Mẹ có một mặt trời trên đỉnh núi – Truyện ngắn của Nguyễn Thành Phú

Vệt nắng cuối ngày như một thanh kiếm mỏng manh, sắc lẹm cắt đôi ngọn núi Tà Piêng nhọn hoắt những phiến đá tai mèo. Già Kăn Thô ngồi ở bậc cầu thang ngôi nhà sàn ngước đôi mắt người già nhìn về phía cánh rừng trước mặt trong sắc ráng chiều đỏ quạch phủ xuống khắp cánh rừng. Chợt bà nghiêng một bên tai và đưa tay che phía sau vành để lọc trong tiếng gió thổi, tiếng con suối Sa Đu một âm thanh đang vọng về từ rất xa nhưng làm bà vô cùng lo lắng.

Cúc….cu…cu; cúc…cu…cu….thứ âm thanh của loài chim Pa Pa khi hoàng hôn sắp đem bóng tối về là điềm gở, là dấu hiệu sẽ có điều không tốt sắp xảy ra đối với bản làng. Bà cất tiếng gọi với vào trong nhà

– Ka Dúi ơi, thằng Ka Dúi mô rồi, ra đây A dả (1) hỏi, mau lên.

Một thanh niên tầm khoảng 22 tuổi chạy vội ra

– A dả hỏi con chuyện chi rứa?

– Mày ra đây nghe có phải tiếng chim Pa pa kêu hay không.

Nghếch nghếch đôi tai về phía rừng xa một lúc, Ka Dúi trả lời

– Tiếng chim Pa pa kêu A dả à. Mà có chuyện chi à?

Không trả lời đứa cháu của mình, bà Kăn Thô nói một mình trong nỗi âu lo cứ chẹn đầy ở ngực.

– Chẳng lẽ bản Sê Pu này lại gặp hoạn nạn thêm một lần nữa? Là động rừng hay bị bọn xấu hãm hại?

Bà Kăn Thô ngửa mặt lên trời thì thầm cầu xin

– Giàng ơi, xin Giàng hãy thương cho người dân bản Sê Đu, đừng bắt phải chịu cái khổ, cái hoạn nạn làm cháy rừng, cháy bản, chết người như hồi trước nữa. Con xin Giàng hãy thương lấy chúng con.

Đang lầm bấm cầu khấn Giàng, bà Kăn Thô bị giật mình bởi câu hỏi của đứa cháu trai

– A Dả nói cái chi mà cứ nhìn lên ông trời và đỉnh núi Tà Piêng thế?

– Tao đang cầu xin Giàng đừng cho cháy rừng, đừng cho người bị chết, đừng cho bọn người xấu đến bản để chặt cây gỗ to đem về xuôi. Mà mày lại đi đâu vào giờ ni, không ở nhà ăn cơm à?

– Dạ, cháu đi ra đầu bản có tý việc, lát nữa cháu về cháu ăn cũng được.

Bà Kăn Thô nghe thế liền vẫy đứa cháu trai đến gần rồi hỏi

– A Dả nghe nói bản mình lại có mấy người lạ đến xin ở à? Có phải là họ lại đến phá rừng không đó?

Ka Dúi vội đưa tay xua xua rồi phân bua

– Không phải mô A dả ơi, họ vào để làm đề án bảo vệ rừng đó.

– Rừa thì được.

Bà Kăn Thô thở phào một cái nhẹ nhõm nhưng trong ruột bà vẫn chứa đầy nỗi lo về tiếng con chim Pa pa kêu lúc nãy. Bà không biết đích xác được điều gì sẽ xảy ra với bản của mình nhưng bà cứ cảm thấy nỗi bất an đang rình rập xung quanh bản và cả căn nhà thân yêu của bà nữa. Bà nhớ lại, trước đây cái thằng Thuận đem mấy người ở dưới xuôi lên xin ở nhờ trong bản, hắn cũng nói với dân bản là triển khai cái dự án chi đó do nước ngoài tài trợ để bảo vệ rừng, nhưng ngày ngày nó cứ chặt hết cây gỗ ni đến cây gỗ khác rồi cho cái xe to chở về xuôi, mãi đến khi Kiểm lâm với Bộ đội biên phòng bắt giữ tên Thuận, bà con dân bản mới biết nó lên đây phá rừng.

Dòng suy nghĩ của Kăn Thô bị tiếng gọi của người con dâu làm gián đoạn

– A Y(2) ơi vô ăn cơm.

– Ừ tao vô đây.

Nói đoạn, bà chống gối đứng dậy và bước vào nhà.

Ka Dúi chạy chiếc xe gắn máy màu đỏ đến điểm hẹn rồi đứng chờ dưới gốc cây bằng lăng đầu bản. Tiếng chuông điện thoại đổ dồn, Ka Dúi trả lời

– A lô, cháu chào bác ạ, bác đến đâu rồi, cháu đang đón bác ở cây bằng lăng to đầu bản.

Tiếng người phía bên kia:

– Tốt, bác với mọi người cũng gần đến bản rồi, cháu chờ bác một lúc nữa nhé.

– Vâng ạ. Thế đoàn bác có mấy người để cháu còn nói mẹ cháu chuẩn bị cơm ạ

– Thôi, bác với cả đoàn ăn rồi, cháu cứ dẫn bác đến nhà sinh hoạt cộng đồng của bản để ngủ là được.

– Vâng ạ.

Trả lời xong điện thoại, Ka Dúi nhớ lại lời dặn của chú Tuấn, đồn trưởng đồn Biên phòng Ba Rai và chú Báu ở trạm Kiểm lâm  Ka Tiêng: Sắp tới đây có một đoàn công tác sẽ vào bản để triển khai dự án bảo tồn thiên nhiên và khảo sát mở đường vào thác Tà Păng để làm du lịch, là kiểm lâm viên của bản nên Ka Dúi phải có trách nhiệm theo dõi mọi hoạt động của đoàn và báo cáo với chú Tuấn và chú Báu.

Có tiếng xe ô tô đang rẽ vào bản, Ka Dúi nhìn ra, cùng lúc đó chuông điện thoại vang lên đoạn lời ca khúc “Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương”. Áp điện thoại vào tai, Ka Dúi nói với người đang gọi “Cháu nhìn thấy xe của đoàn bác rồi, cháu đang đứng chỗ cây bằng lăng, đi chiếc xe máy màu đỏ, bây giờ cháu chạy trước nhé”. Nói xong Ka Dúi nổ máy và chạy dẫn đoàn vào nhà sinh hoạt cộng đồng của bản.

Bước xuống chiếc xe con khá sang trọng là một người đàn ông tầm khoảng 55 tuổi, bụng phệ, nước da trắng, đôi mắt hơi nhỏ so với khuôn mặt. Khi Ka Dúi chưa kịp nói gì thì ông đã vồn vả nói với những người trong đoàn “Này các chú, đây là đứa cháu của anh, nó sẽ giúp chúng ta trong suốt thời gian làm việc ở đây, các chú nhớ phải quan hệ cho tốt đấy nhé”. Xong ông liền quay sang Ka Dúi và thân mật hỏi han về cuộc sống, về chuyện học hành, về công ăn việc làm, về hoàn cảnh gia đình…nên Ka Dúi cảm thấy bớt lo sợ hơn lúc đầu nhìn vào khuôn mặt khá bặm trợn của ông.

– Bác tên là Hoàng, phụ trách tổ công tác của tỉnh vào đây điều tra, nghiên cứu việc bảo tồn những loại cây gỗ quý và một số loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngoài ra đoàn của bác còn có nhiệm vụ là khảo sát mở đường vào thác Tà Păng để làm du lịch. Sáng mai bác sẽ gặp bà con trong bản tại đây để nói rõ mọi việc làm trong thời gian tới rồi đoàn sẽ vào ở luôn trong rừng cho tiện công việc. Bác cũng đã báo cáo với đồn Biên phòng và Trạm kiểm lâm rồi nên cháu cứ yên tâm.

Nói xong, ông Hoàng rút ví lấy ra một tệp tiền khoảng 5 triệu đưa cho Ka Dúi rồi dặn “Cháu cầm lấy về đưa cho trưởng bản 2 triệu nói là các chú gửi tiền cảm ơn trưởng bản đã giúp đỡ, số còn lại cháu giữ lấy để đổ xăng hay mua cái gì tùy thích”. Ka Dúi nhận tiền xong rồi chào ông Hoàng ra về.

Buổi sáng, ông mặt trời chưa kịp múc nước từ dưới con suối Tà Piêng để rửa mặt thì tiếng trưởng bản Ăm Hiêng đã vang khắp bản thông báo cho mọi người tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng để nghe đoàn công tác dưới xuôi nói về việc bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã.

Bà Kăn Thô bảo Ka Dúi “Mày ăn xong rồi chở A dả ra nhà sinh hoạt cộng đồng của bản nhé”.

Ka Dúi hỏi lại:

– A dả ra đó làm chi, họ nói mấy cái nớ A dả có hiểu mô mà ra cho mệt.

Kăn Thô nói lại

– Thì tao bảo mày chở ra thì mày cứ chở, bây giờ mày lớn nên không còn nghe lời A dả nữa chứ gì?

Nghe A dả nói vậy, Ka Dúi đành xuống giọng “Dạ, rứa thì ăn xong, cháu sẽ chở A dả đi”.

Lúc bà Kăn Thô có mặt thì mọi người đã tập trung khá đầy đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Trưởng bản Ăm Hiêng đứng lên yêu cầu bà con giữ trật tự và giới thiệu lý do về đoàn công tác có mặt tại bản. Bà Kăn Thô cố len đám đông để lên chỗ có chiếc ghế trống chưa ai ngồi và bà quan sát các thành viên của tổ công tác. Lướt qua một lượt chợt mặt bà biến sắc khi dừng lại ở vị trí của người phụ trách. Bà thắc mắc trong suy nghĩ của mình. Giống lắm, giống thằng Thuận lắm nhưng bà không dám chắc vì người đàn ông này béo hơn, nước da trắng hơn, râu ria được cạo nhẵn thín, dáng đi bệ vệ nên bà cứ thấy khang khác thế nào ấy. Nhưng đôi mắt với khuôn mặt lại làm cho bà có nhiều cơ sở để khẳng định ông Hoàng chính là tên Thuận trước đây đã đến bản Sê Pu chặt nhiều cây gỗ to, săn cả thú rừng để chở về xuôi kể cả lũ hổ cũng phải chết bởi tiếng súng của bọn chúng. Dân bản tức lắm nhưng ai cũng sợ lũ chúng nó trả thù nên không dám báo với kiểm lâm và đồn biên phòng hay chính quyền xã. Ông Ăm Thao mới chỉ hỏi bọn chúng răng lại chặt hết cây gỗ to của rừng thế, vậy mà đêm hôm đó, cái chòi đựng lúa trên rẫy của ông đã bị ngọn lửa thiệu rụi, cả mấy con trâu của gia đình ông cũng bị chết ở bìa rừng do bị súng bắn, năm ấy cả nhà ông phải xin gạo trong bản để ăn. Nhìn thấy nhà ông Ăm Thao như vậy nên chẳng còn ai dám tố cáo bọn chúng, mấy đứa thanh niên xấu trong bản được tên Thuận cho tiền đã đi theo giúp đỡ bọn chúng nữa.

Bà Kăn Thô dừng suy nghĩ của mình khi mọi người xôn xao đứng dậy ra về. Ngồi sau xe của đứa cháu trai, bà vẫn chưa hết suy nghĩ về ông Hoàng. Xe vừa dừng lại trước sân, bà đã nói ngay với đứa cháu.

– Này Ka Dúi, lúc nãy tạo thấy ông Hoàng răng mà giống thằng Thuận quá nhưng người béo hơn, da trắng hơn, miệng lại không có râu nên tao sợ không phải.

Đứa cháu vội gạt đi sự hoài nghi của bà

– A dả già rồi nên nhìn không rõ đấy, bác Hoàng mới lên đây lần đầu, hôm qua cháu phải ra tận đầu bản đón để đưa về nhà sinh hoạt cộng đồng của bản mà, nếu bác ấy đã đến bản mình rồi thì cần chi cháu phải đi đón.

Bà Kăn Thô thở dài rồi tự nhủ “Chắc thằng Ka Dúi nói đúng đó, người ni giống người khác là chuyện bình thường mà”. Nghĩ vậy song bà Kăn Thô vẫn chưa thỏa mãn với lời an ủi từ chính bản thân mình. Bà nhớ lại:

Bà lấy ông Ăm Thiên từ năm 18 tuổi, khi bà có thai thằng Ka Lung thì ông Thiên đi bộ đội rồi vào đơn vị vận tải trên đường mòn Hồ Chí Minh. Thời ấy nơi vùng quê của bà, chiến tranh vô cùng ác liệt, do đây là tuyến huyết mạch giao thông nên suốt ngày máy bay bọn Mỹ cứ quần thảo, bỏ bom đến nỗi rừng cây bị cháy trụi trơ ra những cành khẳng khiu đen sạm. Chiều hôm ấy, cũng vào tầm ông mặt trời chuẩn bị khuất sau đỉnh Tà Piêng thì có tiếng con Pa pa kêu ở phía đầu bản, suốt đêm hôm ấy trong lòng bà như có ngọn lửa cháy làm bà không ngủ được mãi đến lúc con gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên thì bà mới chợp mắt, khi bà thức dậy thì ông Thiên đã không còn nằm bên cạnh bà. Ngày  hôm ấy, máy bay giặc đến ném bom nhiều lắm, nhiều chiếc xe của bộ đội không thể vượt qua được suối Sa Đu nên phải vào hang núi tránh bom. Đến mãi chiều tối, máy bay mới hết ném bom nhưng ngọn lửa vẫn còn thiêu cháy những cánh rừng, mọi người chạy ra khỏi hang núi, số thì lấp hố bom, làm đường cho xe vượt suối, số  thì đi dập lửa cứu rừng để đêm xuống máy bay địch không phát hiện được tuyến đường vận tải qua suối Sa Đu. Nhóm ông Thiên đang cố gắng dập ngọn lửa thì bỗng nhiên một quả bom phát nổ, khi mọi người chạy đến chỉ còn thấy một cái hố sâu hoắm khét lẹt mùi thuốc bom, cả 4 người chẳng ai còn nguyên vẹn cơ thể. Nhận được tin chồng hy sinh, bà thấy cái đau cứ chặn ngang ở ngực, có đêm bà đã nghĩ đến chuyện đi theo ông ra ngủ ở rừng ma nhưng cái thai đã níu chân không cho bà đi ra cánh rừng tìm cây lá ngón.

Ông Thiên hy sinh được 6 tháng thì thằng Ka Lung cất tiếng khóc chào đời ở trạm xá của thanh niên xung phong trong hang núi Tà Piêng. Nó lớn dần lên làm bà vơi bớt đi nỗi thương nhớ ông Thiên. Chiến tranh kết thúc, bộ đội, thanh niên xung phong trở về xuôi, chỉ còn bản của bà là mãi ở với rừng, với núi. Không còn bom đạn nhưng cánh rừng vẫn bị cháy nhiều vào những mùa đốt rẫy, cái đói đã bắt người vùng cao như bà phải chặt cây rừng để làm rẫy trỉa lúa, trồng ngô. Cán bộ Biên phòng, Kiểm lâm đến bản vận động dân bản không phá rừng làm rẫy mà phải tìm chỗ đất bằng để trồng cây lúa nước. Nghe lời cán bộ và thương cả cho những cánh rừng, bản Sê Đu của bà đã khai hoang đất làm ruộng cấy cây lúa theo sự hướng dẫn của cán bộ Biên phòng và cũng từ đó cây rừng trên núi Tà Piêng mọc nhiều hơn, cái lá cũng xanh hơn.

Cũng vào một buổi chiều khi ông mặt trời chuẩn bị chui xuống sau dãy Tà Piêng, tiếng con Pa pa lại cất lên làm cho bà suốt đêm lo lắng. Cả tháng nay, nhóm người của tên Thuận đã chặt nhiều cây to, bắn nhiều con thú quý đưa về xuôi. Ngày chúng có mặt ở bản, chúng bảo với bà con trong bản là lên đây cùng với bà con bảo vệ rừng nhưng chỉ thấy chúng nó phá rừng thôi, nếu có ai trong bản thắc mắc là bị bọn chúng trả thù. Cái thằng Thuận râu ria mọc đầy mặt, trên cánh tay xăm hình con rắn Hổ mang lè cái lưỡi nhìn phát khiếp, khuôn mặt bặm trơn, đôi mắt đỏ ngầu nên chẳng có ai thích nó cả. Nó nói với dân bản, ai đi báo chuyện nó chặt gỗ, săn thú thì sẽ bị đốt lán đựng lúa, giết chết trâu, bò và nó sẽ cho người đó cùng vợ, con ra ngủ ngoài rừng ma. Ngày ngày nó mua rượu, mua lợn làm thịt cho mấy đứa thanh niên trong bản uống rồi thuê chúng vào rừng khiêng gỗ hay gánh thú rừng ra ngoài đường to cho nó. Ham tiền, ham rượu nên lũ thanh niên nghe theo lời thằng Thuận đi phá rừng, chỉ có thằng Ka Lung nhà bà với mấy đứa ngoan là không nghe theo lời xúi bậy của thằng Thuận nhưng cũng chẳng dám đi tố cáo vì sợ bọn chúng trả thù.

Lại tiếng con Pa pa kêu, trong ruột bà như có ngọn lửa đang cháy rất giống cái ngày mà ông Ăm Thiên bỏ bà ra ngủ ngoài rừng ma. Con gà rừng thức giấc gọi theo tiếng gáy của mấy con gà trống trong bản. Theo thói quen, bà trở dậy chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, thằng Ka Lung cả tối đi nhà sim nên giờ vẫn còn ngủ, con Y Viêng, vợ của nó đang mang thai nên bà không nỡ gọi nó dậy sớm. Nhìn Ka Lung nằm ngủ, bà mỉm cười với suy nghĩ về đứa con trai “Có vợ rồi mà đêm mô cũng theo lũ thanh niên ra nhà sim, chẳng giống ông Ăm Thiên ngày trước chi cả”. Bà Kăn Thô bỏ thêm cây củi làm bếp lửa cháy bùng lên trong niềm vui khi nghĩ về đứa con trai ngoan hiền của mình.

Ăn sáng xong, thằng Ka Lung cùng mấy đứa thanh niên đi làm nhà giúp già Vỗ Thương, bà dặn Y Viêng ở nhà rồi đi ra ruộng lúa xem chừng lũ chim về phá. Đang mải mê với công việc, bỗng bà nghe những tiếng gọi thất thanh trong bản “Cháy rừng rồi mau đi dập lửa bà con ơi”. Cả bản vội lao đến chỗ ngọn lửa đang thiêu cháy cây rừng, bà nhìn thấy trong dòng người chạy đi dập lửa cứu rừng có bóng dáng của thằng Ka Lung. Trời nắng to quá, ngọn lửa cứ rừng rực bốc lên theo từng đợt gió thổi.

Đến mãi chiều tối, ngọn lửa mới được dập tắt thế nhưng trên khuôn mặt mọi người ai nấy đều buồn bã như có điều chẳng lành xảy ra. Bà ngồi ở bậc cầu thang để chờ thằng Ka Lung về, ruột gan bà cứ nóng ran như có ai đang châm lửa đốt. Trong ánh sáng mờ nhạt trong ngày còn sót lại có bóng người cõng sau lưng một vật đen nhẻm đi vào sân, linh tính người mẹ đã mách bảo rằng thằng Ka Lung nó không trở về với bà nữa. Bà thét lên tiếng gọi “Ka Lung ơi” rồi đổ gục xuống đất như cây chuối bị ai đó chặt ngang thân. Già làng và mọi người kể lại: Khi đang dập lửa thì thằng Ka Lung nhìn thấy một con Hoẵng đang bị mắc kẹt trong bụi dây rừng có nguy cơ bị thiêu cháy trước ngọn lửa đang lan đến rất nhanh. Không quản nguy hiểm, thằng Ka Lung đã lao vào dùng rựa phát đứt dây rừng để cứu con Hoẵng, khi con Hoẵng chạy thoát khỏi bụi dây thì ngọn lửa đã trùm kín cả người thằng Ka Lung, mọi người chạy vào cứu nhưng thằng Ka Lung đã không còn sống nữa.

Nghe những lời kể, bà chẳng còn khóc nổi, số phận cuộc đời bà, ông trời cứ bắt phải xa người thân, ông Ăm Thiên, chồng bà cũng bị chết khi đang dập lửa cứu rừng, giờ thằng Ka Lung cũng vì cứu rừng, cứu con Hoẵng khỏi bị lửa cháy mà nó không còn ở với bà, với vợ của nó nữa, rồi khi con của nó ra đời cũng không được nhìn thấy mặt A Ăm (03). Bà cứ muốn đi theo thằng Ka Lung như trước đây bà từng muốn ra nằm cạnh ông Ăm Thiên ở ngoài rừng ma nhưng còn vợ thằng Ka Lung đang mang thai nếu bà đi theo nó thì lấy ai chăm sóc cho Y Viêng. Bà cố gắng sống nhưng nỗi đau mất chồng, mất con cứ bắt bà phải khóc đến nỗi đôi mắt bị mờ dần. Từ những lần như vậy nên bây giờ hễ nghe tiếng con chim Pa pa kêu vào lúc mặt trời sắp xuống sau dãy Tà Piêng là bà thấy lo sợ như điềm gở đang sắp trút xuống ngôi nhà của bà.

Từ ngày nhóm người của ông Hoàng vào ở trong rừng xa, cứ vài hôm bà Kăn Thô lại thấy thằng Ka Dúi gùi đồ ăn cho họ nên bà rất lo lắng. Mấy lần bà hỏi thì nó bảo đây là nhiệm vụ mà chú Tuấn và chú Báu giao cho nó, hơn nữa ông Hoàng cũng rất quý nó nên mới đưa tiền để nó mua đồ, thi thoảng ông Hoàng còn cho nó thêm tiền để tiêu. Nó là kiểm lâm viên của bản cho nên việc giúp đỡ người đến bản làm việc bảo vệ rừng thì chẳng có chi phải suy nghĩ. Bà tin thằng Ka Dúi nhưng cái lo vẫn cứ ở trong người.

Ka Dúi bước đi thoăn thắt trên con đường mòn dẫn đến nơi nhóm người của ông Hoàng ở, vừa đi Ka Dúi vừa thắc mắc tại sao tại lán chỉ có năm người mà cái gì cũng to, cũng nhiều. Thức ăn Ka Dúi mới mua một a chói đầy cách đây 2 ngày mà đã hết, gạo thì từng bao chất đầy ở cái lán bên cạnh. Chiều hôm trước mang thức ăn vào, Ka Dúi nghe hình như có tiếng máy cưa nhưng tiếng thác Tà Păng chảy lớn quá, vì thế Ka Dúi chẳng phân biệt được âm thanh ấy có phải là tiếng nổ của máy cưa hay không và nó ở hướng nào. Ka Dúi đem điều thắc mắc này nói với chú Tuấn và chú Báu, nghe xong, hai chú ấy chỉ nói cứ tiếp tục công việc và tìm hiểu xem nhóm ông Hoàng đang làm việc gì. Ka Dúi nghe lời và đang cố gắng thực hiện nhiệm vụ mà chú Tuấn và chú Báu giao.

– Chào Ka  Dúi, cháu gùi hàng có nặng không?

Vừa thấy Ka Dúi, ông Hoàng đã vồn vã hỏi thăm.

– Dạ, không nặng lắm, cháu mua thịt lợn, cá với rau đem vào cho bác đây.

Ka Dúi trả lời nhưng lại ghếch tai về phía rừng xa. Phát hiện hành động của Ka Dúi, ông Hoàng liền nói

– Cháu để đồ xuống đây cho bác rồi về đi kẻo trời nắng.

Ka Dúi đi ra khuất sau bụi cây to định đứng lại để nghe rõ thêm âm thanh lạ nhưng tất cả bỗng dưng biến mất, chỉ còn nghe tiếng gió của rừng xào xạc.

Cũng vừa lúc bóng Ka Dúi khuất sau bụi cây, ông Hoàng liền hỏi mấy người trong lán

– Chúng mày có thấy thằng dân tộc ấy nghi ngờ điều gì không?

– Không, chúng em nhìn mà có thấy nó biểu hiện cái gì đâu.

– Chúng mày còn non lắm.

Ông Hoàng nói thêm

– Lúc nãy khi bỏ cái a chói hàng xuống, nó ghếch tai để nghe tiếng máy cưa đấy, tao phải phát tín hiệu để bọn trên ấy dừng lại ngay chứ để nó mà nghe rõ về báo với Biên phòng và Kiểm lâm thì cả lũ vào bóc lịch trong nhà đá.

Vẫn là lời ông Hoàng ra lệnh

– Trưa ngày kia, tất cả số gỗ đã khai thác được trong mấy ngày hôm nay phải tập kết hết tại đây để đóng thành bè, thả theo thác Tà Păng ra Sa Liêng rồi trôi dần về xuôi. Bằng mọi giá công việc phải hoàn thành trước khi trời sáng.

– Đường khó, cây cối rậm rạp, làm ban đêm nguy hiểm lắm sếp ơi, không khéo bỏ mạng như chơi.

– Thế chúng mày có cần tiền không, có thích ngồi tù bóc lịch không mà bàn lùi?

Cả bọn im thít khi nghe ông Hoàng nói vậy.

Thác Tà Păng được bắt nguồn trên đỉnh động Mang, là dòng suối có độ sâu vừa phải, nước chảy khá mạnh song không có nhiều ghềnh thác nên khá thuận tiện cho việc thả bè vận chuyển các loại vật nặng. Thác Tà Păng nối với dòng Sa Liêng ở dưới chân dãy Tà Piêng và đổ ra biển. Lợi dụng con đường thủy này, tên Hoàng đã lấy danh nghĩa cơ quan nghiên cứu bảo tồn và phát triển rừng để thực hiện hành vi khai thác gỗ ở rừng đầu nguồn.

Cách đây hơn 20 năm, ông Hoàng với tên gọi là Thuận đã đến bản Sê Đu cùng một nhóm đối tượng bất hảo để khai thác gỗ và săn bắn thú rừng trái phép. Sau khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ, khởi tố, Thuận đã bị tòa án tuyên phạt 5 năm tù giam về các tội vi phạm pháp luật quản lý và bảo vệ rừng. Xong thời gian thụ án, Thuận đổi thành tên Hoàng rồi đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Không ai biết Hoàng làm gì bên ấy nhưng khi về lại địa phương thì Hoàng tiêu tiền như một đại gia cỡ bự. Cũng chẳng ai hiểu bằng cách nào Hoàng lại có được giấy phép để mở công ty Bảo tồn và phát triển rừng. Ban đầu Hoàng ươm giống cây và trồng rừng nhưng dần chuyển sang nghiên cứu bảo tồn rừng đầu nguồn song thực chất là khai thác lâm sản trái phép.

Trưa một ngày mùa hạ, nắng và gió Lào thổi làm úa héo cả lá cây rừng. Một đoàn người lặng lẽ, bí mật cắt rừng theo tọa độ đã định sẵn nhằm hướng thác Tà Păng tiến vào.

Giọng ông Hoàng thúc dục

– Bọn mày nhanh tay lên tý, có mấy khúc gỗ mà làm mãi không xong, đúng 2 giờ chiều là phải kết xong bè. Chuyến ni mà về trọt lọt, tao sẽ cho chúng mày thưởng thức những con em trẻ nhất, đẹp nhất ở thành phố Đông Hà.

Bọn lâm tặc đang hí hửng với lời nói của tên Hoàng thì một tiếng hô đanh gọn vang lên làm cả bọn giật mình ngơ ngác “Tất cả đứng im, các anh đã bị bắt vì khai thác lâm sản trái phép”. Khi tất cả định tâm lại thì đôi tay của chúng đã bị những chiếc còng số 8 siết chặt.

Trong lúc lực lượng chức năng lập biên bản phạm pháp quả tang thì từ trong bụi cây gần chỗ trạm trưởng Báu đang đứng một bóng người lao ra dơ đoạn cây nhằm vào trạm trưởng Báu đánh xuống. Thoáng nhìn thấy sự nguy hiểm, Ka Dúi chỉ kịp đẩy trạm trưởng Báu, còn mình lại hứng trọn cú đánh như trời giáng của tên lâm tặc. Ka Dúi chỉ kịp kêu lên “Đau quá” rồi ngất lịm. Phát hiện ra sự việc, lực lượng chức năng đã truy đuổi và bắt gọn tên lâm tặc liều lĩnh, số còn lại đưa Ka Dúi ra xe ô tô để chở đi cấp cứu tại bệnh viện huyện.

Thêm một lần bà Kăn Thô khóc nghẹn khi nghe tin đứa cháu trai của mình bị kẻ xấu hãm hại đang phải đi cấp cứu chưa biết sống chết ra sao. Bà ngước mặt lên trời khẩn cầu “Giàng ơi, xin giàng thương lấy thằng Ka Dúi, đừng bắt nó phải chết như ông nội và cha nó. Sao cứ mỗi lần có tiếng con chim Pa pa kêu khi mặt trời xuống núi là nhà bà lại gặp xui xẻo thế này”. Bà ngồi xuống bậc cầu thang và chờ đợi.

Mười ngày sau, bà Kăn Thô đang định ra xem ruộng lúa thì có một chiếc xe con chạy vào đỗ ngay trước sân. Người đầu tiên trên xe bước xuống là đồn trưởng Tuấn trong sắc phục Bộ đội Biên phòng, tiếp theo là trạm trưởng Báu mang trang phục nghành Kiểm lâm, tiếp đến là Y Viêng, người sau cùng là Ka Dúi, trên tay ôm chiếc Bằng khen, mà nó còn mặc áo quần Kiểm lâm nữa chứ, làm bà chẳng hiểu chuyện chi đang xảy ra. Trạm trưởng Báu cất lời:

– Báo cáo Mẹ, với thành tích xuất sắc trong công việc phối hợp, giúp đỡ lực lượng chức năng bắt nhóm người phá rừng do tên Hoàng cầm đầu, cháu Ka Dúi nhà ta đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và tuyển dụng cháu vào công tác tại Khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh.

Đồn trưởng Tuấn nói với bà

– Tên Hoàng chín là tên Thuận trước đây đã vào bản mình chặt cây, săn thú phá rừng, nhờ anh Ka Lung báo mà chúng con đã bắt và trừng trị nó.

Bà Kăn Thô ôm chặt Ka Dúi nói trong sự xúc động

– Nó là cháu nội của Ăm Thiên, là con trai của thằng Ka Lung mà. Ông nội nó, cha nó yêu rừng thì nó cũng phải yêu rừng chứ.

Tất cả mọi người đều im lặng. Bà Kăn Thô nhìn lên đỉnh Tà Piêng lúc này mặt trời như đang neo lại trên đỉnh núi cao nhất của bản Sê Đu. Bà nói với mọi người và với cả lòng mình: Ông Ăm Thiêng, thằng Ka Lung, thằng Ka Dúi là mặt trời của Mẹ luôn ở trên đỉnh núi./.

 

                                                                                          Nguyễn Thành Phú

                                                                              

 

Chú thích:

– (1) A dả: Bà.

– (2) A Y: Mẹ

– (3) A Ăm: Bố