Trò chơi đố lá với thế giới tuổi thơ ở quê tôi

Mặt trời bắt đầu trôi nghiêng dần phía núi. Tôi chạy xe trên đường về nhà mẹ. Những cánh đồng lúa vàng bắt đầu thu hoạch, bông lúa trĩu hạt cong xuống mềm mại ôm ấp nắng gió lúc giao mùa. Những cơn gió mơn man thổi tung mấy lọn tóc lòa xòa bên gò má. Thu cọ vào lòng tôi ngổn ngang bao nỗi niềm. Có gì đó náo nức trong lòng, có gì đó đang bâng khuâng,…

Thật khó định nghĩa mình đang buồn hay vui. Lòng chênh vênh đến lạ. Tôi hít hà một hơi thật dài. Hương lúa hòa cùng hương cỏ cây – một thứ hương đặc biệt của đồng nội đây rồi! Lũ trẻ chăn trâu, chăn bò đang chụm vào nhau cười rúc rích. Quanh chúng là những chồng lá được xếp gọn gàng. “Ồ! Trò chơi đố lá! Lũ trẻ vừa chơi trò đố lá”. Dòng suy nghĩ chợt vụt chạy đến trong đầu tôi như một tia chớp lóe lên trên bầu trời cao rộng, thoáng đãng, mát lành sau cơn mưa mùa hạ.

Nhà văn trẻ Hà Vinh Tâm ở Nghệ An

Ngày bé, nhất là vào những ngày hè, tôi cùng lũ bạn tung tăng khắp đường làng, ngõ xóm. Những thứ quả lúc lỉu đu cành. Chúng tôi hùa nhau trèo hái. Nào là vải, nhãn, na, xoài,… thỏa thích mà ăn, ăn nguyên cả quả, cắn từng miếng một rất ngon lành, gọn  thơm. Thứ quả nào còn xanh, còn chua thì chúng tôi chấm với muối rang thêm một chút ớt đỏ, vừa ăn vừa xuýt xoa, vừa nhỏ nước miếng vừa túa mồ hôi. Ăn xong rồi, chúng tôi chia thành các nhóm. Một nhóm từ 3-5 tên rồng rắn thi nhau đi hái lá. Chúng tôi vừa đi vừa chạy tỏa ra nhiều hướng, dọc theo con đường làng ra tận bờ đê hay lội xuống cánh đồng. Chạy lăng xăng hết bụi cỏ này đến lùm cây kia.

Chẳng quy định thời gian, cứ hô lên là chúng tôi lo chạy đi mà hái, mỗi loại cây một lá đến khi được khoảng ba người hô: “Bay xong chưa, lại tập trung đi nào” thế là hè nhau tụ tập lại. Sau đó, các thành viên trong nhóm ngồi quay vòng tròn vào nhau rồi giơ tay bắt thăm. Cây thăm làm bằng nhành cây nhỏ được bẻ ra thành các que dài, ngắn khác nhau. Ai bắt đúng que dài hơn thì được chơi trước. Người chơi trước đưa một loại lá ra, mấy người còn lại trong nhóm ai đoán đúng tên lá và đưa ra một chiếc lá cùng loại đến khi không có ai đưa được loại lá đó thì người ấy tiếp tục được quyền đưa lá ra lần tiếp theo. Nếu trong nhóm ai cũng đưa loại lá kia ra được thì sẽ phải bắt thăm lại để trao quyền. Nào lá tre, lá bàng, lá ổi, lá na, lá xoài, lá diếp cá, lá tía tô, lá chanh, lá bưởi, lá cam, lá đại bi, lá chua me,…

Hàng trăm thứ lá cứ thế theo suốt tuổi thơ chúng tôi, cho lũ trẻ đồng quê những trải nghiệm thú vị về những laoij cây cỏ xung quanh, từ hình dáng, màu sắc, mùi thơm,… của từng loại lá. Có những lúc có hai loại lá hơi giống nhau thì phải phân biệt bằng mùi thơm của lá, hay nhầm nhất là lá bưởi nhỏ với lá cam to, lá chanh và lá quất lúc còn non. Có lúc bạn đưa ra lá lạ, cả nhóm không ai biết thì cuộc chơi trở nên khá thú vị. Lũ chúng tôi bắt đầu cầm lá lên xem, ngắm nghía đủ ở các góc độ, sờ nắn lá để cảm nhận bề mặt lá, đưa lá lên để ngửi. Rồi đoán tên gọi của nó. Có lúc chúng tôi tự đặt tên loại lá chưa biết kia rồi tạm gọi thế. Đến lúc có người lớn đi qua, chúng tôi níu lại hỏi hoặc cất để cầm về hỏi bố mẹ.

Cứ thế cuộc chơi kéo dài đến lúc kết thúc, ai không còn chiếc lá nào sẽ là người chiến thắng, ai còn nhiều lá nhất sẽ là người thua cuộc. Người thắng cuộc sẽ được người thua cuộc trong nhóm cõng về đến nhà, những người ở vị trí ở giữa sẽ chịu trách nhiệm lùa trâu bò của hai người kia về nhà. Lệ có vẻ rành rọt thế nhưng thực ra nhà chúng tôi ở cùng ngõ xóm đằng nào chả lùa trâu bò về một lúc và gần nhau, chẳng qua là bớt hai tên không dung dăng dung dẻ nhởn nhơ theo bước chân lũ trâu bò mà cười đùa, hè nhau cùng đi thôi, chẳng qua là tạo sự oai phong cho người chiến thắng mà thôi.

Trò chơi đố lá giản dị thôi mà dạy chúng tôi biết bao bài học. Đầu tiên là bài học về cách tìm kiếm các loại lá sao cho nhiều, cho mới lạ. Tiếp theo bài học về cách tổ chức chơi, là cách ứng xử trong các tình huống khi chơi. Sau cuộc chơi, lũ chúng tôi biết thêm được một vài loại lá cây mới, tìm hiểu xem loại cây lá này sống ở đâu, chỗ nào có nhiều. Tại sao lại có nhiều ở chỗ đó. Bao nhiêu kiến thức về sinh vật xung quanh cứ tự nhiên mà hình thành, tự nhiên hoàn thiện trong đầu chúng tôi. Tình yêu thiên nhiên cây cỏ, tình yêu làng xóm, quê hương, tình bạn bè,… cứ thế mà lớn dần trong tâm hồn mỗi đứa nhỏ làng quê một cách từ từ, thấm sâu như thế.

Ngày nay, lũ trẻ có thêm nhiều trò chơi khác nhưng lũ trẻ thôn quê vẫn còn chơi những trò dân dã, nhất là khi chúng tụ tập ở cổng làng, ngõ xóm thân thuộc hay trên triền đê lộng gió. Vài vì thế thỉng thoảng tôi vẫn may mắn được sống lại tuổi thơ của mình ở một góc nhỏ nào đó ở làng quê. Chỉ điều ấy thôi cũng làm tôi cảm thấy mình hạnh phúc, thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, bình yên đến lạ. Căn nhà thân thương của mẹ đây rồi, tôi dừng xe và rưng rưng cất tiếng gọi: “Mẹ ơi! Con đã về ”!

HÀ VINH TÂM

Trích nguồn: Vanvn.vn