Một ngày cuối năm, cô giáo chủ nhiệm tới nhà gặp bố Cát sau rất nhiều lần hẹn không thành. Hai người ngồi với nhau bao lâu Cát không biết. Khi Cát bưng rổ rau về đến sân thì cô giáo vừa đi ra. Buổi tối ấy, trước mặt dì, bố nói một câu mà Cát không bao giờ quên được. “Cô giáo nói, con là đứa trẻ rất hay nói dối, khiến cô và bạn bè mất hết niềm tin vào con”.
Đấy chỉ là một trong số những ký ức lấm láp mà Cát nhớ lại trong lúc chờ đợi phỏng vấn. Giờ Cát đã tốt nghiệp đại học ra trường, đang tìm một công việc tại thành phố. Hôm nay là cuộc phỏng vấn vào công ty xây dựng khá nổi tiếng. Gần chín giờ thì cái tên của Cát mới được gọi đến. Trưởng phòng nhân sự công ty là người trực tiếp phỏng vấn. Cô được hỏi ba câu. Thứ nhất, cô có biết ý nghĩa thật sự của tên cô không? Cát trả lời. Bố tôi là lái tầu khai khoáng trên sông. Bố tôi bảo trong cát có vàng. Còn trong ngành xây dựng, cát là vàng. Tại sao cô lại học kỹ thuật vật liệu? Là vì tôi nghĩ tôi thật sự phù hợp với công việc này. Cô có thể kể tên ba vị lãnh đạo của tập đoàn không? Cát kể ra ba cái tên và uể oải trở về phòng trọ. Một suy nghĩ vụt tới. Về nhà đi. Có hai giờ đồng hồ thôi mà. Hãy còn sớm. Cát nhét thêm bộ quần áo vào ba lô, đeo lên vai và lại dắt xe máy ra sau khi vừa ì ạch đẩy vào.
Nằm trên ghế, Cát bật cười nghĩ đến cuộc phỏng vấn. Tại sao Cát lại nói dối trơn tru thế nhỉ? Bố của Cát không lái tàu, không khai khoáng. Bố là lái xe tải và bố chưa bao giờ nói về cái tên Cát của con gái. Hồi đi học, Cát đã gán cho bố mình đủ thứ nghề và tất cả những buổi họp phụ huynh của Cát đều do dì đi họp. Bố Cát chưa từng đi họp cho Cát. Thậm chí bố còn không biết tên cô chủ nhiệm, không biết Cát chơi thân với ai. Vì sao Cát học xây dựng ư? Vì anh Thiên thích xây dựng, mơ ước trở thành kỹ sư xây dựng, Cát cũng thi vào khoa kỹ thuật vật liệu. Cát không có ước mơ gì lớn lao ở tuổi mười tám ngoài việc Cát muốn được ở gần người con trai mà Cát thích từ bé. Còn ba cái tên lãnh đạo, là Cát tình cờ đọc trên báo, hình như cả mấy vị ấy đều có bê bối đời tư hoặc tiền bạc trong đó có vị đang ở tù. Thế là đi tong. Ai người ta tuyển mày đây Cát ơi. Cái Lưu, bạn gái duy nhất của Cát gọi điện thoại hỏi thăm kết quả cuộc phỏng vấn, Cát nói. Tao tạch là cái chắc. Bởi vì cái thằng cha trưởng phòng nhân sự ấy nhận ra tao. Lưu lo lắng hỏi. Mày biết hắn à? Cát thở hắt ra. Thì có lần, trong siêu thị tao vấp ngã, làm cái bánh kem úp vào ngực hắn ta, khiến bạn gái hắn ta tức giận đó. Đôi bên có lời qua tiếng lại. Ôi, số mày nhọ thế. Thôi để tìm chỗ khác vậy. Cát buông điện thoại, ngạc nhiên vì trình độ “sáng tác” của mình. Mà sao cái Lưu ngây ngô thế nhỉ? Làm sao mà Cát làm đổ bánh kem lên ngực tay trưởng phòng nhân sự được chứ. Thì phải nói thế mới khiến cái Lưu tin rằng, Cát bị loại là do nguyên nhân khách quan, do cảm xúc của người phỏng vấn, chứ không do năng lực của Cát. Có lần Lưu hỏi Cát. Điều gì có thể mua chuộc, dụ dỗ mày. Cát đã trả lời thản nhiên. Đứa con gái cứng cỏi và mạnh mẽ như tao, chỉ có thể bị mua chuộc bằng sự dịu dàng. Rồi Lưu lại hỏi. Theo mày, tội lỗi nào của đàn bà là lớn nhất? Lưu trả lời. Phá hủy năm ngôi chùa không nặng tội bằng phá hủy một cuộc hôn nhân. Dì đã phá nát gia đình tao.
Cái người phá nát gia đình của Cát giờ đang ở trong bếp để làm thứ gì đó ăn tạm cho Cát vì Cát bỗng dưng về không báo trước. Bà ấy vừa làm vừa vui vẻ nhún nhảy theo một bản nhạc từ điện thoại. Dì còn trẻ mà. Chưa đến năm mươi thì làm sao mà gọi là già. Và dường như dì thấy mãn nguyện với cuộc sống chung này.
Cái bản nhạc chết tiệt, lời thì có vẻ rất hùng hổ “buồn làm chi em ơi” nhưng nhạc thì buồn thê thảm như trời mưa mười năm chưa dứt. Cát ăn vội bát mì rồi cáu kỉnh đi vào phòng, chốt cửa lại, trùm chăn và nghĩ ngợi một chút. Tại sao không nhắn tin cho anh Thiên nhỉ. Kiều bèn nhón điện thoại lên, khoe khoang “sáng nay em được phỏng vấn ở K.G.M, mai mới có kết quả”. Không biết anh Thiên có tin không nhỉ. Vì đó là công ty anh Thiên làm hai năm nay kể từ khi ra trường. Nhưng lỡ anh Thiên cho rằng Cát là cái đuôi đáng ghét của anh thì sao? Theo anh vào đại học, theo anh đến khu nhà trọ, thuê bằng được căn phòng gần chỗ anh, giờ lại muốn được tuyển dụng vào công ty anh làm. Cát nằm im, mường tượng ra một buổi sáng đẹp trời, hai người bất ngờ gặp nhau ở hành lang phòng họp. Nếu anh chưa nhận ra Cát thì thêm một lần hai người gặp nhau trong thang máy rồi đột ngột mất điện. Cát đang vi vu trong sự tưởng tượng thì chuông điện thoại khiến Cát bừng tỉnh, cô vội lướt nút xanh, phía bên kia, tiếng Lưu lại khàn khàn tra tấn. Ơ thế mày về quê rồi à? Cát chất chưởng. Ừ. Lúc trước tao quên không nói. Con Lưu giở giọng soi mói. Lúc nào mày cũng bảo không muốn về nhà, thế mà, hễ gặp chuyện gì là tót về.
Cát tắt điện thoại, nằm rốn trong vùng hơi ấm chăn đệm của căn phòng thiếu nữ. Căn phòng là chốn đi về, là vùng cát cứ êm dịu của cô mỗi lần rời thành phố. Nơi sạc năng lượng cho cô sau những lần vơi cạn, mệt mỏi, chán nản. Bố cô giờ không còn chạy xe tải đường dài nữa, ông về làm xúc ủi tại công trường gần nhà. Công việc đều đặn, vừa sức và thuận tiện. Trong nhà cô, mọi mối quan hệ đều lỏng lẻo, rời rạc từ khi bắt đầu. Cát nghĩ, bố không nhớ sinh nhật của Cát vì bố chưa bao giờ tặng quà sinh nhật cho con gái. Hai bố con rất hiếm khi tâm sự truyện trò khiến nhiều người lầm tưởng Cát là con riêng của dì, không phải con ruột của bố. Nó lỏng lẻo đến nỗi, chỉ cần ai đó vùng vằng là hai người tuột khỏi nhau. Mà khi đã tuột rồi thì không nối lại được. Còn Cát với dì thì không gọi là lỏng lẻo, mà là hời hợt, cứng nhắc. Sợi lạt dày quá thì buộc sao chặt? Mối buộc thô thiển chiếu lệ. Đến nỗi, vui buồn của người này chẳng hề ảnh hưởng đến thế giới của người kia. Thế còn bố và dì thì sao? Đôi lúc Cát cũng tò mò muốn biết quan hệ của họ là như thế nào. Có thắm thiết mặn mà không. Người đàn bà bị từ hôn quyết tâm giăng bẫy người đàn ông đã có vợ con để trả thù và cô ta đã chiến thắng. Cụ thể là, dì và bố Cát, hai người họ từng yêu nhau và đính ước nhưng rồi trong một lần cãi cọ, bố bỏ nhà ra thành phố làm việc và gặp mẹ, một cô thôn nữ làm thuê ở cùng khu trọ. Thế là hai người thành vợ chồng. Nhưng dì không cam tâm và tìm cách đoạt lại bố. Cô bé hai tuổi và cuộc hôn nhân chóng vánh không đủ sức kháng cự lại mối tình sáu năm sâu đậm. Mẹ thua cuộc, bế Cát rời đi. Không lâu sau đó, một buổi chiều, người ta thấy Cát khóc sưng mắt ở bờ sông. Không ai còn nhìn thấy mẹ Cát kể từ khi ấy nữa. Hơn hai mươi năm đã qua đi. Dì không hung hăng, không độc ác khi không có đối thủ. Dì không còn phải cạnh tranh với ai cả. Dì cũng không cần coi Cát là đối thủ. Vì bố vốn có bao giờ quan tâm đến Cát đâu. Quan hệ của bố và dì êm ả như dòng sông trôi trước cửa nhà Cát. Cát lớn lên như khóm cỏ lau ngoài bãi, tự vui buồn, không đòi hỏi, không trách cứ. Lần đầu Cát nói dối là lúc Cát ba tuổi. Dì hỏi: “Con nhớ mẹ không?”. Sau lúc ngẫm nghĩ, Cát lắc đầu “con không” dù nước mắt vừa được Cát lau đi. Dần dần, Cát thấy, lời nói dối khiến Cát được an toàn. Nói dối là để tự vệ. Năm Cát mười tuổi, đột nhiên một ngày dì hỏi. Con biết hôm nay là ngày gì không? Cát lắc đầu. Con chịu, sao dì hỏi thế? Là Cát nói dối. Có ai lại không nhớ ngày sinh nhật của chính mình chứ. Dù mỗi năm, tới ngày đó Cát đều được nhận một món quà sinh nhật từ dì. Dần dà, những lời nói dối được Cát sử dụng như một lớp áo giáp kín bưng, hoàn hảo. Chưa no Cát bảo no. Chiếc áo dì mua không đẹp nhưng Cát bảo rất thích. Cái bánh bà ngoại cho rất ngon nhưng dì hỏi Cát thấy thế nào, Cát bảo cũng như bánh mua ở chợ thôi. Cát rất thích anh Thiên nhưng dì hỏi thì Cát bảo chỉ xem Thiên là anh trai. Dì hỏi anh Thiên có tình cảm gì đặc biệt với Cát không, Cát bảo không. Anh ấy là người trai ưu tú có rất nhiều cô gái theo đuổi, Cát không có cửa. Lúc đầu Cát còn buồn, còn dằn vặt vì những lời nói dối, giờ thì không. Hoàn toàn không. Cát nghĩ, dối người cũng được, chỉ cần trung thực với chính lòng mình là đủ.
Cát thẩn thơ bước ra sân. Dì đang bắt sâu cho những cây rau cải trong vườn. Cát tiến ra cổng, lễ phép. Con ra bãi chơi với bọn trẻ con. Dì im lặng. Cát theo lối mòn đầy cỏ mần trầu mà đi ra bãi sông. Giờ không còn đứa trẻ con nào chơi ngoài bãi cả. Có lẽ dì cũng biết điều này. Dì biết bọn trẻ ở làng giờ cũng cắm đầu vào học, làm gì còn tuổi thơ để mà thả diều, đào dế, chơi đùa với cỏ cây. Sông giờ chỉ có những người dân làng chài đang cần mẫn giăng lưới. Lời đồn thổi bến đò ngang này sắp được xây cầu càng khẳng định sự hoang vắng của bến sông. Mỗi lần về quê, Cát đều ra đây ít nhất một lần. Những chuyến đò ngang cứ thưa dần và mất hẳn. Người ta chọn đi cầu, dù xa. Người ta không thích cảm giác lênh đênh dập dềnh trên sóng nước nữa rồi. Đi thuyền thì có gì hay chứ. Cát ngồi trên cỏ, nhìn ra mặt sông hiu hắt mờ mịt. Ký ức buồn giống như cái két sắt mà người ta quên mất mật mã. Không mở ra được để thấy trong ấy có gì, còn gì, bao nhiêu, nên người ta mặc định ký ức là chiếc két sắt ấy, lù lù, bất di bất dịch và nặng trịch. Con người cứ cõng theo chiếc két ấy, không thể buông bỏ hay đặt xuống.
Ngồi trên bến sông khoảng ba mươi phút thì Cát về. Điện thoại của Cát có bốn cuộc gọi lỡ. Cát hỏi dì. Là bố con gọi, sao dì không nghe? Dì nhoẻn cười. Tôi lại còn quản cả cuộc gọi điện thoại của bố con chị nữa hay sao? Chắc là mới lấy lương, hỏi con gái đã hết tiền chưa để gửi. Cát phì cười mà trong lòng chua xót. Dù bố có gọi Cát nghìn cuộc, dì cũng chẳng thèm nghe giúp đâu. Vì dì biết giọt máu đào rơi vào bát nước lã thì nó thắm như nào. Cát gọi cho bố thì phía bên kia là một người khác nghe máy. Anh ta quát lại. Con cái gì, bố bị tai nạn, gọi mãi không nghe máy…
Cát và dì vội vàng đến bệnh viện. Nơi bố được đưa vào đó cấp cứu. Bố Cát bị lật xe, tai nạn khá nghiêm trọng nhưng thấy bác sỹ bảo đầu bố may mắn không bị thương. Đúng là vận hạn. Cả công trường rầm rập người và máy móc, sao chỉ xe của bố bị nạn? Sao chỉ bố bị thương rất nặng còn không ai hề hấn gì? Chả phải hạn là gì?
Không biết ai đã thông báo mà anh Thiên gọi điện thoại hỏi thăm bố. Anh nói, nếu cần đưa bố về Việt Đức kiểm tra thì anh sẽ giúp. Nhẽ ra, phải nói là bố bị nhiều vết thương rất phức tạp, gãy ba xương sườn và tay trái thì Cát lại nói. Bố em bị sơ sơ phần mềm thôi anh, chắc vài hôm là ra viện. Có lẽ, Cát không thể không nói dối được nữa rồi. Vì ở đây, trên ghế chờ, nếu có điện thoại ai đó đổ chuông liên tục, thì nên là điện thoại của dì. Mọi quan tâm đến bố nên là từ các mối quan hệ của dì. Cát nói thế để anh Thiên yên tâm. Cát dối anh Thiên và cũng là lần đầu tiên dối mình, rằng bố không sao cả.
Ngày thứ sáu, khi dì phải về nhà ngoại làm giỗ, bệnh viện chỉ còn Cát chăm bố. Lúc ấy, bố mới hỏi. Hôm con phỏng vấn thế nào? Cát ngạc nhiên. Sao bố biết con đi phỏng vấn? Thì bố hỏi cái Lưu. Hóa ra thế. Lưu là đứa bạn thân duy nhất của Cát từ bé đến giờ, bố tin nó là đúng. Thảo nào, nhiều lúc Lưu tra khảo, hỏi cung Cát đến phát bực. Vậy là bố có quan tâm Cát, quan tâm đến cả những suy nghĩ của Cát về tội lỗi của hai người đối với mẹ con Cát. Tại sao bố không tự hỏi Cát mà phải qua Lưu nhỉ? Liệu bố có biết, ngoài Lưu ra, Cát còn có anh Thiên không? Bố có gọi điện làm phiền anh Thiên không? Cát gọi điện thoại cho anh Thiên để thăm dò vài câu nhưng anh Thiên có vẻ rất kín đáo. Cát đành hỏi thẳng. Theo anh, trước giờ bố em có quan tâm đến em không? Anh nghĩ là có. Nhưng tại sao ông không trực tiếp thể hiện sự quan tâm ấy, mà lại phải qua cái Lưu? Anh Thiên thận trọng trả lời. Để em được lớn lên bình an suốt hai mươi năm đấy thôi. Chả nhẽ bố em sợ dì đến thế? Không phải bố em sợ dì. Thế tại sao bố đối với em còn không được như người dưng nước lã? Anh nghĩ là bố không muốn dì làm tổn thương em. Và ngược lại, bố cũng không muốn em làm tổn thương dì. Bố bị tai nạn một phần lỗi ở anh. Anh đã tìm thấy mẹ em, vội vàng báo tin cho bố. Chắc bố sốc. Anh tìm thấy mẹ em thật à? Sao anh không nói với em? Hôm ấy, em đang đi phỏng vấn, anh không muốn tinh thần em bị xáo trộn.
Cát hít một hơi thật đầy, thật căng lồng ngực. Căng nữa, thêm chút nữa, để cái vỏ giáp dày cứng nứt vỡ, tuột khỏi một cơ thể thanh tân, tràn nhựa yêu đời. Suốt thời đi học, Cát không bao giờ bảo bố đi họp phụ huynh, không phải Cát dốt nát. Mà Cát muốn đẩy bố ra xa mình, càng xa càng tốt. Cát nghĩ, quan hệ của bố và Cát càng lỏng lẻo thì dì càng dễ chịu. Dì dễ chịu thì sẽ không gây áp lực cho bố. Người ta bảo, lái xe mà căng thẳng chuyện gia đình thì dễ gây tai nạn, dễ đột quỵ. Để bảo vệ bố, Cát đã chọn những lời nói dối. Còn để bảo vệ Cát, bố chọn im lặng, giữ khoảng cách. Giờ đây, Cát không cần nói dối nữa rồi. Bố cũng không cần im lặng nữa rồi.
Bữa cơm tối được dì chuẩn bị rất chu đáo, mừng bố tai quan nạn khỏi trở về nhà. Bố nhìn dì rất dịu dàng rồi nói. “Đợi cậu Thiên một lát. Em biết cậu Thiên không, bạn trai của Cát đấy”. Cát lạnh hết cả gáy. Tại sao bố lại nói thế chứ? Dì nhìn bố bằng ánh mắt cân đo, tinh quái. Sao bỗng dưng anh lại quan tâm đến Cát thế? Em còn tưởng Cát không phải con gái ruột của anh. Bố gãi cái đầu trọc lóc, nước mắt khẽ lăn xuống má, bố nhanh tay lau đi. Thì anh cũng mới nghe cậu ấy nói. Cậu ấy bảo thích Cát nhà mình lâu rồi nhưng nay mới chính thức đến xin phép. Đến lượt dì nhìn Cát hoài nghi. Cát bối rối, ngượng ngùng. Một lời nói dối để ứng biến lúc này thật dễ. Nhưng Cát không muốn nói dối nữa, chỉ muốn nói thật. Có rất nhiều những tâm sự thật lòng chất đầy, dồn nén bao năm. Chỉ là ngay lúc này Cát chưa biết bắt đầu từ đâu. Sau khi cởi bỏ chiếc áo giáp tự vệ hai mươi năm cô đã mặc, tâm hồn Cát đang được giải phóng, dần nhẹ bẫng và bồng bềnh. Cát úp mặt vào lưng dì thú nhận. Vâng, hai đứa thích nhau ạ.
Ba ngày sau, anh Thiên đưa Cát đến một khu dân cư đông đúc ở ngoại thành. Con đường bê tông nhỏ xíu chạy loằn ngoằn, hai bên đều là nhà ở, tất cả đều na ná nhau. Đến một căn nhà có chiếc cổng gỗ cũ kỹ sơn màu cánh gián, Thiên bảo Cát là đã tới. Trước khi đẩy cửa bước vào, Thiên dặn Cát. Nhà có một người phụ nữ cùng thuê chung với mẹ, nhưng có thể hôm nay chỉ mẹ em ở nhà thôi. Thật ra, anh cũng chỉ liên lạc qua điện thoại, chưa từng gặp. Cát khẽ đẩy nhẹ cánh cửa gỗ và mở rộng một bên cánh để Thiên đẩy xe máy vào sân. Khoảng sân nhỏ xíu có những khóm hoa dừa mọc tự do, bờm xờm không ai xén tỉa. Đôi lúc, Cát nghĩ, nếu không có anh Thiên, có nhẽ Cát đã chìm sâu trong bóng tối của những lời nói dối. Mùi hương nhang khiến Cát giật mình chững lại nhưng anh Thiên cứ đẩy Cát bước vào. Rồi cả hai người ngạc nhiên khi thấy trên những chiếc ghế gỗ, hai người phụ nữ tuổi chưa đến năm mươi ngồi đó. Anh Thiên và Cát ngồi xuống hai chiếc ghế chống ở phía đối diện. Sự sắp xếp này cho Cát cơ hội thuận tiện để quan sát cả căn phòng và hai người đàn bà một cách kỹ lưỡng. Người ngồi trong là một phụ nữ da trắng, tóc nhuộm vàng, cắt ngắn. Khuôn mặt với những đường nét được chăm chút thẩm mỹ. Cát không có ấn tượng gì cả. Chỉ có những cái móng tay được sơn màu cà rốt nom khá đồng bóng. Cô ấy cười cười nhìn Thiên và Cát rồi hỏi. Hai anh em đi từ sớm à? Cát có vẻ thất vọng vì kiểu đón tiếp không giống trong phim tí nào. Cát bẽn lẽn cười, đưa mắt nhìn người phụ nữ ngồi ngoài. Cô ấy có vẻ già dặn bởi nước da ngăm, đôi chân mày để tự nhiên khá dày và sẫm màu. Tóc của cô cũng nhuộm màu hạt dẻ và buộc lọn lên cao như thanh niên. Cô ấy nhìn Cát chằm chằm, nhưng Cát không thấy bất kỳ mối liên hệ đặc biệt nào. Trong đầu Cát cứ lởn vởn một sự phủ định. Cổ họng Cát khô cháy nhưng Cát không dám đụng tay vào cốc trà pha sẵn để trên mặt bàn, phía trước mặt. Cát đi ra sân, lấy chai nước lọc giắt ở võng xe mở nắp, làm một hơi dài, thấy sảng khoái hẳn. Một lúc sau, anh Thiên bước theo ra, dịu dàng bảo Cát. Mẹ đã nhận ra em ngay từ lúc em bước chân vào nhà, còn em, em có nhận ra mẹ không? Cát lắc đầu. Ngày xưa, lúc mẹ bỏ em lại, em mới hai tuổi, em không thể nhận ra mẹ. Thôi, chúng ta về. Cát vùng vằng như đứa trẻ, vừa nói vừa tiến lại cửa để chào hai người đàn bà. Chỉ mình cô tóc ngắn có những cái móng tay màu cà rốt luống cuống đứng dậy, bước ra sân, thảng thốt trong niềm thất vọng:
– Cát! Mẹ đây! Con không nhận ra mẹ sao?
Cát cúi đầu bối rối và ngượng ngùng. Đúng là Cát không mảy may có chút linh cảm nào trước người đàn bà này cả. Trong đầu Cát thoáng hiện ra cái dáng vẻ lúi húi lọ mọ của dì trong căn bếp. Nhất là vào những buổi sáng, cơm và thức ăn chia vào hai chiếc cặp lồng. Một cái cho Cát đem theo đến trường, một cái dì đem vào xưởng may. Những gì ngon nhất đều nằm trong cái cặp lồng bé của Cát. Còn bố, dì bảo bố ăn dọc đường mà sau này Cát mới biết ăn dọc đường là ăn ở trong quán ăn, trong nhà hàng giống như tất cả cánh lái xe. Hơn hai mươi năm không có mẹ, Cát vẫn lớn từng này, học xong đại học. Hôm nay là sinh nhật Cát. Cuộc gặp này đã được hẹn trước cả mấy ngày, mẹ còn chắc lép gì mà không chuẩn bị cho Cát một món quà gặp mặt như Cát từng thấy trong phim nhỉ? Hay là mẹ không còn nhớ ngày sinh của Cát nữa. Nếu không có ly trà lip ton pha sẵn để hững hờ kiểu trang trí trên bàn, Cát chẳng thể nào hiểu được mùi thơm của nước nhân trần, vị ngọt dịu của thạch lá găng, của những cốc sinh tố dì đã làm kèm theo tiếng giục giã “ăn đi cho mát” của dì. Nếu hôm nay không phải sinh nhật Cát, có lẽ Cát vĩnh viễn bỏ quên những món quà sinh nhật dì tặng Cát chất đầy một cái thùng giấy lớn mà Cát chả mấy khi mở ra. Nếu hôm nay, không gặp người đã sinh ra mình, có thể mãi mãi, Cát không nhận ra công lao dưỡng dục của dì, thậm chí, trong suy nghĩ của Cát, dì vẫn mãi là kẻ phá hoại, là người biến Cát thành kẻ dối trá tệ hại. Trong lòng Cát, một nỗi buồn khôi tinh ập tới, trộn vào niềm hạnh phúc sẵn có mà đến giờ Cát mới nhận ra. Không có nỗi buồn này, làm sao Cát nhận ra giá trị của những niềm vui nhỏ bé đã nuôi dưỡng tâm hồn Cát mỗi ngày? Có lẽ, con người ta, nếu chưa từng đau khổ, sẽ khó lòng nhận ra mình đã từng hạnh phúc.
Ánh mắt anh Thiên nhìn Cát như xúi giục, rằng Cát hãy nói dối thêm một lần nữa thôi, anh cho phép, rằng Cát đã nhận ra mẹ. Nhưng Cát vẫn nhìn vào mắt người đàn bà vừa gọi tên cô, tự tin nói thật:
– Con xin lỗi vì đã không nhận ra mẹ!
Người đàn bà bước chậm rãi từng bước về phía Cát. Hai cánh tay đưa ra nhưng không đủ dũng cảm để ôm lấy Cát. Chỉ máy môi thì thào. Mẹ có lỗi với con. Xin con tha thứ cho mẹ!
Anh Thiên tiếp tục “mớm cung” bằng ánh mắt tha thiết và độ lượng, rằng em hãy nói em đã tha thứ cho mẹ đi. Nhưng Cát vẫn chọn nói thật. Dù là âm thầm nói ở trong lòng. Mẹ không có lỗi gì cả, con biết ơn vì mẹ đã sinh ra con. Hơn hai mươi năm con không ở bên mẹ. Vì thế, con cần thêm chút thời gian mẹ ạ. Nước mắt Cát nhòe đi.
Tống Ngọc Hân
Bài viết liên quan: