“Ngôi nhà chung” giữa Biển Đông

Trường Sa trong tôi vừa gần vừa xa, vừa lạ vừa quen. Những mênh sóng gió và cảnh vật Trường Sa đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi từ nhỏ qua những trang báo, thước phim và lời kể của đồng chí, đồng đội, những người đã từng đặt chân lên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi cũng được nghe kể là nơi đây, có cây phong ba, cây bàng vuông xanh rì trên biển mặn với những chiếc lá bão táp mỏng manh nhưng tiềm tàng sức sống. Nơi đây còn có những người lính can trường dù cuộc sống còn nhiều vất vả, gian lao nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, ngày đêm canh giữ biển trời cho Tổ quốc.

Và rồi cơ duyên đến với tôi khi được tham gia chuyến công tác Trường Sa lần đầu tiên vào tháng 5.2024, đúng mùa biển êm dịu và đẹp nhất trong năm, vậy nên cảm xúc của tôi cũng như những thành viên trong đoàn phấn khích và háo hức vô cùng. Vượt qua hàng trăm hải lý, băng qua biết bao con sóng xanh ì oạp nối đuôi nhau, con tàu KN-491 đã đưa chúng tôi đến thăm cán bộ, chiến sĩ, quân và dân xã đảo Sinh Tồn. Đúng như trời đất sinh ra và trường tồn vĩnh cửu với thời gian, Sinh Tồn hiện ra sừng sững trước mắt tôi như một thành phố thu nhỏ, tràn đầy sức sống giữa biển nước bao la Trường Sa.

Đặt chân lên đảo, đi qua cầu cảng, phóng tầm mắt ra xa là âu tầu đảo Sinh Tồn rộng lớn, có khả năng chứa tới hàng trăm tàu cá công suất lớn. Vào tới Trung tâm Dịch vụ Hậu cần – Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, thuộc Hải đoàn 129, tôi được đồng chí Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng, Chỉ huy trưởng Trung tâm đưa đi tham quan từ khu vực tăng gia, khu nhà làm việc đến khu vực sửa chữa tàu…

Tôi thấy kì lạ là trên đảo mặn mòi, khô khát thế mà vườn rau nơi đây vẫn bừng bừng sức sống chẳng kém gì đất liền. Giải thích cho thắc mắc của tôi, anh Đăng cười hồn hậu: “Để chắn gió muối cho rau, anh em trong đơn vị phải xây tường gạch trát xi măng xung quanh, rồi làm khung chăng lưới phía trên để cây có môi trường phát triển lí tưởng. Thức ăn cho rau có khi là đầu cá biển đã được ủ ngấu hay nước vo gạo nấu cơm hằng ngày… sở dĩ anh em chăm chút cho vườn rau với bao mồ hôi như vậy là vì mỗi lần nhìn vào vườn rau xanh tốt sẽ thấy đất liền gần hơn. Anh Đăng còn cười hóm hỉnh, các anh chị có nhìn thấy lá rau mùng tơi ở đây to bằng bàn tay không, tối nay chỉ cần bứt vài lá thôi là có thể nấu được canh “đãi tiệc” cho cả chục người ăn đấy”.

Thấy tôi phăm phăm chiếc máy ảnh trên tay tác nghiệp, đồng chí Đăng khen tôi “khỏe sóng”. Anh lí giải: Đảo Sinh Tồn có vị trí địa lí cách đất liền hàng trăm hải lí, kể cả lúc biển êm như tháng 5 này, các đoàn ra công tác vẫn có nhiều đồng chí bị “say đất” tức là sau thời gian ngồi trên tàu bị sóng làm cho lắc lư, khi đặt chân lên đất liền cơ thể không thích nghi kịp dẫn đến trường hợp bị say. Tiếp tục dẫn đoàn đi tham quan doanh trại, tôi không khỏi ngạc nhiên vì ở giữa chân trời mênh mông sóng nước này các anh còn trồng được đủ các loại rau, củ, quả chẳng khác gì đất liền.

Ngoài trồng rau, Trung tâm còn thường xuyên nuôi gối đầu từ 3-5 con lợn, duy trì đàn gà, vịt từ 70 đến 100 con. Chỉ vào đàn lợn đang ăn no căng tròn anh nói, chúng là giống được mang từ đất liền ra, khi mang ra đây chúng bị thay đổi môi trường sống và một phần bị say sóng rất hay bỏ bữa, anh em chiến sĩ trước không có kinh nghiệm chăm sóc nên những chú lợn giống và các loại gia cầm mang từ đất liền ra càng nuôi càng hao cân. Sau vài lần rút kinh nghiệm, các giống được mang từ đất liền ra anh em cho tách đàn, chăm sóc theo chế độ đặc biệt để những giống vật nuôi này thích nghi và nhanh chóng phát triển để đóng góp vào nguồn thực phẩm cải thiện đời sống cán bộ chiến sĩ trên đảo.

Nói đến những khó khăn, Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng, Chỉ huy trưởng trung tâm Dịch vụ Hậu cần – Kỹ thuật đảo Sinh Tồn cho biết, ở đây thiếu nhất là nguồn nước ngọt, mọi người phải chắt chiu từng giọt nước mưa không chỉ để dùng trong sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi mà còn cấp miễn phí cho ngư dân. Mải mê tham quan ở vườn rau giữa thời tiết nóng nực, quần áo và tay tôi bị dính bẩn, mồ hôi nhễ nhại. Thượng úy QNCN Lưu Hoàng Long, nhân viên của Trung tâm đang tưới rau, lấy ngay âu nước bảo tôi rửa tay. Biết ở nơi nắng gió này, nước quý như máu, tôi chỉ dám xin chút ít rửa tay để đỡ dính bẩn vào máy ảnh. Xong chàng ta tếu táo: “Được giúp đồng chí phóng viên xinh thế này, tôi múc cạn cả bể cũng được”. Trong không gian mênh mang giữa trùng khơi câu nói hóm hỉnh từ chàng sĩ quan khiến cả đoàn công tác phấn chấn bởi cảm nhận được sự lạc quan, yêu đời, và ý chí vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của những người lính canh giữ biển trời Tổ quốc.

Vườn rau xanh trên đảo Sinh Tồn được các cán bộ, chiến sĩ chăm chút hết sức cẩn trọng.

 

Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng còn bật mí: “Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần – Kỹ thuật đảo Sinh Tồn đã hỗ trợ hàng trăm cân rau xanh, củ, quả các loại, gạo, thịt… cho hơn 100 lượt tàu cá. Tiếp nhận gần 1.000 lượt lao động vào âu tránh gió và xin hỗ trợ các dịch vụ; cung ứng có tính phí theo giá thị trường 15.000 lít dầu DO, cấp miễn phí gần 100.000 lít nước cho ngư dân….”. Những con số khiến tôi vô cùng ấn tượng và khâm phục nỗ lực của các anh để có được thành quả như vậy. Các anh còn bộc bạch, mong muốn cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng nhà máy làm đá để phục vụ ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, góp phần nâng cao giá trị khai thác nguồn lợi hải sản hơn nữa.

Chia tay Sinh Tồn, tôi được ghé thăm Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây. Trung tâm thuộc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ khai thác Biển Đông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ hoạt động từ tháng 5.2005. Được trên đầu tư đồng bộ, Trung tâm có diện tích hơn 8ha, gồm khối nhà hội trường, văn phòng, kho hàng, nhà máy nước đá, kho lạnh, kho động, triền đà và các phòng máy được trang bị máy phát điện phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sửa chữa tàu, thuyền bị hư hỏng. Xưởng cơ khí của Trung tâm được trang bị nhiều máy móc hiện đại như máy hàn, khoan, tiện, phay bào để phục vụ công tác sửa chữa.

Ngoài ra, các trang thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, thiết bị lặn cũng được trang bị đầy đủ phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Theo chân anh Nguyễn Tư Lúa, Quản đốc Phân xưởng sản xuất nước đá, tôi được “mục sở thị” “cỗ máy” làm ra những thanh đá lớn để phục vụ ngư dân giữ lạnh hải sản đánh bắt. Vừa điều chỉnh hệ thống điều khiển, anh Lúa vừa trò chuyện với tôi: “Trung tâm được đầu tư hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt kết hợp với nước mưa trữ, chúng tôi cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu đá lạnh cho các tàu, thuyền bảo quản hải sản trong điều kiện đánh bắt dài ngày”.

Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nước đá được cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây thực hiện để cung ứng cho bà con ngư dân trên biển.

Trong hành trình công tác, đoàn chúng tôi bắt gặp các ngư dân đang tránh, trú trong âu tầu đảo Đá Tây, nhìn thấy các cán bộ chiến sĩ và đoàn công tác, bà con ngư dân niềm nở mở tủ bảo quản lấy “sản vật” biển là những gói cá cơm “sạch” dúi vào tay thân thiện nói: Giữa biển khơi bà con chỉ có chút sản vật biển tặng “đất liền”, các đồng chí đừng chê nhé.

Anh Nguyễn Văn Lầm, ngư dân ở xã Cá Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với nụ cười hiền hậu chia sẻ: “Tàu cá chúng tôi đã ghé âu tầu Đá Tây từ hôm trước để tiếp thêm dầu, đá và bổ sung các nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chuyến đánh bắt hải sản dài ngày sắp tới. Từ lâu bà con chúng tôi đã coi các cán bộ, chiến sĩ trên đảo là người thân, âu tàu đảo Đá Tây là “ngôi nhà chung” bởi ở đây có những người thân luôn quan tâm hỗ trợ mỗi khi chúng tôi cần đến. Các chú bộ đội trên đảo đã cung cấp cho chúng tôi đá cây, nước ngọt miễn phí, hỗ trợ dầu máy với giá rẻ hơn khi mua trong bờ. Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây đã giúp bà con ngư dân chúng tôi an tâm vươn khơi bám biển dài ngày.

Bà con ngư dân phấn khởi và an tâm bám biển khi nhận được sự hỗ trợ từ cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây.

Đồng chí Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên đảo Đá Tây A chia sẻ: Những năm qua, công tác dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng ngàn con tàu của bà con ngư dân đánh bắt, khai thác trên vùng biển Trường Sa – DK1. Các dịch vụ ưu tiên, ưu đãi của Công ty đã mang lại niềm tin, là chỗ dựa vững chắc, địa chỉ tin cậy cho ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, khai thác nguồn lợi thủy sản. Đồng thời khẳng định sự hiện diện thường xuyên của ta trên vùng biển thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam”.

Cùng với Sinh Tồn, Đá Tây, Trung tâm dịch vụ Hậu cần – Kỹ thuật Âu tàu đảo Trường Sa cũng là điểm dừng chân lí tưởng cho các con tàu vượt qua quần đảo bão tố. Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao, vì vậy, trong âu có nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình thuận, Phú Yên… đến khai thác thủy, hải sản.

Từ cổng Thị trấn Trường Sa, rẽ phải một đoạn không xa là Trung tâm dịch vụ Hậu cần – Kỹ thuật Âu tàu đảo Trường Sa, tôi gặp Thiếu tá Trần Cộng Hòa, Chỉ huy trưởng Trung tâm đang chỉ đạo anh em sắp xếp tàu, thuyền neo đậu, cập cảng trong âu. Nhiệt huyết và hào sảng, vừa làm, anh vừa nói: “Ngoài tàu thuyền được neo đâu, cập cảng miễn phí, chúng tôi còn cung cấp nước ngọt miễn phí cho người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm có dịch vụ thu mua hải sản và bán một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm với giá thỏa thuận…”.

Trung tâm Hậu cần – Kỹ thuật trên đảo Trường Sa.

Đồng chí Hòa chỉ cho tôi thấy 3 cầu cảng cung cấp dịch vụ tiện ích. Năm vừa qua, Trung tâm đã sửa chữa thành công 36 tàu cá ngư dân, trong đó, có trường hợp cứu hộ cứu nạn được cứu kéo vào âu tàu chống chìm, sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng rất nặng. Gắn bó với biển bao năm qua, anh trầm ngâm: “Đồng hành với ngư dân, thương ngư dân mình nhiều lắm. Anh em mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió, cực lắm. Càng thương, chúng tôi thấy mình càng phải nỗ lực nhiều hơn”. Khi được hỏi về gia đình ở phương xa, anh có chút ngập ngừng: “Ở đây nhớ vợ nhớ con. Về nhà thì lại nhớ biển. Tối nằm mơ thấy biển gọi. Lòng chịu không nổi. Biết là vất vả, gian nan, nhưng chút khó khăn này có xá gì. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…”.

Nghe anh nói, tôi thấy thực sự khâm phục bộ đội hải quân, những con người lựa chọn gian nan, thử thách, vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình.

Âu tàu trên đảo Trường Sa, nơi được bà con ngư dân tin tưởng, thường xuyên neo đậu tránh trú và bổ sung những vật dụng cần thiết cho những chuyến vươn khơi bám biển.

Cùng với Sinh Tồn, Đá Tây, Trường Sa, Âu tàu đảo Song Tử Tây cũng có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn. Tiếc là chuyến công tác lần này, tôi chưa có dịp ghé thăm, nhưng qua tìm hiểu, được biết đây là bến đậu an toàn cho ngư dân các tỉnh duyên hải ra khai thác hải sản ở vùng biển quần đảo Trường Sa. Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá của Hải đoàn 128 tại Âu tàu xã đảo Song Tử Tây là điểm tựa tin cậy, vững chắc cho ngư dân phát triển kinh tế biển.

Trung bình hàng năm, Âu tàu Song Tử Tây đón từ hàng trăm lượt tàu; cung cấp hàng nghìn mét khối nước ngọt miễn phí, hàng chục nghìn lít dầu DO cùng lương thực, thực phẩm cho ngư dân với giá ngang bằng trong đất liền; đưa hàng trăm lượt ngư dân được lên đảo khám, chữa bệnh miễn phí… góp phần giúp bà con ngư dân yên tâm sản xuất trên biển và phối hợp với các lực lượng tham gia quản lí, bảo vệ chủ quyền các vùng biển, đảo xa bờ của Tổ quốc.

Thật khó nói hết được cảm xúc của những người lần đầu tiên có cơ hội đi thăm và tìm hiểu đời sống của quân, dân trên huyện đảo Trường Sa và “những ngôi nhà chung” giữa biển khơi. Việc xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão an toàn kết hợp với cảng cá và dịch vụ hậu cần của Đảng, Nhà nước và cán bộ, chiến sĩ trên huyện đảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao giá trị sản phẩm sau mỗi chuyến đi và thu nhập cho bà con ngư dân. Mong sao, trong thời gian gần đây thôi, các trung tâm sẽ được đầu tư thêm về cơ sở, vật chất, xây dựng thêm nhà máy làm đá, nhà máy chế biến hải sản để cuộc sống ngư dân ngày càng được cải thiện. Để họ thực sự là “cột mốc sống” trên biển Đông, góp phần khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

THANH TÚ – THU TRANG – Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội

Trich nguồn: Vanvn.vn