về đấy. Lão có biết không?

– Tôi biết. Nhưng mà tôi…

Lão bỏ lửng câu nói. Đã bao lần lão định hỏi vì sao hai cô lại như thế nhưng rồi thôi. Làm người ai cũng có số có phận. Trời định sao được thế. Ai cũng bảo, làm gì rồi trời cũng biết, đất biết, quỷ thần hai vai đều biết. Biết mà sao trời đất để phận người hai cô chết rồi còn khổ thế. Có mô đất chỗ bãi hoang rồi cũng bị thiên hạ lấy mất, phải cầu bơ cầu bất, trú tạm ở nhờ tránh mưa tránh nắng. Nhìn hai cô khóc, nghĩ đến phận mình, cả đời lênh đênh sông nước, tự nhiên nước mắt lão chảy ra thành dòng.

– Nếu vậy. Hai cô xuống đây mà ở. Tôi nhường gian nhà thuyền cho hai cô. Còn hai ông cháu tôi, lên trên mái vòm. Trên miếu ầm ĩ thế, có ngủ cũng chẳng được. Trời đất này, vài ba hôm nữa là có lũ về. Lúc ấy mưa gió thì biết làm sao.

Lão đưa mắt nhìn ra ngoài xa. Chỗ ngã ba sông, những cuộn sóng vẫn mải miết đuổi nhau. Khi gặp chỗ xoáy, các con sóng lượn tròn rồi vỡ ra từng đoạn ngắn, tan nhanh vào các con sóng khác ùa đến. Màu sa vàng vàng mỗi ngày một đậm. Ánh nắng chiếu vào màu sa loang loáng bạc trên đầu con sóng. Chỗ vòng xoáy ngày một mạnh hơn, nhanh hơn. Nước đầu nguồn đang dồn về. Trên trời, những quầng mây xám xịt, nặng như chì, sùng sũng nước chực chờ đổ xuống. Khóm lau bên bờ, mấy bông đã chuyển từ trăng trắng bạc sang nâu màu đất. Chỗ thân cây đã nhú vài ba đầu rễ trăng trắng xanh. Lũ kiến cũng đã cặm cụi tha trứng ngược lối đi lên phía trong bãi. Thời tiết này, chỉ vài ba ngày nữa là nước sẽ dâng lên ngập mấp mé chân bức tường đá xây chắn phía sông trên khu đất miếu hai cô.

 

  1. Qua tiếng loa phát âm lượng rất to, mấy nhà xung quanh miếu biết lại có ai đó đến lập giá đồng xin lộc. Cứ những lần như thế, giữa các giá rồi kết thúc giá, cậu Phỏng lại cầm cả xấp tiền ném tung về các phía, là thánh ban lộc. Những tờ tiền mới cứng, vừa xé bỏ miếng giấy đóng gói tung lên, bay lả tả như lá. Khi cậu Phỏng tung gói tiền lên, có tờ xoáy tít, lật mặt liên tục rồi rơi xuống. Có tờ giữ nguyên một mặt phẳng, là đà rơi, chạm mép chiếu, bật lên rồi nằm im. Có tờ rơi xuống theo phương thẳng đứng, chạm đất, nhẹ nhàng ngả mình xuống mặt chiếu. Chỉ đợi có thế, mọi người đi xem xô nhau vào vơ lộc. Có nhiều người, nhảy lên, lấy tay quờ quờ cố tóm lấy tờ tiền còn đang xoắn tít trên không. Tiếng ai đó kêu oai oái vì bị người nào dẫm lên chân, ngã đè lên người. Tiếng chửi tục tĩu ai đó bị cướp mất tờ bạc vừa nhặt được trên tay. Đám người thụ lộc xô nhau, ngã đè lên cả đám theo hát hầu. Những tờ tiền còn mới, ngậm trong miệng, nắm trong tay, nhăn nheo, thấm mồ hôi và nước bọt nhớp nháp.

Lượn trên ngọn ruối, lướt trên sân một vòng, hai cô nhìn kẻ đánh đàn, tay kéo nhị, người hát hầu và dáng cậu Phỏng mặc bộ áo lụa xanh, thắt dải lưng đỏ, đầu đội khăn gấp nếp kiểu mấy cô gái sơn cước, mấy nén nhang cháy kẹp trong các kẽ ngón tay, khua lên hạ xuống. Hai cô đưa mắt nhìn nhau, gật đầu, nhún người, hai vệt khói trắng mỏng manh nhẹ nhàng bay đi. Giải yếm hai cô thắt, bung lên bẩy sắc cầu vồng.

Bà Xoắn ngồi hầu chính giữa khán thờ, ngay bên mép chiếu chỗ cậu Phỏng làm lễ. Khi người hát hầu buông câu “xe loan thánh giá hồi cung”, cậu Phỏng đưa tay, vẩy vẩy mấy nén nhang trong kẽ tay, bà Xoắn hộc lên một tiếng, người cứng đơ trong thế ngồi kiết già. Chiếc quạt thổi thốc gió vào, làm lật mép váy trắng, hở bắp đùi trắng hơn hởn. Từ miệng bà Xoắn, nhểu ra dòng nước trắng đùng đục như nước gạo đặc; đôi mắt trợn ngược, trắng dã, bất động.

Mọi người nhao đến, định đỡ, cậu Phỏng xua xua tay.

– Đừng, đừng. Cứ để bà ấy ngồi thế. Cô nhập vào đấy.

Nghe thế, mọi người cùng quỳ gối, chắp tay dập đầu, miệng bẩm bẩm: Lạy cô. Lạy cô.

Bà Xoắn thấy mình bay lên. Bà bay qua chín tầng mây, mười tầng gió. Bà thấy mình lâng lâng; những lọn gió lùa vào áo, váy, ve vuốt lên da, lên mặt mát lịm. Bà cứ bay như thế đến khi gặp một đám mây xám, màu chì. Ngồi trong đám mây xám, có ai đó, đầu đội mũ cánh chuồn dài hình như đưa tay vẫy bà lại gần. Mỗi khi bàn tay ấy vẫy vẫy, hai cánh chuồn bên mũ lại rung rung, rung rung.

Bà Xoắn lết đến dưới chân, hai tay chống đất, cúi mặt xuống.

– Thôi nào. Con hãy ngẩng mặt lên xem có nhận ra ta là ai không?

Bà Xoắn từ từ ngẩng đầu, he hé mắt ngước nhìn. Ai nhỉ? Ai mà bà không biết? Bao nhiêu lần đi xem bói, đến đâu, chỗ nào, thày đều nói gia tộc còn thất lạc một cụ ngũ đại. Thày còn phán, cụ ngũ đại làm quan to lắm, quan đầu triều. Không lẽ là cụ đây? Mộ cụ thất lạc chưa tìm thấy, sao cụ lại ngồi đây? Nhớ lại thế, bà Xoắn vội dập đầu vái.

– Con lạy cụ. Con người trần mắt thịt, phận làm dâu, có gì sai sót mong cụ lượng thứ, giơ cao đánh khẽ, còn cho con xin.

– Ta biết rồi – Giọng cụ âm âm – Con không có lỗi gì cả. Con vì lo lắng cho gia đình, họ tộc cả thôi. Nào. Giờ hãy ngồi thẳng lên nói cho ta nghe xem sao?

Giọng cụ rất nhẹ nhưng bà Xoắn nghe như có tiếng gió rít qua kẽ răng, như tiếng dao cạo vỏ nứa khô. Bất giác, cả người bà nổi gai ốc.

– Có phải con đang đi xin cho chồng con thành đạt, cũng mũ cao áo dài, đai to vòng trễ đúng không?

– Dạ. Đúng thế ạ.

– Con đừng quá lo. Rễ cây đã sâu, thân cây đã lớn, bóng cây đã trùm. Rồi đâu vào đấy cả. Thiên hạ ai cũng xin. Cô cho nhưng trên này ta không cho. Mất công mất sức cả thôi.

Ngừng ngắn dường như để lựa tìm cách hỏi làm sao cho người được hỏi hiểu điều muốn biết, cụ thong thả buông lời.

– Có phải con cũng xin cho dòng tộc không rơi vào tuyệt tự đúng không?

Bà Xoắn nghe hỏi thế, nước mắt rơi lã chã, gục đầu xuống, mái tóc phủ kín hai bên má và mặt.

– Lỗi này tại con. Do con không sinh nở được nên làm cho dòng tộc không còn người nối dõi. Lỗi tại con. Con xin cụ giúp con.

Tiếng cụ cười gằn.

– Ta biết. Ta biết. Không phải con không có khả năng sinh nở mà vì khi còn trẻ, con đã bao nhiêu lần vứt bỏ sinh linh trước khi về làm dâu dòng họ nhà ta. Nhưng con không lo. Rễ cây dòng họ ta trải khắp Bắc Nam. Chỉ có điều, không chính danh mà thôi. Chính danh hay không chính danh thì vẫn cứ là dòng giống nhà ta. Con có thấy đúng thế không?

– Dạ. Con biết. Nhưng vẫn là lỗi của con.

Lần này, tiếng cụ cười khầng khậc, khầng khậc như tiếng mía tiện ai đó cắn bẻ từng khấu.

– Con lo sau này khi chết đi, tiền bạc không biết ai tiêu chứ gì? Đừng lo. Đất có rộng đến đâu, mỗi người cũng chỉ có mét rưỡi vuông mà thôi. Có ác, có xấu đến đâu, tiền dán vào lại là người tử tế. Con hãy nhớ lấy điều này.

Cụ ngừng lại để thở, nhẩn nha nói.

– Nhân đây, ta cũng nói con biết. Đừng mất công đi tìm mộ phần của ta. Trước khi chết, ta đã nghĩ người đời sẽ tìm mà quật lên nên sai gia nhân đem chôn ở một chỗ kín đáo rồi. Chỗ mộ con cháu vẫn sì sụp cúng vái chỉ là mộ gió, mộ giả ta tạo dựng lên thôi. Mà miếu con đang xin hiện nay, có phải là bà cô đâu mà xin. Hai người đàn bà ấy là tỳ thiếp của ta. Ta mang về từ khi mười ba tuổi. Nhà ta lúc đó, nhiều đứa còn xinh hơn, trẻ hơn. Thấy ta hắt hủi, buồn chán tìm cách bỏ trốn. Ta biết, nói gia nhân làm bộ giả vờ như trốn thoát được, để cho vui. Ai ngờ lại đi buông sông. Đã làm đàn bà sao thành bà cô mà thiêng được. Việc con làm, ta nghĩ cũng là để con vui, người vui. Thế thôi.

Dứt lời, cụ ngũ đại nhếch mép cười khẩy, vẩy tay một cái, lẫn vào đám mây màu xám chì. Bà Xoắn vẫn phủ phục, đầu gục vào hai tay, mông nhô cao tư thế mèo vồ chuột. Hẫng cái, bà Xoắn thấy mình đang rơi. Bà rơi nhanh lắm. Bà nghe rõ cả tiếng gió rít bên tai. Gió xát vào người bà nóng muốn chảy ra thành nước. Ruột gan bà như có lửa đốt. Ơ, mà không phải, là tiếng nước vỗ bờ oàm oạp. Bà đưa mắt nhìn lên. Đám mây màu xám chì giờ đã chuyển sang màu đen đặc. Đám mây cuốn lấy bà, xoắn lại, phía trên rộng, dưới nhỏ, như cái duộc rót nước mắm thành vòng xoáy nước, rơi xuống. Bà đưa vội mắt nhìn xuống dưới. Cái gì thế kia, ai đang đun cái gì như vạc dầu đang sôi. Lửa à. Sao lửa to thế. Ngọn lửa trùm lên cả miệng cái vạc, liếm cả vào chỗ dầu đang sôi trong lòng chảo. Người, toàn là người ken đặc, nhảy múa xung quanh chiếc vạc dầu. Những cánh tay da bọc xương, khẳng khơ, dài ngoẵng đưa lên chấp chới, dập dờn, phất phơ. Tiếng cười man dại bủa lấy bà, bóp chặt. Bà thấy nghẹn thở. Những cánh tay gầy guộc, đen đúa nắm lấy bà, nhúng xuống vạc dầu. Bà nghe rõ có tiếng mỡ nổ lách tách, thấy rõ thịt bà đang chuyển từ màu trắng sang màu hồng hồng rồi thâm lại. Không. Bà Xoắn hét lên rõ to. Tiếng bà hét to làm những cánh tay đang dìm bà xuống vạc dầu, bị bất ngờ, giật mình, ném tung bà lên cao. Bà rơi xuống, nằm trong bụi mơ lông nhằng nhịt bên chái miếu đôi cô, người đầm đìa mồ hôi.

Tỉnh rồi, tỉnh rồi. Bà nghe có rất nhiều tiếng người thì thào xung quanh. Tiếng cậu Phỏng nói như ra lệnh.

– Đừng động vào. Cứ để các cô nghỉ. Các cô vừa đi xa về nên mệt, cần phải được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.

Tự nhiên, cậu Phỏng ngoái ngoác, vơ vội lấy bộ quần áo vừa thay ra khi chuyển giá hầu, đập lấy đập để vào bà Xoắn. Cậu đập hăng quá, mấy cái khuy áo bằng nhôm, mắc vào, làm váy bà Xoắn tốc ngược, lộ rõ cả chiếc quần con màu đo đỏ có viền đăng ten xung quanh. Cậu ném bộ quần áo xuống nền miếu, quay sang chỗ cánh hát hầu, mắng.

– Mấy thằng kia. Tao đã nói không hút thuốc. Có hút thì cũng dụi đầu mẩu cho cẩn thận. Cứ thích lấy tay bắn đầu mẩu. Cháy váy của người ta rồi đây này.

Có tiếng ai đó nói ra ý thanh minh.

– Không phải đâu cậu. Que nhang cậu kẹp ngón tay, khi vung lên, tuột ra, dính vào váy bà ấy đấy – Có ai đó tay cầm chân nhang, đưa ra trước mắt cậu – Đây này. Cậu xem đi. Có đúng là chân nhang cháy dở không?

Cậu Phỏng không nói gì, đưa tay quệt ngang trán, bước ra cửa. Bất giác cậu đưa mắt nhìn lên, phát hiện thấy giải yếm xanh vướng trên đầu công son. Cậu Phỏng quay mặt vào trong.

– Nay ai bày lễ vào thế hả. Ra nhìn xem. Có khác gì đem treo cổ lên không?

Mấy người vội chạy ra. Giải yếm xanh mắc trên công son bị gió thổi xoắn lại, trông không khác gì dây thừng, phía đầu có cái thòng lọng treo cổ. Cậu Phỏng đưa tay gỡ dải yếm xanh, miệng lủng bủng.

– Làm lễ giá hầu này quá bằng xin mang trôi sông, thả biển.

 

  1. Mấy hôm nay nước trên nguồn dồn về dòng sông Cả và Thiên Đức sậm màu sa. Ban đầu màu vàng vàng nhạt rồi chuyển dần sang màu nâu sẫm. Phía thượng nguồn, mây đen phủ kín. Xóm bãi cũng rục rịch chuyển đồ vào trong đê.

Lão Ngư ngồi ngất ngưởng mui thuyền, chép miệng.

– Mưa gió này kiểu gì cũng lũ lụt. Vài ba ngày nữa rồi lại xác người trôi lềnh phềnh đầy sông.

Không phải đợi đến mấy ngày, chỉ chưa đầy hai bốn giờ, nước trên nguồn đã dồn về, dâng hết cả khu bãi, đám cỏ lau ngập lút đến cuống hoa. Dòng Cả nhìn ngút mắt một màu nước. Đứng từ trên đê nhìn sang bên kia, những dãy nhà chỉ còn là một vệt xanh, trắng mờ mờ, loang lổ như vết cọ phủ nền trên tấm toan. Dòng Thiên Đức, hẹp, nước xiết, xói bờ, tiếng đất lở ùm ũm. Nước ngập quây bốn xung quanh miếu. Chuột, rắn từ bãi, bị nước ngập hang, kéo nhau lên miếu, trèo lên mái, lên ngọn ruối. Lũ chuột tranh nhau chỗ trú, đánh nhau chí choét, rơi xuống nước tùm tũm lại lóp ngóp bơi vào, leo qua tường hoa đá vào miếu. Vì đông quá, chỗ các góc sân miếu, chuột vón lại thành từng cục, chen lấn cố nép vào giáp thân tường hoa. Lũ rắn, bò lên các thanh xà trong ngôi miếu, cuộn chặt, rúc đầu vào thân. Nhiều con cuộn trên các bức tượng, thấy động, nhô đầu, thò lưỡi đưa qua đưa lại. Đường ra miếu, tuy đã được tôn cao nước vẫn xâm xấp mặt. Nhà chài dưới bến, neo giữ, nước cuốn trôi không được, cứ ngoảy bên này lại xọ sang bên kia, lắc lư như cậu Phỏng nhập đồng.

Nước ngập bờ tràn bãi thế nhưng không biết nhà ai có việc vẫn đưa nhau ra miếu làm lễ. Lũ chuột thấy động, xô nhau chạy, nháo nhác. Chúng đội nhau, cắn vào đuôi nhau vượt lên tường hoa kè đá rồi lao xuống sông. Có nhiều con rơi xuống, gặp lúc sóng dồn vào, đập mình vào đá, chìm xuống. Có những con, lóp ngóp bò lên, run rẩy, bám vào các chỗ gờ đá nhô ra thân kè, mắt lơ láo. Khi đoàn làm giá hầu vào miếu, lũ chuột túa ra, chạy đen đặc cả khu sân. Có ai đó sợ quá, kêu lên. Cậu Phỏng quát ầm ầm đám gia nhân của người làm lễ cùng chỗ tùy tùng đàn, nhị, hát hầu sắp xếp cho nhanh để còn kịp hành lễ. Tiếng cậu Phỏng giục giã vì sợ không nhanh, nước tiếp tục dồn về, tràn qua tường hoa kè đá quanh miếu thì lỡ hết việc.

Bỗng có tiếng ai đó kêu thất thanh phía tường hoa kè đá giáp sông.

– Có người chết. Có người chết.

Nghe tiếng kêu, mọi người đổ xô ra xem. Phía mép ngoài tường hoa kè đá, có xác người đàn ông chết nằm sấp, mỗi khi có sóng táp vào, lại lao đầu vào kè. Khi sóng giật ra, cái xác lập lờ truồi ra rồi khi có sóng, lại lao đầu vào.

Người ta bàn cãi chán từ việc báo cơ quan, địa phương chủ quản khu đất đến việc chuyển đến nơi khác lễ rồi làm sao đưa người chết lên. Có nhiều người bàn ra tán vào sau đi đến quyết định. Lễ vẫn làm ở đây. Đã định làm rồi giờ bỏ đi, các cô quở trách rồi giận dỗi mà phạt thì chết. Riêng đưa người chết lên, người bàn lấy câu liêm, ngoặc vào người mà kéo lên. Người thì nói luồn dây vào nách mà kéo. Sau có ai đó nói nhờ anh Cò, nhà chài đưa lên. Năm nào, vào mùa mưa lũ, anh ấy chả vớt vài ba mạng người chết trôi về chỗ này. Mấy đời nhà anh ở đây đều kiêm luôn vớt xác trôi. Cứ thấy là vớt chứ có ai nhờ vả gì đâu. Giờ có lời nhờ thì kiểu gì anh ấy cũng làm.

Lão Ngư ngồi đầu mũi, hút xong điếu thuốc, nói vọng vào nhà thuyền.

– Hai cô chịu khó ngồi chờ tôi đi gọi thằng cháu nó về. Chắc lại vào xóm giúp ai việc gì rồi.

Mấy phút sau, người ta thấy anh Cò về. Không nói không rằng, anh Cò rẽ mọi người, lội xuống, đưa tay bế xác người đàn ông lên. Anh lật xác, đặt giữa sân rồi lặng lẽ bỏ đi. Mấy người bạo, lục tìm trong túi áo, túi quần nhưng không có giấy tờ tùy thân. Mọi người lại xúm vào bàn chuyện báo cơ quan chức năng, chính quyền. Bỗng có ai đó kêu lên.

– Ơ. Ông này nhìn quen quen. À. Tôi nhớ rồi. Ông này hay lên trên ti vi. Nói hay lắm. Có lần, tôi đang xem, thằng con về thấy vậy bảo: Bố xem làm gì, nghe làm gì những chuyện này.

– Thế thì chuyện nhỏ – Có tiếng trong đám đông – Người này mà thế, chỉ cần chụp ảnh, đưa lên mạng tìm người nhà. Cái búng tay là cả thế giới đều biết. Cần gì phải báo ai.

Cậu Phỏng giục chạy vào trong miếu, lấy cái chiếu ra phủ lên rồi nói mọi người vào trong để làm lễ.

Hầu chưa được nửa giá, người ta thấy bà Xoắn hớt hơ hớt hải chạy đến. Bà lật chiếu lên xem. Vừa nhìn thấy mặt xác người chết, bà Xoắn hét lên ối anh ơi là ngã ra. Những người trong miếu chạy ra, xúm đen xúm đỏ xì xào bàn tán. Từ miệng, mũi, hốc mắt, lỗ tai người chết một dòng máu chảy ra, tanh nồng, thâm sì như tiết trâu. Có một sợi khói rất mảnh màu xám chì thoát ra khỏi chiếc chiếu lướt nhẹ trên mặt sân rồi bay vào trong miếu. Cũng liền lúc đó, có hai sợi khói mảnh, màu trắng, bay từ trong miếu ra, sà xuống sàn nhà thuyền chài.

Lão Ngư rót bát nước vối làm một hơi cạn, quay vào hỏi.

– Hai cô nay định đi đâu mà vấn tóc, cài trâm, mặc đẹp như đi hội thế?

– Chị em tôi nay đến chào ông, xin phép để về quê – Cô chị nói – Có người khác đến giành chỗ trên ban thờ rồi. Chị em tôi giờ chỗ trú nhờ cũng không còn. Chị em tôi còn biết đi đâu là về quê.

– Ấy là chị em tôi nghĩ thế, chứ không biết đất quê có còn không. Mà có ai nhớ đến đâu. Bao năm nay có thấy ai đi tìm. Chị em tôi nghĩ. Thôi thì cứ về xem sao rồi tính sau – Cô em nói chen.

Nhìn ra ngã ba, dòng xoáy giờ mở rộng, tiếng xoáy nước rít lên hu hú. Nước chảy mỗi lúc một xiết, mấy khóm lau bị nước ngập đến cuống hoa, tự nhiên sụt xuống, trôi quãng xa mới thấy mấy cuống hoa nhấp nhô trên mặt sóng.

– Thôi thì. Hai cô cứ đi về thử xem sao. Nếu không có chỗ trú, về đây với ông cháu tôi. Bao đời nay, dòng họ nhà tôi ăn nước sông, uống nước sông, chết dìm sông. Mà tôi dặn này. Hai cô có trở lại, nhớ đừng tìm cây ruối già. Tôi nghe nói có người trả tiền mua về để làm cây bon sai rồi.

– Vâng. Chị em tôi xin đội ơn ông. Có gì lại xin quay về nương nhờ ông vậy.

Dứt lời, hai cô bay đi, dải yếm xanh phơ phất phía sau. Lão Ngư ngồi nhìn theo, đôi mắt rớm lệ.

Phạm Thanh Khương